Những góc nhìn Văn hoá

93 mùa xuân vẻ vang của Đảng

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là một tổ chức được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện trở thành chính Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam được Nhân dân thừa nhận, tin tưởng, yêu mến, suy tôn, ủy thác và ra sức xây dựng, bảo vệ. Từ mùa Xuân năm 1930 đến nay là cả một hành trình Đảng ta không ngừng ngơi nghỉ, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; thường xuyên tự xây dựng, tự chỉnh đốn, tự làm mới chính mình, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Ảnh minh họa (nguồn:tuyengiao.vn)

Từ ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin

Sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (năm 1920), Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cái cốt lõi trong tư tưởng của Lênin về đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Người khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân. Nói cách khác, chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”. Ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Nguyễn Ái Quốc cho rằng để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản… Trong quá trình huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung truyền bá lý luận Mác-Lênin vào giai cấp công nhân và các tầng lớp trí thức yêu nước. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu bức thiết lúc đó là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử nước ta.

Đến chặng đường 93 mùa xuân vẻ vang của Đảng

Với 93 mùa Xuân, Đảng ta trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, nhưng vinh quang và rất đỗi tự hào. Trong 93 năm qua, chúng ta kiêu hãnh về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng; tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì tiến bộ của nhân loại. Luôn phát huy bản lĩnh, trí tuệ của mình, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân kiên cường vượt qua những chặng đường đấu tranh với muôn vàn khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh, để thực hiện sứ mệnh lịch sử chưa hề có tiền lệ. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu, đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử dân tộc và thời đại, đáp ứng được những đòi hỏi và nguyện vọng cấp bách nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam. cho nên Đảng được thừa nhận quyền lãnh đạo cách mạng. Từ một đảng mới 15 năm tuổi, chỉ với khoảng 5 nghìn đảng viên, đã kịp thời đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề giữa nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, giữa mục tiêu dân tộc và mục tiêu dân chủ, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, lãnh đạo Nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra thời đại mới trong lịch sử của dân tộc. Cũng từ đây dân tộc và Nhân dân Việt Nam giao phó trách nhiệm cầm quyền cho Đảng của mình.

Đến thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được khẳng định bằng đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bằng sự dấn thân, hy sinh của những đảng viên cộng sản trên những mặt trận gian khổ nhất; bằng thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng sinh tử mà không lực lượng chính trị nào có thể thay thế được. Đảng đã giành chính quyền và giữ chính quyền, từng bước lãnh đạo dân tộc vượt qua thử thách hiểm nghèo, củng cố thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai miền Bắc - Nam thống nhất, cả nước cùng đi lên CNXH.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, sự lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam càng được thử thách và khẳng định. Cũng từ đây Đảng ta thực sự trở thành Đảng cầm quyền đầy đủ và toàn vẹn nội hàm của nó với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Đồng thời, năng lực lãnh đạo, cầm quyền được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Bởi dù hoàn cảnh nhiều biến động phức tạp, nhiều khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, nhưng Đảng vẫn kiên định mục tiêu cách mạng, giữ vững được tinh thần tự chủ, sáng tạo, lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, từng bước gặt hái được nhiều kết quả quan trọng: “kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên... Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố... Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao ”. Năm 2022, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có: kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD. Đó là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kết quả trên có được là do Đảng đã kiên trì đi theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đảng luôn lấy Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; không ngừng bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối của Đảng cho phù hợp bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách. Nhân dân một lòng theo Đảng, vì lợi ích của Đảng chính là lợi ích của Nhân dân. Những thành quả to lớn đó càng cho thấy rằng, ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có khả năng lãnh đạo Nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Lợi ích của Nhân dân luôn gắn với sự nghiệp của Đảng và lý tưởng, ý chí của Đảng cũng là nguyện vọng và mơ ước của Nhân dân.

Và khát vọng hôm nay

Những thành tựu to lớn trong lịch sử và trong công cuộc đổi mới vừa qua của dân tộc đã tạo nền tảng, tiền đề vững chắc cho Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là khát vọng, là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô song cho dân tộc. Khát vọng dân tộc, nếu được định hướng và hình thành dựa trên những đường lối, chủ trương đúng đắn sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ quá trình phát triển. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, Đảng đã xây dựng lộ trình, đích đến thông qua những bước đi được dự liệu một cách khoa học, rõ ràng như: phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua những giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; qua cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, giữ vững niềm tin Nhân dân đối với Đảng… Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu, rất cần sự cố gắng nỗ lực, chung sức đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Trên con đường đó nhất định không được có bóng dáng của hoài nghi, dao động, lười nhác, yên phận. Mỗi chúng ta đều phải nỗ lực hết sức mình, thực hiện xuất sắc chức trách, nhiệm vụ để góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Đảng, cũng là mong ước của toàn thể Nhân dân./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511629

Hôm nay

2292

Hôm qua

2336

Tuần này

22003

Tháng này

218502

Tháng qua

121356

Tất cả

114511629