Những góc nhìn Văn hoá

Kim So-Wol (Kim Tố Nguyệt) và Nguyễn Bính - Nỗi buồn thương đồng điệu

“Nhà thơ diễn đạt cả những khoảng tối trong tâm hồn mình như buồn rầu, u uất, chán chường, thê lương… vốn là sự thẫm màu, sự quánh đặc của bóng trăng, cánh bướm, mơ mộng trước kia”, và thơ ông “đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân, mà của cả một dân tộc”

1. Từ hai tâm hồn buồn thương đến cuộc gặp gỡ của hai hồn thơ phương Đông

            Thơ ông “tình yêu, nhớ nhung, đau buồn và ly biệt cũng như tuyệt vọng, chán nản… được biểu hiện bằng ngôn ngữ thơ huyền diệu”[i]– Đó là lời của người đời sau, ở thế kỷ XXI, viết về Kim So-wol, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Triều Tiên thế kỷ XX, người được xưng tụng là “một tiếng thơ tinh hoa của thời đại, và những áng thơ trữ tình của ông chưa bao giờ thất bại khi quyến rũ những đôi tai truyền thống”[ii].

 

 

[iii]– Đó là cách nhìn của người đời sau, ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, đối với Nguyễn Bính, người được mệnh danh là thi sĩ đồng quê, tác giả của những câu thơ chứa chan cảm xúc đã không thôi đánh động vào những trái tim đa cảm của người đọc suốt từ những năm 30 của thế kỷ XX đến nay. 

Hai nhà thơ, ở hai chặng đường đặc biệt của văn học hai nước: những bước đầu tiên đầy thành tựu của công cuộc hiện đại hóa văn học, giống nhau một cách kỳ lạ về tài thơ, về nỗi buồn thương và cái chết trước thềm mùa xuân [iv].

Hoa Chin-tal-le của Kim Tố Nguyệt hay Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính đều là những khúc hát trong sáng của hai tâm hồn thơ phong phú và chân thành. Tập thơ Hoa đỗ quyên của Kim Tố Nguyệt được xem là “hình tượng hóa xuất sắc cảm xúc mất mát bằng vần điệu và chất trữ tình truyền thống”[v]. Với Nguyễn Bính, tập thơ đầu tiên Tâm hồn tôi đã hé mở một chân trời rất riêng hiếm hoi giữa khu rừng cách tân, một thứ quí vô ngần như Hoài Thanh tiên cảm: “hồn xưa của đất nước”. Câu thơ mỏng manh sâu lắng mà Nguyễn Bính dành tặng cho người yêu thơ trong tập thơ đầu tiên của mình là: “Hồn anh như hoa cỏ may – Một chiều cả gió bám đầy áo em”. Hoa cỏ may mênh mông ở những đồng cỏ Việt Nam, cũng như hoa đỗ quyên mọc rất nhiều ở mọi miền đất nước Triều Tiên. Đó là những đóa hoa đầu mùa của hai thi sĩ du ca về hồn quê.

            Câu chuyện đời buồn và tài thơ thiên phú của Kim Tố Nguyệt và Nguyễn Bính là nhân chứng cho cuộc tương giao kỳ thú giữa hai hồn thơ phương Đông. Lịch sử thơ ca hiện đại Triều Tiên đã dành cho Kim Tố Nguyệt một vị trí xứng đáng: ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất thế kỷ XX với những vần thơ được chắt lọc từ tâm tình của những khúc dân ca. Thơ ông gây ảnh hưởng lớn từ nhà trường đến xã hội, từ văn chương đến nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều chung niềm yêu mến lời thơ và nhạc điệu thơ của ông, không ngừng nuôi dưỡng âm nhạc của mình bằng chính hồn thơ, lời thơ Kim Tố Nguyệt. Về Nguyễn Bính, từ những dòng phê bình dè dặt ít ỏi nhưng chấm phá tài tình của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, giờ đây giới nghiên cứu đã có cái nhìn xác đáng hơn về tầm vóc của nhà thơ. Khi ông mất, người ta mới cảm nhận mỗi vẫn thơ hiền hòa của ông đã kịp “giao duyên với những ai bấy lâu yêu thương Nguyễn Bính, suốt từ Nam đến Bắc, qua từ tuổi già đến trẻ, nữ như nam, người có học cũng như người vô học”[vi] . Cống hiến tận tụy cho nghệ thuật của hai nhà thơ đã đưa Kim Tố Nguyệt lên đẳng cấp nhà thơ hàng đầu của dòng thơ trữ tình truyền thống phổ biến nhất Triều Tiên thời kỳ hiện đại hóa, đưa Nguyễn Bính lên hàng tác gia có khả năng sống bền bỉ trước thời gian, đến mức có thể được xem là một trong ba đỉnh cao nhất của Thơ Mới[vii] - một trào lưu thơ ca tinh túy và giá trị nhất Việt Nam thập niên 30,40 của thế kỷ XX.

            Triều Tiên và Việt Nam, từ nỗi xúc động và sức lan tỏa của hai hồn thơ Kim Tố Nguyệt và Nguyễn Bính, đã chứng thực truyền thống tri âm quí giá của thi đàn phương Đông. Cuộc gặp gỡ ấy như là những sợi dây buộc nối keo sơn những bước đi gấp gáp của cỗ xe cách tân đi về phương Tây trong thời kỳ hiện đại hóa, khiến những người đánh xe thời đại có thể dừng lại đôi chút để sống với quá khứ bằng tất cả sự trân trọng thiết tha.

Nỗi băn khoăn về một thế kỷ vắng người, vắng tình và cảm thức mất quê hương rất phương Đông của Kim Tố Nguyệt đã tìm thấy sự chia sẻ tuyệt vời với thơ ca Nguyễn Bính, người cũng được mệnh danh là nhà thơ của những kẻ ly hương.

2. Khúc dân ca hồn hậu đắm say thời hiện đại

Chim muông còn có giấc mơ

Mùa xuân là một giấc mơ cho đời

Tôi không mơ được nữa rồi

Cuối cùng là hết là thôi chẳng còn

Bỗng dưng tôi thấy bàng hoàng

Chuyện ngày xưa hóa muôn vàn giấc mơ

Bài thơ Giấc mơ của Kim Tố Nguyệt[viii], nguyên bản vốn không tương đồng với thể lục bát mà người viết chuyển dịch, song bản thân cấu tứ của nó đã rất gần với những tâm tình tràn trề xuân mộng trong thơ Nguyễn Bính, như Truyện cổ tích về vua nước Bướm với “con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa” đầy màu sắc Trang Tử. Những giai điệu kỳ lạ của thơ Kim Tố Nguyệt, dù đã được chuyển dịch sang tiếng Anh hay tiếng Việt, đều gợi cảm một nỗi buồn rộng lớn. Cái tôi luôn ám ảnh về mất mát ấy sao lại tương giao với cái tôi lở dở[ix] của Nguyễn Bính đến thế. Nỗi than van buồn tủi vốn dồi dào trong ca dao dân ca Việt Nam đã đi rất sâu vào lời thơ và nhạc thơ Nguyễn Bính, từ những câu lục bát thấm thía như “Da trời ai nhuộm mà lam? - Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai?” đến “Mộng mà thôi mộng mất thôi – hoa thừa rượu ế ấy tình tôi”… Một cặp lục bát đơn sơ của Nguyễn Bính tuy bé nhỏ:

Đàn ai chừng đứt dây tình

Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm

(Lửa đò)

nhưng vẫn tìm thấy người bạn của nó là Bài hát ngọt ngàocủa Kim Tố Nguyệt:

Giai điệu dịu êm của em

Chảy trong tim anh từng dòng máu

Giai điệu thương yêu

Tìm nơi nương náu.

 

Anh nghe bài hát ngọt ngào

Giai điệu thương yêu

Anh đứng trước cánh cửa buổi mai

Từ khi mặt trời mới mọc

đến bóng tối dần sâu

nghe tiếng đêm rơi tàn trong giấc ngủ.

 

Giai điệu dịu êm của em

Giai điệu thương yêu

Đưa anh vào giấc bình yên và ấm áp

Trên chiếc giường cứng lạnh.

 

Nhưng khi anh thức dậy

Lạ sao, anh đã quên những bài hát của em

Như anh chưa từng nghe thấy.

“Không giống như nhiều nhà thơ đương đại có phong cách độc đáo luôn hướng về phương tây, ông bị thu hút sâu sắc và dựa vững chắc vào truyền thống dân ca Triều Tiên”[x]. Trong niềm hân hoan trở về và mô phỏng âm giai truyền thống, Kim Tố Nguyệt đã kín đáo gửi vào mỗi nốt nhạc thơ một khối tình sầu thảm, một khối tình mà Nguyễn Bính cũng cần dựa vào giọng than van của người chốn thôn quê Việt Nam để nói cho hết lòng mình.

Bài thơ Hoa trên núi của Kim Tố Nguyệt được thiết kế theo cấu tứ vòng tròn của mùa:

Hoa nở

Trên núi cao

Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu

Hoa vẫn nở.

 

Hoa nở

Trên núi cao

Một mình, không ai nhìn thấy

Hoa vẫn nở.

 

Một mình

Với con chim nhỏ bé

Trên núi cao

Sống cùng nhau, yêu nhau.

 

Hoa rơi

Trên núi cao

Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu

Hoa vẫn rơi.

            Có một bài hát thầm lặng chạy bên trong mạch thơ. Con chim trên núi cao cùng với bông hoa vô danh kia sao có thể sống được bằng một thứ tình yêu ngây thơ không thề nguyện. Ấy vậy mà chúng đã tồn tại; ấy vậy mà nhà thơ của chúng ta chỉ còn thu lại thành một điểm nhìn như để cảm nhận sâu thêm sự lẻ loi của chủ thể trữ tình bên cạnh cuộc ái ân thanh khiết của thiên nhiên. Với mô-típ nhập vai, giấu mình, nhà thơ Nguyễn Bính cũng có chùm thơ xinh Vài nét rừng, được thiết kế theo cấu tứ tăng tiến. Song, cái tăng tiến ấy lại mang một nội dung trữ tình gần như ngược lại, đó là cảm giác xa cách dần, tàn phai dần, mất mát dần. Cái vòng tròn mờ ảo trong bài thơ là cuộc trở về với không khí những mối tình dang dở:

Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy, anh đừng yêu em

            Cách sử dụng hình ảnh và câu chữ giản dị đến mức đơn sơ, với Kim Tố Nguyệt là hoa nở, hoa rơi, chim trên núi cao, xuân hạ thu đông, với Nguyễn Bính là bốn quả đồi, ba ngọn suối, đôi cánh rừng,…đã mang đến cho người đọc phong vị dân gian sâu sắc.

Sự gặp gỡ của hai nhà thơ đồng quê Việt Nam và Triều Tiên không dừng lại ở đó. Bài thơ Cơn gió và mùa xuân của Kim Tố Nguyệt và khổ 4 câu trích trong bài Một trời quan tái của Nguyễn Bính như hai ý thơ song sinh ra đời từ hai hồn thơ đã sống rất lâu trong nhớ thương tuyệt vọng:

Gió thổi mùa xuân thành bão nổi

Gió thổi mùa xuân cây tàn bay

Tim anh hơi gió làm nức nở

Đọng giọt trong hoa, chén rượu này

Và khổ thơ nhỏ của Nguyễn Bính:

Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay

Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy

Anh uống cả em và uống cả

Một trời quan tái mấy cho say

Vẫn là hoa, rượu, đất trời, và em, chừng ấy hình ảnh đã kết chặt thêm tình quê của hai nhà thơ. …

            Lại Nguyên Ân đã nói rất chính xác giá trị thơ Nguyễn Bính trong đời sống dân tộc: “Nguyễn Bính vẫn đang có mặt: ông đã khắc được lời của mình vào tận ký ức văn hóa đồng bào mình”[xi]. Chất dân gian hồn hậu hậu đã đi cùng Nguyễn Bính từ buổi “thơ ngây” bước vào làng thơ với Cô hái mơ cho đến Đêm sao sáng của những năm kháng Mỹ. Thế giới thơ ca rộng mở với tất cả nỗi niềm chung đưa thơ ông đạt tới phẩm chất vô danh của nghệ nhân kim cổ. Trong khi đó, Kim Tố Nguyệt ở Triều Tiên được xem như bậc thầy của thơ ca chịu ảnh hưởng truyền thống. Nhiều người tin rằng mẫu thức truyền thống là một gọng kìm “bắt chết” những nhà thơ yếu đuối và thiếu phong cách. Riêng Kim Tố Nguyệt, ông đã tự nhiên “trân trọng và nương tựa” vào truyền thống để chọn lấy cho mình một phong cách đắc địa, vừa âm vang tinh thần dân tộc vừa phản chiếu nỗi mất mát của con người thời hiện đại. Trong thơ ông, chính trường thực tế của Triều Tiên đã chuyển hóa thành trận mạc của suy tư và tình yêu.

3. Tiếng đàn lòng nơi tình yêu tuyệt vọng

            Nỗi tuyệt vọng không phải là “đặc sản” của thơ Kim Tố Nguyệt và Nguyễn Bính. Người ta có nhiều cách để nói lên nỗi tuyệt vọng. Song, tình yêu chỉ tồn tại trong mộng ảo, trong đau khổ; mọi biểu hiện của đời sống đều toát lên nỗi tuyệt vọng vô phương lại là dấu ấn đậm nét trong thế giới cảm xúc của hai nhà thơ. Dường như rất khó tìm thấy bài thơ nào của Kim So-wol được viết với cảm hứng tươi vui, mặc dù nhiều áng thơ về sóng biển, mây trời, … tràn ngập những hình ảnh hồn nhiên, giàu sức gợi. Hồn thơ trĩu nặng suy tư của Kim Tố Nguyệt vẫn được xem là phần chiếu rọi của truyền thống, trong khi đó, chất truyền thống trong thơ Nguyễn Bính lại không thể hiện ở con đường suy tư mãnh liệt mà hướng ra cuộc sống cộng đồng, dù đó là cộng đồng “nhà quê” đầy hư mộng. “Sự” trong thơ Nguyễn Bính là những chuyện không chỉ của riêng ông, còn “sự” trong thơ Kim chắc chắn lưu giữ rất nhiều dấu vết nội tâm đầy vết thương của thi sĩ:

Nỗi ưu phiền là gì

Sao anh ngồi thao thức

Một mình bên dòng sông?

 

Khi ngọn cỏ nảy chồi

Giọt giọt tràn trên cỏ

Lay động làn hơi xuân.

 

Hay là anh đã hứa

không bao giờ ra đi

chỉ một đường trở lại.

 

Anh thao thức điều gì

Mà ngồi trên bến sông

Ngày mỗi ngày nặng trĩu.

 

Hay là anh đã hẹn

Không bao giờ từ bỏ

Mối tình em, em ơi?

(Dòng sông)

            Đây là bài thơ rất ám ảnh của Kim Tố Nguyệt. Hoa cỏ nảy chồi, sương mùa xuân tươi đẹp, dòng sông xanh … tất cả chúng chỉ còn là ảo giác của một đôi mắt buồn chỉ nhìn về một hướng, chỉ nhìn vào bên trong, chỉ nhìn vào một điều: “Hay là anh đã hẹn-không bao giờ từ bỏ - mối tình em, em ơi?”. Tứ thơ tương phản giữa cái cố hữu nặng nề của lòng người và dòng chảy vô cùng của thiên nhiên vô tâm làm nên một giọng điệu u ẩn. Ở bài thơ này, gam màu yếu đuối đến mức ma quái chỉ rõ nội tâm đau buồn của Kim Tố Nguyệt, chứ không triền miên đôn hậu như Nguyễn Bính:

Em đi phố huyện tiêu điều lắm                                                                          

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi

Mà đến hôm nay anh mới biết

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.

(Trường huyện)

Riêng ở những cảm xúc dương tính, mãnh liệt và ấn tượng, Nguyễn Bính mới thôi không chia sẻ với Kim Tố Nguyệt. Tiếp xúc những bài thơ tình của hai nhà thơ, người đọc thấy rõ cùng trong nỗi tuyệt vọng tình yêu, Kim Tố Nguyệt bao giờ cũng đưa ngòi bút đi đến tận cùng. Bài thơ Anh đã không biết là một ví dụ:

Anh đã không biết

Vầng trăng cứ mọc mỗi đêm.

 

Anh đã không biết

Tình yêu như đất trời tự nhiên.

 

Anh đã không biết

ngắm ánh trăng sáng mỗi đêm.

 

Anh đã không biết

Vầng trăng là trái tim

tan vỡ.

Tan vỡ là bản chất sự sống. Phải chăng vì thế mà người Triều Tiên đã xem tên tuổi Kim Tố Nguyệt là biểu hiện của han (một từ tiếng Hàn rất khó dịch) – một trạng thái vỡ mộng sâu sắc trước hiện hữu. Còn thi sĩ nhà quê của Việt Nam để lại dấu vết đa tình của mình trong thơ bằng những thi tứ nhẹ nhàng hơn, giản dị hơn:

-          Từ ngày cô đi lấy chồng

Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

(Qua nhà)

-          Đêm qua nàng đã chết rồi

Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này

(Người hàng xóm)

Chất dân gian của nhà thơ chân quê này không chỉ nằm ở nhạc thơ, nhịp thơ, chủ đề, cảm thức… mà còn ẩn hiện cốt cách dân tộc bình dị, còn lặn sâu vào cách cấu tứ theo kiểu nhập vai, nói hộ… rất thành thạo của thi sĩ thành Nam. Thế nên, người con gái ra đi trong thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng ở mức “Hồn cô cát bụi kinh thành – đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe” (Tình tôi); “Hôm qua em đi tỉnh về - Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê); “Tình tôi mở giữa mùa thu – Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm” (Đêm cuối cùng)… Với Kim Tố Nguyệt, người ra đi là cái gì đó còn hơn cả sự chết, như bài thơ cay đắng sau:

Hoa tuyết mịn màng rơi nhẹ

Thành tro thổi đi trong gió

Tan trong lửa đỏ

Chính là em đó.

(Hoa tuyết)

            Danh sách thi phẩm của Nguyễn Bính có thể xem là những nét tự họa chân dung nhà thơ. Đó là Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi, Hương cố nhân, Mười hai bến nước, Người con gái ở lầu hoa, Gửi người vợ miền Nam, Đêm sao sáng… Những nhan đề thuần phác này không phải dễ tìm trong sự nghiệp thơ Kim Tố Nguyệt, mặc dù ông cũng là một đại diện của dòng thơ truyền thống. Đây là tên một số tập thơ Kim Tố Nguyệt : Những chiếc lá khô, Khẩn cầu, Cỏ vàng

            Bài thơ Khẩn cầu toát lên tinh thần khẩn thiết lạ lùng của nhà thơ Triều Tiên độc đáo này. Một lần nữa, cái chết như bóng ma của nỗi tuyệt vọng lại đến trong thơ ông:

Tên em vỡ thành từng mảnh

Tên em tan vào hư không

Tên em rơi trong thinh lặng

Anh gọi tên em đến chết.

 

Tình yêu của anh

Ôi tình yêu của anh

Em đã đi rất xa

Làm sao em hiểu

anh yêu em bao nhiêu.

 

Mặt trời lặn rồi trên núi

Thiên nhiên nức nở buồn rầu

Gọi em trong niềm thương đau

Côi cút.

 

Anh gọi tên em trong nước mắt

anh gọi tên em trong nước mắt

vực sâu thăm thẳm đất trời…

 

Gọi tên em đến chết.

Ngày thành sỏi khô khan

Em vẫn là tình yêu

Trong mỗi lời anh gọi.

                        Tiếng gọi tình là phần nổi của bài thơ. Còn cái tận cùng tuyệt vọng chính là âm bản xuyên suốt. Có thể, cảm giác đau đớn đến mức “phân liệt” lại lớn lên từ chính nguồn mạch dân tộc Triều Tiên – xứ sở bán đảo đã từng trang bị cho mình một đời sống tinh thần như một đảo quốc với tư tưởng trung chính cực đoan, nhằm chống lại những xu thế đồng hóa văn hóa đến từ các nước lớn. Và có thể, chính “thời đại buồn rầu” của đất nước này những năm đầu thế kỷ XX đã sinh ra thiên tài Kim So-wol, người đã chiêu nhập cả vẻ đẹp tinh hoa và nỗi cô độc dữ dội của người Triều Tiên trong suốt chiều dài lịch sử.

             

4. Bi ca con đường

            Cuốn sách Tìm hiểu văn học Hàn Quốc thế kỷ XX của nhóm tác giả Lee Nam-ho, Woo Chan-jea và nhiều người khác đã dành đến 4 trang nói riêng về trường hợp nhà thơ Kim So-wol. Có một số nhận định đáng chú ý sau:

Thơ ông không ngớt cất lên những lời ca “không Người, không nhà và con đường bế tắc”. Tình cảm tha thiết đầy lãng mạn với “Người, ngôi nhà, con đường” và sự đau khổ vì nỗi nhớ mong khao khát đó là những cảm xúc chủ đạo trong thơ Kim So-wol”. (trang 27); “Kim So-wol là nhà thơ biết làm thăng hoa những vần thơ về sự tồn tại, nỗi đau khổ, cô độc”(trang 30).

             Tự điển tác gia văn học Triều Tiên[xii], mục từ Kim So-wol, có đoạn: “Nhận ra những nỗ lực hão huyền khi tìm kiếm ngôi nhà và con đường là chủ đề thấm nhuần trong nhiều tác phẩm của ông. Cảm giác bơ vơ và không nhà tràn ngập khắp lời thơ trữ tình”.

            Nếu có một điều gì đó thực sự mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại trong hai nhà thơ vốn được xem là đại biểu của truyền thống, hẳn là ở điểm này. Trong cuộc “chiêu tuyết” cho cái mới của Nguyễn Bính, chúng ta có thể nhận ra ý thức cá nhân, sự vùng vẫy tuyệt vọng và những cơn xê dịch không phải có gốc rễ từ “cây đa bến nước sân đình”, mà là cuộc va chạm kinh hoàng giữa đời sống lũy tre làng với căn bệnh khó chữa “dan díu với kinh thành”. Bật ra khỏi nơi trú ngụ cố hữu và lang thang trong mưa gió thời đại – đó là một bức tranh siêu thực bi đát. Bức tranh ấy có mặt rất tinh tế trong thi phẩm của hai nhà thơ.

Giữa Kim So-wol và Nguyễn Bính, điều gần nhau nằm ở những mặc cảm dai dẳng về sự bứt rễ, lạc cội, “lìa đàn”, ở những băn khoăn vĩnh viễn về chốn trở về. Bài Sakjoo Koosung của Kim Tố Nguyệt có đoạn:

Em nơi ấy, anh nơi đây

Làm sao em biết buồn này trong anh

Nhìn chim chao liệng vòng quanh

Nao nao về tổ chiều xanh mấy đàn.

 

Ước gì anh như mây trắng

Viễn du mãi mãi bên trời

Sakjoo Koosung sáu ngàn dặm

Một đời còn thấy xa xôi.

            Nguyễn Bính cũng không nói khác hơn:

Ơi thôn Vân hỡi thôn Vân

Phương nào kết dải mây Tần cho ta

Từ nay khi nhớ quê nhà

Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân

(Anh về quê cũ)

            Cảm giác “lìa đàn” được phát hiện một cách tinh tường trong chuyên luận Ba đỉnh cao Thơ mới của Chu Văn Sơn[xiii] càng khắc sâu thêm mối đồng điệu của Nguyễn Bính với bài thơ sau đây của Kim Tố Nguyệt:

Con chim trên núi cao

đang khóc

Nó lo âu chuyến đi hun hút đơn côi.

 

Tuyết rơi

Như tấm chăn trắng lạnh bọc lấy đất trời

Hôm nay anh phải ra đi

Hai mươi dặm nữa

Anh đã từng bỏ cuộc một lần…

 

Không trở lại. không trở lại. Không bao giờ trở lại

Anh sẽ không trở lại Samsoo Kapsan

Anh có thể quên tình yêu ta

Nhưng mười lăm năm làm sao quên hết?

 

Tuyết rơi trên núi, tuyết tan chảy cánh đồng

Con chim trên núi cao

vẫn khóc

Bởi chiếc cánh buồn vẫn bay về Samsoo Kapsan.

(Ngọn núi)

Chật vật “đường dài thân ngựa lẻ”, Nguyễn Bính tâm sự: “Ước gì trên bước đường lưu lạc – Một buổi chiều nào lạnh gió mưa – gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ”… Giấc mơ giữa ban ngày ấy phần nào nói lên sự lạnh lẽo rất sâu trong cõi tinh thần nhà thơ. Từ quán trọ trong ảo tưởng của Nguyễn Bính đến quán trọ như không thể che chắn cho nỗi lòng của Kim So-wol dường như chẳng có gì khác biệt:

Gió núi

mưa mùa đông

Một đêm ta kể chuyện cuộc đời

Quán trọ tàn khô lửa

Con dế nào khóc than.

(Con dế)

            Một bài thơ khác của Kim Tố Nguyệt là một chia sẻ sâu sắc với hồn thơ tha phương của Nguyễn Bính:

(…)

Tôi sẽ đi đâu?

Con đường vạn dặm

Tôi sẽ về đâu?

 

Đi lên núi cao?

Hay về đồng cỏ?

Tôi biết đi đâu.

(…)

Ngỗng trời đang bay ơi

Hãy trả lời ta nhé

Trên trời xanh cao vọi

Có đường nào dịu êm

Như đường ngươi bay đó?

(…)

Đường dài muôn lối

Ngả rẽ vô cùng

Đi đâu về đâu

Đời ta chẳng biết.

(Con đường)

            Thì thi sĩ yêu thương của đồng quê Việt Nam cũng từng ca hát:

Ta biết đi đâu về đâu chứ

Đã đẩy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi

(Hành phương Nam)

            Câu hỏi ngơ ngác của hai nhà thơ, nỗi ám ảnh của hai nhà thơ và cái nhìn tiêu điều của hai nhà thơ về đường đời làm đầy thêm kinh nghiệm lưu đày của người đọc thơ hôm nay. Con đường có lẽ là một biểu tượng lớn của loài người về lẽ tử sinh, về sự chọn lựa không ngừng cũng như nỗi bất an triền miên. Tất cả đều phải ra đi; nhà thơ sẽ cụ thể sự ra đi ấy bằng những chuyến lưu lạc bất tận hay trừu tượng hóa nó bằng cuộc vượt ngục tinh thần- tất cả đều phải chuyển động, cho đến khi mọi thứ kết thúc bằng cái chết. Cho nên con đường phải có thêm một “tiếp đầu ngữ” là “bi ca” – bài ca buồn bã. Bi ca con đường là “thể phách”, “tinh anh” của những nhà thơ lớn. Kim Tố Nguyệt và Nguyễn Bính cũng không phải là ngoại lệ.

* * *

Trở về giai điệu truyền thống, đan cài nỗi niềm riêng với khối buồn chung của dân tộc, Kim Tố Nguyệt và Nguyễn Bính cùng đi trên một con đường của chàng mục đồng thời hiện đại, nơi cánh bướm mùa xuân, những tiệc rượu buồn và giấc mộng bẽ bàng đã trở thành những bài ca bất tử. Hai nhà thơ cũng gặp nhau trong nỗi buồn thương sâu sắc và phổ biến về nỗi cô đơn của đời người.

Ra đi bất ngờ vào một ngày cuối năm, và để lại “nguyên vẹn cả một mùa xuân” cho nhiều thế hệ độc giả, tâm tình thơ mộng và xót đau ấy của hai nhà thơ phương Đông rất gần với thông điệp hiền minh của tiền bối xứ sở sông Hằng R. Tagore [xiv]:

Ta không còn nữa cây ơi

Thì xin lá mới xuân đời thay ta

Nhắn người lữ khách đi qua

Rằng thi nhân ấy đã là tình nhân.

 

 

Tài liệu tham khảo chính:

 

1. Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương tuyển chọn và giới thiệu, Nguyễn Bính, về tác gia và tác phẩm, tái bản lần 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

2. Hoa Chin-tal-le (Thơ Kim Sô Uâl, Hàn Quốc), Lê Đăng Hoan, Kim Ki Te dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2004.

3. Lee Nam-ho, Woo Chan-jea, …Tìm hiểu văn học Hàn Quốc thế kỷ 20, Hoàng Hải Vân dịch, NXB Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2009

4. Selected Poems of Kim So-Wol, translated by Kim, Dong Sung, Published by Sung Moon Gak, Seoul Korea, 1957

5. Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003.

6. Tạp chí Văn học số 10/1995, Chuyên san Văn học Hàn Quốc và Giao lưu văn học Hàn – Việt

7. Who’s who in Korean Literature, Kim So-wol, page 265-266.

Chú thích:

[i] Lời nói đầu cuốn Hoa Chin-tal-le, Lê Đăng Hoan và Kim Ki Te dịch, NXB Văn học, H, 2004.

[ii] Tự điển tác gia văn học Triều Tiên (Nguyên tác Who’s who in Korean Literature…)

[iii] Nguyễn Bính, về tác gia và tác phẩm, Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương tuyển chọn và giới thiệu, tái bản lần 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, lời bình của Đỗ Lai Thúy, trang 180.

[iv] Kim So-wol, tức Kim Tố Nguyệt, sinh năm 1902 tại Kwaksan, Pyongabuk-do. Khi đó, Triều Tiên bắt đầu bước vào thời kỳ bị Nhật Bản thống trị (1910).Ông bắt đầu làm thơ từ năm mười chín tuổi. Quãng đời thanh niên lưu lạc của ông gắn với chuyến du học Nhật tại trường Thương Mại Đông Kinh. Nhưng rồi ông bỏ dở sự nghiệp, bất hòa sâu sắc với những quan tâm về đồng tiền. Tập thơ đầu tay Hoa Chil-tal-le (“Hoa đỗ quyên”) đánh dấu một đời thơ nhiều bi phẫn của ông. Nguyễn Bính, tên thật Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại thôn Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Cũng như nhiều nhà thơ Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Bính sống trong không khí tan rã của những giá trị cổ xưa, nhập vào một cách cay đắng xã hội thuộc địa “chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang”. Tập thơ đầu tay của ông Tâm hồn tôi được hoàn thành năm ông mười tám tuổi, sau đó được giải thưởng của Tự lực văn đoàn (1940).

Sống trong những cơn trầm uất kéo dài, Kim Tố Nguyệt phải đối diện với nhiều nỗi tuyệt vọng, cả về sự nghiệp lẫn tình yêu. Ông mắc chứng mất ngủ trầm trọng và tự sát năm 32 tuổi, vào một ngày cuối tháng 12 năm 1934, thời điểm bước sang năm mới chỉ còn tính bằng khoảnh khắc. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng “đồng bệnh tương lân” với thi sĩ xứ Hàn. Ông cũng có một cuộc đời nhiều nỗi tủi buồn, nhiều ly biệt cùng những chuyến giang hồ vặt, ngất ngưởng với men say. Ông mất đột ngột cũng vào một ngày cuối năm (đêm 30 Tết năm Ất Tỵ,1966). Chỉ có một chút khác biệt ở cái chết và tuổi đời của hai nhà thơ: một người tự sát trong bế tắc, một người lặng lẽ ra đi sau cơn thổ huyết. Một người chỉ có hơn 30 năm mùa xuân, một người được sống thêm đến năm 49 tuổi. Cái chết của Kim Tố Nguyệt được cho là “tô đậm thêm nỗi tuyệt vọng của giới trí thức nói chung; cái chết ấy đã làm chứng cho sự xa cách xã hội của nhà thơ - một xã hội đầy áp bức chính trị và bần hàn kinh tế”.[iv] Còn Nguyễn Bính lại khác, ông mất ở sau vườn nhà người bạn đất Hà Nam, trong chuyến du xuân cuối cùng. Cái chết của ông cũng “chân quê” như đời người và đời thơ Nguyễn Bính: chết gục dưới vũng nước ao bèo trong cơn say. So với Kim Tố Nguyệt, Nguyễn Bính may mắn hơn với quãng thời gian khá dài cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

[v] Tìm hiểu văn học Hàn Quốc thế kỷ 20, Lee Nam-ho, Woo Chan-jea…, Hoàng Hải Vân dịch, NXB Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2009, trang 11.

[vi] Nguyễn Bính, về tác gia và tác phẩm, Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương tuyển chọn và giới thiệu, tái bản lần 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 52.

[vii] Xem thêm Ba đỉnh cao Thơ mới, Chu Văn Sơn, NXB Giáo dục, H, 2003.

[viii]Toàn bộ thơ trích trong bài viết này lấy từ nguồn Selected Poems of Kim So-Wol (translated by Kim, Dong Sung, Published by Sung Moon Gak, Seoul Korea, 1957) do người viết tự chuyển dịch, có tham khảo, đối chiếu với một số bản dịch Hàn – Việt trong cuốn Hoa Chin-tal-le, NXB Văn học, H, 2004 do Lê Đăng Hoan và Kim Ki Te dịch.

[ix] Chữ dùng của Chu Văn Sơn trong Ba đỉnh cao Thơ mới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003 (phần viết về Nguyễn Bính)

[x] Tự điển tác gia văn học Triều Tiên (Nguyên tác Who’s who in Korean Literature…)

[xi] Nguyễn Bính, về tác gia và tác phẩm, Hà Minh Đức, Đoàn Đức Phương tuyển chọn và giới thiệu, tái bản lần 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 251.

[xii] Tự điẻn tác gia…, sđd, trang 265.

[xiii] Ba đỉnh cao…, sđd, trang 128.

[xiv] Bản dịch của Nhật Chiêu, trích trong cuốn Tagore, người tình của cuộc đời, NXB Hội Nhà văn, H, 1991.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513345

Hôm nay

2131

Hôm qua

2315

Tuần này

21282

Tháng này

220218

Tháng qua

121356

Tất cả

114513345