Những góc nhìn Văn hoá
Một suy tư về văn hóa xã có bề dày lịch sử 600 năm như Ân Phú - Thay cho lời kết của cuốn sách viết về Ân Phú 600 năm

Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, của đất nước; thấy được một miền quê Ân Phú đang cần có sự đầu tư và dìu dắt trong bước đường đi lên để khẳng định một địa phương có chiều dày lịch sử đời sống văn hóa 600 năm.
Chúng ta biết; cách mạng về quan hệ sản xuất; nó đã thiết lập nền dân chủ tư sản và tạo ra phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đồng thời có một tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong phát triển xã hội loài người. Cách mạng Pháp (1789-1799) một ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Trước hết tại Pháp, nó là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp, nó cũng làm giảm xu hướng chuyên chế và đề cao sức mạnh của nhân dân, biến họ từ thần dân thành công dân. Cuộc cách mạng đã giải phóng những tiềm năng của xã hội phương Tây bị chế độ phong kiến kiềm hãm. Sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Pháp rất lớn lao, nhất là đối với các quốc gia theo chế độ phong kiến thời bấy giờ; trong đó có Việt Nam và các nước phương Đông.
Song song cuộc cách mạng tư sản phương Tây; tại Việt Nam, lại là cuộc đấu tranh giành vương quyền giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, với thắng lợi thuộc về Nguyễn Ánh và sự thành lập Nhà Nguyễn năm 1802. Bước đầu Nguyễn Ánh dựa vào sự phát triển của phương Tây, sử dụng phương tiện, vũ khí tân tiến lúc bấy giờ với Nguyễn Huệ để giành vương quyền được thắng lợi. Nhưng tiếc rằng, kết cục lại trở về với chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan; không tiếp nhận mở mang giao thương với họ, để tiếp nhận phương thức sản xuất mới trên nền tảng công nghiệp; mà chịu về thuần phục nhà Thanh đã già cỗi, lạc hậu. Trải qua 4 đời vua Gia Long - Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức; mặc dầu đất nước được mở mang, chính trị khá ổn định, nhưng không tiếp cận được bước tiến thời đại theo quy luật phát triển xã hội. Trong lúc đó, cách mạng Minh Trị (明治維新 Meiji-ishin) tại Nhật Bản dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Giang Hộ và bắt đầu thời kỳ Minh Trị - tương ứng với đời vua Tự Đức năm thứ 20-23, lúc đó Tự Đức cũng là ông vua có kiến thức trị nước, nhưng bảo thủ theo phong cách vương quyền, tiếp nối cách cai trị của cha ông tổ tiên, và so với Nhật Hoàng đang cai trị ở thời kỳ tuổi đời sung mãn nhất - sau 20 năm giữ ngôi. Nước Pháp phát triển nhanh chóng, mở đường khai thác ra thế giới, cũng là quá trình truyền bá văn minh công nghiệp sang các nước lạc hậu. Họ nổ súng đánh chiếm Việt Nam bắt đầu từ năm 1858. Nhà nước bảo thủ phong kiến Việt Nam với thời gian cầm cự dài 1858-1883 phải đầu hàng. Sau cái chết của Tự Đức năm 1883 - tư tưởng cấp tiến và bảo thủ của quan lại, đẩy triều đình vào cuộc khủng hoảng vương quyền mới - phái muốn tiến bộ theo phương Tây, dựa vào Pháp để quản lý đất nước; phái bảo thủ theo bảo Hoàng theo thuyết “Cần Vương”; Tôn Thất Thuyết cướp vua Hàm Nghi, tổ chức kháng chiến chống Pháp, bị thất bại chạy sang cầu cứu Mãn Thanh, chịu chết già trên đất Trung Quốc. Đặc biệt, Phan Đình Phùng, con người yêu nước bảo hoàng theo chiếu cần vương, tổ chức kháng chiến 10 năm ỏ vùng núi Vũ Quang, bị thất bại năm 1895. Hoạt động của Phan Đình Phùng ảnh hưởng cực kỳ lớn và trực tiếp đến vùng quê Ân Phú trong địa bàn hoạt động của khởi nghĩa Hương Khê, cả về sức người, sức của.
Lúc này, tại Ân Phú cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng trong giới trung lưu và trí thức; nhiều gia đình trung lưu chuyển việc học hành của con cháu từ Nho học sang Tây học. Đặc biệt, qua hai đời vua Thành Thái và Duy Tân (1889-1915) mưu toan độc lập, bị chính quyền Pháp truất ngôi thì ảnh hưởng về tư tưởng trở về quân chủ vương triều theo nền nho học không còn nữa, đặc biệt sau việc cải tiến dùng chữ quốc ngữ của vua Khải Định những năm 1916-1919 về sau, nền nho học tàn lụi dần. Khoảng trống của nền giáo dục miền quê như Ân Phú kéo dài 30 năm - trong chiến tranh cũng như hòa bình. Khi tiếp nhận chính quyền năm 1945, lớp cán bộ chủ chốt chỉ mới biết đọc, biết viết quốc ngữ, không được học luân thường đạo lý, quá trình đứt gãy về giáo dục luân lý kéo dài suốt 2/3 thế kỷ 20; khi tiếp nhận Tây học, quốc ngữ học, chữ hán trở thành lạc hậu - luân thường đạo lý gốc rễ, lịch sử quản trị đất nước bị “đánh đổ” theo thực dân và phong kiến - Lịch sử từ năm 1421 đến đầu thế kỷ 20, nghĩa là 500 năm, quê hương không còn một tư liệu ghi lại đáng kể, chỉ còn 35 sắc phong, may nhờ chùa Am giữ dùm trong ba cuộc kháng chiến.
Xã hội thay đổi sang nền cộng hòa. Khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc với sự thất bại thảm hại của Nhật, Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945; khi chính quyền về tay Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự thay đổi lớn mang ý nghĩa thời đại. Chính quyền cũ cấp xã bị lật đổ, chính quyền mới còn non nớt. Tất cả các hoạt động nhất cử nhất động phụ thuộc vào chính quyền cấp trên (khác với chính quyền mang dáng dấp tự trị của thời phong kiến); trong lúc đó, bước đầu - lãnh đạo địa phương phải lựa chọn từ giai cấp nông dân và thành phần nghèo khó, ít học. Tuy vậy, việc học hành cũng được đề cao và tổ chức rầm rộ bằng việc dạy và học quốc ngữ - bình dân học vụ, chủ yếu là học chữ và học theo đường lối xây dưng chủ nghĩa xã hội; nền văn hóa mới chưa có mô hình chuẩn, văn hóa cũ bị xóa bỏ, lãng quên.
Từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ cộng hòa dân chủ xây dựng theo mô hình chủ nghĩa xã hội chưa có trong lịch sử; trong lúc đó, đất nước phải bước qua các cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và Trung Quốc xâm lược; lại trải qua sai lầm trong cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp. Lịch sử thiết chế hình thức kinh tế mới như ngày nay - xây dựng nông thôn mới trên con đường phát triển, những năm qua đã đạt được một số tiến bộ cả về kinh tế và văn hóa, nhưng phải trả giá và chưa ngang tầm của thời đại.
Nhìn nhận để đánh giá về văn hóa tại Ân Phú và nhiều miền quê khác trên đất Nghệ - Tĩnh, những điều thiếu thốn về cơ sở nền móng, chịu sự đứt gãy, không có giai đoạn chuyển tiếp nền văn hóa của cha ông xây dựng 600 năm, lại bị hòa trong dòng chảy vội vàng trước khi bước vào nền văn minh công nghiệp; văn minh trí thức.
Trên đường đi tới xã hội mới tại Ân Phú; vừa qua, phải mất 30 năm mới có một sự chuyển biến đáng kể từ kinh tế hợp tác xã tập trung bao cấp sang hoạt động kinh tế thị trường; thực ra 20 năm trước (giai đoạn 1986-2006) cũng hết sức trì trệ và lúng túng, cho đến những năm 2010s phong trào xây dựng nông thôn mới mà Ân Phú được tiếp sức bằng việc được chọn làm xã điểm để đi đầu trong phong trào này. Nhìn lại lực lượng thì tầng lớp những người có trình độ, có tâm huyết với quê hương như “trí thức làng” truớc đây hết sức mỏng manh; đụng đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống cội nguồn thì gần như trống rỗng - trong khi chúng ta đang dương cao khẩu hiệu “xây dựng văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc” - văn hóa mới cũng chưa có nền tảng vững vàng; đặc biệt con người để hoạt động thật sự là thiếu thốn cả về số lượng và chất lượng. Thanh niên hiếm hoi, tất cả đều có xu hướng đi ra để tìm con đường mưu sinh. Xã và các địa phương gần kề không có một cơ sở công nghiệp nào hoạt động để thu hút lao động. Đất đai là vốn quý không có khả năng khai thác đang vướng cơ chế và tư tưởng nông dân eo hẹp. Nguồn lực nào để níu kéo cho sự phát triển? Là câu hỏi đáng được quan tâm và giải quyết?
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559320

220

2317

2638

226863

122920

114559320