Những góc nhìn Văn hoá

Châu bản triều Nguyễn về Phó bảng Nguyễn Sinh Huy ở Bình Định

Trong ca từ: “Miền Trung nhớ Bác” của nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến có câu: “Trời Bình Khê xanh trong bát ngát/Lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha/Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa”…

Lời bài hát đã nhắc nhớ đến kỷ niệm người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến thăm người cha thân yêu của mình khi đó đang làm Tri huyện huyện Bình Khê (Bình Định) trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Để biết Nguyễn Tất Thành đến Bình Định vào thời điểm nào thì chúng ta phải biết cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy chính thức nhậm chức Tri huyện Bình Khê vào ngày tháng năm nào.

Trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn, cụ Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) tuy chỉ đỗ Phó bảng nhưng là một nhân vật được nhiều người quan tâm. Nguyễn Sinh Huy làm quan không lâu nhưng lại có nhiều mối giao lưu với các yếu nhân lịch sử đương thời như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Thượng thư Đào Tấn… Đặc biệt, cụ Nguyễn Sinh Huy còn là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Vì thế, nghiên cứu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy không chỉ giúp cho hậu thế tìm hiểu về hành trạng của một nhà nho yêu nước triều Nguyễn mà còn giúp cho việc tìm hiểu về quan hệ và hành trình của Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước khi xuất dương tìm đường cứu nước) với mảnh đất Bình Định và với người cha thân yêu của mình.

Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại, bao gồm: Chiếu, tấu, sớ, biểu, tư, trình… của các quan dâng lên vua, của các cơ quan thuộc các Bộ, Viện; của triều đình với địa phương tỉnh, (huyện), những văn bản châu phê (có bút tích ngự phê) của nhà vua/triều đình gửi cho các cơ quan chức năng… Nói chung, đây là những giấy tờ mang tính chất hành chính, công vụ có giá trị pháp lý đương thời. Những châu bản này hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội). Vì tính chất độc bản và nội dung độc đáo nên châu bản được coi là nguồn tư liệu quý, được Tổ chức UNESCO ghi nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, châu bản triều Nguyễn được coi là một trong những nguồn sử liệu có giá trị cao nhất.

Dĩ nhiên, đầu thế kỷ XX, trong châu bản triều Nguyễn chưa ghi nhận gì về những hoạt động của Nguyễn Tất Thành bởi phạm vi đề cập ở giai đoạn này phần lớn là những việc liên quan đến những người từng đỗ đạt khoa bảng, được bổ dụng làm quan lại ở triều đình và bổ nhiệm quan lại tại các địa phương với các vấn đề của thời sự đương đại.

[Sử liệu: 1]: Châu bản sớm nhất về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy nằm trong tập Thành Thái tập 56, tờ 157, 158, đề ngày 15 tháng 4 năm Thành Thái 18 (1907). Nội dung ghi có đoạn:

成泰拾捌年閏肆月拾五日

吏部

奏近處副榜阮生輝四十五歲乂安省人禀敲該於成泰十三年辛丑科會試預中副榜此次寧家事清因病留貫服藥兹病已痊由臣部聽候又據修撰署著作]...

Tạm dịch nghĩa như sau: “Ngày 15 tháng 4 (nhuận), năm Thành Thái thứ 18 (1907):

Bộ Lại tâu: Gần đây, Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (45 tuổi), người Nghệ An, dự khoa Thi Hội, trúng Phó bảng, khoa Tân Sửu niên hiệu Thánh Thái 13 (1901); Sau đó gia đình có việc, về nhà thu xếp việc gia đình cho ổn thỏa, nhân bị ốm bệnh nên ở lại quê, thuốc thang để bình phục. Nay bệnh đã thuyên giảm. Nên bộ thần thấy lại tiếp tục bố trí vào chức Tu soạn thự trứ tác”.

Ngoài châu bản viết về Phó bảng Nguyễn Sinh Huy còn đề cập đến người bạn đỗ cùng khoa là Phó bảng Hoàng Đại Bỉnh (người Quảng Bình), cả hai người đều có việc gia đình, bị ốm bệnh…

[Sử liệu: 2]: Cũng trong châu bản trên, tờ 157 có đoạn viết về Phó bảng Nguyễn Sinh Huy như sau:

[…] “臣部奉炤例定,副榜初補檢討派從諸部衙承辨學習政事或由國學場學習玆阮生輝經試中副榜未蒙補御又年外四十” […] 其阮生輝請應炤例補授翰林院檢討[...]

Tạm dịch như sau:

[…] “Bộ thần vâng chiếu theo lệ định, Phó bảng ban đầu được bổ nhậm Kiểm thảo phái vào các nha làm quan trông coi việc học tập hoặc là trông coi việc học tập ở Trường Quốc học. Nay Nguyễn Sinh Huy đã từng trúng Phó bảng nhưng chưa được đội ơn nhậm bổ, tuổi lại đã ngoài bốn mươi […]. Bổ Nguyễn Sinh Huy, xin đối chiếu theo lệ định, bổ nhận chức Hàn Lâm viện Kiểm thảo” […].

Đoạn Châu bản trong [Sử liệu: 1] đã cho biết, sau khi đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu (năm 1901), ông được bổ nhiệm chức quan Hàn lâm viện kiểm thảo nhưng chưa kịp nhậm chức thì phải về nhà để thu xếp việc gia đình mà trong văn bản ghi “此次寧家事清” (Thử thứ ninh gia sự thanh). Sự kiện này chính là việc người hiền thê của ông là bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) từ trần. Sau khi vợ mất, Phó bảng Nguyễn Sinh Huy ốm nặng trong thời gian dài, phải ở lại Nghệ An thuốc thang cho hồi phục sức khỏe. Trong thời gian từ khi thi đỗ, rồi về nhà lo tang vợ, bị ốm nặng phải điều trị bệnh tại quê cho đến đầu tháng 3 năm 1907, Phó bảng Nguyễn Sinh làm những gì, tâm tư, tình cảm ra sao thì cần phải tiếp tục sưu tầm tư liệu và tiếp tục nghiên cứu. Chỉ biết rằng, đến ngày 15/4/ Thành Thái 18 (1907), ông được bổ nhiệm chức Hàn Lâm viện Kiểm thảo mà trước đây ông chưa kịp lãnh nhận.

Nguyễn Sinh Huy nhậm chức Hàn Lâm viện Kiểm thảo tại triều đình Huế trong khoảng thời gian 2 năm: Từ ngày 15/4/1907 đến ngày 11/4/ Duy Tân 3 (1909), ông chính thức được chuyển bổ sang làm quan Tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định).

Hiện nay, châu bản triều Nguyễn về cụ Nguyễn Sinh Huy chỉ để lại vài ba châu bản trong đó có việc bổ nhiệm Phó bảng Nguyễn Sinh Huy làm quan Tri huyện huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định).

1a. nguyen sinh huy 1

Châu bản triều Nguyễn Thành Thái, tập 56, tờ 157 điều bổ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy nhậm chức Hàn Lâm viện Hiệu thảo, ngày 15/4/1907)

[Sử liệu 3]: Châu bản Duy Tân tập 18, tờ 153, đề ngày 11 tháng 4 năm Duy Tân thứ 3 (1909) có đoạn:

[…]月前十二日,會商接貴欽使大臣祺芻臚覆敲平溪知縣,依補阮生輝等意其箸作從禮部承辨阮生輝,四十八歲,乂安人,副榜;成泰十八年潤四月日,補授檢討,從禮部承辨;惟新二年二月日,陞授修撰,署著作,仍充本年,三月日,寔授著作,請改授同知府,領該縣知縣.].

Tạm dịch nghĩa:

[…] Kỳ họp ngày 12 tháng trước (ngày 12 tháng 3 năm Duy Tân 3 (1909) - Tg), thấy Ngài Khâm sứ đại thần trả lời rằng đồng ý bổ Nguyễn Sinh Huy làm tri huỵện huyện Bình Khê. Về trước tác tòng Lễ bộ Thừa biện tại Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy (48 tuổi, Phó bảng, người Nghệ An), vào tháng 4 (nhuận) năm Thành Thái 18 (1906), bổ thụ chức Kiểm thảo tòng Lễ Bộ Thừa biện; Tháng 2 năm Duy Tân thứ 2 (1908), thăng thụ chức Tu soạn Thự trứ tác; Tháng 3 năm đó (Duy Tân 2- 1908) thực nhận chức Trứ tác; xin đổi hàm Đồng tri phủ, lãnh chức Tri huyện huyện đó).

Trong bản này còn có việc bổ nhiệm các vị quan tri huyện khác ở huyện Tân Định 新定 (tỉnh Khánh Hòa 慶和省; các vị khác như Hậu bổ Nguyễn Đại 阮岱 đi sứ sang Pháp về; Tôn Thất Thung (Tôn Thất Xuân) 尊室椿 (quan Tri huyện huyện Tuy Phong)…

Trong các tư liệu đã dẫn ở trên cho biết số liệu khác nhau về tuổi (tức năm sinh) của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Châu bản triều Nguyễn đề ngày 15 tháng 4 (nhuận), năm Thành Thái thứ 18 (1907) cho biết năm đó Nguyễn Sinh Huy 45 tuổi (như thế, chúng ta hiểu cụ Nguyễn Sinh Huy sinh năm Nhâm Dần, 1862 (Chúng tôi tạm thời theo số liệu này); Trong khi đó, Châu bản đề ngày 11/4 năm Duy Tân 3 (1909) cho biết năm này cụ Nguyễn Sinh Huy 48 tuổi (như thế, cụ phải sinh năm 1861) (?).

1a. nguyn sinh huy2

Châu bản triều Nguyễn Duy Tân, tập 18, tờ  153 về Phó bảng Nguyễn Suy Huy nhậm chức ở Tri huyện Bình Khê (Bình Định), ngày 11/4/1909

Theo suy nghĩ của chúng tôi, châu bản triều Nguyễn năm 1907 viết Nguyễn Sinh Huy 45 tuổi là đúng tuổi thực còn châu bản đề ngày 11/4/1909 viết cụ 48 tuổi là tính theo tuổi ta (tuổi mụ). Ngoài ra các tài liệu sách báo viết bằng tiếng Việt xuất bản gần đây thường viết cụ sinh năm 1863, theo kiến văn của chúng tôi là chưa có căn cứ tin cậy.

Có thể nói rằng, qua tư liệu quý châu bản triều Nguyễn đã cung cấp thêm một nguồn thông tin khá tin cậy về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, cho biết nhiều thông tin bổ ích chung quanh con đường làm quan của cụ. Đặc biệt, từ 2 châu bản triều Nguyễn các năm 1907, 1909 đã làm rõ thêm về thời đoạn hoàn cảnh hết sức khó khăn, vất vả của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy sau khi người vợ hiền lâm bệnh từ giã cõi đời, bản thân bệnh tật và những năm tháng làm quan ở Hàn lâm viện hiệu thảo, rồi con đường gập gềnh, trắc trở khi trị nhậm ở huyện đường Bình Khê (Bình Định).

Qua tài liệu châu bản triều Nguyễn đã chứng minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy chính thức đảm nhận chức Tri huyện huyện Bình Khê ngày 14/4/Duy Tân 3 (1909) chứ không phải vào tháng 7/1909 như một số công trình, tư liệu sách báo đã công bố gần đây. Từ nguồn sử liệu châu bản này cũng có thể hình dung được thời điểm Nguyễn Tất Thành đến thăm cha tại mảnh đất Bình Định không thể sớm hơn vào đầu tháng 4 năm 1909./.

* TS. Nguyễn Quang Hà -Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long

Hà Nội, 11/7/2022

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511898

Hôm nay

2224

Hôm qua

2337

Tuần này

22272

Tháng này

218771

Tháng qua

121356

Tất cả

114511898