Những góc nhìn Văn hoá

Mikhail Lermontov - Thiên tài bị lãng quên

Nhà thơ Nga vĩ đại Mikhail Yuryevich Lermontov được coi là “người kế tục” của “mặt trời thi ca Nga” Aleksandr Pushkin. Ông sinh ngày 15 tháng 10 năm 1814 tại Moskva và mất ngày 15 tháng 7 năm 1841 trong một cuộc đấu súng vớibạn đồng ngũ Nikolay Martynov. Lermontov chỉ sống trên đời 26 năm, nhưng đã kịp để lại nhiều kiệt tác thơ và văn xuôi bất hủ. Các tác phẩm chính gồm: Nhân vật của thời đại chúng ta (tiểu thuyết, 1840), Tiểu thư Ligovskaya (1838), Người tù Kavkaz (trường ca, 1828), Ác quỷ (trường ca, 1839), Mtsyri (trường ca, 1839) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng như: Cánh buồm trắng, Tảng đá, Cái chết của thi sĩ, Borodino...

Mikhail Lermontov

 

Vì sao tôi coi Mikhail Lermontov là nhà thơ hiện nay bị lãng quên? Sách của ông dù sao vẫn được xuất bản, ngày hội thơ của Lermontov ở Tarkhany vẫn có gần 20.000 người tham dự. Thậm chí Tổng thống Vladimir Putin sau 12 năm cầm quyền cũng đã trích dẫn thơ Mikhail Lermontov (tại Hội nghị văn học Nga ở Moskva năm 2013). Nhưng dù sao vẫn ông được nhắc tới hết sức hạn chế, sách của ông không xuất hiện trong các tủ sách nổi tiếng của các nhà văn cổ điển thế giới. Ngay cả trong giới văn học, nhận xét về ông cũng hoặc là tiêu cực, hoặc là đáng ngờ. Hiện nay, trong nền văn hóa Nga, không ai muốn coi trọng thiên tài dân tộc Nga, ngoài một bộ phận ít ỏi những người hiểu được sự vĩ đại đích thực của ông.

Mikhail Lermontov từng viết: “Tôi khinh bỉ những kẻ phiêu lưu -lũ chó con d’Anthès [1]và  de Barante[2]tự cao tự đại”. Ông tin rằng nếu d’Anthès là một người Nga, Pushkin có lẽ đã không bị bắn chết”. Trong khi chính Lermontov lại bị sát hại bởi một người Nga. Sát hại một cách cố ý và máu lạnh, mặc dù vẫn biết rằng sẽ không có phát súng đáp trả. Nhưng hiện nay, khi viết về vụ đấu súng ở chân núi Mashchuk thì người ta biện minh hoàn toàn cho Martynov. Than ôi, trong thời đại của Martynov hiện nay, Lermontov mãi mãi là một thiên tài bị lãng quên.

Thật vậy, trong số các nhà thơ Nga vĩ đại không ai phải gánh chịu một số phận khắc nghiệt và hẩm hiu như thiên tài dân tộc chúng ta Mikhail Yuryevich Lermontov.  Nhưng tại sao tổ quốc chúng ta lại nhẫn tâm như vậy với những đứa con của mình? Ông không được yên ổn cả lúc sinh thời lẫn sau cái chết thê thảm. Trong gương mặt Lermontov, dường như nước Nga được Thượng đế ban tặng một tài năng thơ chói lọi. Nếu như năm 26 tuổi ông đã kịp sáng tác ngần ấy tác phẩm thiên tài, thì sẽ có bao nhiêu tác phẩm ông sẽ viết vào năm 40, 60 tuổi?

Bị mê hoặc bởi sự thần bí của Lermontov, nhiều nhà nghiên cứu đã và đang viết về linh cảm cái chết, về cuộc sống trần thế ngắn ngủi của ông. Vâng, thi sĩ thường viết về cái chết. Nhưng ông cũng hay viết về khát vọng cuộc đời. Kế hoạch văn học của ông được xây dựng trước hàng chục năm. Liệu một người hay nghĩ tới cái chết có thể dự định viết những cuốn tiểu thuyết về các cuộc chiến tranh ở Kavkaz, khao khát những chuyến đi tới Ba Tư, Xiva, và các cuộc viễn du xa xôi không?

Hơn nữa, điều lạ thường là trong các cuộc giao tranh đẫm máu nhất như trận chiến trên sông Valerik, bom đạn và lưỡi lê đã tránh Lermontov. Ông xem cuộc đấu súng với nhân vật Grushnitsky của mình (nguyên mẫu là Martynov) như một trò chơi văn học. Rằng mình chỉ cần giết chết hắn trong tiểu thuyết là đủ, còn trong cuộc đời sẽ không bắn hắn, hãy để cho hắn sống. Tuy nhiên, Grushnitsky lại nghĩ khác. Lermontov nhìn những vụ xô xát và xung đột của mình với các chiến hữu và ban chỉ huy, với giới thượng lưu bằng ánh mắt mỉa mai. Ông không biết căm thù một cách thực sự. Ông pha trò, đôi khi giễu cợt chua cay, viết những bài thơ châm biếm và vẽ tranh biếm họa, nhưng hoàn toàn không ác ý.

Ngược lại, cả cuộc sống, cả những người thân, nhiều bạn bè và chiến hữu, cả giới lãnh đạo cao cấp, kể cả hoàng đế Nikolay I đã giáng lên đầu ông những cơn thịnh nộ và sự nhẫn tâm. Điều đó đã diễn ra nhiều thập kỷ, thế kỷ, cho đến tận hôm nay.

Năm 1914, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lermontov, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Năm 1941, nhân 100 năm ngày mất của ông, Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu. Hình  như, những người thân của ông đã hủy hết bản thảo và những bức tranh của ông. Ngôi nhà nơi ông chào đời ở Cổng Đỏ, Moskva, đã bị phá; vào những năm cải tổ, trong không khí bài Xô hừng hực, việc đầu tiên là người ta đã đổi tên ga tàu điện ngầm “Lermontov”. Trong khi đó vẫn giữ lại các ga “Quảng trường Cách mạng” và “Baumanskaya”, thậm chí cả ga tàu điện ngầm mang tên kẻ ám sát Nga hoàng Voykovskaya (mãi sau này mới đổi tên). Ai trong số những ông lớn đứng sau vụ này? Ai là người khởi xướng tội ác này? Họ đặt tên ga “Cổng Đỏ”, nhưng đương nhiên, bản thân Cổng Đỏ thì không ai nghĩ tới việc phục hồi. Dường như vào cái thời xa xưa, khi Cổng Đỏ được xây dựng, đã tồn tại tàu điện ngầm? Dường như có ai đó trong số hàng triệu người dân Moskva vẫn nhớ nguồn gốc của nó? Còn sách của Lermontov thì có thể nhiều người không đọc, nhưng họ, tên thì biết. Vì cớ gì người ta xúc phạm nhà thơ Nga thiên tài?

Sự “lãng quên” này đối với Lermontov dường như đã trở thành một thông lệ. Trong ngành Lermontov học, đã xuất hiện cái mốt biện minh hoàn toàn cho Nikolay Martynov. Kẻ sát nhân có lý trong mọi trường hợp, mà cái gã sĩ quan còm hỗn láo Lermontov là ai vậy? Không ai biết gì về những bài thơ của ông. Bạn hãy đọc các cuốn sách của Ochman hay Zakharov, những nhà Lermontov học gạo cội hiện nay, và sẽ lấy làm ngạc nhiên về những lời tán dương Martynov của họ.

Thứ nhất, về việc dường như vào năm 1841 không ai biết nhà thơ Nga thiên tài Mikhail Lermontov, tôi chỉ xin lưu ý độc giả rằng toàn bộ giới phê bình văn học Nga thời ấy, thuộc các khuynh hướng khác nhau, từ Vissarion Belinsky đến Faddey Bulgarin, trong tất cả các tạp chí và almanach văn học của Nga, đã viết về các kiệt tác văn học của Lermontov, nhiều cuộc tranh luận liên tục diễn ra về tác phẩm của ông, vào khoảng năm 1837, Lermontov nghiễm nhiên đã trở thành trung tâm của đời sống văn học Nga.

Thứ hai, nếu quan điểm của các nhà Lermontov học hiện nay (đã biến thành các nhà Martynov học) cho rằng giới quý tộc Nga nửa đầu thế kỷ XIX không biết tên tuổi nhà thơ Lermontov, thì phải thừa nhận sự ngu dốt toàn tập của cái gọi là nền văn hóa quý tộc. Nếu như đối với các công tước, nam tước, Lermontov chỉ là một sĩ quan nhỏ, không có ý nghĩa gì, thì nghĩa là họ không biết, không hiểu văn học Nga, và không quan tâm tới nó. Ngay cả hoàng đế Nikolay  đệ Nhất vốn không yêu mến nhà thơ, nhưng đã đọc “Nhân vật của thời đại chúng ta” và thơ của ông. Shevyryov và Burachok, Belinsky và Bulganin, tất cả các nhà phê bình văn học và nhà chính luận chủ chốt của nước Nga, phái thân Slavơ, phái thân phương Tây thường xuyên trao đổi về tác phẩm của ông, thế nhưng giới quý tộc thân cận,  thậm chí những người bạn…lại dường như không biết gì về tài năng vĩ đại của thi sĩ, và không dự đoán được sự bất tử của thơ và văn xuôi của ông.

Trong khi đó, những tác phẩm xuất sắc nhất của Lermontov đều đã được công bố lúc bấy giờ… Hạ thấp người sĩ quan này, giới quý tộc trên thực tế đã hạ thấp chính mình, thể hiện một sự dốt nát toàn diện của giới quý tộc Nga…

Và dường như lúc bấy giờ không ai hình dung được có một nhà thơ vĩ đại lại bị giết trong một cuộc đấu súng. Thậm chí, một người bạn của Lermontov, công tước Vasilchikov khi được hỏi “Liệu có ai xúi giục Martynov không”, đã trả lời: “Có thể có, tôi mới 22 tuổi, và tất cả chúng tôi lúc bấy giờ không ý thức được Lermontov là người như thế nào. Đối với tất cả chúng tôi ông chỉ là một sỹ quan thông minh và tốt bụng, làm thơ rất hay và giỏi vẽ tranh biếm họa…”

Có thể, trên thực tế, không ai, ngoài các nhà phê bình văn học và các nhà văn thủ đô, hiểu sinh thời Mikhail Lermontov là người như thế nào? Tại sao ngay lập tức sau khi nhà thơ qua đời, chính ở thành phố Pyachigorsk vào tháng 7 năm 1841, cũng chính công tước Vasilchikov đã viết cho bạn mình: “Thật đáng tiếc cho ông! Tại sao những người có thể mang lại lợi ích, thậm chí vinh quang, Pushkin, Lermontov, lại mất sớm, trong khi đó trên đời có bao nhiêu kẻ trác táng, vô dụng lại sống đến tận già…”? Nghĩa là, họ hiểu người bị nạn là ai, nhưng im lặng. Còn sau đó lại ngồi sang tác ra những giả thuyết đáng ngờ về việc bảo vệ danh dự của em gái Martynov, về cái gọi là bức thư của em gái bị Lermontov bóc. Martynov và Lermontov trong những năm này thường gặp gỡ nhau, đôi khi ăn uống với nhau, nhưng không bao giờ nhắc tới  chuyện này.

Điều tôi quan tâm là tại sao các nhà nghiên cứu hiện nay trong tay không có bất cứ bằng chứng mới nào lại bác bỏ logic đầy thuyết phục của Pavel Vasikovatov, tiểu sử gia đầu tiên của Lermontov, và bắt đầu đồng loạt tìm kiếm mọi lý lẽ để ủng hộ Nikolay Martynov. Dường như đã xuất hiện những bằng chứng mới về nguyên nhân cuộc đấu súng, hay tính chất của cuộc đấu súng? Sẽ không ai tìm thấy gì đâu. Tất cả những gì đã viết trong những năm đầu sau khi nhà thơ qua đời chính là bức tranh đích thực.

Tôi phủ nhận ý kiến giả dối rằng sinh thời ở nước Nga, tầm cỡ tài năng của Lermontov chưa được làm rõ. Những hồi ức và ý kiến của nhiều người đương thời đã chứng minh điều đó. Bá tước Pavel Grabe, một trong những nhà chỉ huy quân sự ở Kavkaz, viết cho đại tá Traskin ngay sau khi nhà thơ qua đời: “Chúng ta, những người Nga, thật bất hạnh. Vừa mới xuất hiện một con người tài năng thì có một chục kẻ hèn hạ đã săn đuổi anh ta…”. Tướng Ermolov còn phản ứng quyết liệt hơn: “Có thể sát hại bất cứ người nào, dù là quan đại thần hay nhà quý tộc: loại người ấy ngày mai sẽ có vô khối, nhưng những người như Lermontov còn phải chờ đợi lâu…”. Nhà thơ, công tước Vyazemsky dường như thay mặt các nhà văn Nga bổ sung: “…nền thơ của chúng ta bị bắn chính xác hơn cả Louis Philippe. Lần thứ hai và không bị trượt…”

Trong bối cảnh hiện nay, khi kẻ bất hạnh Martynov nhận được sự cảm thông của nhiều người, ý kiến của những người bảo vệ danh dự của nhà thơ Nga vĩ đại rất có giá trị. Vì sao hai thế kỷ nay, những mũi tên của sự thù hận, phán xét và lòng đố kỵ cứ  bay tới tấp từ phía kẻ thù của nhà thơ? Vì sao ngay ở chính nước Nga, người ta muôn thuở ghét bỏ các thiên tài Nga? Người thanh niên 26 tuổi ấy có tội tình gì để cho đến nay các cuốn sách của các nhà Lermontov học đầy rẫy những ý kiến cho rằng anh xứng đáng với cái chết đó? Thôi được, những thanh niên quý tộc thời ấy, giống như các fan bóng đá hiện nay, có thể nói rằng anh đã vi phạm “quan niệm” của xã hội thượng lưu của họ. Nhưng khi các giáo sư và tiến sĩ khoa học tóc bạc phơ hiện nay cũng ủng hộ giả thuyết này thì tôi xin hỏi: nhà thơ thiên tài trẻ tuổi đã làm điều gì cấm kỵ và tai tiếng đến thế? Tại sao khi Lermontov qua đời tất cả những người đương thời của ông đều viết về một vụ sát hại công khai nhà thơ, rằng ông đã tuyên bố trước sẽ không bắn, còn hiện nay người ta lại tìm kiếm lý do để chứng minh sự vô tội của kẻ đê hèn Martynov?

Theo tôi, với lòng yêu tự do và sự khinh bỉ đối với một bộ phận giới quý tộc tha hóa, Mikhail Yuryevich Lermontov, rất lâu trước các thi sĩ Pháp như Baudelaire, Verlaine hay Rimbaud, đã trở thành “thi sĩ bị nguyền rủa” ở nước Nga... Có nhiều kẻ đã công khai nguyền rủa ông lúc sinh thời cũng như sau khi chết. Xét về quan điểm sống, Lermontov là một người bảo thủ và theo chủ nghĩa quân chủ, nhưng ngay từ thuở thiếu thời, do sự run rủi số phận nào đó, ông đã trở thành người truyền bá những tư tưởng cách mạng nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Mikhail Lermontov, hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ làm sạch không gian Lermontov khỏi những  trò bịp bợm, đơm đặt và những giả thuyết sai lầm diễn ra suốt trong hai thế kỷ. Trả lại cho nhà thơ vị trí cao cả vốn có của thiên tài dân tộc Nga.

 

Trần Hậu

Trích dịch từ cuốn “Lermontov - thiên tài bí ẩn” của V. Bondarenko”, Moskva, 2015

 


[1] Georges d’ Anthès- sĩ quan Pháp, người đã đấu súng với thi hào Nga A. S. Pushikin và giết chết ông

[2] Ernest de Barante: con trai của đại sứ Pháp dưới thời Nikolay I.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559113

Hôm nay

2130

Hôm qua

2301

Tuần này

2431

Tháng này

226656

Tháng qua

122920

Tất cả

114559113