1. Thế hệ chúng tôi (vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoá 18, đầu năm 1974, sau khi ăn Tết Nguyên Đán– quá khác biệt về thời gian so với bây giờ); là thế hệ chạng vạng(twilight), mượn nghĩa từ cách nói của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer (Chạng vạng, NXB Trẻ, 2008). Chúng tôi chạng vạng về kiến thức chắp vá, ăn theo, “nhai lại”; chạng vạng về tư duy; chạng vạng nhiều hơn về những điều úp mở; chạng vạng đặc biệt về khẳng định chắc như cua gạch - “cái gì ta cũng nhất”; chạng vạng siêu phàm vì cái lẽ minh triết của ta (dẫu không hề được so sánh với minh triết nào khác) vẫn là bất tử của thời đại; chạng vạng rõ ràng về thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chỉ hơn một năm nữa thôi, sẽ đến lúc “Bắc Nam sum họp một nhà”…
Chạng vạng tức là lúc hai thứ ánh sáng – chính xác là “ánh sáng đôi” ban ngày và ban đêm xen kẽ, đan toả nhập nhoà; thật giống với thân phận của lũ chúng tôi, khi vào đại học, đất nước bị chia cắt, lúc ra trường là thống nhất “hai trong một” khắc khoải, rỡ ràng. Chạng vạng với người bi quan là hoàng hôn bởi sau hoàng hôn là màn đêm. Chạng vạng của khát khao lạc quan là lúc sắp sửa của bình minh – cái sẽ đem đến ánh sáng ban ngày?
Đó có thể là định mệnh bởi vì số phận của chúng tôi thực sự liên tục, bị thử thách, bị dằn vặt không ngừng vì cái ánh sáng nhập nhoà khó hiểu ấy. Trong đó, một trong những điều khắc khoải của mọi sự trăn trở là TTK.
Đọc bài viết của Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá Nghệ An, số 161 (tháng 10-11.2009), tôi chợt nhận ra rằng cây đa có hàng trăm tầng lá - Vũ Ngọc Khánh, đã nói hộ tôi thật nhiều (tôi dù có biết chút ít cũng không thể nói đúng và đủ như ông). Bởi chẳng có ai muốn “vẽ bản đồ Nho giáo” nhưng lại dựng lên sừng sững đủ cả núi, sông và cái hồn của Nho gia được như thầy TTK (cũng xin phép không bàn đến cuốn Nho giáo).
Việt Nam sử lược là cuốn Sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ được TTK viết năm 1919, xuất bản năm 1921 và, NXB Văn hoá Thông tin tái bản năm 2008. Hãy hình dung cái thời mà tất cả các trường học đều phải học lịch sử nước nhà qua các sách viết bằng chữ Pháp thì mới thấy trân trọng đến mức nào công lao khai phá, thức dậy quá khứ của bậc học giả quan viễn TTK! Sống trong thời chuyên chế, thực dân (trước 1945) mà dám đề cao Quang Trung - Nguyễn Huệ thì nhất định phải là bậc văn bút đảm lược kỳ tài. Nhưng, chắc chắn rằng, TTK là người thầy đáng quý nhất ở chỗ: Thầy đã viết sử bằng ngòi bút của trái tim - điều mà cho đến nay, chưa có nhiều nhà sử học làm được. Sự khô khan, vụng về, tắc trách của SGK thời nay - biến lịch sử thành nhiều mảng gạch vụn, so với những điều tâm huyết của Thầy, quả là một trời một vực.
2. Tôi được dạy (và đã từng dạy) rằng TTK là thủ tướng bù nhìn, là tay sai của Nhật, là bán nước cầu vinh, là tột cùng của tệ hại và kém cỏi… Vân vân và vân vân...
a) Thế nhưng, khi đọc Việt sử lược, tôi mới chợt vỡ lẽ ra rằng ở trường đại học mà tôi đã học, không có một người thầy nào giống như thế. Cho dù các nhà lý luận và rất nhiều cây đa cây đề sử học có biện giải thế nào đi nữa, tôi vẫn biết chắc thầy TTK đã viết cuốn sách đó bằng máu của mình. Đó là những giọt máu đập mạnh và đập thật nhanh vì giống nòi, non sông, tổ quốc. Không có những phù phiếm, giả nguỵ, không hề có những “thao tác” của “diễn viên sử học” trên sân khấu chính trị và, tuyệt đối không có sự ỡm ờ khen chê giống như không ít cuốn sử mà tôi đã đọc.
Hồi đó, tôi chưa biết từ stress có nghĩa là gì. Nhưng sự hoang mang là có thực. Đúng và sai, phản động và yêu nước, con người chính nghĩa và con người nạn nhân của những sai lầm…? Rất nhiều câu hỏi đã làm tôi trở nên mất thăng bằng và bất lực vì sự thực là những gì tôi trăn trở không hề giống với những điều tôi đã được học trên giảng đường. Thế nhưng, tôi tin chắc một điều: Tác giả của Việt sử lược không thể là Việt gian. Việt gian từ tâm, từ trí không thể viết được như thế!
b) Phương pháp sử học của TTK là kể lại chính xác những điều đã xảy ra với mức độ có thể nhất. Đồng thời, TTK cũng đã nêu những nhận xét khách quan nhất về những gì đã xảy ra một cách khách quan nhất. Xin dẫn chứng bằng một vài chi tiết sau.
Trang 25, TTK viết rằng “đời Hồng Bàng không chắc là chuyện có thật” bởi vì một sự thật giản dị: 18 đời vua, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr.CN) đến năm Quý Mão (285 tr.CN) là 2622 năm, chia ra mỗi đời vua là gần 150 năm. Xin lưu ý rằng tính chi tiết cả năm âm lịch cách đây hàng ngàn năm, chú đầy đủ tên viết theo chữ Hán của các nhân vật lịch sử, là cách làm duy nhất của học giả TTK, chưa có ai vượt qua, kể cả bây giờ – đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo và tận tuỵ rất lớn với lịch sử nước nhà.
Trang 40, TTK ngụ ý Triệu Đà có tinh thần Việt khi viết: “Hán triều sai tướng đem quân đánh Nam Việt” và ở trang 41, chỉ bằng một chi tiết rất nhỏ, TTK đã cho người đọc biết rõ sự thâm độc, vô nhân của triều đình phong kiến phương Bắc: “ngựa, trâu, dê chỉ bán cho (Việt Nam) giống đực, chứ không bán cho giống cái”. Từ nguyên của Historie trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ có nghĩa là “điều tr, khám phá”. TTK là một trong những người mở đường cho cái nghĩa đúng của sử học là trình bày – phanh phui – chứng minh sự thật.
c) TTK đã trích dẫn rất thẳng thắn lời của sử gia Lê Văn Hưu khi viết về dân tộc Việt Nam: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ bó tay làm tôi tớ cho nhà Tàu, mà không biết xấu hổ…”. Cách nhìn nhận sự thật như thế rất khác với cách nói dân tộc Việt Nam khi nào cũng dũng cảm, quật cường. Nói cách khác là dám nhìn thẳng vào cái xấu, cái sai của mình để đứng dậy.
d) TTK đã khẳng khái thừa nhận Quang Trung anh minh, nhìn xa trông rộng khi dẫn lời của vị Hoàng đế yểu mệnh: “Sau khi chúng (quân Thanh) thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi” (trang 398). Câu nói ấy của Quang Trung mới đến muôn đời và chính Quang Trung đã đề ra nguyên tắc vàng: “Nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.
e) TTK đã nhận xét rất chính xác về Tôn Thất Thuyết là một kẻ hèn nhát – phát động phong trào Cần Vương rồi nửa đường bỏ vua, trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng rất công bằng khi ca ngợi hai người con dũng liệt của họ Tôn là dù cha có thế nào đi nữa vẫn tận trung với nước, tận hiếu với vua. Đó là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm (trang 592-593).
f) Việt Nam sử lược có không ít những chi tiết sai, những niên đại chưa chính xác. Nhưng, nếu xét từ cách nhìn nhận rằng cuốn Sử Việt Quốc ngữ đầu tiên, được viết trong bối cảnh nước mất nhà tan thì hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận được. 90 năm trước mà làm được như thế phải là bậc kỳ tài, Việt Nam ta thời điểm ấy chẳng có bao người.
3. Viết sử và in sử dưới chế độ thực dân phong kiến, ngay sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, nên TTK hiểu rõ phải cân nhắc rất kỹ càng từng câu, từng chữ. Bây giờ, chúng ta dễ dàng phê phán đó là “hạn chế” của ông, quả thật, không công bằng một tý nào. Chẳng hạn, nhận xét về Nguyễn Văn Tường, chỉ với một câu, chúng ta hiểu thật nhiều điều, giống như chuyện mới xảy ra hôm qua: “Ông Tường thị chịu tiền hối lộ của những người Khách, cho chúng nó đem tiền sềnh, là một thứ tiền niên hiệu Tự Đức, mỏng và xấu, đúc ở bên Tàu đem sang, bắt dân phải tiêu” (trang 570). Thực ra, TTK đã nhắn gửi với hậu thế rất nhiều khi ông viết rằng: “Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt nên tấm Nam sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công việc, nhưng còn mong có ngày khoẻ mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn, cũng chưa biết chừng” (trang 603). Nói như thế chẳng khác gì nói vì dân ta đang đau yếu (bị đô hộ) nên người viết sử cũng chẳng làm gì được hơn, đành phải chấp nhận và biết rõ, người sau sẽ viết sử Việt đúng hơn và hay hơn.
Tấm lòng tận tâm với sử nước của TTK (trong cuốn sách Việt Nam sử lược) được thể hiện khá rõ khi ông đặt niềm tin vào Ngày Mai: “ Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày một tăng thêm. Cho nên cứ cách độ năm bảy năm lại có một cuộc phiến động” (tức khởi nghĩa, trang 596). TTK cũng nhận xét rất xác đáng rằng sự nguy nan của nước nhà, nguyên nhân cơ bản là do “thời đại biến đổi mà người mình không biết biến đổi, cho nên nước mình mới thành ra suy đồi (trang 561)… Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hoá, thì rồi cũng có ngày chấn khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng dõi nhà Hồng Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì lại không có một ngày ta có cái địa vị vẻ vang với thiên hạ hay sao? Sự ước ao mong mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng loại Việt Nam ta vậy (trang 604)”.
4. TTK có không ít những sai lầm đáng chê trách mà rất nhiều học giả đã phê phán, ở đây tôi thiết nghĩ không cần nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn nói qua một chút cái chạng vạng của nỗi băn khoăn về một nhà sử học xuất sắc, nhưng lại mâu thuẫn và đau đớn ngút ngàn.
Lịch sử nhân loại có không ít những con người bị/được chạng vạng khen chê như TTK. Thống chế Pétain hay Vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ - Phan Thanh Giản là những điển hình. Một nửa dân tộc Pháp nguyền rủa Pétain đã bán nước cầu vinh, đầu hàng Đức Quốc xã. Nửa còn lại cảm ơn ông đã cứu hàng vạn sinh linh Pháp, cứu được Paris thoát khỏi đổ nát, hoang tàn. Phan Thanh Giản còn bi thương hơn nữa khi “mãi quốc” rồi lại uống thuốc độc để chấm dứt mạng sống, tạ tội với non sông đất nước bằng nấm mộ tồi tàn, ghẻ lạnh – ánh phản rõ ràng nhất của sự thanh liêm… Tôi đã đến viếng mộ Phan và đã hiểu được ít nhiều.
Phải chăng TTK đã có những tính toan “lẫn lầm” tương tự như thế khi làm thủ tướng dưới thời Nhật chiếm đóng nước ta. Tất nhiên, sau Cách mạng tháng Tám mà TTK vẫn không chịu hiểu thế sự, dân tộc; vẫn cố phò Bảo Đại là điều không thể biện minh. Đây là điều sai lớn nhất. Chợt nhớ trong một trao đổi gần đây, GS Nguyễn Huệ Chi có viết qua email rằng “Đa số trí thức chẳng hiểu chính trị nó manoevre (thủ đoạn đểu giả) lắm”. TTK là một học giả uyên bác nhưng lại tự/bị biến thành một công cụ ngờ nghệch và giả dối của chính trị. Có thể dùng cách suy luận của GS Nguyễn Huệ Chi để lý giải con người TTK được chăng? TTK muốn đóng góp sức mình cho dân tộc nhưng giống như người đẩy một cỗ xe thoát ra khỏi vũng lầy: Sức lực để đẩy xe không bằng cái sức bỏ ra để lôi hài bàn chân của mình thoát ra khỏi vũng bùn thủ cựu ấy! Sự ngây thơ chính trị của đa số trí thức đều dẫn đến những kết cục tương tự. Cái cách đấy sai nhiều lắm nhưng vẫn có những điểm sáng đáng trân trọng. Chẳng hạn, chính phủ “bù nhìn” TTK vẫn có thể làm được những điều có ích như việc tha tù phạm (tháng 5-6.1945), giải phóng cho một số chiến sĩ cách mạng bị bắt như Nguyễn Duy Trinh, Lê Tính; ban bố lệnh hoãn nợ cho dân nghèo, đề ra chương trình giáo dục mới, cách thức “trừng Thanh, lại trị”... Những chính sách đó đã giảm bớt sự thống trị phát xít hà khắc cho nhân dân ta. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói: TTK đã bày tỏ tấm lòng với nước theo cách của mình (dù có không ít những điều sai, như đã nói ở trên).
Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi sinh ra nhiều danh nhân “chạng vạng”. Hầu như bất kỳ một danh nho nào đã ra đời nơi mảnh đất cồn khô, cát bạc này cũng có đủ sự “chạng vạng” với muôn sắc, muôn màu: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hà Văn Mỹ, Nguỵ Khắc Tuần, Vũ Đức Huyền, Trần Trọng Kim…
Những nhân vật lịch sử ấy, mỗi người chạng vạng một cách khác nhau. Và, đã là chạng vạng thì tất nhiên buộc hậu thế phải tốn nhiều giấy mực, bất đồng. Âu cũng là cái lẽ đương nhiên của hầu hết các tài năng...
90 năm trước, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của Việt Nam sử lược, TTK chắc chắn phải biết rằng đó là cách tốt nhất để khơi dậy tinh thần dân tộc của cả giống nòi. Chỉ riêng điều đó thôi, có thể khẳng định Học giả Trần Trọng Kim là nhà sử học đầu tiên, người thầy đáng kính của nền sử học cận hiện đại.