Truyện Hà Ô Lôi nằm trong tập Lĩnh nam chích quái. Đây là một truyện ngắn trung đại được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới với rất nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.
Truyện Hà Ô Lôi nằm trong tập Lĩnh nam chích quái. Đây là một truyện ngắn trung đại được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới với rất nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.
Bản thân truyện này, qua các bản ghi khác nhau cũng có tình trạng dị bản như bất cứ tác phẩm trung đại nào mà chúng ta đã từng gặp. Những dị biệt là những thông tin đáng được quan sát kĩ càng, nhưng nói chung, trước mắt chúng ta, hiện tượng này vẫn là đại đồng tiểu dị. Cái đại đồng nhất vẫn là tính chất QUÁI của câu chuyện vì trước hết nó nằm trong một tổng thể là “chích QUÁI” như tên của tập sách. Quái trong nguyên nghĩa của nó chính là sự lạ kì. Lạ kì là những sự mà lí trí thông thường, mà các triết thuyết khác nhau không giải thích tường tận được. Các nhà làm sách thế kỉ XIV-XV đã ý thức như vậy, và đến tận ngày nay, chúng ta vẫn thấy lạ kì vì mỗi người vẫn tiếp nhận nó theo một kiểu. Chỉ có thể đến gần nó mà không bao giờ hoàn toàn hiểu nó triệt để. Đó mới là cái thú vị của văn chương.
1. Ma La, Hà Ô Lôi là hai cái tên được giải thích rất khác nhau bởi những người đề cập đến truyện ngắn đặc biệt độc đáo và thú vị này của văn học trung đại.
Các văn bản Lĩnh nam chích quái chép truyện này không giải thích nghĩa của các chữ ghép nên tên riêng. Hầu như họ mặc nhiên thừa nhận là tên riêng, hoặc ngầm biểu đạt ý nghĩa qua việc miêu tả nhân vật.
Về cái tên Ma La, học giả Tạ Chí Đại Trường, 2002, cho rằng nó có liên quan đến nhân vật Đặng Ma La đỗ Thám hoa năm 1247 đời Trần (trước thời gian diễn ra câu chuyện theo các văn bản 100 năm). Nếu ghép tên nhân vật vị thần Ma La, bố Hà Ô Lôi, với họ nhân vật người chồng Vũ thị là Đặng Sĩ Doanh thì ta thấy có sự trùng hợp với tên vị Thám hoa quê Tốt Động, Chương Mĩ, Hà Tây (cũ) đó.
Về vị Thám hoa đời Trần có tên Ma La này, Phạm Văn Ánh, 2006, nghe “tương truyền cha là thần nhân, mẹ là Đặng Thị Tiêu trong một lần ướm bàn chân vào vết chân lạ trong gò La nên có thai mà sinh ra, vì vậy đặt tên là Ma La, ý nói do con ma ở gò La nhập vào thai nên sinh ra”.
Giáo sư Kiều Thu Hoạch, 2007, cho rằng, hai chữ Ma La có nguồn gốc từ làng Quán La cổ, nay chính là xã Xuân La, huyện Từ Liêm, mà theo GS, đó là một làng gốc Chàm.
Về tên riêng Hà Ô Lôi, các nghĩa và âm chữ Hà, chữ Ô, chữ Lôi cũng từng có nhiều cách giải thích khác nhau.
Sách Thiên nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hàng, thế kỉ XVI giải thích chữ HÀ bằng đoạn văn như sau: “cư sổ nhật, Vũ thị sinh nhất hắc bào, bào khai nhất nam, bì phu tự mặc, nhân danh Ô Lôi. Dĩ kí thần vô tính, nãi dĩ Hà tự vi tính. Ô Lôi tuy hắc, nhiên kì nhuận trạch như cao”. Nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao tạm dịch là: “ Qua mấy ngày, Vũ thị sinh một bọc đen, bọc nở ra một bé trai, da đen như mực, vì thế đặt tên là Ô Lôi. Vì vị thần đó (ý nói vị thần Ma La – CXG chú) không có họ, bèn lấy chữ Hà (nghĩa là “gì”, “nào”, “gì đó”, “nào đó” – CXG chú) làm họ. Ô Lôi tuy đen nhưng (da) nó nhẵn láng như mỡ”.
Ni cu lin thập niên 1960 theo nghĩa chữ Hán và giải thích Ô Lôi là Sấm Đen và có liên quan đến Krisna trong Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi, khi kể lại chuyện này ông viết; “Vì không biết họ thần là gì nên vua đặt là họ Hà”, nhưng thập niên 1980, đã đặt thêm nghi vấn về cái tên Hà Ô Lôi: Về mặt ngữ âm, có thể cái tên Hà Ô Lôi có liên quan đến một cái tên nước ngoài nào đấy.
Giáo sư Kiều Thu Hoạch cho rằng Ô là đen, còn Lôi là Lồi, tức để chỉ một anh chàng có nguồn gốc Chăm pa.
Tháng 9 năm 2007, nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao trong một bài viết công phu về Truyện Hà Ô Lôi đưa ra những đề xuất hấp dẫn về cách hiểu ba chữ Hà Ô Lôi. Ngoài việc đồng thuận Ô là đen như nhiều quan niệm khác thì ông gợi hướng các cách tìm hiểu khác: 1. Liệu họ Hà có liên quan đến vị tiên Hà Tiên Cô chăng? Liệu họ Hà có thể là họ bà ngoại ( tức mẹ Vũ thị) của Hà Ô Lôi?. 2. Hà Ô Lôi là biến âm của tên nữ thần Hơ Kroih của tộc người Gia rai ( tác giả viết “phải chăng Hà có liên hệ nào đó với Hơ, và cũng tương tự như vậy giữa Ô Lôi và Kroih”).
Đó là tổng thuật gọn gàng các cách giải thích chứ đàng sau cách giải thích đó là những biện luận phong phú và phức tạp của các tác giả khác nhau mà nếu trích ra sẽ rất dài.
2. Chúng tôi, qua kinh nghiệm nghiên cứu văn học dân gian, trong bài viết Lĩnh nam chích quái – Từ điểm nhìn văn hóa in trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số VIII năm 2006 (trang 98-112) đã mạnh dạn đưa ra khái niệm “kiểu tự sự trầm tích” khi nói về nghệ thuật văn xuôi của Lĩnh nam chích quái, cũng như đã giải mã làm ví dụ hai truyện Hồng Bàng thị và Tản Viên sơn thần. Với cách nhìn đó, lần này, chúng tôi thử tìm hiểu những trầm tích, những hóa thạch nào tồn tại trong truyện Hà Ô Lôi dưới góc độ văn hóa Phật giáo.
Về hai chữ Ma La.
Trong truyện, Đặng Sĩ Doanh là người làng Ma La (Ma La hương), đồng thời vị thần thờ ở đó cũng là thần Ma La.
Cuốn từ điển Phật học đồ sộ Phật Quang đại từ điển (PQĐTĐ) nhiều lần có từ Ma La, trong đó ghi những thông tin đáng để ý:
“ MA LA QUỐC. Ma la, Phạm, Pali: Malla. Cũng gọi Mạt la quốc, Mãn la quốc, Bạt la quốc, Mạt lao quốc, Mạt lợi quốc. Hán dịch: Lực sĩ quốc, Tráng sĩ quốc, Hoa quốc. Tên 1 nước trong 16 nước lớn ở Ấn độ vào thời đức Phật còn tại thế. Vị trí nước này ở về phía bắc sông Hằng, phía đông thành Ca tì la vệ, Trung Ấn độ, thủ đô là Câu thi na yết la và các thành ấp khác như Ba bà, A nô di v. v… Ma la vốn tên một chủng tộc. Trong luật Ma ha tăng kì có những danh xưng như: Thích chủng nữ, Li xa nữ, Ma la nữ v.v… Cứ theo pháp điển Ma nô thì chủng tộc này là hậu duệ của dòng Sát đế lợi, từ xưa đã nổi tiếng nhờ có sức lực mạnh mẽ. Tương truyền từng có việc lạ kì là hơn 500 lực sĩ cùng nhấc 1 tảng đá rất lớn, cho nên nước này được gọi là “Mạt la lực sĩ quốc”. Khi đức Phật nhập Niết bàn ở rừng Sa la thì 500 người thuộc chủng tộc Mạt la ở thành Câu thi na yết la than khóc thảm thiết, rồi khiêng kim quan của Phật đến chùa Thiên quan, cúng dường trong 7 ngày sau đó mới trà tì. Chủng tộc này và chủng tộc Mạt la ở nước Ba bà đều được chia cho 1 phần xá lợi của Phật để xây tháp cúng dường. Đây đều là những sự thực lịch sử nổi tiếng”.
Về từ Malla của Phạm và Pali này, ta còn thấy các biến thể: “ Mạt la: Hán dịch: Lực sĩ. Cũng gọi Ma la, Bà lí ti. Một chủng tộc sống ở thành Ca thi la kiệt, thành Ba bà v.v… về phía bắc sông Hằng… Kinh Du hành trong Trường a hàm quyển 2 (Đại 1, 24 trung), nói: “Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở thành Câu thi a kiệt, giữa khoảng 2 cây trong rừng Sa la, sắp diệt độ, bảo A nan rằng: Ngươi vào thành Câu thi a kiệt báo cho các Mạt la”.
Hai chữ Ma La này cho ta những thông tin liên đới đến câu chuyện đang bàn. Thứ nhất đó là tên một chủng tộc gốc gác ở trung tâm Ấn Độ, đồng thời, họ là hậu duệ dòng Sát đế lợi, tức dòng dõi xuất thân của Thích ca, theo Phật từ rất sớm và là nơi được giữ xá lị Phật, tức là giữ được căn nguyên truyền bá Phật pháp. Thứ hai, họ là những Lực sĩ theo dịch nghĩa của từ Hán phật và họ được tin cẩn phục vụ Phật ngay cả lúc tịch diệt. Thứ ba, vùng đất họ sống được gọi là Ma La quốc. Thứ tư, những lực sĩ này liên quan đến đá, một vấn đề sẽ có liên quan đến những bản ghi Ô Lôi hồn lặn vào cối đá sau này.
Chúng ta biết rằng, chữ quốc trước đây ngoài việc chỉ quốc gia còn chỉ những vùng đất tương ứng với nước, xứ, hương, thôn làng. Đi nước nghĩa, Mang chuông đi đánh nước người, ngư tử quốc ( thơ Lê Thánh Tông, chỉ làng chài) thì đó chính là làng. Chữ nước trong tiếng Việt trước khi để chỉ quốc gia như từ thế kỉ XV, nó vốn chỉ một không gian cư trú bên cạnh một nguồn nước nào đó theo truyền thống Môn-Khơ me như dak, ya, ea, ja… Công chúa Lạng quốc thì quốc tương đương với xứ. Hoàng hậu Cồ quốc, Kiểu quốc thì quốc tương đương với hương (theo chúng tôi, thời Đinh, hoàng hậu Đan gia có nghĩa là con nhà Đan, hoàng hậu Ca Ông có nghĩa là con ông Gia). Vậy Ma La hương cũng sẽ tương đương với Ma La quốc. Và thần Ma La với nghĩa lực sĩ nhà Phật chính là để chỉ những tăng lữ có nguồn gốc Ấn Độ đi truyền bá Phật giáo trên không gian văn hóa Giao châu, Giao chỉ, An nam, Đại Việt.
Ngoảnh lại những truyền thuyết về Thám hoa Đặng Ma La quê Tốt Động đời Trần. Sử chép ông được sự ủng hộ của giới Phật giáo, còn dân gian truyền rằng mẹ ông đi gò La dẫm dấu chân lạ mà thụ thai sinh ra ông. Dấu chân trên đá thì rõ là Phật tích, một tượng trưng cho đức Phật đã được thờ tự phổ biến nhất từ thời Vô tượng kỳ, kéo dài tận 500, 600 năm sau khi Phật tịch diệt, trước khi thờ tượng Phật như ta thấy. Vậy Đặng Ma La cũng là con Phật như Thánh Gióng, Thạch Quang, Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông… mà thôi.
Về địa danh Ma La, không chỉ ở Việt Nam, ta còn thấy xuất hiện ở Hương Cảng trong không gian Phật giáo như đường Ma La, miếu Ma La và ở đó hai chữ Ma La được giải thích là: Ma La: Thủy thủ Ấn Độ làm việc trên tàu Tây Dương. Theo Trần Trọng Dương, qua trao đổi với chúng tôi, có thể cái tên Malaixia cũng xuất phát từ hai chữ Ma La này khi mà đây là đất nước sớm có những người Ấn Độ di cư và truyền bá Phật giáo. Gắn Ma La với Chăm pa là cách nhìn đồng đại bó hẹp trong thời Đại Việt. Phật giáo từ đầu thiên niên kỉ đã truyền vào Giao châu, Giao chỉ, An nam (từ thời còn chưa có cái gọi là Chăm pa) và đến thời Trần-Lê thì đã trải hơn một nghìn năm đằng đẵng, không thể nói những hóa thạch của nó từ các khái niệm, đặc ngữ không từng tồn tại trong văn hóa cộng đồng. Ma La là một “di vật” ngôn ngữ như vậy. Nó dùng để chỉ những gì thuộc về Ấn Độ, thuộc về Phật giáo.
Về tên nhân vật Hà Ô Lôi.
Tách Ma La ra để truy tìm thì có vẻ ngẫu nhiên, nhưng nếu truy tiếp Hà, Ô, Lôi ta sẽ thấy sự liên thông mật thiết giữa chúng.
Chữ HA tiếng Phạm và Pa li được Hán phật dịch là HẮC SẮC. PQĐTĐ viết:
“HẮC SĂC: Phạm: Krsna. Màu đen. Một trong năm màu chính (xanh, vàng, đỏ, trắng đen). Mật giáo đem 5 mầu phối hợp với năm đức Phật, 5 trí, 5 căn, 5 lực, 5 chữ, 5 đại, 5 phương và 5 chuyển. Mầu đen tức là chữ HA, là màu của Phong đại. Mầu đen có hàm nghĩa tiêu trừ các màu, giấu kín các vật, cho nên được coi là mầu tương ứng với pháp điều phục. Ngoài ra, theo Đại nhật kinh sớ, thì màu đen là màu của đức Thiên cổ lôi âm Như lai; hơn nữa, là nghĩa Đại niết bàn, tức là trí tuệ tột bậc của Như lai, vì thế cũng được gọi là Tuệ sắc”.
Trong giải nghĩa này, có mấy điểm khá liên quan đến Ô Lôi. Krsna liệu có liên quan đến Krisna? Màu đen liên quan đến nước da đen, bóng như mỡ của Ô Lôi. Thiên cổ lôi âm nghĩa là trống trời vang tiếng sấm (chỉ tiếng giảng kinh lay động chúng sinh) và đó là nghĩa chữ Lôi trong tên nhân vật. Vì HA là Phong đại nên có khả năng Điều phục, tức là: “ Chế phục 3 nghiệp thân miệng ý, không làm các việc xấu ác, xa lìa tội lỗi, thuận theo chính pháp, rốt ráo ra khỏi 3 cõi”. Ý này rất quan hệ đến ý nghĩa của câu chuyện. Nếu ta cho rằng, cái họ HÀ của Hà Ô Lôi là cách chuyển âm của chữ HA (Phạm ngữ) này cũng không có gì là không hợp lẽ nếu nhìn câu chuyện như một trầm tích.
Chữ Ô với nghĩa là đen thì được mọi người đồng thuận cao. Nhưng nếu ta quan tâm đến khái niệm nhà Phật thì có thể hiểu kĩ hơn:
“Ô ĐÀ DI: Phạm: Udayin. Cũng gọi là Ưu đà di, Ổ đà di…II. Ô Đà Di: Cũng là tên một vị đệ tử Phật. Vị này vốn tên là Ô đà di, nhưng vì nước da đen kịt nên có biệt hiệu Ca lưu đà di (Phạm: Kalodayin, nghĩa là Ô đà di đen). Ca lưu đà di thường làm các điều ngang ngược. Cứ theo kinh Tăng nhất a hàm và luật tứ phần quyển 14 chép, có lần vào lúc trời tối, Ô đà di đến nhà một người đàn bà đang mang thai để xin ăn, lúc đó bỗng có sấm chớp lóe lên, người đàn bà thấy Ô đà di trong ánh chớp, ngỡ là quỉ đen, sợ quá đến nỗi xảy thai. Vì nhân duyên này mà đức Phật chế giới cấm tỉ khưu khất thực sau giờ ngọ”.
Đến đây cơ hồ mọi lẽ sáng dần hơn. Một đệ tử nhà phật có nước da đen kịt. Đệ tử đó thích làm điều ngang ngược. Đệ tử đó đến cùng sấm chớp. Người đàn bà mang thai tưởng quỉ đen mà sợ đến sẩy thai.
Đến đây, chúng ta bằng những gì liên quan đến Thiên cổ LÔI âm, đến sấm chớp lóe lên, chắc đã rõ nghĩa chữ Lôi (với nghĩa sấm) của tên riêng Hà Ô Lôi. Thuyết Lôi tức là Lồi ( Chăm pa) khó lòng mà đứng vững.
Về mặt ngữ âm, ta thấy sự gần gũi giữa Kalodayin với Hà Ô Lôi ( Kal > Hà, o > Ô, yin > Lôi, rụng âm da). Về mặt ngữ nghĩa, chúng tôi chú ý đến cách ghi của Thiên nam vân lục liệt truyện và cách kể của Nguyễn Đổng Chi trong đoạn kết. TTNVLLT ghi: “Ô Lôi đã chết, tiếng chìm lặn vào đá, sau người ta nghe tiếng chày giã đập vào đá còn thấy cảm động”. Nguyễn Đổng Chi thì kể: “Cũng do truyện này, đời sau khi cô dâu mới về nhà chồng người ta có tục bắt bước qua cối giã gạo, có mục đích xua đuổi những con quỷ sắc dục như Ô Lôi đi theo quấy nhiễu”. Chúng tôi thấy rằng, các bản Lĩnh nam chích quái hoàn toàn không có những chi tiết như trên. Tuy nhiên, vì những chi tiết đó mà cho rằng Nguyễn Hàng (XVI) và Nguyễn Đổng Chi sáng tác thêm (tức là bịa ra theo một ý đồ cá nhân) là không nên. Đó là những chi tiết dân tộc học được những người thuật truyện dựa trên sự lịch lãm của mình mà đưa vào. Với Nguyễn Đổng Chi, cụ là nhà dân tộc học đích thực trong quá trình sưu tầm của mình. Câu chuyện vốn đã là trầm tích lại đắp bồi thêm những lớp mới mà thôi. Viết qua điền dã dân tộc học do nghe kể lại thường là khẩu thiệt vô bằng nhưng mục đích thì không có gì là ẩn khuất. Vấn đề là, đã từng có một ứng xử dân gian với chầy cối và với biểu tượng Hà Ô Lôi trong văn hóa người Kinh. Chúng tôi cũng đưa thêm một chi tiết dân tộc học mà mình trải nghiệm liên quan đến chầy cối: Quê tôi ở ven sông Lam, làm thêm nghề ép dầu lạc. Việc giã lạc, giã gạo quanh năm ai cũng phải tham gia. Tôi thường cùng các chị gái đứng giã, mẹ tôi thì khỏa và giần sàng. Đứng trên chuồng chày, chân đạp vào chuôi chày. Một lúc mỏi chân thì phải đổi chân. Con trai có thể tùy ý bước qua chuôi chày cho nhanh gọn. Nhưng các chị tôi thì bị cấm. Phải mệt nhọc bước xuống, đi vòng sau chuồng chày. Tôi hỏi sao lại như vậy? Mẹ tôi trả lời: “Con gái bước qua chày sau lấy chồng sinh con hay bị sẩy thai!”. Dù không tin nhưng các chị tôi cứ rón rén tuân thủ tục kiêng đó. Rõ ràng ở đây, có một tục kiêng của phụ nữ gắn với chày cối, với việc sẩy thai. Các bà nhà quê vẫn mắng chửi chúng tôi nghịch ngợm là “Đồ Ô Lôi! Bọn Phạm Nhan!”. Lớn lên mới hiểu.
3. Hai tên riêng đã nói ở trên, chắc chắn có liên quan đến những trầm tích Phật giáo. Vậy về ý nghĩa, liệu có sự liên quan không. Vấn đề này cũng đã được nhiều người đề cập, chúng tôi chỉ nói ra những gì theo mạch suy tưởng của mình mà thôi.
Hà Ô Lôi sinh ra một cách lạ kì bởi thần Ma La (có yếu tố tăng lữ Phật giáo Ấn Độ) và nàng Vũ thị (có chồng là Đặng Sĩ Doanh, làm quan triều đình). Ô Lôi lạ kì bởi nước da đen bóng nhưng tâm hồn vẫn thanh tịnh cho đến khi gặp ông tiên Lã Đồng Tân. Đây là bước ngoặt của đời chàng. Lã Đồng Tân, một ông tiên nghệ sĩ của đạo thần tiên đã truyền cho chàng lòng đam mê thanh sắc. Cách truyền là bảo Hà Ô Lôi há miệng và nhổ nước bọt vào miệng chàng. Hành động này có nhà nghiên cứu cho rằng “mất vệ sinh”. Chúng tôi tưởng đó là cách đọc hẹp hòi. Nước bọt và nhổ chữ Hán đều dùng chữ THÓA. Trong tiếng Việt ngày nay chỉ còn chữ thóa mạ nên dễ dẫn đến cách hiểu nông cạn trên. Chữ Hán còn có các từ: Thóa dư: Bọt nước miếng thừa = Lời nói cũ của người đời xưa hoặc những cái mà người khác bỏ đi, mình còn ăn cắp lượm lặt lấy. Thóa hương: Thơm nước miếng: Lời tán tụng văn chương hay là tiếng nói câu hát mà mình lấy làm quí trọng lắm, ý là dầu bọt nước miếng cũng còn thơm. Thóa ngọc phi châu: Nhả ngọc phun châu = Văn từ ngôn luận rất hay (Hán Việt từ điển – Đào Duy Anh). Vậy, việc Lã Động Tân THÓA Hà Ô Lôi là truyền cho Ô Lôi một năng lực phi phàm về THANH, cái mà vị tiên này vốn sở trường. Nhưng điều đó với Phật giáo là vi phạm giới luật. Hà Ô Lôi đã sa ngã vì “…từ đó, Ô Lôi tuy không biết chữ nhưng nhanh nhẹn, lém lỉnh hơn người, từ văn chương thi phú cho tới điệu khúc ca ngâm, tiếng ngâm xướng vịnh, cười gió giỡn trăng lên đến tận mây xanh, khiến mọi người nghe biết. Đàn bà con gái ai ai cũng muốn biết mặt”. Đỉnh cao sẽ là: “…Tiếng hát của Ô Lôi thoảng qua, nghe như điệu ca của bọn thuyền chài, khác hẳn âm thanh chốn trần gian…Giọng ca bay khắp trong ngoài, quận chúa cảm động mà mang bệnh trầm cảm u uất”. Ở đây rõ là thóa hương, là thóa ngọc phi châu. Hà Ô Lôi đã trượt từ thanh đến sắc rồi sang nghiệp chướng và sẽ không bao giờ quay lại với chân như được nữa. Cho đến tận lúc gần chết, Ô Lôi vẫn ngâm ngợi:
Sinh tử do trời có quản bao
Nam nhi miễn đã được anh hào
Chết vì thanh sắc cam là chết
Chết vì ốm đau cơm gạo nào.
Ô Lôi ngâm hay là tác giả khuyết danh phát ngôn trong dòng kể của mình?
Cái chết của Hà Ô Lôi là tất yếu và cũng có thể giải thích từ ẩn dụ Phật giáo. Truyện kể rằng, Minh Uy vương về nhà lấy gậy đánh Ô Lôi, đánh mãi mà Lôi không chết. Vương lấy chày giã. Lôi chết! Sao không gươm giáo mà lại phải là chày. Sống dùng chày nên chết vì chày chăng? Chắc không ẩn ngữ như vậy. Văn hóa Phật giáo cho ta biết ý nghĩa này.
PQĐTĐ viết: “ KIM CƯƠNG CHỬ: Phạm: Vajra. Hán âm: Phạ nhật la, Phạt chiết ra, Bạt chiết la, Nga đam ra, Phạt xa la. Chày kim cương. Vốn là loại vũ khí của Ấn độ đời xưa. Do tính chất vững chắc của nó có thể đánh phá các loại vật chất khác, giống như kim cương, cho nên gọi là Kim cương chử. Trong mật giáo, Kim cương chử tượng trưng cho tâm bồ đề phá trừ phiền não, là vật mà chư tôn vị cầm ở tay hoặc là đạo cụ tu pháp. Các vị tôn thuộc Kim cương bộ trong Hải hội Mạn đồ la đều cầm Kim cương chử. Hành giả Chân ngôn cũng thường mang theo bên mình. Bởi vì Kim cương chử tượng trưng cho trí dụng của Như lai, có công năng phá trừ ma ngu si vọng tưởng bên trong và các ma chướng ngoại đạo bên ngoài”.
Chầy gắn với tượng thờ các không gian Phật giáo đủ chủng loại, nhiều tới mức có thể cần đến một chuyên môn “chầy học” mới hiểu xuể. Dùng chầy đánh chết Hà Ô Lôi mới mong dứt trừ ma nghiệp cả trong ra ngoài. Đó mới là ý nghĩa sâu xa của chi tiết cuối cùng này.
Tuy nhiên, bài sau đây về Hà Ô Lôi thì quả có vấn đề:
Mang mang mặt mắt cháy ma lem
Kẻ chợ khát người qua mấy thèm
Nhẫn có hoàng kim thanh sắc ấy
Mang mang mặt mũi thế soi xem.
Chìa khóa có thể nằm ở hai chữ hoàng kim. Xưa nay hai chữ này vẫn được hiểu theo kiểu Nho là hoàng tộc, vua chúa. Song hai chữ này còn có nghĩa là chùa chiền, già lam, cõi Phật. Hoàng kim trạch là chỉ chốn tu hành. PQĐTĐ chép: “Hoàng kim trạch: Nhà vàng, tức chỉ cho già lam. Thủa xưa, ở Ấn độ, trưởng giả Tu đạt la muốn mua khu vườn cây của thái tử Kì đà để xây cất tinh xá cúng dường đức Phật. Thái tử nói đùa rằng nếu trưởng giả có đủ vàng trải khắp mặt đất trong vườn thì mới chịu bán. Trưởng giả liền y lời, dùng voi chở vàng đến trải khắp mặt đất. Thái tử Kì đà rất cảm kích trước tấm lòng thành của trưởng giả, cho nên hiến đất cúng vườn, được trưởng giả xây thành tinh xá Kì viên. Vì thế già lam được gọi là Hoàng kim trạch”. Nếu hiểu như trên thì bài thơ mang dáng một bài kệ răn dạy chúng sinh từ chuyện về Hà Ô Lôi, có thể diễn giải như sau: Câu 1, Rõ ràng thân hình mày xấu xí là tự bản thể. Câu 2, Chúng sinh vốn đầy dục vọng về thanh sắc. Câu 3, Nếu những thanh sắc ấy hướng về cõi Phật. Câu 4, Thì rành rành thế gian sẽ phải soi vào đó.
Chúng ta biết rằng Phật pháp giới thanh sắc nếu thanh sắc ấy hướng đến dâm tục, đến nghiệp chướng. Còn thanh sắc hướng đến tịnh độ thì không hề cấm đoán. Đại tạng kinh chép đầy những thí chủ, thiên tiên cúng dàng âm nhạc, tràng hoa cho Phật. Khi các bồ tát sinh ra thì ánh sáng rực rỡ, hương hoa thơm ngát, âm nhạc vang lừng, đó cũng là thanh là sắc vậy. Bệ đá chùa Phật Tích còn khắc trổ cả một dàn nhạc cúng dường Phật xôn xao, tinh tế và vừa đủ siêu phàm vừa đầy hoan lạc. Bài thơ cũng là một trầm tích mà cần hiểu nó trong tính Phật hóa thạch ở đó. Việc đọc Phật ra Nho hay ra những gì nữa là điều chúng ta vẫn thường gặp trong việc dịch bi kí Lí – Trần và đặc biệt trong việc “đọc” hiện vật khảo cổ học: nhạn – bồ tát đọc thành uyên ương; song long hiến châu đọc thành lưỡng long triều nhật; đăng đài đọc thành lin ga; ngưu tọa, trư tọa (đều tượng trưng Phật) đọc thành trâu lợn dân gian, bệ tượng Phật đọc thành chân tảng v. v… Vô thiên lủng.
4. Đành là, để miêu tả một chúng sinh chìm đắm trong biển mê, mượn bối cảnh Trần mạt đã “thất đức” (chữ dùng của Nguyễn Trãi, cháu ngoại nhà Trần) với thanh sắc dâm loạn từ chốn vương triều đến phố quê, tác phẩm có tính hiện thực và sức phê phán mạnh mẽ. Tuy nhiên, là một tác phẩm thuộc loại chích quái ra đời từ đời Trần, không ngừng được bổ di từ đời Lê đến nay, Truyện Hà Ô Lôi cũng là một tự sự trầm tích mà ý nghĩa, biểu tượng Phật giáo còn lắng đọng trong đó. Giới thanh, giới sắc, giới dâm là những gì câu chuyện muốn đạt đến. Tất cả đều mang tinh thần Phật giáo. Rất tiếc là đến Vũ Quỳnh, với tư cách là một đại Nho thời Lê Thánh Tông, ông chỉ rút ra kết luận ngắn ngủi: “Truyện Hà Ô Lôi nhằm răn thói dâm ô!”. Đọc sử Việt Nam trung đại, cứ so từ Đại Việt sử kí tiền biên (Nguyễn) với Đại Việt sử kí toàn thư (Lê) với Việt sử lược (còn dấu vết Trần) là ta thấy ngay dấu vết Phật giáo ngày càng mờ đi bởi Nho gia. Học giả Tạ Chí Đại Trường trong nhiều chuyên luận với cách đọc diễn ngôn của mình đã chỉ ra rất nhiều dấu vết trên hiện trường đó. Đó là một cách ứng xử với sử liệu đáng để chúng tôi học tập, sau khi đã không theo được nhiều chỗ quá vu khoát, ngẫu hứng của ông.
Ngồi mà tưởng tượng ra cái không gian thực tồn, không gian văn hóa cách nay năm sáu trăm năm thật khó. Lúc đó làng Nhân Mục còn xa cấm cung vời vợi. Ngoài kinh thành là sông ngòi, ao đầm, cồn bãi, lác đác làng quê với chùa quán đồi gò um tùm ẩm mốc. Đom đóm ma trơi thế chỗ cho điện sáng hơn sao. Nhân dân lo ăn lo lụt, lo trộm cướp giặc giã quanh năm suốt tháng. Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo với những cố gắng bất tận suốt già ngàn rưỡi năm đến đó liệu đã giáo hóa được bao lăm, khi mà ngay trên đất văn vật Bắc Ninh nổi tiếng cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, đầu thế kỉ XX đây thôi, trong Bắc Ninh tỉnh khảo dị, tác giả Phạm Xuân Lộc, năm 1920, còn chứng kiến vô vàn những tục lệ rất phồn thực, “tự nhiên”, ngoài mọi giáo lí của bất cứ tôn giáo nào. Những sự QUÁI tồn tại trong tâm thức dân gian như một lẽ hằng nhiên, lắng đọng trong dân tục, hóa thạch trong ngôn ngữ.
Truyện Hà Ô Lôi, từ sớm đã là một cố gắng đột xuất cho việc xây dựng một lối sống văn minh hơn cho cư dân này, cho văn hóa này. Bài học mà nó để lại vẫn còn ý nghĩa cho ngày nay, khi mà tựa hồ vẫn như lời nhân vật: “Đương lúc thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự, coi phú quý như phù vân, chỉ muốn thanh sắc làm vui!”. Lời cảnh báo thời sự cho cả thế giới chứ không riêng nước mình.
Hà Nội Noel 2010.
Tài liệu tham khảo.
-Kiều Thu Hoạch – Truyện Hà Ô Lôi- Đánh giá lại trên cơ tầng văn hóa Việt- Chăm. Tạp chí Văn hóa Dân gian số 4 năm 2007.
-Phạm Văn Ánh – Một vùng địa linh nhân kiệt. Tạp chí Dân tộc & Thời đại số 92 năm 2006.
-Vũ Quỳnh-Kiều Phú – Lĩnh nam chích quái (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu). Nxb Văn hóa- Viện Văn học. HN 1960.
-Nguyễn Đổng Chi – Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam t1 và t2 – Nxb Giáo dục HN năm 2000.
- Nguyễn Hùng Vĩ – Lĩnh nam chích quái – Từ điểm nhìn văn hóa.Tạp chí Nghiên cứu Văn học số VIII năm 2006.
-Chu Xuân Giao – Nhà vua giữa dòng xoáy đa chiều: truyện Hà Ô Lôi từ nhiều góc nhìn, với trung tâm là sex và vương quyền. 2007 (Bài tác giả gửi tặng người viết).
-Nguyễn Thanh Tùng – Truyện Hà Ô Lôi - Một hiện tượng lạ của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ X-XIV. Mạng Văn học 2008.
-Nguyễn Phạm Hùng – Truyện Hà Ô Lôi và tinh thần phản biện xã hội dưới thời vãn Trần. Hợp lưu. 2008.
-Từ Diêu – Từ “Ma La” không có ý kì thị - http://cache.baidu.com – 2010.
- Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng – Tượng Phật Trung Quốc. Nxb Mỹ thuật năm 1996.
-Linh sơn pháp bảo Đại tạng kinh – Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
-Phật Quang đại từ điển – Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000.
-Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển. Nxb Khoa học xã hội năm 2001.
-Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới năm 2004.
-Tạ Chí Đại Trường – Thần người và đất Việt – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin HN năm 2006.
-Tạ Chí Đại Trường – Sex và triều đại – Tạp chí Văn học (Hoa kì) số 192 và 198.
-Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm – Nxb Khoa học xã hội – HN 2009.
29
2313
21473
220409
121356
114513536