Những góc nhìn Văn hoá

Giải mã truyện Tây du (Kỳ 1)

 Hiền huynh LONG VÂN Phạm Văn Hoa

và hiền tỷ HUỲNH YẾN MAI Phạm Thị Vân

(môn sanh Chiếu Minh, Long Vân Đàn, Mỹ Tho, Tiền Giang)

ấn tống năm ngàn quyển. Kỉnh nguyện hồi hướng quốc thái dân an, đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương, vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.

Đôi Lời Tha Thiết

Quý vị vui lòng KHÔNG photocopy, KHÔNG mua bán bất kỳ kinh sách nào do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài thực hiện. Trân trọng kính mời Quý vị liên hệ với thánh thất Bàu Sen, hoặc các điểm phát hành của chúng tôi tại các tỉnh, thành, quận, huyện để thỉnh các ấn phẩm chánh thức (kính biếu).

Kinh sách được ấn tống để kính biếu rộng rãi là nhờ có biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp đạo tâm gần xa gởi gắm. Để không phụ lòng các bậc Mạnh Thường Quân ấy, xin Quý vị trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo. Chúng tôi chân thành biết ơn sự thấu hiểu, đồng cảm, và hợp tác chặt chẽ của Quý vị.

Ban Ấn Tống


Giao Cảm

Văn dĩ tải Đạo. Truyện Tây Du mượn chuyện thỉnh kinh, đấu phép, bắt yêu để chở chuyên đạo lý giải thoát của Thánh Hiền, Tiên Phật. Nói ngay như vậy là để lập tức xác định rằng siêu vượt lên cốt truyện đầy những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, truyện Tây Du vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy về đạo pháp.

Với một căn bản về Phật học và Lão học, nhất là Thiền học, khi đã gẫm suy, xét kỹ truyện Tây Du, người đọc sẽ có dịp khám phá ra mật ngữ hình nhi thượng (esoteric) được che giấu tài tình, nằm ẩn khuất khéo léo sau những chương hồi gay cấn, tưởng chừng như chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu giải trí của đại chúng mà thôi.

Thật vậy, với người đọc truyện Tây Du giữa hai hàng chữ, kỳ thư này sẽ dẫn dắt đi vào huyền nghĩa ẩn áo của đạo học phương Đông. Nói cách khác, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cần được một lần khơi mở, để thử khám phá.

Thoạt đầu, căn cứ theo bộ tiểu thuyết mười tập của các dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh (Nxb Văn Học, Hà Nội, in từ năm 1982 đến năm 1988), Giải Mã Truyện Tây Du hình thành và được đăng dần trên tập san Văn Hóa & Đời Sống (Nguyễn Quang Thọ thực hiện) từ tháng 9-1991 đến tháng 4-1992, tổng cộng gồm chín bài:  Đường Tăng! Anh Là Ai? ‚ Trăng Sao Cửa Động Đá Đầu Non; ƒ Ngọn Gió Trong Lò; „ Núi Cao Chi Mấy Núi Ơi! … Vạn Năm Chờ Quả Chín; † Bốn Biển Không Yên Cơn Lửa Trẻ; ‡ Sáu Bảy Mười Ba; ˆ Nẻo Về Bên Ấy; ‰ Nỗi Lòng Giấy Trắng.

Khi Giải Mã Truyện Tây Du xuất bản lần thứ Nhất (1993, 144 trang), trong Phụ Lục, sách được bổ sung ba bài:  Tâm Lập; ‚ Hư Thực Đôi Điều; ƒ Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký.

Không kể các bài điểm sách được in lại trong Dư Âm Giải Mã Truyện Tây Du, đến bản in lần thứ Nhì (1995, 228 trang), sách có thêm hai phụ lục khác:  Tây Du Ký Có Bài Lão Tôn Phật Không? ‚ Nói Chuyện Trư Bát Giới ([1])

Trong bản in lần thứ Ba (2000, 220 trang), ngoài một ít sửa chữa nhỏ, nội dung sách còn tiếp tục được bổ sung như sau:

- Bài Nỗi Lòng Giấy Trắng bổ sung lời giải huyền nghĩa vì sao ở chùa Lôi Âm, khi đòi Đường Tăng dâng lễ vật hai vị tôn giả A Nan và Ca Diếp lại bảo: “Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất.”

- Phần Phụ Lục bổ sung thêm hai bài:  Đường Tăng Thỉnh Kinh: Hư Cấu Và Lịch Sử; ‚ Hầu Vương Trong Tây Du Ký Được Hư Cấu Như Thế Nào?

Bản in năm 2010 này bổ sung thêm bài điểm sách Nhân Đọc Lại “Giải Mã Truyện Tây Du” của Trần Văn Chánh (2006). Trong một số bài tôi cũng có thêm đôi chút chi tiết.

Từ bản in lần đầu, tới nay cuốn sách đầu tay của tôi đã được tái bản nhiều lần, được chuyển sang sách nói (audio) do công lao rất đáng tán thán của cô Nguyễn Hướng Dương để phục vụ người khiếm thị (Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù, quận 3, thuộc Hội Phụ Nữ Từ Thiện Thành Phố). Sau đó, cả sách nói và sách điện tử (e-books) lại được bạn đọc tải lên nhiều trang web, blogs khác nhau.([2])

Khoảng vài năm nay, nhiều độc giả trong cộng đồng đạo Cao Đài vẫn bày tỏ mong muốn có một bản in mới. Tôi vì một lý do riêng, cứ trì hoãn. Tháng 6-2008, khi cùng các đồng đạo khởi xướng chương trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài và đặt cơ sở tại thánh thất Bàu Sen (quận 5), tôi lại được quý đạo hữu ân cần nhắc nhở hãy sớm tái bản.

Bấy lâu tôi thật sự quá đỗi cảm kích tấm lòng yêu mến mà bạn đọc và đồng đạo gần xa luôn dành cho cuốn sách đầu tay mỏng manh của tôi. Vâng, do cái duyên Giải Mã Truyện Tây Du đưa đẩy nên tôi hân hạnh biết thêm nhiều bạn hiền gần xa.

Ngoài niềm vui thầm với cuốn sách đầu tay này, thâm tâm tôi vẫn luôn mang nặng ơn phước sâu dày do Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ ban bố. Thật vậy, nếu không nhờ tư tưởng đạo học Cao Đài soi dẫn từ thuở đôi mươi, nếu không xuyên suốt được tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên và nếu thiếu chủ trương Vạn Giáo Nhất Lý của đạo Cao Đài làm kim chỉ nam, thì vào năm ba mươi sáu tuổi chắc gì tôi đã có thể ngập tràn cảm hứng mà viết xong Giải Mã Truyện Tây Du trong một thời gian khá ngắn như thế? Âu đó cũng là nhân duyên khiến người đạo Cao Đài dễ nhận thấy bàng bạc trong quyển sách này những hơi hướm rất Cao Đài, dẫu rằng cuốn sách không phải là một chuyên luận rặt ròng về đạo Cao Đài.

Với bản ấn tống năm Canh Dần này, tôi đặc biệt cảm tạ hiền huynh Long Vân Phạm Văn Hoa và hiền tỷ Huỳnh Yến Mai Phạm Thị Vân (môn sanh Chiếu Minh, Long Vân Đàn, Mỹ Tho, Tiền Giang). Hai vị cũng như quý môn sanh khác trong Long Vân Đàn thường xuyên đóng góp tài lực rất dồi dào, hết lòng ủng hộ mạnh mẽ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài suốt từ ngày ra mắt (06-6-2008) cho tới nay.

Tôi cũng xin bày tỏ lòng chân thành biết ơn tất cả quý vị Mạnh Thường Quân trong hai năm vừa qua đã không ngừng nhiệt tâm đóng góp tài lực ủng hộ quỹ ấn tống tại thánh thất Bàu Sen, liên tục góp công sức mang sách ấn tống đi biếu bổn đạo ở các họ đạo tận vùng sâu, vùng xa, chẳng quản nhọc nhằn. Tất cả đều một lòng tự nguyện chung tay phổ biến chánh pháp Kỳ Ba rộng khắp các tỉnh thành trên quê hương yêu dấu mà Đức Chí Tôn đã chọn.

Giờ đây tôi trân trọng kính đặt vào tay quý đạo hữu bản in mới Giải Mã Truyện Tây Du. Tôi không chỉ mong ước mang hiến quý bạn đọc hâm mộ truyện Tây Du niềm vui được thưởng thức và khám phá một danh tác văn học bất hủ đời Minh, đã trải qua hơn bốn trăm năm tuổi; mà hơn thế nữa, tôi còn tin tưởng quý bạn đọc sẽ cùng cảm nhận được giữa những trang sách phảng phất đạo vị này là mênh mang tình cảm trọng hậu mà lớp lớp đạo tâm, đạo hữu Mạnh Thường Quân trong cộng đồng Cao Đài cùng gởi gắm tấc lòng trong đó.

Phú Nhuận, tháng 6-2010

Mùa tu Thu Phân Canh Dần

Huệ Khải


([1]) Trong bản ấn tống 2010 này tôi không in Nói Chuyện Trư Bát Giới vì sẽ in lại bài này trong một hiệp tuyển khác, bàn về mười hai con giáp (tức là mười hai nhân vật độc đáo) trong Tây Du Ký.

 Bây Giờ Nhớ Lại

 

 

 

Giải Mã Truyện Tây Du phát hành vào tháng 4-1993, đến tháng 7 cùng năm thì tuyệt bản. Độc giả tiếp tục yêu cầu thêm, nhưng tôi muốn bản in lần thứ hai phải tốt hơn, sửa chữa một vài chi tiết về nội dung, bổ sung một số trang cho phong phú hơn, cải tiến thêm hình thức, gọi là trân trọng với lòng thành nhằm đáp lại tấm thịnh tình của bạn đọc khắp nơi đã ưu ái dành cho tác phẩm đầu tay này.
Không ngờ, trong lúc còn chờ thủ tục xuất bản cho hợp lệ, bản in lần đầu đã bị kéo lụa, bày bán với số lượng không ít trong khoảng hơn một năm trời. Phát hiện được cũng nhờ độc giả yêu mến mách giúp cho!
Trong bản in lần thứ Hai (Hà Nội: Nxb Văn Hóa 1995), về phần chữ Hán, tôi nhờ bào đệ Lê Anh Minh giúp tham khảo thêm bản Tây Du Ký, do Nhạc Lộc Thư Xã ấn hành tại Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc, 1987); Tiên Học Từ Điển, của Đái Nguyên Trường, Chân Thiện Mỹ Xuất Bản Xã, Đài Bắc (Đài Loan, 1970); Đạo Giáo Trường Sinh Thuật, của Hồng Phi Mô, Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã (Trung Quốc, 1992); Trung Quốc Đạo Học Thông Điển, Ngô Phong chủ biên, Nam Hải Xuất Bản Công Ty (Trung Quốc, 1994), và một vài sách chữ Hán khác.
Phụ bản minh họa có tăng thêm một ít, dựa theo bản Tây Du Ký bằng tranh của nhà xuất bản Mỹ Thuật Hà Bắc (Trung Quốc, 1988). Nhiều chỗ sơ sót của bản Giải Mã Truyện Tây Du in năm 1993 đã được sửa chữa rất kỹ.
Kỳ tái bản quyển sách đầu tay này, tôi không khỏi nhớ nghĩ nhiều đến một nhân duyên đã dẫn dắt tôi vào nghề cầm bút.
Tháng 6-1989, một bạn cũ từ thời sinh viên nhờ tôi về giúp xây dựng Ban Tu Thư - Xuất Bản cho Trung Tâm Cesais mới thành lập của Đại Học Kinh Tế. Qua giới thiệu của cháu gái bà Nguyễn Hiến Lê, tôi mời Trần Văn Chánh (Trần Khuyết Nghi) về làm tạp chí Phát Triển Kinh Tế của Trường, do Ban Tu Thư - Xuất Bản Cesais thực hiện.
Nhờ anh Chánh, cơ cấu ban đầu của Phát Triển Kinh Tế dần dần định hình. Không muốn bỏ nghề dạy học, khoảng năm tháng sau tôi rút khỏi Ban Tu Thư - Xuất Bản, chỉ còn thỉnh thoảng viết hay dịch bài cho tạp chí của Trường, góp vui cùng anh em.
Qua môi trường làm báo ở Cesais, tôi gặp Nguyễn Quang Thọ. Thoạt đầu, anh nhờ tôi dịch bài cho Kiến Thức Trẻ do anh phụ trách, ra mắt tháng 8-1990, thêm số nữa thì ấn phẩm này chết. Anh Thọ xoay sang làm Kiến Thức Phổ Thông, ra mắt tháng 12-1990, nhưng sau mấy số lại rút lui, chuyển qua Văn Hóa & Đời Sống, ra mắt tháng 3-1991.
Mãi đến lúc đó, thực sự tôi chưa viết gì nhiều cho anh Thọ, nhưng có gợi ý anh một ít đề tài về văn hóa Trung Quốc, như thư pháp, hội họa, con triện... và giới thiệu anh mời em tôi là Lê Anh Minh cộng tác mảng nghiên cứu này. Minh viết cho Kiến Thức Trẻ từ số đầu tiên, rồi Kiến Thức Phổ Thông, và Văn Hóa & Đời Sống. Rất đều đặn.
Qua những lần chuyện trò, Nguyễn Quang Thọ biết tôi quan tâm ít nhiều đến tư tưởng Tam Giáo và Cao Đài. Học văn chương ở Đông Đức về, anh chàng Hà Nội này tỏ ra thích thú mảng văn hóa Á Đông, cứ xui tôi viết cho báo anh. Tôi vẫn lần lữa.
Mùa Hè năm 1991, Đài Truyền Hình Thành Phố khởi chiếu bộ phim Tây Du Ký hai mươi lăm tập của nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết. Một sáng Chủ Nhật giữa tháng 8, anh Thọ ghé nhà chơi và thuật chuyện con gái đầu lòng của anh, bé Thùy Dương, thỏ thẻ hỏi: “Các con thú trên trời sướng quá sao lại trốn xuống trần làm yêu quái chi cho khổ, bị Tề Thiên đánh xiểng liểng?” Anh nhờ tôi giải đáp giúp cháu. Tôi cười, nửa đùa nửa thật: “Cắt nghĩa không khó, nhưng khá dài dòng. Nếu anh muốn, tôi sẽ viết cho Văn Hóa & Đời Sống khoảng mười kỳ.” Anh vui vẻ tán thành.
Bài viết đầu tiên là Bốn Biển Không Yên Cơn Lửa Trẻ. Anh Thọ chuẩn bị đi bài thì tôi đề nghị gác lại, vì nghĩ nên có một mở đầu theo kiểu tổng quan cho cả loạt bài. Vài hôm sau, Đường Tăng! Anh Là Ai? hoàn tất ngày 26-8, vừa kịp cho số báo tháng 9.
Tôi đặt nhan đề chung là Huyền Nghĩa Truyện Tây Du. Anh Thọ gạt phắt, sửa là Giải Mã Truyện Tây Du. Từ đó, liên tục trong chín tháng, tôi dấn sâu vào cuộc chơi tình cờ. Cứ như điệp khúc, nhiều phen viết chậm trễ, anh Thọ cầm luôn cả xấp bản nhũ của số báo sắp ra, tới nhà hối thúc, bảo rằng chỉ còn thiếu mỗi bài của tôi nữa thôi. Cứ mỗi tháng tôi phải nghĩ ra một bài. Bài này vừa giao nộp xong lại phải nghĩ ngay đến bài kế. Mệt cũng lắm, mà vui nhiều.
Trước khi đình bản vào tháng 01-1994, Văn Hóa & Đời Sống tháng 12-1991 và tháng 9-1992 đăng thêm cho tôi hai bài về Tam Giáo Việt Nam mà sau này được gom lại cùng các bài khác, in thành cuốn Con Đường Tam Giáo Việt Nam (Nxb Thành Phố, tháng 5-1994).([1]) Đó là sau khi in thử quyển biên khảo đầu tay, tôi nhìn thấy tín hiệu tốt và có hứng thú xuất bản. Và đó cũng nhờ làm việc chung với mấy anh em ở tạp chí Phát Triển Kinh Tế tôi quen dần các công đoạn tỉ mỉ của việc xuất bản, có thể tự mình đảm đương phần lớn công việc, tự mình “săn sóc” được sách của mình. Từ nghề dạy học, tôi bước qua một lãnh vực mới.
Mười chín tuổi, tôi tập tễnh khảo luận. Ngày 29-12-1974 Thầy Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) biên thơ khuyên: “Cháu cứ tiếp tục đi, phải đọc nhiều, kinh nghiệm nhiều rồi viết mới hay, khoảng bốn mươi tuổi trở đi, chứ muốn cho sâu sắc ngay thì không được. Ngành biên khảo như vậy...” Thầy cũng cho rằng phải có duyên mới viết được một cuốn sách, và cũng phải có duyên mới xuất bản được một cuốn sách. Kinh nghiệm dẫu chưa nhiều, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng lời nói ấy.
Điều kỳ thú tôi không hề biết trước chính là các kỹ năng tu thư, biên khảo, xuất bản kẻ thiếu niên năm xưa mày mò tự tìm hiểu với nỗi đam mê lạ lùng, thì đến khi ở vào hạn tuổi Đức Khổng Tử gọi là tri Thiên mệnh, tất cả những thử nghiệm ấy lại trở thành vốn quý để tôi có thể đầu tư vào Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài.
Phải chăng trong đời ta chẳng có ngẫu nhiên nào thật sự là ngẫu nhiên cả?!
Giáng Sinh 1994
Thu Phân 2010


Về các ký hiệu rải rác trong sách

Ký hiệu chỉ dẫn xuất xứ tham khảo được viết tắt bằng tên tác giả hay nhan đề tác phẩm. Kèm theo là năm xuất bản. Con số ở sau số năm chỉ số trang. 

Thí dụ:

[Hồng Phi Mô 1992: 25-30]tức là: Hồng Phi Mô, Đạo Giáo Trường Sinh Thuật. Trung Quốc: Chiết Giang Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 1992, tr. 25-30.

[TDK X 1988: 156]tức là: Ngô Thừa Ân, Tây Du Ký, tập X. Như Sơn, Mai Xuân Hải, và Phương Oanh dịch. Hà Nội: Nxb Văn Học, 1988.

Hai trang liệt kê Sách Tham Khảo Chọn Lọc cuối sách có  đầy đủ chi tiết về các ký hiệu quy ước này.

 


 


([1]) Chương trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài đã in lại(song ngữ Việt-Anh) với nhan đề Tam Giáo Việt Nam – Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài (The Three Teachings of Vietnam as an Ideological Precondition for the Foundation of Caodaism). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, quý II năm 2010, 224 trang.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513512

Hôm nay

2298

Hôm qua

2315

Tuần này

21449

Tháng này

220385

Tháng qua

121356

Tất cả

114513512