Những góc nhìn Văn hoá

Độc đáo Hồ Xuân Hương

Năm nay - 2022, chúng ta kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của Hồ Xuân Hương (1772 -1822) sau khi bà được UNESCO tôn vinh “Danh nhân văn hóa thế giới” vào năm 2021 (cùng với Nguyễn Đình Chiểu). Hồ Xuân Hương là nữ sĩ có tài năng đặc biệt, bà đã để lại một di sản văn học đặc sắc với nội dung và nghệ thuật vô cùng độc đáo. Thơ của bà đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và hàng chục ngôn ngữ khác. Thơ của bà lưu truyền rộng rãi trên thế giới và gây cho độc giả nhiều cảm khoái.

Hồ Xuân Hương - Thơ và đời khiến giới học giả thán phục

Hồ Xuân Hương là nhà thơ Việt Nam được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu trong hàng trăm năm nay. Một số tên tuổi nổi bật trong việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương - Các học giả Việt Nam sống ở trong nước: Tản Đà, Dương Quảng Hàm, Trần Thanh Mại, Xuân Diệu, Đào Thái Tôn, Nguyễn Hữu Sơn, Nghiêm Thị Hằng, Hoàng Bích Ngọc… Các học giả người Việt sống ở nước ngoài: Hoàng Xuân Hãn, Thụy Khê, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Trọng Chánh… Học giả người nước ngoài: Nikolai Niculin (Nga), Jean Sary (Pháp), John Balaban (Mỹ), Blaga Dimitrova (Bulgary) … Danh sách những người nghiên cứu Hồ Xuân Hương có thể kể dài mãi vì ngày càng có nhiều người quan tâm đến di sản văn học bà để lại.

Kết quả nghiên cứu của các học giả rất phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái với những kết luận khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Điều này không có gì lạ vì Hồ Xuân Hương là một phụ nữ dân dã chứ không phải là quan chức triều đình nên chính sử hầu như không ghi chép về bà. Những thông tin về bà - cả đời sống cũng như sáng tác được truyền miệng trong Nhân dân nên việc có những thông tin không chính xác là điều tất yếu.

Tuy nhiên, hầu như tất cả những người nghiên cứu đều thống nhất với nhau mấy điểm:

1. Về thân thế: Cha bà là người họ Hồ, quê quán Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mẹ bà người họ Hà, quê quán Hải Dương. Bà sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long. Họ tên thực của bà là Hồ Phi Mai, hiệu là Xuân Hương, tự là Cổ Nguyệt Đường. Bà là người tài sắc vẹn toàn nhưng còn đường tình duyên lận đận, có nhiều mối tình với những người tài năng nhưng không viên mãn. Bà sinh năm 1772 và mất năm 1822.

2. Về sự nghiệp: Hồ Xuân Hương là một phụ nữ có tài năng xuất chúng, có cá tính mạnh mẽ, có nhân cách đáng trân trọng, có bản lĩnh phi phàm… Với những phẩm chất như vậy, bà đã để lại di sản văn chương với hàng trăm bài thơ vô cùng độc đáo; bà đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển văn hóa - xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.

Trải qua hàng trăm năm, với hàng trăm người nghiên cứu, sàng lọc, về cơ bản, người ta chấp nhận bà sáng tác trên 150 bài thơ thuộc về Hồ Xuân Hương. Cụ thể, trên mạng Internet, trong Website Thi Viện (https://www.thivien.net) công bố 154 bài thơ. Những nhà nghiên cứu khó tính, thận trọng chưa hẳn đã chấp nhận toàn bộ 154 bài thơ này là do Hồ Xuân Hương sáng tác. Song, họ cũng không có bằng chứng để nói bài thơ nọ, bài thơ kia là của một người khác nào đó.

Có một sự kiện quan trọng là vào năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện ra tập thơ chép tay có tên là “Lưu Hương Ký” gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm; lời tựa do Tốn Phong viết. Ông là bạn thân thiết của Hồ Xuân Hương, ông đọc kỹ “Lưu Hương Ký” và có cảm nhận rõ ràng, chính xác. Có thể nói, Tốn Phong là người đầu tiên nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương. Ông đã nhận định về thơ và người Hồ Xuân Hương như sau: “Tứ thơ dồi dào nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng; buồn mà không đau thương; khốn khổ mà không lo phiền; cùng mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra…”.

Bản gốc “Lưu Hương Ký” quý hơn vàng, nó khẳng định nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống, đã yêu, đã cho ra đời những tuyệt phẩm văn chương. Cá nhân giữ bản gốc “Lưu Hương Ký” lâu nhất là ông Đào Thái Tôn (ông giữ khoảng 40 năm, sau đấy trao lại cho thư viện). Ông nghiên cứu kỹ và làm luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu văn bản Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương”, bảo vệ thành công vào tháng 7 năm 1992.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận “Lưu Hương Ký” đích thực là tập thơ do Hồ Xuân Hương viết, còn người viết lời tựa là Tốn Phong. Sau này, những nhà nghiên cứu công tâm nhất, khoa học nhất dựa vào những tác phẩm trong “Lưu Hương Ký” để tìm hiểu về các mối quan hệ của bà Hồ Xuân Hương cũng như đặc điểm thơ của bà. Hơn thế nữa, người ta dựa vào “Lưu Hương Ký” để tìm cách phân biệt đâu là thơ Hồ Xuân Hương thật, đâu là thơ theo trường phái Hồ Xuân Hương.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là thơ của Hồ Xuân Hương không chỉ có trong “Lưu Hương Ký”, mà còn có ở nhiều nơi. Ví dụ, ông Hoàng Xuân Hãn nói rằng, năm 1952 ông qua Pháp, vào Thư viện Quốc gia, tình cờ thấy trong một quyển sách địa dư có 6 bài thơ về Vịnh Hạ Long ghi tác giả là Hồ Xuân Hương. Sau khi nghiên cứu kỹ, ông Hoàng Xuân Hãn khẳng định 5 trong 6 bài thơ đó đúng là của Hồ Xuân Hương. Rồi có người công bố có tới 16 bài thơ của Hồ Xuân Hương liên quan đến địa danh Đồ Sơn. Năm 1973, nhà nghiên cứu Bùi Hạnh Cẩn tìm thấy tập thơ “Hương Đình Cổ Nguyệt Thi Tập” có 9 bài thơ cũng được cho là của Hồ Xuân Hương.

Con người và di sản văn chương Hồ Xuân Hương đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải nỗ lực hơn nữa để lý giải những điều mà công chúng còn băn khoăn, giải quyết những mâu thuẫn, cung cấp thêm “chìa khóa” để mở ra những khoái cảm mới khi thưởng thức tác phẩm của bà.

Xứng danh “Bà Chúa thơ Nôm”

Sự nghiệp văn chương của Hồ Xuân Hương độc đáo ở mấy phương diện. 1. Thời trước, những người thành danh trong giới văn chương có rất ít phụ nữ. Người thành danh với phong cách trào phúng, châm biếm cũng hiếm. Ấy thế mà Hồ Xuân Hương lại là nữ thi sĩ thành danh nổi bật với bút pháp nổi bật là trào lộng, hài hước, châm biếm; 2. Hồ Xuân Hương đi trước thời đại khi lớn tiếng lên án chế độ đa thê và những hệ lụy của nó. Bà công khai phê phán những thói hư, tật xấu của tất cả các tầng lớp trong xã hội, kể cả người có quyền lực cao nhất là vua; 3. Các tác phẩm văn học của bà đạt trình độ nghệ thuật rất cao, lạ nhất, “độc” nhất, đặc biệt là việc sử dụng ngôn từ. Đây chính là nét đặc sắc mà những nhà nghiên cứu văn học trong nước và trên thế giới phải thán phục.

Tác phẩm của Hồ Xuân Hương được đưa vào sách giáo khoa chương trình phổ thông trước khi phát hiện ra “Lưu Hương Ký”. Điều này chứng tỏ rằng, những bài thơ chữ Nôm được lưu truyền trong Nhân dân đã chính phục được công chúng, chinh phục được những chuyên gia trong lĩnh vực văn học, giáo dục. Những bài thơ như: Bánh trôi nước, Lấy chồng chung, Cái quạt, Đánh đu, Đánh cờ, Miếu Sầm thái thú, Hang Cắc Cớ, Quả mít, Lỡm học trò… đã được nhiều người yêu thích. Nhà thơ Xuân Diệu là một trong những người sùng bái thơ Hồ Xuân Hương. Ông phong cho bà là “Bà Chúa thơ Nôm”.

Để phong tặng danh hiệu này cho Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu đã dày công nghiên cứu, cảm nhận và đã chỉ ra: “Lòng Xuân Hương có lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên, nó có thể bò lổm ngổm, có thể mấp máy, có thể bay, có thể duỗi, có thể khom khom, ngửa ngửa, nó có thể chũm chọe, hi ha, cốc om, khua, vỗ, nó có thể um, xoe, xóe, loét, rì; nó có thể nối nhau thành chuỗi vần vang động: bom, chòm, om, mòm, tom, hoặc ọp ẹp: heo, leo, kheo, teo, lèo; chúng ta có thể đố ai tìm được trong thơ Hồ Xuân Hương những chữ nào mà âm thanh bẹp dí, những chữ chết nào đứng trơ không cựa quậy ở trong câu. Đây không phải là kỹ thuật đâu! Đấy là tâm hồn truyền sức sống cho ngôn ngữ.”. Xuân Diệu là nhà thơ trữ tình, ông cũng là một người tinh tường trong việc sử dụng ngôn từ và ông đã nói về Hồ Xuân Hương với sự tán thưởng cao nhất.

Nhiều tổ hợp từ Hồ Xuân Hương sử dụng rất “độc”; ví dụ như: “dê cỏn”, “hổng hòm hom”, “trơ toen hoẻn”, “khom khom cật”, “ngửa ngửa lòng”, “đá mấy chòm”, “lơ thơ móc”, “lún phún rêu”… Thoạt đầu người đọc chỉ thấy lạ nhưng sau đó cảm được cái thâm thúy thì thấy thú vị vô cùng. Hồ Xuân Hương đã sử dụng trí tưởng tượng của mình ở mức độ cao nhất mới có thể “thấy được” cái đáng buồn cười do những tổ hợp từ này tạo ra.

Có một đặc điểm nữa cũng cần phải nói là Hồ Xuân Hương sáng tác tác phẩm của mình cách đây hơn 200 năm rồi nhưng văn phong vẫn rất hiện đại: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, “Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá, bạc như vôi”. “Lại đây cho chị dạy làm thơ”, “Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé”… Những câu thơ này gần gũi với cách nghĩ, cách nói của chúng ta hiện nay.

Còn đặc điểm nổi bật nhất, độc đáo nhất là Hồ Xuân Hương ngạo nghễ dùng những từ ngữ khiến người đọc phải đỏ mặt; song, người đọc lại yêu bà, nể phục bà chính cái sự “thanh tục, tục thanh” trong sáng tác của bà. Đặc điểm này được rất nhiều tác giả phân tích kỹ càng rồi nên tôi không nói thêm nữa.

Có lẽ danh hiệu “Bà Chúa thơ Nôm” đã bao hàm tất cả tài năng của Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, để đánh giá hết những đóng góp lớn lao của “Bà Chúa thơ Nôm”, độc giả cần biết về sự ra đời và phát triển chữ Nôm. Chữ Nôm, còn được gọi là Quốc âm, là bộ chữ được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán. Chữ Nôm ra đời vì chữ Hán không đủ từ để biểu đạt hết những gì người dân Việt gặp trong cuộc sống.

Như vậy, người biết chữ Hán có thể không biết chữ Nôm nhưng người biết chữ Nôm thì dứt khoát phải biết chữ Hán. Hồ Xuân Hương là phận gái, không được cổ vũ học hành, thế mà bà làm thơ chữ Hán, chữ Nôm với trình độ điêu luyện nhất. Bà còn từng dạy chữ để mưu sinh. Chưa thấy tài liệu nào nói về việc học của Hồ Xuân Hương nhưng để có trình độ như vậy bà phải có khả năng tiếp thu rất nhanh và học hành rất chăm chỉ. Thiết nghĩ, Hồ Xuân Hương không chỉ là “Bà Chúa thơ Nôm”, mà còn là người có công lớn trong việc thúc đẩy tiếng Việt phát triển.

Là Nàng Thơ của tác giả Truyện Kiều - Một đóng góp không nhỏ!

Đã có một quy luật: Các nhà văn, nhà thơ của mọi dân tộc, mọi thời đại đều có “Nàng Thơ” để gọi dậy cảm xúc sáng tạo. Ngày tôi học cấp 3 (cách đây nửa thế kỷ), tôi có một mong ước thầm kín là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có quan hệ tình cảm với nhau và Hồ Xuân Hương chính là “Nàng Thơ” của Nguyễn Du. Đấy là mong ước thầm kín khá kỳ quái trong tôi nhưng hóa ra đây lại là chuyện thật! Thậm chí, có thể gọi quan hệ tình cảm giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là một thiên tình sử có đóng góp to lớn nhất cho văn học Việt Nam.

Tình yêu giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương không ai chối cãi được khi “Lưu Hương Ký” được phát hiện. Điều đáng chú ý nhất là trong “Lưu Hương Ký” có bài thơ của Hồ Xuân Hương gửi cho Nguyễn Du. Đó là bài thơ “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu”. Bài thơ này là bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất về mối quan hệ tình cảm giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du.

Đến thời điểm này, nhiều học giả đã viết rất nhiều, rất cụ thể về mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Không chỉ viết một cách võ đoán hay suy luận, họ đưa ra thời gian, bằng chứng cụ thể. Mà bằng chứng có sức thuyết phục nhất là đôi trai tài, gái sắc này có thời gian yêu nhau, gần gũi bên nhau trong 3 năm. Mối quan hệ sâu sắc “làm tổ” trong cuộc đời họ, là chất xúc tác, là men say để họ có những tác phẩm văn học để đời.

Đại thi hào Nguyễn Du là mối tình đầu của Hồ Xuân Hương. Họ yêu nhau trọn vẹn trong 3 năm, từ 1790 đến 1793. Thời gian này dinh thự của Nguyễn Nễ ở Bích Câu bị kiêu binh đập phá nên Nguyễn Du ra Gác tía của Nguyễn Khản ở Hồ Tây. Tại đây, Nguyễn Du làm quen Hồ Xuân Hương khi nàng tròn 18 tuổi. Hồ Xuân Hương cho rằng, đây là duyên kỳ ngộ nên nàng đón nhận với tất cả lòng thành, sự nồng nhiệt, đam mê. Họ đã có với nhau những kỷ niệm đẹp như cùng nhau đi hái sen Hồ Tây. Bài “Mộng đắc thái liên” (Mơ hái hoa sen) của Nguyễn Du đã nói lên điều đó. Nguyễn Du còn dạy Hồ Xuân Hương chơi đàn, xướng họa thơ bên chén trà, chén rượu…

Họ chia xa khi Nguyễn Du cùng với em là Nguyễn Ức phải về quê để xây lại nhà từ đường và các công trình ở Tiên Điền bị đập phá. Từ đây, họ xa nhau về khoảng cách nhưng vẫn ở bên nhau trong tâm tưởng, họ vẫn đối họa thơ với nhau. Dù không lấy nhau nhưng họ vẫn quan tâm đến nhau, nghĩ về nhau gần như suốt cuộc đời. Điều có ý nghĩa nhất là họ gọi dậy trong nhau những cảm xúc sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm văn học còn mãi với thời gian.

Đọc các tác phẩm của Nguyễn Du (Thơ chữ Hán, chủ yếu trong “Thanh Hiên Thi Tập”) và của Hồ Xuân Hương (“Lưu Hương Ký”, “Hương Đình Cổ Nguyệt Thi Tập”), ta thấy chàng nàng họa thơ, đối thơ với nhau rất ăn ý, dù sống cách xa nhau. Có một điều đáng chú ý: Hồ Xuân Hương chủ yếu làm thơ chữ Nôm nhưng khi đối đáp với Nguyễn Du, bà thường làm thơ chữ Hán. Có một điều đáng tiếc là đã có hàng trăm người dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương nhưng hầu như chưa có bản dịch nào xứng tầm với nguyên bản. Ông Phạm Trọng Chánh khuyên rằng, nếu độc giả đọc thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương được dịch ra tiếng Việt không thấy hay thì phải biết rằng đấy là người dịch dở chứ không phải thơ Hồ Xuân Hương dở. Với thơ chữ Hán của Nguyễn Du càng thế. Do vậy, trong bài viết này, tôi chỉ nói mình hiểu những câu thơ đó nghĩa thế nào mà thôi.

Trong bài “Thu dạ hữu hoài” (Đêm thu nhớ bạn), Xuân Hương gửi Nguyễn Du, có câu: “Nhạn ảnh hà quy vân tự trụ/Cùng thanh như khốc thủy không lưu” (Nghĩa: Bóng nhạn bay về đâu, còn mây ở lại/Tiếng giun dế như lời than khóc, nước ngừng chảy). Nguyễn Du đáp bằng bài “Thu dạ - Kỳ I” (Đêm thu - Kỳ I). Sau khi tả cảnh buồn thảm, cô đơn, Nguyễn Du hạ hai câu kết: “Tối thị thiên nhai quyện du khách/Cùng niên ngọa bệnh Quế giang tân”. (Nghĩa: Buồn vô cùng là kẻ lãng du đã mỏi mệt ở chân trời; Suốt năm bệnh tật, đau ốm, nằm bên sông Quế giang (đoạn sông Lam gần ra biển).

Xuân Hương đáp bài "Đêm thu - Kỳ I" của Nguyễn Du bằng bài "Thu Vũ" (Mưa Thu). Sau khi diễn tả nỗi buồn thương khi biết Nguyễn Du bệnh tật cả năm, Xuân Hương viết hai câu cuối: “Thâm khuê tối khổ như hoa diện/Nhất phiến sầu dung họa bất thành”. (Nghĩa: Phòng khuê buồn rũ, mặt như hoa héo/Hình dáng nỗi buồn thảm đến nỗi vẽ cũng chẳng được).

Mùa thu sau, Xuân Hương lại gửi đến Nguyễn Du bài thơ “Cố kinh thu nhật” (Ngày thu ở kinh đô cũ), có câu: “Đăng nguyệt thanh chiên bi cố vật/Sương tiền bạch lộ lạc thùy gia; (Nghĩa: Đèn sáng như trăng, thương tấm chăn xanh là vật cũ/Sương sớm buông phủ trắng nhà ai). Nguyễn Du đáp lại bằng bài “Khai song” (Mở cửa sổ), có câu: “Thanh chiên cựu vật khổ trân tích/Bạch phát hùng tâm không đốt ta” (Nghĩa: Chiếc chăn xanh là vật cũ, trân trọng giữ mãi/Tóc bạc, dù có chí cũng chỉ than thở mà thôi). Trong cả hai bài thơ đều có hình ảnh chiếc chăn xanh cũ. Có lẽ từ thuở ấy, hai người đã biết dùng đồ đôi?!.

Bài thơ "Ký Mộng" (Ghi lại giấc mơ) là một bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du viết theo thể Ngũ ngôn cổ phong (26 câu - mỗi câu 5 chữ). Một số nhà nghiên cứu trước đây (Lê Thước, Trương Chính…) cho rằng, Nguyễn Du nói về người vợ cũ đã mất của mình. Tôi thì cho rằng, bài thơ này vẫn liên quan đến Hồ Xuân Hương (có nhà nghiên cứu còn cả quyết là Nguyễn Du gửi bài thơ này cho Hồ Xuân Hương vào năm 1795!). Trong bài thơ này, Nguyễn Du mơ Xuân Hương vượt đèo Tam Điệp đầy hổ báo, vượt Sông Lam lắm thuồng luồng để vào Hồng Lĩnh thăm mình. Tuy nhiên, đấy chỉ là mơ thôi. Nguyễn Du hiểu thực tế khác với giấc mơ nên viết: “Mộng lai cô đăng thanh/Mộng khứ hàn phong xuy/Mỹ nhân bất tương kiến/Nhu tình loạn như tơ”. (Nghĩa: Mộng đến, đèn rọi sáng/Mộng tàn, gió lạnh thổi/Người đẹp không thấy đâu/Lòng rối như tơ vò”. Đọc bài thơ này, Hồ Xuân Hương hiểu Nguyễn Du không bao giờ quên mình, chàng luôn luôn nhớ đến nàng và thường gặp trong mộng.

Bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" được Nguyễn Du viết và gửi cho Hồ Xuân Hương khi nàng đã lấy Tổng Cóc. Sau khi đọc bài thơ, Hồ Xuân Hương dứt khoát dứt tình với Tổng Cóc vì nàng không muốn chịu chung thân phận với nàng Tiểu Thanh.

Điều có ý nghĩa nhất, lớn lao nhất là Hồ Xuân Hương đã hóa thân thành Thúy Kiều trong tác phẩm thơ chữ Nôm vĩ đại nhất của Nguyễn Du là Truyện Kiều. Khi Nguyễn Du viết: “Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh/Một đôi nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một tài đành họa hai”. Những câu thơ này trùng khít với nhan sắc và tài năng của Hồ Xuân Hương.

Với tư cách là Nàng Thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương phải được công chúng ghi nhận công lao và yêu mến thêm ngoài việc là “Bà Chúa thơ Nôm”. Hồ Xuân Hương thật là độc đáo! Bà nổi bật trong lịch sử văn chương trung đại Việt Nam với hai tư cách mà không ai có thể cạnh tranh được.

  *Bài đã đăng tại Văn hoá -Thể thao Nghệ An số 5 (2022)                                                                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511017

Hôm nay

216

Hôm qua

2359

Tuần này

21391

Tháng này

217890

Tháng qua

121356

Tất cả

114511017