Những góc nhìn Văn hoá

Tản mản về "Người tình", truyện và phim

An Hoa, con gái tôi hiện sống ở Toronto, Canada, nhiều lần thúc giục tôi viết cái gì đó về truyện “Người tình” của Marguerite Duras cũng như phim “Người tình” của đạo diễn Jean-Jacques Annaud. Bạn bè của Hoa ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đều đã hơn một lần xem phim “Người tình” và một số đã đọc truyện “Người tình” bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Việt. Hầu hết họ bâng khuâng không hiểu sao một chuyện tình có vẻ đơn sơ, không hào hùng, không li kỳ gì mà lại được ngưỡng mộ khắp thế giới ở bất kỳ lứa tuổi hay giai tầng xã hội nào. Phim thì được chiếu nhiều lần khắp các nước, còn sách thì được Giải Goncourt uy tín, được dịch ra 43 thứ tiếng với lượng phát hành kỉ lục hàng triệu bản. Hoa muốn tôi, vốn là giáo viên tiếng Pháp, tìm cách lí giải cho bạn bè Hoa thấy rõ vấn đề hơn. Tôi dùng dằng đã mấy tháng nay không đáp ứng yêu cấu của con gái vì thực tình tôi cũng bâng khuâng không kém bạn bè Hoa. Tôi cảm thấy mình không đủ hiểu biết để đề xuất một cách lí giải thuyết phục và có tính khoa học. Những điều tôi viết ra đây chỉ là những cảm nhận chủ quan thiên về cảm tính hơn là lí tính.

Tiểu thuyết “Người tình” được xuất bản ở Pháp năm 1984 thì đến năm 1986 tôi thấy nó xuất hiện ở Phòng tư liệu Khoa Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Huế. Tiều thuyết lập tức làm tôi chú ý vì hai lẽ. Một là nó được Giải Goncourt ngay năm 1984 và lại được Nhà xuất bản Minuit ấn hành. Mọi người đều biết NXB này vốn khích lệ những tác phẩm có phong cách mới, táo bạo. Hai là tiểu thuyết này là một sản phẩm của văn học Pháp ngày nay, cần được giới thiệu cho sinh viên biết, chứ không buộc họ mãi dùi mài với những tác phẩm cổ điển. Vậy là tôi sắp xếp đọc tiểu thuyết này trong thời gian ngắn nhất. Tôi càng đọc càng thấy bị lôi cuốn vào một phong cách viết hết sức độc đáo, câu chuyện tình thì đơn giản nhưng thi vị vì bối cảnh của nó: chuyện tình xảy ra ở phía Nam nước ta giữa một cô gái da trắng thuộc một gia đình có cuộc sống khó khăn và một chàng trai Hoa kiều giàu có. Có thề tóm lược chuyện như sau:

Một cô gái da trắng sinh ở Gia Định, mồ côi cha, đang sống với mẹ, anh trai cả và em trai út ở Sa Đéc. Mẹ cô làm hiệu trưởng trường nữ tiểu học của tỉnh lị, người anh cả là một kẻ lêu lổng, em trai út thì yều đuối bạc nhược. Cô luôn mặc chiếc áo liền váy bằng lụa bạc màu, sửa từ áo cũ của mẹ. Đôi hài cô đi viền kim tuyến nhưng cũ nát, còn chiếc mũ đàn ông trên đầu với giải băng nhỏ màu đen là sản phẩm mua được từ một vụ bán đại hạ giá đâu đó trong vùng. Cô được mẹ gửi vào một trường nữ nội trú ở Sài Gòn với mong muốn cô sau này trở thành một thạc sĩ sư phạm toán nhằm kiếm một chân giảng dạy bậc tú tài. Ý muốn của bà cứng rắn không lay chuyển trong khi cô mơ thành nhà văn trong tương lai. Cô ý thức được sự khập khiễng của đời mình: cuộc sống khó khăn nhưng phải bươn chải học hành để làm một nghề mà cô không thích và cứ thế cô luôn bị dằn vặt giữa thực tế và ước mơ. Cô cảm thấy cô đơn vì là người da trắng giữa bao người bản địa, nhưng cô lại gắn bó với những người bản địa như bác tài xế xe đò, với hành khách trên xe ngổn ngang giữa hàng hóa, gà vịt. Khi cô ở tuổi mưòi lăm rưỡi, trên một chuyến đi từ Sa Đéc về Sài Gòn sau dịp nghỉ hè trở lại trường, xe đò của cô lên phà qua sông Tiền. Cô đang đứng trên boong phà dựa vào lan can ngắm sông nước mênh mông thì một chàng trai ra khỏi một chiếc limousine sang trọng đến gần bắt chuyện. Chàng trai là một Hoa kiều con nhà giàu có, vốn được gửi qua Paris học nghề thương mại, nhưng chàng chỉ vui chơi không học hành gì nên bị cha gọi về. Hiện chàng chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi xe limousine đi đây đó giải khuây. Hai kẻ lơ lửng trong cuộc đời gặp nhau như vậy và chẳng suy nghĩ gì hơn cô gái thuận cho chàng trai đưa mình lên xe nhà về khu nội trú ở Sài Gòn. Từ đó hai người quấn quít lấy nhau, ban đầu như trò con trẻ sau dần tình yêu thực sự hình thành. Họ liên tiếp có những buổi ái ân say đắm ở một gác trọ trên một đường phố nhộn nhịp ở Chợ Lớn. Họ yêu nhau nhiều tháng trôi qua như vậy mà không nghĩ gì đến tương lai. Giám thị khu nội trú biết chuyện, báo cho mẹ cô gái biết. Bà giận lắm nhưng bản tính mềm yếu nhu nhược, bà không làm gì hết. Con trai cả của bà hư hỏng là vậy mà bà cứ nuông chiều hết mực. Thậm chí cả nhà nhận lời mời của chàng trai giàu có dự các bữa tiệc hay tham gia các trò vui chơi ở những nơi sang trọng. Trong các cuộc gặp đó, chỉ có cô gái nói chuyện với chàng trai, còn bà mẹ và hai anh em trai câm lặng, không nhìn, không nói. Một năm rưỡi trôi qua như vậy cho đến ngày chàng trai phục tùng lệnh cha, giữ gìn gia phong mà lên xe hoa với một cô gái cùng chủng tộc, môn đăng hộ đối. Ít lâu sau cô gái cùng mẹ và em trai hồi hương về Pháp trên một chuyến tàu thủy ở bến Sài Gòn. Khoảng năm mươi năm sau, Người tình đã già và đã định cư ở Mỹ, có dịp cùng vợ ghé qua Paris. Người tình biết cô gái xưa đã thành một nữ văn sĩ danh tiếng. Ông nhấc điện thoại gọi bà nhà văn và hai ngườì nhận ra nhau ngay. Ông nói với bà rằng ông yêu bà suốt đời, yêu cho đến hôm nay và mãi mãi.

Chuyện “Người tình” là như vậy, không có vẻ đa dạng, nhiều màu sắc như những tiểu thuyết Pháp khác về tình yêu. Nhưng nó lại rất nổi tiếng. Ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi ở Sa Đéc và Cần Thơ người ta xây dựng các bảo tàng về “Người tình”, cho dù hiện tượng này rất khó quan niệm ở một nước theo chủ nghĩa xã hội. Đối với những độc giả đọc truyện này theo nguyên bản tiếng Pháp, những nét độc đáo hiện ra khá rõ. Đó là nghĩ sao viết vậy, nói sao viết vậy, thấy sao viết vậy, không dàn dựng, không trau chuốt. Đó là một sản phẩm thô. Thưởng thức tác phẩm này như uống nước “trong nguồn chảy ra”, như thưởng thức củ khoai nướng ngay trên nương. Có hai đặc điểm về văn phạm trong phong cách viết của tác giả. Một là trong 142 trang sách hầu như không có lời nói trực tiếp (discours direct), không có lời nói gián tiếp hay thuật lại (discours indirect /rapporté) mà chỉ có lời nói gián tiếp tự do (discours indirect libre). Xem đoạn sau đây sẽ rõ: Chàng trai đưa thuốc lá mời cô gái. (1) Tôi không biết hút thuốc, cám ơn. (lờì nói trực tiếp). (2) Cô gái cám ơn và nói cô không biết hút thuốc (lời nói gián tiếp). (3) Cô gái từ chối, tôi không biết hút thuốc, cám ơn (lời nói gián tiếp tự do).

Trong tiểu thuyết này ta thấy chỉ có những câu loại (3) mà thôi.
Hai là tiểu thuyết này được coi như một sản phẩm văn nói chứ không phải văn viết. Trong 142 trang không hề có thì quá khứ đơn hay quá khứ hoàn thành (passé simple/passé défini), một thì động từ chủ đạo trong các chuyện kể. Ngược lại, tác giả dùng thì hiện tại kể chuyện (présent historique) từ đầu đến cuối theo kiểu nói sao viết vậy. Tác phẩm sinh động là vì lẽ đó. Lần đầu tiên tôi gặp cách viết này trong cuốn “Người lạ” (L’étranger) của Albert Camus. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều về cách viết như vậy. Lần này, đọc Marguerite Duras, tôi tìm lại được cách viềt mà mình yêu thích. Cách dùng thì động từ chịu ảnh hưởng của môi trường sống của tác giả thời trẻ. Đó là một vùng đất không có mùa (pas de saisons), con người mộc mạc, sông nước mênh mông. Cái thì présent historique thích hợp làm sao!

Phim “Người tinh” (L’amant) ăn khách, theo nhiều bình luận trên báo chí, cũng có nhiều lẽ. Tiểu thuyết là một cái gì ngổn ngang về nội tâm và thân phận con người, những gì ấp ủ trong lòng. Làm sao thể hiện những thứ đó bằng hình ảnh? Đạo diễn đã cố gắng nói lên nội tâm bằng các chi tiết bề ngoài như trang phục, dáng dấp, nét mặt, cử chỉ ứng xử, v.v... Diễn viên được chọn khớp với tính cách nhân vật. Nhìn thấy diễn viên, khán giả yên tâm về tác phẩm. Những cảnh ân ái nồng nhiệt thoạt tiên làm hoảng hốt các nhà đạo đức, nhưng càng về sau những vị này thông cảm cho mối tình tưởng thoáng qua nhưng lại là thực chất và vĩnh cửu. Những cảnh sông nước mênh mông hay cảnh vùng quê, cảnh bến phà cũng gây ấn tượng mạnh cho người xem, đặc biệt người Việt trong và ngoài nước. Những cảnh chia tay và hội ngộ, thầm kín và lặng lẽ nhưng tạo cái buồn da diết.

Về mặt thời sự, phim “L’amant” cùng với “Indochine” và “Điện Biên Phủ” tạo ra cột mốc về sự hòa giải giữa Việt Nam và Pháp. Những cảnh trong các phim này phần lớn được quay ở Việt Nam, các đoàn làm phim hai nước phối hợp chặt chẽ, nội dung các phim đều nói lên tình cảm gắn bó của hai bên.

(Ghi chú: Tác giả bài này đã có dịp thăm nhà lưu niệm Người tình ở Cần Thơ.)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513549

Hôm nay

222

Hôm qua

2313

Tuần này

21486

Tháng này

220422

Tháng qua

121356

Tất cả

114513549