Sau ngày nước nhà thống nhất, báo QĐND được phong anh hùng đầu tiên trong làng báo Việt Nam, nhìn chung luôn được cấp lãnh đạo ở các thời kỳ đánh giá về lập trường quan điểm là vững vàng. Nhưng không phải ai cũng biết, có lúc cái lập trường ấy đã bị chao đảo nghiêm trọng, nội bộ phân hoá. Đó là vào những năm 1964-1967. Khởi đầu là việc tổng biên tập, Thượng tá Văn Doãn bất đồng chính kiến sang thăm Liên Xô, chịu sống cảnh lưu vong không trở về nữa. Ở nhà những năm tiếp theo, một số cán bộ nòng cốt cấp trung tá, thiếu tá, đại uý đều đã kinh qua chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội thời chống Pháp như: Hoàng Thế Dũng (phó tổng biên tập), Trần Thư, Đinh Trân, Mai Luân, Mai Hiến, Hoàng Linh, Đoàn Ngọc Cận… bị bắt, hoặc buộc phải chuyển công tác vì bị quy tội “xét lại, chống Đảng”. Cuốn Lịch sử báo Quân Đội Nhân Dân 1950-2000 do Tổng cục Chính trị xuất bản năm 2000 dày hơn 500 trang, không có một dòng nào về sự kiện này. Tất nhiên, sau thời kỳ đó đội ngũ của báo đã được “thay máu”. Trong số cán bộ về cuối năm 1964 có trung tá Trần Công Mân. Ông vốn là một cán bộ chính trị “thứ thiệt”, từng là quyền chính uỷ trung đoàn công binh đầu tiên thời chống Pháp, sau hoà bình là chủ nhiệm chính trị Cục Công binh; chính uỷ Trường Sĩ quan công binh…Về làm báo, ông đảm nhiệm ngay phó tổng biên tập chuyên trách nội dung suốt 15 năm liền, sau đó lên tổng biên tập. Vẻ bề ngoài ông đậm nét quan văn: cao, gầy, trắng trẻo, nói năng nhỏ nhẹ, đặc biệt nét mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, ít cười, có người còn bảo tính ông… “phớt Ăng-lê”. Giữ “gôn” suốt mấy chục năm liền sau cuộc khủng hoảng kể trên, mà không bị “thủng lưới” thêm lần nào nữa; về nghề chỉ đạo tờ báo có thời kỳ đạt “đỉnh”, quả ông xứng đáng nhận được sự nể trọng của đồng ngũ và đồng nghiệp xa gần. Điều trùng hợp thú vị là ngày sinh của tướng Trần Công Mân cũng là ngày sinh của báo(20-10). Nhân dịp này, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành một cuốn sách của nhiều tác giả viết về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Và nội tướng của ông: bà Hồ Thị Xuân Mùi một cựu nha sĩ quân đội hôm nay đã ở tuổi 80, chính là “bà đỡ” cho cuốn sách ra đời. Với lòng nhớ thương chồng có thể nói là vô hạn, bà đã bỏ nhiều công sức gặp gỡ, xâu chuỗi tổ chức đặt và tập hợp bài, bên cạnh đó còn không ngần ngại mở hầu bao đến hàng trăm triệu đồng cho việc in ấn cuốn sách dày cỡ 500 trang, có thể ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông.
Tôi về toà soạn báo QĐND làm việc dưới “triều” Trần Công Mân 10 năm (1979- 1989), còn qua tiếp 4 đời tổng biên tập nữa. Tôi thấy những năm ông trị vì uy tín rất cao, không tổng biên tập nào sau này có thể bén gót. Vậy mà riêng với ông trong ngần ấy năm tôi thực sự chỉ “kiến nhi viễn chi”. Cuốn sách nhân 85 năm ngày sinh của ông, có nhiều bài kể lại những kỷ niệm sâu sắc của nhiều tác giả với người thủ trưởng đáng kính, trong khi tôi chẳng có lần nào gần gũi trực tiếp với ông để có cái cớ mà viết. Vả lại người ta có thể có nhiều dịp để được gần thủ trưởng khi sở thích đời thường giữa cấp trên và cấp dưới giống nhau, thế mà ngoài giờ làm việc ông có thú chơi cầu lông, còn tôi thì lại ham… bóng bàn! Dù sao, nhân dịp này tôi vẫn muốn viết về ông, qua đó muốn phác thảo bức chân dung về nhân cách của một trong những đại diện cuối cùng thuộc thế hệ chống Pháp. Trước hết xin kể kỷ niệm “gián tiếp” của tôi với ông ngay buổi đầu về toà soạn.
Ngày tôi mới về, lần ấy xuống một xí nghiệp xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần, ngoài bài chính còn thêm một bài ngắn phản ánh sáng kiến tự chế cái ngoàm nối ống dẫn xăng của đơn vị. Sau khi bài đăng, ông trưởng phòng biên tập của tôi gọi vào, vẻ mặt lo lắng bảo: “Gay cậu ạ. Cậu K. tuyên huấn Tổng cục Hậu cần vừa lên mách ban biên tập là bài báo về cái ngoàm lộ bí mật, có thể Liên Xô sẽ lấy cớ cắt viện trợ”. Mấy ngày sau đó tôi sống trong tâm trạng lo âu, lộ bí mật quân sự là có thể “trảm” chứ chẳng nói chơi! Thế rồi hôm đó trưởng phòng đi giao ban hàng tuần về mặt lại tươi rói, vỗ vai tôi bảo: “Tớ cũng hồi hộp khi phòng bạn đọc phản ánh ý kiến của K. thì sếp Mân cười gạt đi, bảo: tôi không tin Liên Xô lại lèm nhèm thế, làm ăn có kế hoạch từ trước, chứ đâu vì một bài báo mà cắt viện trợ; vả lại đấy chỉ là một sáng kiến nhỏ, đâu làm chẳng được”. Quả nhiên về sau đợi mãi mà chẳng thấy Liên Xô có ý kiến gì (!) Từ độ ấy tôi thầm cảm phục sếp nhìn nhận sự việc sáng suốt, chứ vào thủ trưởng khác hay “quan trọng hoá vấn đề” thì khi nghe hồi âm trái chiều như kiểu ấy không cần phân tích đúng sai, có khi nâng thành quan điểm, người viết dễ bị lên bờ xuống ruộng. Sau dịp đó, tôi có chuyến đi thực tế với bộ đội Binh đoàn Trường Sơn mở đường 279 ở biên giới phía Bắc, trở về viết một ký sự đặt tên Chọc thủng Khau Co. Khau Co, một đèo cao hiểm hóc ở vùng Tây Bắc, vì nó mà suốt 25 năm sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc đã không có đường ô tô vào được huyện Than Uyên, thuộc Nghĩa Lộ, cán bộ huyện đi họp tỉnh phải cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa, nay đã chọc thủng đèo thông tuyến, người dân địa phương mới biết đến cái ô tô(Năm 1960, nhà văn Nguyễn Tuân đã lần đến tận nơi heo hút này và viết tuỳ bút Than Uyên rất sinh động). Trưởng phòng duyệt tập bản thảo khá dày của tôi trước khi đưa lên tổng biên tập duyệt lần cuối tỏ ý không vui, bảo: Sao cậu không viết bài phản ánh cho dễ đăng? Sếp Mân duyệt phơi-tông kỹ lắm, đá là phí cả chuyến đi. Tôi lại được phen lo. Một tuần sau. Trưởng phòng đem tập ký về và gọi tôi sang, rồi chỉ vào chữ “m” ký ở trang cuối, cười hể hả. Toàn bài không thấy sửa gì, có mỗi cái tít là thủ trưởng nhúng bút thành giản dị, dễ hiểu hơn: Mở đường Khau Co. Hồi chúng tôi mới về, có ông phó tổng biên tập, phụ trách nội bộ đã từng dạy rằng: nếu được anh Mân ký chữ “m” lí nhí ở góc trang, đó là hạnh phúc; còn anh phê “không được” hay đơn giản là “o” thì chỉ còn cách bò ra viết lại. Vậy là vừa vào nghề tôi đã có hạnh phúc rồi!
Thiếu tướng Trần Công Mân sinh năm 1925, quê Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông làm viên chức nhỏ ở địa phương được một thời gian ngắn thì cuộc cách mạng tháng 8-1945 nổ ra, đã hăng hái đi theo cách mạng và nhập ngũ. Chỉ cần nhìn vào vốn liếng ngoại ngữ của ông cũng nói lên tính kiên trì chịu học suốt nhiều năm. Với tấm bằng Diplome (tương đương lớp 7 bây giờ), nhiều người thế hệ ông không thường xuyên trau dồi là quên hết tiếng Pháp. Thời ông làm tổng biên tập, trụ sở ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội hầu như tuần nào, tháng nào cũng đón khách quốc tế, ông trao đổi trực tiếp với khách chủ yếu bằng thứ tiếng Pháp chuẩn mực, ngoài ra ông còn nghe, đọc được tiếng Anh (Nhiều năm sau ngày ông nghỉ hưu, toà soạn đã thưa vắng hẳn khách nước ngoài). Ngày đó sĩ quan quân đội tiếp xúc với người nước ngoài quy chế ngặt nghèo lắm, có lần vị thủ trưởng cấp trên trực tiếp đã lục vấn: “Sao anh Mân tiếp nhiều khách quốc tế thế?” Không biết sếp của chúng tôi trả lời thế nào, chứ rồi mọi việc vẫn diễn ra bình thường, chính khách, nhà báo thuộc phe XHCN và cả phương Tây vẫn nhộn nhịp đến toà soạn. Họ đều muốn thông qua ông để tìm hiểu về thời cuộc, thăm dò chính kiến trước một sự kiện nào đó. Ông có vẻ bề ngoài như đã nói ở trên, dễ bị cho là người khó tính, khó gần, thực ra ông vẫn có cách riêng nào đấy để gần gũi mọi người, cập nhật tình hình. Bằng chứng là, ngần ấy năm báo không bao giờ để sót một sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế nào và đều có những cách làm riêng tương xứng với một tờ báo chính trị- xã hội lớn; còn ở cơ quan ông vẫn được mọi người quý trọng. Chẳng những vậy, ông được toàn quân tín nhiệm, mấy kỳ đại hội Đảng toàn quốc đều được bầu là đại biểu dự chính thức. Ông còn hơn hẳn các tổng biên tập sau này ở tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, không phải việc gì cũng thỉnh thị cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo. Trong nội bộ Tổng cục Chính trị, báo QĐND chỉ tương đương cấp cục, tức tổng biên tập là cục trưởng. Trên ông còn bao tầng cấp, sức ép, mà ông luôn có chính kiến riêng. Bởi thế mới có luồng dư luận ông “phớt” cả cấp trên. Ông đeo lon đại tá…hơi bị lâu (gần chục năm), nhận quân hàm tướng lại…hơi bị muộn. “Vững” như ông mà có lúc cũng “bi quan” về đường quan trường của mình. Một đại tá trưởng phòng, cùng lứa, khá thân với ông hiện ở Hà Nội nhớ lại: “Có lần anh ấy nói với tôi, có lẽ mình không lên tướng được!” Nhiều người trong toà soạn còn nhớ về mối quan hệ của ông với một vị trực tiếp phụ trách khối báo chí, văn nghệ trong quân đội (trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là quyền chính uỷ trung đoàn thì vị này là chính trị viên tiểu đoàn, dưới một bậc). Vị đã tuyên bố thẳng thừng: nên nhớ, anh chỉ là chủ bút, tôi mới là chủ báo! Dạo năm 1990, chỉ còn vài tháng nữa là báo tròn 40 tuổi, “chủ báo” lấy cái quyền của mình quyết “chủ bút” phải bàn giao ngay công việc cho người kế nhiệm, không đợi qua lễ kỷ niệm, mà ai xứng đáng hơn ông chủ trì buổi lễ đó. Đúng lúc diễn ra đại hội nhà báo toàn quốc, ông trúng ban chấp hành, liền sang bên đó làm việc thêm hai khoá, gần 10 năm nữa với chức trách phó chủ tịch, tổng thư ký. Đối với anh em trong cơ quan, vị sếp “phớt Ăng-lê” ấy tuy không thiên vị vồ vập ai, song cũng không phải là quá khắt khe. Đã xảy ra một chuyện thế này: ở toà soạn có một anh biên tập viên to khoẻ, nổi tiếng “máu dê”, trưa hôm đó anh ta gặp một cô nhân viên đánh máy bụ bẫm đang trên cầu thang, trông ngon mắt, thế là ôm ghì hôn. Đúng lúc ông ra, nhìn thấy chỉ “hứ” một tiếng rồi quay đi, về sau cũng không thấy nhắc nhở gì anh ta nữa.
Ngày nay nhiều nhà y học cho rằng bệnh lú lẫn, nhũn não thường đến với những người cao tuổi ít làm việc trí não. Thật trớ trêu, ông là người không mấy khi để bộ não của mình được nghỉ ngơi, thời kỳ tuổi ngoài bảy mươi ông vẫn làm công tác ở Hội Nhà báo một cách năng nổ, còn kiêm tổng biên tập tờ báo của Hội, vậy mà đến một ngày ông đổ bệnh lại chính là căn bệnh nhũn não tệ hại ấy. Ông nằm bất động, sống thực vật hàng năm trời và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25-3-1998, hưởng thọ 73 tuổi, để lại bao thương tiếc cho người thân và bè bạn. Hội Nhà báo Việt Nam đã tập hợp một số bài viết của ông thành cuốn Trần Công Mân- tác phẩm báo chí chọn lọc. Đây cũng là trước tác duy nhất của ông. Văn là người, có dịp đọc lại những bài viết của ông ở thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận mới thấy lộ rõ là một cây bút sâu sắc, thẳng thắn. Những bài viết được tập hợp đều ở giai đoạn những năm đầu của công cuộc đổi mới. Xã hội Việt Nam lúc này đang nảy sinh rất nhiều vấn đề, đụng chạm cả đến thượng tầng kiến trúc, mà đến hôm nay vẫn có những dấu hỏi lớn treo lơ lửng trước mắt các học giả, nhà lý luận. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài nhiều thập kỷ. Việt Nam thì sau một thời kỳ bao cấp trì trệ kéo dài, bắt đầu mở cửa, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Cái cũ vỡ ra, cái mới đang hình thành và không có tiền lệ. Trong bối cảnh đó tác giả Trần Công Mân (bút danh Tuấn Minh, Trần Công) có cái nhìn nhất quán, tỉnh táo trước những sự kiện, sự việc phức tạp. Đọc bài của ông không thấy những tư tưởng mới mẻ, cấp tiến (tất nhiên, điều này rất khó xảy ra ở một tờ báo như QĐND), song hấp dẫn ở chỗ đã đề cập thẳng vào những vấn đề gay cấn nhất trong đời sống chính trị- xã hội của đất nước với cách lý giải sáng rõ ngắn gọn, bạn đọc đồng tình còn bởi động cơ ngay thẳng, trong sáng của người viết. Không thể chỉ cần đóng cửa bảo nhau (QĐND 16-1-1988) là một trong những bài như thế: “…Ở một đảng bộ xã nọ, có một đảng viên là cán bộ quân đội nghỉ hưu. Việc đầu tiên của anh khi về địa phương không phải là lo xây nhà tậu vườn mà vạch trần thế lực cường hào mới. Kết quả anh thất bại cay đắng. Chi bộ quyết định khai trừ anh ra khỏi Đảng với lý do chia rẽ nội bộ! Cả một tập thể đảng viên gồm toàn những anh em bà con nội ngoại của một hai dòng họ đã vô hiệu hoá một đảng viên trung thực. Một đảng bộ bị những kẻ đặc quyền đặc lợi chiếm dụng như thế liệu có thể trở nên trong sạch bằng phê bình, tự phê bình nội bộ được không? Có gì ngăn cản những phần tử thoái hoá biến chất lợi dụng ngay sự làm trong sạch Đảng để quét sạch những ai không ăn cánh với họ, để biến chi bộ thành cái lô cốt bất khả xâm phạm của những kẻ chuyên làm việc đen tối”. Bài Chỉnh đốn Đảng, vấn đề thời sự (QĐND 2-2-1990), đáng ra phải dành chủ đề “to tát” thế này cho những vị chức sắc cao, ông không e ngại điều đó, với tư cách công dân, tư cách đảng viên bàn thẳng, bàn đích đáng vào một vấn đề lớn. Ông viết: “Trước đây có lúc chúng ta nói có một số người, sau đó thừa nhận có một bộ phận hư hỏng. Nhưng ngay bây giờ bộ phận đó đã bao nhiêu phần trăm? Thực chất chưa có thống kê nào chính xác, bởi quan niệm phân loại chưa thật rõ ràng. Nhưng theo ước đoán của dư luận thì bộ phận đó không nhỏ chút nào; ở rất nhiều nơi đảng viên thực sự tiên phong chắc không quá 30%, còn đảng viên yếu kém không dưới 30%, và còn 40% là vô thưởng vô phạt không có gì hơn quần chúng, có mặt còn kém hơn, và như vậy vẫn chưa thực sự xứng đáng với danh hiệu đảng viên”. Ông mạnh dạn đề cập tới 3 vấn đề đổi mới hệ trọng nhất (mà đến nay đã hơn 20 năm, vẫn còn là vấn đề thời sự): đổi mới cách xem xét đảng viên; đổi mới cán bộ, đổi mới công tác cán bộ và đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo của Đảng. Vấn đề có tính thời sự lấy dân làm gốc đã được ông nêu ra với những dự báo chính xác cho tới tận ngày hôm nay: “Tiếc rằng giờ đây, bốn chữ Lấy dân làm gốc đã bị chóng lãng quên, cái chân lý đơn giản và vĩ đại ấy đã bị không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền xa rời nó. Vì vậy nó phải được nhắc đến như dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh”(QĐND 25-3-1989). Ở một vấn đề nhạy cảm khác là công bằng xã hội, ông cũng nói mà không sợ động chạm với cấp trên: “Một đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã một lần tự hào nói với một đại biểu đảng anh em: ở Việt Nam sự khác biệt giữa các bậc lương là rất thấp, chúng tôi theo lời dạy của Mác, các viên chức Nhà nước chỉ hưởng thụ như người lao động bình thường. Tiếc thay hiện nay điều đó chỉ được thể hiện trên đồng lương danh nghĩa chứ không ở khoản thu nhập thực tế. Nếu ngày nay lương danh nghĩa không đủ để sống trong mấy ngày, thì những khoản thu nhập phụ lại rất có ý nghĩa…”
Cũng cần nhắc lại đôi lời chuyện giữa ông và một đồng sự một thời là Bùi Tín. Hai ông đều về toà soạn ở thời điểm gần nhau vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước và về chức vụ, bao giờ Trần Công Mân cũng hơn Bùi Tín một bậc. Bùi Tín (bút danh Thành Tín) luôn nổi lên là nhà báo của những sự kiện lớn, đặc biệt được nhiều người biết đến qua phóng sự nhiều kỳ trên báo QĐND về những phi công Mỹ bị bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội sau trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Ông từng được giải thưởng của Hội Nhà báo quốc tế(OIJ). Lúc tôi về toà soạn, thì Đại tá Bùi Tín vừa từ trưởng phòng thời sự quốc tế lên phó tổng biên tập. Tôi có được nghe vài phóng viên đàn anh rỉ tai, rằng: hai sếp bằng mặt mà không bằng lòng với nhau đâu; ai bảo cấp dưới nổi hơn cấp trên…Vậy là ở đây có sự ganh ghét đố kỵ? Nhưng trong các cuộc họp ở cơ quan, các kỳ đại hội đảng bộ toà soạn tôi không thấy hai ông có biểu hiện gì ra bên ngoài là xung khắc nhau cả. Rồi một thời gian sau, sếp Tín chuyển sang báo Nhân Dân làm uỷ viên ban biên tập phụ trách tờ Nhân Dân cuối tuần, trước ngày đào nhiệm không lâu được đề bạt lên chức phó tổng biên tập (tương đương thứ trưởng). Việc ông Bùi Tín đi ngày ấy đã gây một chấn động lớn, hầu như ai cũng bất ngờ. Xì xào vỉa hè thì nhiều chứ trên các mặt báo hầu như ngại đưa sự kiện này, nhất là không nhiều các bài đập lại, trong khi Bùi Tín ở ngoài đã liên tục đăng đàn, viết sách “chửi” rất ghê. Ngày ấy có một bài của Trần Công Mân (ký Tuấn Minh) được dư luận chú ý. Đó là Thư ngỏ gửi anh Bùi Tín lần đầu đăng trên Người làm báo số 1-1990, sau đó nhiều báo đăng lại. Đọc lại, mới càng thấy cái “lạt mềm buộc chặt” của một ngòi bút thâm thuý và tuy cùng là đồng nghiệp, đồng sự nhưng tính cách hai người có nhiều điểm rất khác nhau. Ông viết: “Chắc anh còn nhớ rõ một lần anh khuyên tôi nên hết sức gần gũi cấp trên. Anh giảng giải cho tôi rằng làm những chuyện như vậy để sớm nắm bắt được ý đồ của cấp trên để quán triệt những tư tưởng mới. Dĩ nhiên, trong cái tài này anh hơn hẳn tôi một cái đầu. Bây giờ thì tôi càng hiểu rõ cái gì đằng sau việc làm này của anh. Anh chỉ cần chiếc thang và những cái ô cho sự tiến thân. Còn quán triệt tư tưởng của Đảng thì đâu là thứ anh cần. Những lời nói và việc làm của anh hôm nay hoàn toàn chứng tỏ điều đó. Chỉ mấy tháng thôi, mà giữa tôi với anh như đã xa xôi lâu ngày lắm. Trước đây chúng ta hai lần đồng nghiệp và chẳng mấy tháng là chúng ta không có những lần gặp nhau. Còn giờ đây, giữa tôi và anh như ở hai trận tuyến. Và điều này làm tôi rất buồn”. Được biết, từ Paris Bùi Tín cũng có bài đập lại tác giả bức thư ngỏ, nhưng cũng không nhiều sức thuyết phục.
Vị tướng làm báo có vẻ mặt “phớt Ăng- lê” ấy đã về cõi vĩnh hằng tròn một “giáp” (12 năm). Trong con mắt lớp hậu sinh chúng tôi ông vẫn là một thủ lĩnh xuất sắc của làng báo Việt Nam, một chính khách tầm cỡ. Sinh thời, có thể do ông quá bận bịu với nghề đòi hỏi phải cần mẫn, quán xuyến mà không thể dành nhiều thì giờ cho riêng mình để viết những nghiên cứu chuyên sâu dài hơi, hoặc viết sách. Âu đó cũng là một thiệt thòi cho ông và cho người đọc!
Hà Nội 10-10-2010
P.Q. Đ