Những góc nhìn Văn hoá
Truyện Kiều - thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 5)

…
5. Hình tượng tác giả Truyện Kiều
Thi pháp học phân biệt hình tượng tác giả trong tác phẩm với tác giả tiểu sử, kẻ sáng tạo ra tác phẩm. Hình tượng tác giả là sự biểu hiện của cái "Tôi" thứ hai của tác giả một cách tổng hợp qua cái nhìn, giọng điệu, thể hiện tập trung cho quan niệm và hệ giá trị của nhà văn.
Nguyễn Du không hề tự miêu tả mình trong Truyện Kiều, nhưng ai đã đọc Truyện Kiều thì không thể không cảm thấy gương mặt của Nguyễn Du biểu hiện qua từng chữ, từng dòng. Ta không trông thấy ông, nhưng nhận ra ông qua tiếng nói, hơi thở, tấm lòng, tính khí, trí tuệ toát ra từ lời kể, lời nói của nhân vật các chi tiết, giọng điệu, cái nhìn. Khái niệm hình tượng tác giả tương tự như khái niệm tác giả hàm ẩm trong lý thuyết tự sự học hiện đại.
Hình tượng tác giả thể hiện qua lời người kể chuyện, qua lời của nhân vật, đặc biệt thể hiện qua một số từ ngữ có tính đặc trưng mà ta có thể nói đó là ngôn ngữ của tác giả. Tác giả có thể hiện hình qua người kể chuyện. Người kể chuyện trong truyện dõng dạc vạch trời kêu tội ác. Người ấy chửi rủa: "Chém cha cái số hoa đào - Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi". Người ấy than khóc cho đời: "Đau đớn thay phận đàn bà - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Người ấy mai mỉa sự đời bất công không thay đổi: "Lạ gì bỉ sắc tư phong - Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Người ấy trêu đùa cái sự tiu nghỉu của anh chàng si tình Kim Trọng đi tìm người yêu mà không gặp: "Lơ thơ tơ liễu buông mành - Con oanh học nói trên cành mỉa mai". Người ấy vui sướng phụ hoạ cùng đôi trẻ khi phá rào nơi bức tường để đến với nhau: "Xắn tay mở khoá động đào - Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai". Trước nay các nhà bình luận, chú giải đều đã ít nhiều nhận ra chân dung của Nguyễn Du qua văn Kiều và Mộng Liên Đường chủ nhân đã nói được những lời khiến ta nhớ mãi: "Nếu không có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì làm sao có được bút lực ấy!". Tấm lòng và con mắt là dấu hiệu của hình tượng tác giả.
Nhưng hôm nay ta cần tìm sâu hơn chân dung của Nguyễn Du qua ngôn ngữ của ông, một chân dung được dệt bằng chính những từ mà ông thường dùng và thích dùng, những từ kết tinh quan niệm, tình cảm, kinh nghiệm của ông, vẽ nên diện mạo tâm hồn của ông. Những từ như thế phần nhiều còn nằm im trên trang sách.
Trong một bài viết trước đây hơn 10 năm trên Tạp chí Văn học, 1983 chúng tôi đã lưu ý đến một số chữ và cách dùng mang dấu ấn của Nguyễn Du. Đó là chữ lòng trong các cách xưng hô trực tiếp với nhau của nhân vật: "Trách lòng hờ hững với lòng", "Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang", "Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng", "Để lòng thì phụ tấm lòng với ai"… Nhà thơ hầu như trừu tượng hết cái phần vật chất bên ngoài, cái phần tính danh dị biệt, để các nhân vật đối diện với nhau bằng những tấm lòng, lòng soi vào lòng mà hiểu nhau. Đem lòng mà ứng xử với nhau là nguyên tắc cao nhất. Văn chương xưa nói về tấm lòng đã nhiều nhưng mấy ai đã đặt tấm lòng thành những tấm gương song song soi vào trong nhau như vậy. Điều thú vị là trong Truyện Kiều không chỉ những kẻ trung thực, chân thành nói đến lòng, mà cả những kẻ giả dối, lừa đảo, tàn ác cũng luôn miệng xoen xoét nói tới "lòng" như một chiêu bài lừa mị, dối trá. Tú Bà nói: "Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!". Sở Khanh nói: "Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng!". Bạc Hạnh cũng làm một việc như vậy: "Trước sân lòng đã giãi lòng". Để cho kẻ lừa đảo, giả dối nói năng giống hệt như những người trung thực, chứng tỏ Nguyễn Du đã thâm thuý, hóm hỉnh nhìn thấu suốt mọi bề chân giả và gan ruột người đời!.
Một chữ khác cũng rất tiêu biểu cho con người của Nguyễn Du là chữ "ai". Nguyễn Du nhìn con người qua một chữ "ai" phổ biến nhân tính: "Thịt da ai cũng là người", "Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang?", "Tấm lòng ân ái ai ai cũng lòng", "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai", "Công danh ai dứt lối nào cho qua"… Ông có sẵn một quan niệm về con người trần thế, thực tế, tự nhiên để đánh giá mọi người, mọi việc trong truyện. Nhờ thế mà cách cảm nhận, đánh giá của ông đã trải qua hàng trăm năm mà không cũ.
Dĩ nhiên từ "lòng", từ "ai" là những từ phổ thông của tiếng Việt. Nhưng không phải ai cũng sử dụng như nhau. Một cách sử dụng đều đặn, nhất quán, chứng tỏ nhà thơ đã đặt vào đó một quan điểm riêng, một nghĩa riêng của mình.
Thật vậy, Cung oán ngâm khúc(1), theo bản của Nguyễn Lộc khảo đính, có 13 chữ "ai", thì phần nhiều là dùng để chỉ trời, chỉ vua, chỉ bản thân dưới hình thức nghi vấn. Bản Chinh phụ ngâm diễn ca(2) do Nguyễn Thạch Giang hiệu khảo có 10 chữ "ai" thì 6 trường hợp chỉ trạng thái không có người (ví dụ: "Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn"), một trường hợp chỉ trời, hai trường hợp chỉ người cụ thể. Chỉ có một trường hợp nói tới con người phổ biến: "Tình gia thất nào ai chẳng có". Truyện Hoa Tiên(3) do Nguyễn Thiện nhuận sắc và do Đào Duy Anh khảo đính có 72 chữ "ai" thì tuyệt đại bộ phận đều là từ phiếm chỉ dùng để nói tới người cụ thể một cách duyên dáng, ý nhị. Ví dụ: "Vì ai cho luỵ đến ai - Thà liều mệnh bạc kẻo sai chữ đồng", "Nào ai gió lật trăng lừa với ai", "Ai hay ai cũng còn lòng chửa quên", "Nợ kia ai lại làm rầu rĩ ai",…
Truyện Kiềucó 108 chữ "ai", thì phần nhiều dùng để chỉ tất cả mọi người, ai cũng như ai, không trừ một ai. Đó là anh, tôi, là tất cả. Đó là chữ "ai" rất Nguyễn Du.
Đọc Truyện Kiều chúng tôi còn nhận thấy một chữ rất thú vị là chữ "chút". Từ điển "Truyện Kiều" của Đào Duy Anh thống kê có 47 trường hợp. Đây là một chữ "rất Nguyễn Du", hầu như chưa thấy ai dùng nhiều như thế bao giờ:
- "Thì chi chút ước gọi là duyên sau"
- "Thưa rằngchút phận ngây thơ"
- "Được rày nhờ chút thơm rơi"
- "Của tin gọi một chút này làm ghi"
- "Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là"
- "Xót nàng chút phận thuyền quyên"
- "Rằng tôi bèo bọt chút thân"
- "Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa"
- "Đôi tachút nghĩa đèo bòng"
- "Chút còn ân ái chưa xong"
Nguyễn du còn nói "chút song thân", "chút xa xôi", "chút nghề chơi"… "Chút" là một uyển ngữ, nó làm cho sự vật được nói đến trở nên nhỏ hơn, bé đi và cách nói trở nên khiêm nhường, tao nhã. Nhưng chữ chút này còn mang ý vị một sự thể nghiệm nhân sinh. Chữ chút này nhà thơ thường dùng để chỉ phạm vi đời sống cá nhân. Và cá nhân trong cuộc đời là một cái gì rất bé nhỏ, yếu đuối, mỏng manh, dễ hư nát, dễ bị bỏ qua giữa bao điều to tát ở đời. Người xưa thường tự gắn mình với đạo nên cảm thấy mình rất vĩ đại và hùng mạnh: nào ngùn ngụt chính khí, nào đội trời đạp đất, nào dời non lấp bể, nào làm nên lịch sử. Họ lấy sự hùng mạnh của đạo làm nên sự hùng mạnh của chính mình. Trong xã hội đã thối nát, con người bị tuột ra khỏi mọi ràng buộc mới bắt đầu cảm thấy sự nhỏ bé của mình. Nguyễn Du nhìn ra rất rõ cái nhỏ bé của kiếp người. Và biết bao thương yêu, nâng niu trong chữ chút ấy.
Nguyễn Du là người không bao giờ ảo tưởng với đời. Đoạn Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe là một đoạn rất hay. Kim Trọng nghe xong, xúc động quá, khuyên Kiều từ nay đừng chơi khúc buồn ấy nữa. Kiều của Kim Vân Kiều truyện đã trả lời một câu dễ dãi: "Vâng, thiếp cũng cảm thấy như thế. Chỉ vì lúc nhỏ đọc thơ Ly Tao thương tình Khuất Tử phải chịu hàm oan, rồi nỗi oan ức ấy cứ ám ảnh tâm hồn thành ra thói quen muốn chừa không được. Ngày nay vâng lời dạy bảo, thiếp còn dạo lại khúc ấy làm chi?"(4). Kiều của Nguyễn Du trả lời như sau:
"Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao
Lời vàng vâng lĩnh ý cao
Hoạ dần dần bớt chút nào được không"
Kiều của Nguyễn Du không dễ dãi. Người xưa nói sông núi có thể biến đổi, mà tính trời thì khó đổi thay. Một điều đã thành "thói quen muốn chừa không được" nay làm sao chỉ một lời khuyên là bỏ được ngay! Kiều của Nguyễn Du là người tự biết mình và trung thực: Em nghe lời anh, nhưng may ra thì mới dần dần bỏ được chút ít! Hiển nhiên là một cô gái trạc tuổi 15 mà trả lời như vậy là hơi già trước tuổi. Nhưng ở đây có cảm thức của Nguyễn Du, có con mắt trải đời của tác giả.
Sinh con đẻ cái là việc tự nhiên của mỗi cặp vợ chồng, nhưng nghĩ tới nàng Vân xe duyên cùng Kim Trọng, Kiều cũng chỉ dám nghĩ tới một điều may mắn cho em:
"Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra thì đã tay bồng tay mang"
Kiều của Nguyễn Du hầu như hiếm khi đoan chắc một điều gì tốt đẹp. Ngay khi nói "Rằng bây giờ mới thấy đây - Mà lòng đã chắc những ngày một hai", thì cũng là lời nói khi sự việc đã thành, và cũng thấy "Cũng may dây cát được nhờ bóng cây". Rõ ràng khắp nơi trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đều đóng dấu ấn chân dung của ông vào trong chữ nghĩa, ngôn ngữ.
Ta còn có thể tìm thêm nhiều hơn nữa những từ ngữ, cách dùng làm bằng chứng cho chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Đọc Truyện Kiều mà chỉ thấy Kiều, thấy xã hội, thấy đồng tiền, mà không thấy rõ một Nguyễn Du hàm ẩn thì thật tiếc nếu không muốn nói là chưa hiểu văn. Không phải một Nguyễn Du từng làm quan, đi sứ dưới triều nhà Nguyễn, mà là một Nguyễn Du thâm thuý, trải đời, một Nguyễn Du tâm linh chan chứa nhân ái. Cũng không phải một Nguyễn Du dạy đời, răn đời, mà là một Nguyễn Du hiểu đời, đúng như lời nhận xét tinh tế của Cao Bá Quát: "Kim Vân Kiều là lời nói hiểu đời, Hoa tiên là lời nói răn đời vậy"(5).
(1) Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc. Nguyễn Lộc khảo đính, giới thiệu. NXB Văn học, Hà Nội, 1986.
(2) Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ ngâm diễn ca. Nguyễn Thạch Giang giới thiệu, hiệu khảo, chú giải, NXB Văn học, Hà Nội, 1987.
(3) Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện,Truyện Hoa Tiên, Đào Duy Anh khảo đính, chú thích, giới thiệu. NXB Văn học, Hà Nội, 1978.
(4) "Truyện Kiều" đối chiếu. NXB Hà Nội, 1991, tr.103.
(5) Tựa Truyện Hoa tiên, Truyện Hoa tiên, Tlđd, tr.10.
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559141

2158

2301

2459

226684

122920

114559141