Những góc nhìn Văn hoá
Virus Corona làm thay đổi chúng ta ra sao

Hãy chối bỏ cho tới khi không còn chối bỏ được nữa: Con người che đậy những nguy hiểm nghiêm trọng nhất bất cứ khi nào anh ta có thể. Và rồi anh ta mệt đuối để phải chấp nhận rằng một con virus nhỏ nhoi mạnh hơn mình rất nhiều.
Chúng ta có thể học được điều gì đó từ quan niệm của nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross liên quan đến các phản ứng của ta đối với dịch Coronavirus. Trong “Về cái chết và cuộc sống diễn ra sau đó” (Über den Tod und das Leben danach), cô đã mô tả năm giai đoạn mà chúng ta phản ứng trước tin rằng ta đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo.
Đầu tiên, chối bỏ (người ta chỉ đơn giản phủ nhận thực tế rằng: “Điều đó không thể xảy ra với tôi, không phải với tôi”). Thứ hai, tức giận (nổ ra khi ta không còn có thể chối bỏ sự thật được nữa: “Làm thế nào điều này lại có thể xảy ra với tôi cơ chứ?”). Thứ ba: xoa dịu (dù sao vẫn hy vọng ta có thể ngoảnh mặt lại hoặc xem nhẹ thực tế: “Ít nhất là tôi còn có thể sống đến lúc con tôi tốt nghiệp”). Sau đó đến: trầm cảm (“Tôi sẽ chết sớm, vậy tại sao tôi còn phải quan tâm đến những thứ kia làm gì?”). Cuối cùng: chấp nhận (“Tôi không thể chiến đấu với nó, thì tôi cũng có thể chuẩn bị tốt cho nó”).
Sinh thái, kiểm soát, dịch bệnh
Năm giai đoạn này, ta cũng có thể nhận thấy khi một xã hội đang phải đối mặt với một vết cắt đau thương. Ta hãy lấy ví dụ về sự nguy hiểm của một thảm họa sinh thái: trước hết, ta có xu hướng chối bỏ nó (rằng đó không là gì khác ngoài một điều hoang tưởng, khi mà trên thực tế nó chỉ là những biến động của các kiểu thời tiết thông thường).
Sau đó xuất hiện sự tức giận (trước việc chính phủ làm ngơ trước những mối nguy hiểm mà các công ty lớn gây ô nhiễm môi trường của chúng ta), tiếp đến là sự xoa dịu (nếu ta tái chế rác thải của mình, ta có thể mua được một lượng thời gian nhất định; hơn nữa, sự xoa dịu cũng có những mặt tốt của nó, khi ta có thể trồng rau trên Greenland, tàu thuyền có thể vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ nhanh hơn nhiều thông qua tuyến đường phía bắc, vì băng đang tan, nên ta có thể sử dụng vùng đất màu mỡ mới ở phía bắc Siberia. Để rồi sự trầm cảm được đánh thức (đã quá muộn, chúng ta đã mất nó...), và cuối cùng xua tan sự chấp nhận - chúng ta đang phải đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng nhất và ta sẽ phải thay đổi hoàn toàn lối sống của mình!
Rủi ro kỹ thuật số
Điều này cũng áp dụng cho sự nguy hiểm ngày càng gia tăng của việc kiểm soát kỹ thuật số đối với đời sống của chúng ta: Trước hết, chúng ta có xu hướng chối bỏ nó (đó là một sự cường điệu, một điều hoang tưởng của cánh tả, không có cơ quan nào có thể kiểm soát các hoạt động hàng ngày của chúng ta...); sau đó sự tức giận bùng phát (nhắm đến các công ty lớn và các cơ quan chính phủ bí mật, những tổ chức vốn biết rõ về ta hơn cả bản thân chúng ta và do đó sử dụng thông tin này để kiểm soát và thao túng ta).
Tiếp đến là sự xoa dịu (những cơ quan có quyền tiến hành truy tìm những kẻ khủng bố, chứ không xâm phạm khu vực riêng tư của chúng ta...), rồi đến sự trầm cảm (đã quá muộn, khu vực riêng tư của chúng ta bị đánh mất, thời gian cho sự tự do cá nhân đã chấm hết) và cuối cùng là sự chấp nhận: Kiểm soát kỹ thuật số đe dọa đến sự tự do của ta, chúng ta nên làm cho công chúng ý thức được tất cả các chiều kích của nó và sau đó bắt đầu chiến đấu với nó!
Vào thời trung cổ, dân cư của một thành phố lâm vào cảnh dịch bệnh đã phản ứng tương tự trước các dấu hiệu của tai họa này. Đầu tiên là sự chối bỏ, sau đó đến sự tức giận (vì ta sống một đời sống lỗi lầm nên ta đáng chịu bị trừng phạt, hoặc hoàn toàn là vì vị Thượng đế tàn ác, người đã để cho dịch bệnh hoành hành), sau đó là sự xoa dịu (điều đó không quá tệ, ta chỉ cần né tránh khỏi người bệnh...), rồi đến sự trầm cảm (cuộc sống của chúng ta đã kết thúc...) và sau đó là những cuộc truy hoan triền miên (vì cuộc sống đã đặt dấu chấm hết, chúng ta muốn vui thỏa tất cả những khoái lạc khi vẫn còn có thể - rượu chè, tình dục...) - và cuối cùng là sự chấp nhận: chúng ta giờ đã lâm vào tình cảnh ấy rồi, nên giờ ta chỉ biết hành động như cuộc sống bình thường vẫn diễn ra mà thôi.
Sự bất an mới
Và liệu chúng ta cũng không phải đang đối phó với dịch Coronavirus bùng phát vào cuối năm 2019 một cách y chang vậy hay sao?
Đầu tiên, chối bỏ (không có gì nghiêm trọng cả, chỉ là một vài cá nhân vô trách nhiệm lan truyền sự hoảng loạn). Sau đó, tức giận (thường theo kiểu phân biệt chủng tộc hoặc hướng đến nhà nước: người Trung Quốc bẩn thỉu là đáng phải tội, nhà nước của chúng ta không hành động hiệu quả...). Sau đó đến xoa dịu (được thôi, có một vài nạn nhân thôi mà, nhưng nó ít nguy hiểm hơn Sars, và chúng ta có thể giảm bớt thiệt hại...). Nếu cách này không có tác động, trầm cảm xuất hiện (chúng ta không nên tự lừa dối mình nữa, tất cả chúng ta đều phải chịu rủi ro). Nhưng những chấp nhận ở đây sẽ trông như thế nào?
Có một thực tế kỳ lạ rằng đợt dịch này tự thân nó vốn có điều gì đó mà ta cũng có thể quan sát như ở trường hợp của những phản kháng xã hội (ở Pháp hoặc ở Hồng Kông): chúng không bùng phát rồi biến mất. Thay vào đó, chúng vẫn dai dẳng và luôn tiếp diễn; chúng mang đến nỗi sợ hãi và bất an thường trực cho đời sống của chúng ta.
Cái mà ta phải chấp nhận và cùng với nó ta nên tự mình đền bù là sự tồn tại của một hình thái đời sống đang hiện diện ở một địa tầng sâu hơn - một đời sống đang giãy chết, lặp đi lặp lại đến cùn mòn và ấu trĩ trước những con virus, thứ sinh vật luôn chực chờ ở đó và sẽ luôn đi cùng chúng ta như một cái bóng đen. Chúng là mối đe dọa cho sự sống còn của chúng ta và bùng phát trong tình cảnh mà chúng ta ít mong đợi nhất.
Ở cấp độ rộng hơn, dịch bệnh virus nhắc nhở chúng ta về sự ngẫu nhiên và sự vô nghĩa đến tận cùng của đời sống chúng ta. Dù gì đi nữa thì những tác phẩm tinh thần vĩ đại mà chúng ta tạo ra cũng đều luôn tính đến con người, trong khi một sự ngẫu phát tự nhiên vô tri như con virus hay một tiểu hành tinh lại có thể đặt dấu chấm hết cho mọi thứ. Do đó, việc hoàn toàn không đếm xỉa đến bài học về sinh thái, chúng ta, loài người, cũng có thể vô tình sẽ đi đến kết cục này.
Đoàn kết hay chỉ là sống còn?
Tuy nhiên, sự chấp nhận này có thể đi theo hai hướng. Nó có thể có nghĩa là một sự tái bình thường hóa ngây thơ về bệnh tật: được rồi, mọi người sẽ chết, nhưng đời thì vẫn cứ trôi, và âu cũng có thể sẽ mang lại một số tác dụng phụ tốt. Hoặc việc chấp nhận có thể khiến chúng ta tự mình giao chiến với bệnh tật mà không hoảng loạn và ảo tưởng.
Liệu đây sẽ là nền tảng cho sự đoàn kết tập thể? Hay ngược lại, bởi vì tất cả mọi người đều chỉ quan tâm đến hạnh phúc (và sự sống còn) của riêng mình?
Đó là câu hỏi lớn trong những ngày này. Câu trả lời chỉ có mỗi mình nhà sử học trong tương lai mới biết được mà thôi.
---
Phạm Tấn Xuân Cao dịch
Dịch từ bản tiếng Đức của Helmut Reuter
Wir Verdrängungskünstler: wie das Coronavirus uns verändert,
Bài viết đăng tải trên Neue Bücher Zeitung(04.03.2020, 05h30)
---
* Slavoj Žižek, nhà triết học người Slovenia, được mệnh danh là “nhà triết học nguy hiểm nhất ở phương Tây” hiện nay. Ông nổi tiếng với tác phẩm Đối tượng trác tuyệt của ý thức hệ (The Sublime Object of Ideology, 1989), ở đó ông đã kết hợp quan niệm duy vật Marxist và phân tâm học Lacan để hướng đến một lý thuyết về ý thức hệ.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559348

248

2317

2666

226891

122920

114559348