Những góc nhìn Văn hoá

“Mặt trời thi ca Nga” - 200 năm nhìn lại

Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837) là nhà thơnhà vănnhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Ông được mệnh danh là “Mặt trời thi ca Nga”, Pushkin đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ XIX. Năm 2008, trong một cuộc điều tra được tiến hành trên Internet, Pushkin được xếp vị trí thứ 4 trong số những người Nga vĩ đại nhất, và thứ nhất trong số các nhà hoạt động văn hóa Nga.

Pushkin sáng tác trên nhiều thể loại: thơ trữ tình, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, kịch. Các tác phẩm nổi bật gồm: Evgeny Onegin (tiểu thuyết thơ, 1825/32), Người da đen của Pyotr Đại đế (tiểu thuyết, 1827), Tập truyện của ông Ivan Petrovich Belkin (truyện ngắn, 1831), Con đầm pích (truyện ngắn, 1834); Dubrovsky (tiểu thuyết, 1833), Người con gái viên đại úy (ttiểu thuyết, 1836); Boris Godunov (kịch thơ, 1825), Bi kịch nhỏ (kịch, 1830),  Ruslan và Ludmila (trường ca, 1820), Kị sĩ đồng (trường ca, 1833)...  Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số nhận định, đánh giá trái chiều về nhà thơ và con người phức tạp này qua các thời kỳ khác nhau.

Pushkin

Từ Pisarev đến Stalin

Thái độ đối với Pushkin trải qua nhiều thay đổi. Những người đương thời coi ông là nhà thơ tài năng, nhưng quyết không phải là thiên tài. Ivan Krylov và Vasily Zhukovsky được đánh giá cao hơn, còn Baratynsky và Vyazemsky được coi là ngang hàng.

Dưới thời Aleksandr (1799-1826), những người theo thuyết hư vô, đứng đầu là nhà phê bình văn học Dmitry Pisarev lên án Pushkin là kẻ vô chính trị, tụng ca “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong đám tang của nhà thơ Nekrasov, khi Dostoyevsky phát biểu rằng xét về tài năng, người quá cố có thể được đặt bên cạnh Pushkin, từ trong đám đông sinh viên, có người hô to: “không phải bên cạnh, cao hơn, cao hơn!”. Mayakovsky và các nhà thơ vị lai Nga năm 1915 kêu gọi “vứt bỏ Pushkin ra khỏi con tàu đương đại”.

Ngược lại, những người bolshevik tuyên bố Pushkin là nhà cách mạng, bị giết hại theo lệnh Nga hoàng. Nhà thơ đoàn viên cộng sản Eduard Bagritsky viết: “Tôi cùng Pushkin đi dọc những chiến hào, bụng đói cồn cào, người đầy rệp, chân không giày dép”.

Năm 1937, nhân nước Nga kỷ niệm 100 năm ngày mất của Pushkin, theo ý nguyện của Stalin, Pushkin chính thức được coi là thần tượng. Dưới thời Xô viết, Hoàng Thôn, nơi Pushkin học ở trường trung học, được đổi tên thành thành phố Pushkin.

Điều đó chẳng có gì khó hiểu.

Nhưng Bảo tàng hội họa phương Tây do mạnh thường quân Yury Nechaev-Maltsev và nhà nghiên cứu nghệ thuật Ivan Tsvetaev thành lập 75 năm sau khi Pushkin qua đời, không hiểu sao cũng được đổi tên thành bảo tàng mang tên Pushkin?

Tên tuổi của nước Nga

Tuy nhiên, ở đây không có gì ngạc nhiên và đáng chê trách. Mỗi dân tộc cần có những tên tuổi-biểu tượng của dân tộc mình và những thần tượng được mọi người thừa nhận. Người La Mã cổ đại có  Horatius, người Anh có Shakespeare, người Đức có Goethe, người Ý có Dante, người Ba Lan có Mickiewicz, người Nga có Pushkin. Rất có thể, những người đến sau không thua kém, nhưng bệ đài đã bị chiếm chỗ.

Tuy nhiên, thần tượng của một dân tộc không nhất thiết phải được mọi người trên thế giới công nhận. Trên bia mộ của “Pushkin Estonya” - nữ thi sĩ  Lidya Koydula - sống và viết vào nửa sau của thế kỷ XIX, chỉ ghi đơn giản  “Koydula”, và mỗi người dân Estonya bắt buộc phải biết đó là ai. Ngoài lãnh thổ đất nước nhỏ bé này, nói một cách nhẹ nhàng, tác phẩm của bà ít người biết đến, nhưng giễu cợt điều đó là tội lỗi.

Về vấn đề Pushkin, người ngoại quốc và người Nga có những nhận xét khác nhau. Ở phương Tây, trong số các nhà văn Nga, người ta biết Tolstoy và Dostoyevsky nhiều nhất, những người có học thức hơn- biết Chekhov và Bulgakov. Còn Pushkin, người được đánh giá cao nhất ở trong nước, lại được đọc và ca ngợi ít nhất.

Lại cũng không có gì ngạc nhiên.

Tolstoy và Dostoyevsky đi sâu vào bí mật của tâm hồn con người, họ nói với nhân loại một điều gì đấy mới mẻ và quan trọng về đất nước mình và cuộc đời nói chung.

Có ý kiến cho rằng họ đã đưa ra một quan niệm giả tạo và nguy hại về người Nga như một dân tộc khó hiểu và phi thực tế của những anh em Karamazov và Karataev, thích triết lý suông hơn làm việc. Nhưng sự thật vẫn là sự thật: vinh quang quốc tế thuộc về những người đã làm điều mà trước họ chưa có ai làm.

Còn Pushkin là người chỉ đứng đầu trong nước.

Các tác phẩm “Dubrovsky” và “Người con gái viên đại úy” là bản sao từ tiểu thuyết phiêu lưu-lịch sử của Anh và Pháp, tiểu thuyết thơ “Evgeny Onegin” là câu chuyện tình tầm thường pha trộn chủ nghĩa lãng mạn thời thượng kiểu Byron.

Đóng góp lớn lao và vĩnh cửu của Pushkin ở chỗ khác. Ông là tác giả Nga đầu tiên bạn có thể đọc mà không vấp phải những cổ ngữ, người khai sinh ra ngôn ngữ văn học Nga, một ngôn ngữ vĩ đại, hùng mạnh, bất chấp tất cả những toan tính phá hoại nó của chúng ta.

Ông là nghệ sĩ bậc thầy của ngôn ngữ và thơ ca. Cách đây không lâu, với sự trợ giúp của một chương trình máy tính đặc biệt một số nhà ngữ văn đã phân tích các văn bản của các nhà văn cổ điển Nga nhằm mục đích xác định tỷ lệ những từ có thể vứt bỏ mà không ảnh hưởng tới nội dung. Kết quả là chính trong ngôn ngữ của Pushkin, không có gì thừa.

Nhưng điều đó chỉ quan trọng với người Nga.

“Danh sách Don Juan”

Nhà văn Nikolay Gogol viết: “Pushkin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga: đó là người Nga trong sự phát triển của nó, người Nga này, có thể, chỉ xuất hiện sau hai trăm năm nữa”.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua. Liệu Pushkin có còn là nhân cách lý tưởng và “khuôn vàng thước ngọc” để hậu thế noi theo về mọi phương diện – quả thật điều này rất đáng ngờ.

Quan hệ của Pushkin đối với phụ nữ rất phức tạp. Ông đã yêu hàng trăm người, từ các mệnh phụ cho tới những thiếu nữ bình dân. Thậm chí Pushkin đã có một cuốn sổ ghi chép tên những phụ nữ đã từng “qua tay” ông mà các nhà Pushkin học gọi là “Danh sách Don Juan”.

Ở trường phổ thông Nga, người ta không kể về điều này, nhưng những ai quan tâm đều biết rất rõ rằng Pushkin đã quan hệ với các cô gái nông nô khiến họ có thai và sau đó bỏ mặc, không hề đếm xỉa tới giọt máu của mình.

Pushkin đã “cắm sừng” nhiều ông chồng và lấy đó làm thích thú, nhưng lại tỏ ra hết sức phẫn nộ chỉ vì một nghi ngờ nhỏ rằng vợ mình không chung thủy.

Pushkin chinh phục người đẹp quý tộc Anna Kern, đã viết bài thơ tình nổi tiếng tặng bà “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”, nhưng sau đó lại tâm sự với một người bạn rằng Anna Kern rất mê ông, bám ông dai như đỉa, thích dịch văn học, và nhận xét: “Ngu thật, phải chăng đó là công việc phù hợp với trí tuệ cô ta?”.

Pushkin là kẻ máu mê cờ bạc, sau khi chết đã để lại món nợ 100 ngàn rúp (gần 2 triệu USD tính theo thời giá hiện nay), và Nga hoàng Nikolay đệ nhất đã phải thanh toán hộ.

Câu chuyện về chuyến viếng thăm thành phố Odessa của Pushkin nói lên nhiều điều. Nhà thơ thời thượng thủ đô đến tá túc tại nhà vị bá tước tỉnh trưởng Mikhail Vorontsov. Thay cho việc cảm ơn về lòng mến khách, Pushkin lại tán tỉnh vợ ông ta, nữ bá tước  Elizaveta  Vorontsova xinh đẹp. Đã thế lại còn làm thơ châm biếm chủ nhà: “Một nửa bá tước/ Một nửa con buôn/ Một nửa người khôn/ Một nửa vô học”. Trong khi đó, trong số những người đương thời, ngoài Pushkin, không ai gọi bá trước Mikhail Vorontsov là kẻ vô học...

Con người hay mê tín

Theo lời kể của ông Lev Pavlishev, cháu của Pushkin, nhà thơ Nga là một người mê tín và hay tin vào điềm gở. Pushkin không thích bắt tay và đưa tay cho người khác bắt (đặc biệt là tay trái) qua ngưỡng cửa, ông không chịu được 13 người ngồi bên bàn tiệc. Con số 13 đóng vai trò thần bí trong cuộc đời thi sĩ.  

Trước đám cưới của mình, Pushkin nói đùa với bá tước Vyazemsky rằng Natalya Goncharova là mối tình thứ 113 của ông. Pushkin làm phép cưới với người đẹp Natalya Goncharova tại một nhà thờ ở Moskva ngày 18 tháng 2 năm 1831. Biểu thức số của năm này gồm hai phần 18 và 31. Số 18 là tuổi của cô dâu, số 31 là tuổi của chú rể (số 31 đọc ngược là 13). Tổng các số của năm 1831 bằng 13.

Nữ bá tước E.A. Dolgoruka, bạn gái của cô dâu, nhớ lại rằng đám cưới của Pushkin trùng với nhiều điềm gở. Trong lúc làm phép cưới, cây thánh giá và quyển kinh Phúc âm rơi từ trên bàn thờ xuống đất khi đôi vợ chồng trẻ đang đi vòng quanh, Pushkin tái mặt đi, sau đó ngọn nến trong tay ông bỗng nhiên phụt tắt.

Số 26 (2 lần 13) cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong tiểu sử của Pushkin. Ông sinh ngày 26 tháng 5 năm 1799 (theo lịch cũ), tổng các số của năm này cũng bằng 26. Cũng theo ông Lev Pavlishev, Pushkin rất quan tâm tới những ngày rủi. Vào những ngày đó, ông không đi đâu, không làm gì. Đó là những ngày 11, 17, 18 tháng 2; ngày 1, 6, 26 tháng 5...Như vậy, Pushkin coi ngày sinh của mình là ngày không may, và với tất cả những bất hạnh đã gặp trong đời, ông nói: “Biết làm sao được, số Trời đã định, tôi sinh ra vào một ngày không may mắn”.

Một số người Nga coi việc đào bới đời tư người khác là hành động của kẻ tiểu khí hẹp hòi, họ nói rằng cần đối xử với thiên tài theo những thước đo khác hơn người bình thường. Số khác đề nghị phải làm rõ quá khứ tận chân tơ kẻ tóc, và đặt câu hỏi: phải chăng những người nổi tiếng được phép tất cả?

Liệu thơ Pushkin có trở nên kém hay hơn vì tác giả  là Don Juan hay người đam mê cờ bạc và khó tính? Không. Nhưng giống như ông chánh án trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” đã nhận xét, chân lý luôn luôn phải được tôn trọng.

 

*  Trần Hậu Tổng hợp từ báo Nga

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114462282

Hôm nay

2115

Hôm qua

2271

Tuần này

21201

Tháng này

218484

Tháng qua

120464

Tất cả

114462282