Những góc nhìn Văn hoá

Đền Ngọc Sơn - một đóng góp của trí thức Nho học vàoTƯ TƯỞNG VĂN HÓA THĂNG LONG - HÀ NỘI qua giải mã văn bia, câu đối chữ Hán ở một số di tích

Trong di sản văn hiến ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội một phần tối quan trọng là di sản tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng văn hóa - giáo dục. Nhưng đây lại là phần còn được quan tâm chưa đầy đủ, dẫn đến không ít ngộ nhận. Điển hình cho những ngộ nhận là một số điều người ta viết về ngôi đền Ngọc Sơn trên hồ Gươm ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Có “nhà Hà Nội học” gọi nó là “ngôi đền Tam giáo” (đạo Nho - đạo Phật - đạo Giáo) hay “ngôi đền Tam thánh” (Thánh Quan Đế - Thánh Văn Xương - Thánh Lã Tổ hoặc Thánh Trần, tùy tác giả).

Vậy mà, thơ văn Đông Kinh nghĩa thục từng gọi Ngọc Sơn là “ngôi đền Văn minh” (“tụng kinh Độc lập ở đền Văn minh”). “Ngôi đền Văn hóa” - đó là cách gọi của nhà văn hóa lớn Hoàng Đạo Thúy, con trai nhà Nho duy tân Hoàng Đạo Thành, danh tính cũng còn trên bia trong đền Ngọc Sơn. Mới đây, tên của cả hai cha con đã được đặt cho hai đường phố Hà Nội ngày nay, một điều hy hữu.
Điều đặc biệt hơn nữa là biệt nhãn của Chủ tịch Hồ chí Minh đối với đền Ngọc Sơn của hội Hướng Thiện và diễn đàn của Đông Kinh nghĩa thục trong hai chục năm đầu thế kỷ XX .
Cuối năm 1945, giáp Tết đầu tiên dân ta được đón sau khi giành lại nền độc lập, dẫu tình thế đất nước còn gian nan, công việc còn bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Hội Thiện đền Ngọc Sơn, vấn an cụ Hội trưởng, chăm chú nghe báo cáo về việc giảng thiện của Hội và cuối cùng "xin phép gợi ý": "Tôi nghĩ điều Thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ. Điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Nay ta có thể giảng công khai như thế. Có phải không, thưa các cụ?" (chúng tôi nhấn)[i].
Mười lăm năm trước đây, dẫn sự việc trên, chúng tôi nêu vấn đề: "Phải chăng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành có được nghe những nhà văn thân cùng chí hướng với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhắc đến hoạt động văn hoá yêu nước của hội Hướng Thiện Ngọc sơn?"[ii]. Nay đã có đủ bằng chứng để khẳng định: Hồ Chủ tịch biết rất rõ đền Ngọc Sơn không phải chỉ là một di tích tôn giáo mà còn là - chủ yếu là - trung tâm hoạt động văn hoá - giáo dục yêu nước của nhiều thế hệ trí thức Nho học, bắt đầu từ cái Hội Hướng Thiện đã sáng lập Đền vào mùa đông năm Tân Sửu 1841, khánh thành xây dựng cải tạo vào mùa thu năm Nhâm Dần 1842. Chẳng những thế, Người còn có mối quan hệ trực tiếp về tư tưởng - tình cảm với ngôi "đền văn minh". Một bài viết của nhà văn Sơn Tùng, người từ hơn một phần tư thế kỷ nay bất chấp mọi điều thị phi và áp lực, kiên gan khai phá con đường nghiên cứu của riêng mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người, đã hé mở cho biết rằng hai bạn đồng khoa và đồng chí hướng là cụ Nghè Ngô Đức Kế và cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 1903 từng ra Hà Nội gặp gỡ với cụ Cử Lương Văn Can tại ngôi nhà 32 phố Hàng Ngang. Trong một lần bàn luận mới đây với chúng tôi tại Chiếu Văn của mình trong ngõ Văn Chương, ông Sơn Tùng cho biết đã sưu tầm thêm được một số chi tiết lý thú về chuyến du khảo quan trọng trên đây của cha con (xin nhắc lại: cha và con) cụ Bảng Sắc: cụ Sắc đã cho cậu bé 13 tuổi Tất Thành đi theo ra Hà Nội để gặp cụ Cử Can. Đó là duyên do của việc ngay sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 -1945, Hồ Chủ tịch đã yêu cầu ông Vũ Đình Huỳnh đưa đến thăm ngôi nhà 32 Hàng Ngang[iii].
Về phần mình, chúng tôi đã có căn cứ để khẳng định rằng thời điểm và mục đích của cuộc du khảo đó không ngẫu nhiên: cũng đúng vào cái năm 1903, khi Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu khởi động phong trào Duy tân ở Trung kỳ, còn Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc ra Hà Nội, thì Lương Văn Can và Nguyễn Thượng Hiền cùng nhiều nhân vật khác liên quan phong trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục, đã cùng phả Thiện An Lạc (1 trong 3 phả Thiện tách ra từ Hội Hướng Thiện từ sau khi Hội trưởng thứ hai là Nguyễn Văn Siêu mất vào năm 1872 và thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1873) xây dựng "Hoằng Thiện kinh đàn” trong đền Ngọc Sơn để giảng bài "Chính kinh" của Đức Thánh Trần và các bài Thiện kinh giáng bút khác của chư vị thánh thần dân tộc răn dạy giữ lòng trung hiếu, yêu nước thương nòi và bảo tồn thuần phong mỹ tục cổ truyền. Có 3 minh chứng cho phát hiện này:
-         Danh tính Lương Văn Can và Nguyễn Thượng Hiền  trên tấm bia năm 1903 phả An Lạc cho gắn trên tường gian bái đường, khắc tên những người tham gia dựng kinh đàn; chúng tôi đã công bố điều này từ năm 2000[iv].
-         Tấm biển lớn sơn son với 4 đại tự thếp vàng rực rỡ (Hoằng thiện kinh đàn), niên đại cũng ghi 1903, chúng tôi cùng anh Mạnh Thắng thủ từ tìm thấy trong kho của Đền chất ngổn ngang đồ gỗ thải. Ngành văn hóa Hà Nội, hẳn do không hiểu ý nghĩa cao cả của nó, đem vứt vào đó cho bụi phủ, để lấy gian giảng đàn làm chỗ kinh doanh văn hóa phẩm chẳng liên quan gì đến đền Ngọc Sơn!
-         Đêm 30 của cái Tết Độc lập đầu tiên ấy, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng đối với tâm linh Việt, Hồ Chủ tịch đã "vi hành" trở lại Đền Ngọc Sơn, những định thắp nén hương trước ban thờ Đức Thánh Trần, nhưng người hành lễ đông nghịt, không len chân vào được, đành đứng bái vọng từ xa rồi lặng lẽ ra về[v].
Ảnh hưởng của Thiện đàn và Thiện kinh đối với Nguyễn Tất Thành phải sâu sắc đến thế nào nếu như nửa thế kỷ sau, năm 1952, giữa chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp xâm lăng, khai giảng lớp chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp trong Chính phủ, lãnh tụ cộng sản Hồ chí Minh, được coi là người (xin nhắc lại: được coi là ) lấy đấu tranh giai cấp làm chủ thuyết, lại nói về sự giao tranh giữa cái Thiện và cái Ác trên toàn thế giới, trong cả nước và trong mỗi con người[vi].
 
Những sự việc và hiện vật liên quan đền Ngọc Sơn vừa nêu trên đây, có thể người ta đã biết từ lâu, nhưng chỉ quen nhìn nhận chúng như những hiện tượng đơn lẻ, ngẫu nhiên, chẳng mối quan hệ gì với tôn chỉ, mục đích và hoạt động của di tích này chính là vì không thâm nhập được tư tưởng văn hóa-giáo dục của những người sáng lập hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn.
Người ta mới chỉ hời hợt quan sát hiện trạng tượng thờ trong Đền Ngọc Sơn có Quan Công (Nho), có Phật (ngồi trên ngai! - đã bỏ sau khi chúng tôi có ý kiến[vii]), có Văn Xương (mà người ta vội cho là Văn Xương Đế Quân, còn gọi là Tử Đồng Đế Quân của đạo Giáo), để quy kết đây là đền tam giáo, mà chưa khảo cứu di sản thơ văn chữ Hán để tìm hiểu quan điểm và những chủ trương của các nhà Nho sáng lập ngôi đền này mặc dù quan điểm và những chủ trương đó tiềm ẩn (tại sao “tiềm ẩn” sẽ nói rõ dưới đây) trong văn bia lập năm 1843 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, Hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên, viết về việc sáng lập đền. Quan điểm và những chủ trương đó cũng được nhắc lại minh bạch trong bài văn bia đứng tên Án sát Đặng Tá, nhưng in trong Phương Đình văn loại của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Hội trưởng thứ hai (sau khi ông Phan mất năm 1851), nên có lẽ là do chính ông viết, nói về việc trùng tu Đền hai chục năm sau. Nguyễn Văn Siêu thậm chí đã phê phán rõ ràng và dứt khoát việc đồng nhất Thần Văn Xương - ngôi sao chủ về văn chương và khoa cử, mà hội Hướng Thiện của “những người trong khoa mục” (tức theo Nho học) tôn thờ, với Văn Xương Đế Quân của đạo Giáo, giữ sổ tước lộc nhân gian ở phủ Văn Xương trên thiên đình. Đọc kỹ các tác phẩm chính luận của Thần Siêu có thể thấy ông tỏ ra khá “chính thống”, chỉ sùng Nho: “Đạo này [đạo Tây dương, tức Gia-tô, - VTK ] cùng đạo Phật, hỗ trợ yếu mạnh cho nhau, làm hại đời rất nhiều, không thể kể hết được”; “vua đương thời có khi lại tôn sùng đạo Giáo hơn cả. Điều đó thật đáng phàn nàn”[viii]. Với sự chủ trì của ông Bảng Siêu có thái độ phủ định như vậy đối với đạo Phật và đạo Giáo mà Ngọc Sơn lại trở thành ngôi đền “tam giáo” được ư?! Kể cả sau khi Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872, cho đến tận năm 1887, khi nhà khảo cứu G. Dumoutier, làm phiên dịch tiếng Việt và tiếng Hán ở phủ Toàn quyền Đông Dương, xuất bản cuốn sách về đền chùa ở Hà Nội, trong đó miêu tả chi tiết đền Ngọc Sơn từ cổng vào đến tận hậu cung, tại đây chưa hề thấy bóng dáng cả Thánh Lã Tổ lẫn Thánh Trần[ix].
 
Tuy nhiên, việc tìm hiểu tư tưởng của các nhà Nho đã sáng lập hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn, ngoài khó khăn về rào cản ngôn ngữ là chữ Hán (tuy hiện nay còn không ít vị túc Nho, dẫu không được ngành văn hóa đầu tư đồng nào, vẫn ngồi cặm cụi dịch sách Thánh hiền), còn một khó khăn lớn hơn là vì đền Ngọc Sơn la di sản của một tầng lớp Nho sĩ luôn luôn ngấm ngầm đối lập với ý thức hệ chính thống, với chuyên chế. Không ngẫu nhiên triều Nguyễn, để tỏ ra thân dân, liên tục ban tặng sắc phong cho các đền miếu của làng xã, vậy mà nhất quán bỏ qua đền Ngọc Sơn, mặc dù trong đền có thờ Quan Đế, và từ sau năm 1889 thờ cả Hưng Đạo Đại Vương, hai nhân vật luôn được ban tặng sắc phong trong các đền miếu ở khắp nơi.
Có lẽ người đầu tiên đề cập tầng lớp Nho sĩ nơi làng xã là nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện. Từ năm 1962, trong một bài viết bằng tiếng Pháp lý giải sự tiếp nhận dễ dàng chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, Cụ Viện gọi tầng lớp ông đồ đó là “Nho sĩ bình dân”, đối lập họ với “Nho sĩ quan lại” và xác định khái quát địa vị xã hội của mỗi nhóm như sau: “trong khi người này ở sau bốn bức tường của công đường, thì người kia lại sống giữa nhân dân, giữa đám dân làng”, bởi vậy “trong các thế kỷ vẫn tồn tại hai luồng tư tưởng Nho học” (chúng tôi nhấn), “xảy ra một trận lụt lớn, những Nho sĩ cùng học một thầy lúc ấy lại ở hai trận tuyến đối lập nhau (Nguyễn Hữu Cầu - Phạm Đình Trọng)”[x]. Ngay khi ấy nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội đã cho dịch sang tiếng Việt nhưng không được phép in. Hai mươi hai năm sau, trải bao trầm luân sau khi về nước phục vụ, có thời gian còn bị quy kết là “phần tử phản động”, cụ Viện vẫn khẳng định: Nho sĩ bình dân “là luồng gốc, có tính nhân văn” (chúng tôi nhấn - VTK), là “miếng đất thuận lợi cho sự du nhập của chủ nghĩa Mác”[xi].
Tiếp đó, cách nay cũng đã ngót bốn chục năm, 1969, trong khi công cuộc Chống Mỹ Cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cũng là lúc tự do tư tưởng bị hạn chế nhất, tại một cuộc họp nội bộ của Tiểu ban lý luận văn hoá - giáo dục Trung ương ông Bộ trưởng Giáo dục lúc bấy giờ Nguyễn Văn Huyên phát biểu: “Chúng ta cần đi sâu để hiểu biết vai trò ông đồ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Có thể nói xã hội phong kiến Việt Nam mấy nghìn năm giữ được rường mối, trong đó vai trò của ông đồ rất lớn. Thường thì nhà trường của chế độ phong kiến rất phản khoa học, nhưng nhà trường phong kiến Việt Nam là không phải hoàn toàn như thế. Bởi vì vai trò của các ông đồ Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm cũng rất lớn. Muốn thắng kẻ thù không thể là phản khoa học. Ta có khoa học mới thắng được kẻ thù bất kể từ đâu tới”[xii]. Trên tài liệu ghi ý kiến thông thái đó người ta cộp con dấu “Mật”, nên phải chờ đến năm 2001, sau Đổi mới 15 năm, vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng “Một nhân sĩ trí thức đi theo cách mạng” (đề bài giới thiệu trên báo Nhân Dân), mới công bố được cho bàn dân thiên hạ “đi sâu để hiểu biết”.
Nhận xét của cụ Nguyễn Khắc Viện về sự đối lập giữa hai tầng lớp Nho sĩ – bình dân và quan lại - mới đúng về đại thể (do Cụ không có trong tay những tư liệu cụ thể), chủ yếu đối với Nho lâm các thế kỷ trước. Những đảo lộn xã hội sâu rộng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, dẫn đến sự sụp đổ của triều Lê, thất bại của phong trào Tây Sơn và thiết lập chế độ quân chủ chuyên chế của họ Nguyễn, đã phân hoá phức tạp Nho lâm Đại Việt thành từng nhóm với thân phận – và do đó cả luồng tư tưởng! – khác nhau: Nho sĩ Bắc Hà ủng hộ Tây Sơn, Nho sĩ Gia Định phù Nguyễn Ánh, Nho sĩ Bắc Hà bất hợp tác cả với Tây Sơn lẫn Nguyễn triều.
Riêng trong tầng lớp gọi là “Nho sĩ bình dân”nơi thôn làng cũng có những diễn biến mới. Từ nay không phải chỉ có “hàng ngàn khoá sinh không may trong các kỳ thi trở về làng, tay trắng vẫn hoàn tay trắng”, như Cụ Viện xác định, mà có không ít người đỗ tiến sĩ, cử nhân nhưng không ra làm quan, hoặc làm chiếu lệ dăm bẩy năm rồi cáo về. Điển hình là nhóm Nho sĩ là môn sinh của Tiến sĩ triều Lê Phạm Quý thích, bậc “thạc Nho” mà cả Gia Long lẫn Minh Mạng đều hết sức trọng vọng, nhưng Lập Trai tiên sinh vẫn hoài Lê, hững hờ với tân triều. Về những điều kiện lịch sử xuất hiện của nhóm Nho sĩ này dưới triều Nguyễn, cũng như trạng thái tư tưởng và hoạt động ngầm đối lập của họ dưới chế độ chuyên chế hà khắc của Gia Long và Minh Mạng, chúng tôi từng phân tích trong các công trình đã công bố trong 15 năm qua. Những hoạt động văn hóa - giáo dục của họ luôn luôn phải khoác một vỏ tôn giáo - tín ngưỡng, nấp bóng những lời vàng ý ngọc của vua chúa (ví dụ như lời phán bảo của vua Minh Mạng, ghi trong Đại Nam thực lục: “Học để làm người”). Tư tưởng của họ thường ẩn trong những vế đối, câu thơ, điển cố. Trên đầu họ thường xuyên treo lơ lửng vụ án văn tự thảm khốc mới xảy ra dưới thời Gia Long, khi hai cha con Tổng trấn Bắc thành là bậc đại công thần Nguyễn Văn Thành cùng phải tội chết chỉ vì mấy câu thơ “lộng ngôn” của ông con, khiến họ phải hết sức thận trọng. Hơn nữa về sau, chính một người có quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật chủ chốt trong hội Hướng Thiện là Cao Bá Quát lại tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (1853 - 1854) và bị án chu di, khiến họ càng phải trở nên kín đáo hơn: không một cuốn gia phả nào ghi gì về hội Hướng Thiện, không một bài xướng họa với Cao Chu Thần còn lưu giữ trong các di cảo thơ văn.
 
Bởi vậy để nhận chân được tư tưởng văn hóa - giáo dục của nhóm Nho sĩ này thể hiện qua di tích Ngọc Sơn, hiểu đúng tư tưởng của những người chủ trì và ý nghĩa của sự việc đã diễn ra trong/ngoài Đền thì phải giải mã được di sản chữ Hán ở ngay trong Đền.
Nhưng giải mã không có nghĩa là suy đoán tùy tiện, đoán mò không căn cứ, bất chấp lịch sử xây dựng và những hình thức hoạt động từng diễn ra nơi đây, đặc biệt là quan điểm của chính những người sáng lập, được họ gửi gấm trong thơ văn của mình. Kiểu “giải mã” như vậy chỉ có thể dẫn đến sự bóp méo lịch sử và xuyên tạc di sản tư tưởng của tiền nhân. Chẳng hạn gần đây có tác giả khẳng định rằng tất cả đại tư, hoành phi, câu đối ở mặt trước khu đền Ngọc Sơn (ý nói toàn bộ kiến trúc cổng với 4 cột trụ sát đường Đinh Tiên Hoàng, gọi là nghi môn ngoài), Bảng Rồng và Bảng Hổ đều là của Nguyễn Văn Siêu (?) và chính Thần Siêu đã đích thân cho đề theo đúng trật tự như hiện nay ta thấy là “có ý nhắn gửi ” người đời sau điều này, điều nọ v.v…[xiii] “Ngọc ư tư”, “Sơn ngưỡng chỉ” v.v… ở cái cổng mặt tiền ấy mà bảo rằng Thần Siêu đề nhằm “nhắn gửi” người đời sau?! Cái mặt tiền to đẹp hiện nay, lần đầu tiên được xây lại năm 1898, theo André Masson[xiv](nguyên văn: ngôi đình  vuông) và dường như chưa hề biết đến câu thơ Thần Siêu nguyện với các đồng chí khi năm 1834 dựng Phương đình để dạy học: Cố tri viên thị trí - Nguyện thủ phương vi hình (vẫn biết tròn là khôn ngoan, [nhưng] nguyện giữ vuông làm khuôn mẫu) .. Trên bức ảnh chụp mặt tiền sau khi được xây lại năm 1898, mới thấy có thêm câu đối trên hai cột biên, vẫn chưa có PHÚC - LỘC và hai câu “Ngọc ư tư” và “Sơn ngưỡng chỉ”[xv]. Nhưng còn nguy hại hơn khi bài minh trên Nghiên đá, vốn đã được nhiều vị túc Nho dịch đúng ý về căn bản, chỉ khác nhau về chi tiết, đã bị tác giả này “dịch lại”, thực ra là suy diễn một cách vô căn cứ, thậm chí đưa lên làm tiêu đề ở ngay những trang đầu sách, để khẳng định rằng Cụ Siêu “nhắn nhủ” người đời sau (tức là chúng ta vậy!) phải “khéo chứa những người không vuông, không tròn, không ở cao, không ở dưới - kẻ sĩ, sẽ làm được nhiều việc cho Đất Nước[xvi] (những kẻ cơ hội ư?!) Tác giả quên mất ý nghĩa của biệt hiệu Nguyễn Văn Siêu thường dùng là Phương Đình - thực ra, hoàn toàn do tác giả sách tự bịa đặt, bởi vì trong bài ký do chính Nguyễn Văn Siêu viết ghi lại việc mồng 4 tháng Giêng năm 1864, ông hướng dẫn các quan đầu tỉnh Hà Nội đi tham quan ngôi đền Ngọc Sơn mà ông mới chủ trì việc trùng tu mấy năm qua, rồi trong bài viết cho bia dựng năm 1865, ông chỉ liệt kê Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc và Đình Trấn Ba, hoàn toàn không nói gì đến Bảng Rồng, Bảng Hổ. Nếu đã cho xây và đề câu đối thì Thần Siêu, vốn là một nhà khoa bảng, không thể nào quên. Quả đúng là chúng chưa hề tồn tại lúc ấy, bởi vì , trên bức ảnh đền Ngọc Sơn do Hocquard, viên bác sĩ quân y đi theo đạo quân viễn chinh chụp năm 1884 (với cầu Thê Húc không có thành cầu, lát ván mộc, nhiều chỗ hư hỏng), tức sau khi Thần Siêu mất 12 năm, vẫn chưa có hai cái bảng đó thì Thần Siêu đề các câu đối vào đâu để mà “nhắn gửi”? Lối vào đền Ngọc Sơn, theo miêu tả của G. Dumoutier viết năm 1887, vẫn chỉ là một chiếc cổng nhỏ, ở trên chỉ có 3 Hán tự mà Dumoutier dịch là “Porte de la montagne du lac” (Cửa lên núi trên hồ - “Hồ sơn môn”?) và hai bên là câu đối duy nhất: “Ce chemin conduit vers l’eau…” (tức câu đối ở 2 cột chính giữa ngày nay: “Lâm thủy …- Tầm nguyên…”). Làm gì đã có những đại tự PHÚC - LỘC và những câu
 
Với mong muốn giải mã, có thể trúng, có thể chưa hoàn toàn, nhưng một cách có căn cứ, di sản chữ Hán trong đền Ngọc Sơn để hiểu đúng giá trị lịch sử văn hóa của ngôi đền đặc biệt này, chúng tôi đã sưu tầm để đối chứng và thuyết giải:
-         Gia phả của những nhân vật chủ chốt liên quan đến việc sáng lập và hoạt động của ngôi đền, cho phép phát hiện các mối liên quan giữa các nhân vật và một số di tich;
-         Thơ văn chữ Hán của họ, đặc biệt là thơ xướng họa mà có một thời người ta vơ đũa cả nắm cho là hay thì cũng hay nhưng “vô bổ”; vậy mà  chính loại thơ này kết hợp với các gia phả cho biết thực chất quan hệ của những nhân vật liên quan;
-         Văn bia, hoành phi, câu đối thư tịch chữ Hán ở đền chùa liên quan, cũng do những người này hoặc nhân sự có quan hệ với họ như môn sinh, bằng hữu chủ trì, góp công của xây dựng hay trùng tu, viết văn bia, câu đối…;
-         Những ghi chép, chuyện kể truyền miệng trong dòng họ và ở quê hương của các nhân vật hữu quan như các làng Lương Ngọc, Trung Tự, Kim Lũ, Nhị Khê, Thượng Phúc, Hạ Thái … về những việc làm liên quan đền Ngọc Sơn và hội Hướng Thiện;
-         Những điều ghi chép trong sử sách, chủ yếu đôi ba điều về con đường khoa hoạn của một số nhân vật, chính sử của triều Nguyễn đương nhiên không có dòng nào về hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn.
 
Di sản chữ khối vuông ở khu đền Ngọc Sơn, theo thống kê của tác giả Trần Văn Đạt, hiện còn 91 đơn vị[1], gồm văn bia, hoành phi, câu đối, biển đề, đại tự, kể cả bia Trùng tu Văn Xương miếu bi ký, lập năm 1865 sau khi Nguyễn Văn Siêu trùng tu Đền và tân tạo tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba trong các năm 1859 - 1863. Hiện nay vẫn còn bức ảnh chụp cho thấy bia dựng giữa Trấn Ba đình, nhưng trong chiến tranh bia bị đạn pháo bắn vỡ nát, người ta đã dọn đi, cán bộ quản lý Đền (anh Mạnh Thắng, nay đã chuyển công tác) cho rằng bị hất xuống hồ, ngay chân Trấn Ba đình. May thay, trường Viễn Đông bác cổ đã làm bản dập, hiện lưu trữ tai Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bản dịch đã in trong Tuyển tập văn bia Hà Nội năm 1978 (TTVBHN - 1978), gần đây có người dịch lại, cơ bản như bản dịch cũ. Trong 91 đơn vị ấy chỉ có một câu đối chữ Nôm duy nhất về Trần Hưng Đạo, tuy không đề niên đại, nhưng xét về ý tứ và văn phong thì có lẽ được  soạn và treo ở đây cùng hoặc gần thời gian với câu đối chữ Hán có ghi niên đại: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Đinh Dậu” (1957).
Xin so sánh:
Câu đối viết bằng chữ Nôm:
Vũ lược luyện hùng binh, Lục Thủy ngàn thu ghi sử Việt
Văn tài mưu thượng tướng Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên
Câu đối viết bằng chữ Hán:
Vị quốc, vị nhân dân, văn vũ thánh thần, lưu hiển hiệu
Tại thượng, tại tả hữu, thông minh chính trực, tán huyền cơ.
Các cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang dịch:
Vì đất nước, vì nhân dân, văn vũ thánh thần lưu hiển hiệu
Ở bên trên, ở tả hữu, thẳng ngay sáng suốt, giúp đỡ máy huyền vi (a)
(a) Máy huyền vi: quy luật huyền diệu của vũ trụ. (chú của hai dịch giả)
Hai câu này treo ở gian thờ Trần Hưng Đạo, theo lời nói của các cụ cao niên trong hội Phả Thiện Ngọc Sơn, mới hình thành sau năm 1956, khi ngành văn hóa cho chuyển bức tượng Trần Hưng Đạo do một cụ ở ngoại thành cung tiến vào Đền năm 1952 và đặt ở phòng Rùa bây giờ, tượng Quan Công từ xưa vẫn đặt trong khám, dời ra ban thờ bên ngoài, đặt trước khám có tượng Văn Xương.
Tất cả các văn bia, hoành phi, câu đối, biển đề, đại tự còn lại đều viết bằng chữ Hán. Toàn bộ di sản chữ Hán này đã được một số người chuyển dịch sang tiếng Việt, đầy đủ và tương đối chuẩn xác nhất là bản dịch của TTVBHN - 1978 và của hai vị túc Nho Tuấn Nghi và Tảo Trang[xvii], mà có đôi vị khác chỉ sao chép có sửa đôi ba chữ (thường là sai và tồi hơn!), rồi đè tên mình lên danh tính hai cụ, gọi dúng tên sự vật là đạo văn[2].  
Tuy nhiên không phải tất cả 91 đơn vị chữ Hán và Nôm ấy đều của các sáng lập viên và nhân vật chủ chốt trong hội Hướng Thiện, lại càng không phải tất cả của Nguyễn Văn Siêu, như có người từng viết. Sau khi chúng tôi phát hiện và công bố năm 2001 một số câu đối có lạc khoản đề tên tác giả như Lê Hy Vĩnh (Tiến sĩ Lê Duy Trung, bạn tương đắc của Vũ Tông Phan)[xviii], người ta mới bắt đầu “hạn chế” lại mà viết rằng các câu đối ở khu Nghi môn ngoài, Tháp Bút, Đài Nghiên, Bảng Rồng, Bảng Hổ đều của Nguyễn Văn Siêu. Nhưng như trên đã chứng minh, điều này cũng lại sai so với thực tế trùng tu, tôn tạo đền Ngọc Sơn: Bảng Rồng, Bảng Hổ cùng những câu đối ở đây chỉ xuất hiện sau khi cụ Bảng Siêu mất từ lâu. Hơn nữa có thể khẳng định, với quan điềm tôn sùng Nho giáo và chủ trương “phương chính”, phủ định đạo Phật và đạo Giáo, những câu đối tuyên truyền quan điểm tùy thời, hoặc phản ánh tư tưởng Phật - Lão, đều không thể do Nguyễn Văn Siêu soạn. Nhiều hoành phi, câu đối ở gian hậu điện, nơi xưa thờ Quan Công, là những câu “thường trực” ở các đền miếu thờ võ tướng nổi tiếng này. Có những chữ, câu chung chung như “TRUNG”, “NGHĨA”, “Thiên cổ vĩ nhân” v.v…thì nay để nguyên thờ Trần Hưng Đạo cũng phù hợp. Nhưng có những câu gắn với sự tích Ông tướng Tầu như “Ngọc Tuyền Thố hiện …” lẽ ra phải theo Ông ra ban thờ ở ngoài, lại vẫn bị bỏ quên ở nơi cũ, hóa  ra vô lý, người Trung Quốc thấy sẽ mỉm cười: Đức Trần Hưng Đạo cũng cưỡi ngựa Xích Thố hiển linh ở am Ngọc Tuyền bên Tầu sau khi bị Ngô Tôn Quyền chém mất đầu ư?! Ngoài một số ít hoành phi, câu đối có nội dung Tiên, Phật, xuất hiện ở đây muộn hơn, đặc biệt là những câu về Lã Tổ, có niên đạị rất muộn (Khải Định, Bảo Đại), còn một khối lượng lớn câu đối với nội dung chỉ thuần túy ca ngợi cảnh sơn thủy hữu tình của Kiếm Hồ - Ngọc Sơn, do nhiều thế hệ sĩ phu đề tặng, ít liên quan vấn đề tư tưởng văn hóa - giáo dục của hội Hướng Thiện và hoạt động khai sáng của đền Ngọc Sơn.
Sau khi phân tích và phân loại như vậy, chỉ còn lại 10 bài văn bia (tính cả bia đã mất, nhưng còn bản dập), hai bài minh và 14 câu đối tiềm ẩn những vấn đề cần giải mã. Trong khuôn khổ bài viết này, xin hãy tập trung vào hai bài văn bia và một số câu đối chủ chốt.
*
Xin công nhận ngay rằng trong việc đọc và giải mã bi ký và hoành phi, câu đối chữ Hán ở Đền Ngọc Sơn và một số đền miếu liên quan, chúng tôi được kế thừa bản dịch của các bậc túc nho tiền bối. Một số câu chữ sở dĩ chúng tôi phải mạo muội xin giải mã lại là vì khi bản dịch của các cụ được thực hiện, vẫn còn chưa phát hiện các sự thực và thư tịch cho phép soi sáng những ẩn ý (những "chủ trương" - chữ của chính những người sáng lập đền trên một vế đối trong đền Ngọc Sơn:  đạo đã có chủ trương) mà các vị chủ trì hội Hướng Thiện không thể phát biểu công khai (xin nhớ lại lời góp ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụ trong hội Thiện: “nay ta có thể giảng công khai…”).
Chúng tôi đã bắt đầu từ việc giải mã bài văn bia Ngọc Sơn Đế Quân từ ký của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên. Bài văn bia này từ ba chục năm trước đây đã có bản dịch khá chuẩn và hay in trong TTVBHN - 1978[xix]. Tuy nhiên, vì lý do đã nêu trên về tư liệu lúc bấy giờ, một số câu chữ liên quan các "chủ trương" của hội Hướng Thiện, đã không được giải thích tường tận ẩn ý, khiến bài văn bia có thể coi là "tuyên ngôn" của hội Hướng Thiện, do chính Hội trưởng đầu tiên soạn thảo và cho khắc vào đá chỉ 1 năm sau khi Hội khánh thành trụ sở Ngọc Sơn, vẫn được cảm nhận cũng bình thường như những bài ký khác trên các tấm bia ghi sự tích và quá trình tạo lập đền miếu; hội Hướng Thiện bị người ta tưởng cũng chỉ là một hội làm việc từ thiện như nhiều hội thiện khác, thậm chí có một vị GS, được coi là chuyên gia về tôn giáo, trong cuộc hội thảo tại ngay đền Ngọc Sơn mà chúng tôi được ô. TS Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, gửi giấy mời tham dự ngày 9 - 7 - 2001, đã quy kết võ đoán rằng nó là hội của người Hoa!
Trước hết xin nói về cặp chữ "hành - tàng" . Cặp "hành - tàng" trong văn cảnh của bản dịch trong TTVBHN - 1978 thường được các từ điển coi là đồng nghĩa với "xuất xử" , tức theo nghĩa truyền thống từ cổ xưa, là: gặp thời, được tin dùng thì ra làm quan, không gặp thời, không được tin dùng thì ẩn dật. Vậy thì có gì lạ mà trong những năm 30 của thế kỷ XIX, những ông Nghè Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Lý, những ông Cử Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi, Diệp Xuân Huyên... , khi tụ hội ở các trường Hồ đình của Vũ Tông Phan, Phương đình của Nguyễn Văn Siêu hay học xá của Trần Văn Vi, lúc "suốt ngày cùng thong dong" trên mặt hồ Hoàn Kiếm để "chỉ nói chuyện trong hồ" ("trung nhật tương thảng dương - Chỉ thuyết hồ trung sự" - thơ Nguyễn Văn Siêu) hoặc khi trong đêm tá túc chùa Ngọc Sơn của ông Tín Trai, đồng hương Nhị Khê và trong họ Nguyễn của Nguyễn Trãi, "muốn hỏi những việc nghìn năm" (Dục vấn thiên niên sự - thơ Vũ Tông Phan), lại luận bàn thâm ý nào đó nữa của hai chữ "hành - tàng"? Nguyễn Văn Lý hẳn đã phát biểu nỗi trăn trở của họ trong bài thơ sáng tác vào thời gian đó, nhân qua giảng đàn cũ viếng vị ân sư chung là Lập Trai Phạm Quý Thích:
Hành tàng để ý y thuỳ hội
Sơ vãn đương niên thượng hướng luân
(Ý nghĩa thấu đáo của hai chữ "hành - tàng" mấy ai đã hiểu? Kẻ hậu sinh thô thiển đến muộn năm ấy, nay vẫn hướng tới thày cùng luận bàn)
Trong bối cảnh tâm tư ấy, có thể suy đoán họ đã đi đến một quan niệm riêng về "hành - tàng", mà Vũ Tông Phan thác lời Văn Xương Đế Quân gửi gấm trong mấy câu thơ "giáng bút" ở đầu bài văn bia:
Bảo kiếm tân ma bạch hiện quang
耀
Tứ phương chiếu diệu nhậm hành tàng
(Gươm báu mới mài ngời ánh sáng - Hành hay tàng vẫn rạng muôn phương)
                                                          (Bản dịch của "TTVBHN - 1978")
 
Ẩn ý của câu chữ chúng tôi nhấn, người đương thời cùng chí hướng dễ dàng cảm nhận khi liên hệ với 4 chữ chúng tôi nhấn sau đây trong câu ở đoạn dưới: "nhi hội trung tàng, tu, du, tức hữu kỳ địa"  (mà người trong Hội tàng khí(ẩn giấu chí khí), tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi đều có nơi chốn). Rất tiếc là dịch giả trong TTVBHN - 1978 đã bỏ qua không dịch, có lẽ do lúc đó chưa đủ tư liệu về hội Hướng Thiện nên đã không nắm bắt được sự liên quan của 4 chữ ấy với ẩn ý sau đây trong câu thơ "giáng bút" ở ngay đầu bài văn bia, mà người trong cuộc đương thời có thể cảm nhận là chủ đề tư tưởng của bài ký: chí khí của kẻ sĩ trong Hội phải như thanh gươm, dù đang hành động hay đang tàng trữ nơi nào thì vẫn phải mài mới toả sáng (tức phát huy ảnh hưởng)quanh mình. Ý ấy có sẵn trong chữ “tàng” mà các hội viên là những “người trong khoa mục” tất phải thuộc nằm lòng câu trong sách Luận ngữ: “Quân tử tàng khí ư thân đãi thì nhi động (Người quân tử tàng trữ chí khí (khí cụ ở đây phải hiểu là thanh gươm, như trên đã nói, tượng trưng cho chí khí của kẻ sĩ) nơi mình, chờ thời mà hành động). Quan niệm "tàng mà vẫn hành", vẫn tác động đến xung quanh bằng chí khí sáng ngời của mình và sẵn sàng chớp thời cơ chuyển sang hành động ấy, người trong Hội còn có thể cảm nhận qua điển cố trong câu về chủ trương của Hội "sơ dĩ miễn hành phương tiện vi chủ" 便TTVBHN - 1978 mới chỉ chuyển dịch một phần nghĩa: "Ở thời kỳ đầu, hội chủ yếu nhằm cố gắng làm những việc đem lại lợi ích cho người". Nhưng điển cố "phương tiện" 便 (như "Phương tiện môn" ở tam quan nhiều chùa) trong ngôn ngữ Phật giáo có hai thành tố ngữ nghĩa: a) làm những việc có ích cho người + b) việc đó tuỳ phương hướng mà làm nhưng đều nhằm tuyên truyền giáo lý, giáo hoá chúng sinh.[xx]- (tu thiện một mình) với vế đối lập "kiêm thiện" (giúp cả mọi người tu thiện), trong câu gần cuối bài văn bia: “Thủy nguyệt sơn phong chi hứng sở dĩ trợ độc đắc chi thiện giả đa” (hứng vui ngắm trăng dưới nước, hóng gió trên non có thể giúp nhiều cho điều thiện đâu chỉ riêng mình được hưởng), bởi lẽ đều là những "người trong khoa mục" nên họ hẳn phải biết câu của Mạnh Tử: "Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ"  (khốn cùng thì lấy thiện tự tu bản thân, hoàn cảnh thông đạt thì đem thiện giáo hoá mọi người - theo Từ điển Từ nguyên), tức vẫn là cái chủ trương tàng khí, tu thân không phải cho riêng mình mà là để rồi giúp ích cho người và cho đời. Xuất phát từ sự giải mã như vậy, xin dịch lại câu văn bia này như sau: Cái thú trăng nước gió non nhờ vậy mà giúp được nhiều cho người tu theo hướng Thiện*[3]. Thành tố nghĩa thứ hai rất quan trọng . Bởi vậy câu văn bia trên đây, căn cứ sự giải mã đó, có thể dịch lại như sau: “… làm những việc đem lại lợi ích cho người, qua đó mà giáo hóa họ”*. Toàn bộ văn cảnh các ẩn ý trên đây tất dẫn dắt người đương thời trong Hội đến việc ngầm liên tưởng hai chữ "độcthiện"
Như vậy, mục tiêu chính của hội Hướng Thiện khi dựng đền Ngọc Sơn là tập họp mọi người cùng tàng để hành:  tàng  và “mài mới” chí khí, tu dưỡng bản thân để cùng làm những việc mang lại lợi ích cho mọi người, qua đó mà giáo hóa họ. Đó rõ ràng không phải là một tổ chức tôn giáo, mặc dù họ phải đội mũ, khoác áo tế lễ Văn Xương - vị Thần Văn chương và khoa cử. Đó cũng không phải một hội Tư văn truyền thống, rất hạn chế về thành phần vì thường phải có khoa danh từ tú tài trở lên và nhiệm vụ chủ yếu là xuân thu nhị kỳ tế lễ tiên hiền, chúc hạ đỗ đạt, khao vọng chức tước.
Điều đặc biệt mới mẻ là các Nho sĩ này không “hành phương tiện” một cách đơn lẻ như xưa kia mà có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Nho giáo Việt Nam, để thực hiện có hiệu quả công cuộc giáo hoá trị sinh, họ đã tập họp nhau trong một tổ chức văn hoá - xã hội phi chính thống , so với các hội Tư văn chính thống thì bao quát hơn về địa bàn (có thành viên ở nhiều tỉnh thành), rộng rãi hơn về thành phần xã hội (ngoài Nho sĩ, tham gia Hội còn có nhiều thương nhân, đứng tên cá nhân hay các cửa hiệu, có cả một số binh sĩ và quan lại đương chức). Đó là nhờ giải mã văn bia Ngọc Sơn Đế quân từ ký, chúng tôi khai thác được từ tấm bia Hợp tư tính thị bi ký (bia ghi họ tên đóng góp tiền bạc)gắn ở tường bên cạnh, những thông tin quan trọng ấy đốí với việc xác đinh tính chất xã hội của tổ chức và trong các hoạt động của hội Hướng Thiện. Tấm bia này cũng có từ khi sáng lập Đền, nhưng các nhà nghiên cứu không chú ý, bởi nếu không nhìn vào bài ký từ quan điểm của vị Hội trưởng Hướng Thiện thứ nhất gửi gấm khi viết bài văn bia khánh thành Đền, thì nó đơn thuần là tấm bia công đức.
Mục tiêu văn hóa - giáo dục của đền Ngọc Sơn cũng được Nguyễn Văn Siêu nhấn mạnh lại trong Trùng tu Văn xương miếu bi ký (1865), sau khi ông chủ trì việc trùng tu và tân tạo đền Ngọc Sơn trong các năm 1859 - 1963. Bài văn bia này cũng đã được dịch và in trong TTVBHN  từ năm 1978, tuy có giản lược đoạn miêu tả chùm sao Văn Xương, nhưng vẫn giữ lại đoạn chúng tôi đã đề cập ở trên, trong đó vị Hội trưởng Hướng Thiện thứ hai phê phán một cách rõ ràngdứt khoát việc người đời đồng nhất Thần Văn Xương với Tử Đồng đế quân, rồi sinh ra cái tệ cầu cúng mê tín dị đoan khó mà bài trừ. Ông khẳng định lại mục tiêu dựng miếu Văn Xương, tức đền Ngọc Sơn, là để dạy mọi người “hướng Thiện” . TTVBHN - 1978 dịch hai chữ này là “làm điều thiện”, có lẽ vì khi đó còn chưa rõ ẩn ý lập hội Hướng Thiện là “tàng để hành”, trước hết phải tàng và “mài mới” chí khí, tu dưỡng bản thân hướng Thiện 向善đã, rồi mới vi Thiện (làm điều Thiện) theo nghiã “hành phương tiện” 便đã giải mã ở trên, tức không chỉ bố thí điều thiện là đủ mà phải qua đó giáo dục được mọi người, mà muốn giáo dục được người thì mình phải tự mài sáng chí khí, tu dưỡng bản thân cho chân chính, thẳng ngay đã. Ẩn ý này (hướng Thiện rồi mới vi Thiện) có ngay trong câu tiếp theo : “Người ta làm điều Thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của người mà bảo tồn lẽ phải của trời”[xxi] (buông thả mình mà dạy người là ngược, chân chính mình rồi mới dạy người là thuận). . Đọc câu này “những người trong khoa mục”, tức “người trong Hội” tất nhớ đến điều Thánh hiền đạo Nho dạy: “Thích kỷ giáo nhân thị nghịch, chính kỷ giáo nhân thị thuận
Vậy hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn “chủ trương” hướng dẫn hội viên và mọi người “tàng để hành” như thế nào? Điều này có thể phát hiện lại qua việc giải mã một số câu đối trong Đền và tìm hiểu những hoạt động của những người tham gia tổ chức văn hóa - giáo dục phi chính thống này.
 
Ở dình chùa, đền miếu câu đối đắp trên hai cột trụ chính giữa ở tam quan hay cổng ngoài thường được gọi là câu đối dẫn, là vì nó định hướng cho người đến với di tích biết trong đó phụng thờ ai: Thần, Phật, Lão hay anh hùng. Câu đối trên hai cột trụ chính giữa ở cổng đền Ngọc Sơn không có chữ nào về điều đó:
 
Lâm thủy, đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên, phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang.
 
Hai cụ Tuấn Nghi - Tảo Trang đã cho một câu dịch sang tiếng Việt, đối rất chỉnh và hay nữa:
Ngắm nước, trèo non, một lối lần vào cảnh đẹp
Tìm nguồn hỏi cội trong đây biết mấy phong quang.
 
Tuy nhiên, những chữ gạch chân là chúng tôi xin giải mã lại căn cứ mục tiêu văn hóa - giáo dục vừa trình bày ở trên của hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn.
Trước hết, xin nói về chữ lâm thủy”, tuy không mấy liên quan vấn đề tư tưởng nhưng lại cho phép phỏng đoán câu đối này chẳng những có ở đấy khi G.Dumoutier miêu tả đền Ngọc Sơn trước năm 1887, mà còn từ lâu trước nữa. Theo lời kể của cụ Xuân Tăng, Trưởng hội Thiện Ngọc Sơn từ khoảng 1936/38 đến 1946, và từng được đón Hồ Chủ tịch đến thăm hội Thiện giáp Tết 1946, thì trước khi cụ Bảng Siêu cho bắc cầu Thê Húc, muốn vào Đền phải đi thuyền. “Lâm thủy” nghĩa đầu tiên là đến gần nước, đến sát mép nước. Như vậy câu đối dẫn này có trên hai cột trụ chính giữa cổng chí ít ra từ trước năm 1863, cũng có thể từ thủa khánh thành đền Ngọc Sơn mùa đông năm 1842 như văn bia Ngọc Sơn đến quân từ ký viết.
Những chữ tầm nguyên phỏng cổ” ngoài nghiã chung chung “tìm nguồn hỏi cội”có hàm ý gi cụ thể liên quan với chủ trương “tàng khí, tu thân” để rồi “hành phương tiện ” không? Chúng tôi đã tìm thấy trong thơ văn của Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu bối cảnh và ngữ cảnh sử dụng những chữ đó với ý nghĩa cụ thể hơn. Khoảng 1833, tức trong thời kỳ nhóm sĩ phu Hà thành tập hợp xung quanh hai ông Phan - Siêu chuẩn bị lập hội Hướng Thiện và mở các tư thục, thường tụ hội ở Hồ đình của Nghè Phan, Phương đình của Cử Siêu (1838 mới đỗ Phó bảng) và học xá của Cử nhân Trần Văn Vi “phân độc thiên gia thi” (phân nhau đọc thơ văn của nghìn nhà, tức các nhà Nho từ cổ đến trung đại). Trong một bài thơ Nguyễn Văn Siêu nói về một trong những cuộc tụ hội đó, khi họ đến thăm ngôi nhà dạy học ông Phan từ quan về mới dựng dưới gốc đa ven bờ tây hồ Gươm, nơi u tịch, thanh vắng khiến bạn hữu cùng thanh khí có thể thề nguyền với nhau ( đồng thanh khả tái thư), có câu: “lạc lạc tầm nguyên hậu - Tiêu tiêu nhập thất sơ”  - . Hai chữ “nhập thất” từ điền Đào Duy Anh cho nghĩa là “học vấn đã đến chỗ sâu kín”. Như vậy có thể dịch hai câu thơ trên là: sau khi đã sôi nổi truy tìm ngọn nguồn (“tầm nguyên”), thì lại trầm ngâm khi bắt đầu hiểu ra nghĩa lý sâu xa . “Cội nguồn” và “nghĩa lý sâu xa” nào vậy? Ở bái đường Văn chỉ Thọ Xương, do ông Bùi Huy Tùng (người đã mời ông Nghè Phan đến nhà riêng ở ngõ Phất Lộc dạy con cháu họ Bùi) hiến ruộng và bỏ công của ra dựng lên năm 1836, và cũng do Vũ Tông Phan chủ trì, có treo câu đối của ông Nghè Tự Tháp:
 
舊邦文雅傳先進
Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến
古道儀型迪後生
Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh
Chúng tôi đã tạm dịch:
Văn phong nước cũ truyền người trước
Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.
Cựu bang văn nhã” chỉ tục lệ tốt đẹp của nước Văn Lang. Thế còn “cổ đạo nghi hình” (khuôn và mẫu của đạo cổ) là đạo nào vậy? Trong thơ của Vũ Tông Phan chúng tôi lại hay gặp “ngô đạo” - chữ Khổng Tử thường dùng gọi học thuyết chính trị-đạo đức của mình: “long sát bất quan ngô thánh đạo” (cuộc chém giết lớn này không liên quan đạo thánh của ta - Qua Văn miếu Bắc thành, 1832);  “ngô đạo bất duyên tang lỗ cuộc” (đạo ta không can hệ cuộc dâu bể này). Rõ ràng ông tiến sĩ khai khoa cho huyện Thọ Xương nói đến đạo Nho cổ đại của Khổng Tử, với chữ Nhân (nhân ái) làm gốc, vì chỉ có lòng Nhân mới bất biến, không liên quan sự đổi thay triều đại. Như vậy “tầm nguyên phỏng cổ” trong vế thứ hai của câu đối dẫn, đặt trong mối liên hệ tư tưởng với câu đối của Vũ Tông Phan ở bái đường Văn chỉ Thọ Xương (xin nhắc lại: cả hai nơi đều do ông Nghè Phan chủ trì), có thể hiểu là: quay trở về tìm cội nguồn của nền văn hiến tộc Việt (cựu bang văn nhã) và học hỏi lại những chuẩn mực và khuôn mẫu của đạo Nho cổ đại (cổ đạo nghi hình). “Thử trung” ở đây đứng sau ngữ cú chỉ hoạt động (tầm nguyên phỏng cổ), là đại từ chỉ hoạt động đó chứ không chỉ đảo Ngọc, nên không phải là “trong đây” mà là “trong việc này”, tức trong việc truy tìm cội nguồn của nền văn hiến tộc Việt và học hỏi lại đạo Nho cổ đại. “Thử trung” không chỉ phong cảnh, thì “phong quang” không thể hiểu theo nghĩa quang đãng, khoáng đạt mà phải nghĩ đến nghĩa từ nguyên của “quang” là ánh sáng và “phong” vừa có nghĩa là gió, vừa có nghĩa phong hóa, văn hóa (“xuân phong hóa vũ” Từ nguyên giải thích là giáo hóa). Bởi vậy câu đối dẫn trên đây, năm 2001, rồi 2003 chúng tôi đã xin dịch lại[xxii], nay diễn giải cụ thể để thấu hiểu (chứ không dám so với câu dịch hay đẹp của hai vị túc Nho) như sau [những chữ trong ngoặc vuông là chúng tôi thêm cho thoát ý]:
Xuống đến bến nước, trèo lên đỉnh non, thấy có một con đường đưa dần vào cảnh tươi đẹp;
Tìm hiểu [văn hóa] nguồn cội, học hỏi [đạo Nho] cổ xưa, mới hiểu trong việc này vô hạn ánh sáng phong văn*.
Đó chính là “chủ trương” chính yếu, tư tưởng văn hóa - giáo dục căn bản nhất của các nhà Nho sáng lập hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn: kết hợp những truyền thống văn hóa Việt tộc với những chuẩn mực của đạo Nho nguyên thủy, với chữ Nhân làm gốc để “tàng khí, tu thân” rồi “làm những việc có ích cho người, qua đó mà giáo hóa họ”. Dùng chữ trong câu đối ở hai cột biên, mới bổ sung sau này, khi xây lại mặt tiền năm 1898, có thể gọi đó là những tiêu biểu” - cột tiêu đạo lý chỉ đường khai hóa cho mọi người, :
 
Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính
Độ thế tân lương giác thế quan
Xin diễn dịch lại, xuất phát từ góc độ những tư tưởng văn hóa - giáo dục đã giải mã, như sau:
Gây dựng con người thì dựng  cột tiêu chỉ đường khai hóa cho họ,
Cứu giúp thế tục thì xây  cầu bến làm  cửa giác ngộ cho đời*
 
Những người sáng lập hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn cũng loan báo ở ngay cửa vào nhà tiền tế cho “người trong Hội” biết rằng “ngô đạo”, “ngô Thánh đạo” nay có những chủ trương sáng rõ như ngôi sao Bắc Đẩu dẫn đường trong tình thế văn hóa - giáo dục Hà Nội đương thời suy đồi[xxiii], vậy mọi người hãy cùng nhau đến đền Ngọc Sơn “tàng khí, tu thân” theo những tư tưởng đó để rồi “hành phương tiện”:
 
Đạo hữu chủ trương Đẩu Bắc văn minh chi tượng
Nhân đồng chiêm ngưỡng Giao Nam lễ nhạc chi đô.
 
Có tác giả thấy trong câu đối trên có hai từ ĐạoĐẩu Bắc vốn xuất xứ là những danh từ Đạo giáo, nên cho rằng phải hiểu câu này theo Đạo giáo của Lão Tử. Xin lưu ý là trong văn minh Trung Hoa, theo Từ điển Nho - Phật - Lão, từ mấy ngàn năm nay, như Lời nói đầu của ông Mai Xuân Hải, người biên tập bộ từ điển này viết, 3 đạo ấy vừa đấu tranh với nhau, vừa “thẩm thấu, hội nhập nhau”. Vậy thì chuyện một số từ ngữ, biểu tượng họ dùng chung là tất yếu, đương nhiên mỗi đạo thuyết giải và sử dụng theo quan điểm của đạo mình. Trước đây đã có nhà nghiên cứu thấy hình rồng và hổ trên Bảng Rồng và Bảng Hổ trong đền Ngọc Sơn vội ngộ nhận đấy là motip Đạo giáo “hổ phục, long triều (chầu)”. Trên thực tế, hổ ở đền Ngọc Sơn được vẽ đang vươn mình xuống núi, tượng trưng cho Nho sĩ tàng tu thành đạt rồi thì ra thi thố với đời; rồng chẳng “chầu” ai, mà đang vờn mây, tức “đăng long vân hội”, cũng lại tượng trưng cho việc Nho sĩ thành đạt được “cửa rồng”, tức nhà vua vời đến phụng sự đất nước, khác nào hội rồng gặp mây. Trên đây chúng tôi đã nói Khổng Tử hay gọi học thuyết chính trị-đạo đức của mình là “ngô Đạo” và các nhà Nho chủ trương trở lại với Nho giáo nguyên thủy như Vũ Tông Phan cũng hay viết trong thơ văn “ngô Đạo”, “ngô Thánh Đạo”. Tất cả họ đều gọi vị ân sư chung, tiến sĩ triều trước Phạm Quý Thích là “Bắc Đẩu” đâu phải coi ông “làm chủ sự sống” - theo nghĩa Đạo giáo của từ đó, mà chỉ ngụ ý tiên sinh là người dẫn đường chỉ lối, đạo đức thanh cao, sáng ngời khiến Gia Long và Minh Mạng phải nể trọng, mặc dù ông bất hợp tác với tân triều. Chúng tôi cũng đã nêu thái độ phủ định của phó bảng Nguyễn Văn Siêu đối với đạo Phật và đạo Giáo. Thậm chí ông còn liệt Đạo giáo vào “tà đạo” cùng đạo Gia tô và khẳng định quyết liệt: “May nhờ có đạo Thánh hiền như mặt trời mặt trăng sáng tỏ, các tà giáo đâu có thể che lấp được. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy nó bị tiêu diệt”[xxiv]. Tuy những yếu nhân khác của hội Hướng Thiện như các tiến sĩ Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung… ôn hòa hơn, ông Phan còn từng ca ngợi thời Lý - Trần tam giáo đồng nguyên, và có bạn hữu tương đắc trong tăng giới như vị sư ở động Hương Tích về trụ trì chùa Trường Tín - Hà Nội, song khó có thể nói họ hiểu câu đối trên theo tư tưởng của ông Lão Tử chủ trương “vô vi”, cưỡi trâu đi vào núi rồi biến mất, trong khi các nhà Nho này đang chủ trương cắm trong đền Ngọc Sơn những cột tiêu chỉ đường khai hóa cho mọi người, biến Đền thành một cửa giác ngộ thông qua “tầm nguyên phỏng cổ”. Vả lại, những chữ Đạo, Đẩu Bắc chỉ khi đem tách rời ngữ cảnh của câu đối trên mới có thể dùng từ điển Nho - Phật - Lão để biện luận theo tư tưởng của Lão Tử. Thực vậy, đã theo Lão Tử vô vi, chỉ sống như giới tự nhiên thìcòn “hữu chủ trương” làm gì? Cái Đạo “nhìn mà không thấy”, “nghe mà chẳng hay” (lời của Lão Tử nói về Đạo của mình) thì bằng cách nào mà “đồng chiêm ngưỡng” được?!
Xuất phát từ những sự giải mã trên, câu đối này xin diễn dịch cho rõ nghĩa như sau:
Đạo [cổ] đã có chủ trương, [sáng như] biểu tượng văn minh là sao Đẩu Bắc
Mọi người hãy cùng chiêm ngưỡng, [cho xứng ] kinh đô văn hóa của nước Nam*.
 
Bước vào tiền đường, nơi đặt hương án đầu tiên, “người trong Hội” được bức hoành phi “Hồi thiên độ thế” treo trên đầu nhắc nhở về mục đích của việc “tàng khí, tu thân” ở trong ngôi đền này. Từ năm 1991, hai cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang đã dịch đúng và cho những chú giải làm sáng rõ ý tứ của bức hoành này là nói về vai trò lớn lao của chí khí kẻ sĩ: “Xoay chuyển tình thế cứu vớt đời”. Dựa vào đó, mười năm sau, do giải mã được những ẩn ý trong văn bia Ngọc Sơn đế quân từ ký, chúng tôi chỉ xin sửa lại một chữ: “Xoay vận trời cứu đời”*, vì có liên quan đến chữ “thiên trụ” trong câu đối quan trọng treo tại hai cột dưới hoành phi mà chúng tôi đã xuất phát từ cách hiểu ý tứ bài văn bia mà dùng phương pháp phân tích văn bản học giải mã lại. Câu đối đó như sau:
 
Sơn danh bất tại cao thủy linh bất tại thâm tự hữu chủ giả
Thiên trụ lại dĩ tôn địa duy lại dĩ lập duy thử hạo nhiên
 
Hai cụ Tuấn Nghi - Tảo Trang dịch là:
Núi nổi tiếng không vì cao, nước linh thiêng không vì sâu, chính vì vốn có chủ;
Cột trời nhờ đó mà cao vững, dải đất nhờ đó mà bền chắc, toàn nhờ khí hạo nhiên.
Chúng tôi được kế thừa sự khai mở câu đối này cùng những chú giải công phu của hai cụ Tuấn Nghi - Tảo Trang, đặc biệt chú giải về chữ “hạo nhiên” là chỉ cái chí lớn hướng về điều Thiện của con người. Cũng xin lưu ý: Hán Việt tự điển của Thiều Chửu khi dịch “hạo nhiên” dùng chữ khí chính đại, tức ngay thẳng, lớn lao (xin liên hệ với chữ “phương chính” trong thơ văn của Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu). Tuy nhiên, do sự nghiên cứu về hội Hướng Thiện lúc đó chưa có, lại quá lệ thuộc vào điển cố “thiên trụ” là chỉ cái cột chống trời trong sách thần thoại Thần dị kinh, câu dịch của hai vị túc Nho đã sai ngữ pháp và cả luật đối (“cột trời” đối với “núi”, “nhờ đó” - với “nổi danh” đều không chỉnh), khiến ý khẳng định vai trò của chí khí lớn lao hướng Thiện không được rõ ràng. Ở đây chỗ mạnh của các cụ (am hiểu điển tích, điển cố) vô tình trở thành nhược điểm (lệ thuộc, phản xạ tức thì). Trong bài đăng tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 7 tháng 9 - 10 / 2001, và bài đăng Tạp chí Hán Nôm, số 6 (61) - 2003, chúng tôi đã trình bày rõ những cái “ý tại ngôn ngoại” của câu đối này (mối quan hệ đồng chí hướng chí thiết của tác giả Tiến sĩ Lê Duy Trung với Hội trưởng Hướng Thiện Vũ Tông Phan, sự liên quan về thời điểm sáng tác và ý tứ của câu đối [1844] với văn bia Ngọc Sơn đế quân từ ký [1843]), cũng đã phân tích cặn kẽ hai câu trong vế đối từ góc độ văn bản học (bởi vậy xin không lặp lại ở đây) và đã diễn giải lại câu đối này như sau:
Núi nổi danh không phải vì cao, nước linh thiêng chẳng phải vì sâu mà bởi [thiên nhiên] tự nó có chủ;
[Tuy nhiên] trời trụ* vững cũng nhờ sự tôn kính, đất giữ được cũng nhờ có tạo lập - đều là do chí lớn hướng Thiện [của người].
* Xin lưu ý chữ trụ viết có bộ mộc các từ điển cũ không chỉ cho nghĩa sự vật (cái cột) mà còn cho nghĩa hành động (chống, trụ vững); chữ lại có nghìa: cậy nhờ, ỷ lại.
 
Nếu nói về khía cạnh các Nho gia trong hội Hướng Thiện tiếp thu một số nguyên lý của Đạo giáo nguyên thủy vào tư tưởng văn hóa - giáo dục của mình làm chủ trương tàng khí, tu thân để rồi làm những việc có ích cho mọi người thì đó chính là yêu cầu hài hòa ý chí chủ quan của con người với quy luật của tự nhiên, thể hiện rất rõ trong bài văn bia Ngọc Sơn đế quân từ ký và câu đối trên đây. Tuy nhiên, họ cũng phê phán sự thần bí, mê tín dị đoan cùng tục cầu cúng, bói toán của Đạo giáo đời sau. Trên đây chúng tôi đã chỉ rõ Nguyễn Văn Siêu phê phán sự đồng nhất thần Văn Xương - ngôi sao chủ về văn chương khoa cử với thánh Tử Đồng đế quân trên cung Văn Xương giữ sổ tước lộc ở nhân gian, sinh ra cái tệ cầu cúng. Xin trích dẫn thêm câu ông viết về thần nói chung: “Người xưa có câu: “Thần dựa vào người”. Nếu bỏ người mà chỉ tin thần thì đó là việc làm của bọn ngu”[xxv]. Liên quan chủ trương chống mê tín dị đoan có câu đối soạn từ năm 1856 cũng của Tiến sĩ Lê Duy Trung (năm 2001 chúng tôi cũng là người công bố niên đại và danh tính tác giả). Câu đối này treo ở nơi ngày nay (như trên đã nói, từ sau 1956) thờ Trần Hưng Đạo, xưa kia là điện thờ Quan Thánh đế quân nên thường đông người đến cầu cúng, bói toán. Câu đối đó như sau:
Thiên hà ngôn tai? Hiển đạo phi quan ngã bốc
Thần nhất giả dã, âm chất chỉ tại trung kinh
 
Câu này đã có nhiều cách dịch khác nhau, nhưng có một điều là các câu dịch đều theo cách hiểu của Tuấn Nghi và Tảo Trang về chữ “trung kinh” nghĩa là bộ sách Trung kinh do Mã Dung đời Hán soạn. Cách hiểu này có lý ở chỗ chữ “trung” viết có bộ “tâm và trước Trung kinh đã có Hiếu kinh. Chúng tôi băn khoăn ở chỗ nếu “Trung kinh” là tên sách thì đối không chỉnh với “ngã bốc” (việc ta bói toán) mà câu đối lại do một vị tiến sĩ Nho học thơ văn nổi tiếng, từng được bậc đại Nho như Phạm Quý Thích đặt trên cả Thần Siêu. Nhưng chữ “kinhngoài nghĩa “kinh sách”, từ điển Hán Việt của Thiều Chửu còn cho những nghĩa như: cái đạo thường, đạo đức (trong đó đạo là con đường!); về đường sá thì Nam Bắc gọi là kinh, Đông Tây gọi là . Căn cứ việc Nguyễn Văn Siêu phê phán quyết liệt tệ mê tín dị đoan và Lê Duy Trung ca ngợi vai trò của chí lớn hướng Thiện mà trời đất cũng phải dựa vào (lại, nghĩa là: cậy nhờ, ỷ lại), chúng tôi đã đề xuất một cách hiểu phù hợp với tư tưởng văn hóa - giáo dục của những người sáng lập đền Ngọc Sơn nhằm khuyền khích mọi người tàng khí, tu thân, rồi để hành phương tiện:
Trời nào có nói gì đâu? Đạo hiển đạt chẳng liên quan việc ta bói
Thần trước sau nhất quán, [nên] phúc lành chỉ ở con đường trung thực.
 
Căn cứ thực tế cho cách giải mã trên là những sự việc diễn ra trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi nhóm sĩ phu này sáng lập Văn hội (1832) với Văn chỉ Thọ Xương (1836), hội Hướng Thiện (1836?) với đền Ngọc Sơn (1841) như nhất loạt mở các tư thục dạy học, tổ chức khắc in sách ở đền Ngọc Sơn (đến năm 1966, qua bao biến thiên từ sau năm 1945, trong kho của Đền vãn còn đến 1146 ván khắc), đều đặn tiến hành các buổi giảng kinh khuyến Thiện của chư vị thần thánh, mới đầu là của Trung Hoa, sau là của thần thánh Việt tộc, viết văn bia cổ vũ việc trùng tu những cơ sở truyền thống của văn hóa cô truyền như đền, chùa, từ đường dòng họ… Chúng tôi từng có bài riêng giải mã một số thơ văn chữ Hán của Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý … liên quan những “chủ trương” văn hóa - giáo dục của họ ở các ngôi trường tư thục họ mở ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các phường thôn lân cận, thường mang chữđình” như Hồ đình, Phương đình,Chí đình, Liên đình, Ái Liên đình …mà họ lấy làm đề tài ngâm vịnh, với bài xướng của Tiến sĩ Vũ Tông Phan láy đi láy lại chữ “chính” (trong: chân chính, chính nhân, chính tà…) và bài họa có lời nguyện của Nguyễn Văn Siêu: Cố tri viên thị trí   Nguyện thủ phương vi hình.  Bạn đọc quan tâm xin tham khảo thêm bài viết đó[xxvi].
 
Qua việc giải mã thơ văn chữ Hán có thể kết luận rằng đền Ngọc Sơn của hội Hướng Thiện quả đã thực hiện thành công sứ mệnh một trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội trong thế kỷ XIX chính là nhờ những “chủ trương” văn hóa - giáo dục tiến bộ, mang tính nhân văn cao, định hướng vào việc phát huy các truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Không ngẫu nhiên từ các đền chùa địa phương người ta về đây “thỉnh kinh”, tức xin bản gốc đem về khắc in lại. Các hoạt động văn hóa - giáo dục hướng Thiện và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ấy, khi tình thế biến chuyển đã giúp Ngọc Sơn nhanh chóng chuyển từ “tàng” để “hành phương tiện” sang hành thực sự, tức tham gia các Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục[xxvii].
Nếu đặt vấn đề: Hà Nội có những gì đóng góp vào tư tưởng văn hóa 1000 năm Thăng Long thì đền Ngọc Sơn với những “chủ trương” văn hóa - giáo dục và hoạt động cụ thể của mình trong lĩnh vực này là một đóng góp nổi bật và độc đáo. Nên chăng lúc này, đã cận ngày kỷ niệm 120 năm sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh và trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trả lại cho Thiện đàn gian bị chiếm dụng vì những mục đích vụ lợi, phi văn hóa để Thiện đàn được treo lại biển xưa, triển lãm những hoạt động văn hóa - giáo dục của hội Hướng Thiện và Đông Kinh nghĩa thục, gắn biển đồng di tích lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm đàn Thiện Ngọc Sơn”, như ý kiến mới đây của một trong hai vị “Bộ trưởng Cụ Hồ” còn tại thế[xxviii].
 
 
 
Tài liệu tham khảo


[1] Thực ra còn mấy biển gỗ sơn son viết đầy chữ Hán thếp vàng treo trên cao sát mái, nhưng chưa ai có điều kiện tiếp cận. Chúng tôi chỉ mới xác định được đó là những bài thơ giáng bút của các thần thánh Việt Nam, lạc khoản ghi niên đại Thành Thái Quý Mão (1903), cùng năm lập Hoằng Thiện kinh đàn.
[2] Trong bài viết này, để bạn đọc dễ dàng nhận diện và phán xét những câu văn bia và câu đối chúng tôi giải mã và dịch lại có đánh dấu*; những câu không có dấu ấy, đều trích từ bản dịch của hai cụ Tuấn Nghi & Tảo Trang hoặc của các dịch giả TTVBHN - 1978. - VTK
[3] Không kể những cách dịch chỉ thay đổi ít nhiều câu dịch của TTVBHN - 1978 mà chúng tôi đã dẫn nguyên văn ở trên, gần đây tác giả Trần Văn Đạt đưa ra một cách dịch khác đáng chú ý, : “Cảnh non nước gió trăng giúp nhiều cho người làm điều thiện, đâu chỉ dành riêng ai” (Trần Văn Đạt, xem chú XVI cuối bài, tr. 199). Trước đó 6 năm, năm 2001, trong “Vũ Tông Phan: Tuyển tập thơ văn. - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr. ” chúng tôi cũng đã đưa ra cách dịch khác với TTVBHN - 1978: “… giúp cho người lấy Thiện tu thân được nhiều*. Vậy xin dẫn cả ra đây để bạn đọc tiện xem xét.


[i] Vũ Đình Hòe: Người trí thức … - Báo Sài Gòn giải phóng, số Xuân Canh Ngọ 1990 và báo Nhân Dân ngày 22 - 8 - 1990; in lại trong: Vũ Đình Hoè - Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh. - NXB Văn hoá Thông tin & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 134.
[ii] Vũ Thế Khôi - Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn. - Nxb Văn học , Hà Nội 1995, tr.42.
[iii] Sơn Tùng: (bài viết về gia đình Hồ Chủ tịch). - An ninh thủ đô, số Xuân Tân Mùi 1991.
[iv] Vũ Thế Khôi: Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn. - Tạp chí Xưa & Nay, số 80, tháng 10 - 2000.
[v] Lê Cường - Đức Thánh Trần trong tâm thức Chủ tịch Hồ Chí Minh. - Tạp chí Xưa & Nay, số 79, tháng 9 / 2000, tr. 7.
[vi] Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục cuối năm 1945 - đầu năm 1946 (Tham luận tại Hội thảo khoa học - thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 08 - 10 - 2003). - a. Tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), các sô 21 / 2003 và 1+2 / 2004; b. Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004; giản lược: c. Báo Giáo dục và Thời đại, số 139, ngày 20 - 11 - 2003; d. Tạp chí Xưa & Nay, số 223, tháng 11 - 2004.
[vii] Vũ Thế Khôi: Chuyện thật như đùa trong đền Ngọc Sơn. - Báo Tiền Phong, số 79, 1 - 7 - 2000.
[viii] Phương Đình tùy bút lục. PGS Trần Lê Sáng dịch. - NXB Hà Nội - 1996, tr. 198.
[ix] G. Dumoutier: Les pagodes de Hanoi. - Ha Noi, Imprimerie-Typographique F.-H. Schneider, 1887, p. 13 - 24.
[x] Nguyễn Khắc Viện: Đạo và đời. – NXB Khoa học xã hội, 2007, các tr. 23, 31, 37, 38.
[xi] Nguyễn Khắc Viện, sđd, tr. 51, 53.
[xii] Vũ Đình Hoè: Pháp quyền Nhân Nghĩa Hồ Chí Minh. – nxb Văn hoá - Thông tin & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr.323.
[xiii] Phạm Đức Huân : Tháp bút Đài Nghiên Đình Trấn Ba. Lời nhắn của người xưa. - nxb Văn hóa - Thông tin, 2006, tr. 10 - 12 và 18 - 21.
[xiv] Hanoi pendant la période héroique (1883 - 1888). - Paris, Librairie Orientaliste Paul Geuthner, 1929 ; bản dịch tiếng Việt “Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888”. - nxb Hải Phòng, tr. 125.  
[xv] Trần Văn Đạt : Hoành phi - Câu đối - Chữ Hán đền Ngọc Sơn. - nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội -2007, tr. 27 - 28.
[xvi] Phạm Đức Huân, sđd, tr. tiêu đề thứ 3 và tr. 25 - 26.
[xvii] Tuấn Nghi & Tảo Trang: Câu đối, hoành phi và đề tự bằng chữ Hán ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội. - Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm 1991, tr. 69 - 80.
[xviii] Vũ Thế Khôi : Câu đối đền Ngọc Sơn, một di sản văn hóa quý giá. - Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 7, tháng 9 - 10 / 2001, tr. 20 - 24.
[xix] Tuyển tập văn bia Hà Nội. - Hà Nội 1978, T.II, bài số 49, tr. 68 - 70.
[xx] Xin tham khảo: Lao Tử & Trịnh Lê (chủ biên)- Từ điển bách khoa Nho - Phật - Đạo. - Biên dịch: Trương Đình Nguyên v.v..., nhà xuất bản Văn học - 2001, tr. ; Đoàn Trung Còn - Phật học từ điển. - nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, Tập II, tr. 672 - 673.
[xxi] Tuyển tập văn bia Hà Nội, sđd, Tập II, tr. 71.
[xxii] Vũ Thế Khôi: a) Câu đối đền Ngọc Sơn …, tlđd; b) Câu đối đền Ngọc Sơn, vài vấn đề địa chí và dịch thuật. - Tạp chí Hán Nôm, số 6 (61) - 2003, tr. 54 - 62.
[xxiii] Vũ Thế Khôi: a. Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long. - Tạp chí Xưa & Nay, số 30, tháng 8 - 1996; b. Vũ Tông Phan với văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Vũ Thế Khôi chủ biên. – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 233 - 242.
[xxiv] Nguyễn Văn Siêu, sđd, tr. 141.
[xxv] Nguyễn Văn Siêu, sđd, tr. 177.
[xxvi] Vũ Thế Khôi: Trào lưu tư tưởng giáo dục phi chính thống của sĩ phu Hà Nội thời Nguyễn. - Tạp chí Xưa & Nay, số 319, tháng 11 - 2008, tr. 4 - 8.
[xxvii] Vũ Thế Khôi: Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn – một cội nguồn văn hoá - xã hội sâu xa của phong trào Duy Tân - Đông Kinh Nghĩa Thục. (Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế ở Provence (CH Pháp) “Vietnam – le moment moderniste (1905 - 1908)”), toàn văn - xem: http://htx.dongtak.net; từ khoá Vũ Thế Khôi; tóm lược - xem: Xưa & Nay, số 283, tháng 5 - 2007, tr. 10 - 12; bản tiếng Pháp: Vietnam, le moment moderniste. Sous la direction de Gilles de Gantés et Nguyen Phuong Ngoc. - Publication de l’ Université de Provence, 1009, p. 93 - 115.
[xxviii] Kiều Mai Sơn: Cụ Vũ Đình Hòe, cựu Bộ trưởng Tư pháp kể chuyện về luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại phiên tòa xét xử ông Cố vấn Vĩnh Thụy. - Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số ra ngày 10 - 10 - 2009.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513389

Hôm nay

2175

Hôm qua

2315

Tuần này

21326

Tháng này

220262

Tháng qua

121356

Tất cả

114513389