Những góc nhìn Văn hoá
Phản hồi TS Phạm Vĩnh Cư về bài "Hành trình tư tưởng của Tolstoi"
Với tư cách một độc giả trung thành của "Văn hoá Nghệ An" sống ở Paris, tôi xin góp ý kiến phản hồi TS Phạm Vĩnh Cư về bài " Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay " đăng trên quý báo cách đây hơn 1 tháng. Trước hết tôi xin nói: trong số những nhà Tolstoi học trên thế giới rất ít người viết về tư tưởng nhà đại văn hào này. Phạm Vĩnh Cư là 1 trong số những người đó.
Đọc bài của PVC tôi không thể không thán phục sự hiểu biết rộng rãi của tác giả, không những về ngôn ngữ văn chương Nga, văn chương Tây phương, mà còn về triết học, thần học. Nhưng cũng chính vì tác giả quá uyên bác, đưa ra những chứng dẫn và những suy luận không khác gì trong một bản luận án dành cho các bậc học giả, vượt quá tầm hiểu biết của những người đọc có trình độ trung bình như tôi, nên những ý kiến phản hồi này cũng cần được TS Phạm Vĩnh Cư coi như phản ánh 1 phần nào trình độ lĩnh hội của 1 số độc giả :
1) Tolstoi, nghệ sĩ ngôn từ, người thày tư tưởng, cầu nối đầu tiên cho cuộc hội nhập Đông - Tây :
- Phạm Vĩnh Cư khẳng định Tolstoi là "một trong những người nghệ sĩ ngôn từ lớn nhất của loài người". Tôi thì nghĩ nên dành danh vị này cho các thi hào, những người sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình, như Homère, Virgile, Bạch Cư Dị, Shakespeare, Dante, Goethe, Victor Hugo, Nguyễn Du.
- PVC đưa ra nhận định rất đúng, phương Tây (độc giả phương Tây) từ trước tới nay chỉ coi Tolstoi như "1 nhà văn kỳ tài và là 1 triết gia yếu kém" Theo tôi Tolstoi không phải là 1 nhà văn kỳ tài mà là 1 đại văn hào, vượt xa Zola cùng thời, trội hơn Balzac về diễn tả xã hội và nội tâm con người. Văn chương Tolstoi lột tả cái phần cốt lõi của con người bất di bất dịch trong bất cứ xã hội và chế độ nào từ xưa tới nay và cho đến tận thế. Con người của Balzac chỉ giới hạn trong xã hội tiểu tư sản thế kỷ thứ XVIII - XIX. Nhưng không phải vì định kiến hay vì theo thời mà phương Tây coi Tolstoi là một triết gia yếu kém so với Nietzsche, Heidegger, Sartre, Derrida... Một nhà văn hào, một nhà tư tưởng không nhất thiết phải là 1 triết gia. Vả lại, trừ những nhà đại hiền triết Hi Lạp, đức Phật, Khổng Tử, thời thượng cổ, và một vài nhà triết học như Hegel, Kant, Heidegger thời cận đại, triết gia nào cũng chỉ nổi tiếng 1 thời rồi sẽ bị rơi vào quên lãng. Mấy người bây giờ biết thuyết hiện sinh của Sartre là gì và biết Sartre là ai nếu Sartre không phải là 1 nhà văn? Tây phương từ sau tháng Năm 68 rất ngán những "nhà tư tưởng", những lí thuyết triết học bị biến thành những chủ nghĩa. Ở những nước dân chủ, mọi người dân có đủ kiến thức, đủ suy xét độc lập để không cần được hướng dẫn bởi những lãnh tụ "anh minh", những nhà tư tưởng "vĩ đại". Tôi nghĩ là "những người công dân Hoa Kỳ có học" tưởng nhớ tới Lincoln hơn là Tolstoi khi bầu cho Obama. Nhưng tôi cũng nghĩ như PVC là tương lai dân tộc Nga, văn hoá Nga, phụ thuộc một phần nào sự "trở về" của tư tưởng Tolstoi có được đón nhận lâu dài và có được thấu hiểu hay không. Tư tưởng của Tolstoi cũng cần được đón nhận ở những nước chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng văn hoá Liên Xô khi trước để thay thế sự sụp đổ của nền văn hoá này. Vì vậy những công trình, những dịch thuật của TS Phạm Vĩnh Cư về văn chương, triết học, và đạo giáo nước Nga thời tiền Liên Xô rất đáng được hoan nghênh.
- PVC nhắc lại câu nói của Romain Rolland năm 20 thế kỷ XX: "Tolstoi - nhà tư tưởng, cầu nối đầu tiên cho sự hội nhập tinh thần Đông - Tây", mà không giải thích ý nghĩa câu nói:
Trước hết, "Đông" là đâu? Thời nào? Đầu thế kỷ thứ XX ở Ấn độ với Gandhi, hay thời Lão Tử ở Trung Quốc với thuyết vô vi mơ hồ của Đạo Đức kinh ?
Từ đầu thế kỷ thứ XX, ngoại trừ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo tinh thần của Gandhi đấu tranh ôn hoà, Trung Quốc luôn luôn dưới ách các tướng lãnh quân phiệt (Junfá) tranh chiến liên miên như thời Chiến quốc, thời Xuân Thu, thời Tam quốc. Chủ nghĩa quân phiệt cũng ngự trị ở Nhật bản từ thời Minh Trị cho tới khi bại trận 1945. Chủ nghĩa này cũng chỉ là sự tiếp tục của chế độ Tướng quân (Mạc phủ) từ thời Trung cổ, luôn luôn dựa vào võ lực để củng cố uy quyền.
Trái lại từ sau Thế chiến thứ 2, tư tưởng "phi bạo Lực" của Tolstoi đã được tiếp nhận ở Tây phương: hướng dẫn Luther King trong cuộc đấu tranh bất bạo động đòi nhân quyền cho người da đen, tạo ra những phong trào phản chiến, trốn lính, chống chiến tranh ở Việt Nam trong những thập niên 60-70. Tư tưởng Hoà bình bằng bất cứ giá nào của Tolstoi cũng đã là nguồn cảm hứng cho những cuộc biểu tình ở Tây phương chống chiến tranh ở Irak, ở Afghanistan, mặc dầu những cuộc chiến tranh này chỉ có mục đích kinh tế: Mỹ muốn độc quyền khai thác dầu hoả ở Irak, ở Koweit, ở Trung Á thuộc Liên Xô khi trước, với triển vọng đặt ống dẫn dầu từ Trung Á thẳng tới Ấn độ dương.
Có thể nói tư tưởng hiếu hoà của Tolstoi cho tới bây giờ cũng chỉ được đón nhận và phổ cập ở phương Tây, đi song song với những ý niệm tự do phóng khoáng mà điển hình là phong trào Hyppie "Peace and Love", với sự hạn chế và giám sát quyền lực chính trị, với sự thành hình của các tổ chức phi chính phủ : Green Peace, Y sĩ không biên giới, Bảo vệ nhân quyền, Ân xá thế giới, Phóng viên không biên giới... Romain Rolland đã tiên lượng đúng nếu câu nói của nhà văn này được hiểu theo nghĩa là những ý tưởng của Tolstoi về bảo vệ thiên nhiên, đòi quyền bình đẳng con người bất phân biệt chủng tộc, chống lại mọi quyền lực chính trị, tôn giáo mà PVC gọi là Chủ nghĩa vô chính phủ của Tolstoi... , đã được thực hiện ở phương Tây, đã trở thành những giá trị của phương Tây và sẽ là nhịp cầu giúp Đông (Trung Quốc) hội nhập với Tây chứ không phải là ngược lại.
2) "Tư tưởng nhân dân" trong Chiến tranh và Hoà bình và "Tư tưởng gia đình" trong Anna Karenina có dịch đúng nghĩa những từ tiếng Nga của Tolstoi không?:
Trước hết tôi thấy Phạm Văn Cư hơi thái quá khi cho lối suy luận của Tolstoi "Hoặc là tất cả hoặc không có gì", phải vứt bỏ mọi liên kết, liên minh trung gian, cục bộ, để đoàn kết toàn thể nhân loại, thực hiện ý tưởng hoà bình cho toàn thể nhân loại là cực đoan (extrémiste). Tolstoi khi đưa ra tôn chỉ Đoàn kết toàn thể nhân loại không phải để đấu tranh bằng võ lực để tự phản lại tư tưởng hiếu hoà của mình, màcó lẽ chỉ mong muốn có sự liên đới (solidarnocs) trong tình tương thân tương ái giữa mọi dân tộc. Nếu hiểu như vậy Tolstoi không phải là người "cực đoan" mà chỉ là người quá "tuyệt đối" (absolu) trong cách cư xử "không khoang nhượng"
- Tư tưởng nhân dân (trong Chiến tranh và Hoà bình): PVC giải thích "tư tưởng nhân dân" chỉ là cách dịch chữ tổ từ "mysl'narodnaja". Muốn hiểu đúng nghĩa tổ từ này phải hiểu nghĩa những từ căn (etymon) của nó là "na" và "rod", "rodit'sja", priroda ... và chỉ có thể diễn tả bằng 1 câu tiếng Việt rất dài trong đó nhân dân là 1 bộ phận của loài người trong quan hệ với cái tự nhiên, cái bản thể. Tôi thấy không nên dùng từ ngữ "nhân dân" đã quá bị chính trị hoá trong ngôn ngữ hiện thời ở Việt Nam, có thể tạo ra sự hiểu lầm. Có những từ Hán-Việt gần nghĩa với tổ từ tiếng Nga hơn như "nhân bản", "dân bản". Dịch "Tư tưởng nhân bản" sát nghĩa hơn là "tư tưởng nhân dân".
- Tư tưởng gia đình: (trong Anna Karenina ): Tiếc là PVC không để nguyên văn từ ngữ tiếng Nga rồi phân tích như với tổ từ "mysl'narodnaja" trên để người đọc biết Tolstoi muốn mọi người hiểu "tư tưởng gia đình" theo nghĩa nào. Theo tôi "tư tưởng" là một khái niệm thuần lí trí khó có thể đi đôi với gia đinh là tình cảm, nếu không muốn nói là tình yêu trong sự kết hợp người đàn ông với người đàn bà (theo quan niệm lãng mạn hiện diện rất nhiều trong văn chương Tolstoi, nhất là trong Anna Karenina). Tiếng Việt có những từ ngữ đượm tình hơn như "tình nghĩa vợ chồng", "tình đôi lứa", vừa ngắn gọn vừa thắm thiết.
3) Tolstoi, người đi tìm ý nghĩa cuộc sống, đã trở thành người đi tìm Tình yêu trong lòng Thượng đế:
- Trong phần Hai bài luận thuyết, Phạm Văn Cư nhắc lại cuộc khủng hoảng của Tolstoi ở tuổi 50 trước viễn cảnh cái chết đã là điểm khởi đầu cho hành trình tư tưởng của Tolstoi trong sự đi tìm ý nghĩa của cuộc sống qua Thượng đế. Phải công nhận là trong phần này PVC đã tỏ ra rất quán triệt về những tín điều của Ki Tô giáo nói chung và đạo Chính thống Nga nói riêng, đặc biệt về ý niệm Chúa Sáng tạo, Chúa Ba ngôi, Chúa Cứu thế chuộc tội loài người mà theo PVC, Tolstoi phủ nhận tất cả tuy vẫn khẳng định mình là người Ki Tô giáo:
PVC cho Tolstoi khác với Dostoieski ở chỗ chỉ coi Ki Tô là Người, không có bản chất Trời (nature divine) như trong tín điều Chính thống giáo. PVC cũng cho Tolstoi khác với Soloviev vì không coi Ki Tô là Thần-Nhân trong lí thuyết Thần-Nhân loại (Chúa đã hoá thần mọi tạo vật).
Tôi thì nghĩ Tolstoi rất gần Soloviev khi nói: "Bản nguyên tinh thần không chỉ ở trong tôi mà ở tất cả các vật sống khác, không bị giới hạn bởi cái gì mà tôi gọi là cái tâm thức vô giới hạn ấy là Thượng đế" (Tự nhủ 1909). Solovev quan niệm "thế giới như một tha thể (thể khác) của Thiên Chúa mà không có nó thì Chúa không tồn tại bởi lẽ "Chúa là Tình yêu", Chúa sống trong thể khác của mình và vì nó" (PVC Sáng tạo và Giao lưu tr. 354). Tolstoi cũng khẳng định "Chúa là Tình yêu" tất nhiên là đã gián tiếp công nhận những ý niệm của Ki Tô giáo: "Chúa Sáng tạo" thế giới vì Tình yêu. "Chúa Ba ngôi", Ngôi 2 Cứu thế nhập xác thành người để chuộc tội nhân loại cũng vì tình yêu. Thật ra tiếng Việt dịch sai ý niệm Trinité (Tam thể tính) khiến có sự hiểu lầm là Chúa có 3 ngã vị. Trong đạo Phật cũng có thuyết Ba thân, không có nghĩa là 3 Phật. Các nhà thần học Công giáo từ Vatican 2 chỉ lập lại những suy nghĩ của Tolstoi là Thiên chúa đã tạo ra vạn vật và con người vì Tình yêu. Những ý niệm này cũng không khác xa ý niệm Bản Thể Tuyệt đối Brahman trong Ấn độ giáo nguyên thủy, Phật tính và ý niệm Bồ tát trong đạo Phật.
- Cũng theo PVC: trong quan hệ giữa linh hồn và thân xác, Tolstoi về già thiên quan niệm "thân xác không có giá trị bản thể nào và chỉ là chướng ngại vật cản trở linh hồn con người tụ hợp với linh hồn khác và với thượng đế... Giáo thuyết của Ki Tô giáo trong vấn đề này xem ra tính nhiều hơn đến khác vọng cháy bỏng cho cả nhân loại về sự bất tử cho cả linh hồn lẫn thể xác". Tolstoi không tin là có phục sinh của thân xác (La Résurrection) nhập lại với linh hồn trước khi có Phán xét cuối cùng (Le Jugement dernier), và có lẽ vì vậy bị Giáo hội Chính thống rút phép thông công. Nếu Tolstoi còn sống ở đời này thì có thể chấp nhận tín điều này theo diễn giảng của cuốn Giáo lý Công giáo sau Vatican 2 là trong con người tinh thần (linh hồn) và thể xác (vật chất) không phải là 2 bản chất bị hợp với nhau (2 natures unies) mà là sự hợp nhất thành 1 bản chất duy nhất (leur union forme une unique nature) ngay từ khi tạo ra con người. Nói 1 cách nôm na là vật chất và tinh thần chỉ là một trong mỗi cá nhân con người nên khi sống lại mỗi con người lấy lại sự hợp nhất đó. Những khám phá mới của khoa Vật Lý Lượng tử về sự cấu tạo của các hạt sơ đẳng (những hạt tạo ra các nguyên tử, phần tử nhỏ nhất cấu thành mọi vật chất) từ những "li ti" phi vật chất như Quarks, Bosons... khiến không ai biết vật chất là gì nữa. Vật chất với tinh thần chỉ là cách nhìn 2 trạng thái cùng một bản chất như lưỡng tính Sóng - Hạt của một hạt sơ đẳng trong Cơ học lượng tử. Khi sống lại, thể xác mỗi con người có thể biểu hiện dưới 1 trạng thái khác nhưng vẫn có thể nhận ra được như trong những kinh nghiệm cận tử được khoa học chứng nhận là có thực.
Trong phần kết luận, PVC có vẻ đồng tình với câu khẳng định của nhà triết học Nga đương đại A.A. Guseinev: "Loài người còn phải lớn lên hơn nữa để tiếp nhận những tư tưởng của Tolstoi". Tôi thì nghĩ "lớn" ở đây không dành cho lí trí mà cho trái tim của mình. Tư tưởng của Tolstoi chỉ là những kêu gọi của một trái tim hướng về Thượng đế. Tolstoi đã nghe tiếng kêu gọi của trái tim gần 1 thế kỷ trước những người phản chiến, những người bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, những người chống chiến tranh, những người tranh đấu cho nhân quyền... Chỉ khác là những người này đã mất lần lần ý thức về Thượng đế (hiện nay chỉ còn 36% người Pháp tin là có Trời), nên đã thế tục hoá tư tưởng của Tolstoi.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513536
Hôm nay
29
Hôm qua
2313
Tuần này
21473
Tháng này
220409
Tháng qua
121356
Tất cả
114513536