Người xứ Nghệ

Người đi xin sách cho làng

Gần 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Lạc - một người dân “quê lúa” Yên Thành đã lặng lẽ đi khắp các nẻo đường để xin sách và lập thư viện cho làng. “Kiến tha lâu đầy tổ”, hiện thư viện của ông đã có khoảng 4 nghìn đầu sách, phục vụ nhu cầu văn hóa đọc của bà con trong làng, nhất là các em học sinh.

Tủ sách nặng ân tình

Chiều hè nóng bức, những đứa trẻ xóm Bắc Sơn 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) í ới gọi nhau đến thư viện xóm để đọc, đổi và mượn sách. Lúc cao điểm, thư viện xóm Bắc Sơn 2 có tới 30 độc giả đọc và làm thủ tục mượn sách. Em Dương Thùy Dương - học sinh THCS Bắc Thành cho biết: “Mỗi tuần hai buổi, em dành thời gian đến đọc sách để vừa củng cố kiến thức học được trên lớp, vừa mở mang sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Nhờ có thư viện của xóm, cháu và các bạn mới có cơ hội được đọc nhiều sách mới, có thêm nhiều kiến thức và niềm vui”. Dù lượng bạn đọc khá đông, ông Nguyễn Văn Lạc - người được bà con gọi là “thủ thư không công” vẫn phục vụ và hướng dẫn nhiệt tình, lần lượt ghi chép thông tin cần thiết để lưu giữ.

Trải 14 năm quân ngũ, có mặt ở khắp các chiến trường miền Nam rồi chuyển ngành, ông Nguyễn Văn Lạc (SN 1951) trở về quê làm cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện cho đến lúc nghỉ hưu. Suốt mấy chục năm ấy, ông luôn ấp ủ dự định lập một phòng đọc sách nhỏ để phục vụ bà con xóm làng và các cháu nhỏ. Bởi hơn ai hết, ông hiểu cái khổ, cái nghèo và khát vọng vươn lên của người dân “quê lúa”. “Từ bao đời, người dân quê tôi luôn gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, cần cù, chịu khó học tập để vươn lên. Muốn học tốt không thể không đọc sách, nhưng sách lúc nào cũng thiếu nên bao năm tôi trăn trở tìm cách xây dựng tủ sách, góp phần nhỏ bé để giúp đỡ quê hương” - ông Lạc nói.

Các em học sinh đọc sách tại Thư viện xóm Bắc Sơn 2, xã Bắc Thành (Yên Thành)

Những trăn trở, ấp ủ và dự định ấy đi theo ông Lạc suốt mấy chục năm, nhưng phải sau ngày nghỉ hưu mới có điều kiện thực hiện. Lúc bấy giờ, mới chỉ có một ít sách gom góp được trong quá trình công tác. Ông Lạc chia sẻ dự định xây dựng thư viện, lập tức được Ban quản lý và bà con xóm Bắc Sơn 2 đồng tình ủng hộ. Ban đầu, định đặt phòng đọc ngay tại nhà riêng nhưng suy đi tính lại ông nhận thấy sẽ có những bất tiện, bà con sẽ không thoải mái đến đọc và mượn sách. Cuối cùng, mọi người đã thống nhất phương án đặt tủ sách tại nhà văn hóa xóm, do ông Lạc trực tiếp quản lý thời gian và cách thức hoạt động. Cán bộ, đảng viên trong xóm đã ủng hộ bằng cách góp tiền mua giá để sách, bà con Nhân dân và con em xa quê gửi sách về tặng nên số lượng đầu sách ngày một nhiều thêm. Ngày 13/4/2012, thư viện xóm Bắc Sơn 2 chính thức khai trương và đi vào hoạt động, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong xóm.

Chuyện “Người thủ thư không công”

Sách dẫu nhiều đến mấy thì đọc mãi cũng hết, nhận rõ điều này, ông Lạc tìm mọi cách để tăng lượng đầu sách, đáp ứng nhu ngày một cao. Nhiều năm hoạt động trong ngành Văn hóa, ông đã vận dụng các mối quen biết để tìm cách xin thêm sách bổ sung cho thư viện Bắc Sơn 2. Ông kiến nghị Thư viện huyện và Thư viện tỉnh tạo điều kiện luân chuyển kho sách theo định kỳ, làm tờ trình xin các cấp, các ngành ủng hộ sách. Năm 2014, Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi tặng hơn 170 cuốn sách. Đồng thời, kết nối với “Tủ sách nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ”, cùng sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân và con em xa quê, số lượng đầu sách của thư viện xóm Bắc Sơn 2 thường xuyên được bổ sung. Đến nay, đã có hơn 4 nghìn đầu sách được phân theo các loại: Văn hóa, Văn học, Lịch sử, Thiếu nhi, Khoa học - kỹ thuật…

Với “người thủ thư không công”, mỗi cuốn sách là một kỷ niệm, gắn với một câu chuyện trên hành trình đi “xin” sách. Ông Lạc kể: “Tôi không thể quên năm 2015 vào Thư viện tỉnh xin sách nhưng bị từ chối vì lý do không có nguồn bổ sung. Nhưng tôi vẫn kiên trì đeo bám, hết lần này đến lượt khác, không thể nhớ biết bao lần đi xe buýt vào Vinh để xin sách về cho các cháu trong làng. Cuối cùng, các anh, các chị ở Thư viện tỉnh đã đồng ý luân chuyển sách và kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ thư viện xóm Bắc Sơn 2”. Cũng từ đó đến nay, đều đặn 2 tháng/lần, ông Lạc lại bỏ tiền túi đón xe vào Vinh đổi và trả sách ở Thư viện tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lạc hướng dẫn cháu nhỏ tìm sách tại thư viện

Khi số lượng đầu sách và giá sách tăng lên, không gian nhà văn hóa xóm không còn phù hợp, ông Lạc lại trăn trở tìm cách để người đọc có địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Ông bàn với Ban quản lý xóm nhờ sự giúp đỡ của xã và kêu gọi các tổ chức, cơ quan và con em ở xa giúp đỡ được gần 100 triệu đồng. Số tiền này được dùng để xây dựng một ngôi nhà trong khuôn viên Nhà văn hóa để làm phòng đọc.

Tính đến nay, đã hơn 8 năm, đều đặn mỗi tuần 2 buổi (chiều thứ 4 và Chủ nhật), ông Nguyễn Văn Lạc mở thư viện xóm phục vụ các cháu học sinh và bà con Nhân dân. Nơi đây trở thành điểm sinh hoạt và giao lưu văn hóa thực sự bổ ích. Thường xuyên đến thư viện đọc sách, nhiều học sinh của xóm đã có kết quả học tập cao như Ngô Thị Hoài (học sinh giỏi Văn cấp tỉnh), Dương Thùy Dương (học sinh giỏi Văn cấp trường), Ngô Phúc Khánh (học sinh giỏi Tiếng Anh cấp trường)… Những lúc rảnh rỗi, bà con nông dân cũng tìm đến thư viện để tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gần đây, một số người ở các xã lân cận cũng tìm đến thư viện Bắc Sơn 2 mượn sách để có cơ hội mở mang sự hiểu biết. “Những người tìm đến mượn sách là người khao khát tri thức nên tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho bất cứ ai có nhu cầu, và sẽ tiếp tục hành trình xin sách…” - ông Lạc chia sẻ.

Bà con xóm Bắc Sơn 2, xã Bắc Thành (Yên Thành) đến thư viện mượn sách

Bà Nguyễn Thị Hòa - Cán bộ Thư viện tỉnh cho biết: “Thư viện xóm Bắc Sơn 2 là một mô hình thư viện cơ sở phát huy rất hiệu quả trong việc phát triển văn hóa đọc, cần được nhân rộng ở các địa phương. Ở đây, phải ghi nhận sự tâm huyết, tận tụy và nhiệt tình của ông Nguyễn Văn Lạc, là một trong những người góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc ở vùng “quê lúa” Yên Thành”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442756

Hôm nay

2270

Hôm qua

2299

Tuần này

2569

Tháng này

217930

Tháng qua

112676

Tất cả

114442756