Trong những năm gần đây, “giá trị đạo đức” là thuật ngữ xuất hiện với tần suất lớn trên các sách báo và tạp chí. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là chúng ta mới chủ yếu tập trung phân tích, luận giải các giá trị đạo đức cụ thể của đời sống đạo đức, mà hầu như ít bàn đến giá trị đạo đức với tư cách một khái niệm khoa học. Đây là một thiếu sót không nhỏ vì khái niệm là công cụ, phương tiện để nhận thức các đối tượng và do đó, nhận diện các giá trị đạo đức cụ thể một cách khách quan, khoa học nhất thiết phải dựa trên quan niệm thống nhất về “giá trị đạo đức”.
Giá trị là phạm trù được bàn đến và sử dụng từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng, bắt đầu bằng quan niệm lợi ích của các nhà triết học cổ đại, như Xôcrát, Platôn, tiếp tục được phát triển ở thời kỳ trung cổ và cận đại. Tuy nhiên, phải đến tận nửa sau thế kỷ XIX những vấn đề về bản chất, cấu trúc của giá trị, vị trí của các giá trị trong hiện thực mới được nghiên cứu với tư cách là lý luận về giá trị. Ở Việt Nam, vấn đề giá trị mới được quan tâm từ khoảng những năm 80 của thế kỷ XX. Theo nhận xét của tác giả Hồ Sĩ Quý, hầu hết các nhà nghiên cứu đầu ngành của khoa học xã hội đều ít nhiều đã tham gia bàn luận về giá trị, giá trị văn hóa, giá trị đạo đức. Có thể kể đến một số tên tuổi tiêu biểu cho những bàn luận này, như Trần Văn Giàu, Trần Đình Hượu, Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Văn Huyên... Tuy nhiên, “đi vào chi tiết vấn đề có thể nói còn khá tản mạn”([1]). Nhìn chung các học giả Việt Nam mới chỉ tập trung làm rõ các giá trị đạo đức cụ thể trong đạo đức truyền thống hoặc đạo đức mới, chứ chưa bàn đến giá trị đạo đức với tư cách một khái niệm. Cũng có một vài quan niệm đề cập đến khía cạnh này nhưng chỉ là sự tiếp cận bước đầu, còn hạn chế nhất định và chưa có sự thống nhất. Giá trị đạo đức, theo tác giả Mai Xuân Hợi, “là những cái được con người lựa chọn và đánh giá như việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình và dư luận biểu dương”(2). Quan niệm này mới chỉ bàn đến giá trị đạo đức từ phương diện lựa chọn, đánh giá của con người, tức là phương diện chủ quan của giá trị đạo đức. Theo tác giả Ngô Toàn, giá trị đạo đức là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hoá hành vi con người(3). Quan niệm này không đề cập đến mặt chủ quan của giá trị đạo đức, đồng nhất giá trị đạo đức với đạo đức.
Giá trị đạo đức, nhìn từ góc độ cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là một hình thái của giá trị tinh thần, có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau với các giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị chính trị… Về bản chất, bước đầu có thể khái quát những nội dung chính về giá trị đạo đức: thứ nhất, giá trị đạo đức mang tính xã hội. Thực ra, nói đến giá trị là giá trị xã hội, mang tính xã hội. Ngay cả những giá trị riêng biệt (của sự vật, hiện tượng) hay giá trị cá nhân đều được quy chiếu bởi cái chung, bởi sự thừa nhận, đánh giá của xã hội. Giá trị đạo đức cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó. Vì vậy, trong đời sống đạo đức từ cổ chí kim, dù ở phương Đông hay phương Tây thì vẫn có thể tìm thấy sự tương đồng của những giá trị đạo đức cơ bản, như yêu lao động, trung thực, nhân ái...
Thứ hai, giá trị đạo đức có tính lịch sử cụ thể. Chúng ta biết rằng, lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức; vì vậy, chỉ khi nào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi con người phù hợp với lợi ích xã hội, được dư luận đồng tình ủng hộ thì mới có giá trị. Theo đó, trước hết giá trị đạo đức được xác định bởi mức độ phù hợp của những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đối với lợi ích xã hội, với yêu cầu của tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, lợi ích xã hội và yêu cầu của tiến bộ xã hội lại có tính lịch sử, nghĩa là mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể xã hội lại có những yêu cầu riêng về lợi ích và sự tiến bộ xã hội, do đó, giá trị đạo đức cũng có tính lịch sử - cụ thể. Ph.Ăngghen cho rằng, lời răn đạo đức “không được trộm cắp” chỉ có giá trị ở các xã hội có chế độ sở hữu tư nhân về động sản, còn “trong một xã hội mà mọi động cơ đẩy tới trộm cắp đều bị loại trừ, do đó dần dần hầu như chỉ có những người mắc bệnh tâm thần mới phạm tội trộm cắp, thì một nhà truyền bá đạo đức nào muốn trịnh trọng tuyên bố cái chân lý vĩnh cửu: không được trộm cắp, sẽ bị người ta chê cười”(4). Hơn nữa, với tính cách một hình thái của ý thức xã hội, ý thức đạo đức có cơ sở trực tiếp là các điều kiện của tồn tại xã hội. Ph.Ăngghen viết: “Chúng ta khẳng định rằng xét cho cùng mọi học thuyết đạo đức đã có từ trước tới nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế - xã hội lúc bấy giờ” và “từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm đạo đức biến đổi đến mức thậm chí đối lập nhau”(5). Chính ở đây, những điều kiện lịch sử cụ thể quy định chặt chẽ sự xuất hiện, tồn tại và biến đổi của các giá trị đạo đức.
Thứ ba, giá trị đạo đức là sự bộc lộ thái độ của cá nhân, nhóm xã hội, tập đoàn xã hội về lợi ích. Chính trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội, các giá trị đạo đức xuất hiện với tư cách sự nhìn nhận, đánh giá của cá nhân, cộng đồng trước những quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, hành vi ứng xử. Sự nhìn nhận, đánh giá này chịu sự chi phối trực tiếp của lợi ích và ở đây dường như giá trị đạo đức mang tính chủ quan. Điều này lý giải tại sao một hành vi đạo đức là giá trị đối với một cá nhân, một cộng đồng này mà chưa hẳn là giá trị, thậm chí là phản giá trị đối với một cá nhân, một cộng đồng khác. Giá trị đạo đức, giống như các giá trị nói chung, “là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng ẩn hay hiện cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng tới việc lựa chọn các phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động”(6). Đương nhiên, ở mọi thời đại, mọi nền văn hóa thì hành vi giết người là một tội ác nhưng tiêu diệt kẻ thù trong chiến tranh để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc thì lại không được nhìn nhận như vậy.(5)
Thứ tư, giá trị đạo đức gắn với hoạt động thực tiễn của con người, định hướng cho hành động của con người. Một mặt, các giá trị được hình thành, tồn tại, biến đổi trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người. Chính trong thực tiễn và chỉ có thông qua thực tiễn, các giá trị vật chất và tinh thần mới xuất hiện, biến đổi. Giá trị cá biệt của hàng hóa chẳng hạn. Với tính cách là sự kết tinh lao động trong hàng hóa, giá trị cá biệt của hàng hóa tỷ lệ thuận với hoạt động lao động tạo ra hàng hóa đó và chỉ có lao động mới tạo ra giá trị hàng hóa. Mặt khác, giá trị, đến lượt nó, lại giữ vai trò định hướng cho hoạt động thực tiễn của con người. Ví dụ, trong sản xuất hàng hóa, khi giá trị cá biệt của hàng hóa lớn hơn giá trị xã hội thì buộc người sản xuất phải có sự thay đổi về cách thức sản xuất. Tuy nhiên, ở đây, vai trò định hướng của giá trị đối với con người thể hiện sâu sắc hơn qua các giá trị đạo đức. Mỗi cộng đồng người, do các đặc điểm về địa lý, văn hóa đều hình thành nên những mẫu nhân cách mang tính đại diện, là kết quả của sự định hướng giá trị. Người châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi "tự lực cánh sinh"' mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”. Nói rằng người châu Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác... có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác trong định hướng nhân cách của các cộng đồng này(7).
Thứ năm, giá trị đạo đức trừu tượng nhưng có thể nhận thức và noi theo, thực hiện được. Dĩ nhiên, giá trị đạo đức không phải là cái chúng ta có thể dễ dàng nhận thức, càng không phải cái bằng trực quan mà hiểu nhưng như thế không có nghĩa nó là cái không thể nhận thức. Chẳng hạn, trọng tình nghĩa với tính cách một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, đương nhiên không hoàn toàn đồng nhất với các hành vi ứng xử tương ứng trong đời sống hàng ngày nhưng có thể nhận thức thông qua chính những hành vi đó. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân hoàn toàn có thể hiện thực hóa giá trị đó thông qua những cách ứng xử vị tha, nhân nghĩa trong quan hệ của họ với người khác và với xã hội.
Giá trị đạo đức, như đã trình bày ở trên, là một quan niệm vừa cụ thể, vừa trừu tượng và phức tạp. Về cấu trúc, giá trị đạo đức được xem xét với hai yếu tố là bản thân các quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc, hành vi ứng xử của con người và ý nghĩa tích cực đối với con người, với đời sống xã hội của những quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc, hành vi ứng xử đó.
Trước hết, không có giá trị đạo đức chung chung, trừu tượng mà là giá trị đạo đức nằm trong hoặc luôn gắn với những phẩm chất, chuẩn mực cụ thể. Các giá trị đạo đức, theo tác giả Phạm Văn Nhuận, được biểu hiện tập trung trong hệ thống phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cơ bản dùng để điều chỉnh thái độ, hành vi của con người mang ý nghĩa xã hội của nó(8). Chúng ta không thể nói đến giá trị đạo đức mà lại tách rời các quan niệm, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức; không thể nhận thức giá trị đạo đức mà không dựa trên cơ sở những quan niệm, chuẩn mực, phẩm chất đạo đức cụ thể. Chẳng hạn, đạo đức cách mạng với tư cách một giá trị sẽ trở nên trừu tượng, khó hiểu nếu không gắn với những chuẩn mực cụ thể - trung, hiếu, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư... Đạo đức cách mạng cũng sẽ trở nên sáo rỗng nếu không nhìn vào một nhân cách lớn với những phẩm chất đạo đức trong sáng đến tuyệt vời của Hồ Chí Minh. Một ví dụ khác - giá trị đạo đức quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam. Trước hết, giá trị đạo đức quân nhân phải là bản thân những quan niệm về trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự quân nhân, về tình đồng chí, đồng đội, lòng dũng cảm, tinh thần kỷ luật... và các chuẩn mực, quy tắc ứng xử được hình thành trong môi trường hoạt động quân sự. Hơn nữa, chúng ta sẽ không thể hiểu gì về giá trị đạo đức quân nhân cách mạng nếu không nhìn vào những cống hiến, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nếu không có hình ảnh về anh “Bộ đội Cụ Hồ” dám xả thân vì nước, vì dân. Tuy nhiên, tiêu chí để đánh giá giá trị đạo đức rất khác biệt với quan niệm, phẩm chất, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức. Có thể khẳng định rằng, giá trị đạo đức không phải là bất cứ quan niệm, phẩm chất, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức nào, mà chỉ là những quan niệm, phẩm chất, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức đạt tới chân, thiện, mỹ. Quan niệm “trung quân” với sự đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối thậm chí đến mức mù quáng, không phân biệt đúng, sai, tốt, xấu, chính, tà của đạo đức phong kiến là một ví dụ. Hồ Quý Ly là một nhà quân sự tài ba nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến tranh chống quân Minh do không được sự ủng hộ của nhân dân mà căn nguyên, gốc rễ là quan niệm trung quân. Cũng chính vì quan niệm trung quân mà ở nhiều triều đại phong kiến vào hồi suy tàn luôn xuất hiện những bậc trung thần, dù thấy rõ sự thối nát của chế độ vẫn không thể thoát khỏi sức nặng của hai chữ “bất trung”, không dám tiến hành những cuộc lật đổ, thậm chí họ còn ra sức bảo vệ, duy trì cái bộ máy đã thối nát ấy. Sự trung quân một cách mù quáng trong nhiều diễn biến của lịch sử đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước mà thái độ bất hợp tác của các sĩ phu Bắc Hà đối với Quang Trung là minh chứng, một sự thật lịch sử có phần chua xót. Trung quân mù quáng như thế đương nhiên không thể là một giá trị đạo đức cho dù nó từng là một phẩm chất được đề cao trong xã hội phong kiến.
Giá trị đạo đức không tách rời những quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc, hành vi ứng xử cụ thể nhưng cũng không đồng nhất với quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức. “Đối với con người, thế giới hiện ra trong những khuôn thước, dù rằng bản thân nó (thế giới vô vàn những hiện tượng phong phú và phức tạp) không mang ý nghĩa (sang – hèn, hay – dở, tốt - xấu...) gì đối với chính nó”(9). Nói cho cùng, giá trị đạo đức là giá trị của các quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc, hành vi ứng xử trong tương quan với chủ thể đạo đức xác định. Từ phương diện này, đạo đức cách mạng với tư cách giá trị không chỉ là những chuẩn mực trung, hiếu, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư - những phẩm chất cơ bản của đạo đức Hồ Chí Minh mà quan trọng hơn, còn là ý nghĩa của những phẩm chất đó đối với mỗi người, đối với đời sống đạo đức dân tộc và nhân loại. Cũng giống như vậy, trong Quân đội nhân dân Việt Nam, giá trị đạo đức quân nhân cách mạng gắn liền nhưng không hoàn toàn đồng nhất với phẩm chất đạo đức, chuẩn mực đạo đức quân nhân. Giá trị đạo đức quân nhân còn là toàn bộ ý nghĩa tích cực của những quan niệm về trách nhiệm, nghĩa vụ, danh dự quân nhân, về tình đồng chí, đồng đội, lòng dũng cảm, tinh thần kỷ luật... và các chuẩn mực, quy tắc ứng xử tốt đẹp và đúng đắn khác đối với quân nhân và với đời sống xã hội. Về thực chất, từ phương diện này, giá trị đạo đức quân nhân chính là sự cảm nhận, đánh giá của quân nhân cũng như của xã hội đối với những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng. Quá trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hơn 60 năm qua đã khẳng định những giá trị tiêu biểu của người quân nhân cách mạng, thể hiện tập trung và sinh động trong hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó chính là sự ghi nhận, sự tôn vinh của xã hội dành cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội bởi phẩm chất, nhân cách của họ. Bốn tiếng “Bộ đội Cụ Hồ” tạo cho nhân dân cảm giác yên tâm, tin tưởng, cảm thấy sự gần gũi, thân thương, trìu mến; đồng thời, khiến mỗi cán bộ chiến sĩ luôn cảm thấy vinh dự, tự hào và có trách nhiệm cao hơn. Như vậy, bản thân các quan niệm, chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức chỉ trở thành giá trị đạo đức khi nó có ý nghĩa tích cực đối với chủ thể đạo đức xác định là cá nhân hay cộng đồng người trong một thời đại, một nền văn hoá và một bối cảnh lịch sử nhất định nào đó.
Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu giá trị đạo đức là toàn bộ những quan niệmvề thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng... và các chuẩn mực, quy tắc ứng xử được con người đánh giá, lựa chọn, cũng như ý nghĩa tích cực của những quan niệm,chuẩn mực, quy tắc ứng xử đó đối với con người và đời sống xã hội...
Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta bên cạnh những mặt tích cực cũng đã xuất hiện những hậu quả ngoài mong muốn, làm cho sự đan xen, hòa quyện giữa các giá trị và phản giá trị trong đời sống đạo đức xã hội vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn. Đã xuất hiện tình trạng “nhiễu” trong việc lựa chọn, tiếp nhận, thẩm định giá trị đạo đức. Điều này cùng với những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đã tạo ra cộng hưởng tiêu cực, dẫn đến sự suy thoái đạo đức xã hội, làm đảo lộn trật tự thang giá trị xã hội trong một bộ phận xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên chính là sự nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về các giá trị đạo đức, trước hết là sự thiếu thống nhất trong quan niệm về “giá trị đạo đức”. Những ý kiến trong bài viết này chỉ là những suy nghĩ bước đầu, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự góp ý của những người quan tâm để tiếp tục đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện.
([1]) Hồ Sĩ Quý. Về giá trị và giá trị châu Á. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.152.
([2]) Mai Xuân Hợi. Giá trị đạo đức và sự biểu hiện của nó trong đời sống xã hội. Tạp chí Triết học, số 9-2006.
(3) Ngô Toàn. Giá trị đạo đức - giá trị bản thân và giá trị xã hội. Xem www. Chungta.com, ngày 11-3-2006.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.137.
(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.135-137.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.135-137.
(7) Hồ Sĩ Quý. Sđd., tr.160.
(8) Phạm Văn Nhuận. Định hướng giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong hội nhập ASEAN hiện nay. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 24-2-2006.
(9) Hồ Sĩ Quý. Sđd., tr.41.
Nguồn: t/c Triết học