Kể về tần suất giao tiếp, tôi không dám tự nhận mình là người thân của ông hay của gia đình ông, dù rằng tôi biết ông cũng đã từ lâu và lần gặp nào cũng ít nhiều thành ấn tượng, thành kỷ niệm.
Kể về tần suất giao tiếp, tôi không dám tự nhận mình là người thân của ông hay của gia đình ông, dù rằng tôi biết ông cũng đã từ lâu và lần gặp nào cũng ít nhiều thành ấn tượng, thành kỷ niệm.
Vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng loạt biến cố gấp gáp và trái chiều diễn ra tuy với xu thế chung là tiến tới ngày thống nhất, thì trong các biểu hiện của đời sống tinh thần xã hội, văn học (cả sáng tác lẫn “lý luận”) đóng vai trò đặc biệt quan trọng và nổi bật. Những sinh viên văn Tổng hợp thuộc hàng “có máu mặt” lúc bấy giờ tuy đang “trên ghế nhà trường” vẫn đã tự tạo và giúp nhau tạo dựng những mối liên hệ mật thiết với những người cầm bút đã thành danh, đặc biệt là những cây bút có liên hệ trực tiếp với chiến trường. Thời điểm đó chưa có chuyện “bung ra” về “tư tưởng”, chưa ai cố đánh giá ai rốt ráo điều gì theo tinh thần duy lý, mọi phán xét chủ yếu đến từ ấn tượng. Có thể nói Hoàng Ngọc Hiến trước năm 1975 với cánh “sinh viên tinh vi” chúng tôi chủ yếu là người có chuyên sâu về một tác giả “gai góc” (là Maiacôvxki) và chính ông cũng tỏ ra dường là người có cá tính mạnh. Vậy thôi.
Nguyễn Trường Phước, học trước tôi đúng một khóa Đại học, bấy giờ mới “xuất kho”, còn rất “quyến” trường và khoa, là một trong những “ông anh” thân mến mà chúng tôi tự hào được chơi cùng, là người giới thiệu, đúng hơn, “chỉ trỏ”, cho chúng tôi ở sân Thư viện Quốc gia: “Đấy đấy, cái ông đó là Hoàng Ngọc Hiến”. Đỗ Minh Tuấn hầu như ngay sau lúc ấy, bạo dạn làm quen, còn tôi thì chưa dám, lặng lẽ “lùi ba xá”, hóng chuyện họ từ một khoảng cách không quá xa…
Ở lại trường Tổng hợp làm cán bộ giảng dạy vào thời điểm sau ngày đất nước thống nhất, tôi nỗ lực tự tách mình ra khỏi những chuyện được mất hàng ngày, “lặn” sâu vào cái biển vấn đề tự mình đặt ra, tự mình nâng lên đặt xuống, càng ngày càng theo hướng “thực thể học - Việt học”, cũng vì vậy mà tuy bản tính vẫn ham giao du, lắm người quen, tôi ít có dịp gặp lại ông.
Sau một số bài viết gây ngỡ ngàng trên báo Văn Nghệ cuối những năm 70, Hoàng Ngọc Hiến mới trở thành một tên tuổi tạo ra sự chú ý đặc biệt. Ông thực sự đã thành danh và cũng chịu nhiều hệ lụy cắc cớ. Không ai hữu danh mà chỉ gặp toàn chuyện ngọt ngào vui vẻ, huống hồ ở cái xứ mấy nghìn năm sống với tâm thế đời thường hàng ngày là co vào khoảng giữa mới có được sự an toàn thì người nỗ lực tự hiển thị tên tuổi càng dễ dàng trở thành miếng mồi cho mọi sự đàm tiếu, thị phi. Gặp lại ông sau khi ông đã phải mấy tao lên bờ xuống ruộng, tôi nhẩn nha chia sẻ với ông dăm ba câu đích thực “tự đáy lòng”. Dường như đột ngột, tôi trở nên thân thiết với ông. Chính xác hơn, tôi được ông coi là “người bạn tri kỷ vong niên” - ông đáng tuổi chú tôi mà về thế thứ học đường, tôi thuộc hàng học trò dù ông không trực tiếp dạy tôi - là từ đó, từ đầu những năm 80.
Nhưng cả một đoạn đời khá dài tiếp theo, ông với tôi vẫn chủ yếu “đường ai nấy đi”, bởi tôi còn phải tiếp tục một quy trình “tự đào tạo và được đào tạo tiếp tục”, còn ông thì loay hoay với cái “văn hiệu” của mình. Sau hơn một chục năm dường như không có liên hệ gì, khoảng cuối năm 1995 ông mới lại “mở lời”, qua điện thoại, bằng những câu chất vấn, thắc mắc sau khi ông đọc cuốn sách “đầu lòng” của tôi (“ Loại hình học tác giả văn học – Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam”). Ông khen cuốn sách một hồi, rồi chuyển sang “phản vấn”.Thắc mắc chính của ông là: sao lại xếp Kim Trọng vào đội ngũ nhân vật nhà nho tài tử tiêu biểu, bởi theo ông, nhân vật này chỉ “đáng” là loại “đẹp giai con nhà giàu học giỏi”. Giọng ông khi nói về Kim Trọng rõ ra là dè bỉu. Tôi hiểu rằng ông khó ưa những ai được coi hay tự coi là “ngoại hạng” nhưng vẫn còn tự “đánh lẫn” mình vào đám đông, dù là đám đông lớp trên. Bất ngờ và hào hứng, tôi hẹn với ông một cuộc gặp. Rồi từ bấy, chúng tôi gặp gỡ thường xuyên hơn, mỗi lần gặp cũng đa sự hơn.Ưu tiên bậc “tôn trưởng”, tôi thường lui tới nhà ông để ông đỡ di chuyển nhọc nhằn.
Rồi có những hôm, nhỡ hẹn không gặp ông, tôi nhẩn nha trò chuyện với bà Nga vợ ông, người ngay từ đầu đã yêu cầu tôi chỉ được gọi là chị. Chị Nga theo cảm nhận của tôi cũng là một dạng “quý bà đặc biệt” – theo nghĩa tích cực và thiện cảm. Đủ thân tình, nên năm ngoái, trong lễ mừng thọ Hoàng Ngọc Hiến 80 tuổi, tôi mới táo gan “tung ra” cái nhận xét mà anh Trần Nhương và một số người có vui vẻ chia sẻ, rằng đó là người yêu chồng rất mực bằng cách giữ độc quyền “nói xấu” về chồng mình! Tôi thực lòng yêu quý cả hai, những người mà tôi tự nhủ mình rằng đó là những ông anh bà chị lớn.
Có một sự vô duyên: Hoàng Ngọc Hiến và tôi không ít lần dự định những công việc làm chung, vậy mà rốt cuộc, không một việc nào đã được triển khai thực hiện. Mươi năm trở lại đây, tính chất công việc của ông và tôi xích gần lại nhau, vậy mà điều vừa đề cập vẫn nguyên là một sự tiếc nuối.
Tôi vốn yêu quý ai thì càng xoi mói kỹ càng thêm về người đó. Cách xử sự này vốn bắt nguồn từ một lời khuyên – dạy chí tình của thầy Hoàng Như Mai thời tôi còn là một trẻ “hoa niên”: yêu ai thì phải “tỉnh sát”, ghét ai thì cách tốt nhất là “trừu tượng hóa” họ đi! Đối với Hoàng Ngọc Hiến và một số người trong gia đình ông, không ít khi tôi sử dụng ngôn từ mang sắc màu … báng bổ.
Giờ thì…
Ai “sắp xếp vị trí” cho ai thế nào mặc họ, với tôi, Hoàng Ngọc Hiến xứng đáng hiện hữu trong giới tinh hoa khi ông tại thế, thì rời chúng ta dĩ nhiên ông về cõi thiêng!
Chắc chắn ông chỉ mong điều tốt lành cho những người ở lại.
Lao động cân não căng thẳng đến những ngày cuối đời, ông xứng đáng được coi là một đại lượng dương khổng lồ, cho dẫu là một số thành đang đòi hỏi một sự tiếp tục!
Dẫu dằn lòng tự an ủi rằng tuổi ông cũng đã cao, nhưng khi nghe tin dữ, tôi cũng không khỏi thảng thốt. Gia dĩ, chị Nga cũng đang bệnh…
Xin mượn những lời này chia sẻ với thân quyến của người vừa nằm xuống.
(Viết trước ngày tiễn đưa Hoàng Ngọc Hiến) 27/1/2011)
2178
2424
21717
215736
121356
114508863