Người xứ Nghệ
Sẽ còn mãi trong tôi
Nhạc sỹ Hồng Đăng. Ảnh TL
Chuông điện thoại di động reo. Tiếng chim bỗng ngừng. Tin nhạc sỹ Hồng Đăng “tạ mùa đi” ập đến vào sớm nay khiến tim tôi chợt nhói buốt. Vậy là đại huynh kính mến của tôi đã nhẹ nhàng chuyển cõi ở tuổi thọ 88. Không chỉ sẽ còn mãi trong tôi, anh sẽ còn là niềm vương vấn của biết bao người trên dương thế.
Nhạc sỹ Hồng Đăng tên khai sinh là Phan Đăng Hồng. Anh sinh ngày 01.01.1935, tức là ngày 26 tháng Một năm Giáp Tuất. Bởi thế, anh mang mệnh tuổi Tuất mặc dù sinh đúng Tết Dương lịch năm 1935. Ngày Tết năm ấy, tại căn làng Hoa Thành của huyện Yên Thành, Nghệ An đã chứng kiến sự ra đời của một chàng trai họ Phan trong khi người bác ruột là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đang thụ án khổ sai, cấm cố tại ngục tù Buôn Ma Thuột.
Mang trong mình dòng máu cách mạng của dòng họ, ngay từ khi còn là học sinh ở vùng tự do Khu IV, Hồng Đăng với tài năng bẩm sinh, với chính bút danh này, anh đã viết những khúc ngợi ca trong sáng, đẹp đẽ dành cho kháng chiến, cho lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Sau hòa bình, anh cùng gia đình ra Hà Nội theo người cha làm báo “Nhân dân”. Anh trở thành học viên khóa 1, Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam cùng với Hoàng Việt, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh v.v… Ngay từ rất sớm, Hồng Đăng đã hình thành một cá tính sáng tạo riêng biệt. Viết ca khúc thì rất ngắn nhưng viết hợp xướng, tổ khúc hợp xướng lại rất đồ sộ. Nhiều đàn em trong đó có tôi đã học theo cá tính này của anh.
Tôi nhớ hồi ấy, sau vài năm Giải phóng, cái tên Hồng Đăng đã soi sáng vào tôi bởi ca khúc “Đường ta đi có nắng mặt trời” mà tôi hát song ca cùng một người bạn. Lời ca ca ngợi Đảng lúc ấy sao chân thành quá, như chắt tự đáy lòng: “Mặt trời lên xua hết mây mù/Và xua tan những đêm dài âm u/Trước mặt ta chói rực mặt trời/Đảng là chân lý sáng soi ngàn nơi…”. Rồi đến ngày đẹp trời khác, tôi lại ngỡ ngàng với “Tổ quốc tôi trên 10 năm đã lớn”. Một ca khúc ngắn như “Làng tôi” của Văn Cao, “Vào Đông Khê” của Văn Chung, “Hành quân xa” của Đỗ Nhuận, “Hát mừng bộ đội chiến thắng” của Nguyễn Xuân Khoát v.v… “Mười năm chống quân ngoại xâm từng giọt máu tươi ướt ruộng đồng/Quê chúng ta ngàn năm giờ sáng lên những mùa xuân/Đẹp như chiến công toàn dân ngọn cờ vẫy chiếu sáng ngời ngời/Ôi Tổ quốc lắng nghe ca ngợi từ lòng tôi”. Ca khúc nhịp 6/8 và bây giờ có thể đệm theo phong cách nhạc nhẹ với tiết tấu điệu slow-rock du dương. Vậy mà anh đã viết từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Có lẽ do duyên nghiệp, tôi rất mê những giai điệu Hồng Đăng. Đề tài cực chính luận, sao qua giai điệu của anh, nó đều dịu dàng, trữ tình và rất sang trọng. Sao không rưng rưng khi mở đầu ca khúc “Quà tháng năm”: “Nhìn bầu trời quê hương lung linh nắng nhuốm cành hoa xoan - Rộn ràng chân bước đến lớp các em nhỏ quàng khăn - Lòng ngày đêm mong sao Bác sống muôn ngàn năm…” Những năm tháng ở Trường Sơn, cứ mỗi lần sinh nhật Bác, tôi đều hát cho đồng đội “Quà tháng Năm” để cùng chia sẻ nỗi nhớ thương Bác. Tôi đâu biết, những năm tháng ấy, Hồng Đăng cũng cùng các nhạc sĩ Chu Minh, Tân Huyền, An Chung, Văn Dung bươn trải Trường Sơn. Để rồi sau những hợp xướng “Lửa rực cháy” (1960) phỏng thơ Tố Hữu, thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm” (1964) với kịch bản của Dương Viết Á, hợp xướng “Trận địa gang thép” (1968) là tổ khúc hợp xướng 5 chương “Đêm lửa Trường Sơn” (1972) như một bức tranh âm thanh hoành tráng về “Hành lang thép” này. Sau ngày thống nhất, anh viết hợp xướng “Câu chuyện Việt Nam” thu thanh Đài tiếng nói Việt Nam năm 1976. Đài cũng là nơi lưu giữ nhiều bản thu âm ca khúc, nhạc không lời của anh. Cùng với hợp xướng trên, năm ấy “Biển hát chiều nay” cũng đã được thu thanh và ngay lập tức ngấm vào người mến mộ âm nhạc bởi triết lý nhân loại của nó: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương - Biển lại hát tình ca - Biển kể chuyện quê hương”.
Mảng âm nhạc Hồng Đăng với điện ảnh cũng là một mảng độc đáo. Nhiều ca khúc anh viết cho phim đã trở thành ca khúc độc lập ấn tượng mà ấn tượng nhất là “Hoa sữa”. Hoa sữa trở thành “Hà Nội ca” của Hồng Đăng mà chẳng cần có chữ Hà Nội nào trong ca khúc, giống như ca khúc Huế của Trịnh Công Sơn. Bên cạnh “Hoa sữa”, cũng ở tạng như thế và cũng không kém nổi tiếng là “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”. Năm ngoái, giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” do báo Thể thao Văn hóa chủ trương đã được trân trọng trao cho anh. Cũng nhờ điện ảnh mà tôi được quen và trở thành đàn em của anh. Năm 1982, kịch bản phim hoạt hình “Có một sớm gà trống không gáy” của tôi đã được dựng thành phim với âm nhạc Hồng Đăng. Từ đấy, tôi gắn bó với anh như định mệnh đến giờ. Anh đã từng giảng dạy, viết sách âm nhạc nhiều năm. Và cũng nhiều năm làm phóng viên “Tạp chí âm nhạc”. Những năm ấy, ca khúc “Sóng biển lang thang” của anh đã được giải thưởng cuộc thi viết ca khúc ở Tiệp Khắc. Nhưng thời tiết chính trị thời ấy quá khắc nghiệt. Bởi thế, nhiều năm Hồng Đăng như bị “rút phép thông công”. Nhưng luồng gió đổi mới đã mang lại năng lượng thăng hoa cho đất nước. Ở Đại hội Hội Nhạc sỹ Việt Nam lần thứ IV, anh đã trở thành Phó Tổng thư ký thường trực của Hội và làm Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Khi ấy, tôi vừa phục viên. Anh đã đưa tôi về làm tạp chí này với lương hợp đồng. Năm 1991, Tạp chí Âm nhạc ra hàng tháng và đến số 12 thì phát hành 10.000 bản. Nhưng sau, do yêu cầu chuyên môn, tạp chí lại trở về chất kinh viện, song vẫn có đổi mới hơn. Bộ tạp chí này đã có mặt ở một thư viện lớn tại Anh. Năm 1994, cùng Dương Thụ, Nông Quốc Bình và tôi, Tạp chí âm nhạc do anh phụ trách đã làm chương trình “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam” rền vang Nhà hát lớn Hà Nội suốt 4 đêm liền cuối tháng 3. Nhưng sau đó, do lối tư duy local, chương trình đã không thể trình diễn ở Sài Gòn và bị nhiều luồng dư luận trái chiều. Hồng Đăng thản nhiên đón nhận và phê phán lối tư duy đó một cách quyết liệt, giành lại sự trong sáng và ấn tượng nhất thế kỷ XX cho chương trình âm nhạc đồ sộ này. Hồng Đăng tiếp tục làm Phó Tổng thư ký thường trực khóa V (1995 - 2000), khóa VI (2000 - 2005). Ngay trong khóa IV, anh đã thuyết trình với cơ chế và đã được Nhà nước cấp kinh phí làm băng cassette và in tuyển tập ca khúc cho các nhạc sỹ tiêu biểu. Sang khóa sau, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội, anh lại chủ biên cuốn “Nhạc sĩ Việt Nam” dày dặn và công phu đầu tiên. Những đóng góp của anh cho nền âm nhạc Việt Nam là không thể phủ nhận được. Anh với tài năng nghệ sĩ, với tâm thức liêm chính đã thực sự tạo nên biến chuyển cho âm nhạc Việt Nam từ thời mở của đến nay cùng các tên tuổi khác.
Nhiều năm đầu thế kỷ mới, khi cùng anh rong ruổi đi sáng tác cho các địa phương, các ngành, khi lại cùng anh ngồi chấm các cuộc thi âm nhạc, lúc nào cũng thấy anh lạc quan, hóm hỉnh như quên tuổi tác. Ngoài âm nhạc, anh còn là “tay tổ” của tử vi, tướng số như ông bạn làm sử Trần Quốc Vượng. Cứ ngỡ thời gian có thể quên đi một người có tấm lòng bồ tát như anh để có nhiều thời gian, năng lượng phụng sự trần gian. Nhưng đúng là không ai cưỡng được thời gian. Một con người mạnh mẽ như anh, dám đương đầu mọi thử thách nhưng cũng phải đầu hàng thời gian. Đầu năm 2020, trước khi dịch Covid bùng phát liêu xiêu nhân loại, đến dự sinh nhật, anh đã phải nằm trên gác không xuống dự cùng được. Thấy sự tình thật cám cảnh. Và sự chuyển cõi đã được báo trước của thế hệ 3X như anh đã bắt đầu diễn ra từ đầu mùa xuân này đến nay. Bắt đầu là Nguyễn Tài Tuệ, rồi đến Văn Dung, Ngọc Châu đột ngột chen ngang. Giờ thì đến Hồng Đăng. Anh đã chuyển cõi vào 5h57’ sáng ngày 21/3/2022 chưa qua hết giờ Mão. Bắt đầu “lênh đênh” vào cõi “Thiên thai”.
Bởi sự gắn bó như duyên nghiệp, tôi luôn nghĩ anh không hề xa khuất. Anh sẽ còn gắn bó, còn mãi trong tôi, trong con cháu chúng ta, lứa tuổi nào thì ngày ấu thơ cũng hát “Màu hoa” của anh: “Màu hoa tím, màu hoa đỏ, màu hoa vàng, nhiều hoa xinh thế…”.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511027
226
2359
21401
217900
121356
114511027