Những góc nhìn Văn hoá

Giải mã Tây du ký (Kỳ 7)


Bốn Biển Không Yên Cơn Lửa Trẻ

Già đầu mà có khi thua con nít. Trong những cái trớ trêu của Tây Du, vẫn không loại trừ điều ấy. Mào đầu câu chuyện nghịch lý này, Ngô Thừa Ân liền dùng ngay hai chữ “trẻ thơ” để nói đến Hồng Hài Nhi.([1]) Nhưng đứa trẻ này quả thật chẳng phải tay vừa, “thằng bé” đã làm Lão Tôn điêu đứng, chẳng thể trị nổi!

Ngọn lửa trớ trêu

Chuyện đánh nhau với Hồng Hài Nhi phải kéo dài từ Hồi thứ Bốn Mươi qua đến hai hồi Bốn Mươi Mốt và Bốn Mươi Hai mới xong. Hồng Hài Nhi quả rất đáng sợ. Bề ngoài, y được miêu tả là một đứa trẻ nhỏ, “mình không áo giáp, chỉ mặc độc chiếc quần gấm thêu thắt ngang lưng, đi chân không”.([2])

Lai lịch Hồng Hài Nhi kể ra cũng khá rõ ràng. “Nó là con trai Ngưu Ma Vương. Mụ La Sát Nữ nuôi nấng nó. Nó đã tu ba trăm năm ở Hỏa Diệm Sơn. (...) Tên lúc bé của nó là Hồng Hài Nhi, hiệu là Thánh Anh Đại Vương.” ([3]) Y lại còn có quan hệ chú cháu với Tề Thiên vì lẽ xưa kia cha Hồng Hài Nhi là Ngưu Ma Vương và năm yêu quái khác có kết nghĩa anh em với Tề Thiên; họ Ngưu làm anh cả, Tề Thiên đứng hàng thứ bảy, tức là em út.([4])

Hồng Hài Nhi lại sở trường về chơi lửa; đồ nghề chuyên dùng của đứa nhỏ này còn có thêm năm chiếc xe nhỏ. Cách y nổi lửa cũng lạ đời. Thoạt tiên y cho bày xe theo phương vị ngũ hành: bên ngoài là bốn chiếc ứng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa; trung ương đặt một xe ứng với Thổ. Thế rồi “yêu tinh đứng trên cỗ xe nhỏ ở chính giữa, một tay vung cây giáo lửa nhọn, một tay nắm thành nắm đấm, tự đấm hai quả vào mũi mình.” Sau đó y lại “đọc thần chú, phun từ trong miệng ra một vệt lửa: từ hai lỗ mũi, khói đen nồng nặc cũng tuôn ra. Rồi mắt hắn cứ chớp chớp, lửa đỏ lại bùng lên. Lửa cháy ngùn ngụt trùm cả năm chiếc xe nhỏ. ([5])

Lửa của thằng bé cũng khác thiên hạ! Có bài thơ tả lửa ấy như sau:

Ngụt ngụt ngùn ngùn lửa bốc lên,

Bừng bừng cuồn cuộn khắp trăm miền.

(...) Lửa trời lửa đất đều không phải,

Ấy lửa tam muội của ma vương.

Năm cỗ xe kia hợp ngũ hành,

Ngũ hành sinh hóa lửa kia thành.

Can Mộc phát sinh tâm Hỏa vượng,

Tâm Hỏa khiến cho tỳ Thổ bình.

Tỳ Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy,

Thủy sinh ra Mộc thật tài tình.

Sinh sinh hóa hóa đều do Hỏa,

Cháy khắp không gian vạn vật vinh.([6])

Chính vì lửa ấy dị thường, nên Tề Thiên dù mời được bốn anh em Long Vương ở khắp bốn biển đông tây nam bắc đến làm mưa trợ giúp, cũng chẳng ăn thua gì! Truyện kể: “Mưa sầm sập trút xuống, nhưng không dập tắt nổi ngọn lửa của yêu quái. (...) Mà trái lại, khác nào lửa đổ thêm dầu, càng mưa, lửa càng bốc to.” ([7]) Cuối cùng chỉ có Quan Âm Bồ Tát mang bình tịnh thủy đến mới trị được Hồng Hài Nhi, thu phục y làm Thiện Tài Đồng Tử.([8])

Hồng Hài Nhi [Ngô Thừa Ân 1988]

Ai người đốt lửa?

Khi đã thấy ngọn lửa của Hồng Hài Nhi là trớ trêu thì chính những tình tiết đầy trớ trêu ấy lại gợi ra cho người đọc hằng loạt nhiều câu hỏi liên quan. Thực vậy:

Tại sao tu ba trăm năm nhưng vẫn là đứa con nít? Tại sao trót làm thân yêu tinh mà còn xưng “Thánh Anh”? Tại sao yêu ấy tên là Hồng Hài Nhi? Và tại sao yêu tinh lại có quan hệ chú cháu với Tề Thiên?

Lửa của Hồng Hài Nhi là thứ gì mà nước mưa bốn biển của bốn Long Vương chẳng những không dập tắt lại còn như lửa đổ thêm dầu, càng mưa, lửa càng bốc to? Vậy mà, Quan Âm Bồ Tát trị được. Chỉ với bình tịnh thủy. Tại sao phải nhờ tới Quan Âm?

Tại sao khi đốt lửa phải bày trận ngũ hành, và lửa phát ra từ trung ương? Tại sao lúc “mồi lửa” thì chẳng dùng bùi nhùi, diêm quẹt mà phải tự đấm hai quả vào mũi mình? Tại sao lại có cây giáo lửa nhọn? Tại sao lửa lại phun ra từ trong miệng, hai lỗ mũi, thậm chí cả từ đôi mắt?

Những câu hỏi liên tiếp ấy chính là chiếc chìa khóa giải mã câu chuyện về Hồng Hài Nhi.

Câu chuyện được dẫn dụ rất khéo. Trước hết, nói cha của yêu tinh là Ngưu Ma Vương, anh kết nghĩa với Tề Thiên, Tề Thiên với yêu tinh có tình chú cháu. Đặt ra mối quan hệ bà con như vậy để thấy yêu tinh dữ dằn (cái ác, cái xấu) không ở đâu xa, nó trong chỗ thân thích, gần gũi với mình. Ý này rất quan trọng, vì thông thường không ai dè chừng kẻ dữ lại là người nhà.

Nói Hồng Hài Nhi là con mụ La Sát Nữ để miêu tả cái độc của yêu tinh. Theo Phật Giáo, la sát (rakchasas) là ác quỷ ăn thịt người, chúng xuất hiện khắp nơi, cả trên biển lẫn trên đất liền. Giống cái gọi là la sát nữ (rakchasis).

Phật bảo trên đời có ba thứ độc (tam độc: tham, sân, si). Món thứ hai, sân độc, hàm nghĩa rằng giận rất độc hại. Giận cũng đi kèm với nóng nảy, nên Phật ví giận như lửa, gọi là sân hỏa (lửa giận). Lửa của Hồng Hài Nhi, hiểu theo nghĩa hình nhi hạ là lửa giận. Trong lịch sử, điển tích kim cổ đông tây, không thiếu những chuyện chỉ vì nóng giận mà người giết người! Vậy, quỷ la sát ăn thịt người đâu phải hoang đường, và đó chính là lý do Tây Du dựng chuyện con trai quỷ la sát nữ sở trường chơi lửa. Cũng thế, nóng giận tuy không hình không dạng mà giết người không thua gươm giáo, nên vũ khí cầm tay của Hồng Hài Nhi là một ngọn giáo lửa.

Lửa không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho nóng giận (sân) mà còn là biểu tượng cho tham muốn của con người. Vì vậy thế gian hay nói tới lửa dục, lửa tình, lửa lòng; và khi nào con người nguội lạnh, không còn đam mê tình ái thì đời bảo là tắt lửa lòng.

Ngày 28-8 Bính Tý (13-10-1936) Đức Cao Đài Tiên Ông dạy rằng khi con người nổi lòng tham dục, sân giận thì chẳng khác gì lửa dậy, cháy rần rần:

Ngó kia những vật thế gian,

Đều là lửa cháy khô khan tinh thần.

Nhứt là nhơn dục tham sân,

Ái tình cháy dậy rần rần biết bao.([9])

Tục ngữ nói: No mất ngon, giận mất khôn. Hết khôn thì dẫu già đầu vẫn cứ nói năng, cư xử giống y đứa trẻ nhỏ dại không hiểu biết, thiếu suy xét. Vì lẽ đó Ngô Thừa Ân mới dựng chuyện thủ phạm đốt lửa là một đứa con nít. Khi nào bừng bừng lửa giận, người ta vùng vằng quăng ném, cung tay đá chân, hình ảnh đó ở Hồng Hài Nhi tượng trưng bằng cái kiểu tự đấm hai đấm vào mũi mình! Chưa hết, khi nóng giận quá mức, không kềm chế nổi, người ta mắt lộ ánh hung quang, hơi thở cũng hổn hển gấp gáp, và miệng thì buông ra những lời nặng nề, đau đớn, tổn thương kẻ khác. Do đó Tây Du kể rằng lửa của yêu tinh bốc ra ở cả mắt, mũi, và miệng!

Mỗi khi nổi lửa Hồng Hài Nhi phải bày trận ngũ hành. Lão Giáo coi ngũ hành là những yếu tố tạo nên con người. Nho Giáo (sách Lễ Ký, thiên Lễ Vận) cũng bảo con người là kết tụ tinh hoa của ngũ hành.([10]) Tương tự, Phật Giáo coi con người là thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Tứ đại hiệp với hư không (akâsa) thành ra ngũ đại. Bằng hình tượng trận lửa ngũ hành, kẻ đốt lửa thì đứng ở trung ương, Tây Du ngụ ý rằng sân hỏa phá hoại công đức người tu hành khởi lên từ chính bên trong nội tâm mỗi người mà ra, nó chẳng đâu xa lạ, thế nên kẻ đánh yêu và yêu tinh mới có dây mơ rễ má bà con thân thích với nhau, kêu nhau là chú cháu!

Lửa gặp nước thì tắt. Nhưng bốn Long Vương đem nước bốn biển vẫn không dập tắt được lửa Hồng Hài Nhi nhằm ngụ ý rằng lửa sân giận khó dẹp. Khi đã bốc hỏa, nổi giận đùng đùng rồi, khó ai có thể tự chủ kềm chế được cơn giận. Chỉ có Quan Âm mới trị xong bởi vì sở trường bửu bối của Quan Âm là tịnh thủy (nước thanh tịnh). Vậy, chỉ có lòng thanh tịnh mới chế ngự lửa giận mà thôi.

Ngoài ra, còn thêm hai nguyên cớ nữa:

(1) Hồng Hài Nhi là con của La Sát Nữ, vậy yêu này chánh hiệu là tiểu la sát, la sát con. Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa), phẩm Phổ Môn, dạy rằng khi gặp loài la sát bức hại hãy niệm danh Quan Âm sẽ được giải cứu.([11])

(2) Lửa của Hồng Hài Nhi là lửa giận (sân hỏa). Cũng kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, dạy rằng muốn trừ tam độc (tham, sân, si) phải cầu đến oai lực Quan Âm.

Như thế, khi đưa hình tượng Quan Âm vào truyện, Ngô Thừa Ân cũng đã thể hiện trung thực truyền thống kinh điển nhà Phật.

Quan Âm tịnh thủy [Giới Tử Viên 1966]

Bản tướng Hồng Hài Nhi

Về mặt hình nhi thượng, đạo Lão, đạo Phật, và Cao Đài dụng công phu hàm dưỡng giống nhau. Phật gọi thiền thì Lão và Cao Đài kêu tịnh (hay công phu). Thiền và tịnh xưa nay đều rất kiêng sợ lửa giận. Nhưng cũng đồng thời là lửa, biết khéo dùng thì nấu cơm đặng. Không biết dùng thì cháy nhà!

Cũng thế, nếu hành giả biết luyện rèn để chuyển hóa lửa giận khí huyết trở thành lửa tam muội nấu “kim đơn” giống như Thái Thượng Lão Quân dùng lửa văn lửa vũ đốt lò bát quái luyện thuốc,([12]) thì con người sẽ đắc đạo. Theo Lão Giáo, khi ấy con người tạo được thánh thai, là anh nhi, là xích tử. Đó là lý do yêu tinh không mang họ Ngưu của bố đẻ, mà vợ chồng Ngưu Ma Vương và La Sát Nữ lại nấu chè đặt tên con trai là Hồng Hài Nhi 紅孩兒. Hồng là đỏ; Hài Nhi là trẻ còn bú, còn hôi sữa. Vậy Hồng Hài Nhi đích thị là con nít còn đỏ hỏn (xích tử), mình trần trụi, chân không dép giày, còn chiếc quần gấm thêu thắt ngang lưng có khác gì tấm tả quấn sơ cho trẻ mới đẻ. Cho nên tuy cốt tử yêu tinh, thuộc dòng dõi la sát hung ác, nhưng vẫn cứ đàng hoàng tự xưng là “Thánh Anh” 聖嬰(trẻ thánh), và tu đã ba trăm năm mà vẫn cứ mang hình hài trẻ nít.

Từ bỏ lối văn nghiêm trang nghi thức của kinh điển Phật, Lão mà dùng phương pháp ẩn dụ để kể chuyện đánh nhau, đấu phép, bắt yêu, trừ quái... Ngô Thừa Ân quả là một đại gia bất hủ trong làng ngụ ngôn. Thấu đáo được từng ẩn ngữ tinh tế của Ngô mới thực sự hiểu vì sao Tây Du Ký là một tuyệt phẩm vượt không gian và phi thời gian.

Tháng 8-1991

Bổ túc 28-5-2010

 

 

 

 


([1]) “Trẻ thơ bỡn cợt lòng thiền rối...” [TDK IV 1988: 224].

([2]) [TDK V 1988: 7].

([3]) [TDK IV 1988: 224].

([4]) [TDK V 1988: 9].

([5]) [TDK V 1988: 7, 11].

([6]) [TDK V 1988: 11-12].

([7]) [TDK V 1988: 20].

([8]) [TDK V 1988: 56, 218].

([9]) [Đại Thừa Chơn Giáo 1950: 228].

([10])Nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí dã.” 人者, 其天地之德, 陰陽之交, 鬼神之會, 五行之氣也.(Người là cái đức của trời đất, nơi gặp gỡ của âm dương, nơi hội tụ của thần minh, là tinh hoa tốt đẹp của ngũ hành.)

([11]) Trong kinh Pháp Hoa chép lời Đức Phật dạy: Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, lạc vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền kia trôi tấp vào nước của quỷ la sát, trong số người ấy nếu có một ai xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì tất cả những người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ la sát.

([12]) Xem bài Ngọn Gió Trong Lò.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513560

Hôm nay

233

Hôm qua

2313

Tuần này

21497

Tháng này

220433

Tháng qua

121356

Tất cả

114513560