Những góc nhìn Văn hoá
Ông Mười Hương, một người cộng sản chân chính, một thanh tra công tâm

Đồng chí Mười Hương (1924-2020)
Tôi chỉ được gặp Ông một lần duy nhất, khoảng 1984/1985, thời gian ông làm Phó ban thứ nhất Thanh tra Nhà nước, nhân một vụ việc gian lận điểm tuyển sinh đại học.
Cũng phải khá vất vả mới gặp được, sau năm lần bẩy lượt chầu chực ở phòng thường trực Thanh tra Chính phủ, mà như dưới đây sẽ rõ, nguyên do không phải từ ông. Lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời điện thoại từ trong cơ quan Thanh tra nhắn ra: "Anh Mười đang bận họp". "Anh Mười họp xong, có việc gấp, lại đi rồi". "Anh Mười hôm nay vắng" v.v... Đường Đội Cấn ngày ấy chưa nâng cấp, hai bên còn nhiều cánh đồng, mưa thì ngập nửa bánh xe đạp. Có lần trời lạnh, lại mưa, hai ống quần ướt sũng, được nghe một trong những câu trả lời như trên, tôi lôi tập bài dịch của sinh viên ra, ngồi chấm ngay tại Thường trực. “Tôi sẽ ngồi chờ tại đây đến hết ngày” - tôi trả lời ánh mắt thắc mắc của ông bảo vệ, chừng ngũ tuần. Ông lẳng lặng đi lấy phích nước, pha ấm trà, bưng một chén nghi ngút khói, mời và nói: "Tôi là đảng viên, đã ngót hai chục năm chỉ gác cổng cơ quan này, chưa thấy ai kiên trì như thầy giáo. Nhiều người chỉ đến lần thứ ba, thứ tư là nổi nóng, chửi bới, rồi... ra về tay không! Thầy giáo kiên trì thế này, HỌ sẽ phải tiếp".
Quả nhiên, sau lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ nữa, gần hết giờ làm việc buổi sáng, ông bảo vệ nhận cú điện thoại, rồi quay ra, mặt rạng rỡ, nói với tôi: “Anh Mười tiếp đồng chí đấy! Nhưng người ta bảo trong mươi phút thôi, vì sắp hết giờ rồi”.
Tôi bước vào một căn phòng rộng, không có bàn, chỉ thấy ghế dựa xếp ven tường. Lát sau, một người mặc đại cán chỉnh tề, cắp cặp bước vào, tôi đứng giậy, nói: - “Chào đồng chí Mười Hương!” - “Tôi không phải anh Mười ạ”. Hai ông nữa cắp cặp vào, ngồi xuống dãy ghế, rồi mới thấy một người đeo kính mát, tầm vóc nhỏ bé, mặc bộ bà ba giản dị sẫm mầu, đi giầy ba ta, nhẹ nhàng bước vào. Mấy ông vào trước đều đứng giậy, tôi hiểu đó chính là ông Mười Hương. Tôi lại chào và nói: - “ Thưa đồng chí Mười Hương, tôi được cho biết chỉ được gặp mười phút. Trong các văn bản tố cáo gửi đích danh đồng chí cách nay đã hơn 3 tuần, tôi đã trình bày rõ vụ việc. Vậy tôi xin vắn tắt thực chất trong 5p, dành 5p để đồng chí hỏi ạ”. Ông Mười quay lại phía mấy ông ngồi sát tường, nghiêm giọng hỏi: - “Ai quy định như vậy? Tôi tiếp đồng chí Vũ Thế Khôi vào cuối buổi làm việc để sẵn sàng nghe suốt thời gian nghỉ trưa của tôi”.
Tôi lập tức hiểu rằng mình đã đặt niềm tin đúng chỗ - một người lãnh đạo Cộng sản chân chính mà một người bình thường như tôi ngày ấy, hơn ba chục năm trước, còn biết rất ít, do lĩnh vực hoạt động đặc thù của ông. Không dám lạm dụng thiện chí và thời gian nghỉ ngơi chắc rất hiếm hoi của ông, tôi định bụng chỉ xin gặp trong 15-20p, nên đi thẳng luôn vào trọng tâm, nhấn mạnh rằng trong đơn từ của tôi không tố cáo những giám khảo chấm các bài gian lận điểm, như ở trường người ta cho tung dư luận hòng đánh lạc hướng điều tra, rằng “người trực tiếp cầm bút chấm bài thi phải chịu trách nhiệm về điểm số”. Tôi tố cáo công khai, tại diễn đàn Hội nghị công nhân viên chức của trường, chỉ đích danh Hiệu trưởng CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC GIAN LẬN, khiến những giám khảo ĐƯỢC CHỌN chấm bài thi, và sau đó là những giáo viên được chỉ định chấm “kiểm tra” để cho một điểm số trung gian (Quy chế không quy định có khâu này! Lãnh đạo Bộ ĐH và THCN bày đặt ra chí cốt tạo cớ sau đó dùng lý thuyết toán tập mờ biện hộ cho sự “lân li” giữa các điểm chấm bài thi nhằm bao che sự gian lận) - đều biết những bài đó là của con lãnh đạo nhà trường, và vì những lí do riêng, hoặc thiếu bản lĩnh, KHÔNG THỂ không nâng điểm tới con số chỉ đạo. Ông Mười ngắt lời, chất vấn luôn: - “Căn cứ nào cho phép đồng chí Khôi khẳng định có sự ”chỉ đạo và tổ chức gian lận” và “chọn” giám khảo chấm các bài thi của con em lãnh đạo trường?” - “Tôi đã nhiều năm chấm thi tuyển sinh, nên phát hiện ngay một số thay đổi của Hiệu trưởng trong quy trình chấm thi đã trắng trợn vi phạm Quy chế chấm thi, là có mục đích đưa các bài thi cần nâng điểm đến tận tay những giám khảo đã được chọn và bị ràng buộc…” Ông lần lượt căn vặn cụ thể từng điểm trong quy chế chấm thi đã bị cố ý vi phạm như thế nào. Cuối cùng, ông đề nghị tôi giới thiệu những giáo viên trung thực và giỏi tiếng Nga để Thanh tra nhà nước tổ chức chấm lại các bài thi được gian lận điểm. - “Thưa đồng chí Mười Hương, e người ta bảo không khách quan, ví tôi là nguyên đơn trong vụ này”. - “Không sao, tôi sẽ đề nghị cả bên bị đơn cũng giới thiệu”…
Chúng tôi làm việc đã hơn bốn chục phút, e lạm dụng giờ nghỉ hẳn rất hiếm hoi đối với những con người như thế này, tôi xin phép được tiếp tục giải trình sau với các chuyên viên do đồng chí Mười chỉ định....
Thế nhưng ngay cả ông Mười Hương cũng không phá nổi cái trận đồ bát quái của “maphia tuyển sinh” và tôi đã phải đưa vụ việc lên tận Quốc hội và Hội đồng Nhà nước mới ra được quyết định phân định phải/trái, ngay/gian, buộc Bộ chủ quản phải xử lí cái Ban Giám hiệu gian lận điểm tuyển sinh!
Chỉ tiếc rằng, cách xử lí ngày ấy, do những lí do nào đó, chưa đủ độ răn đe đối với loại tội phạm này, nên ba chục năm sau ngành Giáo dục nước nhà mới phả trả giá bằng mấy vụ gian lận tuyển sinh tầy đình lừng danh tại Hà Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình!
Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn giữ nguyên lòng cảm phục thực sự đối với một vị lãnh đạo Thanh tra rất sắc sảo, chu đáo, cẩn trọng, công tâm. Một NGƯỜI CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH.
Nếu Đảng lãnh đạo thực sự trân trọng và biết sử dụng những con người như vậy, thì ngành Tư pháp nước nhà đâu đến nỗi tai tiếng như hiện thời!
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559125

2142

2301

2443

226668

122920

114559125