Nhà thơ Hoàng Cầm, một trong những sáng lập viên của báo Nhân văn kể lại rằng, đúng là ban đầu các ông đó nghĩ đến một số người khác. Trước hết là Văn Cao, nhạc sĩ nổi tiếng, đồng thời là nhà thơ và họa sĩ tài hoa. Nhưng Văn Cao là đảng viên, mà theo quy định lúc bấy giờ, đảng viên không được đứng ra làm báo ngoài. Muốn mời Trần Dần, cây bút văn, thơ mới nổi trong quân đội. Nhưng Trần Dần vừa phải chịu một việc oan ức, khiến ông phải tự cứa cổ kêu oan, nên mọi người chuyển hướng sang Lê Đạt, nhà thơ trẻ cũng có viết cả văn xuôi. Song cũng như Văn Cao, Lê Đạt là đảng viên, nghĩa là cũng thuộc trường hợp “bất khả kháng”. Tình cờ sau đó Hoàng Cầm có gặp họa sĩ Trần Duy đang ngồi uống cà phê ở nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo. Trước đấy ít lâu họ vừa qua một lớp học tập chính trị kéo dài 18 ngày, với chủ đề “Những tài liệu của Mác, Lênin, Staline nói về vấn đề văn nghệ”. Trong đợt học tập, anh em nảy sinh rất nhiều ý kiến thắc mắc về văn học nghệ thuật mà không được giải đáp. (Chính vì thế mà những người chủ trương mới quyết định ra tờ báo Nhân văn để nêu những vấn đề này.) Tại lớp học, Hoàng Cầm đã biết Trần Duy là họa sĩ tập kết từ trong Nam ra, và là người có học, thông minh, nhanh nhẹn. Những ý kiến thắc mắc của người họa sĩ này cho thấy ông là người có óc phê phán và có tư tưởng thoáng đạt. Nhà thơ Hoàng Cầm nảy ra ý định mời Trần Duy làm Thư ký tòa soạn báo Nhân văn và rất mừng được ông nhận lời. Là người tâm huyết, có trách nhiệm với công việc đã nhận, trong thời gian mấy tháng làm báo Nhân văn (ra được tổng cộng 5 số, từ số 1, 20-9 đến số 5, tháng 11-1956), họa sĩ Trần Duy hầu như chỉ vẽ cho báo, đồng thời cũng viết ít nhất một bài trên số 4, góp một tiếng nói về vấn đề tự do dân chủ. Sau khi ra số 5, tờ báo bị ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa, không cho ra tiếp dù số 6 đã được chuẩn bị... Sự việc này mở đầu cho một chuỗi sự kiện mà ta vẫn quen gọi là “vụ Nhân văn Giai phẩm”. Các văn nghệ sĩ và những người có liên quan đều phải chịu những áp lực rất lớn từ những người có thẩm quyền và cả của quần chúng đã được “hướng dẫn dư luận”. Họa sĩ Trần Duy cũng không là ngoại lệ. Chẳng hạn, ngày 13-12-1956 ông bị một vị lãnh đạo văn nghệ phê là “khuynh hướng địch”, trong một liên danh với Nguyễn Hữu Đang. Một ngày sau, tên ông bị dính trong một vụ xì căng đan, khi có một nhóm người quá khích động về chuyện Nhân văn, xông vào định đánh nhà quay phim Trần Thịnh đang tác nghiệp ở Hồ Tây. Ra là họ nhầm người đó là Trần Duy (do trùng họ?). Anh em điện ảnh phải ra ngăn, khẳng định đó không phải Trần Duy, họ mới thôi (theo Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, tập 3, trang 177-180)....
Đó hơn năm mươi năm kể từ những ngày đó. Cuối năm 2008, khi đó ở tuổi 88, họa sĩ Trần Duy sẽ có cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Lao động về nhiều sự việc, trong đó có chuyện Nhân văn Giai phẩm. Song về bản thân mình, ông chỉ nói, “sau Nhân văn, tôi bị hẫng một thời gian”. Cũng may, ông được Xunhasaba đặt vẽ bưu thiếp trên lụa. Đồng thời cũng để ông ký gửi tranh ở đó; ông vẽ khá “năng suất”, chừng 2, 3 tranh một tuần, nhưng không ký tên trên các bức tranh gửi bán... Trở lại kỷ niệm những ngày làm báo Nhân văn, ông cho biết chỉ vẽ cho báo, nhưng không vắng mặt trong các đợt triển lãm như "Triển lãm đấu tranh thống nhất đất nước", "ủng hộ độc lập Algérie". Họa sĩ khẳng định: “Tôi vẽ chính trị, minh họa đề tài đấu tranh chính trị, để có sự hiện diện của mình trong cuộc đấu tranh cùng đất nước, dân tộc” (Lao động Cuối tuần, 28-12-2008)…
Họa sĩ Trần Duy sinh năm 1920 trong một gia đình Hoàng phái ở đất đế đô Huế. Năm 1940, ở tuổi hai mươi, ông ra Hà Nội học trường Mỹ thuật Đông Dương rồi tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến gian khổ, không có bút vẽ, các ông phải lấy cây giang đập giập để làm bút. (Cây giang dai, mềm, đập giập có thể dùng để vẽ được.) Có một bức ông vẽ bằng bút cây giang đó được giải thưởng văn hóa 1957-58. Trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, ông là người có nhiều bức xúc, hay có những thắc mắc, và như trên đã nói, đã phải chịu không ít hệ lụy. Nhưng ông vẫn cố gắng tồn tại và tồn tại được bằng nghệ thuật. Thời kỳ đầu, ông hay vẽ lụa, đơn giản vì đó là chất liệu “kiếm cơm” của ông (bưu thiếp Xunhasaba đặt vẽ là loại bưu thiếp lụa). Nhưng lụa có hạn chế là lâu ngày bị mốc, không để vĩnh viễn được. Ông đã nghĩ ra được cách chống mốc cho những bức tranh lụa của mình. Theo ông, kỹ thuật cũng như chất liệu không phải là quan trọng, sơn mài hay lụa chỉ là phương tiện để vẽ thôi..., như ông đã trả lời phỏng vấn trên số báo Lao động nói trên. Ông cũng ông không theo một phong cách hội họa đặc biệt nào. Có chăng chỉ là tìm lối vẽ của riêng mình, với cái gốc đào tạo châu Âu kết hợp với con mắt nghệ thuật hướng về Nhật Bản.
Sau đổi mới, họa sĩ có cuộc sống dễ chịu hơn và cũng gặt hái được nhiều thành quả hơn. Ông đã có hai cuộc triển lãm hội họa cá nhân (1994 và 2005) cùng bốn cuốn sách được xuất bản, tất nhiên đều về nghệ thuật...
Chắc chắn còn rất nhiều điều để nói về người họa sĩ tài hoa mà cũng lắm truân chuyên này. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn trở lại lời bộc bạch của ông đó trích dẫn ở trên, về cái thời đầy sóng gió trong cuộc đời ông – thời kỳ Nhân văn Giai phẩm. Khi đó, theo như lời ông, “Tôi vẽ chính trị, minh họa đề tài đấu tranh chính trị, để có sự hiện diện của mình trong cuộc đấu tranh cùng đất nước, dân tộc”.
Trong gia đình tôi – tôi là con nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – có lưu giữ hai tập sách thời bấy giờ: Phấn đấu cho thống nhất, tập 1 và 2, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1956. Hai tập sách tập hợp những cây bút có tên tuổi với những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa nói lên khát vọng thống nhất đất nước của mình từ Tố Hữu, Nguyên Hồng,, nGuyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Phan Huỳnh Điểu đến Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Trần Đình Thọ... Nếu như ở tập 1, chưa có sự hiện diện của họa sĩ Trần Duy, thì đến tập 2, ông là người thực hiện toàn bộ phần mỹ thuật của cuốn sách, từ vẽ bìa, minh họa, đến phụ bản chân dung Hồ Chủ tịch được in rất trang trọng ở đầu sách. Bức tranh bìa thể hiện một công trường xây dựng cầu trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có thể phần nào mang hơi hướng những bức tranh hừng hực khí thế của Liên Xô thời kỳ công nghiệp hóa đất nước những năm 30 của thế kỷ trước. Nhưng ở bức chân dung Hồ Chủ tịch, ta có thể thấy rõ chất dân tộc, đặc biệt là tấm lòng thiết tha của người vẽ đối với vị lãnh tụ. Xin được giới thiệu hai bức vẽ này của họa sĩ như một cách bày tỏ sự trân trọng của kẻ hậu sinh đối với một họa sĩ lớp trước mang trong mình khụng ít chứng tích của một thời Nhân văn Giai phẩm.