Những góc nhìn Văn hoá

Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh

GS. Đinh Gia Khánh

GS. Đinh Gia Khánh sinh ngày 25-12-1924 tại Thái Bình; quê quán tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ông trau dồi học vấn tại Hà Nội. Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, ông dạy triết học và tiếng Anh ở Trường Trung học Chu Văn An (Hà Nội). Sau mấy tháng làm báo ở Trung đoàn Thăng Long, từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 9 năm 1951, ông dạy tiếng Anh và triết học tại Trường Trung học Hàn Thuyên (thị xã Bắc Ninh)1. Từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 6 năm 1956, ông dạy văn học ở Trường Trung cấp sư phạm tại Khu học xá Trung ương (đóng tại Trung Quốc). Từ tháng 9 năm 1956 đến năm 1983, ông giảng dạy văn học và Hán Nôm tại Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Ngoài ra, GS. Đinh Gia Khánh còn giảng bài tại Trường Nguyễn Ái Quốc I và Trường Tuyên huấn Trung ương (cả hai trường này nay thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tại các lớp đại học tại chức do Phủ Thủ tướng, Báo Nhân Dân, Bộ Văn hóa chịu trách nhiệm tổ chức.

Năm 1980, ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư.

Trong những năm 80 của thế kỉ XX, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, Tổng Thư kí Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư vấn của UNESCO cho việc nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á. Năm 1984, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trước khi nghỉ hưu (năm 1999), ông là chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia. Ngày 7 tháng 5 năm 2003, ông từ trần tại Hà Nội.

I. Nhà nghiên cứu văn học đầu ngành

Đã có hơn 30 năm, GS. Đinh Gia Khánh đọc bài giảng về văn học trung đại Việt Nam (từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII) tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Về kết quả nghiên cứu, biên soạn, ông là chủ biên Hợp tuyển thơ văn Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XVII (xuất bản 1963), chủ biên Văn học cổ Việt Nam (hai tập, 1964), chủ biên Văn học Việt Nam thế kỉ thứ X - nửa đầu thế kỉ XVIII (hai tập, 1978 - 1979), chủ biên Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (1983). Trong quá trình Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn công trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập I (Nxb. Khoa học xã hội, 1980), ngoài cương vị là một trong số những tác giả chính, GS. Đinh Gia Khánh còn được giao trách nhiệm xử lí bản thảo lần chót. Đặc biệt, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập văn học Việt Nam. Đây là tổng tập văn học viết, tập 1 được xuất bản năm 1980. Năm 2000, bộ sách này được tái bản có sửa chữa, bổ sung, gồm 42 tập.

Trong lĩnh vực phiên dịch Hán Nôm, ông cùng GS. Nguyễn Lương Ngọc phiên âm Thiên Nam ngữ lục (1958); ông khảo cứu văn bản và là đồng dịch giả Lĩnh Nam chích quái (1960, tái bản 1990).

Về ngôn ngữ học, ông viết bài “Từ cai nghiệt đến cay nghiệt hay là từ tác giả đến công chúng” (1973), bài “Tìm hiểu từ nghĩ trong ngôn ngữ cổ” (1978 - 1979).

Trước khi trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS. Đinh Gia Khánh đã có những cống hiến to lớn đối với khoa nghiên cứu văn học dân gian.

Bên cạnh việc giảng bài tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đi điền dã cùng các sinh viên, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh viết luận văn tốt nghiệp, hoàn thành luận án về văn học dân gian, GS. Đinh Gia Khánh còn công bố những cuốn sách, những bài viết về lĩnh vực này. Những đóng góp của GS. Đinh Gia Khánh trong việc nghiên cứu folklore ngôn từ được thể hiện không chỉ ở phương diện tổng kết, hệ thống các kết quả nghiên cứu của cả giới nghiên cứu văn học dân gian mà còn ở phương diện đề xuất những định hướng nghiên cứu quan trọng có tác dụng thúc đẩy sự phát triển chung của cả ngành nghiên cứu văn học dân gian.

Năm 1962, giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (478 trang) dành cho sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên được Nhà xuất bản Giáo dục công bố. Cùng với cuốn giáo trình về văn học dân gian được dùng trong các Trường Đại học Sư phạm (in lần đầu 1961, tập thể tác giả: Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn), đây là một trong những cuốn sách đầu tiên dưới chế độ mới trình bày một cách hệ thống, với một cách nhìn mới thuyết phục hơn (so với các công trình được in trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945) về folklore ngôn từ người Việt.

Mười năm sau, một bộ giáo trình Văn học dân gian khác cũng của hai tác giả Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (do Đinh Gia Khánh chủ biên) ra mắt bạn đọc. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, sách này được tái bản (không sửa chữa), phục vụ kịp thời sinh viên các trường đại học tổng hợp cả nước.

Năm 1991, giáo trình này được in lần thứ ba. Trong lần in này, các tác gia chỉ biên soạn lại danh mục “Sách báo tham khảo chính”, còn các phần khác hầu như vẫn giữ nguyên nội dung và bố cục của bản in lần đầu, trừ một vài sửa chữa nhỏ không quan trọng.

So với tập giáo trình đầu tay xuất bản năm 1962, trong bộ giáo trình này, cùng với sự phát triển chung của cả khoa nghiên cứu văn học dân gian nước nhà, GS. Đinh Gia Khánh cùng với người cộng sự đắc lực, người bạn đồng nghiệp vốn là học trò cũ, PGS. Chu Xuân Diên đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đó là việc lí giải sâu sắc, toàn diện đặc trưng của văn học dân gian, việc trình bày lịch sử sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam, việc nghiên cứu văn học dân gian người Việt theo tiến trình lịch sử bên cạnh việc phân tích nó theo thể loại. Cùng với thời gian, những người đi sau có thể điều chỉnh hoặc bàn lại luận điểm này hay nhận xét kia của bộ sách, nhưng nhìn chung, giáo trình này là một thành tựu khó vượt qua về tính chất hoàn chỉnh và toàn diện; tính chất này thể hiện ở hệ thống các vấn đề, các chương mục, và trong việc phân tích, lí giải từng vấn đề.

Đối với việc nghiên cứu truyện cổ tích, cuốn sách Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám” (1968) của GS. Đinh Gia Khánh có tiếng vang một thời. Trước khi viết chuyên luận này, năm 1962, trên Tập san Nghiên cứu văn học (số 3), ông đã công bố bài báo công phu “Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích”.

Ra đời vào những năm tháng mà ở Việt Nam, khoa nghiên cứu văn học dân gian đang ở những bước đi ban đầu, bài báo và cuốn sách vừa nêu của GS. Đinh Gia Khánh đã có tác dụng lớn. Đặc biệt, trong cuốn sách vừa nêu, trên cơ sở khối tư liệu phong phú mà tác giả đã giới thiệu một số ở phần phụ lục (86 trang), ông đã nghiên cứu truyện Tấm Cám ở nước ta, và do tính chất tiêu biểu của truyện này, qua việc nghiên cứu toàn diện về nó, ông đã đề cập đến những vấn đề quan trọng của chuyên ngành cổ tích học.

Đối với ca dao, dân ca, bài viết “Nhận xét về đặc điểm của câu mở đầu trong thơ ca dân gian” (1966) của GS. Đinh Gia Khánh cắm một cái mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thi pháp ca dao.

Đối với thể loại vè, ông công bố bài báo rất đáng chú ý: “Cần xác định rõ hơn nữa giá trị của vè, một thể loại văn học dân gian đầy tính chiến đấu” (1966).

Hiện nay, chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau trong nhận thức về vai trò quan trọng, vai trò làm nền của dòng văn học dân gian trong nền văn học dân tộc.

Nhưng cách đây trên ba chục năm, tình hình không phải như vậy, lúc đó ngay cả một vài nhà nghiên cứu văn học có uy tín đáng kính cũng còn xem nhẹ vị trí và tác dụng của văn học dân gian. Bằng các bài giảng, bài viết, chương sách, GS. Đinh Gia Khánh kiên trì khẳng định tầm quan trọng của dòng văn học này, với cách diễn đạt càng ngày càng nói rõ hơn quan điểm của mình. Bài “Vai trò chủ đạo của văn học dân gian” đăng trên Tập san Văn hóa (năm 1970, số 3) là một trong số nhiều bài của Đinh Gia Khánh nhằm giải quyết những vấn đề lớn, có tính chất phương pháp luận, tính chất mở đường.

Thuộc loại những bài có tính phương pháp luận của ông, có thể kể thêm bài “Xác định giá trị của truyền thuyết đối với việc tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương” (Nghiên cứu lịch sử, năm 1969, số 123), bài “Để có thể nắm bắt thực chất của văn học dân gian” (Tạp chí Văn học, 1977, số 6).

*

*         *

GS. Đinh Gia Khánh thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, biết Hán Nôm (sự hiểu biết này chủ yếu do tự học). Ông bao quát cả văn học viết và văn học dân gian, nhiều năm là tổ trưởng tổ văn học viết trung đại và văn học dân gian, đã định hướng nghiên cứu và có ảnh hưởng tích cực đến một đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy văn học viết, văn học dân gian. Trong số đó, hôm nay, không ít người đã thành công hoặc thành danh như Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Lê Chí Quế... Giáo sư không phải là một hiện tượng cá biệt, mà là người tiêu biểu cho một “típ” nhà trí thức, nhà khoa học của một thời kì mà có lẽ lịch sử sẽ không lặp lại. Ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. Bùi Văn Nguyên là người am hiểu Hán học, biết tiếng Pháp, cũng rất nhiều năm là tổ trưởng chuyên môn tổ văn học viết trung đại và văn học dân gian, cũng để lại nhiều cuốn sách, bài viết về cả hai lĩnh vực văn học viết và sáng tác ngôn từ truyền miệng, cũng từng một thời gian giữ trọng trách Tổng Thư kí Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đó là hai nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu cho lớp người của một thời kì lịch sử nhất định. Ngày nay với sự phân ngành và phát triển của khoa học, các chuyên gia thường thể hiện mình trong lĩnh vực chuyên môn sâu và hẹp hơn; tất nhiên cũng có xu hướng nghiên cứu liên ngành hoặc tổng hợp.

Có nguyên nhân dẫn đến những hạt sạn trong di sản quý báu của GS. Đinh Gia Khánh thuộc về hạn chế của cả giới nghiên cứu lúc đương thời, thí dụ việc đánh giá chưa công bằng và chưa chính xác đối với nhà Mạc, việc đánh giá cuộc đời và sáng tác thơ văn của Nguyễn Công Trứ chưa đúng tầm như cách nhìn nhận hiện nay, thí dụ như việc nhận thức chưa đúng về vấn đề niềm tin của người nghe khi nghe kể truyện cổ tích... Có những hạn chế mà nguyên nhân dẫn đến do Giáo sư là chính. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng biên tập Tổng tập văn học Việt Nam, ông đã để cho một vị chủ biên đưa luật tục Ê Đê, luật tục Mơ Nông, các sử thi Đăm Xăn, Đăm Di... vào tổng tập văn học viết là một điều rất đáng tiếc. Cho đến năm 2000, thậm chí năm 2002, ông vẫn giữ quan điểm không công nhận truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian, vẫn giữ nguyên ý kiến Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ thần,... Những hạn chế này liệu có phải là do ông nể nang hoặc do ông không cập nhật bước tiến của cả giới nghiên cứu chăng?

II. Người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hoá dân gian

Tháng 12 năm 1979, GS. Đinh Gia Khánh được cử làm Trưởng ban Ban Văn hoá dân gian (tiền thân của Viện Nghiên cứu văn hoá hiện nay).

Sau 10 năm ra đời của Ban Văn hóa dân gian, chuyên luận Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian của ông được xuất bản. Trong mười năm ấy, giới nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam đã đạt những thành tựu bước đầu trong việc sưu tầm tư liệu, trong việc nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, giới nghiên cứu văn hóa dân gian đã có bước tiến với một trình độ nhất định về lí luận và phương pháp luận. Yêu cầu khách quan của khoa học cũng như sự chín muồi của nó đòi hỏi và cho phép ra đời những công trình có giá trị tổng kết. Tuy với nhan đề khiêm tốn, nhưng về thực chất, cuốn sách của GS. Đinh Gia Khánh đã vươn tới sự khái quát cao, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành folklore học Việt Nam sau này.

Một trong những đóng góp quan trọng của cuốn sách là việc giới thuyết khái niệm “văn hóa dân gian”. Theo tác giả, văn hóa là tiến trình trong đó con người không ngừng phấn đấu nhằm mục đích cải tạo và khai thác tự nhiên ngày càng có hiệu quả hơn và xây dựng những mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà đồng thời cũng lại là tổng thể những thành tựu đã đạt tới và những kinh nghiệm đã thu được trong tiến trình ấy. Xét cho kĩ, văn hoá chính là tiến trình loài người tạo ra bản thân mình (tr. 17 - 18). Tác giả hiểu “văn hóa dân gian” theo hai nghĩa rộng, hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa dân gian (folklore) bao gồm toàn bộ văn hóa vật chất và tinh thần của dân chúng, liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống dân chúng. Còn văn hóa dân gian với nghĩa hẹp (folklore) chính là văn hóa dân gian với nghĩa rộng (folk culture) được tiếp cận từ góc độ thẩm mĩ. Khi nói rằng, folklore là folk culture được tiếp cận dưới góc độ thẩm mĩ là muốn nói rằng folklore là cái phần, cái mặt có tính chất thẩm mĩ của folk culture, rằng folklore là một nghệ thuật. Như vậy, văn hóa dân gian (folklore) là đối tượng nghiên cứu của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian (folkloristique).

Trong chuyên luận Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, với một sự bao quát rất rộng những tài liệu ở Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp cổ đại, GS. Đinh Gia Khánh khẳng định: Từ rất lâu các nhà văn hóa đã biết tiếp thu giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian; tuy nhiên, phải đợi đến sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhận thức về folklore như một đối tượng khoa học mới được từng bước hình thành ở khoa học phương Tây. Tác giả cũng không quên giới thiệu các quan niệm của các nhà khoa học mác xít về văn hóa dân gian.

Để đi đến sự khẳng định: Văn hóa dân gian (folklore) là nghệ thuật nguyên hợp, nhà nghiên cứu đã dành hẳn một chương trong số bảy chương của cuốn sách để phân tích. Tính nguyên hợp (sycrétisme) của văn hóa, văn nghệ dân gian (folklore) được thể hiện trên ba bình diện chủ yếu:

1. Mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nghệ thuật và thực tiễn;

2. Mối quan hệ giữa các thành tựu khác nhau của những thời đại khác nhau và của những địa phương khác nhau;

3. Mối quan hệ giữa các thành tố của folklore.

Sự phân tích của GS. Đinh Gia Khánh là thỏa đáng. Nhân đây, cần nói thêm rằng, tác giả là người đầu tiên đưa khái niệm “tính chất nguyên hợp” vào khoa nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. Từ những năm 1972 - 1973, người đọc thấy khái niệm này xuất hiện trong bộ giáo trình Văn học dân gian (hai tập) do ông làm chủ biên.

Trong sách Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian, tác giả cũng phân tích các thành tố cơ bản của văn hóa dân gian và viết về sinh hoạt văn hóa dân gian.

Khi hệ thống hóa các loại vấn đề lớn của khoa folklore học, GS. Đinh Gia Khánh quan tâm đến bốn loại vấn đề: lịch sử folklore; lí luận folklore; phương pháp luận folklore và công tác khảo sát, điều tra tư liệu, thông tin. Khi viết về lịch sử folklore và lịch sử khoa nghiên cứu văn hoá dân gian ở Việt Nam, tác giả có nhiều thuận lợi bởi vì 18 năm về trước, ông đã cùng với Chu Xuân Diên trình bày việc sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam và đưa ra một phác thảo về lịch sử văn học dân gian người Việt. Theo GS. Đinh Gia Khánh, bộ môn lí luận về folklore có chức năng đi sâu tìm hiểu những vấn đề thuộc bản chất folklore và thuộc mối tương quan giữa folklore và các hiện tượng, các sự kiện có ảnh hưởng qua lại với folklore; bộ môn này hướng sự cố gắng vào việc tìm ra những quy luật chung nhất gắn với sự tồn tại và phát triển của folklore. Những vấn đề như tính nguyên hợp, tính dân gian, tính nhân dân, tính dân tộc, tính địa phương, tính quốc tế, tính phổ cập, mối quan hệ giữa folklore và thực tại, folklore hiện đại... luôn luôn thu hút sự chú ý của các nhà lí luận về văn hoá dân gian. Còn nhiệm vụ của bộ môn phương pháp luận? Cũng theo GS. Đinh Gia Khánh, bộ môn này có chức năng đặt ra phương hướng đúng để tiếp cận đối tượng. Các phương pháp cơ bản được áp dụng trong việc nghiên cứu folklore là: phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp.

Cuốn sách vừa đúc kết những vấn đề cơ bản, vừa gợi mở để chúng ta tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề mà tác giả chưa có điều kiện đi sâu hoặc chưa phân tích hết tất cả các khía cạnh tinh vi, cụ thể của chúng. Tính chất nguyên hợp có phải là thuộc tính của tất cả các thể loại văn học dân gian hay không, mức độ đậm nhạt, đặc thù của nó thể hiện trong các thành tố của văn hóa dân gian như thế nào? Đặc trưng của văn hoá dân gian hiện đại, thi pháp của nó có gì kế tục và những gì đổi mới khác với truyền thống? Đó là những điều mà giới nghiên cứu cần tiếp tục trao đổi.

Với tư cách là người quản lí, GS. Đinh Gia Khánh đề xuất nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh trong việc biên soạn địa chí văn hoá dân gian: Địa chí Vĩnh Phú. Văn hoá dân gian vùng Đất Tổ (1986) do Xuân Thiêm, Ngô Quang Nam chủ biên, Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh (1995) do GS. Nguyễn Đổng Chi chủ biên,... Với tư cách là nhà khoa học, GS. Đinh Gia Khánh là chủ biên Địa chí văn hoá dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1991).

GS. Đinh Gia Khánh còn là tác giả Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á (1993), Văn hoá dân gian với sự phát triển của xã hội Việt Nam (1995) và nhiều cuốn sách khác.

Với trách nhiệm của người quản lí, GS. Đinh Gia Khánh đã tích cực xây dựng Ban Văn hoá dân gian và Tạp chí Văn hoá dân gian ngay từ những ngày hai tổ chức này còn trứng nước, gặp không biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. Xuất phát từ sự khởi động ban đầu bởi uy tín khoa học và khả năng tập hợp đội ngũ của ông cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Tạp chí Văn hoá dân gian hôm nay đã có những đóng góp đáng kể đối với khoa folklore học Việt Nam.

GS. Đinh Gia Khánh đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996)... Tuy ông đã ra đi nhưng sự nghiệp của ông, những cống hiến khoa học của ông sẽ còn tồn tại lâu dài cùng năm tháng. Từ những kinh nghiệm thành công và cả những kinh nghiệm chưa thành công của nhà khoa học đầu ngành này, các thế hệ đi sau sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích trên con đường đi lên phía trước.

- Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, 2003, số 2.

- Bổ sung: 2017.

 

 

1. Trường trung học chuyên khoa lúc đó tương đương với trường phổ thông trung học hiện nay.

Về năm sinh của GS. Đinh Gia Khánh, các tài liệu ghi khác nhau: 1921, 1924, 1925 (?). Năm 1995, trong dịp Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức mừng thọ ông, ông đã nói vui: Tuổi của ông là tuổi dân gian (Việc có các năm sinh khác nhau cũng là dấu ấn của một thời).

Khi trình bày về tiểu sử GS. Đinh Gia Khánh, chúng tôi sử dụng phiếu cung cấp hồ sơ do ông gửi theo đề nghị của Nhóm công trình Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian do Nguyễn Xuân Kính chủ biên. Khi sách in xong (1995) ông đã đọc và không có ý kiến cải chính chi tiết nào.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559345

Hôm nay

245

Hôm qua

2317

Tuần này

2663

Tháng này

226888

Tháng qua

122920

Tất cả

114559345