Về tùy bút, trong bài tựa Dong Trai tùy bút, theo Hồng Mại đời Tống thì nó cũng vẫn là hình thức ghi chép những điều đọc trong sách vở nhưng không theo một thứ tự nào cả. Đời sau, thuộc thể loại nói trên, người ta có nhắc đến Thiên Hương Cáctùy bút của Lý Giới Lập đời Minh và Liễu Nam tùy bút của Vương Ưng Khuê. [2]
Có một điều kỳ lạ là dòng văn học mang tên nhật ký và tùy bút đã phát triển mạnh mẽ và rất sớm ở Nhật Bản. Về nội dung, nó lại không giống những thể loại mang cùng tên ở Trung Quốc. Cả hai đều không có tính cách cửa công nặng về lý trí như một loại sử ký hay nghiên cứu nhưng thiên về tình cảm và riêng tư hơn. Có lẽ chúng gần gũi với thể loại mà ở Trung Quốc và Việt Nam mang cái những cái tên như minh, tự, bút ký, mạn đàm, bút đàm, mạn lục, tiểu lục, tạp lục, ngẫu lục, thuyết, từ, dạ thoại, kỷ sự, tùy tưởng lục…chứ không phải nhật ký và tùy bút trong cái nghĩa đầu tiên của nó trừ vài trường hợp ngoại lệ (như Vũ trung tùy bút [3]). Nhật ký, khi không phải là một thứ bị vong lục, là nơi để người ta khóa giữ những tâm tình thầm kín hay chi tiết về cuộc sống xảy ra chung quanh mình. Còn “tùy bút là viết theo ngọn bút, gặp đâu nói đó, rất linh động và cũng rất linh tinh, chia nhiều mục nhỏ, mỗi mục một chuyện, một việc, không dính gì với nhau”. Định nghĩa của Trương Chính về tùy bút ở đây, xem ra phù hợp với tinh thần của zuihitsu tức tùy bút của Nhật Bản hơn cả, nhưng ta không biết tự lúc nào tùy bút với định nghĩa theo từ điển đã biến dạng để trở thành một thể loại như thế. Ta nên nhớ rằng tác phẩm của Phạm Đình Hổ ra đời mãi vào thế kỷ thứ 19 trong khi tùy bút đầu tiên của Nhật (dưới cái tên sôshi hay thảo tử đã có từ đầu thế kỷ 11).
Người Tây Phương như Anh Mỹ khi dịch chữ nikki (nhật ký), họ dùng diary, journal. Còn travel sketch đặc biệt khi nói về bút ký những cuộc hành trình (kikôbun). Chữ zuihitsu (tùy bút) được họ dịch ra là essay, random notes, miscellaneous writing, miscellany hay jottings [4]. Helen C. McCullough muốn dùng memoir hay diary, và để nói về dòng văn học nhật ký, bà gọi nó là diary literature hay literary diaries. Ta nên chú ý đến tính cách văn học của nhật ký mà McCullough đã nhiều lần nhấn mạnh.Cùng một thể loại này, còn có những tác phẩm mang tên account (ký), confessions (tự thuật) khi yếu tố “từng ngày“(nhật) được hiểu một cách dễ dãi hơn. Còn tùy bút đã được họ dịch bằng essay, một cái tên khá khô khan, như thể bị đặt bên cạnh những bài viết có tính cách nghị luận. Người Pháp như Jacqueline Pigeot và Jean-Jacques Tschudin dịch nhật ký ra journal, ký ra mémoire, tùy bút là essai và kikôbun thành relations de voyages xem ra không khác McCullough bao nhiêu.
Dòng văn học nikki và zuihitsu đã đi xuyên qua văn học trung cổ và cận đại Nhật Bản, ảnh hưởng đến những bộ môn khác như tiểu thuyết và thơ, lại còn để lại dấu ấn sâu đậm cả trong văn chương hiện đại, qua tiểu thuyết lẫn thi ca. Vai trò sáng tạo của dòng văn học này làm chúng ta tự hỏi tại sao một nền văn minh chỉ biết thụ tín (nhận tin) và mô phỏng như Nhật Bản lại có phong cách đặc biệt đến thế.
Lịch sử văn học một quốc gia thường bắt đầu bằng giai đoạn văn học truyền khẩu rồi mới bước qua văn học ghi chép bằng văn tự. Nếu dựa lên những văn kiện còn truyền lại thì văn học ghi chép Nhật Bản đã bắt đầu khoảng thế kỷ VII hay VIII mà thôi. Thế mà quyển nhật ký quan trọng đầu tiên là Tosa nikki được biết đã ra đời năm 934 và tập tùy bút tiêu biểu Makura no sôshi, cũng đã được hoàn thành khoảng năm 1001, nghĩa là khá sớm.
1. NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT THỜI HEIAN (794-1185)
1.1 NHẬT KÝ
Trong xã hội quí tộc thời Heian, vai trò của nikki hay niki (nhật ký) cũng như ở Trung Quốc là dùng để ghi chép việc công hằng ngày. Viết bằng chữ Hán, nó được dùng như một thứ tài liệu thực dụng để ghi nhớ mọi việc (bị vong lục) và do các quan chức thường là phái nam đảm nhiệm. Nikki viết bằng chữ quốc âm kana cũng đã xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 10 ví dụ để biên chép diễn biến của những cuộc thi tài ở các hội thơ (Uta-awase) chẳng hạn, nhưng những ghi chép nầy vẫn còn có tính cách công cộng. Phải đợi đến Tosa nikki (Thổ Tá nhật ký) thì thể loại nhật ký viết bằng quốc âm kana mới được coi như một hình thức văn chương có tính cá nhân.
Được biết Tosa nikki do Ki no Tsurayuki (Kỷ, Quán Chi, 868?-945?) viết và ra đời năm 934. Trong cuốn nhật ký nầy, Tsurayuki đã ghi chép chi tiết về cuộc hành trình 55 ngày đường của cá nhân ông từ Tosa (Thổ Tá, nay thuộc tỉnh Kôchi, phía nam đảo Shikoku), nơi ông vừa thôi việc quận thú, về đến kinh đô. Nội dung nhật ký nhắc nhở nhiều về kỷ niệm về đứa bé gái đã chết, nỗi lo lắng về cuộc hành trình đường thủy đầy sóng gió, cướp bóc cũng như niềm vui và hy vọng lúc hồi kinh.
Tác giả đã giả thác tâm sự vào một nhân vật nữ để viết cho nên sử dụng được lối hành văn mà thời ấy mệnh danh là “lối viết đàn bà” (onnade = nữ thủ) nghĩa là tự do, uyển chuyển, sắc sảo, biết đùa cợt, lại hay châm biếm. Có thể nói là, lần đầu tiên, nhờ có văn chương quốc âm kana mà văn nhân đã có phương tiện để mô tả và phê phán xã hội đương thời cũng như trình bày dễ dàng hơn những chi tiết cuộc sống nội tâm của chính mình. Việc ký thác tâm sự vào một người nữ, theo McCullough, còn là sự chống đối âm thầm với một nền văn học chính thống chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc và do nam giới nắm vai trò chủ đạo.
Vai trò của Tosa nikki rất quan trọng vì, tuy do một người đàn ông viết ra, nó đã mở đường cho một dòng văn học quan trọng của Nhật Bản: văn học nữ lưu (joryû bungaku), gồm nhật ký như Kagerô nikki, Izumi Shikibu nikki, Murasaki Shikibu nikki, Sarashina nikki và tùy bút mà điển hình là Makura no sôshi.
Kagerô nikki (Tinh đình nhật ký) [5] gồm ba quyển thượng, trung, hạ, do bà mẹ (không rõ tên) của Fujiwara-no-Michitsuna (Đằng Nguyên, Đạo Cương) trước tác, ra đời năm 974. Người ta chỉ biết tác giả mất khoảng năm 995 mà thôi.Trong đó ghi chép sự việc từ lúc bà được Fujiwara Kane-ie (Đằng Nguyên Kiêm Gia) cầu hôn (954) năm 19 tuổi cho đến năm 974 nghĩa là hai mươi mốt năm của cuộc sống vợ chồng. Tác giả sinh trong một gia đình quan trấn thủ thuộc giai cấp tiểu quí tộc địa phương nhưng nhờ duyên phận lọt vào gia đình đại quí tộc. Bà là vợ hai, sinh được người con trai là Michitsuna (Đạo Cương), thành thứ mẫu của quyền thần Michinaga (Đạo Trường) và hoàng hậu Senshi (Thuyên Tử), có hai cháu gái gọi bằng bà về sau cũng làm hoàng hậu (tức Teishi và Shôshi). Tuy nhiên, điều bà ghi lại trong nhật ký là chuỗi ngày không được đầm ấm với chồng cho đến khi trông cậy được vào con trai mình.
Thuở xưa, dưới chế độ đa thê [6], vì là người có lòng tự hào nên sau khi thất bại trong việc giữ tình yêu của chồng mà đối với bà chỉ là cái bóng chập chờn (kage), bà trở thành cay đắng và đau khổ. Tác phẩm trình bày được tâm trạng buồn thương, u ẩn đó. Trong tựa sách, bà phê bình tính cách bịa đặt vô nghĩa (soragoto = không ngôn, hư sự) của thể loại truyện kể (monogatari)và chủ trương viết văn là phải đi từ những kinh nghiệm cá nhân có thực. Kagerô khai triển được bút pháp của Tosa trong lãnh vực văn chương quốc âm và như thế làm đồi dào thêm khả năng phân tích tâm lý bên trong, đã ảnh hưởng nhiều đến Truyện Genji [7] về sau.
Về Izumi Shikibu Nikki (Hòa Tuyền Thức Bộ nhật ký), được biết tác phẩm nầy xuất hiện năm 1007, nhiều thuyết cho là bà Izumi Shikibu (Hòa Tuyền, Thức Bộ) viết. Ta đã biết bà là thi nhân waka nổi tiếng và có cuộc đời tình ái sóng gió. Đó là nhật ký chép lại thời gian 10 tháng trời (năm 1003) của cuộc tình duyên giữa bà và một trong những người yêu, hoàng tử (thân vương) Sochi-no-Miya Atsumichi (Súy Cung, Đôn Đạo), dưới hình thức truyện. Nhật ký vẽ ra được quang cảnh thế giới tình ái thơ mộng của hai người xoay quanh trên 140 bài thơ tặng đáp.
Một nhật ký có tầm quan trọng đặc biệt là Murasaki Shikibu nikki (Tử Thức Bộ nhật ký).Bà Murasaki Shikibu hoàn thành tác phẩm năm 1010. Bà là nữ quan hầu cận hoàng hậu Shôshi (Chương Tử) nên ghi chép tách bạch được chi tiết của đời sống xa hoa, lộng lẫy của cung đình. Từ quang cảnh hoàng hậu lâm bồn cho đến mọi nghi thức và lễ lạc trong cung, bà đều mô tả rõ ràng. Bên cạnh đó và không đồng hóa với nó là cuộc sống nội tâm của mình mà bà cũng đã trình bày một cách sâu sắc và bén nhạy. Phần cuối của tập nhật ký là « thư tín » (tiêu tức văn = shosokubumi) trong đó bà bày tỏ ý kiến về các nữ quan và văn nhân đương thời (Sei Shônagon, Izumi Shikibu, Akazome-Emon...) cũng như những điều tự phê khá nghiêm khắc đối với bản thân.
Sarashinanonikki (Cánh Cấp nhật ký) do bà Sugawara noTakasue no Musume viết vào khoảng năm 1060. Tác giả không rõ tên, chỉ biết bà là con gái nhà Sugawara no Takasue (Quản Nguyên, Hiếu Tiêu) và sinh khoảng năm 1008. Dòng dõi Sugawara rất giỏi văn chương học vấn. Mẹ bà là con gái Fujiwara Tomoyasu, cho nên gọi tác giả Kagerô Nikki bằng dì. Bà kết hôn nhưng chồng chết, sống một tuổi già góa bụa.
Bối cảnh của Sarashina nikki là vùng núi non Sarashina thuộc tỉnh Nagano, phía bắc Tokyo bây giờ. Có thể vì Toshimichi, chồng bà, từng làm chức quận thú (kami) ở Shinano (Tín Nùng) tức chung quanh vùng nầy. Kí bắt đầu chép về thế giới thơ mộng của vùng Kazusa (Thượng Tổng, một phần của tỉnh Chiba bây giờ) ở miền Đông, thuở ấy rất hoang vu, nơi bà sống với cha thời thơ ấu (trước năm 1020, lúc 13 tuổi). Sau đó là những hiện thực phũ phàng lúc lớn lên (chồng chết năm 1058) và tuổi già đi tìm an ủi trong lòng tin tôn giáo. Nội dung nhật ký lồng trong một khoảng thời gian dài ước chừng 40 năm và mô tả nhiều về thế giới thấy được trong mộng mị.
1.2. TÙY BÚT
Phương pháp viết nhật ký đã được qui định qua Kagerô: người viết phải tập trung để theo dõi những biến chuyển nội tâm của mình. Tuy nhiên, nhật ký nặng về ghi chép nên chỉ trình bày diễn biến ấy theo trình tự thời gian.
Tuy nhiên loại hình văn học mới vẫn giữ cái sắc bén và tinh tế trong quan sát khách quan nội tâm (khả năng tự soi mình = jishô hay tự chiếu) của nhật ký và còn nhấn mạnh và phát huy thêm khả năng nầy, được gọi là zuihitsu (tùy bút), nghĩa đen có nghĩa là “để ngòi bút tự nó dẫn lối đưa đường”. Tác phẩm tiêu biểu cho thể loại zuihitsu là Makura no Sôshi [8] (Chẩm Thảo Tử) của bà Sei Shônagon (Thanh, Thiếu Nạp Ngôn), ra đời khoảng năm 1001.
Sei Shônagon [9] (966?-1024?) là con gái của thi sĩ waka tên là Kiyohara Motosuke (Thanh Nguyên, Nguyên Phụ), một trong Lê Hồ Ngũ Nhân tức năm nhà thơ nổi tiếng làm ở viện nghiên cứu thơ của triều đình (gọi là Lê Hồ vì chung quanh viện có trồng cây lê). Tằng tổ phụ Fukayabu (Thâm Dưỡng Phụ) là thi nhân nổi tiếng thời trước. Từ thuở nhỏ bà đã nằm lòng những tác phẩm cổ điển. Năm 993, thiên hoàng Ichijô (Nhất Điều) vời bà vào cung hầu cận hoàng hậu Chûgû Teishi (Trung Cung Định Tử). Suốt 10 năm bên cạnh hoàng hậu, bà được hậu đãi nên phát huy được tài năng của mình. Sau khi hoàng hậu mất, bà từ chức. Trước bà đã kết hôn năm 15 tuổi và lấy nhau được 10 năm thì ly hôn. Sau khi rời hậu cung, bà lại lấy chồng nhưng có thuyết cho rằng cuối đời bà xuất gia, sống cô độc.
Theo một tiết trong bài bạt, nhờ có hoàng hậu Teishi ban cho giấy (sôshi = thảo tử) để dùng, bà nhân đó mới viết và có thể hiểu thêm là bà viết sách nầy không phải với tư cách cá nhân mà với tư cách công của một nữ quan. Tùy bút nầy không ghi chép gì về chuyện xảy ra sau khi hoàng hậu Teishi mất nên có thể xem như đã viết xong trước năm 1001. Dầu vậy với một đôi chỗ bổ túc và sửa đổi, sách chỉ thực sự hoàn thành khoảng cuối năm 1004.
Cách viết Makura-no-Sôshi rất tự do, đề tài có thể là mọi thứ từ kinh nghiệm, điều nghe thấy, cảm tưởng về cuộc sống chung quanh. Dài ngắn có tất cả 300 đoạn và trong đoạn nào cũng in dấu ấn những cảm xúc về thẩm mỹ rất nhạy bén của tác giả. Có thể phân loại nội dung các chương đó như sau:
- Trước hết là các đoạn có tính cách nhật ký, hồi tưởng, ghi chép các điều nghe thấy trong cung chung quanh cuộc sống đài các và tao nhã của hoàng hậu Teishi, một người đẹp và thông minh toàn hảo. Xin trích dịch đoạn nói về ngắm tuyết như sau:
Tuyết rơi hết sức nhiều và ngập dày nên khác ngày thường bọn cung nhân chúng tôi cứ để sập liếp cửa, châm lò than xong định tụ tập trò chuyện hầu hoàng hậu. Nhưng hôm đó nương nương lại gọi tôi “Nầy Shônagon, thế chứ tuyết trên ngọn Hương Lô ra sao nhỉ?”. Thấy tôi nâng liếp cửa và cuốn cao bức rèm lên, ngài bèn nhoẻn miệng cười. (Tuyết trên đỉnh Hương Lô)
Ở vùng tây nam Cửu Giang tỉnh Giang Tây bên Trung Quốc có dãy núi tên Lô Sơn, trong đó có ngọn Giáp Lô Sơn có hình thù giống như cái lò hương (hương lô) nên gọi là Hương Lô Phong (Kôrohô theo cách đọc của Nhật). Thi nhân đời Đường Bạch Cư Dị (772-846) có câu thơ rất nổi tiếng “Hương Lô phong tuyết bát liêm khan” (Vén rèm ngắm tuyết ngọn Hương Lô), có ghi lại trong tuyển tập thơ văn Bạch Thị Trường Khánh tập do bạn ông là Nguyên Chẩn biên soạn vào năm 824. Văn tập nầy rất phổ biến ở Nhật, nhân vật triều Heian rất yêu chuộng, gọi tắt là Văn tập hay Tập. Câu chuyện của bà Sei viết như trên mới đọc thì có vẻ tầm thường nhưng nếu có kiến thức cổ điển Trung Hoa mới thấy hai thầy trò Sei Shônagon có văn hóa cao, phong cách tao nhã và rất tâm đầu ý hợp vì không cần nói nhiều cũng hiểu nhau.
-Thứ đến các đoạn có tính cách loại tụ (Ruijû) nghĩa là nói về những cái giống nhau (Monozukushi) của từng sự vật (núi, sông…) và những tình cảm mà sự vật ấy có thể gợi ra cho ta. Có thể sử dụng nó để làm mào đầu [10] (makura), tựa vào đó mà đặt thơ gieo vần. Tác giả đã có khả năng liên tưởng ngôn ngữ dựa trên những nhận xét tinh tế và nhạy bén.
Những cái ít khi thấy là bố vợ khen chàng rể, con dâu được mẹ chồng thương, cái nhíp bạc nhổ đúng ngay sợi tóc, tớ không nói xấu chủ. Cũng như khó kiếm ra người không có lấy một thói hư tật xấu, từ mặt mũi, tính tình đến phong cách đều tuyệt vời, tiếp xúc thường xuyên với người đời mà không để ai chê bai được điều gì... (Những điều hiếm có) [11]
Một người khách đến chơi lúc ta đang vội mà còn kể lể dông dài. Nếu là kẻ đối xử tệ được thì ta đã có thể bảo “Thôi, để lúc khác!” và tống khứ anh ta. Nhưng nhỡ là kẻ mình phải giữ lễ thì họ đặt ta vào một hoàn cảnh khó tiến thoái, thật bực.
Một sợi tóc rớt trong nghiên hay hạt cát dính vào thỏi mực kêu ken két lúc ta mài…Khi ta đang muốn lắng nghe chuyện bỗng có đứa bé chợt khóc thét. Một đàn quạ bay tán loạn tứ phương, kêu inh tai. Con chó nhè người ban đêm lén tìm đến thăm ta mà sủa nhặng lên. Một giết phứt nó được! (Những điều đáng ghét)
- Cuối cùng là các đoạn có tính cách tùy bút nói đến những tình cảm tự phát bộc lộ trước thiên nhiên và con người. Nó là một phân nhánh của các đoạn nói về loại tụ. Ví dụ đoạn nói về buổi bình minh mùa xuân (Haru no akebono) chẳng hạn.
Mùa xuân đẹp lúc hừng đông. Bầu trời ven nếp núi nhờ nhờ rạng ra rồi làn mây ánh màu tím nhạt trải dài trông thật tuyệt.
Mùa hè đẹp vào ban đêm. Lúc trăng ló dạng càng đẹp. Dù trời tối mịt nhưng nếu đom đóm bay qua bay lại, cả bầy hay dầu chỉ một đôi con, chớp chớp cũng đủ thích. Có tí mưa lại đậm đà hơn.
Thu đẹp lúc chiều về. Mặt trời vừa gác núi, quạ từng đàn hai ba chiếc, ba bốn chiếc, gấp rút như muốn về chỗ ngủ, trông thật nên thơ. Hơn thế, nếu có ngỗng trời giăng hàng bay nhỏ dần về phía xa, nhìn theo càng thương cảm. Lúc vầng dương khuất hẳn giữa tiếng gió và tiếng côn trùng, thì không cảnh nào hơn.
Đông đẹp nhất ban sáng. Cảnh tuyết rơi tụ lại thì đành rồi nhưng nếu chỉ có sương trắng xóa cũng đáng yêu. Dù không được một buổi mai như thế nhưng nếu trời thật lạnh, nội nhìn cái dáng lăng xăng chuyển than để nhóm lửa sưởi cũng nhắc cho ta đang ở giữa mùa đông. Đến trưa khi cái lạnh dần dần dịu đi, lửa trong lò đã thành tro, mới thấy đơn chiếc. (Bình minh mùa xuân)
2. NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT THỜI KAMAKURA (1185-1333)
2.1. NHẬT KÝ
Văn hoá vương triều mà cao điểm là văn hoá Heian quá ư xán lạn, nên cho dầu chính vì thế mà quyền lực chính trị của giai cấp quý tộc bị tê liệt và ngay cả sau khi chính quyền của gai cấp vũ sĩ (samurai) đã bén rễ khá sâu, nó vẫn còn được người đời ngưỡng mộ. Do đó, có nhiều tác phẩm các đời sau mang chủ đề tâm tình hoài vọng quá khứ vàng son ấy. Cùng lúc đó, Kamakura, bản doanh của chính quyền samurai, đã trở thành thủ đô chính trị. Giao lưu giữa Kyôto và Kamakura ngày càng trở nên tấp nập qua con đường Tôkaidô (Đông Hải Đạo), trục giao thông chính ven biển. Hai loại văn nikki (nhật ký) và kikôbun (kỷ hành văn) hay ghi chép lúc đi đường, nhờ đó mới có thêm tư liệu phong phú để trở thành một dòng văn học đặc sắc.
Trong các tác phẩm thuộc loại nikki hồi tưởng lại cuộc sống cung đình có Kenreimon-in Ukyônodaibu-shû (Kiến Lễ Môn Viện Hữu Kinh Đại Phu tập) được xem như hoàn thành năm 1233. Tác giả Kenreimon-in Ukyônodaibu không phải là tên người nhưng chỉ là một chức nữ quan trong cung hầu cận bà Kenreimon-in tức bà cựu hoàng hậu Taira Tokushi (Bình, Đức Tử). Sau khi vào cung hầu cận hoàng hậu ít lâu, bà dan díu với hai người đàn ông: Fujiwara Takanobu (Đằng Nguyên, Long Tín) và Taira Sukemori (Bình, Tư Thịnh). Với Takanobu bà không hợp nên chẳng mấy lúc chia tay, còn Sukemori đã cùng cả nhà Taira phải bỏ kinh đô tháo chạy và rốt cục tiêu vong ở trận hải chiến Dan-no-Ura. Bà mỗi một mình trơ trọi, suốt nửa đời còn lại thương tiếc cái chết của Sukemori. Tác phẩm của bà chứa chan tình cảm vì bà diễn tả những đau thương thống thiết của thân phận đàn bà bị thần chiến tranh đem ra làm trò đùa:
Bọn vũ sĩ (quân Minamoto) đáng khiếp sợ từ miền tây ùn ùn đổ tới. Tin người ta đồn đại nhiều không xiết kể, chẳng biết loại tin tức gì sẽ lọt vào tai mình lúc nào. Khóc ngất rồi lại ngủ vùi, trong mộng lúc nào cũng thấy con người ấy (Sukemori) hiện ra trong mảnh áo đơn, đứng giữa chỗ gió thổi ào ào với dáng trầm ngâm. Khi giật mình tỉnh giấc, ruột gan rối bời, tâm trạng khó mà diễn tả. Giờ đây lòng hãy canh cánh không biết người ấy còn đang ở trong tình cảnh tương tự hay không?...Biết đâu chàng vẫn vật vờ trong sóng to gió lớn, tâm hồn chưa tìm được bình an!
Đầu thời Kamakura, có Kaidôki (Hải đạo ký) và Tôkan Kikô (Đông Quan kỷ hành) là hai tác phẩm viết về phong cảnh và sự tình trong những cuộc lữ hành trên con đường Tôkaidô (Đông Hải Đạo). Vì sử dụng thể văn Hòa Hán hỗn hợp một cách khéo léo trôi chảy, chúng là hai tác phẩm điển hình cho văn học du ký và ảnh hưởng sâu đậm đến các tác phẩm về sau trong đó có Truyện Heike [12].
Kaidôki không rõ ai viết nhưng được phỏng định ra đời vào khoảng năm 1223. Tác giả là người về già đi xuất gia, ghi chép lại cuộc hành trình của mình từ Kyôto đến Kamakura. Nội dung gồm lý do của chuyến đi, tâm tình lúc đi đường và những suy tư về đạo Phật đã đào sâu thêm qua chuyến đi. Tác phẩm Tôkan Kikô cũng không rõ do ai viết (thời điểm sáng tác được phỏng đoán vào khoảng năm 1242), nói về một cuộc hành trình tương tự cùng những điều nghe thấy của tác giả lúc lưu trú ở Kamakura.
Hai tập nhật ký tiêu biểu cho thời Kamakura mang tên Izayoi nikki (Thập Lục Dạ nhật ký) và Towazugatari (Không hỏi cũng thưa). Izayoi Nikki do bà Abutsuni (A Phật Ni, 1222 ?-1283 ?) trước tác. Bà là vợ sau của Fujiwara Tameie (Đằng Nguyên, Vi Gia) nghĩa là con dâu của thi hào Teika (Sadaie). Sau khi ông Tame-ie mất, con vợ trước là Tame-uji (Vi Thị, họ Nijô) và con trai bà là Tamesuke (Vi Tướng, họ Reizei) tranh giành việc thừa kế ruộng nương nên bà phải lên Kamakura vì chuyện tố tụng. Nhật ký phân trần về sự việc xảy ra trong lúc nầy. Abutsuni là nhà thơ nữ có tiếng giữa thời Kamakura. Ngoài nhật ký, bà còn lưu lại thơ waka, tập ký sự du hành Utatane (Thiu thiu) và tập bình luận về thơ Yo no Tsuru (Dạ Hạc hay Hạc Đêm).
Tác phẩm Towazugatari được ước chừng đã ra đời trước năm 1313. Tác giả là con gái của Koga Masatada (Cữu Ngã, Nhã Trung). Bà có tên hiệu là Gofukakusa-in Nijô (Hậu Thâm Thảo Viện Nhị Điều). Năm mới 14 bà đã được thiên hoàng (thứ 89) Gofukakusa yêu dấu nhưng vẫn tiếp tục đi lại thường xuyên với các nhà quí tộc như Saionji Sanekane (Tây Viên Tự Thực Kiêm), hoàng tử Shôjohosshinno (Tính Trợ Pháp thân vương), Kameyama-in (Qui Sơn Viện). Trong Towazugatari, bà kể lại một cách không che đậy về những mối liên hệ phòng the đó. Tuy nhiên, vì ngưỡng mộ cao tăng và văn gia Saigyô (Tây Hành) nên về sau bà bỏ đi tu, du lịch nhiều nơi danh thắng như Kamakura (Liêm Thương) và Itsukujima (Nghiêm Đảo) ở Hiroshima. Towazugatari là một tác phẩm độc đáo: bà đã viết về những ngày tháng yêu đương thời trẻ một cách thành thực như bộc bạch (như thể không hỏi cũng khai ra) và miêu tả bước đường du lịch trong phần đời tu hành về sau.
Xin trích dịch một đoạn văn nhỏ trong quyển thứ 2 của Towazugatari:
Ngài (Hoàng tử Shôjohô) bước vào phòng đột ngột quá. Đang tự hỏi, chết chưa, làm thế nào bây giờ, thì đã nghe ngài nói "Nhờ sức Phật Tổ, mới gặp được nàng đây. Bây giờ ta có bị đọa xuống địa ngục cũng cam!". Rồi ngài vừa khóc vừa ôm chầm lấy tôi. Bụng nghĩ người gì mà đường đột thế nầy nhưng ngài là bậc tôn quí, không thể lớn tiếng trách sao lại như thế, tôi mới thầm thì thưa:"Phật trong lòng ngài đáng sợ quá đi thôi!". Nói thế mà ngài chẳng chịu buông tha cho. Trong lúc còn đang nửa mê nửa tỉnh vì sự việc xảy ra thì tăng nhân tháp tùng ngài chợt đến báo "Đã hết giờ rồi!", ngài bèn lẻn ra cửa sau biến mất. Trước đó không quên nhắn thêm: "Khuya nầy, chắc chắn ta còn đến thăm nàng lần nữa đấy!... ".
2.2 TÙY BÚT
Tùy bút đóng vai trò quan trọng trong dòng «văn học ẩn sĩ».Trong một thời nhiễu nhương và có lắm thiên tai, lòng con người nếu có mang nỗi lo âu, có bất mãn và phiền trách là chuyện cũng dễ hiểu. Một trong những phản ứng là bỏ đi tu để xa lánh hiện thực của cuộc đời. Họ trở thành những người ở ẩn, kết cỏ dựng am trong núi sâu hoặc lang thang du hành từ vùng nầy qua vùng khác. Họ xem cuộc đời nầy là vô thường, dốc lòng tu học đạo Phật và để lại những tác phẩm văn học nói lên chí hướng và kinh nghiệm bản thân. Đó là dòng văn học mà người Nhật gọi là inja bungaku (ẩn giả văn học). Trước đó đã có Saigyô (Tây Hành, 1118-1190), Shun-e (Tuấn Huệ, 1113-?), Ton-a (Đốn A, 1289-1372) là những văn nhân ẩn sĩ có tiếng. Đại biểu ưu tú nhất của lớp người nầy vào đầu thời Kamakura là Kamo-no-Chômei (Áp, Trường Minh) với Hôjôki (Phương Trượng ký) và Kenkô (Kiêm Hảo) với Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo). Các văn nhân ẩn sĩ xa rời thế tục, sống độc lập nên thi ca và văn chương của họ cũng có phong vị u nhàn tịch mịch. Dòng văn học ẩn sĩ (inja bungaku) là điểm đặc thù của thời trung cận đại, trong khi dòng văn học phụ nữ (joryû bungaku) là đặc điểm của thời trung cổ và văn học người kẻ chợ (chônin bungaku) đại diện được cho thời cận đại.
Tiêu biểu cho tùy bút Nhật Bản, Hôjôki (1212) là tác phẩm của Kamo no Chômei (Áp, Trường Minh, 1155 ?-1216). Chômei là con một chức quan giữ đền nhưng cha mất lúc mới 20 nên không ai đỡ đầu, chịu long đong một thời. Sau nhờ theo học waka với Shun-e (Tuấn Huệ) và đàn tì-bà với Nakahara Ariyasu (Trung Nguyên, Hữu An) mới được đời biết tới. Ông được thái thượng hoàng Gotoba-in cho làm một chức quan trong Viện Thi ca (Wakadokoro = Hòa ca sở), dần dần nổi tiếng vì có thi tài. Lúc 50 tuổi, buồn vì việc người trong họ cản trở việc tựu chức quan giữ đền thần của mình, ông đột nhiên bỏ tất cả, xuất gia, lánh đời. Ông về vùng Ôhara rồi Hino, nay thuộc Kyôto, cất am trong núi, viết Hôjôki (Phương Trượng ký).
Phương trượng [13] chỉ căn phòng nhỏ vuông vức của người tu hành, mỗi bề khoảng 3 mét. Đây là nơi Chômei trầm tư và ghi chép ý nghĩ của ông. Ông viết về phong cảnh chung quanh thảo am như sau:
Phía nam cái am, có đặt máng để lấy nước khe. Rừng ở kề bên nên nhặt cành khô làm củi không khó. Cỏ bò lan lấp lối đi, trong trũng cây cối rậm rạp nhưng phía tây lại thoáng nên buổi chiều ngắm mặt trời lặn để suy nghĩ về cõi Tây Phương tịnh độ cũng tiện. Mùa xuân hoa tử đằng nở như chòm mây tím, mùa hè, tiếng cuốc kêu đưa đường cho người về cõi u minh, mùa thu ve ran suốt ngày than cho cuộc đời bèo bọt, mùa đông thì cảnh tuyết rơi phô cho thấy vòng sinh diệt của kiếp người đầy tội lỗi. Mỗi ngày được niệm Phật đọc kinh tùy thích, sống có một mình nên chẳng lo phạm tội gian dối cùng ai. Tảng sáng ra bờ sông Uji ngắm thuyền bè qua lại, miệng ngâm nga mấy câu thơ, chiều về khảy ít tiếng tỳ bà. Có hứng thì chơi điệu "Thu Phong lạc" hay khúc "Lưu tuyền" bí truyền. Dù đánh không hay cũng chẳng lo ai để ý.
Lâu lâu có thằng bé con người canh gác sống ở dưới chân núi lên am chơi. Nó mười tuổi, ta sáu mươi. Tuổi tác tuy có khác nhau nhưng cùng đi ngắt hoa, hái quả, đào khoai rừng, nhặt gié lúa sót. Nếu trời đẹp, lại lên đỉnh cao nhìn về cố hương Kyôto, ngắm ngọn Kohata, mấy làng Fushimi, Toba. Đôi khi lại theo đường núi vãn cảnh chùa Iwama, chùa Ishiyama trên núi Kasatori, hay là từ Awazugahara thăm dấu cũ của [nhà thơ mù] Semimaru, vượt sông Tanakami, đến tận ngôi mộ [thi hào] Sarumarudayû. Đêm thanh vắng thì ngồi nhớ lại bạn bè xưa, nghe tiếng vượn kêu, sa nước mắt. Nhìn đàn đom đóm mà ngỡ ánh lửa phía đảo Makinoshima. Nghe chim núi hót bi ai, đâm thương cha nhớ mẹ. Cả đến tiếng cú rúc trước kia khó ưa, bây giờ cũng gợi cho ta nguồn hứng.
Những câu như "Sông kia chảy không hề ngừng và nước có bao giờ lại là dòng nước cũ" [14] mà ông viết nói lên sự đồng cảm của mình với lẽ đời vô thường. Nội dung phần đầu tập sách miêu tả năm tai ách của người Nhật thời đó: trận hoả tai năm Angen (An Nguyên, 1177) thiêu rụi 1/3 thành phố Kyôto, trận bão lốc năm Jishô (Trị Thừa, 1180), quyết định đột ngột thiên đô về Fukuhara (Phúc Nguyên, gần Kobe) của quyền thần Taira Kiyomori cũng vào năm 1180 khi quân Minamoto Yoritomo và Kiso Yoshinaka tấn công, nạn đói năm Yôwa (Dưỡng Hòa, 1181) làm chết trên 42.000 người, trận động đất năm Genryaku (Nguyên Lịch, 1185). Ông viết chính xác đến từng chi tiết với một giọng văn gây xúc động của người chứng kiến cảnh đời vô thường của một kinh đô có lịch sử huy hoàng 400 năm đang lần hồi sụp đổ.
Cảnh đói kém được tả lại như sau :
Hình như hồi năm Yôwa thì phải, chuyện xưa rồi nên không nhớ rõ. Suốt hai năm liền, không lương ăn, bao nhiêu cảnh bi thảm. Xuân, hạ thì hạn hán, thu, bão tố lũ lụt, toàn là tai ách, ngũ cốc không ra hạt. Nông dân bỏ ruộng vườn, chạy qua xứ khác hay vào trong núi ở. Cầu đảo, làm bùa làm phép chẳng có kết quả. Thóc lúa dưới quê không lên nên người hàng phố kinh đô phải đem bán đổ bán tháo những đồ quí giá mà chẳng ai mua cho. Nếu có người chịu đánh đổi thì tiền bị coi rẻ, lương thực đắt. Ngoài đường đầy ăn xin. Đến năm sau lại thêm bệnh dịch, người người như cá mắc cạn, những kẻ gốc gác sang trọng cũng phải ăn mày, bước không muốn nổi. Vệ đường đầy xác người chết đói. Hai bờ sông Kamo, hài cốt chồng chất.
Bị đưa vào thế cùng, có kẻ vào chùa đánh cắp tượng Phật, bàn thờ, đem ra chợ bán làm củi. Phải giương mắt nhìn những hành vi ấy, ta hận cho mình đã sinh ra vào thời buổi như vầy.
Tuy sách ngắn thôi nhưng đủ để miêu tả tâm tình với rất nhiều cảm khái của một người trí thức phải kinh qua một thời đại đầy biến loạn. Sách viết bằng chữ Hán pha chữ Nhật, có nhiều đối cú, câu văn mạnh mẽ, lý luận minh bạch, nhất là những đoạn miêu tả thiên tai để lại nhiều ấn tượng. Tuy viết theo dàn bài Chiteiki [15] (Trì Đình Ký, 982), tác phẩm Hán văn của Yoshishige Yasutane (Khánh Từ, Bảo Dận), văn nhân cuối thời Heian nhưng Hôjôki đã trở thành một tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học yếm thế và ảnh hưởng nhiều đến toàn thể văn chương trung cận đại.
Sau Hôjôki phải kể đến Tsurezuregusa.Tăng nhân Kenkô (Kiêm Hảo) sinh và mất khoảng 1283-1352, đã hoàn thành tập tùy bút Tsurezuregusa (Viết lúc buồn tình) vào năm 1331, năm có cuộc «nổi dậy» lần thứ hai thất bại của thiên hoàng Godaigo. Tên thật của ông là Urabe Kaneyoshi (Bốc Bộ, Kiêm Hảo), một dòng họ lo việc bói toán, nhà đời đời làm chức quan giữ đền Yoshida cho nên ông còn được gọi là Yoshida Kaneyoshi. Khoảng năm 20 tuổi, vào hầu cận quí tộc Horikawa (Quật Hà), nhờ đó được làm quan lục phẩm dưới đời thiên hoàng thứ 94 Gonijô (Hậu Nhị Điều, trị vì 1301-1308). Lúc thiên hoàng băng, ông mới trên dưới 30 nhưng bỏ đi tu, lấy pháp danh là Kenkô từ đó.
Tsurezure là trạng huống buồn bực chán ngán, không thiết làm gì, xem việc viết lách như một cách làm cho mình khuây khoả [16]. Tập tùy bút để giải khuây nầy gồm 243 đoạn vừa dài vừa ngắn, độc lập với nhau, nội dung của nó nói về các thú vui thời đại vương triều (Heian) và khảo sát về phong tục tập quán, nghi thức trong nếp sinh hoạt của người đời trước, nghĩa là bày tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với văn hóa quí tộc cổ xưa nhưng cũng cùng lúc, để ý đến những gì đã biến đổi.
Tác giả có kiến thức sâu rộng đã đành nhưng còn có cái nhìn nhạy bén về thiên nhiên, về cái đẹp, cũng như tài quan sát tinh tế, sâu sắc tâm lý con người. Văn ông bình dị, trong sáng, cân đối, không thừa thãi bao giờ. Cùng với Hôjôki, Tsurezuregusa đại biểu xứng đáng cho dòng văn học ẩn sĩ và thể loại tùy bút. Nó thể hiện đầy đủ đặc sắc của thể văn tùy bút nầy vì để mặc cho ngòi bút kéo đi, sự nối kết giữa các đoạn không có gì gượng ép. Nó chịu ảnh hưởng của Makura-no-sôshi đời Heian nhưng không ca tụng vương triều như tác phẩm của bà Sei. Đúng hơn, nó chia sẻ với Hôjôki cái nhìn vô thường về cuộc đời người thế. Về phương diện tư tưởng, Tsurezuregusa còn đáng được đánh giá cao hơn Hôjôki vì nó không chỉ là một lời than thở về lẽ vô thường mà còn là sự chiêm nghiệm cái đẹp của mọi biến đổi. Nói khác đi, đó là điểm xuất phát của một quan niệm thẩm mỹ mới, mujô no bi (cái đẹp của vô thường), đặc điểm của văn học trung cận đại Nhật Bản.
Xin trích vài đoạn nhỏ của Tsurezuregusa:
Không nên đợi đến lúc về già mới bắt đầu tu đạo Phật. Hãy xem những ngôi mộ cổ kia, toàn của người chết trẻ. Ngã bệnh lúc nào không biết, rồi phút giây sắp vĩnh biệt thế gian mới ý thức được những sai lầm của đời mình. Chuyện gọi là sai lầm có gì lạ đâu: chuyện đáng lẽ phải làm bây giờ lại để sau rồi tính, chuyện thủng thỉnh suy nghĩ được thì lại hấp tấp làm ngay, chuyện đã qua đứt rồi còn đứng đó mà tiếc. Lúc đó có hối thì được gì nào? Chỉ nên ghi lòng tạc dạ: cuộc đời chung quanh ta tất cả chỉ là vô thường, và không giây phút nào được quên điều đó. (Đoạn 49)
Có phải ta chỉ nên ngắm anh đào lúc hoa mãn khai hay ngắm vầng trăng lúc ánh sáng không có gì che khuất? Những kẻ thấy vầng trăng dễ thương sau màn mưa che hay những kẻ đóng kín cửa nằm nhà, không hay bên ngoài mùa xuân đang đi qua mới có mối cảm hoài sâu sắc. Nhìn ngọn cây tưởng sắp nở hoa thế mà đã thấy hoa kia héo rụng tả tơi trong sân, đó mới là những lúc đáng xem. (Đoạn 137)
3. NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT THỜI EDO (1600-1868):
3.1 NHẬT KÝ
Nhà thơ cũng có thể viết nhật ký hay tùy bút dầu không có chủ tâm. Matsuo Bashô (Tùng Vĩ, Ba Tiêu, 1644-1694) sinh ở vùng Iga-Ueno (thành phố Ueno thuộc tỉnh Mie ngày nay), tên thật là Munefusa (Tông Phòng), biệt hiệu Tôsei (Đào Thanh). Sinh trong một gia đình samurai hạng thấp, ông mất cha từ năm 13 tuổi. Bỏ cố hương, ông mang tác phẩm đầu tay Kai Ohohi [17] lên Kyoto rồi sau qua miền Đông (1674). Ở Edo, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phái Danrin, mở trường dạy haikai ở Nihonbashi để sống (1678). Sau vì chán cảnh phồn hoa, ông nhờ học trò là Sampû (Sâm Phong) giúp đỡ, dựng am Bashô ở xóm Fukagawa ngoại thành (1680), vui đời đạm bạc, say mê tư tưởng Lão Trang và có một thời chịu ảnh hưởng Thiền Tông.
Để đi tìm nguồn thơ và phong cách mới, ông lên đường du lịch (hành cước) và từ đó đi mãi không ngừng nghỉ. Ông trở thành nhà thơ của thiên nhiên. Năm 1684, lần đầu tiên ông viết thể văn kỷ hành (kikô) theo truyền thống văn nhân đời trước. Đó là tập Nozarashi Kikô (Dọc đường mưa gió) và còn gọi là Kasshi Ginkô hay (Thơ trong chuyến đi năm Giáp Tý) viết khi đi chơi từ Edo về cố hương Iga-Ueno và trở lại Edo. Đến Nagoya, ông viết Fuyu No Hi (Ngày Đông), tập thơ haikai chú trọng hoàn toàn vào tính cách phong nhã (fûga) và đó là nền móng cho lâu đài thi ca Bashô. Sau đó còn có những tập thi văn kikô khác như Kashima Kikô (Đi chơi Kashima, 1688) nhân một cuộc đi chơi ngắn để ngắm trăng và tham bái đền chùa, Oi no Kobumi (Bức thư trong tráp đeo lưng, 1688) khi đi xem hoa và tìm những phong cảnh đem lại nguồn thơ ở vùng Yoshino, Akashi gần kinh đô ; Sarashina Kikô (Đi chơi Sarashina, 1688) viết khi xem trăng, thăm viếng danh lam cổ tự miền núi non Nagano trên đường vòng về từ Akashi…nhưng quan trọng nhất vẫn là kiệt tác Oku no hosomichi [18] (Đường mòn lên miền Oku, 1689) khi ông cùng với đệ tử là Sora (Tăng Lương) khăn gói lên vùng Ôku (Áo Vũ), Hokuriku (Bắc Lục) phía bắc đảo Honshû (Bản Châu). Đoạn đường này dài tất cả 2.340 cây số, đi từ mùa Xuân qua đến mùa Thu. Các tác phẩm Bashô viết trên đường du lịch vừa có tính cách nhật ký, vừa có tính cách tùy bút, nhưng quan trọng hơn cả là cảm nhận cảnh vật trên đường đi qua cặp mắt của cái-tôi-nhà-thơ.
Từ những năm đời Tempô (Thiên Bảo, 1830-1844), thơ haikai trong dân gian càng ngày càng bị xuống cấp, người yêu văn chương không ai chịu nổi. May mắn thay, chí ít trước đó đã có một nhà thơ đem lại được cái gì mới lạ. Đó là Kobayashi Issa (Tiểu Lâm, Nhất Trà, 1763-1827). Issa sinh trong một gia đình bần bách nên lúc nhỏ đã phải lên Edo để mưu sinh. Vừa giúp việc người ta vừa học làm thơ. Ông thường viết nhật ký bằng haikai ghi chép việc hằng ngày hoặc những biến cố trong đời. Issa là tác giả của các tập nhật ký Shichiban nikki (Nhật ký số bảy”, Hachiban nikki (Nhật ký số tám) cũng như các thi tập Kyôwa kujô (Thơ viết đời Hưởng Hòa), Bunka kujô (Thơ viết đời Văn Hóa). Khi về quê chứng kiến cảnh thân phụ qua đời, ông lại viết Chichi no Shuuen nikki (Nhật ký lúc cha tôi lâm chung) bộc lộ một cách sinh động tình cảm yêu ghét đối với gia đình (mẹ kế và em cùng cha khác mẹ) nhân cuộc tranh chấp quyền thừa kế. Lúc 57 tuổi, ông còn viết Ora ga Haru (Mùa Xuân của tôi, 1852), một tập tùy bút dưới dạng nhật ký trình bày cảm tưởng của tác giả với mọi sự việc xảy ra quanh ông (vợ chết, con chết, tái hôn, ly dị, trúng phong).
Nói về thời Edo, ta không thể bỏ qua nhà thực vật học, nhà tư tưởng và giáo dục Kaibara Ekiken (Bối Nguyên, Ích Hiên, 1630-1714), đã để lại 18 du ký ghi chép về những cuộc hành trình của ông từ Edo, qua Kyoto đến Nagasaki. Ogyû Sorai (Địch Sinh, Tồ Lai, 1666-1728), học giả Hán học cũng có Kyôchuu Kikô (Đi trong hẻm núi, 1706), trong đó, ông nói lên cảm giác tự do trên đường núi sau hơn mười năm chịu bó gối trong phòng văn.
4. TỪ NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT ĐẾN TIỂU THUYẾT HIỆN ĐẠI (1868-1989):
Bước vào thời cận đại, dòng nhật ký và tùy bút vẫn tiếp nối. Nó vừa là một dòng chảy riêng biệt, vừa có những chi lưu đổ vào các dòng văn học khác như tiểu thuyết, thơ và các lãnh vực nghệ thuật khác như sân khấu và điện ảnh. Trong một xã hội có tính tập đoàn, nó giống như một mạch nước ngầm, khi thì hiền hoà, khi thì có sức công phá mạnh mẽ.
4.1. NHẬT KÝ VÀ TÙY BÚT TRONG VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
Trong các nhà văn, nhà thơ cận đại và hiện đại để lại tác phẩm dưới hình thức nhật ký hoặc tùy bút, ta có thể đơn cử Wakayama Bokusui, Higuchi Ichiyô, Ishikawa Takuboku, Kunikida Doppo và Akutagawa Ryûnosuke.
Wakayama Bokusui (Nhược Sơn, Mục Thủy, 1885-1928), nhà thơ thuộc trường phái tự nhiên đời Meiji, có thi phong giản dị, nhẹ nhàng và lãng mạn. Bokusui cũng lấy cuộc sống thường nhật làm đề tài nhưng sau khi trải qua một thời chuyên chú vào thơ luyến ái, vẫn còn khuynh hướng tự tình (lyric) dầu là khi khai thác đề tài về thiên nhiên và biển cả, đam mê của riêng ông. Bokusui bộc bạch về mình trong Umi no koe (Tiếng gọi của biển, 1908), Minakami kikô (Phiêu lưu trên sóng, 1924).
Phải kể cảnữ sĩ Higuchi Ichiyô (Dũng Khẩu, Nhất Diệp, 1872-98), nhà văn phái nữ chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản. Lúc đầu bà chỉ viết với giọng văn cổ xưa nhỏ nhẻ trang nhã mà thôi nhưng đột nhiên, với tác phẩm Ôtsugomori (Ngày cuối năm) ra đời năm Meiji 27 (1894), bà đã bộc lộ được văn tài của mình. Từ đó, bà viết lên những mối tình nhẹ nhàng của trai gái sống gần kề xóm lầu xanh Yoshiwara trong Takekurabe (So vai) [19] ra mắt năm Meiji 28-29 (1895-96). Ngoài những tác phẩm nói trên, bà cũng là tác giả của các tập Jûsan'ya (Đêm mười ba, 1895), Wakaremichi (Ngã rẽ, 1896).
Nhà văn nữ lưu Ichiyô thường lấy nguồn cảm hứng từ thể nghiệm bản thân, một phụ nữ gánh vác một gia đình nghèo, gặp nhiều nghịch cảnh và phải tranh đấu vượt qua. Đúng như thế, vì bệnh lao, bà đã qua đời rất sớm ở cái tuổi 24 nhưng đã để lại tập nhật ký ghi chép về cuộc đời mình từ năm 15 tuổi cho đến lúc bị tử thần cướp đi. Nhật ký ấy có giá trị văn học rất lớn lao.
Đứng ở một vị trí khác, Kunikida Doppo (Quốc Mộc Điền, Độc Bộ, 1871-1908) là nhà thơ kiêm nhà văn theo khuynh hướng chủ nghĩa tự nhiên. Tập đoản thiên đầu tay Unmei (Vận mệnh) ra đời năm 1906 đưa tên tuổi ông đến với văn đàn. Tuy nhiên ông được biết đến nhiều nhất nhờ tác phẩm Musashino (Mushashino là điạ danh nhằm chỉ vùng Tây Nam của đồng bằng Kantô gồm thành phố Tokyo và tỉnh Saitama ngày nay), một tập truyện ngắn có phong vị tùy bút và tập Shûchû Nikki (Nhật ký làng say).
Akutagawa Ryuunosuke (Giới Xuyên, Long Chi Giới, 1892-1927), là cây bút cự phách của văn đàn đời Taishô. Cái chết đột ngột của ông được xem như tượng trưng cho số phận của trí thức và đã gây nhiều xúc động cho người đương thời. Ông để lại di cảo Haguruma (Trong guồng máy), Aru aho no isshô (Truyện đời một thằng ngốc) đều là những nhật ký hoặc tùy bút nói lên tâm trạng thác loạn thần kinh của bản thân ông lúc cuối đời. Một tác phẩm khác ông viết khoảng năm 1923-1925 và được in ra sau khi ông mất (tháng 12/1927) nhan đề Shuju no kotoba (Lời phát biểu của người hèn kém) là một tập tùy bút gồm 250 đoạn thật ngắn bày tỏ ý kiến của tác giả đối với cuộc đời, con người, đạo đức, nghệ thuật và cả bản thân. Shuju (người bé choắt, dwarf) là người mà tứ chi không phát dục kịp người thường, ý khiêm xưng là hèn kém. Trong đó có những nhận định chả-giống-một-ai như sau:
- Đời người:
Đời người giống như cái hộp diêm. Đừng có khùng mà dùng nó vào chuyện lớn. Dùng vào chuyện lớn là nguy hiểm.
Đời người giống như quyển sách thiếu nhiều trang. Khó thể gọi nó là quyển được. Khổ cái nó lại là một quyển đấy.
- Tự do:
Tự do giống như không khí trên đỉnh núi cao. Kẻ yếu không thể nào chịu nổi cả hai thứ đó.
Tự do chủ nghĩa. Tự do luyến ái. Tự do mậu dịch. Đáng tiếc là trong cái cốc nào chứa tự do cũng có pha thật nhiều nước. Nói chung toàn nước đọng.
4.2. CHỖ ĐỨNG CỦA CÁI RIÊNG TƯ TRONG VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
Dù chỉ ảnh hưởng một cách gián tiếp, dòng nhật ký và tùy bút không xa lạ gì đến việc phát triển của thể loạitiểu thuyết nói về cái tôi (shi-shôsetsu) mà ảnh hưởng từ bên trong đã phối hợp với ảnh hưởng Âu Mỹ (I-novel, Ich Roman) để tạo ra. Trong số các tác giả sử dụng kinh nghiệm bản thân để viết hay khai thác tâm lý của nhân vật không che đậy có Shimazaki Tôson (Đảo Kỳ Đằng Thôn, 1872-1943) và Tayama Katai (Điền Sơn, Hoa Đại, 1871-1930), hai nhà văn đã thực sự mở màn cho văn chương cận đại.
Tác phẩm đánh mốc cho nhà văn chủ nghĩa hiện thực Tôson là Hakai (Xé Rào, 1906), một trường thiên tiểu thuyết mà ông tự bỏ tiền ra in. Trong đó, ông kể về cuộc đời một nhà giáo trẻ, Sagawa Ushimatsu (Lại Xuyên, Sửu Tùng), có cái bất hạnh sinh trong gia đình burakumin (dân bộ lạc), một giai cấp mà tổ tiên làm những nghề ô uế (đào mả, đồ tể, thuộc da) bị xã hội thời Tokugawa coi là bẩn thỉu và bị kỳ thị. Một đằng cha dặn phải dấu tông tích để sống còn, một đằng muốn sinh hoạt một cách đường hoàng thanh thiên bạch nhật và chiến đấu chống kỳ thị, Segawata phải trải qua nhiều dằn vặt cho đến ngày “xé rào” để thổ lộ bí mật của mình trước đồng nghiệp và học trò.
Bước vào thời Taishô, trong tác phẩm Shinsei (Đời Mới, 1918-19), ông mạnh dạn thú thật mối tình của ông với cô cháu gái, gây xôn xao trong quần chúng (thật ra lúc đó ông đã góa vợ).
Riêng về Tayama Katai (Điền Sơn, Hoa Đại, 1871-1930), ôngvừa được biết đến như nhà văn khuynh hướng tự nhiên kiểu Zola vừa có tư chất của một nhà thơ trữ tình, đã đến với văn học thời Meiji trong vai trò một thủ lãnh của phong trào văn học chủ nghĩa tự nhiên bên cạnh Shimazaki Tôson. Địa vị đó ông đã đạt được nhờ tác phẩm Futon (Tấm nệm, 1907).
Futon ban đầu chỉ là một tiểu thuyết ngắn, miêu tả mối tình thầm kín của một nhà văn trung niên trước một thiếu nữ xinh đẹp. Ông đã mượn sự việc nầy để áp dụng phương pháp miêu tả trung thực theo đúng cách thức hành văn kiểu chủ nghĩa tự nhiên. Thế nhưng độc giả đương thời lại xem câu chuyện trên như một lời thú tội thực sự can đảm của bản thân ông nên tác phẩm đó đã gây được tiếng vang lớn và từ đó, ông phải “lóc xương bóc thịt” mà viết.
Sau Tôson và Katai, đến thế hệ Ôgai và Sôseki, hai cây viết hàng đầu.
Mori Ôgai (Sâm, Âu Ngoại, 1862-1922) là một trong những nhà văn Nhật Bản tiếp xúc trực tiếp với Tây Phương vì từng du học ở Đức.Ông viết Vitas Sexualis (Tình dục) mô tả một cách không ngượng ngùng cuộc sống tính dục của nhân vật trong truyện có lẽ là bản thân (1909). Ông còn lấy chi tiết của cuộc sống chung quanh mình để viết một số đoản thiên trong đó có Kondankai (Buổi chuyện trò) và Fushinchuu (Đang xây cất, 1910) trong đó nhân vật chính, tham tán ngoại giao Watanabe, (Ôgai cho nó là một Ich Roman, tiểu thuyết tự thuật, của mình) gặp gỡ lại người đàn bà ngoại quốc, người yêu cũ của anh ta, trong khung cảnh đang xây dựng dở dang của thành phố Tokyo với câu nói thời danh: “Ở đây là Nhật Bản”.
Natsume Sôseki (1867-1916) với Botchan (Cậu ấm, 1906) muốn đề cao lý tưởng công bằng xã hội. “Cậu ấm”, hình ảnh của chính ông, thuở nhỏ là người ngay thẳng, vì không biết tính toán nên trong gia đình thường bị thiệt thòi. Lớn lên thành nhà giáo, “cậu ấm” dạy toán ở một trường tỉnh trên đảo Shikoku nhưng vì là ma mới nên hay bị lũ học trò nghịch ngợm rình rập chòng ghẹo. Cậu vẫn không thay đổi tâm tính chính trực. “Này xem đi, ở đời, ăn ở ngay thẳng mà không được việc, thì có cách nào khác được việc bây giờ?”, đó là chủ trương bất di bất dịch của “cậu ấm”. Qua tác phẩm, Sôseki trình bày những nghịch cảnh và khổ não gặp phải trong cuộc sống và quyết tâm đập tan nó.
Phía các thi sĩ, đã cóIshikawa Takuboku (Thạch Xuyên, Trác Mộc, 1886-1912), người diễn đạt tình cảm đời thường theo cung cách văn nói trong tập thơ lãng mạn Akogare (Ngưỡng mộ) của ông. Tập tanka đầu tiên của Takuboku nhan đề Ichiaku no Suna (Một nắm cát, 1910) đưa tên tuổi ông lên cao nhưng chỉ một năm sau, ông bị bệnh lao nặng rồi ra đi không kịp nhìn thấy tác phẩm tanka khác là Kanashiku gangu (Món đồ chơi buồn bã, 1912) ra đời. Thơ của Takuboku dạt dào tình cảm cách mạng đổi đời, ảnh hưởng của chủ nghĩa vô chính phủ, nói nhiều đến cuộc sống (sinh hoạt) hằng ngày như một tập nhật ký thơ nên các nhà viết văn học sử có khuynh hướng xếp ông vào phái “sinh hoạt” (seikatsuha):
Làm ăn, chăm chỉ làm ăn
Cuộc đời sao vẫn nhọc nhằn lắm thay
Đăm đăm ngó xuống bàn tay
(Bài "Hatarakedo")
Đùa vui cõng mẹ dạo chơi
Sao thân mẹ nhẹ, tơi bời lòng con
Bước ngập ngừng, nước mắt tuôn
(Bài "Hatamureni")
Có lần mình đã thốt ra
Một ngày mai mới quyết là không xa
Tuy không nói dối nhưng mà...
(Bài "Atarashiki")
Đến thời Taishô (1912-1926), hầu như các nhà văn như Shiga Naoya đều có khuynh hướng tìm viết về những thể nghiệm thực sự bản thân. Nhờ tôi luyện nhiều, họ đã thành công trong việc nâng cao tính nghệ thuật thuần túy của loại tiểu thyết tự thuật.
Tác phẩm được xem như tiêu biểu của văn nghiệp Shiga Naoya là trường thiên tiểu thuyết Anya Kôro (Ám Dạ Hành Lộ) “Đi trong bóng tối” (1921-23). Nhân vật chính Tokitô Kensaku mang một bí mật về nguồn gốc của mình ; anh ta là đứa con tư sinh do sự loạn luân giữa mẹ và ông nội. Phần đầu miêu tả thời thanh niên sống không mục đích vì mang một bí mật quá nặng nề. Người anh của Kensaku tiết lộ cho biết chàng là sản phẩm của tội lỗi nên sẽ không có cô gái nào chịu về làm dâu trong gia đình như thế. Rốt cục, Kensaku cũng tìm ra một người đàn bà chịu làm vợ mình để lại phải đối đầu với nghịch cảnh khác. Phần thứ hai nói về những lục đục xảy ra giữa vợ chồng vì cô vợ đã ngã vào vòng tay một người bạn anh. Anh không tỏ ra có phản ứng quyết liệt gì mà chỉ lẳng lặng ra đi. Một mình quyết chí bỏ lên ngọn Daisen thuộc tỉnh Tottori. Trên núi cao, anh ta đã tìm được sự hòa hợp giữa mình với thiên nhiên.
Shiga Naoya dẫn giải về cách viết của ông trong An-ya Kôro :
“Nhân vật chính Kensaku đã làm những việc mà ngay tác giả, nếu gặp cùng cảnh ngộ thì sẽ hành động theo lối đó hay muốn hành động theo lối đó. Hoặc tác giả đã từng xử sự y như vậy không chừng. Nói là hợp nhất cả ba lối cũng được”.
Theo Zoku -Sôsaku Yogi (Lại bàn thêm về sáng tác, 1924).
Kawabata Yasunari (Xuyên Đoan, Khang Thành, 1899-1972) tiêu biểu của phong trào «Cảm giác mới», là tác giả truyện Izu no odoriko (Cô đào hát miền Izu, 1926), một tác phẩm tươi mát, duyên dáng nhưng đượm chút u hoài. Truyện kể lại kỷ niệm của thời sinh viên năm thứ nhất trường Dự Bị Đại Học Tôkyô (Ikkô) và mối tình thoáng nhẹ với một thiếu nữ 14 tuổi trong một gia đình làm nghề hát dạo. Nhân vật « tôi », không thể ai khác hơn chính tác giả, mang tâm sự của đứa con mồ côi lên đường chu du vùng Shimoda trên bán đảo Izu gần núi Phú Sĩ và gặp người con gái ấy ở một nhà trọ ven đường. Qua cuộc gặp gỡ, trước cái trong trắng ngây thơ của người con gái, “tôi” cô nhi đã xóa được nỗi buồn vào đời của mình và tìm thấy một tình cảm dịu ngọt vời vợi trong lòng. Truyện xứng đáng được xem như một kiệt tác về văn học tuổi trẻ.
Sau chiến tranh, kinh nghiệm bản thân thời chiến được đưa lên mặt giấy với những tác gia như Ôoka Shôhei (1909-1988), bị động viên lúc đã 35 tuổi (tháng 6, 1944) và gửi đi San Jose (đảo Mindanao thuộc Phi Luật Tân). Sau khi lính Mỹ đổ bộ lên đây, ông tuy thoát chết nhưng bị bắt làm tù binh giam trên đảo Leyte. Ông kể lại kinh nghiệm thừa sống thiếu chết nầy một cách hết sức tỉ mỉ trong các tác phẩm Furyo-ki «(Đời tù binh, 1948-52), Nobi (Lửa đồng hoang, 1948-51), Leyte senki (Trận đánh đảo Leyte, xuất bản năm 1967).
Đời tù binh là đỉnh cao của sự nghiệp văn học của Ôoka Shôhei và nó là điểm khởi hành của những tác phẩm về sau của ông. Trong tác phẩm nầy, ông đã kể lại cuộc sống đầy thoả hiệp và buông thả của 3000 tù nhân mà ước mơ duy nhất là được Mỹ để cho sống còn và đợi ngày về xứ. Đời tù binh có tính cách tài liệu nhiều hơn là hư cấu. Đỉnh cao của sự rùng rợn trong chiến tranh có thể tìm thấy trong Lửa đồng hoang, nơi ông nói về đề tài người ăn thịt người. ta hãy xem thử một đoạn trong tác phẩm này:
“Tôi để ý một chi tiết đặc biệt nơi những xác người gặp bên vệ đường. Giống như những cái xác tôi đã gặp ở những làng ven biển, nó không còn chút thịt trên mông. Lúc đầu, tôi tưởng tại chó hay quạ nhưng sau tôi mới nghĩ rằng vào mùa mưa như thế nầy, những con vật đó, cũng như đom đóm, làm gì thấy ở chốn rừng núi. Giữa hai trận mưa rào, chỉ có tiếng bồ câu rừng gáy yếu ớt. Chẳng có rắn, không cả bóng ếch nhái.
Thế thì ai đã lóc thịt mấy cái mông? Đầu óc tôi không còn đủ sức để suy diễn. Thế nhưng, một hôm, đứng trước một thây chết hãy còn mơi mới, tôi bổng thèm ăn một miếng. Tôi bèn hiểu tất cả.
Nếu tôi không từng nghe câu chuyện của những người bị đắm trên chiếc bè Meduse thời xưa, nếu tôi không nghe tin đồn về hành động ăn thịt người của mấy người lính trên đảo Guadacanal, cũng như nếu những lời bóng gió của tụi đồng đội có thời đóng ở Tân Ghi-nê mà tôi có dịp đồng hành suốt mấy hôm không bật lên trong óc tôi, không hiểu tôi có thèm muốn hay không? Tôi ngờ vực điều nầy lắm.”
…. Trời đổ mưa. Trên tấm thân ướt đẫm của hắn, nước cuốn theo cả mấy con muỗi. Trong khi đó, lũ đỉa bắt đầu rơi xuống từ các cành cây cùng với những giọt nước. Những con rơi đến mặt đất, ở quá xa, bò ngược về hướng con mồi. Chúng thu người lại rồi duổi ra hết cả chiều dài.
- Thiên hoàng vạn tuế! Đại đế quốc Nhật Bản vạn tuế!
Hắn cúi khom lần nữa và lắc lư cái đầu đầy đỉa dính như những sợi kim tuyến li ti.
- Tôi muốn về! Cho tôi về. Đừng đánh nhau nữa. Tôi là Phật đây. Nam mô A di Đà Phật. Mô Phật!
Thế nhưng hắn lại có lúc tỉnh táo như khi người sắp chết chợt có lúc sáng suốt ra. Hắn nhìn tôi với đôi mắt trong veo và lạnh lùng, đôi mắt của một viên cảnh sát.
- Mầy còn đó à? Đi, đi con. Nầy, khi ông chết, cho mầy ăn thịt ông!
Hắn từ từ nâng nhẹ cánh tay trái lên rồi với cánh tay mặt, vỗ đánh đét vào bắp thịt.”
(Nobi, chương 28: “Kẻ đói và thằng điên”)
Thể nghiệm chiến tranh đã làm phong phú tác phẩm Hayashi Fumiko (1904-1951), vốn nhiều tính cách tự truyện. Bàsống trôi dạt từ nhỏ. Con thứ tư trong gia đình, các chị em mỗi người một bố. Bố của bà nhỏ hơn mẹ 14 tuổi và đã bỏ nhà theo tình nhân là một cô geisha cũ. Gia đình bà sống rày đây mai đó với người cha dượng làm nghề bán hàng rong. Thời thơ ấu cực khổ như thế đã ảnh hưởng tới văn nghiệp của bà. Bà viết Hôrôki (Đời lang bạt, xuất bản năm 1930), dưới dạng nhật ký hơn là tiểu thuyết.
Tự thú cũng là đặc điểm của văn chương Mishima, nhà văn cực hữu đã chết trong một cuộc bạo động do chính ông chủ xướng. Mishima Yukio (Tam Đảo, Du Kỷ Phu, 1925-70) đã bắt đầu viết từ 1941. Ông gây được sự chú ý với Kamen no Kokuhaku (Lời thú nhận của chiếc mặt nạ, 1949), tập tự truyện của một nhà văn mang mặt nạ. Trong chương cuối, người kể truyện tên Yûichi (có thể là chính tác giả) nói đến một xung động không cưỡng nổi đã kéo mình ra khỏi ảnh hưởng của Sonoko, người con gái anh ta tôn thờ, về phía “người đàn ông thô lỗ và mình mẩy đẫm mồ hôi”. Ở một đoạn khác, người ấy cho biết đã bị kích tình đến cực điểm (orgasm) lần đầu trong đời khi xem bức tranh “Thánh Sebastien thụ nạn” (với nét mặt u buồn nhưng hạnh phúc khi bị tên đâm đầy người) của Guido Reni. Ta nhớ rằng lúc cuối đời, Mishima cũng làm mẫu cho người ta chụp ảnh trong tư thế của thánh Sebastien và đã chọn cái chết bằng mổ bụng, một cái chết rất đau đớn.
Cũng cần phải ghi thêm ở đây tên tuổi một người viết tùy bút du hành với một sử quan độc đáo là Shiba Ryôtarô (Tư Mã, Liêu Thái Lang, 1923-1996). Lúc trẻ ông học tiếng Mông Cổ và bị động viên đi miền Bắc Trung Hoa vào những năm cuối thế chiến. Tác phẩm Kaidô wo yuku (Đi trên đường cái) đưa ta đi trên khắp các nẻo đường là tập tùy bút lẫn phê bình văn hóa vừa đồ sộ vừa giá trị.
KẾT TỪ
Nhật ký và tùy bút đặt trọng tâm vào kinh nghiệm và tình cảm cá nhân. Ở Nhật Bản, nó còn tượng trưng cho ước muốn cách ly của cá nhân đối với tập đoàn. Ngay cả khi tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên đến từ Tây Phương, các nhà văn và nhà thơ Nhật Bản đã mang trong tác phẩm của mình dấu ấn của nền văn học nhật ký và tùy bút bản địa có sẵn với sắc thái dân tộc. Họ khao khát đi tìm cái tôi. Trong trường hợp nầy, cái tôi là tượng trưng cho sự chân thực cho dầu không phải sự chân thực nào cũng được đánh giá cao.
Thời xưa, trong xã hội cung đình, khi nam giới sống cho cái bề ngoài thì các nhà văn phụ nữ với lối viết tiểu thuyết và tùy bút bằng thứ văn tự kana bị coi thường kia đã tiêu biểu cho sự chân thực trong nội tâm. Đến khi giới vũ sĩ cai trị thì các nhà ẩn sĩ viết tùy bút lại tượng trưng cho sự chân thực mà chỉ có kẻ sống bên lề quyền lực mới có thể viết ra. Bước vào thời hiện đại, các trí thức Nhật Bản khao khát tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của con người sống trong một nền kinh tế hưng thịnh nhưng nghèo nàn về nhân tính, đã tìm về sự chân thực qua kinh nghiệm “cái tôi” của họ. Dù ở một cực đoan nầy hay một cực đoan khác, dù được chấp nhận hay không, dù là trái ngọt hay quả độc, hình thức nhật ký, tùy bút (và xa hơn, tiểu thuyết có tính tự thuật) bằng văn xuôi hay văn vần, đã giúp họ nói lên tiếng nói chân thực của mình.
* Giáo sư khoa Kinh doanh Đại học Quốc tế Josai (Tokyo),
Chuyên viên nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa & Giáo dục Đại học Quốc tế Josai (Tokyo).
Chú thích
[1] Từ Nguyên, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 1980.
[2] Như trên.
[3] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, Trương Chính giới thiệu và chú thích. Sudestasie in lại năm 1985 từ bản Nxb Văn Học, Hà Nội, 1972.
[4] Japanese-English Dictionary, Kenkyusha, Tokyo.
[5] Kagerô chữ Hán viết là tinh đình hay phù du (kiếp phù du bèo bọt), một loại chuồn chuồn (phận mỏng cánh chuồn), trong văn học thường chỉ số kiếp ngắn ngủi, mong manh, có đó không đó. Kage còn có nghĩa là cái bóng.
[6] Thời cổ ở Nhật có chế độ “thê vấn” tức là vợ ở riêng và chồng đi thăm vợ. Các con sống với mẹ mình. Chưa có sự phân biệt giữa thê và thiếp. (Ienaga, Saburô, Văn Hóa sử Nhật Bản, Lê Ngọc Thảo dịch).
[7] Tức Genji Monogatari, tiểu thuyết trường thiên ra đời năm 1008 nói về cuộc đời tình ái và vinh hoa của ông hoàng Genji Hikaru trong bối cảnh cuộc sống cung đình vào đầu thế kỷ XI ở Nhật Bản. Tác giả là Murasaki Shikibu, một mệnh phụ hầu cận hoàng hậu. Được xem như là tác phẩm đại biểu của văn học Nhật Bản mọi thời.
[8] Các nhà Nhật Bản Học Anh Mỹ thường dịch là Pillow Book.
[9] Theo René Sieffert, Sei Shônagon chỉ là một tên để gọi (yobina) như bút hiệu chứ không phải tên thật. Ngày xưa, ở Nhật, phụ nữ quí tộc hầu trong cung thường được gọi theo chức phận và chỗ nhậm chức của người cha. Có thể Shônagon là chức quan của bố bà Sei (Thanh = Kiyo, trong trẻo) là âm Hán gọi tắt tên Kiyohara (Thanh Nguyên), họ của bà.
[10] Utamakura (Ca Chẩm) là mào đầu giống như gối để gối đầu (makura), qui ước cần thiết giúp cho người làm thơ (uta) dựa vào đó để giao cảm được với người đọc. Sách Nôin Utamakura (Năng Nhân Ca Chẩm) của tăng Nôin (Năng Nhân), một trong 36 ca tiên thời Hei-an, cho biết thơ tả cảnh mùa xuân (haru) thì phải có hoặc là kasumi (sương lam), asamidori (màu xanh non), umenohana (hoa mơ) hay sakura (anh đào), uguisu (chim oanh) vv…
[11] Đoạn văn này làm ta liên tưởng đến một tiểu phẩm do Kim Thánh Thán viết về những việc khoái chí với điệp khúc “Thế chẳng sướng sao!” mà Lin Yutang (Lâm Ngữ Đường) đã dịch sang Anh văn trong cuốn The Importance of Living (bản dịch tiếng Việt có tựa là Lạc thú ở đời). Nó cũng gợi ta nhớ đến Vũ trung tùy bút và Mai Đình mộng ký.
[12] Tác phẩm ra đời vào hậu bán thế kỷ XIII, đại biểu cho dòng văn học gunki (quân ký) tức ký sự chiến tranh. Truyện Heike nói về sự hưng thịnh và suy vong của dòng họ Taira, lồng trong triết lý vô thường của Phật giáo.
[13] Phương Trượng ký được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp là An Account of My Hut và Notes de mon ermitage.
[14] Có thuyết cho là mượn ý của Thán thệ ký có chép trong Văn tuyển của Chiêu Minh thái tử nhà Lương. Ở Nhật gọi Văn tuyển là Monzen, rất phổ biến từ đời Heian.
[15] Chiteiki tùy bút của Yoshishige Yasutane, pháp danh Tịch Tâm, văn nhân đời Heian, tả chỗ ở, cái đình bên ao, trước khung cảnh hoang phế của kinh đô Kyoto.
[16] Tsurezuregusa được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp là Esays in Idleness và Au fil de l’ennui.
[17] Đây là tập sách trong đó ông bình luận cao thấp về những câu hokku (Phát Cú) do những nhà thơ địa phương làm trong một hội thơ ở quê hương mà ông đứng ra chủ trì. Hokku là « câu mở đầu » của một bài renga, sẽ là nguồn gốc của haiku về sau vì haiku cũng ngắn gọn như thế, chỉ có 17 âm tiết.
[18] Từ Oku ở đây chỉ vùng Mutsu (Lục Áo) thuộc tỉnh Iwate bây giờ nhưng còn có nghĩa là « sâu thẳm ». Đưa nhà thơ đến nơi sâu thẳm thì chỉ có thể là những con "đường nhỏ, đường mòn" (hosomichi) chứ không thể là đại lộ.
[19] Tên một trò chơi của trẻ con, so đo với bạn xem ai cao hơn ai và để xem mình đã lớn đến đâu.
Tư liệu tham khảo
Akiyama, Ken & Mikoshi, Yukio biên tập, 2000, Shin Nihon Bungakushi (Tân Nhật Bản Văn Học Sử), Bun'eidô, Tokyo.
Kokugo Kyôiku Purojekuto biên, 2002, Genshoku Siguma Shinkokugo Binran (Nguyên sắc Tân quốc ngữ tiện lãm), Bun'eidô, tái bản lần thứ 4, Tokyo.
Kodaka, Toshirô & Mikoshi, Yukio, 1961, Shinchu Nihon Bungakushi (Tân chú Nhật Bản văn học sử), , Hakuyôsha, tái bản lần thứ 6, Tokyo.
Gomi Fumihiko et al, 1998, Shôsetsu Nihonshi Kenkyuu (Tường thuyết Nhật Bản sử nghiên cứu), Yamakawa, in lần thứ 2, Tokyo.
Inenaga, Saburô, Nihon Bunkashi (Văn hóa sử Nhật Bản), 2003, Lê Ngọc Thảo dịch, Mũi Cà Mau xuất bản,TPHCM.
Katô, Shûichi, 1975, Nihon Bungakushi Yosetsu (Văn học sử Nhật Bản dự thuyết) Thượng và Hạ, Chikuma Shobô xuất bản, Tokyo.
Katô, Shûichi, 1979-1981, A History of Japanese Literature, 3 tập. Dịch từ nguyên tác tiếng Nhật: David Chibbet (tập I) và Don Sanderson (tập II và III), Tokyo, Kôdansha.
McCullough, Helen Craig, 1990, Classical Japanese Prose, An Anthology, Stanford, CA: Stanford University Press.
Narise, Masakatsu et al., 1965, Kindai Nhon Bungakushi (Shiryô), (Tập tư liệu văn học Nhật Bản cận đại), Tokyo: Meiji Shoin.
Nishikawa, Nagao, 1988, Le roman japonais depuis 1945, Paris: PUF Ecriture.
Odagiri, Susumu, 2001, Nihon no meisaku (Danh tác Nhật Bản), tái bản lần thứ 24, Tokyo.
Okuno Takeo, 2002, Nihon Bungakushi, Kindai kara Gendai e (Văn học sử Nhật Bản, từ cận đại đến hiện đại), Tokyo: Chuô Kôron, tái bản lần thứ 38.
Pigeot, Jacqueline & Jean-Jacques Tschudin, 1995, La Littérature Japonaise, Paris: PUF, 2e édition corigée.
Saigô Nobutsuna, 1963, Nihon Kodai Bungakushi (Nhật Bản cổ đại văn học sử), Tokyo : Iwanami Shoten.
Sieffert, René, 1973, La Littérature Japonaise, Publications Orientalistes de France, Paris.