Người xứ Nghệ
Nhạc sĩ Dương Hồng Từ: Tôi muốn giới thiệu rộng rãi văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An
Nhạc sĩ Dương Hồng Từ
VHTTNA: Nhạc sĩ Dương Hồng Từ là một trong 2 nhạc sĩ của Nghệ An vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022. Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông về văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Nghệ An đã đạt giải cao ở tỉnh (Giải Hồ Xuân Hương) và Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. VHTTNA đã có cuộc trò chuyện với ông về hành trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các DTTS ở Nghệ An mà như ông nói là đi “tìm hồn dân tộc”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VHTTNA:Ông đã thật có duyên với giải thưởng. Trong đời viết của mình, cả 4 công trình của ông đều giành được những giải thưởng cao quý. Hai cuốn sách Âm nhạc dân gian dân tộc Thái ở Nghệ và Âm nhạc dân gian dân tộc Mông ở Nghệ An đều đạt giải Nhì - Giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Cuốn Văn hóa cổ truyền người Mông ở Nghệ An đạt giả B Giải thưởng Hồ Xuân Hương về VHNT của tỉnh Nghệ An năm 2015. Cuốn thứ 4, Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An cũng đạt giải B - Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ VI năm 2022. Và bây giờ hai công trình: Âm nhạc dân gian dân tộc Thái ở Nghệ An và Âm nhạc dân gian dân tộc Mông ở Nghệ An tiếp tục đem lại cho ông một vinh dự rất lớn: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022. Xin được chia vui với ông!
Ns Dương Hồng Từ: Nói là tôi có duyên với giải thưởng quả cũng đúng, vì cả 4 cuốn sách của tôi đều đạt được những giải thưởng cao quý của tỉnh Nghệ An và của Hội Nhạc sỹ Việt Nam và hôm nay còn được nhận Giải thưởng Nhà nước. Quả là một niềm vui lớn đối với tôi.
VHTTNA:Điểm một chút lý lịch của ông: sinh 1941, năm 1960 vào lực lượng vũ trang đóng quân tại các huyện vùng biên tỉnh Nghệ An. Vừa công tác vừa nỗ lực học bổ túc và tốt nghiệp cấp 3. Năm 1973, chuyển ngành về làm giáo viên âm nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Thời gian này ông vẫn khao khát với sự học nên đã thi đậu và theo học tại Nhạc viện Hà Nội (9/1975). Tháng 6/1981, về công tác tại Sở Văn hóa Nghệ An cho đến 2002 thì nghỉ hưu. Vậy là gần như cả cuộc đời ông gắn bó với hoạt động văn hóa. Đến lúc dấn thân vào nghiệp viết thì cả 4 cuốn sách đã xuất bản và những công trình ông đang thai nghén đều về văn hóa dân gian, trong đó tập trung nhiều cho âm nhạc dân gian các DTTS. Điều gì khiến ông gắn bó với lĩnh vực văn hóa đến vậy?
Ns Dương Hồng Từ: Có lẽ niềm yêu thích văn nghệ đã có sẵn trong con người tôi. Từ tấm bé, tôi đã thích hát, thích thổi sáo. Chỉ nghe bộ đội (thời kỳ chống Pháp) hát là tôi thuộc và hát theo được ngay. Nhà nghèo không có tiền mua sáo, khát khao có cây sáo mà cậu bé lớp 4 là tôi ngày ấy đã phải ăn trộm một cái choái trầu (cọc để cho trầu leo) về làm sáo và tự học thổi. Tôi nhớ, hồi đó, tôi tham gia tất cả các hoạt động văn nghệ của trường. Thầy giáo dạy tôi đã có lời giới thiệu tôi thổi sáo rất dí dỏm: “Ngày xưa thì có Trương Lương/Ngày nay thì có em Dương Hồng Từ”. Khi vào lực lượng công an vũ trang, thấy tôi có năng khiếu và yêu thích âm nhạc thực sự nên cấp trên đã cho tôi tham gia một số lớp bồi dưỡng về âm nhạc ở Hà Nội. Năm 1962, tôi đã viết truyện đăng báo của ngành. Năm 1963, vở kịch tôi viết cho đoàn tham gia hội diễn văn nghệ lực lượng công an toàn miền Bắc ở Vĩnh Linh đạt giải nhất. Vì máu me văn nghệ nên ra quân tôi đã về ngành Văn hóa công tác. Suốt đời tôi vẫn chỉ là anh công chức văn hóa nghèo, nhưng với tôi, đó là nghề mà tôi đã chọn vì yêu.
VHTTNA:Ông tự bạch: “Chẳng tìm vàng ở Tương Dương, Con Cuông/Chẳng tìm đá đỏ ở Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp/Chúng tôi tìm thứ còn quý hơn đó là hồn dân tộc”. Hẳn là những công trình ông đã dày công đi tìm “hồn dân tộc”, hồn của văn học dân gian các DTTS Nghệ An, trong đó rất nhiều nói về âm nhạc dân gian, phải chăng, ông làm điều này cũng vì yêu?
Ns Dương Hồng Từ: Có lẽ cô sẽ khó tin những điều tôi thổ lộ bây giờ. Nhưng quả thực tôi rất quý trọng đồng bào, rất yêu những sinh hoạt văn hóa, những tín ngưỡng, những bài dân ca, những điệu nhạc của bà con. Dường như có một lực hút nào đó từ các di sản này khiến tôi không thể không chú ý, rồi mày mò tìm hiểu. Tôi thấy nó đẹp và quý lắm. Rất nhiều điều thật tinh túy sáng lên trong mỗi lời ca, trong mỗi nghi thức tín ngưỡng của bà con nó làm cho người ta sống đẹp hơn, nhân văn hơn. Còn đối với dân bản vùng trên, tôi luôn mang ơn vì đã được họ cưu mang, đùm bọc. Suốt những ngày chống phỉ, rồi chống Mỹ, chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Dân bản đã yêu thương và coi chúng tôi như người thân trong gia đình. Suốt hơn mười năm trời tôi được che chở bằng tình thân đó rồi như một lẽ tự nhiên tôi có tình cảm thân quý với đồng bào.
VTTTNA:Từ lúc nào thì ông có ý định tìm hiểu và viết về văn hóa dân gian các DTTS ở Nghệ An?
Ns Dương Hồng Từ: Ban đầu chỉ là xuất phát từ yêu thích văn nghệ rồi để ý đến sinh hoạt của bà con. Dần dà cái đẹp từ trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào đã thôi thúc tôi tìm hiểu kỹ hơn. Khoảng từ năm 1967, tôi bắt đầu ý thức rõ về việc này. Hồi đó, đất nước khó khăn lắm, chúng tôi không có mẩu giấy nào để ghi chép, tôi đành ghi tất cả vào bộ nhớ. Rồi sau này về Sở Văn hóa Nghệ An làm việc, tôi cũng tranh thủ mọi chuyến công tác đi về miền núi để tiếp tục tìm hiểu lĩnh vực này. Cả đời tôi có 4 cái máy ghi âm. Những chiếc máy này, có thể nói đã được tôi dùng hết công suất. Nó được ghi đi ghi lại, có lúc nhòe quá, không còn nghe rõ lời, đành phải đi điền dã lại, cái khó bó cái khôn là vậy. Đến lúc tư liệu cũng đã dày dày, nhưng tôi cũng không đủ tiền để sớm xuất bản thành sách. Mãi khi đã nghỉ hưu, được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi mới bắt đầu ra mắt cuốn sách đầu tiên vào năm 2005, sau đó cũng từ nguồn hỗ trợ này cứ 5 năm tôi lại có thêm một cuốn sách nữa.
VHTTNA:Cả cuộc đời tâm huyết và trăn trở với việc sưu tầm, nghiên cứu để giới thiệu thật rộng rãi di sản văn hóa dân gian của các DTTS, ông có gặp điều gì trở ngại không?
Ns Dương Dồng Từ: Có thể nói Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến văn hóa, đến công tác bảo tồn và phát huy di sản dân tộc. Điều này đã được cụ thể hóa bằng rất nhiều nghị quyết, chương trình, bằng các đề án về văn hóa. Nhưng trước đây, việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án này tại một số địa phương quả thực chưa đầy đủ. Một phần do tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ còn bị hạn chế, một bộ phận thiếu sâu sát với Nhân dân nên không nắm bắt, hiểu rõ di sản.
Cònnói về trở ngại thì nhiều lắm, đến từ hoàn cảnh khách quan, đến từ con người, kể cả những đồng nghiệp của mình. Địa bàn của văn hóa dân gian các DTTS hoàn toàn ở vùng cao, việc đi lại trước đây vô cùng khó khăn, và cả hiểm nguy nữa. Tâm lý của bà con phần nào còn e ngại nên để bà con bộc bạch hết những hiểu biết của mình về di sản văn hóa cũng cần phải biết cách khơi gợi, biết cách tạo niềm tin cho bà con. Một thời tư duy của đội ngũ cán bộ làm văn hóa và lãnh đạo ở địa phương cũng có những hạn chế. Tôi nhớ khoảng năm 1998, nghe tin bà con ở một bản vùng cao huyện Qùy Châu chức lễ Xăng Khan, tôi đưa đoàn cán bộ của Bộ Văn hóa lên ghi hình làm tư liệu. Thế nhưng cán bộ huyện lại bảo: “Chúng tôi đang ra sức để dẹp, các anh lại đi tuyên truyền”. Giữa tín ngưỡng văn hóa và mê tín, dị đoan, nếu hiểu không đầy đủ nhiều khi ranh giới giữa hai yếu tố này rất mong manh, nên có những sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi phải thuyết phục mãi bà con mới giãi bày cặn kẽ mọi ý nghĩa, hoạt động của lễ hội. Lại có những lúc buồn rơi nước mắt. Hôm đó, chúng tôi mời một thầy mo về huyện giúp cho việc sưu tầm về âm nhạc của đồng bào Thái, cụ lặng lẽ vào chào vợ con vì nghĩ mình bị bắt. Thương cụ quá, tôi giải thích mãi cụ mới tin là đoàn đang nhờ giúp đỡ công tác sưu tầm. Những nghịch cảnh như vậy không ít trong quá trình tôi đi “tìm hồn dân tộc”. Ngay cả đồng nghiệp cũng không phải đã hiểu hết ý nghĩa công việc tôi làm, nên đây đó cũng thiếu sự hỗ trợ, không tạo điều kiện cho những người làm công việc như tôi. Trên hành trình này, sự chia sẻ quả thực không nhiều, nếu không kiên trì có lẽ sẽ bỏ cuộc. Đó cũng là điều tôi trăn trở khi nghĩ về việc bảo tồn và phát huy di sản các DTTS.
VHTTNA:Văn hóa dân gian là một dòng chảy không ngưng nghỉ, cả trong thời nay, khi mà xã hội đương đại sôi động với rất nhiều xu hướng phát triển văn hóa. Đó là một quá trình bảo tồn và tiếp biến. Ông có quan tâm đến vấn đề này và nhận thấy có điều gì đó cần phải thật lưu tâm không?
Ns Dương Hồng Từ: Di sản văn hóa được sinh ra và được nuôi dưỡng từ/trong cuộc sống của Nhân dân. Rõ ràng nó sẽ chịu ảnh hưởng từ tác động của thực tế cuộc sống. Sự tiếp nhận cái mới để thích nghi là cách để nó tiếp tục tồn tại và để phát huy giá trị vào cuộc sống hôm nay. Nhưng người sáng tạo hôm nay không được phép“làm mới” di sản văn hóa một cách sống sượng. Tôi có xem một số chương trình truyền hình địa phương và trung ương, đọc một số cuốn sách trong đó đang có khá nhiều “hạt sạn”, cho thấy tác giả đã thiếu sự tôn trọng văn hóa của đồng bào, đã không tìm hiểu một cách đầy đủ sâu sắc. Ứng xử của bà con các dân tộc thiểu số tinh tế lắm. Hãy nghe người bà, người mẹ dặn dò cháu gái, con gái trước khi về nhà chồng: “Con về làm dâu đừng chải đầu bên cửa sổ/Tục nhà sàn bản làng ta kiêng kỵ/Con về làm dâu bậc thang cuối đừng ngồi/Chiếc ghế trên của bố chồng đừng dựa/Chiếc giường của anh chồng đừng ngồi...”. Thế nhưng tác giả lại đưa một cảnh quay hai cô gái Thái ngồi thêu ở bậc thang cuối là không đúng với văn hóa của đồng bào.... Hoặc, khi đồng bào Mông mà dùng đến thành ngữ “chó tỏ chón đu” (tối thì khái bắt mày) thì đó là câu chửi, dùng trong trường hợp không còn nhìn mặt nhau nữa, thế nhưng tác giả một ca khúc đã đưa thành câu đùa vui của đám trai gái thanh niên, như vậy là không hiểu đúng văn hóa của đồng bào dễ dẫn đến những tác dụng ngược. Các nhạc cụ cũng được đồng bào sử dụng trong những tình huống, những ngữ cảnh rất riêng biệt phù hợp với diễn biến tình cảm, sự việc. Tiếng khèn lá chỉ có thể dùng khi người thổi ở ngọn đồi này cho người bên kia đồi nghe. Loại khèn này chỉ dùng ngoài bản, trong rừng, trên nương rẫy, chứ không thổi trong nhà vì đồng bào quan niệm đó là tiếng gọi ma. Có tác giả không hiểu cặn kẽnên đã viết tiếng khèn thay lời tỏ tình là không chính xác. Người con trai Mông chỉ dùng khèn môi và sáo để tỏ tình. Tiếng khèn môi có âm lượng vừa phải, phù hợp với những tâm tình, thủ thỉ. Đầu tiên chàng trai đi tìm người con gái sẽ thổi khèn để chứng tỏ cái tài của mình, giới thiệu bản thân mình. Khi đã tìm được cô gái mình thích rồi, vào lúc chuẩn bị bữa tối, chàng trai sẽ thổi sáo khoe tài, khi cô gái đã vào giường nằm, chàng trai mới dùng đàn môi thủ thỉ.
Quả thực số tác giả, nhất là ở Nghệ An đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa củaDTTS chưa nhiều. Có rất nhiều cái khó dẫn đến tình trạng này. Địa bàn sinh sống của đồng bào thuộc vùng sâu, vùng xa đi lại rất cách trở; đa phần cán bộ làm công tác văn hóa và văn nghệ sỹ không biết tiếng của bà con; di sản này đa phần nằm trong những người cao tuổi, các thầy mo, thầy cúng, mà những người này rất khiêm tốn, nếu chúng ta không thực sự quan tâm sẽ khó biết để khai thác, v.v…
VHTTNA: 4 cuốn sách của ông đã đóng góp rất nhiều cho việc giới thiệu văn hóa dan gian của các dân tộc Thái, Thổ, Mông ở Nghệ An. Ông lại đang tiếp tục xuất bản thêm hai cuốn sách về dân tộc Thổ (Sử thimo hoa tiêng tiếng) và cuốn sách chuyên sâu về âm nhạc. Say mê và chuyên tâm chỉ viết về văn hóa dân gian các DTTS, ông mong muốn điều gì?
NsDương Hồng Từ: Văn hóa dân gian của đồng bào DTTS Nghệ An phong phú và đẹp lắm. Chỉ cần chúng ta chịu khó tìm hiểuvới một tấm lòng trân quý ta sẽ thấy trong đó nhiều cái hay cái đẹp có ích cho cuộc đời này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều tác giả, nhiều công trình dày công về lĩnh vực này.Cả cuộc đời tôi đau đáu chỉ muốn giới thiệu một cách chân thực và ngày càng được phổ biến rộng rãi bộ mặt văn hóa của đồng bào miền núi đến với công chúng. Có một điều tôi luôn dặn mình, đó là phải tìm hiểu thật kỹ, đến khi nào thực sự an tâm về điều mình biết mới viết ra. Có thể sách tôi viết không thật hấp dẫn, nhưng nó là cái có thật, là đúng “cái của bà con”. Và đến bây giờ tôi thấy an lòng vì mình đã làm được điều gì đó có ích cho đồng bào các DTTS, những người đã từng đùm bọc tôi và thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thiết thực cho di sản văn hóa tiền nhân để lại.
VHTTNA: Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ. Bước sang năm mới, kính chúc ông dồi dào năng lượng cho những sáng tạo mới tiếp tục thành hình, để nguyện vọng giới thiệu chân thực và rộng rãi nhất văn hóa của đồng bào các DTTS Nghệ An luôn luôn là hiện thực!
( Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 07/2022)
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511928
2254
2337
22302
218801
121356
114511928