Nghe giảng kinh tế chính trị ở trường Nguyễn Ái Quốc, Tô Hoài tưởng mình đã hiểu cụ thể rồi, nhưng khi về thực tế ở nhà máy, mới té ra chỉ ù ù cạc cạc. Đã thế khi ngồi học, Tô Hoài thường không tập trung, nghĩ miên man, rồi thần hồn nát thần tính. Nghe nói khoá học trước có một thầy giáo già, dạy kinh tế chính trị, vừa mới lên bục giảng đã doạ “tôi ghét những người ngồi nghe mà nhổ râu, ai nhổ râu thì hoặc người ấy hoặc tôi phải ra khỏi đây ngay”, nên nhiều phen Tô Hoài phát hoảng khi thấy tay mình bất giác sờ lên cằm. Đôi khi ông ngó nghiêng tìm kiếm một ông Hoàng Trung Thông đương vặt râu không. Nhưng khoá ấy thì làm gì có ông Hoàng Trung Thông nào đi học. Thì ra cái sự “vặt râu bị đuổi” đã ám ảnh Tô Hoài, đến mức khiến ông hoang tưởng đến vậy.
Tô Hoài đi học thường ghi bài một cách khoái ruồi, nhưng bù lại, ông thường liên hệ cái mớ lí luận mà ông được học với công việc giấy bút của mình. Thành thử, học đối với Tô Hoài ít nhiều cũng có ích đối với nghề văn. Tôi cứ thấy ông than, việc học của ông chẳng có hệ thống lí luận gì, và ước một ngày hệ thống hoá được chúng cho ra tấm ra món. Kể ra, sự học ở ông cũng có cái tội, chứ đâu phải toàn niềm vui.
Tô Hoài thích chuyện tào lao
Lớp học của Tô Hoài hồi đó lổn nhổn tuổi tác, với muôn vàn lí do. Có người học Tây, có người học Nho, có người sau 1945 mới tập ngoáy chữ. Hầu hết các học viên đầu đã bạc tóc hoặc đương bạc. Những lúc ngồi chuyện tào lao, Tô Hoài thường cùng bè bạn lôi đủ thứ ra bàn bạc trêu chọc. Chẳng hạn chuyện có cán bộ mấy chục năm vùi đầu công tác dân vận, thuế khoá…chưa từng bước chân vào lớp một văn hoá chính trị nào, thế mà cuối khoá học vẫn làm bài thi ổn cả. Có ông thường xuyên trốn học, nhưng cũng được ra trường với danh cao cấp. Có người đi học vì sắp được lên chức. Có người học được dăm bữa nửa ngày, thì nhận được giấy gọi đi chiến trường B. Có người bỏ vợ bỏ con về trường bồi dưỡng tri thức, sau đó cũng chỉ để về hưu. Rồi việc ngày xưa Nguyễn Công Hoan nhờ bạn vào làm bài thi vấn đáp hộ, bây giờ thì nhờ thi viết hộ. Muôn nỗi buồn cười. Tô Hoài có cái tật ngồi lê đôi mách và hay hóng chuyện.
Tô Hoài rất khoái đi thực tế, nhưng khó chiều
Có lẽ những chuyến đi thực tế đã đem lại cho ông những bài học nhân sinh thực sự. Đi thực tế với Tô Hoài đã thành một cách học, từ học cách đẻ ra việc đến học nghề, từ học cách sống đến học sự đời đang bày ra trước mắt. Mà cũng nhờ những chuyến đi lên rừng xuống biến ấy, sau này Tô Hoài mới có cái để kể lại, với biết bao vui buồn, và nhiều phen dở cười, dở khóc. Tham gia cải cách Tô Hoài học được nhiều cái mình sai; tham gia sửa sai, Tô Hoài biết được nhiều điều mình làm đã đúng.
Tô Hoài đi thực tế khắp nơi, nên đã chạm mặt nhiều người, thậm chí cùng công tác với họ, được học ở họ khối chuyện. Ông hay quan sát và ưa nhận xét, đã nhận xét ai thì rất tinh và quái. Ông bảo: cái anh đội chúa chỏm một xóm, ngại ra đồng thì vờ lấy sổ ra nghiên cứu, thấy có người đến thì vờ quét nhà để che miệng thế gian, lại chúa ăn vụng, kể cả ăn vụng người.
Không khoái triết học, nhưng Tô Hoài cũng ham triết lí. Chán những bài giảng chính trị khô khan, song lại có những trang viết minh hoạ cách mạng hai giai đoạn khá xuất sắc. Tô Hoài nghe “người lớn” bàn chuyện đệ tam đệ tứ, cả những trên trời dưới biển, mà các chuyện ấy nào ông có hiểu cho ra ngọn ra ngành gì đâu, thế nhưng ông lại viết về thế giới đại đồng cho trẻ con đọc hay ra phết.
Tô Hoài cũng hay chấp vặt, đúng hơn thì ông ấy hay ghi lại nhưng lời phát ngôn sơ hở của một vài nhà văn cùng thời, để những lúc rỗi rãi ngồi nhắc lại còn có cái mà châm chọc. Chẳng hạn, hồi ông đi công tác thực tế, một số nhà văn cốt cán ở nhà để củng cố cơ quan. Nghe các ông ấy nói khéo, Tô Hoài liền chộp lấy cái câu ấy một cách rất nghề: “ tớ ở nhà canh gác cho các cậu đi, khoái nhé”. Kể có vẻ dửng dưng vậy đấy, song kì thực ông Tô Hoài rất thâm và có máu kí phiêu lưu. Ông chọn cách kể tưng hửng cốt để chẳng ai bắt bẻ, vạch họe được gì. Cái việc ghi ghi chép chép và lọc lõi của ông, hoá ra có phảng phất cái thái độ gì đó. Nói cụ thể ra thì khó, nhưng dò cái ý của ông thì chắc chắn chẳng ai giống ai.
Ai cũng ngại những chuyện tẻ, và nhạt. Tô Hoài càng thế. Nên nghĩ ra đủ thứ để có trò xôm. Nguyên cái việc đi thực tế thôi, mà Tô Hoài cũng tính sao cho đủ ban đủ bệ. Có anh nhà văn gai góc thì nên có thêm anh nhà thơ thêm thơ mộng. Có anh làm xiếc vui mắt, lại cần có anh múa hát cho vui tai. Có ông Tô Hoài và Hoàng Trung Thông rồi, cần ông hoạ sĩ Nguyễn Sáng nữa cho nổi đình nổi đám. Chẳng nổi đình nổi đám lại không à. Giả thử, Nguyễn Sáng thỉnh thoảng làm được cái truyền thần cho bà con thì hay phải biết. Nhưng Nguyễn Sáng từ chối, không đi. Tô Hoài không bỏ qua. Ông phải làm rõ cái sự không đi ấy. Tôi nghĩ ông Tô Hoài thích cái gì cũng cụ thể, cũng có nguyên do và phải cắt nghĩa được. Rồi ông cà kê bảo, Nguyễn Sáng có vẽ vời gì đâu, tay ấy mê gái nên ở nhà cho khoẻ. Đọc Tô Hoài, thấy ông còn có cái tài tạt ngang tạt ngửa, lồng ghép thu góp đủ thứ chuyện nhỏ nhặt, chỉ nhằm làm nổi rõ tính cách của một ai đó. Rõ rồi thì ngừng bút, kể sang chuyện khác cho sinh chuyện đời.
Tô Hoài thời loạn vẫn đa tình
Viết về sự đi của bạn bè, Tô Hoài ít chú ý tới kết quả, ông để ý đến mục đích và cách đi của họ. Chuyện đi tản cư và đi làm báo được ông dẫn ra nhiều. Thâm Tâm đưa vợ con đi tản cư, Nam Cao về quê thu xếp rồi đi làm báo. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến…sửa soạn cho chuyến thiên di gần kề. Đang chuyện nọ, Tô Hoài vắt sang chuyện kia. Nào làng xóm ráo riết đề phòng việt gian. Nào Hà Nội rối ren từ miếng cơm đến thời sự. Từ việc Nhật Pháp choảng nhau to, Tô Hoài thu về chuyện các tổ chức công khai và bí mật liên miên tranh luận lí thuyết. Tô Hoài kể lan man, nhằng nhịt. Vèo một cái được một mớ sự kiện. Chắc ông cho rằng, tự những sự kiện chính trị, cá nhân kia sẽ gợi ra cái không khí chiến tranh loạn lạc thời bấy giờ.
Tôi từng nghe nói, thi sĩ thuộc nòi tình. Xem ra văn nhân cũng chẳng phải ngoại lệ. Ông Sao Mai đi tới đâu mà chẳng có gì hai nó. Tô Hoài thi thoảng lấy cớ đi mua phong thuốc lào cho Đinh Hùng, Nguyễn Bính để được nhìn mặt và chạm vào tay cô bán hàng một cái. Tô Hoài bảo: Anh Thơ lúc trẻ lợi hở giống miếng thịt trâu, tính thì đồng bóng. Sang Liên Xô với Nguyễn Văn Bổng, Thanh Tịnh, lại hỏi thăm Gorki vì tưởng ông ấy còn sống. Anh Thơ mà đẹp thì chết với tôi. Nguyễn Đăng Mạnh hỏi: Gái Hmông thế nào? Tô Hoài bảo: Gái H’mông nguy hiểm lắm, nó ngủ với cán bộ, hôm sau đi khoe cả làng cả bản. Nguyễn Đăng Mạnh tiếp: anh đã biết mùi đầm chưa? Tô Hoài tâm sự: tôi có lần sang Rumani, có một cô phục vụ đòi hỏi ghê quá. Mình phải xin giấy chứng nhận mới thoát được. Nguyễn Đăng Mạnh gợi chuyện: Nguyễn Khải cho tôi biết, anh có chuyện với L.M, đúng không? Tô Hoài hồn nhiên trả lời: Chuyện ấy sao Nguyễn Khải biết nhỉ? Tay chồng L.M có lần mắng vợ: “Đi mà ở với thằng Tô Hoài”.
Tô Hoài khoái chuyện “làm cách mạng”
Nói chuyện văn, đôi khi Tô Hoài chỉ đại khái qua loa. Nhưng riêng chuyện làm cách mạng thì ông kể đến cùng kiệt. Bao giờ ông cũng bắt đầu từ việc quen người ấy khi nào, bối cảnh xã hội lúc ấy ra sao. Dĩ nhiên khi trả lời những câu hỏi này, ông Tô Hoài không quên tỉa một vài chi tiết đắt để làm cho cái không khí gặp lần đầu gặp gỡ thêm quan trọng, đặc biệt. Tiếp theo, ông mở rộng chiều kích liên tưởng của mình để làm cho câu chuyện về một con người nào đó có không khí. Rồi đi sâu vào con đường riêng, tính cách riêng của họ. Chuyện về điểm chung, nếu có, chỉ được nhắc một cách chiếu lệ. Cái duyên kể chuyện của Tô Hoài thế này: ông đặt nhân vật vào điểm nhìn gần, gời gợi một tí, rồi đẩy nó ra xa; chạy sang chỗ người khác kể xong dăm câu vui miệng, lại quay về với nhân vật, đôi khi ông núp vào một chỗ quen nào đó để quan sát và dò hỏi về nhân vật; cứ thế Tô Hoài nhẩn nha kể, cho đến khi nhân vật chết. Nhân vật chết thì chuyện mời ngừng hẳn.
Tô Hoài khôn nên nắm việc rất sành. Chỉ tiếc nỗi, Tô Hoài luôn để lộ cái ý, rằng chỉ mình ông mới thạo những bí mật riêng về nhân vật. Tư tưởng của ông đã để lộ, thế nhưng đôi khi ông vẫn tung hoả mù và dùng giọng nước đôi để thuật sự. Cái cách dựng chuyện của Tô Hoài thường thế. Chẳng hạn những mẩu chuyện về Nguyễn Khắc Dực, và Nguyễn Hoạt.
Tô Hoài hay so sánh ngầm. Điều đó thể hiện rõ ở việc, ông hay kể về cặp đôi nhân vật. Ông vẽ Nguyễn Hoạt cùng chân dung Nguyễn Khắc Dực; đặt Hồ Dzếnh bên cạnh hình ảnh Mộng Sơn; dùng một lăng kính để nhìn Nguyễn Tuân và Đoàn Phú Tứ; từ sự tương đồng về thái độ giữa Hồ Dzếnh với Ngọc Giao, ông lại chuyển sang chuyện Sao Mai và Đỗ Tiến Hảo,…cứ thế, hễ các nhân vật có điểm gì đó gần nhau, giống nhau hoặc đối lập với nhau thì ông Tô Hoài lập tức lồng xen vào mà kể. Lắm lúc Tô Hoài chuyển mạch văn theo kiểu câu nhăng bắt nhằng câu ếch.
Tô Hoài - chúa nói tục
Chẳng mấy khi Tô Hoài hứng thú với việc học trường ốc. Nhưng ông cũng súng sính sổ sách giấy tờ. Đi thực tế, bao giờ Tô Hoài cũng đem theo cuốn sổ tay. Cuốn ấy ghi cả lời của lãnh tụ. Trước mối chuyến đi, đã thành thói quen, Tô Hoài lôi sách báo ra đọc và nghe ngóng chút ít thời sự. Ông chuẩn bị thật chu đáo cho chuyến đi của mình. Đi, với Tô Hoài bao gồm cả quan sát và nghe ngóng.
Dạo về Thái Bình, thấy một bà chít khăn vuông hoa, nói: “ối dà, chính phủ đang thu người các nơi về làm ruộng, làng nào cũng đông. Bây giờ, mới ra cái thời nhất nông nhì sĩ các ông ạ”. Tô Hoài liền phán, cái mụ ấy đã “lộn lưỡi”. Tôi tưởng ông ngoa ngoắt, té ra Tô Hoài đã biết giữa việc làm và lời nói của bà ta có sự xộc xệch. Trước mắt Tô Hoài chỉ có dáng vóc một người chạy chợ buôn chuyến, chứ đâu phải nông hay sĩ gì đâu. Tô Hoài nghĩ ra nhiều câu chửi đắt.|...]. Tô Hoài nói tục, chửi tục, kể chuyện tục không ít lần. Tinh thần giải thiêng, tục hoá ở Tô Hoài rất mạnh.
Văn của Tô Hoài những chỗ rậm rạp sự kiện, vẫn có vẻ nhạt. Chỉ những đoạn tả cảnh, tả người đông vui nhộn nhịp mới thật sự nổi bật. Sở trường của Tô Hoài nằm ở chỗ tả đám đông. Khi tả đám đông thì thể nào ông cũng tách một người nào đó ra để mà tán chuyện. Ví dụ đang tả đoàn người đi đặt lờ, đánh te, Tô Hoài chuyển sang việc Phùng Quán gánh bùn làm hố phân xanh; đang kể chuyện xóm làng sinh hoạt, Tô Hoài dừng lại tạo ấn tượng đặc biệt về Hoàng Trung Thông. Ông bảo, Hoàng Trung Thông râu rậm, lực lưỡng cởi trần, khiến mấy đứa trẻ tò mò chạy ra xem…
Tô Hoài thích ăn ngon, song cũng rất tạp
Hoàng Trung Thông khoẻ rượu, nhưng sợ chết. Tô Hoài thích ăn ngon và liều. Ông chẳng chừa của ngon vật lạ nào hết. Lần đi cải cách ở Quảng Xương, Tô Hoài nghỉ ở nhà một người nghèo khó. Thấy Tô Hoài đến, ông ta rất mừng. Chập tối cầm ở đâu về một bọc lá chuối. Tô Hoài hỏi: Cái gì thế? Chủ nhà đáp: Cái dái trâu. Và giải thích, ở xóm bên người ta ngả trâu nhiều vì sợ lên địa chủ, tôi hỏi họ cho tôi cái này thiết anh, được ngay. Tô Hoài đả món ấy. Cả đêm Tào Tháo đuổi. Nằm thở rúm ró mà không dám rên. Sau bận ấy tưởng sợ xanh mắt. Ai dè cái miệng Tô Hoài còn to hó hơn. Hoàng Trung Thông dẫn Tô Hoài đến nhà Ngải. Thấy Ngải lúi húi dưới bờ ao, đương mổ vịt. Tô Hoài ưng ý ở lại. Ngải cho biết, con vịt bị rái cá cắn: tối hôm qua, con cạc bị rái nên mất đầu, may mà tôi ra kịp, không thì nó tha mất. Nói rồi, Ngải chỉ ra bờ ao, bảo: chỗ con rái cá bò ra, còn nhẵn vệt bụng trườn. Hoàng Trung Thông nhìn trước ngó sau, bảo: thì bụng con cạp nong cạp nia cũng hệt thế này. Đoạn sau Hoàng Trung Thông bịa ra chuyện bận họp xã, hoả tốc đi luôn. Tô Hoài chẳng để ý chuyện rắn cắn. Ở lại, đợi ăn. Chẳng xá gì mạng sống cả.
Kể ông Tô Hoài cũng phàm ăn tục uống. Có điểm còn hơn cả Hoàng Trung Thông. Tô Hoài từng đi bắt châu chấu bán. Ông kể: những lúc “bán không được, thì vặt cánh, bóp bụng cứt, rang khan với muối, ăn vã”. Món chuột luộc, chuột rán, khen ngon. Món rắn, ông bảo chẳng khác gì thịt gà luộc. Rượu bọ hung, ông cũng từng nếm. Thịt ngựa, rượu gấu… Tô Hoài đều được hít hà. Tóm lại, Tô Hoài rất tạp. Tạp từ nhỏ.
Tô Hoài hay “để ý”
Có người viết ngắn nhưng không gọn. Có truyện văn mạch dài, song nhìn toàn thể thấy vẫn ngắn. Có người tung ra mấy trang chữ, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì. Tô Hoài viết những đoạn ngắn thường đạt. Đối với phần nhiều đoạn dài, ông Tô Hoài dùng thủ thuật độn. Ông độn bằng cách “lấy cái nọ đỡ cho cái kia”. Sở dĩ Tô Hoài viết ngắn đạt, bởi vì văn của ông chủ yếu bám vào chi tiết nhỏ, chi tiết đời thường. Tô Hoài được nhờ trời phú cho một nhãn lực đặc biệt, nên biết cách làm những chi tiết rất nhỏ, rất bình thường và dễ bị mọi người bỏ qua bật ra tư tưởng sâu sắc. Tôi chắc, Tô Hoài hay soi việc. Ông thường “để ý” nhất cử, nhất động của người xung quanh. Những hay dở, xấu tốt của họ đều nằm gọn trong nhãn trường của ông. Tục truyền, Tô Hoài được liệt vào hạng sỏi.
Tô Hoài có tật tò mò. Tỉ mẩn dò tìm những bí mật của người khác. Nên giống với mẫu ma xó. Tô Hoài yên lặng để thâu lại tiếng nói của đám hay chữ. Nên rất gần với kiểu gián điệp. Tô Hoài nắm được nhiều chuyện thâm cung bí sử. Thuyết này giải thích Tô Hoài biết thuật tàng hình. Số khác đề nghị khả năng khác đáng tin cậy hơn: Tô Hoài rất giỏi bịa chuyện. Tôi thì xem Tô Hoài hao hao đàn bà, vì cái gì ông cũng để bụng. Lại đem nó ra nhỏ to với chúng ta. Nghe ông kể, vừa buồn cười, vừa đau.