Những góc nhìn Văn hoá

Đền Quả và lễ hội

Đền Quả. Ảnh Thành Chung

Đền Quả nằm tại chân núi Quả, nên cũng gọi là đền Quả Sơn. Đây là một trong “tứ đại thắng tích” của xứ Nghệ: Cờn, Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng. Đền nằm bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường (vì thế còn có tên là đền Mượu), xã Bạch Đường, huyện Lương Sơn (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), cách thị trấn Đô Lương 3 km, cách TP Vinh 73 km.

1. Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang 威明王李日光(còn có tên là Lý Hoảng 李  ? - 1057), con trai thứ 8 của Lý Công Uẩn 李 公 蘊(tức vua Lý Thái Tổ 李 太 祖(974 - 1028), em trai vuaLý Thái Tông  李太宗 (29/7/1000 – 3/11/1054; ở ngôi 1028 - 1054)(1). Mẹ là Linh Hiển Thái hậu họ Lê. Theo chính sử, năm 1039, Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An, năm 1041 được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu Uy Minh Hầu. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. (Danh xưng Nghệ An xuất hiện vào năm 1030). Trong các năm này ông đã cho đặt trạm canh phòng ở những nơi hiểm yếu, lập trạm Bà Hòa (nam Tĩnh Gia - Thanh Hóa), dựng kho lương thảo sẵn sàng phục vụ cho các cuộc hành quân. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành, khi qua Nghệ An được đáp ứng quân lương kịp thời. Tháng 9 năm đó, chiến thắng trở về đã thăng Lý Nhật Quang từ tước “Hầu” lên tước “Vương” và ban cho ông quyền Tiết việt 鉞(quyền thay mặt nhà vua định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An, vùng đất biên viễn cực Nam của quốc gia Đại Việt bấy giờ). Trong những năm 1039-1057 cai quản châu Nghệ An, Lý Nhật Quang là vị quan liêm khiết, thương dân, có công lớn giúp Nghệ An xây dựng kinh tế, nhất là khai khẩn đất hoang phát triển nông nghiệp, công thương nghiệp, dẹp giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, ổn định chính trị(2). Danh sĩ Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV)ca ngợi:“Vương là người trung hiếu, cung cẩn, hành động quả cảm, gọi là Bát Lang Hoàng tử. Niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm đầu, được chọn làm việc tô thuế ở Nghệ An, giữ chức mấy năm, sợi tơ sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, vua rất yêu mếnVương coi việc châu ấy mười sáu năm, tiếng lành ngày càng vang xa, nhân dân tin yêu. Nghe tin vương từ chức, dân tranh nhau níu xe, giữ ngựa, khóc lóc,… Dân trong châu xin lập đền thờ, cầu tạnh cầu mưa, không gì không linh ứng, là một vị đại phúc thần của cả châu(3) Theo nhà Nghệ An học, cố PGs Ninh Viết Giao (1933 - 2014) & một số nhà báo, ngoài đền chính Quả Sơn, từ Thanh Hóa vào Nghệ An, Hà Tĩnh còn có trên 50 nơi dựng đền đặt hiệu bụt thờ Lý Nhật Quang. Đặc biệt, có những đền cùng thờ nhiều vị thần nhưng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được chọn làm vị thần chủ của đền.Riêng vùng Bạch Ngọc -nơi đã từng là lỵ sở trấn trị của châu đã có tới 8 đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Ngoài ra, nhân dân Chiêm Thành nhớ ơn Lý Nhật Quang có công giúp vua Chiêm ổn định đất nước đã lập đền dưới chân núi Tam Tòa,cửa biển Thị Nại (nay thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), gọi là đền Tam Tòa (nay chỉ còn phế tích) để thờ ông. Đâylà một trong số ngôi đền cổ có niên đại tương đương với đền Quả. Vì vậy, mọi người cũng gọi ông là Tam Tòa đại vương, Đức Thánh Tam Tòa.

Trở lại đền chính Quả Sơn. Đền được xây dựng từ thế kỷ XI, sau đó được trùng tu và nâng cấp nhiều lần, gồm các công trình: nhà canh, nhà hỏa, lầu ca vũ, tả vu, hữu vu, hạ điện, trung điện, thượng điện. Toàn bộ sân & các lối đi trong đền đều được lát gạch Bát Tràng. Đường từ cổng đền xuống Bến Đền bờ sông Lam còn được kè đá vững chãi. Năm 1953, đền bị máy bay Pháp bắn phá hư hỏng nặng. Năm 1995, đền được khôi phục lại với quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn mang dáng dấp kiểu kiến trúc cổ cuối Lê đầu Nguyễn, hội tụ tư duy sáng tạo, mới mẻ: Bộ khung của các công trình trong đền được lấy từ các nơi đưa về và dựng lại. Đền bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: Tòa nhà hình chữ công (工), gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau - thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; Tả vu thờ Đông Chính Vương, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương - 2 vị hoàng tử được nhà vua cử vào phò tá Lý Nhật Quang trong việc thực hiện chính sự. Xung quanh đền là những hàng cây xanh rợp bóng mát.

 Hiện nay, trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như hương án, long ngai, kiếm thờ, chén, bát bằng bạc, đũa bằng ngà, chuông đồng, hạc đồng cao bằng đầu người lớn. Đặc biệt có di tượng cổ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, dáng ngồi khoan thai trên ngai, khuôn mặt hiền từ, 2 tay bắt quyết để ngửa trên đầu gối. Tượng được đặt ở gian giữa trong cung cấm, chỉ vào ngày lễ trọng mọi người mới được chiêm bái dung nhan Ngài.

Tượng đức Thánh Lý Nhật Quang                                                    

 Ngoài ra còn có phần mộ đức thánh Lý Nhật Quang ở bên trái đền. Xưa kia mộ đắp bằng đất. Tương truyền, trong một lần dẹp giặc Lão Qua (Lào), Ngài bị trọng thương. Ngựa quý đưa Ngài về đến thôn Thượng Thọ, xã Bạch Đường, có bà Tiên ở Tiên tích tự 仙  (tức chùa Bà Bụt) hiện ra bảo Ngài: “Quả Sơn là nơi linh địa, huyết thực muôn đời, có thể hóa thân ở xứ ấy”.(4) Ngài nghe lời, đến Quả Sơn thì hóa. Quan quân bèn đắp mộ, dựng đền thờ Ngài ở đấy. Năm 1996, chính quyền huyện Đô Lương tôn tạo lại khu mộ, xây theo kiểu tiền miếu, hậu mộ. Mộ xây theo hình bát giác, xung quanh đắp hình hoa sen phía trên ôm gọn phần mộ đất ở bên trong.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, đền Quả Sơn đã trở thành một tòa đền linh thiêng soi bóng trên bờ sông Lam, được xếp vào hàng danh thắng của tỉnh Nghệ An, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12.02.1998.

Trong đền hiện nay còn hai bức đại tự “Nam thiên Thánh tích” 南天蹟 : Dấu tích Đức thánh tại trời Nam; “Anh linh vạn cổ” 萬古: Ngôi đền linh thiêng muôn thuở.

 Vào đền còn có thể đọc các câu đối ca ngợi vị thánh Lý Nhật Quang. Chẳng hạn hai câu khắc trên cột quyết: “Danh tại sử thư, thần tại miếu/Công ư bang quốc, đức ư dân” 名在史書神在/ 功於於民(Tên tuổi ở sử sách, làm thần ở đền miếu/Công lao với đất nước, có đức với nhân dân); Hoan khổn chí kim di ái địa/Quả Sơn chung cổ tối linh từ驩閫至今遺愛地/果山終古  Hoan Khổn đến nay còn đất quý/Quả Sơn từ cổ vẫn đền thiêng (Khổn 閫là ngưỡng cổng thành bên ngoài. Hoan Khổn ở đây chỉ Lý Nhật Quang là người trông coi việc quân dân miền biên viễn châu Hoan - HSH chú)

Câu đối treo trong nội điện có nhiều, xin dẫn 3 đôi tiêu biểu: 

Hách hách thần linh hương hỏa vĩnh truyền kim miếu mạo/Đường đường đế trụ quan hà do chí tích huân danh赫赫神香火永傳今 / 堂堂帝胄關猶誌昔名Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền nay còn truyền mãi/Đường hoàng tông tộc, công danh sông núi xưa vẫn ghi sâu.

Tiết liệt tráng sơn hà, Hoàng Lý dĩ lai lưu chính khí/Huân danh thùy vũ trụ, Hoan Nam tùy tại mộc cao ân節烈李以來留正氣/ 名垂宇宙歡南隨在沐高恩Tiết liệt mạnh sơn hà, triều Lý đến nay còn lưu chính khí/Công danh trùm vũ trụ, châu Hoan theo đấy vẫn thấm cao ân.

 Đức đại chứng minh thiên tích hạ/Công hoằng hóa dục địa chung linh  

天惜下/ 功地鍾靈Đức lớn rạng ngời trời thương nhớ/Công cao nuôi dưỡng đất linh thiêng.

2. Ngoài việc thường xuyên đón du khách khắp nơi đến tham quan vãn cảnh, cầu phúc, cầu tài lộc, đền Quả hàng năm có 2 kỳ lễ chính: Một là lễ giỗ đức Thánh Quả vào ngày 17 tháng 12 Âm lịch, gọi là ngày Chạp đền. Hai là lễ Tạ ơn bà Bụt hay còn gọi là lễ hội Mừng Xuân. Lễ hội này có từ thời Lý, được đánh giá là một lễ hội cổ kính, uy nghi, hoành tráng bậc nhất; diễn ra trong một không gian rộng lớn, phong cảnh hữu tình, là một trong những lễ hội lớn, nhiều ý nghĩa tại Nghệ An, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định ngày 24/2/2019.

Hằng năm cứ đến ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân vùng Bạch Ngọc & vùng phụ cận (nay là địa bàn các xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn…) lại nô nức tổ chức lễ rước Thánh từ đền Quả Sơn tới chùa Bà Bụttổ chức lễ Tạ ơn để ghi nhớ công ơn bà Bụt (Phật Bà Quan Âm) phù giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng, di tượng Uy Minh Vương được kiệu từ đền Quả Sơn sang chùa Bà Bụt. Đoàn rước khởi hành từ sớm ngày 19 tháng Giêng, chia làm quân bộ và quân thủy, có các vị chức sắc và bô lão đi kèm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng xếp thành hàng dài tiếp nối. Sau lễ xuất thần, đoàn rước thủy ngược dòng sông Lam, đoàn rước bộ theo đường đất tiến về chùa Bà Bụt. Đoàn thuyền trước khi cập bến Chùa có ghé qua động Ngự - nơi xưa kia Uy Minh Vương thường hay duyệt đội thủy binh. Sáu chiếc thuyền rồng trong tiếng pháo lệnh rền vang đua nhau rẽ sóng về chùa Bà Bụt. Đoàn bộ dàn đội hình gồm đội nghi trượng, đội khiêng kiệu Thánh. Khi qua các làng Nhân Bồi, Nhân Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, đoàn rước dừng lại để nhân dân trong làng ra tế bái. Khoảng tầm giữa trưa, hai đoàn thủy bộ hợp điểm ở chùa Bà Bụt. Kiệu di tượng đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được đặt tại vị trí trung tâm giữa sân, mặt quay vào chùa, các vị chức sắc, bô lão cùng quân dân theo thứ tự sắp xếp làm lễ bái tạ. Sau lễ Tạ ơn, hai đội thủy bộ lại làm lễ Chiêu Nghinh Thánh Giá Hồi Cung, đoàn  rước di tượng Ngài trở về đền Quả và tổ chức lễ Yên vị.

   

 Lễ rước Ngài lên tạ ơn tại chùa Bà Bụt

 Đến với Lễ hội đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét đặc trưng rất riêng hầu như không lễ hội nào có diễn ra cả trên bộ và dưới nước với phần lễ và hội kết hợp với nhau. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, gồm giao lưu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, vật, chọi gà, đánh cờ, đua thuyền… Ngoài ra còn có hoạt động văn nghệ như hát chầu văn, ca trù, diễn tuồng, hát chèo với các tích chuyện dân gian…

Đây là lễ hội không chỉ được người dân trong vùng mà cả du khách thậpphương trông chờ bởi đối với nhiều người dân, đền Quả là nơi thể hiện sự hội tụ linh thiêng giữa trời, đất, thánh và Phật: "nhất Cờn, nhì Quả"...

Các hoạt động của lễ hội góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, tôn vinh đức Phật Quan Thế Âm. Tục lệ này không chỉ nhằm mục đích thỏa mãn tâm linh, cầu mong một năm mới phát tài phát lộc, sức khỏe dồi dào cho gia đình, dòng tộc mà còn là dịp để người dân du ngoạn, thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh ở chốn linh thiêng trong tiết trời mùa Xuân. Hơn nữa, lễ hội còn cổ vũ tinh thần thượng võ để sản xuất và chiến đấu; củng cố tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, tạo ra không khí vui tươi lành mạnh trong những ngày đầu Xuân. Lễ hội đền Quả Sơn cũng là dịp để mở rộng giao lưu văn hóa giữa các địa phương, góp phần làm phong phú lễ hội truyền thống trên đất Nghệ An, thúc đẩy việc quảng bá vùng đất văn hóa Đô Lương nói riêng và cả vùng đất văn hóa xứ Nghệ nói chung.

 

 

 

(1) Không rõ dựa vào nguồn nào, Wikipedia chép Lý Nhật Quang sinh năm 995, & t/g Nguyễn Thị Liễu (trong bài Đền Quả Sơn đăng ở sách Nghệ An Di tích Danh thắng Sở Văn hóa, Thông tin xb, 2001, tr.114) cho rằng Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988), nhưng tất cả các tài liệu đều chép ông là em vua Lý Thái Tông (1000 - 1054), điều đó thật mâu thuẫn!

(2) Theo Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Nxb Giáo dục, tái bản 2004, tr. 406 thì Lý Nhật Quang là nhà khai hoang nổi tiếng đầu tiên của nước ta, ông đã mở thêm được 5 châu, 22 trại, 56 sách.

(3) Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch của Trịnh Đình Rư), Nxb Hồng Bàng, Gia Lai 2012, tr.6; 61, 62.).

(4) Theo Thần tích đền Quả Sơn chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559344

Hôm nay

244

Hôm qua

2317

Tuần này

2662

Tháng này

226887

Tháng qua

122920

Tất cả

114559344