Những góc nhìn Văn hoá

Về chủ nghĩa xã hội

Ngài muốn tôi viết cho cuốn sách của ngài một bài đề cập đến những vấn đề xã hội và kinh tế, tức là trình bày ý kiến của tôi về cái hình thức tốt nhất, xét từ quan điểm kinh tế, mà theo tôi xã hội ngày nay sẽ hoặc sẽ phải thu nhận.

Tôi không thể thực hiện ý muốn của ngài, thứ nhất, bởi vì tôi không thể biết và thiết nghĩ không ai có thể biết cả những quy luật mà theo đó đời sống kinh tế của các dân tộc biến đổi, cả cái hình thức đời sống kinh tế tốt nhất mà xã hội đương thời phải thu nhận, như là các nhà xã hội chủ nghĩa và những người thầy của họ nghĩ rằng họ biết, và thứ hai, còn bởi vì giả sử tôi có biết hoặc tưởng là biết những quy luật mà theo chúng loài người đương đi lên trong sự phát triển kinh tế của mình, và cả cái hình thức tổ chức kinh tế tốt nhất mà nó phải thâu thái, như là tất cả các nhà cải cách xã hội chủ nghĩa từ Saint-Simone, Fourier, Owen đến Marx, Engels, Bernstein và những người khác đã và đang nghĩ, thì tôi vẫn không có gan nói ra điều đó. Tôi sẽ không có gan nói ra điều đó bởi vì những hình thức đời sống kinh tế của các xã hội loài người mà có thể hình thành trong tương lai, theo xác tín không chút nghi hoặc của tôi, cũng ít có thể được tiên đoán và xác định như tình trạng tương lai của từng con người riêng lẻ đương sống, và vì thế tất cả những quy luật mà người ta hư cấu ra ấy và những kiểu tổ chức xã hội tốt nhất ấy, mà mỗi người giả định một khác trên cơ sở những quy luật hư cấu ấy, không chỉ không trợ giúp cho lợi ích của loài người, mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự bất ổn của các xã hội con người, khiến loài người thời nay khổ sở đến thế.

Tôi nghĩ như thế bởi vì con người có thể tìm thấy và xác định, bằng những quan trắc và suy luận, những quy luật vận động của các thiên thể, những quy luật đời sống của thực vật và cả động vật, nhưng tuyệt không thể dẫn đưa đời sống của mình và của các đồng loại có trí tuệ và ý chí của mình vào trong khuôn khổ của những quy luật được lập ra từ sự quan sát đời sống bên ngoài của loài người, không tính tới những đặc tính trí tuệ và ý chí mà chỉ con người mới có. Làm thế chẳng khác nào truy tìm và xác định những quy luật đời sống của các động vật có khả năng di chuyển tùy ý, có những giác quan ngoại giới và những bản năng căn cứ vào những quy luật được xác định từ sự quan sát vật chất vô sinh hay các thực vật không có những thuộc tính của động vật.

Thực tình mà nói, con người có thể hạ thấp mình và nhiều khi vẫn hạ thấp mình xuống bậc động vật và khi đó nó bị chi phối bởi những quy luật của đời sống động vật và thậm chí của vật chất vô sinh, song trong những biểu hiện chung của mình thì con người luôn luôn đã và đang là một sinh linh khác biệt với mọi sinh vật của thế giới động vật và vật chất bởi trí tuệ và ý chí tự do chỉ có ở một mình nó. Và vì vậy cuộc sống của nó trong mọi mặt, cả gia đình, cả xã hội, cả chính trị, cả quốc tế, cả kinh tế, được hình thành, đã được và phải được hình thành tuyệt đối không trên cơ sở những quy luật khách quan chung được xác lập từ quan trắc và được tuyên cáo bởi các lý thuyết gia khác nhau trong lĩnh vực chế độ xã hội hay kinh tế như những Marx, Engels, Bernstein, v.v..., mà bao giờ cũng chỉ trên cơ sở một luật sống hoàn toàn khác, chung cho tất cả mọi người, được tuyên cáo từ thời thượng cổ bởi các Bàlamôn và Đức Phật, bởi Lão Tử, Socrate, Kitô, Marc Aurèle, Epictète, Rousseau, Kant, Emerson, Channing và tất cả những nhà tư tưởng tôn giáo - đạo đức của nhân loại. Cái luật tôn giáo - đạo đức ấy quy định mọi biểu hiện của đời sống con người, cả gia đình, cả xã hội, cả chính trị, cả quốc tế, trong đó quy định cả những biểu hiện kinh tế, và quy định một cách hoàn toàn khác so với tất cả các học thuyết chính trị, quốc tế, xã hội và xã hội chủ nghĩa.

Sự khác biệt ấy là ở chỗ, thứ nhất, trong khi tất cả các quy luật khách quan và những học thuyết được rút ra từ đấy, mà theo chúng các xã hội loài người phải được tổ chức, là thiên hình vạn trạng và cái này mâu thuẫn cái kia thì luật tôn giáo - đạo đức ở những cơ sở chính của nó, chẳng hạn dù chỉ ở luận điểm cho rằng bất kỳ người nào cũng đều không được làm những điều mà nó không mong muốn cho bản thân mình - cái luật tôn giáo - đạo đức ấy chỉ có một và là một cho tất cả mọi người. Khác biệt thứ hai và chính yếu là trong khi tất cả các học thuyết chính trị, quốc tế, xã hội và cả xã hội chủ nghĩa đều định trước những hình thức mà theo chúng đời sống nhân loại sẽ phải thu nhận, và đòi hỏi ở nhân quần những nỗ lực để đạt tới những hình thức được định trước ấy, thì luật tôn giáo - đạo đức, không tiên định bất kỳ một hình thái đời sống nào, cả gia đình, cả chính trị, cả quốc tế, cả kinh tế, chỉ đòi hỏi con người trong mọi lĩnh vực đời sống kiêng tránh những hành vi đi ngược lại luật ấy và chỉ bằng một sự kiêng tránh ấy họ sẽ đạt được tất cả những phúc lợi mà tất cả các học thuyết chính trị và cả xã hội chủ nghĩa hứa hão cho họ.

Sự khác biệt ấy giống như sự khác nhau giữa hai hiệp đoàn thợ, được ông chủ cắt cử làm cùng một việc - chẳng hạn làm đất để xây đường. Những người thợ được cấp công cụ làm việc và được lệnh san bằng đất theo những tuyến đã được vạch, nhưng người ta không cho biết phải làm việc này để làm gì. Một trong hai hiệp đoàn, gồm những người nóng nẩy, nông nổi và vì thế mà tự tin quá thái, do không hiểu được phải làm việc này để làm gì cho rằng những chỉ thị của ông chủ tù mù, không xác định và vị tất thích hợp với bất cứ việc gì, và để làm cho công việc của mình có ý nghĩa, những người trong hiệp đoàn ấy cố nghĩ ra một mục đích xác định hơn. Một số người quyết định rằng thay vì san bằng mặt đất mà không thấy mục đích nào cả, sẽ là hợp lý hơn đào luống để trồng bắp cải, một số người khác lại cho rằng sẽ là tốt hơn nữa nếu đào sâu xuống lòng đất để tìm kho báu hay vàng, số người thứ ba thì giả thiết rằng sẽ là hữu ích đào một cái đầm hay giếng và họ dồn sức vào những việc ấy. Làm không phải cái chủ sai họ làm và tự mình nghĩ ra những mục đích cho hoạt động của mình, những người thợ ấy cãi vã, ngáng trở nhau và không những không làm những gì mà lẽ ra họ có thể làm và cần làm vì lợi ích của chính mình, mà còn làm hỏng cuộc sống của mình bằng những xích mích tất yếu xảy ra giữa họ. Những ai quyết định trước những hình thức đời sống xã hội, chính trị, kinh tế mà họ cho là tốt nhất và dồn mọi sức lực để thực hiện những hình thức ấy, hành xử cũng như thế. Còn những người tuân thủ luật tôn giáo – đạo đức thì, giống như những người thợ khôn ngoan kia, làm cái mà chủ quy định cho họ, hoàn toàn tin tưởng rằng từ việc họ thực hành ý chí của chủ, không thể xảy ra bất cứ cái gì ngoài những điều tốt lành về mọi phương diện cho họ.

Tưởng chừng đơn giản đến thế, tự nhiên đến thế và thích hợp đến thế với một sinh linh hữu trí như con người – trong cuộc đời ngắn ngủi và bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt đứt của mình chọn làm kim chỉ nam cho mình cái luật tôn giáo – đạo đức vốn sống trong lòng từng người và được tất cả các tôn giáo lớn của nhân loại thừa nhận, chứ tuyệt không phải những yêu cầu mâu thuẫn lẫn nhau nhằm thực hiện những hình thức đời sống mà một số người cho là tốt nhất nhưng chỉ có thể đạt được bằng sự vi phạm những yêu cầu của luật đạo đức. Nhưng trong khi ấy thì từ thời thượng cổ đã và hiện giờ vẫn xảy ra và lại được xem là tất yếu chính sự vi phạm tôn giáo – đạo đức ấy, ngõ hầu thực hiện hoặc duy trì một cách tổ chức đời sống thế này hay thế khác mà những người nay hay người khác cho là tốt nhất. Tất cả các chính phủ, từ độc tài nhất đến tự do chủ nghĩa nhất, tất cả các đảng cách mạng, tất cả những người cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa mang mọi màu sắc có thể có đều rao giảng và làm điều đó. Vì sao lại thế? Là bởi cái nguyên nhân chung của tất cả những tai họa, mà con người gây ra cho chính mình – bởi sự mê tín. Tuân phục cái mê tín ấy, người ta nghĩ ra cho mình những mục đích tùy thích hợp với sở thích của mình – nào quốc gia, nào ái quốc, nào xã hội chủ nghĩa, nào cộng sản chủ nghĩa, nào vô chính phủ, và thay vì thực hiện sứ mệnh chân chính của mình và nhận cái phúc được dành cho tất cả mọi người, họ dồn hết sức mình vào việc xếp đặt đời sống của những người khác và (mà điều này không thể là khác được) họ đạt tới không những không phải cái phúc mong đợi, mà chỉ sự bại hoại ngày càng tệ hại của đạo đức, sự xấu đi ngày càng nghiêm trọng của đời sống. Tất cả những cuộc chiến tranh, những cuộc hành quyết, những cuộc cách mạng, tất cả sự bóc lột người lao động bởi những người không lao động, tất cả những tai họa xã hội đều diễn ra trên cơ sở của sự mê tín ấy.Và thực ra cũng không thể khác được.

Xin đơn cử chỉ một thí dụ. Học thuyết xã hội chủ nghĩa đòi hỏi làm sao những người lao động được hưởng những thành quả của lao động. Nhưng ai tước đoạt của người lao động thành quả lao động của chính nó? Các nhà tư bản. Thế thì ai cho các nhà tư bản khả năng tước đoạt thành quả lao động của người lao động? Chính quyền. Mà chính quyền là cảnh sát, là quân đội. Song cảnh sát và quân đội lại được hợp thành từ bản thân những người bị cánh tư bản tước đoạt thành quả lao động. Thế thì vì sao những người ấy lại làm cái việc ấy, tức là tước đoạt của chính mình thành quả lao động của mình? Vì họ bị lừa dối. Hóa ra, tất cả vấn đề ở sự lừa dối. Thế thì các học thuyết xã hội chủ nghĩa rao giảng những gì nhằm giải thoát con người khỏi sự lừa dối ấy? Đủ mọi kiểu liên hiệp liên kết vì lợi ích của thợ thuyền: nào hợp tác xã, nào đình công, nào sự quảng bá các học thuyết xã hội chủ nghĩa. Nhưng lẽ nào tất cả những biện pháp ấy có thể triệt tiêu được sự lừa dối, xóa bỏ được cái cảnh một số người thấy cần thiết đánh lừa người khác, còn những người ấy thì thấy cần thiết phục tùng sự đánh lừa ấy. Ta cứ giả định rằng một số người chuyên trách tổ chức xã hội, hãy để cho họ là những người theo chủ nghĩa xã hội, sẽ có khả năng chỉ định những luật lệ, mà cánh tư bản và tất cả dân tư hữu sẽ phải phục tùng. Song vấn đề là chưa bao giờ có, không thể có và sẽ không bao giờ có cái cục diện khi mà tất cả những người chuyên lo tổ chức xã hội lại đồng tâm nhất trí đi tới một kiểu tổ chức được mọi người xem là tốt nhất. Mà nếu không có được sự nhất trí như vậy, thì tất yếu sẽ phải dùng đến quyền lực (xưa kia thế nào, giờ đây vẫn thế), tức là bạo lực của những người này đối với những người khác. Để có bạo lực ấy, cần thiết phải tiếp tục sự lừa dối ấy, do có nó mà người ta cưỡng bức, hà hiếp chính mình theo ý chí của những người nắm quyền lực trong thời điểm ấy.

Đã có quyền lực thì, để là quyền lực, nó phải giúp sức cho sự lừa dối ấy bằng mọi hình thức lừa bịp và nhẫn tâm nhằm vào dân chúng bị lừa bịp: nó phải có nhà tù, thậm chí phải hành quyết, phải có cảnh sát, quân lính, tức là những người có bổn phận không suy luận thi hành mệnh lệnh, kể cả giết người. Song lẽ nào có thể giả thiết rằng với những hoạt động mang tính cưỡng bức như thế, mang tính conditio sine qua non(1) một quyền lực nào đó, bất kỳ nó là thế nào, có thể hỗ trợ cho lợi ích của dân chúng?

Thế thì cần phải làm gì, để cho loài người thôi phục tùng sự lừa dối ấy, thôi cưỡng bức, hà hiếp chính mình? Rõ ràng chỉ có một phương cách: liên hợp tất cả mọi người trong một luật sống chung cho tất cả, mà từ luật ấy sẽ thành hình cả tổ chức đời sống xã hội. và luật ấy sẽ lập tức xóa bỏ nguyên nhân chính của cái ác hiện tồn – của sự lừa bịp khiến cho con người cưỡng bức, hà hiếp chính mình và tạo điều kiện cho cánh tư bản tước đoạt của thợ thuyền thành quả lao động của họ. Chỉ cần con người hành xử theo luật tôn giáo – đạo đức không cho phép người cưỡng bức, hà hiếp người, không cho phép bất kỳ một sự tham gia nào vao cái bạo lực ấy, thì bạo lực, nguyên nhân chính của chế độ kinh tế bất công trong đời sống loài người, sẽ tự tiêu hủy.

“Đúng, sẽ là thế đấy, nếu mà tất cả mọi người đều từ chối tham gia bạo lực. Nhưng nếu chỉ một người từ chối đóng thuế, đi lính, thì có tác dụng gì”, sẽ có người nói lại. Nhưng người ấy đã từ chối không phải vì làm như thế có lợi hay không lợi cho anh ta. Anh ta đã từ chối tham gia bạo lực chống lại những người khác – đóng thuế, đi lính – không phải vì bằng cách ấy muốn đạt tới mục đích nào đó mà chỉ vì anh ta không thể hành xử một cách khác, mà anh ta không thể hành xử một cách khác bởi vì anh ta đã rút ra cái kết luận mà không một người nào có thể không rút ra từ cái luật đạo đức, nếu không phải là luật tôn giáo, mà ai ai cũng tuyên tín, mà không thừa nhận nó thì đời sống con người trở nên thấp hơn đời sống thú vật.

Và vì vậy cái quan trọng không phải là số lượng những người từ chối tham gia vào bạo lực, cái quan trọng là người ta từ chối vì cái gì? Và vì vậy một người từ chối sẽ mạnh hơn đến mức không thể so sánh với tất cả, dù là hàng triệu, những người hành hạ, giam giữ, xử tử một người đã từ chối ấy.

Và hành vi của anh ta sẽ có ý nghĩa hơn, phong phú hậu quả hơn tất cả những diễn từ tại nghị viện, những đại hội hòa bình, đại hội của phong trào xã hội chủ nghĩa có thể có – tất cả các trò tiêu khiển và phương tiện che giấu chân lý khỏi chính mình. Và các chính phủ và cánh tư bản biết rất tốt cái đó. Biết bằng bản năng tự vệ, vì thế khắp nơi, thậm chí cả ở Nhật Bản, họ đều cấm đoán những tài liệu tuyên cáo cái chân lý giản đơn và mọi người đều biết ấy và bỏ tù những người bằng cuộc đời mình tuyên tín nó. Họ không thể không biết, bởi vì vấn đề sống còn đối với họ nằm ở đấy. Vấn đề sống còn đối với họ nằm ở sự tuyên bố hay không tuyên bố cái chân lý giản dị nói rằng mọi người, giống như tất cả những người khác có lý trí và năng lực thương yêu, không ai cần phải hiến thân làm nô lệ trong nhiều năm trời cho những người xa lạ với nó và dưới sự hướng dẫn của họ học giết người và giết những người mà nó được lệnh giết, và không những không có sự cần thiết nào hết để phải làm việc ấy mà đó còn là việc ác độc nhất, trái với ngay cả một lương tâm ít mẫn cảm nhất và ngoài ra còn độc hại nhất cho ai đồng ý làm việc ấy cũng như cho tất cả những anh em của nó.

Đấy, chính cái ý thức đương bừng tỉnh ấy, chứ tuyệt không phải chủ nghĩa xã hội, đáng sợ đối với các chính phủ và các nhà tư bản. Còn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nghị trường và mọi thứ đại hội thì, ngược lại, có lợi cho các chính phủ và cánh tư bản: tất cả những thiết chế ấy với những lối diễn thuyết, tranh luận phức tạp, chỉ che giấu một cách hữu hiệu nhất khỏi mắt loài người nguyên nhân chính của cái ác, mà họ cho rằng họ đang đấu tranh chống lại nó.

Đúng, loài người trong cái gọi là thế giới Kitô giáo của chúng ta hết thảy đều sống bằng mê tín; mê tín giáo hội, mê tín nhà nước, mê tín khoa học, mê tín cải cách, mê tín ái quốc, mê tín nghệ thuật, mê tín tiến bộ, mê tín chủ nghĩa xã hội. Mà tình hình không thể khác được: khi không có tín ngưỡng, thì không thể không có những mê tín dị đoan. Mà tín ngưỡng thì không có nữa. Thế giới Kitô giáo đã sống qua đạo Kitô dưới những hình thức thô lậu đã được thể hiện và đang được thể hiện trong đạo công giáo, đạo chính thống, đạo tin lành. Và điều đó sẽ chẳng sao, nếu mà mọi người hiểu được rằng họ cần có tôn giáo, song vì đã sống qua cái đạo Kitô giáo hội không đáp ứng được những đòi hỏi của họ cho nên họ phải dùng mọi sức để tìm ra những cơ sở hữu lý của đời sống, mà trên đó họ có thể tạo dựng cuộc sống của mình.

Nhưng bất hạnh thay, trong thế giới Kitô giáo của chúng ta đã xảy ra một điều, mà điều này đã che giấu và đang che giấu đi khỏi mắt nhân quần cái tình trạng khốn đốn của họ - che giấu một thời gian thôi, bởi vì tình trạng khốn đốn ấy sẽ làm tỉnh ngộ mọi người – đã xảy ra một điều, đó là khi đã đánh mất cái cơ sở chính của đời sống – tôn giáo, thì lẽ ra người ta phải hướng mọi sức lực vào việc xác lập lại những cơ sở tôn giáo ấy, mà không có chúng thì loài người chưa bao giờ sống và không thể nào sống được, đằng này thế giới Âu Châu được gọi là có học của chúng ta lại mừng quýnh lên rằng không còn tôn giáo nữa và quyết định rằng tuyệt chẳng cần đến nó nữa, rằng chúng ta đã đứng cao hơn tất cả những điều mê tín dị đoan thô thiển của các giáo thuyết nào đó. “Chỉ những người mọi rợ cưỡi trâu cưỡi bò xưa kia mới cần tôn giáo, còn chúng ta đứng cao hơn cái đó nhiều. Chúng ta có tiến bộ, có tiến hóa, có thuyết nguyên tử, có ête, có radium, chúng ta không những nous faisons de 60 à l’heure(1), nhưng đã bay qua Alpes, đi dưới nước, có điện ảnh, điện thoại, máy hát, điện tín không giây. Cần gì nữa? Còn những chuyện như có những nhà tỉ phú không biết đầu tư vốn liếng của mình vào đâu nhưng lại trong khi ấy có hàng triệu công nhân thất nghiệp mong chờ việc làm như chờ phát chẩn, và hàng năm người ta chi 13 tỉ cho chạy đua võ trang, và hàng triệu người mang súng ống, theo ý chí của một vài người bất cứ lúc nào cũng có thể bắt đầu giết nhau hàng trăm nghìn người – tất cả cái đó không quan trọng, bởi vì tất cả cái đó sẽ bị xóa bỏ bởi chủ nghĩa xã hội và bởi những đại hội hòa bình mà chúng ta chăm chỉ tổ chức. Còn cần tôn giáo nào nữa. Với bậc phát triển cao chót vót của chúng ta hiện nay thậm chí nực cười nói về những chuyện dại dột đã lỗi thời như thế”.

Đúng, thật đáng kinh ngạc trước sự mông muội của cái gọi là xã hội có học của chúng ta!

Cho nên cuối cùng der langen Rede kurzer sinn(2) là như sau. Các bạn, những thanh niên, những con người của thế kỷ XX, những con người của tương lai, nếu các bạn quả thật muốn thực hiện sứ mệnh con người cao cả nhất của mình, thì các bạn cần phải giải phóng mình, thứ nhất khỏi điều mê tín nói rằng các bạn biết xã hội loài người trong tương lai sẽ phải thâu thái hình thức nào, thứ hai, khỏi mê tín vào chủ nghĩa ái quốc, Séc hoặc Slavơ cũng thế, thứ ba, khỏi mê tín khoa học, tức là khỏi sự tín nhiệm mù quáng tất cả những gì mà người ta truyền thụ cho các bạn dưới nhãn chân lý khoa học, trong đó có những thuyết kinh tế và những thuyết xã hội chủ nghĩa khác nhau, thứ tư, khỏi cái mê tín chính, nguồn gốc mọi tai họa của thời đại chúng ta – nó nói rằng tôn giáo đã hết thời, tôn giáo là việc của quá khứ. Sau khi đã giải phóng bản thân khỏi những mê tín ấy, các bạn trước hết cần phải cố gắng suy ngẫm về tất cả những gì mà các nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại đã làm để xác định những cơ sở chân chính, những cơ sở tôn giáo của đời sống, và khi đã tiếp thụ cái thế giới quan hữu trí, thế giới quan tôn giáo, thì thực hiện những đòi hỏi của nó, không phải để mà các bạn hoặc bất kỳ ai đó đạt được mục đích xác định, mà để thực hiện cái sứ mệnh con người của mình, còn nó, không nghi ngờ gì, sẽ dẫn dắt đến cái đích chúng ta không biết được nhưng rõ ràng tốt đẹp./.

                                                                                            [1910]

                                                               Phạm Vĩnh Cư dịch

 


(1) Điều kiện nhất quyết (Latinh) – N.D.

(1) Chúng ta làm 60 km một giờ (tiếng Pháp) – N.D.

(2) Ý nghĩa tóm tắt của những suy luận dài dòng (tiếng Đức) – N.D.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513536

Hôm nay

29

Hôm qua

2313

Tuần này

21473

Tháng này

220409

Tháng qua

121356

Tất cả

114513536