Những góc nhìn Văn hoá
Người bình thường và bệnh tật*

Trong những trang đáng ngưỡng mộ và đầy cảm xúc của Sự ra đời của lâm sàng (Naissance de la clinique), Michel Foucault đã chỉ ra cách làm thế nào mà Bichat đã tạo ra “cái nhìn y học xoay quanh chính nó” để yêu cầu cái chết giải thích sự sống.[1] Vì không phải là một nhà sinh lý học, nên chúng tôi không thể láo xược để tin rằng, theo cùng một cách, chúng tôi yêu cầu bệnh tật giải thích sức khỏe. Một điều khá rõ ràng rằng đây là những gì mà chúng tôi muốn nêu ra để tỏ rõ là chúng tôi đang đi trật hướng, và hơn nữa, để nói rằng chúng tôi rất vui mừng khi đã tìm thấy ở Henri Péquignot sự xá tội cho tham vọng của chúng tôi trước đây: “Trong quá khứ, tất cả những ai đã từng cố gắng xây dựng một khoa học về cái bình thường (normal), nhưng không chịu quan sát từ cái bệnh lý (pathologique), thì khoa học này tuy được xem là một khoa học được mang lại trực tiếp, nhưng cuối cùng đều đi đến những thất bại thường rất buồn cười.”[2] Hoàn toàn chịu thuyết phục trước thực tế, như đã phân tích ở trên, rằng nhận thức về sự sống, cũng giống như nhận thức về xã hội, giả định một tính ưu tiên của sự phạm tội so với sự quy củ, nên chúng tôi muốn kết thúc những nhận định mới về cái bình thường và cái bệnh lý bằng cách phác họa một bệnh lý học mang tính nghịch lý về người bình thường (homme normal), qua việc chỉ ra rằng ý thức về tính bình thường sinh học hàm chứa mối quan hệ với bệnh tật. Sự mưu cầu bệnh tật chính là hòn đá tảng duy nhất mà ý thức này nhận ra, và do đó, cần phải có.
Bệnh tật ở người bình thường được hiểu theo nghĩa nào? Không phải theo nghĩa là chỉ có người bình thường mới có thể bị bệnh, giống như người ngu si mới có thể trở thành người có hiểu biết. Không phải theo nghĩa xuất hiện những rủi ro nhẹ gây ra sự xáo trộn, nhưng vẫn không làm thay đổi anh ta, một trạng thái bình bình và cân bằng như cảm lạnh, nhức đầu, ngứa ngáy, đau bụng hay bất kỳ rủi ro nào nhưng không thể hiện ra triệu chứng, bất kỳ dấu hiệu báo động nào nhưng không đặt anh ta vào tình trạng báo động. Thông qua bệnh tật của người bình thường, ta hiểu được sự rối loạn phát sinh trong một thời gian dài từ sự bền vững của trạng thái bình thường, từ tính đều đặn không thể hủ hóa (l’uniformité incorruptible) của cái bình thường, vì thế, bệnh tật phát sinh từ sự thiếu thốn (privation) của bệnh tật, từ sự tồn tại gần như không tương thích với bệnh tật. Phải thừa nhận rằng người bình thường chỉ biết mình bình thường trong một thế giới mà mọi người ở đó đều không bình thường, thế nên anh ta biết mình có khả năng bị bệnh, giống như một phi công giỏi biết mình có khả năng lái chiếc thuyền của anh ta, như một người lịch sự biết rằng anh ta có khả năng “hớ hênh” (gaffe). Người bình thường luôn cảm thấy cơ thể của mình có khả năng bị mắc cạn (échouer) nhưng vẫn đinh ninh sống qua việc đẩy lùi mọi biến cố ập đến với anh ta. Đối với bệnh tật, người bình thường là kẻ sống với sự đảm bảo rằng anh ta có thể tự mình kiểm tra sức khỏe của bản thân trước những gì mà ở người khác vốn diễn ra một cách tự nhiên. Do đó, sự đảm bảo này là cần thiết cho người bình thường để anh ta có thể tin mình và nói với chính mình như thế. Hẳn nhiên, đó không phải là điềm báo của bệnh tật, mà là cái bóng được phóng chiếu của anh ta.
Sau rốt, bệnh tật nảy sinh từ việc thấy mình không bị bệnh trong một thế giới đầy rẫy những người bệnh vây quanh. Và điều gì sẽ xảy ra nếu đây không phải vì chúng ta mạnh hơn bệnh tật hay mạnh hơn những người khác, mà đơn giản là vì cơ hội để bệnh tật phát sinh không hề có? Và điều gì sẽ xảy ra nếu, khi cơ hội ấy ập đến, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, suy nhược, hoặc có lẽ bị động hơn những người khác? Do đó, người bình thường nảy sinh một nỗi lo âu thường trực khi thấy mình vẫn bình thường. Anh ta muốn cần phải kiểm tra bệnh tình của bản thân như một bằng chứng về sức khỏe của mình, tức như một chứng cứ để xem liệu anh ta có bị bệnh hay không, một cuộc tìm kiếm vô thức về bệnh tật, một sự khích động trước bệnh tật. Bệnh tật của người bình thường là sự xuất hiện của một chỗ rạn nứt (faille) trong sự tự tin sinh học của anh ta đối với bản thân mình.
Bản phác thảo của chúng tôi về bệnh lý học rõ ràng là một điều có phần không thực. Phân tích mà nó thay thế có thể nhanh chóng được xây dựng lại với sự giúp đỡ của Plato. “Theo tôi, đây chỉ là cách để nói theo nghĩa đen rằng bác sĩ đã sai lầm, rằng nhà tính toán, nhà ngữ pháp đều sai lầm; thật vậy, theo tôi, không ai trong số họ, trong chừng mực ta thấy xứng đáng với cái tên mà ta đặt cho, không bao giờ sai; và nói một cách nghiêm ngặt, nếu bạn là người quá khắt khe trong ngôn ngữ của mình, không nghệ sĩ nào sai lầm cả; vì anh ta chỉ sai lầm khi nghệ thuật của anh ta bỏ rơi anh ta, và lúc đó anh ta không còn là nghệ sĩ nữa.”[3] Hãy áp dụng những gì được nói ở trên cho trường hợp bác sĩ và người bệnh (client) của anh ta. Chúng ta sẽ nói rằng người khỏe mạnh sẽ không trở thành con bệnh nếu anh ta thấy mình khỏe. Không có người khỏe mạnh nào trở thành con bệnh, bởi vì anh ta chỉ bị bệnh khi thấy sức khỏe của anh ta bỏ rơi anh ta và do đó anh ta thấy mình không còn khỏe nữa. Người nói mình khỏe mạnh, vì thế, sẽ không thấy mình khỏe. Sức khỏe của anh ta là sự cân bằng mà anh ấy bồi đắp lại trên những đứt gãy nguyên thủy (ruptures inchoatives) với bệnh tật. Mối đe dọa đến từ bệnh tật là một trong những thành phần không thể thiếu của sức khỏe.
---
Phạm Tấn Xuân Cao dịch
Dịch từ: Georges Canguilhem, Những nhận định mới liên quan đến cái bình thường và bệnh lý (Nouvelles réflexions concernant le normal et le pathologique [1963-1966]).
* Tiêu đề do người dịch tự đặt.
** Georges Canguilhem (1904-1995) là nhà triết học nổi tiếng người Pháp. Vào trường École Normale Supérieure năm 1924, ông là bạn cùng lớp của Jean-Paul Sartre và Raymond Aron. Năm 1948, ông giảng dạy triết học tại Đại học Strasbourg, 7 năm sau được bầu làm giáo sư tại Đại học Sorbonne và kế nhiệm Gaston Bachelard làm giám đốc Viện lịch sử khoa học (Institut d’histoire des sciences).
Canguilhem là một trong số ít những nhà triết học của thế kỷ XX phát triển một hướng tiếp cận về y học. Ông đã đưa ra định nghĩa về phương pháp nghiên cứu lịch sử khoa học mang tính nghiêm ngặt và thực tiễn. Tác phẩm của ông, một mặt, tập trung vào các khái niệm “bình thường” và “bệnh lý”; mặt khác, tập trung vào một lịch sử phê phán về sự hình thành của khái niệm “phản tư’ trong lịch sử khoa học. Ông còn là thầy của một vài học giả Pháp nổi tiếng, tiêu biểu trong số đó là Michel Foucault, khi đỡ đầu cho công trình Lịch sử chứng điên thời cổ điển (Histoire de la folie à l'âge classique) của Foucault lúc ông thực hiện luận án tiến sĩ quốc gia (Doctorat d'État). Tác phẩm của Canguilhem còn ảnh hưởng xuyên suốt đến hành trang tư tưởng của Foucault sau này.
[1] Michel Foucault, Sự ra đời của lâm sàng (La naissance de la clinique), Paris, Presses Universitaires de France, 1962, tr.148.
[2] Henri Péquignot, Khởi đầu của y học (Initiation à la médecine), Paris, Masson, 1961, tr.26.
[3] Plato, Cộng hòa (La République), bản dịch tiếng pháp của Émile Chambry, Les Belles-Lettres.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559378

278

2317

2696

226921

122920

114559378