Những góc nhìn Văn hoá
Bản lĩnh và trí tuệ của Đảng - nền tảng căn cốt tạo nên giá trị đạo đức, đổi mới và phát triển ở Việt Nam
Hội nghị lần thứ IV, BCH Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục kiên trì, kiên quyết xây dựng, chính đốn Đảng. Nguồn: TTXVN
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo xây dựng Đảng thành một đảng cách mạng chân chính, “là đạo đức, là văn minh”. Khát vọng đó của Người không chỉ là sự đánh giá một cách tự hào về Đảng, mà còn đặt ra yêu cầu không ngừng xây dựng và hoàn thiện Đảng ở tầm cao về bản lĩnh, đạo đức và trí tuệ. Trong đó, đạo đức là “cái gốc” để Đảng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã xác định. Trình độ trí tuệ và bản lĩnh là tiền đề cơ bản cho Đảng đề ra đường lối, cương lĩnh, phương pháp cách mạng đúng đắn, giải quyết một cách khoa học, nhanh chóng, chính xác những nhiệm vụ đặt ra trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Bởi vậy, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng là yếu tố nền tảng tạo nên giá trị đạo đức, đổi mới và phát triển ở nước ta.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã xây dựng “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Chương trình tóm tắt” và “Điều lệ vắn tắt”, nhằm đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Trong Cương lĩnh chính trị năm 1930, Đảng ta quyết định mục tiêu, con đường cách mạng Việt Nam là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; đồng thời, khẳng định bản lĩnh, trình độ trí tuệ, sức sáng tạo của Đảng trước vận mệnh của dân tộc. Nhờ có bản lĩnh, trí tuệ cao, Đảng đã lãnh đạo nhân dân “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; đánh giá chính xác tình hình trong nước và thế giới; nhận diện được âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; nắm vững thời cơ, quyết đoán mau lẹ, chính xác, linh hoạt “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong những tình huống, điều kiện cụ thể, nhất là những vấn đề có tính nguyên tắc để giải quyết đúng đắn, sáng tạo, biện chứng mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đấu tranh làm thất bại những quan điểm, tư tưởng hữu khuynh, ích kỷ, hẹp hòi, thụ động; động viên quân và dân cả nước đồng tâm hiệp lực, đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, non sông thu về một mối.
Trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, nhiều nước trong hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng trầm trọng và tan rã. Cách mạng nước ta đứng trước những thách thức mới vô cùng nghiệt ngã trước sự chống phá của các thế lực thù địch; những khuyết tật của chế độ quan liêu, bao cấp; sự bao vây, cấm vận đối với Việt Nam ngày càng siết chặt. Bối cảnh đó làm cho sự lãnh đạo của Đảng đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Song, càng trong những lúc khó khăn thì bản lĩnh và trí tuệ của Đảng càng được khẳng định và phát huy. Với bản lĩnh đã được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, nêu cao trách nhiệm trước toàn dân tộc trong việc tìm tòi con đường phát triển, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trong đó xác định, việc đổi mới phải bắt đầu từ tư duy lý luận, nâng cao trình độ nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể Việt Nam; tôn trọng quy luật khách quan, khắc phục tư tưởng chủ quan, duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận, chủ nghĩa cực đoan, giáo điều, cơ hội, xét lại, cùng những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động. Thực tiễn cho thấy, càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh nước ta mở cửa, hội nhập, Đảng cần phải có bản lĩnh và trí tuệ ngang tầm để nắm bắt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đồng thời, “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN;…; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”[1].
Trong khi đó, bản thân Đảng, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và cả những thách thức đan xen. Song, nhờ bản lĩnh và trí tuệ cao, Đảng đã sớm nhận ra đòi hỏi của thực tiễn đối với vai trò lãnh đạo của mình và những khiếm khuyết cần khắc phục, sửa chữa, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân, nhất là vấn đề đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, mặt trái của nó cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để khắc phục tình trạng đó, với tinh thần tự phê bình và phê bình cao, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, Đảng đã ra các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII và XIII); đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05-CT/TW, khóa XII); Quy định số 08 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 47 “Về 19 điều đảng viên không được làm”; và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, Đảng ta đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, không hoang mang, lùi bước, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ và sự nghiệp phát triển đất nước; thẳng thắn, cầu thị trong thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, yếu kém, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phẩm chất, tư cách và trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước.
Như vậy, nhờ có bản lĩnh và trí tuệ, Đảng đã nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất cả thành công và khuyết điểm trong lãnh đạo cách mạng; nhân tố quan trọng tạo nên giá trị đạo đức, làm cho Đảng gần dân hơn, luôn tự đổi mới, chỉnh đốn về phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo để khẳng định mình, không bảo thủ, trì trệ. Trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức cách mạng là ba yếu tố thống nhất trong yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một đảng “là đạo đức, là văn minh”, luôn tỏa sáng và được Nhân dân tin yêu, tín nhiệm trước hết phải là đảng có bản lĩnh và trí tuệ. Bởi vậy, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi Đảng phải không ngừng rèn luyện về bản lĩnh, trau dồi về trí tuệ, tư duy lý luận, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Trước hết, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, đáp ứng đòi hỏi của của tình hình mới
Trí tuệ của Đảng trước hết là trình độ lý luận. Không có lý luận tiên phong soi sáng thì Đảng không thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử mà Nhân dân và dân tộc giao là lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Điều này đã được Hồ Chí Minh lúc sinh thời khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”[2] và “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”[3]. Như vậy, lý luận không phải là mục đích tự thân, lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, phải được chứng minh trong thực tiễn và khi được vận dụng vào thực tiễn, nó được bổ sung, phát triển, trở nên phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, của xã hội và của con người. Vì vậy, đổi mới tư duy lý luận, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở lập trường, phương pháp luận, tiếp thu có chọn lọc những vấn đề cơ bản, phù hợp với thời đại ngày nay và thực tiễn của đất nước. Đổi mới tư duy lý luận không phải là đi tìm một chủ nghĩa khác, hệ tư tưởng khác, mà là nhận thức sâu sắc, đầy đủ và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong các thời điểm lịch sử khác nhau, góp phần hoàn thiện, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới. Sáng tạo ở đây chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh; giữa nguyên lý, nguyên tắc với đặc điểm, truyền thống dân tộc; qua đó, phát hiện ra cái mới, khái quát thành lý luận, làm phong phú, bổ sung thêm yêu cầu phát triển của thực tiễn. Đổi mới tư duy lý luận phải đi liền với khắc phục những biểu hiện bảo thủ, trì trệ, ngại học tập lý luận chính trị. Bởi, đó cũng là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) đã chỉ ra.
Hai là, tăng cường công tácnghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là nguồn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu lý luận. Chỉ khi nào công tác lý luận bám sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời hơi thở của cuộc sống, bắt rễ sâu trong đời sống hiện thực, giải đáp đúng những vấn đề do thực tiễn đặt ra, thì khi đó mới có chất lượng và hiệu quả cao, tránh được giáo điều, tự biện và các lệch lạc khác. Bản lĩnh và trí tuệ được thể hiện ở khả năng nhận thức và hành động theo quy luật khách quan và là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng có những quy luật khách quan và đã được Đảng tổng kết, vận dụng và phát triển sáng tạo đạt tới tầm cao trí tuệ, bảo đảm giành thắng lợi. Công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay có đặc điểm riêng, đòi hỏi Đảng phải nắm vững và vận dụng đúng đắn những quy luật của thời kỳ quá độ, phân tích và nắm bắt thực tiễn đất nước, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và với tinh thần tự chủ, sáng tạo để hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn. Thực tiễn luôn vận động, phát triển, có nhiều vấn đề mới cần giải quyết để bổ sung cho phù hợp với sự biến đổi của hoàn cảnh trong nước và quốc tế. Bởi vậy, cần tăng cường công tác nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn giải quyết đúng mức vấn đề đó trong thời kỳ mới.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bản lĩnh và trình độ trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng nâng cao bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao tầm tư duy chiến lược, trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, khoa học theo chức trách được phân công. Trong giáo dục lý luận chính trị, việc bồi dưỡng lý tưởng chính trị về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung trọng tâm, yêu cầu hàng đầu; đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị không dừng lại ở những nguyên lý chung, truyền đạt nội dung lý luận một cách công thức, cứng nhắc, xuôi chiều, mà phải làm rõ cả những khó khăn, phức tạp cùng những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để mỗi người tự phân tích, lý giải, phân biệt được đúng, sai. Cần thấy rằng, xa rời thực tiễn, thoát ly phong trào; ngại đọc sách, lười suy nghĩ, chắc chắn trí tuệ không thể phát triển và do đó không thể thực hiện giá trị đạo đức, văn minh của một đảng cầm quyền. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức gắn với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, góp phần vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đó là quốc sách hàng đầu, là đầu tư cho sự nghiệp đổi mới, phát triển, thực hiện giá trị đạo đức và văn minh trong Đảng, trong xã hội ta.
Bốn là, phát huy vai trò tự giáo dục, tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên
Việc nâng cao bản lĩnh và trình độ trí tuệ trước hết phải do chính bản thân người cán bộ, đảng viên quyết định. Họ là người trực tiếp giáo dục, hướng dẫn, rèn luyện và vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao trình độ trí tuệ thông qua con đường tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt; tích cực trau dồi tri thức và phương pháp tư duy khoa học; thường xuyên cập nhật thông tin và tri thức mới, nhất là thông tin tư tưởng, lý luận; bám sát, đi sâu vào thực tiễn để phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn. Có ý thức tự giáo dục, người cán bộ, đảng viên sẽ luôn chủ động nắm bắt, xử lý thông tin để cùng tập thể ra các quyết định đúng và tổ chức thực hiện hiệu quả.
“Chìa khoá” đem lại thành công của việc xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là Đảng phải luôn quan tâm chăm lo phát triển, nâng cao bản lĩnh và tầm trí tuệ. Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội./.
*: Trường Sỹ quan Lục quân 2 - Bộ QP
**: Học viện Chính trị - Bộ QP
[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập 1, tr. 119.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 273.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 276.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513243
229
2315
21180
220116
121356
114513243