Những góc nhìn Văn hoá
Sức sống mãnh liệt của một nền văn học: Một cuốn sách hằng mong đợi

Sau khi Liên Xô tan vỡ, việc nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học Nga rơi vào trạng thái chuyển động Brown, một cách tự do và hỗn loạn. Nó phản ánh đúng tình hình tư tưởng và xã hội Nga thời hậu Xô viết, bức tranh giống như một thế kỷ trước Lev Tolstoy từng nói: “mọi thứ đang đảo lộn và đang được sắp xếp lại”, mọi giá trị và thước đo đang được thời đại mới kiểm định và đánh giá.
Ở Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày hai nước Việt Nam - Liên Xô đặt quan hệ hợp tác, hữu nghị, hàng loạt tác phẩm văn học Nga - Xô viết được dịch và giới thiệu rộng rãi với công chúng bạn đọc. Độc giả Việt Nam được tiếp xúc với nền văn học Nga vĩ đại mang tính hiện thực và nhân văn cao cả; văn học Nga đã có một ảnh hưởng lớn lao đối với công cuộc kiến quốc và vệ quốc của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi tên gọi Liên bang CHXHCN Xô viết bắt đầu trở thành kỷ niệm, thì trên kệ của những hiệu sách tại Việt Nam trước đây bày bán chủ yếu là những ấn phẩm văn học Nga, thì giờ đây các tác phẩm văn học Nga trở nên vắng bóng, thay vào đó là ngồn ngộn những tác phẩm văn học Tây Âu và châu Mỹ, Trung Hoa đủ các chủ đề và thể loại.
Dường như độc giả lúc bấy giờ đã hờ hững với những tác phẩm văn học Nga đã từng gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn của các thế hệ cha anh. Những nhà phê bình văn học, những nhà nghiên cứu, và đặc biệt là những nhà Nga học vốn rất đông đảo ở nước ta, có lúc đã cất tiếng thở dài, tiếc thương cho một thời hoàng kim của văn học Nga đã lặng lẽ theo thời gian trôi vào quên lãng.
Trong bối cảnh đó, trên các báo chí văn học - nghệ thuật trong nước vẫn xuất hiện những bài viết mang tính thời sự gợi về không khí và tinh thần văn học, xã hội Nga của nhiều nhà phê bình, dịch giả nước ta như Phạm Vĩnh Cư, Lã Nguyên, Lê Sơn, Đào Tuấn Ảnh, Đoàn Tử Huyến, Trần Phương Phương... tạo nên một sợi dây không thể nào đứt đoạn về một thời “nhất khứ bất phục phản” trong cơn ba động của thời thế. Trong số những dịch giả nói trên, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp bút danh Trần Hậu với những bài báo về đời sống văn học Nga, đã góp phần khơi dậy, làm sống lại mối quan tâm của bạn đọc đối với một nền văn học vĩ đại tưởng như đã trôi vào dĩ vãng.
Những bài dịch của Trần Hậu được chọn lọc từ những tờ báo, tạp chí văn học có uy tín ở Nga. Anh không sa vào những chủ đề giật gân, câu khách hay quá khích, thiên vị về một nhà văn, một tác phẩm nào đấy. Những bài của Trần Hậu chọn dịch bao giờ cũng đưa đến cho bạn đọc một cách nhìn mới, tư liệu mới, một thái độ khách quan khi đánh giá tác giả, tác phẩm hay một giai đoạn văn học.
Cuốn sách của Trần Hậu tập hợp các bài viết theo tiến trình lịch sử văn học, từ văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX đến văn học đương đại Nga. Điều đó giúp cho bạn đọc, đặc biệt là giới sinh viên đang tìm hiểu văn học Nga, hình dung được các giai đoạn phát triển văn học và các tác giả tiêu biểu của từng thời kỳ.
Thú vị nhất là mảng chân dung văn học của những nhà thơ, nhà văn như A. Pushkin, N. Gogol, Yu. Lermontov, V.Belinsky, L.Tolstoy, A.Chekhov, M.Gorky... với những nguồn sử liệu hoặc là sau nhiều năm bị che khuất bởi lớp bụi thời gian, hoặc theo lối mòn định sẵn của những chỉ thị chính thống. Chính những bài viết rất khách quan này đem đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều, xóa bỏ những định kiến về những tác giả và tác phẩm mà chúng ta vốn có thói quen mặc định qua những giáo trình văn học chính thống.
Thật bất công biết bao nếu sau hơn hai phần ba thế kỷ, bạn đọc không biết đến số phận nổi chìm của Anna Akhmatova; không biết đến kết cục bi đát của cuộc đời nữ thi sĩ tài hoa bạc mệnh Marina Tsvetaeva; không biết đến sự truân chuyên của Boris Pasternak… Trong sự nhiễu loạn thông tin của những năm chín mươi thế kỷ trước và thời gian gần đây, những giả thuyết, những cuộc tranh cãi dường như không bao giờ dứt về trận đấu súng của A. Pushkin, của Yu. Lermontov, về cái chết của thi sĩ Sergey Esenin, về bản thảo tập sử thi “Sông Đông êm đềm”… liên tục được tung ra trên các phương tiện truyền thông, nhưng Trần Hậu đã tìm ra trong ma trận đó những bài viết nghiêm túc nhất, đáng tin cậy nhất, nhằm giải mã để giúp độc giả tiếp cận với sự thật lịch sử.
Trong cuốn sách có những bài viết khá hấp dẫn như những truyện ngắn về kỷ niệm, những mối tình sáng chói, những góc khuất lặng lẽ, những người phụ nữ cao cả đóng vai trò rất to lớn trong cuộc đời và sáng tác của các nhà văn. Đó là những bài viết về người phụ nữ đã làm nên một Vladimir Nabokov; mối tình vượt lên số phậncủa Mikhail Bulgakov; nàng thơ giấu mặt của Joseph Brodsky; hay mối tình thơ mộng của Ivan Bunin; sự thủy chung mê đắm của Ivan Turgenev; người vợ thầm lặng chịu nhiều bất công trong cuộc đời của đại văn hào Lev Tolstoy… thực sự hấp dẫn và cảm động.
Một điều tối kỵ trong văn học Xô viết trước đây là hiện tượng các nhà văn rời khỏi nước Nga sống ở nước ngoài. Mỗi nhà văn ra đi đều có một lý do riêng, nhưng thiên chức cầm bút vẫn được bảo tồn và nước Nga vẫn là điểm các nhà văn hướng đến. Cuốn sách có những bài viết của các học giả có uy tín như là người trọng tài vô tư đánh giá đúng mực về những thành công của họ.
Đặc biệt, cuốn sách cũng giới thiệu những bài viết và những bài phỏng vấn các nhà văn nổi tiếng về tình hình văn học Nga đương đại, về sự nhận thức lệch lạc trong giới văn chương Nga, về sinh kế của các nhà văn Nga sau khi Liên Xô sụp đổ; hoặc quan điểm, thái độ của người Nga đối với thời cuộc hay di sản quá khứ... đến bây giờ đọc vẫn còn nguyên tính thời sự, mặc dù nó đã xuất hiện gần một phần tư thế kỷ.
Trần Hậu đã dành rất nhiều tâm huyết cho cuốn sách của mình. Đây là kết quả của quá trình học tập tại Trường Đại học Sư phạm Leningrad danh tiếng mang tên A.I. Gertsen (nay là Saint-Petersburg) vào những năm bảy mươi thế kỷ trước. Đồng thời đây cũng là sự ghi nhận tinh thần lao động cần cù của anh, một phần vì công việc mưu sinh, nhưng trên hết là vì tình yêu thiết tha đối với nước Nga và nền văn học Nga vĩ đại.
Hy vọng cuốn sách hằng mong đợi này sẽ đáp ứng được mối quan tâm và tình cảm của độc giả Việt Nam đối với văn học Nga.
Moskva, ngày 8/3/2020
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559147

2164

2301

2465

226690

122920

114559147