Những góc nhìn Văn hoá

Sự trải nghiệm và tích hợp các yếu tố văn hóa vùng miền và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Du

1. Nguyễn Du (1765 - 1820) - một trong số không nhiều những hiện tượng hội đủ mọi điều kiện cả tài và tâm để thỏa mãn danh xưng thi hào, người nghệ sĩ lớn của mọi thời đại. Và cũng chính vì thế mà, ngoài áp lực của bối cảnh phức tạp, điên đảo thời đại ông, như một tất yếu, ông phải chấp nhận bi kịch: bi kịch của sự cô đơn, thiếu tri kỷ, không ai hiểu nổi mình, bi kịch do mâu thuẫn giữa thực tiễn của thế nhân và cảm quan người nghệ sĩ...

Dường như người nghệ sĩ thiên tài nào, cũng vậy, dù ở thời đại nào, trời sinh ra thế biết là tại đâu, cũng không tránh khỏi bi kịch! Sinh thời, ông thường nói nhiều đến Tài và Tâm, lại còn nhấn mạnh Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài (ở trường hợp riêng ông, Tài là tài nghệ thuật - nghệ thuật khám phá đến tận cùng “cõi người”; Tâm - lòng thương cảm sâu sắc tới mọi kiếp người), bi kịch càng có cơ sở để sinh thành, tồn tại...

Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du bằng cả chữ Hán và chữ Nôm cho thấy có một sự thống nhất cao trong cảm quan nghệ thuật của một nghệ sĩ xuất chúng: cái nhìn “trông thấu cả sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”(2). Nói đến Nguyễn Du là nói đến con người trải nghiệm, nếm trải, thấm lắm mọi lẽ đời, mọi biến thiên, dâu bể:

                                    Trải qua một cuộc bể dâu

                                    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...

                                                                        (Truyện Kiều)

                                    Bách niên đa thiểu thương tâm sự

                                    Cận nhật Trường An đại dĩ phi

                                    (Trăm năm bao chuyện thương tâm

                                    Trường An giờ đã muôn lần đổi thay)

                                                (Giang Đình hữu cảm - Thanh Hiên thi tập)

Có thể thấy, trong rất nhiều tiền đề góp phần thành tạo cảm quan nghệ thuật ấy của Nguyễn Du, sự trải nghiệm và tích hợp các yếu tố văn hóa vùng, miền đóng vai trò hết sức quan trọng. Đến lượt, chính cảm quan nghệ thuật ấy khiến ông càng bao quát thấu đáo các yếu tố văn hóa vùng, miền, để rồi tích hợp, làm chúng sống dậy thành hình tượng, biểu tượng, gây ám ảnh khôn nguôi trong lòng người, không chỉ trong Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, mà còn cả trong thơ chữ Hán(Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục).

Ngẫm hay muôn sự tại trời, một cách nói thôi, nhưng theo cách nói này thì, một mặt “trời đày” (chữ dùng của Tản Đà), bắt Nguyễn Du phải trải đời, thấm mọi nỗi đau của kiếp người, nhưng mặt khác, trời lại ban cho ông cái khả năng “đa văn, quảng kiến”, hiểu đời, uyên thâm về học vấn, phong phú về vốn sống, vốn văn hoá... Sự trải nghiệm và tích hợp các thứ vốn ấy của ông thể hiện ở cả hai bộ phận sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm ngoài những điểm gặp gỡ, thống nhất, còn có những nét riêng đặc sắc do hình thức ngôn bản và thể loại ở từng bộ phận quy định. Bài viết này chỉ tập trung khảo sát, làm rõ vấn đề được nêu ở thơ chữ Hán của ông.

 

2. Trong số những nhà thơ “song ngữ” (sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm) kiệt xuất Việt Nam thời trung đại, Nguyễn Du là một đỉnh cao chói lọi. Theo dõi sáng tác của các nhà thơ “song ngữ” kiệt xuất này (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến), thấy một thực tế: so với thơ Nôm, trong thơ chữ Hán, họ tự vẽ chân dung mình rõ hơn, cụ thể và xác định hơn. Dấu ấn văn hóa vùng miền với những tên đất, tên người cụ thể... cũng vậy. Có thể gọi thơ chữ Hán của họ (kể cả thơ chữ Hán của các tác giả chỉ có viết bằng chữ Hán như Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Văn Siêu, Đặng Huy Trứ, Trần Bích San, Nguyễn Qung Bích, v.v...) là một kiểu thơ nhật ký / nhật ký thơ. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của loại hình thơ trung đại, đặc biệt là thơ chữ Hán. So với các nhà thơ “thuần Nôm” (tiêu biểu như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương), ở các nhà thơ “song ngữ”, thơ chữ Hán là hình thức thích hợp hơn cho phong cách trữ tình hướng nội, “ghi chép” (nhật ký) những “tâm”, “tình”, “sự”, “cảnh”... mà họ trải nghiệm qua từng thời khắc trên mọi bước đường(3). Với trường hợp Nguyễn Du, các sáng tác bằng chữ Nôm, nhất là Truyện KiềuVăn tế thập loại chúng sinh thuộc những thể loại hoàn toàn khác với thể loại trong thơ chữ Hán (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ...) cũng của chính ông, những thể loại (truyện thơ, văn tế) khó cho phép biểu hiện đặc điểm trên, nên thơ chữ Hán xét về phương diện này càng có ý nghĩa. Tuy nhiên do viết bằng chữ Hán, những biểu hiện của dấu ấn văn hoá địa phương (vùng/ miền) và sắc tộc trên phương diện ngôn ngữ sẽ bị hạn chế. Nó chủ yếu được biểu hiện trên phương diện nội dung.

Một mặt, không khó để nhận diện các yếu tố, sắc thái văn hóa vùng miền (kể cả ở một số vùng trên đất Trung Hoa) trong sáng tác Nguyễn Du. Nhưng mặt khác, có thể thấy các yếu tố, sắc thái văn hóa vùng miền ấy không bị “địa phương hóa” mà “vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”, trở thành biểu trưng, thành tiếng nói chung cho mọi miền mọi vùng, thậm chí “chung cho cả loài người”. Đây là một trong những điểm cơ bản khiến Nguyễn Du khác với nhiều nghệ sĩ khác (khác chứ không thay thế và cũng không trùm lấp lên ai). Thật thú vị khi cùng một quê hương (đồng hương), cùng một thời đại (đồng thời), có hai nhà thơ lớn Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ, đồng hương, đồng thời nhưng lại rất dị biệt về phong cách, về sự tích hợp các yếu tố văn hoá vùng miền...

 

3. Qua thơ chữ Hán, có thể lần theo dấu chân Nguyễn Du qua nhiều vùng, miền của đất nước: Thăng Long, Sơn Tây, Thái Bình, Hải Hưng, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Xuân..., rồi ngược trở ra tận tới Trấn Nam Quan, ải Chi Lăng, Lạng Sơn; và vượt qua biên giới Việt Trung, đến Yên Kinh - Bắc Kinh (Trung Quốc). Có biết bao nhiêu địa danh với những nét riêng của văn hóa vùng miền đi vào thơ ông (dĩ nhiên đã được thanh lọc qua cảm quan của ông).

Đấy là Kinh thành Thăng LongBắc Hà nói chung với những Long thành (Trường An), Giám hồ, Tây hồ..., Tản lĩnh, Tam Điệp sơn (đèo Ba Dội), Sài Sơn (núi Thầy), Lô giang, Lục Đầu giang, Thanh Quyết giang (một khúc của sông Đáy), La Phù giang, Đồng Lung giang, Cẩm La giang,Phú Nông giang,Vị Hoàng giang....; Là xứ Lạng với Đoàn thành (tỉnh thành Lạng Sơn), Vọng phu thạch, Nhị Thanh động, Qủy Môn quan,... Đấy là xứ Nghệ - quê hương thi hào với những Hồng Lĩnh, Lam giang, La thành, Hoan Châu, Yến đảo (hòn Én), Giang Đình...; Là xứ Quảng, xứ Huế với những Cổ lũy (lũy Thầy), Nễ giang (sông Roòn), Linh giang (sông Gianh), Nhật Lệ giang, Nông giang, Hương giang..., Lệ giang thành (thành Quảng Bình), Giang thành (thành Đông Hải bên sông Nhật Lệ), Đế thành đông (thành Huế), Lục tháp thành (thành Quy Nhơn)..., Ngự Bình san (núi Ngự Bình), Thiên Thai sơn (một ngọn núi ở Huế), Hải Vân quan (đèo Hải Vân), v.v...
xứ người (Trung Hoa) với những núi, sông, thành, hồ (Hoa sơn, Cửu Nghi sơn, Ninh Minh giang, Tam giang, Tương giang, Hoàng hà, Thái Bình thành, Dâm Đàm); những miếu, đền, đình, bia, tượng (Mã Phục Ba miếu, Tam liệt miếu, Đế Nghiêu miếu, Mạnh tử từ, Kê thị trung từ, Tương Sơn tự, Tô Tần đình, Liêm Pha bi, Tần Cối tượng, Vương thị tượng...); những lầu, đài (Nhạc Dương lâu, Hoàng Hạc lâu, Đồng Tước đài, Kê Khang cầm đài, Quản Trọng tam quy đài); và đặc biệt là mộ (Bùi Tấn công mộ, Tỷ Can mộ, Lưu Linh mộ, Sở Bá vương mộ, Liễu Hạ Huệ mộ, Nhạc Vũ Mục mộ, Kỳ lân mộ, Thất thập nhị nghi trủng (Bảy mươi hai ngôi mộ giả), v.v...
Có biết bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu dấu tích, phế tích lịch sử, văn hoá Trung Hoa ở cả hai chiều hướng đáng tôn vinh và phỉ nhổ lọt vào tầm kiểm soát của Nguyễn Du. Ông đi nhiều, thấy nhiều và cũng nghe nhiều. Thấy, không chỉ thấy những núi, sông, thành, hồ, những miếu, đền, đình, bia, tượng, những lầu, đài, những mộ..., mà còn thấy rõ những số phận đau khổ, từ người tài sắc như Dương Quý Phi, chỉ vì cả triều đình như phỗng đứng mà nghìn năm cứ đổ tội oan cho sắc đẹp nghiêng thành của nàng (Tự thị cử triều không lập trượng/ Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành),... đến những kẻ dường như bị vứt ra ngoài rìa xã hội (một mẹ cùng ba con, lê la bên đường nọ) mà bài Sở kiến hành đã nói một cách hết sức thấm thía. Không chỉ thấy những điều “sở kiến” mà còn thấy cả những điều “bất kiến”, thấy cả cõi dương, cõi âm, thấy cả hồn Khuất Nguyên... (và nếu theo quan niệm luân hồi của Phật giáo về sáu cõi: cõi trời, cõi người, cõi tu la (thần đạo), cõi súc sinh, cõi quỷ, cõi địa ngục, ứng vào cái nhìn của Nguyễn Du, cũng có cơ sở).
Nghe, Nguyễn Du cũng đã nghe đủ mọi thanh âm, tục âm của cuộc đời. Điều đáng chú ý ở đây là, trên đất Trung Hoa, nhiều lần ông nghe và thấm tiếng đàn tỳ bà, nghe điệu đàn cầm của Kê Khang (Quảng lăng điệu), nghe những điệu buồn (thanh thương điệu)..., nghe và cảm được tiếng hát du dương, réo rắt của người hát rong tội nghiệp, khổ nhục ở Thái Bình phục vụ bao kẻ no say thừa mứa. Tiếng hát ấy khơi lên trong ông bao mối thương tâm: “Tôi trông thấy mà thương xót/ Người ta thà chết còn hơn nghèo/ Thường nghe nói đất Trung Hoa ai cũng no ấm/ (không ngờ) Trung Hoa cũng có người như thế ấy (Nguyên văn chữ Hán: Ngã sạ kiến chi, bi thả tân/ Phàm nhân nguyệt tử bất nguyện bần/ Chỉ đạo Trung Hoa tẫn ôn bảo/ Trung Hoa diệc hữu như thử nhân... - Thái Bình mại ca giả)...                      
Qua cảm quan của Nguyễn Du với tinh thần chủ đạo là “trông thấu cả sáu cõi”, nghĩ tới mọi kiếp người, những hiện tượng được ông nói đến vừa mang ý nghĩa thực, khắc dấu của lịch sử, văn hoá vùng đó, vừa vượt lên, mang ý nghĩa đại diện, biểu trưng... Biểu trưng cho văn hoá vùng miền theo cái nhìn của Nguyễn Du cơ bản vẫn là là sơn - thuỷ (Tản Lĩnh - Lô giang tượng trưng cho Bắc Hà, Hồng Lĩnh - Lam giang tượng trưng cho xứ Nghệ, Ngự Bình - Hương giang tượng trưng cho xứ Huế,...), trong đó, Hồng Lĩnh - Lam giang là miền in dấu sâu đậm nhất trong sáng tác của ông. Biểu trưng cho văn hoá xứ phồn hoa là thành (Long thành, La thành, Lệ giang thành, Lục Tháp thành, Thái Bình thành (Trung Hoa)..., trong đó Long thành (kinh thành Thăng Long) là nơi được nói đến nhiều nhất với tư cách là chứng tích của những “thương hải tang điền”, đổi khác xưa/ nay, tang thương, tàn tạ...
           
4. Có thể nói đến một thứ văn hoá Hồng - Lam biểu hiện sinh động nhất cho văn hoá sơn thuỷ, văn hoá xứ Nghệ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Hồng-Lam (hay Lam-Hồng) là khái niệm xuất hiện nhiều nhất, cứ trở đi trở lại như một ám ảnh không thôi. Có ít nhất, 65 lần Nguyễn Du tha thiết gọi, hoặc là tên kép: Lam thuỷ-Hồng sơn, Hồng Lĩnh-Lam giang, Hồng Lĩnh-Quế giang, hoặc là một trong hai biểu hiện của sơn/thuỷ Hồng-Lam: Hồng sơn, Thiên Thai sơn, Thiên Nhận sơn, Hoành Sơn, Phượng Hoàng sơn../ Lam giang, Lam thuỷ, Lam hà, Thanh Long giang, Long Vĩ giang....
Hồng - Lam ấy là quê nhà (cố hương, gia hương, hương tâm, hương tình), là xứ sở với nhiều biểu hiện đặc thù, biểu trưng chân thực và sống động cho văn hoá một vùng quê sơn thuỷ: nhà tranh, cửa tre, áo tơi, nón rách (nguyên chữ dùng của Nguyễn Du là thảo ốc, sài môn, đoản sa, tàn lạp), nghèo, nhưng thật đẹp và giàu chính khí...   
Hồng-Lam (hay Lam-Hồng) trong bao quát của Nguyễn Du, trước hết là đẹp, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật: Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng (Sông Lam núi Hồng đẹp vô cùng - Phúc Thực Đình), Lam thủy Hồng sơn túc vịnh ngâm (Sông Lam núi Hồng đủ để ngâm vịnh - Tặng Thực Đình)... Văn hoá Hồng-Lam là văn hoá sơn - thuỷ với những tên núi, tên sông cùng chung một chính khí (Bách lý Hồng sơn chính khí đồng). Dưới chân núi Hồng dài hàng trăm dặm ấy là sông Lam sâu thẳm, Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm (Quế giang - khúc sông Lam gần làng Tiên Điền). Núi Hồng soi bóng xuống sông Lam, gắn với sông Lam vừa là hình ảnh thực vừa là một biểu trưng độc đáo cho thiên nhiên và văn hoá xứ Nghệ:
                        Hồng sơn nhất sắc lâm binh cừ
                        Thanh lịch khả vi hàn sĩ cư
                        Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch
                        Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư...
                                                                        (Tạp thi, bài II)                      
                        (Núi Hồng một màu soi bóng xuống làn nước phẳng
                        Nơi thanh tú tĩnh mịch này, kẻ hàn sĩ có thể ở được
                        Mây trắng từ nghìn dặm đến, bay trên giường chiếu
                        Trăng sáng soi qua cửa sổ, chiếu vào cặp sách túi đàn)...
Trong cảm nhận chung, Nguyễn Du luôn luôn gắn núi Hồng với sông Lam. Tuy nhiên, ông vẫn có thể dừng lâu trước từng đối tượng để xác định nét đặc thù của nó như cách ông tự xưng khi là Hồng Sơn liệp bộ (phường săn núi Hồng) khi là Nam Hải điếu đồ (nhà chài bể Nam).
Với núi Hồng, nhờ có một thời gian về quê, trong tư cách là một kẻ Hồng Sơn liệp bộ (phường săn núi Hồng), Nguyễn Du càng có dịp phát hiện và cảm nhận sâu sắc hơn nét riêng của đất, người và con nơi đây. Núi, ngoài vẻ đẹp thanh tú, tĩnh mịch, hùng vĩ, cùng chung một chính khí, còn có bao nhiêu điều thú vị khác. Núi Hồng thuở ấy thiêng lắm. Ở đây có nhiều loài con. Đêm tối sói, hổ hoành hành (dạ hắc sài hổ kiêu); cáo vàng béo đẫy, cáo trắng kiêu căng (Hoàng hồ phì mãn bạch hồ kiêu), Con xạ hương ngủ bãi cỏ non, hương thơm còn đượm ướt/ Chó săn chạy băng qua núi không còn nghe rõ tiếng sủa (Xạ miên thiển thảo hương do thấp/ Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn); Núi phía nam lắm nai hương, huyết thơm thịt lại béo (Nam sơn đa hương my, huyết nhục cam thả phì); Chó tốt, lông vàng đốm trắng (Tuấn khuyển hoàng bạch mao)... Tuy nhiên, Nguyễn Du - nhà nhân đạo lớn, lại rất thấm đạo lý từ bi (thương yêu mọi loài) của Phật giáo, đi săn với ông là “cốt thư thái tâm tình chứ không cốt săn bắn cho được” (lời Nguyễn Du)...
Hồng Lam, nhìn từ phương diện là một “thiên nhiên thứ nhất”, tức thiên nhiên khi chưa có bàn tay con người chạm tới, còn là một thiên nhiên hết sức hung dữ, luôn đe doạ cuộc sống con người. NếuNúi Hồng nhiều hổ báo, đêm tối sói hổ hoành hành (dạ hắc sài hổ kiêu), thì Sông Lam lại lắm thuồng luồng (Lam thuỷ đa giao ly). Đây là vùng phải chịu nhiều lũ lụt, hạn hán. Lam giang về mùa lũ càng trở nên nguy hiểm: Sáng sớm ngắm sông Lam /Mùa thu nước sông lớn /Cá giải đùa bãi gò /Ngựa trâu lạc bờ bến /Bờ lở sấm vang ầm /Sóng xô quỷ lạ hiện /Nguy hiểm nản lòng người /Sụt lở ý trời khiến /Ta trông đầu sông Lam /Tấc lòng thường áy náy /Không may lỡ sẩy chân /Chìm lỉm sâu tận đáy... (Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch). Nhìn dòng sông sâu về mùa lũ mà ông càng lo âu cho số phận con người trước hiểm hoạ của thiên nhiên, người trước ào ào đi, người sau ùn ùn tới (Khứ giả hào thao thao/ Lai giả thượng vị dĩ). Không thể để như vậy mãi (Ná đắc trường như thi)! Làm sao đẩy được dãy núi Thiên Nhẫn lấp bằng năm trăm dặm đoạn sông nguy hiểm này (Nghĩ khu Thiên Nhận sơn / Điền bình ngũ bách lý)?...      
Dấu ấn của lịch sử và văn hoá truyền thống hãy còn đây, trên những thành, làng, đền, đình... dẫu phải chịu bao nhiêu lớp bụi của thời gian:La thành, Ninh công thành, Càn Hải từ (đền Cờn), Giang Đình,... Nguyễn Du từng viếng người ca nữ đất La thành (Điếu La thành ca giả). Cái nhìn của Nguyễn Du về La thành (tỉnh thành Nghệ An nay là thành phố Vinh) rất gần với cái nhìn về Long thành (thành Thăng Long) trong bài Long thành cầm giả ca, cái nhìn thương cảm sâu sắc đối với những kẻ tài hoa bạc mệnh: Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh ? (Thiên hạ, ai người thương kẻ bạc mệnh?)... Tuy nhiên điều cần nói ở đây là bài thơ làm sống lại La thành một thuở với nhiều tên gọi khác nhau:
                        Nhất chi nùng diễn há bồng doanh
                        Xuân sắc yên nhiên động lục thành
                        (Cành hoa đẹp thắm từ cõi tiên xuống
                        Sắc đẹp uyển chuyển làm rung động sáu thành)
Lục thành (sáu thành)? - La thành có nhiều tên gọi: Lam thành, Triều khẩn thành, Nghệ An thành, Nghĩa liệt thành; tục truyền Trương Phụ đắp ở chỗ bến Phù Thạch nơi La giang và Lam giang gặp nhau, đời Lê trấn ty đã bỏ dời Phù Thạch mà lập ở xã Yên Trường tức Vinh bây giờ, bên sông Dũng Quyết, nhưng các ty vẫn ở Phù Thạch đến hết đời Lê (Theo Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr.128). Còn Ninh công thành? - Thành ông Ninh, thành do Trịnh Ninh, trấn thủ Nghệ An cho xây trên núi Quyết, bên sông Lam, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt của quân ông Ninh (Bắc Hà) chống lại quân Nam Hà. Nơi đây, chuyện cũ anh hùng vẫn còn như bức hoạ nơi bến sông (Anh hùng vãng sự quải giang tân)...
Giang Đình qua cái nhìn của Nguyễn Du càng trở nên là điểm hội tụ của văn hoá tôn vinh người tài một thời (lễ “vinh quy” đón rước trọng thể người làng đỗ đạt hoặc làm quan to về hưu trí). Giang Đình nguyên nghĩa là cái đình bên bờ sông Lam, gần làng Tiên Điền. Làng Tiên Điền có bến Giang Đình - một trong tám cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân. Tại đây, năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm xin về hưu, được thăng Tư đồ. Chúa Trịnh cho ba chiếc thuyền hải mã đưa về làng, nhưng tháng 3 năm sau lại vời ra làm Tể tướng. Năm Giáp Ngọ (1774) làm Tả tướng quân đi đánh Đàng Trong, bị cảm bệnh, về nhà mất, năm 1775 (Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tr.93). Giang Đình hữu cảm, bài thơ, sáu câu đầu là những hồi ức bùi ngùi nhớ người xưa (thân phụ Nguyễn Du) khi cáo lão về hưu/ Tại bến sông này, xe bồ ngựa tứ, vinh hạnh biết bao nhiêu/ Đoàn thuyền xô nước như rồng thần đấu nhau/ Chiếc tàn quý phấp phới trên không như chim hạc báo điềm lành bay/Từ khi bóng áo xiêm không thấy nữa/ Trông làn khói trên ngọn cỏ ở hai bờ sông mà khôn xiết bùi ngùi! Hai câu kết là những khái quát mang tính tư tưởng, triết lý sâu rộng về những biến thiên, thay đổi. Cuộc đời trăm năm có biết bao nhiêu chuyện thương tâm, vàng son một thuở đâu còn, cũng như sự đổi khác quá lớn của Trường An gần đây vậy: 
                                    Bách niên đa thiểu thương tâm sự
                                    Cận nhật Trường An dĩ đại phi
Văn hoá Hồng Lam nhìn ở phương diện cuộc sống, sinh hoạt của con người được Nguyễn Du “định dạng”, “định tính”, tuy bằng tiếng nói của tư duy hình ảnh thi ca (chữ Hán) nhưng hết sức xác thực, sinh động với những mái tranh nghèo, cửa tre, áo tơi, nón rách, giếng nước...           
Xuất thân từ một gia đình đại quý tộc, sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long, nhưng gốc gác vẫn là Hà Tĩnh, lại qua bao phen dâu bể, trải nghiệm nhiều, Nguyễn Du rất thấu hiểu cái đói, cái nghèo của người dân quê mình. Hai lần ông miêu tả cái đói của đàn con mình ở quê nhà (Quê nhà hạn hán hại hoa màu/ Mười đứa con thơ xanh tựa rau (Ngẫu hứng IV); Mười miệng đói kêu ngoài cõi Bắc (Ngẫu đề) - Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch) đủ để nói hết cái đói cái nghèo của đời sống dân đất Hồng Lam.
Đấy là cái ăn. Còn ở? - Nguyễn Du cho biết, ông từng sống trong ngôi nhà tranh (thảo ốc) đầu sông Long Vĩ (Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian), “Thần ôn thường vào nhà muốn bắt vía người / Chuột đói leo lên giường gặm sách vở của ta” (Lệ thần nhập thất thôn nhân phách/ Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư... Ngoạ bệnh I); “Buổi sáng lạnh, soi gương thấy mình gầy và già đi / Đêm thanh vắng cửa tre đóng kín, nằm rên rỉ” (Minh Kính hiểu hàn khai lão sấu/ Sài phi dạ tĩnh bế thân ngâm...- Ngoạ bệnh II)... Cũng có khi mưa gió phải nằm trong chiếc thuyền côi (Phong vũ tác cô chu). Nhà thơ từng sống giang hồ với áo tơi nón lá hơn mười năm nay (Giang hồ soa lạp thập niên kim), từng trong cảnhgiữa gió thu với chiếc nón rách long đong (Tàn lạp tẩu thu phong)... Nơi ở, nhà ở là vậy, nhưng vẫn đầy chất thơ, bởi vẫn có những đàn cò trắng bên bãi Long Vĩ (Long Vĩ châu biên đa bạch âu), có trăng sáng chiếu giếng xưa (Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh), có mây trắng từ nghìn dặm đến bay trên giường chiếu (Thiên lý bạch vân sinh kỷ tịch, Tạp thi II)... 
 “Thập loại chúng sinh” dĩ nhiên vẫn là đối tượng mà Nguyễn Du luôn quan tâm, chia xẻ, thương cảm. Cuộc sống (ăn, ở, mặc, sinh hoạt) của “chúng sinh” Hồng Lam cũng nhiều lần đi vào thơ ông. Ông thương lắm “Người dân chài nằm gối áo tơi trong chiếc thuyền lẻ loi dưới ánh trăng (Đoản sa ngư chẩm cô chu nguyệt), “Người tiều phu núi Hồng hái củi buổi chiều (Khả tích Hồng sơn thuộc vãn tiều); hiếm lắm mới có vài phút nhàn tâm thấy cảnh “Vị sư già ngủ ngon trong mây núi Hồng/ Cò trắng nằm yên trên bãi cát ấm” (Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân/ Phù âu tĩnh túc noãn sa tân)... Và đây, một xóm núi (Sơn thôn): Giữa muôn ngọn núi xa cách gió bụi/ Mây chiều che kín những cánh cửa tre đó đây/ Áo mũ các cụ già vẫn theo kiểu đời Hán cũ/ Năm tháng ở trong núi khác với đời Tần/ Buổi chiều mục đồng gõ sừng trâu giữa đồng hoang/ Ngày xuân cô gái kéo gàu múc nướcgiếng ngọc... (Nguyên văn chữ Hán:Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần/ Thác lạc sài môn bế mộ vân/ Trưởng giả y quan do thị Hán/ Sơn trung giáp tý quýnh phi Tần/ Mục nhi giác chuỷ hoang giao mộ/ Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân/...)...
Ăn: đói. Mặc: rét. Ở: nhà tranh vách đất. Nhưng tất cả qua cảm quan của Nguyễn Du không hề nhếch nhác, thậm chí vẫn thanh lịch, đẹp. Có thể nói Nguyễn Du là người trong tình huống nào cũng hết sức tinh tế, lịch lãm. Nếu không có những trải nghiệm và tích hợp văn hoá nhiều vùng miền, đặc biệt là xứ Bắc Hà mà trung tâm là văn hoá Thăng Long, có lẽ cũng khó mà có được cái nhìn như thế!
Hồng Lĩnh - Lam giang với Nguyễn Du vẫn là miền nhớ, miền thương với nhiều day dứt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà, cùng với cách gọi Hồng Lĩnh, Lam giang, hai tiếng quê nhà (nguyên văn: gia hương, cố hương, hương tình, hương tâm) xuất hiện nhiều lần trong thơ ông đến như vậy (28 lần): Vọng vọng gia hương tự nhật biên (Đứng trông ngóng quê nhà tựa như ở bên mặt trời), Thập niên dĩ thất hoàn hương lộ/ Ná đắc gia hương nhập mộng tần (Mười năm nay quên đường về làng cũ/ Làm sao quê hương thường vào được trong giấc mộng), Cố hương dĩ cách vạn trùng san (quê hương đã cách muôn trùng núi non), Quan toả hương tình vị phóng quy (Cột chặt mối tình quê chưa thả cho về), Thiên lý hương tâm dạ cộng trường (Lòng nhớ quê hương ngàn dặm, đêm cũng dài dằng dặc)...
Cả ba tập thơ cho thấy dầu đi đâu, ở đâu, Nguyễn Du cũng luôn luôn nhớ về Hồng Lĩnh, nhớ anh em ở quê nhà, dầu đó là nơi u tịch (U cư), trong núi (Sơn cư mạn hứng), hay ở xứ phồn hoa (Thăng Long I); dầu là ở Thái Bình (Quỳnh Hải nguyên tiêu), Sơn Tây (Đồng Lư thượng dao kiến Sài sơn), Ninh Bình (Thanh Quyết giang vãn diểu), Lạng sơn (Lạng sơn đạo trung), hay Quảng Bình (Thuỷ Liên đạo trung, Tân thu ngẫu hứng, Giản công Bộ Thiêm sự Trần, Nễ giang khẩu hương vọng)... Nỗi nhớ Hồng Lĩnh quê nhà càng da diết hơn khi ở trên đất Trung Hoa - “xứ người”, dầu khi đi trên sông Minh giang (Minh giang chu phát), hay sông Tam giang (Tam giang khẩu đường dạ bạc); dầu trên đương đi Nhiếp Khẩu (Nhiếp Khẩu đạo trung), hay khi lên lầu (Đăng Nhạc Dương lâu); dầu ở Quảng Tây (Chu hành tức sự), hay Hán Dương (Hán Dương vãn diểu), ở thành Thái Bình (Thái Bình thành hạ văn xuy địch), hay Hà Nam (Ngẫu hứng)... Đến miền nào vùng nào, cũng nhớ quê hương, luôn trong tư thái hồi thủ (nghoảnh lại, nhìn lại):
                                    Hồi thủ Lam giang phố
                                    Nhàn tâm tạ bạch âu
                                    (Nghoảnh đầu về bế sông Lam
                                    Muốn nhàn tâm phải phụ đàn chim âu)
                                                                                    (Thu chí)
                                    Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ
                                    Bạch vân nam hạ bất thăng đa
                                    (Muôn dặm nhớ quê đầu nghoảnh lại
                                    Mây trắng về Nam lớp lớp bay)
                                                                                    (Ngẫu hứng),...
Hồng Lam, quê nhà luôn luôn được đặt trong mối liên hệ với các vùng miền khác (ngay trong một bài thơ), hoặc là ở bên cạnh, hoặc trong thế đối lập: Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên / Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán (Đêm nay ở Quỳnh Châu, ngoài muôn dặm thấy trăng tròn / Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác... Quỳnh Hải nguyên tiêu (Quỳnh Hải: chỉ Quỳnh Côi, Thái Bình, quê vợ nhà thơ); Hương giang nhất phiến nguyệt; Kim cổ hứa đa sầu.. / Hồi thủ Lam giang phố; Nhàn tâm tạ bạch âu (Sông Hương treo mảnh nguyệt/ Kim cổ mối sầu chung.../ Nhìn lại bến Lam nọ; Thua đàn âu thong dong - Thu chí); Hồng sơn sơn nguyệt nhất luân minh / Thiên lý Trường An thử dạ tình (Đêm này Ngàn Hống bóng trăng soi / Nghìn dặm Trường An một khúc nhôi - Vũ Tam Tập dịch)...Nhiều trường hợp Hồng Lĩnh (hay Lam giang) được đặt trong thế đối rất chỉnh với một vùng miền khác (kể cả ở những bài không thuộc thể thơ Đường luật):
                        Đoàn thành vân thạch tịch tương hậu
                        Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm dao
                        (Mây đá Đoàn thành chiều hôm như đợi nhau
                        Bầu bạn non Hồng càng ngày càng xa)...
                                                                        (Lạng thành đạo trung)
                        Điệp sơn đa hổ trĩ  
                        Lam thuỷ đa giao ly 
                        (Núi Tam Điệp nhiều hổ báo
                        Sông Lam lắm thuồng luồng
                                                                        (Ký mộng)...
Đặc biệt, mối liên hệ giữa Hồng Lam, quê nhà và kinh thành Thăng Long trong cảm quan Nguyễn Du hết sức đặc biệt. Từ điểm nhìn núi Hồng sông Lam, bến Giang Đình, “thấy” Trường An (Cận nhật Trường An đại dĩ phi), cảm thấu Thăng Long với biết bao xúc cảm, ngậm ngùi... Và ngược lại, từ điểm nhìn Thăng Long cũng “thấy” quê nhà với nỗi nhớ khôn nguôi:
                        Trường An khứ bất tức
                        Hương tứ tại thiên nha
                        (Đi Trường An mãi chưa về
                        Nhớ quê hương ở tận chân trời)
                                                            (Ký giang bắc huyền hư tử)
                        Hồng sơn sơn ngyệt nhất luân minh
                        Thiên lý Trường An thử dạ tình
                        (Đêm nay trên núi Hồng trăng tròn sáng vằng vặc
                        Ở Trường An nghìn dặm, tâm tình tôi thật ngao ngán)
                                                                        (Ký hữu),v.v...
           
5. Nét nổi bật, bền vững trong nhân cách và cảm quan của Nguyễn Du là cái tâm nghệ sĩ với sự tài hoa, hào mại, tinh tế. Truyền thống gia đình và văn hoá đất Hồng Lam, ngay từ trong gốc gác (Tổ tiên vốn quê gốc Nghi Xuân Hà Tĩnh - nơi rất trọng tình, quý người và là một trong những tổ quê ca trù và nhiều làn điệu dân ca xứ Nghệ độc đáo) chắc chắn góp phần quan trọng trong hun đúc, hình thành nhân cách, tâm hồn ấy. Nhưng nếu không có ảnh hưởng của văn hoá Bắc Hà, cũng từ trong gốc gác (quê mẹ xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh - tổ quê của dân ca Quan họ nổi tiếng), đặc biệt là môi sinh và môi trường đế đô - kinh thành Thăng Long - nơi Nguyễn Du sinh ra và lớn lên những năm tháng đầu đời trong một gia đình “cao khoa hiển hoạn”, liệu có được một Nguyễn Du với sự tài hoa, tinh tế, hào mại dường ấy? Sự tài hoa, tinh tế, hào mại trở nên không chỉ là đường nét mà còn như là phông, nền ổn định trong văn hoá ứng xử của ông.
Điều rất đáng chú ý là Nguyễn Du sinh ra và lớn lên những năm tháng đầu đời tại Thăng Long nhưng lại viết về Thăng Long sau khi ông đã xa nó, đã trải qua nhiều vùng miền khác nhau, khi đã thấm, đã rất hiểu đời... Chính vì vậy, chùm thơ về Thăng Long dẫu có mỏng nhưng vẫn là nơi tích hợp, lắng kết mọi nhận thức và thức nhận của ông về những gì đã nghe, đã thấy, đã trải. Căn cứ vào thơ chữ Hán của Nguyễn Du hiện có, thấy chỉ có 9 lần/249 bài thơ) ông nhắc đến Thăng Long: ba lần trong Thanh Hiên thi tập với tên gọi Trường Anlàm quan ở Huế, Quảng Bình và một số địa phương ở phía nam Hà Tĩnh) qua hình ảnh Tây hồ (bài Mộng đắc thái liên) và tên gọi Thăng Long thành (bài Ngẫu hứng V); bốn lần trong Bắc hành tạp lục viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc với các tên gọi Thăng Long(Thăng Long I, Thăng Long II), Long thành(Long thành cầm giả ca), phồn hoa (Phồn hoa nhân vật loạn lai phi - bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ). Tuy xuất hiện không nhiều nhưng Thăng Long ở đây, đặc biệt trong chùm thơ bốn bài ở Bắc hành tạp lục đã vươn lên tầm khái quát nghệ thuật với tính biểu tượng cao. Ta thấy gì về Thăng Long và sự tích hợp những nhận thức / thức nhận của Nguyễn Du ở mảng thơ này?. , ở các bài Giang Đình hữu cảm,Ký giang bắc Huyền Hư Tử (viết trong thời gian “dưới chân núi Hồng”, 1796 - 1802) và Ký hữu, (viết trong thời gian làm quan ở Bắc Hà, 1802 - 1804); hai lần trong Nam trung tạp ngâm (viết trong thời gian
Thăng Long hiện lên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du trước hết như một tia hồi quang của quá khứ, chỉ tồn tại trong hồi ức, giấc mơ. Điều này thường được báo trước bằng các chỉ dẫn “ức tích - nhớ xưa... (Ức tích ngô ông tạ lão thi..., “dư ức” - tôi nhớ...(Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến...), “mộng” - mơ thấy...(Mộng đắc thái liên)... Vì xuất hiện trong hoài niệm, liên tưởng, trong giấc mơ nên Thăng Long ở đây (ba lần trong Thanh Hiên thi tập và hai lần trong Nam trung tạp ngâm) không mang tính cụ thể, xác định, nó chỉ như một ảo ảnh hay một tia hồi quang của quá khứ. Ngay tên gọi của Thăng Long ở đây cũng chủ yếu là Trường An hoặc thể hiện qua một hình ảnh (Tây hồ). Thăng Long ấy là Trường An khứ bất tức (Đi Trường An mãi chưa về) - xuất phát điểm của một hành trình trải nghiệm với bao điều trông thấy... Thăng Long ấy là Trường An xưa, giờ không còn nữa, cũng mơ hồ như làn khói trên ngọn cỏ ở hai bên bờ sông, được cảm nhận qua hồi ức và liên tưởng từ bến Giang Đình - nơi in dấu một thời vàng son của văn hoá tôn vinh người đỗ đạt hoặc người có công với nước (Giang Đình hữu cảm). Thăng Long ấy là mặt gương Tây hồ với những cành sen bên trong có những sợi tơ bền, vấn vương không dứt được (Kỳ trung hữu chân ty/ Khiên liên bất khả đoạn); là gương mặt hồ Tây in bóng người đẹp, trẻ trung “xắn gọn quần cánh bướm/ Chèo thuyền con hái sen ... Hái, hái sen hồ Tây/ Hoa, gương bỏ lên thuyền (nguyên văn: Khẩn thúc giáp điệp quần/ Thái liên trạo tiểu đỉnh/... Thái thái Tây hồ liên/ Hoa, thục câu thướng thuyền...- Mộng đắc thái liên). Một giấc mơ thật đẹp và hiếm hoi của Nguyễn Du...           
Khác với Thăng Long thanh tú, vấn vương, mơ hồ, đẹp như một giấc mơ kia là một Thăng Long của dĩ vãng hoàng kim, thiên niên phú quý, giàu có về các giá trị văn hoá... với bao hoài niệm, xót xa, ngậm ngùi (Thăng Long trong chùm thơ bốn bài ở Bắc hành tạp lục). Thăng Long này cũng là Thăng Long của quá khứ nhưng được nhìn từ điểm nhìn hiện tại, nghĩa là trong sự đối sánh với một Thăng Long trong thực tại mà Nguyễn Du trực tiếp chứng kiến nhân chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Đấy là một Thăng Long cổ kính, hào hoa, là cố cung, là cựu đế kinh với những ngôi nhà đồ sộnghìn xưa(thiên niên cự thất),những giai nhân, mỹ nhân,những người bạn hào hiệp phong nhã (đồng du hiệp thiếu), Thăng Long - xứ sở của âm nhạc với những tiếng đàn tiếng sáo (quản huyền), đàn Nguyễn, khúc cung phụng (cung phụng khúc)...
Lại nữa, hoàn toàn đối lập với Thăng Long của dĩ vãng hoàng kim ấy là một Thăng Long trong thực tại, tàn tạ, tang thương. Dấu hiệu của sự tàn tạ, tang thương này được báo hiệu ngay từ khi Nguyễn Du còn cách xa Thăng Long nghìn dặm, qua hình ảnh “Một người kia thật đáng thương/ Áo rách, nón cời, sắc mặt đen sạm như tro.../ Tri thị Thăng Long thành lý lai, Biết đó là người từ thành Thăng Long mới về” (Ngẫu hứng V). Cận cảnh, càng thấy rõ một Thăng Long đã hoàn toàn đổi khác: Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa nay thành đường cái; Một dải thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ; Những cô gái xinh đẹp quen biết nay đều ẵm con; Những bạn hào hiệp lúc trẻ nay thành ông già (Thăng Long I); Đường sá dọc ngang lạc mất dấu vết cũ; Tiếng đàn sáo cũng đổi khác, xen lẫn âm thanh mới; Phú quý nghìn xưa vẫn làm cái mồi cho sự tranh đoạt; Bạn bè hồi tuổi trẻ, kẻ mất người còn... (Thăng Long II).
Hai bài (Thăng Long, nhị thủ) bổ sung cho nhau, tập trung miêu tả sự khác biệt, đối lập giữa xưa và nay của Thăng Long. Sức khái quát và ý nghĩa biểu trưng sâu xa của hình tượng là sự biến đổi, tang điền thương hải..., sự biến đổi đến kinh hoàng, con người không sao hiểu nổi. Rất đáng chú ý là điểm tựa và vị thế để Nguyễn Du bao quát, thẩm định những biến đổi kinh hoàng ấy là sự bền vững, bất biến của núi Tản sông Lô, là sự từng trải của bản thân nhà thơ (ở hai bài đều được xác định từ hai câu đầu):
                        Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng
                        Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
                        (Núi Tản sông Lô năm năm (đời đời) vẫn thế
                        Đầu bạc còn thấy được cảnh Thăng Long)
                                                                         (Thăng Long I)
Là sự soi chiếu của ánh trăng muôn thuở và chức năng đế đô lâu đời của Thăng Long:
                        Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thanh
                        Do thị Thăng Long cựu đế kinh
                        (Trăng sáng xưa soi chiếu ngôi thành mới
                        Đây vẫn là Thăng Long đô thành các triều vua trước)
                                                                        (Thăng Long II)
Cũng với ưu thế của sự từng trải, chiêm nghiệm ấy (thể hiện rõ ở hình ảnh mái đầu bạc của người quan sát), trong bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em), ngay từ đầu (hai câu đầu), Nguyễn Du đã xác định sự đổi khác của Thăng Long (Thăng Long ở đây được gọi là xứ phồn hoa):
                        Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
                        Huyền hạc quy lai kỷ cá tri
                        (Sau buổi loạn lạc, nhân vật nơi phồn hoa đã khác trước
                        Chim hạc đen trở về, có mấy ai biết)
Kiểu nhân vật chốn phồn hoa - người ca kỹ, Nguyễn Du đã từng gặp ở nhiều vùng, nhiều miền, và là loại nhân vật mang nhiều ký thác nhất của nhà thơ. Cái khác trước (lai phi) của nhân vật chốn phồn hoa ở đây cũng mang tính biểu trưng cao, biểu trưng cho sự biến đổi, khác xưa, tàn tạ... Trong cảm quan Nguyễn Du, sự đổi khác, tàn tạ, “bể dâu” bao giờ cũng là niềm day dứt, ngậm ngùi, mang ý nghĩa xã hội - thẩm mỹ và ý nghĩa triết lý sâu sắc...
Tất cả những biểu hiện trên của văn hoá Thăng Long cũng như sự trải nghiệm, tích hợp văn hoá các vùng miền của Nguyễn Du, tâm sự Nguyễn Du, cảm quan Nguyễn Du dường như được lắng kết, và được thể hiện một cách thật tài hoa ở Long thành cầm giả ca - một tác phẩm có thể nói đạt tầm kiệt tác. Bài thơ ngồn ngộn các sự kiện, thông tin, đầy ắp những nỗi niềm (lại còn có cả phần tiểu dẫn ở trước rất chi tiết của tác giả), Long thành cầm giả ca trở nên như một thế giới mà ở đó có biết bao nhiêu chứng tích của văn hoá, lịch sử, nghệ thuật... Cái hào hoa, cổ kính, thanh lịch, vô giá của Thăng Long với những Trường An, thành quách, hồ Giám, vũ nhạc, ba mươi sáu cung xuân, yến tiệc...; dấu ấn của văn hoá Bắc Hà, Nam Hà, Hồng Lam, Phú Xuân, Trung Hoa...; cơ nghiệp Tây Sơn và bao mối liên hệ của một thời giông bão, một phen thay đổi sơn hà, v.v..., tất cả đều được huy động, châu tuần chung quanh hình tượng trung tâm là cô Cầm với tiếng đàn dễ có một không hai, cuốn hút người nghe, đưa người nghe vào mê hồn trận của những thanh âm đủ gam, cung, sắc điệu; muôn màu:
                                    Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi
                                    Tiếng trong như hạc gọi xa xăm
                                    Mạnh như Tiến phúc sét gầm
                                    Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên...
                                                                        (Hoàng Tạo dịch)
Nhưng rồi tất cả đều đổi khác:
                                    Cuộc thương hải tang điền thấm thoắt
                                    Cõi nhân gian thành quách đổi dời
                                    Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi
                                    Mà làng ca vũ một người còn trơ !...
                        Ở phần kết, Nguyễn Du viết:
                                    Ngán trăm năm thì giờ chớp mắt
                                    Lệ thương tâm ướt vạt áo là
                                    Nam về, đầu bạc ngẫm ta
                                    Trách gì hương phấn bông hoa chẳng tàn
Cảm nhận về mọi biến đổi (thành quách, việc đời, việc người, cơ nghiệp Tây Sơn,...) kể cả sự biến đổi của bản thân mình - Nam Hà quy lai đầu tận bạch (Tôi từ Nam Hà trở lại, đầu bạc trắng hết) được Nguyễn Du nhóm gửi tập trung vào sự biến đổi theo hướng tàn tạ của nhan sắc giai nhân (cô Cầm) - người “cùng hội” với những nàng Tiểu Thanh, người ca nữ đất La thành (Vinh, Nghệ An), nàng Kiều,... và cả chính ông - những nhân vật chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá xứ phồn hoa, kinh thành... 
Có thể thấy, xuyên qua văn hoá sơn thuỷ - như là biểu trưng cho cái bền vững, có thể làm chỗ tựa, và văn hoá đô thành - như là biểu trưng, chứng tích cho cái biến đổi, khôn lường, điều mà Nguyễn Du khôn nguôi day dứt, muốn tìm cách hóa giải là kiếp phù du của nhân gian, của phận người trước bao phen dâu bể. Làm sao có thể thấu hiểu, thương cảm, xẻ chia? Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh ? - Thiên hạ, ai người thương kẻ bạc mệnh, nhất là với người tài sắc? Đây chính là cốt lõi trong nghiệm sinh, trong cảm quan của ông dẫu trải qua vùng nào, miền nào, xứ nào dưới gầm trời này. Không phải ngẫu nhiên mà đến đâu, Nguyễn Du cũng thường chú ý nhiều đến những mồ, những mả, những ngôi mộ, đặc biệt khóc thương cho những nấm mồ vô chủ, vắng tanh hương khói...                                                                                                                                                                                                                                                                                               Vinh, 15.10.2010
                                                                                                            ******************************************************************************
(1) Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, TP Hồ Chí Minh, 1978.
(2) Lời Mộng Liên Đường Chủ nhân, theo Nguyễn Du toàn tập, Nxb Văn học, TP Hồ Chí Minh, 1996.
(3) Xin xem thêm Biện Minh Điền, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513480

Hôm nay

2266

Hôm qua

2315

Tuần này

21417

Tháng này

220353

Tháng qua

121356

Tất cả

114513480