Những góc nhìn Văn hoá

Về ba câu kết bài thơ Tống biệt hành

Trong văn chương, đặc biệtvới thơ, thường chứa đựng những ẩn số khiến không chỉ người đọc, mà ngay cả người làm ra nó có khi cũng không hiểu nổi bởi những ý tưởng biểu đạt thường nhiều hơn cái mà nó biểu đạt, trong điều kiện đó chỉ có bản thân câu thơ mới tự biết nó nói lên những gì mà thôi! Ba câu thơ kết thúc bài thơ Tống biệt hành nổi tiếng của Thâm Tâm cũng trong loạt những câu rắc rối mà mọi tranh cãi vẫn chưa nguôi trong sự tạm lắng giữa bao bề bộn:

                     Mẹ - thà coi như chiếc lá bay,

                    Chị - thà coi như là hạt bụi,

                    Em - thà coi như hơi rượu say.

Nói rắc rối, là vì ý Thâm Tâm ra sao, hầu như không rõ; còn với người đọc, thì tuy đã nghe thấy những kết luận rồì, nhưng nhiều người vẫn chưa an tâm, lí do là chưa hẳn  đã đúng. Kết luận ấy mọi người đã rõ: Ba câu thơ là những mất mát, đau thương, chia lìa hoặc của “người đi” dành cho người ở lại; hoặc của Mẹ, Chị và Em dành cho “người đi” qua những hình ảnh bi luỵ “chiếc lá bay”, “hạt bụi” và “hơi rượu say”! Rõ ràng với cách hiểu đó khiến người ta băn khoăn là phải, bởi người ta cần một sự tường minh chứ không chịu nghe theo cái lối nước đôi “hoặc nọ, hoặc kia” như thế. Ở đây tính đa nghĩa của thơ gần như khó được  người đọc chấp nhận, bởi bài thơ có những yếu tố tự sự, có nhân vật (dù là nhân vật trữ tình), cụ thể là  có kẻ đi, người ở, do vậy người đọc cứ muốn biết rõ ai buồn, và buồn cho ai trong mấy câu thơ kia, thêm vào đó còn là mức độ nỗi buồn sao tới mức bi thương, vô vọng đến thế?

Cùng tâm trạng trên với nhiều bạn đọc, chúng tôi vẫn nghĩ cách hiểu trên e không đúng, và cố gắng đi tìm cái cần tìm, và có thể chủ quan khi chúng tôi nói đã nhận thấy tia sáng trong con đường hầm tìm kiếm.  Điều

chúng tôi muốn nói, là ba câu thơ trên chính là con mắt nhìn của “người đi”, một cách nhìn nhằm giảm thiểu nỗi nhớ thương, xa xót của “người đi” trước những giọt nước mắt người ở lại. Người ra đi tự tạo ra một tâm thế “dửng dưng”, biết mọi người buồn lắm, nhưng cũng cứ “coi như” không, “coi như” những giọt lệ kia nhỏ xuống bởi những lí do khác chẳng dính gì tới cuộc chia tay, chẳng hề  buồn đau vì biệt li người đi, kẻ ở! Đó là nét ngang tàng của “trai thời loạn”, của người anh hùng gác tình riêng vì nghĩa lớn, sẵn sàng “da ngựa bọc thây” vào thời điểm đầy nhạy cảm của lịch sử. Con người có lúc cũng phải bày ra “cú lừa” vô hại rất cần thiết như vậy cho chính mình và người khác. Cái chữ “coi như” ở đây là một chọn lựa bản lĩnh của đấng nam nhi. Cách nhìn ấy đã làm “người đi” nhẹ lòng trên bước trường chinh, dẫu mọi nhớ nhung đâu phải vì thế mà phai nhạt trong lòng. Cách nhìn ấy cũng sẽ làm vợi bớt những giọt lệ của người ở lại, khi đọc thấy trong ánh mắt “người đi” một niềm lạc quan, không vướng bận gánh nặng gia đình ...

Ta thử đi vào cụ thể.

Chúng tôi cho rằng lối hiểu lâu nay coi “chiếc lá bay” là chia lìa, có thể không đúng với ý tác giả. Lá bay không phải lá vàng bay, không phải lìa cành, không phải lá rơi tan tác trong thơ tự cổ chí kim ta từng thấy. Bay ở đây rất chủ động, là sự vận động, khác hoàn toàn với rơi rụng, chết chóc; có thể sánh với hình ảnh “cánh hồng bay bổng tuyệt vời” của Nguyễn Du nói về người anh hùng Từ Hải khi dứt áo ra đi, chứ không phải là sự đứt gãy, dứt mình khỏi cành để tìm đến huỷ diệt. Lá bay trong bài thơ mang một vẻ đẹp đầy tráng khí của người ra đi trong mắt người Mẹ, dĩ nhiên ẩn đằng sau đó vẫn là nỗi nhớ thương trong lòng, dù câu thơ không đề cập đến nhưng người đọc phải hiểu! “Người đi” không muốn mang theo ảnh hình nước mắt Mẹ già nên dù biết Mẹ khóc thương nhiều, cũng cứ xem như không. “Người đi” cứ “coi như” Mẹ già xem bản thân mình là gốc cổ thụ, còn đưá con là chiếc lá từ đó bay xa, chứ không phải lìa rơi. Người Mẹ, đối tượng đặc biệt của nỗi nhớ nhung đã được anh dành cho sự bình tâm nhất, cứng cỏi nhất trong lòng mình. Anh cứ xem Mẹ coi chuyến “hành” của người con như chiếc lá rời cành bay xa, mang theo sự sống đến gieo trồng chồi xanh nụ biếc vào một miền đất mới; lá bay như phấn thông vàng phiêu du trong gió đi tìm đất lạ …Chữ không mới, nhưng cách tạo nghĩa thì rất mới, đầy sáng tạo và giàu sức sống.

Hai đối tượng còn lại được nhìn ở góc nhìn khác, trực diện. Người chị khóc “người đi” nhiều lắm, bởi thương đứa em lắm lắm. Chúng tôi không dẫn lại những câu thơ ở phần trên nói về điều này nữa, mà muốn đi ngay vào câu thơ “Chị - thà coi như là hạt bụi”. Tác giả không để cho“Người  đi” xem chị là hạt bụi trong nghĩa “thân cát bụi lại trả về cát bụi”; cũng không muốn chị có cái nhìn thê lương đó với đứa em. Theo chúng tôi, người chị dù đã khóc cạn lệ, người em biết, nhưng vẫn tự nhủ, tự động viên mình coi việc

người chị rơi chút nước mắt chỉ như bởi do con mắt vương phải hạt bụi mà thôi, đâu phải khóc mình ra đi. Nghĩa là anh cũng “nhẹ hoá” những giọt lệ trĩu nặng của người chị đi để vững bước lên đường. Lại thêm một “coi như” rất “dửng dưng” và cần thiết nữa.

Cuối cùng, đứa em thơ. Quả tình lâu nay mọi người nói rất rành rọt hình ảnh “chiếc lá bay”, và “hạt bụi”, là mất mát, đau đớn; nhưng đến “hơi rượu say” thì cứ loanh quanh, bí bách, bởi chẳng tìm đâu ra mối liên hệ với sự đau đớn, chia lìa trong đó. Điều này cho thấy cách hiểu truyền thống kể trên không đủ sức thuyết phục.

Vậy hình ảnh “hơi rượu say” nơi đứa em thơ là gì? Phải chăng tác giả muốn diễn đạt chút bàng hoàng ở chú bé trước cuộc chia tay? Đứa em, trong con mắt anh, đỏ hoe đôi mắt bởi thương nhớ người anh đấy, cũng cứ “coi như” do môi nhấp chút rượu nồng khiến “đỏ mặt lên rồi chếnh choáng say” như nhà thơ Nguyễn Bính từng viết mà thôi, đâu có khóc bởi sự chia li!

Ba câu thơ, ba lần chữ “coi như” được lặp lại, rõ ràng đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Ba câu thơ là sự phát triển của tính cách “người đi” một cách nhất quán: đã ra đi là quyết dứt áo lên đường, dù nhớ nhung bao nhiêu cũng đành “coi như” không!

Thật thú vị khi Mẹ, Chị, Em, mỗi người tác giả dành cho một cái nhìn đúng “của họ”, không thể thay cho nhau được. Một đảo lộn nhỏ cũng làm trật tính nết nhân vật, đó là điều mà lối hiểu truyền thống không có, ví dụ theo cách hiểu xưa nay, ta có thể hoán đổi hình ảnh Mẹ và Chị cho nhau cũng chẳng sao ( Chị - chiếc lá bay ; Mẹ - hạt bụi).

Một vấn đề đặt ra, là cách nhìn “nhẹ hoá” nỗi đau chia li nói trên có thể đặt vào con mắt Mẹ, Chị và Em được không? Theo chúng tôi là khó, bởi đó là những đối tượng vốn mau nước mắt, mềm yếu; họ đã khóc nhiều ở những câu thơ trước đó rồi, làm sao lại có nổi con mắt rao hoảnh, “dửng dưng” kia được. Tóm lại, đó chỉ duy nhất là cách nhìn của đấng nam nhi bừng bừng khí thế ra đi vì nghĩa lớn. Phải đặt bài thơ trong không khí sôi sục lên đường, “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” của bậc trượng phu, mới thấy lối hành xử rắn rỏi, không chút uỷ mị của “người đi” trong mấy câu kết là tất yếu…

Bài thơ, như ai nấy đều biết, là đầy những câu ý tứ sâu xa, rất nhiều nghĩa chìm; vậy chẳng lí gì mấy câu kết lại chỉ có nghĩa đen trần trụi nếu chỉ hiểu như xưa nay (Mẹ như chiếc lá bay; chị như hạt bụi). Theo chúng tôi ba câu thơ ấy không nên nhìn với con mắt thực chứng, tách biệt với toàn bài, mà phải nhất quán trong mạch thơ cả bài, nghĩa là cũng “ý tại ngôn ngoại” như đã trình bày. Bởi vậy chúng tôi thấy vấn đề đáng được hiểu như thế, chữ nghĩa, hình ảnh trong ba câu thư thơ ấy nên hiểu như thế và xin đưa ra một lối lí giải như thế.

Xưa nay chúng ta coi ba câu thơ trên là cái kết bi thương, và xem  đó là một hạn chế, từ đó, bài thơ Tống biệt hành chỉ dừng lại nơi vị trí là cái vạch nối của thơ lãng mạn và thơ cách mạng như ai nấy đã rõ. Điều này xét đến cùng không mấy băn khoăn, song vấn đề ở chỗ bài thơ cần được hiểu đúng như những gì đã thể hiện./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513536

Hôm nay

29

Hôm qua

2313

Tuần này

21473

Tháng này

220409

Tháng qua

121356

Tất cả

114513536