Những góc nhìn Văn hoá

Về những tác phẩm Nguyễn An Ninh đăng nhật báo ‘Trung Lập’ ở Sài Gòn những năm 1932-33

1.0. Đề tài của bài báo này là điều mà một số nhà nghiên cứu sử học thúc giục tôi viết từ cách nay khá lâu.

Sự việc là: tôi đã và đang nghiên cứu và làm sưu tập tác phẩm của tác gia Phan Khôi (1887-1959), vậy mà bút danh Thông Reo của Phan Khôi lại bị một số người nghiên cứu cho là bút danh của tác gia khác, một loạt tác phẩm gắn với bút danh ấy lại bị lấy đưa vào sưu tập của tác gia khác. Vậy thì sự thực là thế nào, tên nào là của người nào, tác phẩm nào là của tác gia nào?

Làm rõ điều này không chỉ có nghĩa là đưa trả của cải về chính chủ của nó, − dù các chủ nhân của chúng đã đi về cõi vĩnh hằng từ lâu, − mà còn có ý nghĩa hơn nữa là góp phần cung cấp những dữ kiện xác đáng cho giới nghiên cứu hiện tại và tương lai. Những thảo luận sau đây tuy là thảo luận về chủ nhân của tác quyền (tác quyền tinh thần thì mãi còn, tác quyền vật chất thì đã hết thời hiệu) nhưng chủ yếu chỉ có ý nghĩa là thảo luận về văn học sử, về tiểu sử tác gia, tất nhiên cũng liên quan đến lịch sử báo chí.

 
1.1.0. Về việc tác gia Nguyễn An Ninh có một mảng bài đăng trên nhật báo Trung Lập ở Sài Gòn những năm 1932-33, có 2 cuốn sách đề cập:
 
1.1.1. Cuốn sưu tập nhan đề Nguyễn An Ninh do Nguyễn An Tịnh sưu tầm, Nxb. Trẻ, Tp. HCM, 1996 (tôi sẽ gọi vắn tắt là sưu tập N.A.N. 1996). Trong bài dẫn nhan đề Cuộc đời, tư tưởng, hành động của cha tôi  của Nguyễn An Tịnh (tr. 25-72) có những đoạn:
 
          “Nguyễn An Ninh lại tính đến chuyện ra báo; [….]
Trước hết, ông ra tờ báo Trung Lập tiếng Việt. Nguyên là tờ báo của bọn thực dân De la Chevrotièrre, vì làm ăn không khá nên bán lại cho Sở Tài chánh thuộc địa (Société financière coloniale). Năm 1930, báo Trung Lập giao cho ông Trần Thiện Quý, báo bán không chạy phải thế cho Sở Tài chánh một sở ruộng. Rồi vì trả tiền chậm nên Sở Tài chánh định lấy lại. Báo giao về tay Nguyễn An Ninh vào tháng 10 năm 1932 lại bán chạy như tôm tươi. [……]
Tiếp đến, báo Trung Lập ngày 28/5/1933 bị thu hồi giấy phép”.
(như trên, tr. 46, 47)
 
Trong phần sưu tập, ở các trang 278-331, Nguyễn An Tịnh đưa ra khoảng trên 50 bài đăng trên Trung Lập, trong đó phần khá lớn là những bài ký tên Thông Reo trong mục ‘Những điều nghe thấy’.
Vậy là, không cần biện luận dù chỉ nửa chữ, soạn giả Nguyễn An Tịnh mặc nhiên coi bút danh Thông Reo là của Nguyễn An Ninh, mặc nhiên coi mục ‘Những điều nghe thấy’ trên báo này là của Nguyễn An Ninh, bất chấp sự thật là mục này bắt đầu có trên tờ nhật báo Trung Lập từ ngày 2/5/1930 với bút danh Tha Sơn, từ 16/5/1930 chuyển sang dùng bút danh Thông Reo. Suốt 4 năm tồn tại (5/1930 – 5/1933) mục này đã đưa ra với bạn đọc trên dưới 1.000 bài, vì sao theo soạn giả Nguyễn An Tịnh lại chỉ có ba bốn chục bài trong số đó là của Nguyễn An Ninh?   
 
1.1.2. Cuốn sưu tập nhan đề ‘Nguyễn An Ninh, Tác phẩm’  (Trung tâm nghiên cứu quốc học chủ trì, Mai Quốc Liên và Nguyễn Sơn chủ biên) Nguyễn An Tịnh và Nguyễn Sơn sưu tầm (Hà Nội-Tp.HCM: Nxb. Văn học, 2009; tôi sẽ gọi vắn tắt đây là sưu tập N.A.N. 2009):
          – Trong “Biên niên tiểu sử Nguyễn An Ninh” có ghi: 1932 nhận viết báo Trung Lập theo lời mời của Trần Thiện Quý và Nguyễn Văn Tạo” (tr. 31)
          – Phần G (tr. 1011 - 1286) trong sưu tập tác phẩm Nguyễn An Ninh có trên 100 tác phẩm đăng báo Trung Lập, trong đó gần 30 bài thời sự xã hội, trên 10 bài viết trong “Phụ trương phụ nữ”, gần 70 bài trong mục “Những điều nghe thấy”. Lời dẫn cho mục này ký B.T. (biên tập?) viết:
 
“Nguyễn An Ninh cộng tác với báo Trung Lập của ông bà Trần Thiện Quý từ đầu tháng 3/1932 đến cuối tháng 5/1933 khi báo này bị rút giấy phép.
Với bút danh: N., A.N., N.A.N., Nguyễn An Ninh, Cao Vọng, ông viết nhiều bình luận, nghị luận, chính trị, nhiều bài nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới; phụ trách chuyên trang về phụ nữ.
Trong thời gian tháng 12/1932 – tháng 5/1933 N.A.N. phụ trách chuyên mục “Những điều nghe thấy”  với bút danh Thông Reo, viết châm biếm những thói hư tật xấu ngoài xã hội”. (sách trên, tr. 1011)
 
Nếu coi hai cuốn sưu tập tác gia Nguyễn An Ninh kể trên như hai chặng đường trong nỗ lực của con cháu nhằm tìm lại dựng lại hoạt động và những sản phẩm ngòi bút trên chặng đường đời của bậc tiền bối, thì cách trình bày ở sưu tập 2009, theo tôi, là phần nào dễ nghe hơn so với sưu tập 1996. Cách mô tả xem Nguyễn An Ninh như ông chủ báo, xoay chuyển hẳn tình thế báoTrung Lập khi nó về tay mình, – rõ ràng là sản phẩm tưởng tượng của những năm 1990 về lớp người cách mạng hào hùng đầy quyền năng, – tuy rất ít phù hợp với thực tế thị trường báo chí Việt Nam những năm 1930. Còn sự ghi nhận Nguyễn An Ninh chỉ như cộng tác viên của một nhật báo tư nhân, mà lời dẫn ở sưu tập N.A.N. 2009 cho thấy, lại như trả nhà cách mạng về trạng thái đương thời hoạt động với sự khiêm nhường vất vả thường ngày, có thể lợi dụng báo chí hợp pháp chứ không thể là “ông chủ” các tờ báo hợp pháp. Chính hai cách trình bày ấy đã là trái nhau gần như hoàn toàn, phủ định nhau rõ rệt; nếu là sản phẩm của hai nhóm soạn giả khác hẳn nhau, người đọc sẽ phải tìm một kẻ thứ ba làm phản biện phân giải đúng sai ở từng dữ kiện; nhưng đây là sản phẩm của cùng một nhóm soạn giả là thân nhân của tác gia quá cố, người ta sẽ coi cái sau như là phủ định, đính chính, sửa sai cái trước.
 
Thật ra, tất cả những điều ấy không có gì quan thiết tới tôi. Cái tôi quan tâm chỉ là những mốc thời gian, cùng với việc xác định “cái gì thật sự là của ai”, – “cái gì” nói đây là từng bài báo hoặc mảng bài báo cụ thể.  
 
2.0. Tôi sẽthảo luậnvài vấn đề về nhật báo Trung Lập liên quan đến tác gia Nguyễn An Ninh, và trung tâm chú ý của tôi chỉ là xác định “tác quyền” giữa Nguyễn An Ninh với Phan Khôi ở các bài báo ký tên Thông Reo trên Trung Lập.
 
2.1.1. Nguyễn An Ninh cộngtác với báo Trung Lập từ thời điểm nào? Nguyễn An Tịnh (sưu tập N.A.N. 1996) đưa ra thời điểm tháng 10/1932, nhóm biên soạn Nguyễn An Ninh, Tác phẩm (sưu tập N.AN. 2009) thậmchí còn đưa thời điểm ấy về mốc tháng 3/1932. Dựa vào cơ sở nào? Không thấy có bất cứ bằng chứng nào được đưa ra!
 
Tôi xin phép được nghi ngờ cả hai dấu mốc đó.
 
Trước hết, phải nói rằng Trung Lập vốn là tờ nhật báo thông tin thương mại, ban đầu là ấn bản tiếng Việt của tờ báo chữ Pháp Impartial (xuất bản ở Đông Dương từ 1918, tồn tại đến 1945, sau đó vào năm 1947 còn tục bản). Ấn bản tiếng Việt, tên gọi đầy đủ là Trung Lập Báo này,xuất bản từ 16/01/1924, đương thời được xem là tờ nhật báo lớn nhất ở Sài Gòn; xu hướng của nó là phục vụ lợi ích các nhóm tài phiệt người Pháp ở thuộc địa, nên không ngẫu nhiên có lúc nó bị dư luận vạch mặt là đã tố giác phong trào để tang Phan Châu Trinh, tố giác các phong trào cấp tiến. Từ cuối năm 1929, chức chủ bút Trung Lập vào tay Tôn Hiền Trần Thiện Quý, chính người chủ sau cùng này đã “dân tộc hóa” tờ báo: ông đã tiến hành các thủ tục mua lại tờ báo và từ ngày 2/5/1930 đã trở thành chủ nhân duy nhất của tờ báo này, cắt đứt quan hệ với tờ Imparrtial chữ Pháp, tuyên bố báo Trung Lập từ đây tuy vẫn mang tên cũ nhưng là tờ báo mới, với bộ biên tập mới, [1] hoạt động nhằm “giúp ích cho đồng bào ta” – nói theo ngôn từ của chủ báo – tức là hướng về dân tộc thay vì mại bản; tất nhiên báo này vẫn nghiêng về giới nghiệp chủ công thương bản địa. Với tính chất như vậy, Trung Lập  rất ít hứa hẹn cơ hội cộng tác cho các cây bút có quan điểm chính trị xã hội gần với cánh tả (bênh vực giới lao động, dân nghèo).
 
Vậy mà cơ hội ấy lại đến.
 
Đó là tình cảnh một phần làng báo Sài Gòn sau Hội chợ phụ nữ lần đầu tiên (từ 4 đến 7/5/1932), khi một số chủ nhân các báo Trung Lập, Sài Thành, Công Luận cùng lên tiếng tố cáo chủ nhân tuần báo Phụ Nữ Tân Văn bỏ tiền làm hội chợ không phải vì các mục tiêu cao thượng mà là vì tiền. Chủ nhân Phụ Nữ Tân Văn ra báo hàng ngày để tranh cãi đáp lại, sau đó đưa đơn kiện các tờ báo kia ra tòa Trừng trị để đòi bồi thường danh dự. Chủ báo Trung Lập Trần Thiện Quý đứng đầu phe đả kích Phụ Nữ Tân Văn nên những ai trong tòa soạn Trung Lập bị coi là có quan hệ thân tín với chủ nhân Phụ Nữ Tân Văn đều phải rời khỏi báo. Chủ bút Bùi Thế Mỹ, người nắm tòa soạn từ 2/5/1930 (ngày Trung Lập đổi mới), đến lúc ấy tuyên bố từ chức và rời tòa soạn; các tay trợ bút bỉnh bút và cộng tác viên thường xuyên khác – trong đó có Phan Khôi, Thiếu Sơn – cũng thôi xuất hiện trên tờ báo (riêng Phan Khôi vẫn tiếp tục viết cho tờ này dưới “mặt nạ” mang tên Thông Reo).
 
Chính cái “khoảng trống biên tập” này của Trung Lập là cơ hội cho các nhà báo cánh tả như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh thâm nhập tòa soạn một tờ báo vốn dĩ thân hữu, đi với giới công thương lớp trên, ôn hòa với chính quyền đương thời. Tất nhiên, những can dự của các cây bút cánh tả chỉ làm thay đổi giọng điệu, thái độ ở một số bài mục thời sự xã hội trong nước (hoặc còn hẹp hơn: trong thành phố Sài Gòn), các trang mục còn lại (quảng cáo, đoản thiên tiểu thuyết, feuilleton, …) vẫn giữ nguyên tính thương mại và giải trí của Trung Lập như cũ. Thời ấy, những người cánh tả chỉ coi báo chí như phương tiện tranh đấu, được dịp thì dùng một phần diện tích một tờ báo hợp pháp nào đấy cho loại bài vận động đấu tranh do người của họ viết, chưa tính đến việc chiếm lĩnh, “tả khuynh hóa” toàn bộ các trang của tờ nhật báo nhất thời rơi vào tay họ. Đến khi tờ nhật báo họ đang lâm thời nắm giữ bị đóng cửa vì bất cứ lẽ gì, họ sẽ lập tức đi tìm tờ báo khác để tiếp tục mục tiêu đấu tranh. Họ dự phần vào hoạt động báo chí công khai nhưng không cần chú ý phương diện kinh doanh như chủ báo tư nhân, cũng không cần chú ý các phương diện xây dựng văn phong hay truyền thống của mỗi tờ báo như mối bận tâm của giới làm báo chuyên nghiệp. 
 
Nguyễn Văn Tạo bước vào tòa soạn Trung Lập sớm hơn Nguyễn An Ninh.
 
Ngày 9/6/1932, Trung Lập đăng lời từ chức chủ bút của Bùi Thế Mỹ; từ hôm sau, tổng lý Tôn Hiền Trần Thiện Quý kiêm thêm chức chủ bút. Ngày 18/6/1932, Nguyễn Văn Tạo ra mắt độc giả Trung Lập với bài tuyên ngôn Ý kiến của tôi, và từ đấy đến ngày báo Trung Lập bị đóng cửa, Nguyễn Văn Tạo thường xuyên xuất hiện với các bài nghị luận về các đề tài thời sự xã hội chính trị; vai trò của ông tuy không ghi trên nhãn báo nhưng biểu lộ vị thế chủ bút khá rõ ở trang thời sự. Ngôn luận đi liền với hoạt động tổ chức, đây cũng là lúc Nguyễn Văn Tạo xúc tiến thành lập một liên danh các ứng viên tranh cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, kỳ bầu cử diễn ra đầu tháng 5/1933, – cái liên danh 8 ứng viên sẽ được gọi là “sổ lao động” hay là “sổ Tạo – Nở”, đứng đầu là Nguyễn Văn Tạo, viết báo, đứng cuối là Nguyễn Văn Nở, thợ nhà in; kết quả trúng cử vào hội đồng thành phố của liên danh này là 2 trí thức cánh tả: Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch.
 
Nguyễn An Ninh cộng tác với Trung Lập gần như ngay sau khi Nguyễn Văn Tạo bước vào tòa soạn. Số báo ra ngày 25/6/1932 đăng bài Một bức thư của ông N. gởi ông Nguyễn Văn Tạo, và tiếp đó đăng một loạt bài của Nguyễn An Ninh, đều ký bút danh N.: Một lời chót với tên B. (TL. 30/6/1932), Một vài ý kiến (TL, 1/7/1932), Báo ‘Công Luận’ nói láo (TL, 3&4/7/1932), Hai sự hiểu sai (TL, 5/7/1932), Xin đừng thừa dịp; Cũng còn xài được (hai bài, đăng TL cùng ngày 7/7/1932).
 
Tuy vậy, từ đấy đến cuối năm 1932, hầu như không thấy Nguyễn An Ninh đăng bài trên nhật báo này.  
 
Sang đầu năm 1933, Nguyễn An Ninh viết cho Trung Lập khá thưa thớt: hai tháng đầu năm chỉ thấy 2 bài, đều ký bút danh Cao Vọng: Khoa học với sự cải tử hoàn sanh (TL, 11/1/1933), Thiên đàng địa ngục (TL, 11/2/1933).
 
Nhưng từ 2/3/1933, có thể thấy rõ là Nguyễn An Ninh bước vào tòa soạn Trung Lập  một cách có tuyên ngôn, – tuyên ngôn nhắm những đích xa đầy cao vọng: “nhận lãnh một phần trách nhiệm trong tờ báo Trung Lập”  là “hy vọng cho dân Việt Nam biết sợ mùi thây ma”, “hy vọng dân Việt Nam tập thêm được tánh nghi ngờ… cái văn hóa cũ, từ những hủ tục cho tới những ‘tư tưởng’ cao thâm xưa nay” (Cùng quý độc giả, TL, 2/3/1933). Tất nhiên, cấp bách hơn những gì xa rộng kia chính là kỳ bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn. Nguyễn An Ninh không ra ứng cử, nhưng ông tham gia vận động cho liên danh lao động, cho “sổ Tạo – Nở”. Vì vậy, đề tài về cuộc bầu cử, lời vận động bỏ thăm cho “sổ lao động”, những bài chỉ trích đả kích các ứng viên thuộc các liên danh khác: Nguyễn Văn Bá, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Đình Trị, Nguyễn Phan Long, v. v… là phần chính trong đề tài thời sự xã hội chính trị của ông trên tờ báo này. Bên cạnh đó, – và ít nhiều khác với Nguyễn Văn Tạo, – ông còn có những mối quan tâm về văn hóa, văn học, đã góp tới gần một chục bài, chủ yếu đăng ở “Phụ trương văn chương” của báo Trung Lập, ra vào số báo chủ nhật và thứ hai hàng tuần: Văn chương (TL, 12 & 13 /3 /1933), Người Việt Nam ta nhờ chữ Tây hay chữ Tàu? (TL, 19 & 20 /3 /1933), Giới thiệu với bạn đọc: Léon Tolstoi và những tiểu thuyết của ông ta (26&27 /3 /1933), Cái đời của Tolstoi hay chẳng thua những tiểu thuyết của ông ta (TL, 2&3 /4/ 1933), Một cái ý kiến riêng bàn về vấn đề sửa đổi chữ quốc ngữ (TL, 5 /4 /1933), Văn hóa có đổi không? (9 & 10 /4 /1933), Phê bình Tolstoi (TL, 23 & 24 /4 /1933), Những công trình kiến trúc vĩ đại của loài người (TL, 11/ 5/ 1933), Một thứ người của khoa học (19/ 5/ 1933), Trên đường giác ngộ: Sự thay đổi ý kiến của văn hào André Gide (TL, 21 & 22 /5 /1933). Một phần đóng góp nữa của Nguyễn An Ninh cho Trung Lập là loạt khoảng 13 bài đăng trên “Phụ trương phụ nữ” của báo này.
 
Nhân đây xin nêu nhận xét riêng: nhóm biên soạn sưu tập N.A.N. 2009 tuy đã có cố gắng vượt bậc so với sưu tập N.A.N. 1996, trong việc tìm lại văn bản các bài báo của Nguyễn An Ninh trên Trung Lập, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót rất đáng kể: còn để sót trên dưới 10 bài chắc chắn là của ông (Tôi chưa tính các bài trong mục ‘Những điều nghe thấy’  ký Thông Reo sẽ đề cập riêng ở mục sau); ghi chú xuất xứ khá nhiều chỗ sai (ví dụ bài Cùng quý độc giả vốn đăng ngày 2/3/1933 lại bị ghi sai là 28/2/1933; Xã hội xa xỉ vốn đăng ngày 3/3/1933 lại bị ghi sai là 28/2/1933; Kính mời Ng. Phan Long  vốn đăng ngày 5/5/1933 lại bị ghi sai là 4/5/1933, v.v…); ngoài ra, văn bản các bài báo hầu như đều chưa được kiểm định chặt chẽ, đôi khi bị bỏ mất từng đoạn dài; các tình tiết, sự việc, nhân vật được nói tới trong các bài báo đều chưa có những chú giải cần thiết kèm theo (ví dụ nhân vật kinh lý Phan Thanh được N.A.N. nói tới chỉ là trùng họ tên hay chính là Phan Thanh /1908-39/ quê Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam?; các ứng viên thuộc các nhóm khác nhau trong cuộc tranh cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn 1933 như Nguyễn Văn Bá, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Đình Trị… bị N.A.N. đả kích không thương tiếc, thật ra còn là những người hoạt động xã hội hoặc văn hóa, có người là tác gia khả kính, v.v…).
 
Tóm tắt phần này, tôi cho rằng Nguyễn An Ninh cộng tác với Trung Lập một thời gian ngắn hồi đầu tháng 7/1932 ngay sau khi Nguyễn Văn Tạo tham gia tòa soạn tờ nhật báo này, nhưng sau đó hầu như không viết gì cho báo này tính đến hết năm 1932. Sang đầu năm 1933, ông trở lại cộng tác thưa thớt với Trung Lập, và chỉ từ ngày 2/3/1933 Nguyễn An Ninh mới cộng tác chặt chẽ, thậm chí có thể nói là bước vào tòa soạn Trung Lập với tuyên ngôn hẳn hòi, tuy rằng mục tiêu trước mắt của ông chỉ là vận động tranh cử cho liên danh lao động vào HĐTP Sài Gòn.
 
2.1.2.0. Bây giờ xin bàn về sự liên quan của Nguyễn An Ninh với mục “Những điều nghe thấy” ký tên Thông Reo của báo Trung Lập.
 
Lời dẫn của sưu tập N.A.N. 2009 cho rằng “trong thời gian [từ]tháng 12/1932 – tháng 5/1933 N.A.N. phụ trách chuyên mục Những điều nghe thấy với bút danh Thông Reo, viết châm biếm những thói hư tật xấu ngoài xã hội” (tr. 1011, sđd.).
 
2.1.2.1. Theo tôi, khẳng định trên đây là sai.
 
“Những điều nghe thấy”  là chuyên mục do Phan Khôi lập ra trên nhật báo Trung Lập; Thông Reo là một trong những bút danh được dùng nhiều nhất trong đời viết báo của Phan Khôi, từ tháng 5/1930 trên Trung Lập ở Sài Gòn, qua 1940-42 trên Dân Báo cũng ở Sài Gòn, cho đến tháng 8/1956 trên báo Văn nghệ ở Hà Nội (với cách viết: Tơ-hông-re-o).  
 
Phan Khôi từng viết các chuyên mục hài đàm do người khác lập ra, rõ nhất là mục “Câu chuyện hàng ngày”  trên Đông Pháp Thời Báo, 1928, và sau đó trên Thần Chung, 1929-30; đó là một mục do chủ báo Diệp Văn Kỳ đặt ra với tên ký dưới các bài là Tân Việt. Việc Phan Khôi viết mục này những năm 1928-30 dưới bút danh Tân Việt đã được chủ bút, người biên tập và cho đăng những bài ấy là Bùi Thế Mỹ công khai xác nhận. Sau này, vào giữa năm 1932, ông chủ cũ của Đông Pháp Thời Báo  Thần Chung mua lại được tờ Công Luận, lại mở mục ‘Câu chuyện hàng ngày’  ký Tân Việt, nhưng đó hoàn toàn là của Diệp Văn Kỳ.
 
Khi cộng tác với Trung Lập từ 2/5/1930, Phan Khôi đặt ra một số mục: “Ý kiến Trung Lập”  là mục nghị luận nên ai viết cũng ký họ tên thật (Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, Tôn Hiền); mục “Những điều nghe thấy”  là mục hài đàm nên luôn ký bút danh, và một số mục ‘tạp trở’ khác. Tòa soạn Trung Lập ở số báo ra ngày 3/5/1930 cho đăng một thông báo ngắn: “Trung Lập chúng tôi mới cậy được ông Tú Chương Dân Phan Khôi viết cho mục ‘Những điều nghe thấy’  ký là Tha Sơn. Ông Phan tức là người viết ‘Câu chuyện hàng ngày’ cho Đông Pháp Thời Báo khi trước và ký tên là Tân Việt đó”.
 
Về tên mục, ngày đầu tiên là ‘Những điều trông thấy’, – nhắc lại lời thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, – từ hôm sau đổi một từ trông thành từ nghe cho hợp lý với đương thời; về bút danh, mươi ngày đầu ký là Tha Sơn, sau có lẽ vì sợ gây lầm lẫn với bút danh Tha Sơn Thạch của Huỳnh Thúc Kháng, lại cũng vì họ tên thật đã bị lời thông báo kể trên của tòa soạn tiết lộ, – điều này vi phạm nguyên tắc bí mật nhân thân thật của người viết hài đàm, – nên đã đổi sang dùng bút danh Thông Reo và cố định hóa vị trí của bút danh này.
 
Chất lượng cao của những bài hài đàm trong mục“Những điều nghe thấy” đã làm vang danh cái tên Thông Reo; nhiều nhà báo bạn bè (Đào Trinh Nhất, Ngô Tất Tố, Hoàng Tích Chu, v.v…) sau đó không ít dịp do va chạm hoặc do thích đùa cợt nhau trong các tiểu phẩm hài đàm, đã tiết lộ trên nhiều báo chí khác nhau trong Nam ngoài Bắc rằng họ tên thật của Thông Reo chính là Phan Khôi.  
  
Còn về mục ‘Những điều nghe thấy’, chính Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo đã quyết liệt bảo vệ “chủ quyền” của mình ở đây. Trong năm 1931, Phan Khôi có việc đi ra Quang Ngãi vài chục ngày, Đoàn Trung Còn được thỏa thuận viết thay trong mục ‘Những điều nghe thấy’ của Trung Lập với bút danh Mộng Lan, khi trở về nhận lại mục này, Phan Khôi vẫn tố cáo “Ông Đoàn Trung Còn chiếm đoạt của tôi”  (TL, 30/9/1931), là vì vị học giả kia nhân dịp ấy đã lấy tên mục ‘Những điều nghe thấy’  đặt cho một chương sách của mình! [2]
 
Nói gọn lại, tôi khẳng định: bút danh Thông Reo là của Phan Khôi, mục ‘Những điều nghe thấy’  là do Phan Khôi lập ra trên nhật báo này, tại đó ông viết những tiểu phẩm hài đàm với bút danh Thông Reo, khi các tác gia khác viết trong mục này thì ai phải ký tên nấy (như Bùi Thế Mỹ ký họ tên thật hoặc bút danh Phiêu Linh, Đoàn Trung Còn ký Mộng Lan, v.v…).    
 
2.1.2.2. Tuy vậy, tôi không vội phủ định hoàn toàn những ý kiến theo đó Nguyễn An Ninh có thể cũng đã từng tham gia viết cho mục ‘Những điều nghe thấy’.  
 
Trước hết, rất cần được những thân nhân của Nguyễn An Ninh cho biết: phải chăng vẫn còn lại một vài bằng chứng hoặc di ngôn… về việc tác gia này từng viết cho mục này dưới bút danh Thông Reo?
 
Thứ hai, cần tìm ra những bằng cứ trong chính văn bản các bài viết đăng báo đương thời, kể cả những tiểu phẩm của mục ‘Những điều nghe thấy’. Đây có thể là điều bất ngờ, nhưng đó sẽ là một loại bằng cứ có sức thuyết phục không ít.
 
Tôi đã đọc lại sơ bộ theo cách vừa nêu, và đã tìm thấy ít ra là 2 chỗ có thể trở thành bằng cứ.
 
Một là, bài viết ký N. (tức hiển nhiên là của Nguyễn An Ninh) nhan đề ‘Trả lời cùng ông N. Ng. Thoại (TL, 11/4/1933; không nằm trong mục ‘Những điều nghe thấy’; có in trong sưu tập N.A.N. 2009) trong đó tác giả N. viết: “Vì đọc bài ấy [một bài trên báo Sài Thành – L.N.A. chú], tôi mới nhớ đến cái thái độ đối với tôn giáo của một đám người có học ở Pháp về mà sanh ra viết bài ‘Kính các tín ngưỡng’  ở mục ‘Những điều nghe thấy’  cách mấy bữa nay”. Bài này cho thấy chính Nguyễn An Ninh tự xác nhận rằng ông viết bài ‘Kính các tín ngưỡng’  ở mục ‘Những điều nghe thấy’  trên Trung Lập ra ngày 2&3/4/1933.
 
Hai là, bài tiểu phẩm ‘Cữ tên’  ở mục ‘Những điều nghe thấy’  trên Trung Lập ra ngày 11/5/1933 (nhóm sưu tập N.A.N. 2009 chưa biết đến bài này), nói về tục kiêng tên của người Việt, có chỗ viết: “…Mấy đứa con của tôi, nếu chúng nó cũng cữ tên cha và ông nội của chúng nó, thì chúng nó mỗi lần gởi thơ thăm ai, phải viết: "Sau nầy, cháu chúc cho bác được khơn nơn (khương ninh) trường thọ". Bài này cho thấy người viết xưng “tôi” đã nói tên ông của các con mình là Khương, tên cha của các con ông là Ninh,– người xưng “tôi” đó chính là Nguyễn An Ninh vậy (tất nhiên lại cần “xé rào” để coi đây không phải chi tiết trong văn hài đàm mà là trong văn “nói thiệt”).
 
Như vậy, tạm coi là đã có vài dấu vết cho thấy Nguyễn An Ninh có viết mục ‘Những điều nghe thấy’  trên Trung Lập.
 
Đối với chủ nhân thật sự của mục‘Những điều nghe thấy’, đây rõ ràng là một ngoại lệ khá lạ lùng trong những ứng xử thường là nhất quán về nguyên tắc của Phan Khôi. Ta biết, một số người viết cho mục này đã phải ký tên khác chứ không được ký Thông Reo, ví dụ Đoàn Trung Còn ký Mộng Lan, Bùi Thế Mỹ ký Bùi Thế Mỹ hoặc Phiêu Linh, lại có người ký Tạm Chức, v.v… Riêng Nguyễn An Ninh, như vậy, lại được phép ký tên Thông Reo. Chắc hẳn đã phải có một thỏa thuận nào đó giữa Phan Khôi với Nguyễn An Ninh và tổng lý Trung Lập Trần Thiện Quý về việc này. Còn chính Phan Khôi thì lại giữ im lặng về việc này, khiến cho những bạn viết hay thóc mách nhất của ông, như Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất… không thể biết để lên tiếng châm chọc.
 
Ít nhất, vài bằng chứng về việc Nguyễn An Ninh có viết ‘Những điều nghe thấy’  ký Thông Reo trên Trung Lập cho phép ta suy luận như trên.  
 
Có không ít dẫn chứng hiển ngôn về cảm tình của Phan Khôi đối với Nguyễn An Ninh trong tư cách nhà hoạt động xã hội chính trị, ví dụ biểu dương nhận xét thẳng thắn của ông Nguyễn về tật ham chơi ít học của du học sinh Việt Nam tại Pháp (‘Ông Nguyễn An Ninh và báo ‘La Tribune Indochinoise’ // Đông Pháp Thời Báo, 24/5/1928), châm biếm dư luận của chính quyền thực dân về hoạt động của Nguyễn (‘Hội kín Nguyễn An Ninh’ // Đông Pháp Thời Báo, 16/10/1928), nhất là bài hài đàm thâm thúy về trò xử kín của Tòa trừng trị tại Sài Gòn hôm 8/5/1929 đối với ông Nguyễn (‘Tin Lành theo ông thánh Lu-cu về sự buộc tội // Thần Chung, 11/5/1929), v.v… [3]  Đó là cung cách ngưỡng mộ từ xa của một trí thức đối với một chí sĩ, một hào kiệt dấn thân. Còn trong cự ly gần, người ta chưa có tài liệu nào về quan hệ giữa hai người. Việc Phan Khôi thỏa thuận để Nguyễn An Ninh viết mục ‘Những điều nghe thấy’  dưới bút danh Thông Reo của mình có thể ví với sự thỏa thuận giữa những người đồng đảng, mặc dù không có tài liệu nào về việc Phan Khôi tham gia dù chỉ một trong những phong trào hay tổ chức chính trị do Nguyễn An Ninh lập ra.       
 
Tuy nhiên, dù có bằng chứng về việc Nguyễn An Ninh có viết ‘Những điều nghe thấy’  ký Thông Reo trên Trung Lập, thì đây cũng chỉ là chuyện dùng chung “mặt nạ tác giả” [4] giữa những người viết có chung hoặc gắng tạo nét chung nhất định về đề tài, ý tưởng hay văn phong. Và điều quan trọng là ở trường hợp này, Nguyễn An Ninh chỉ viết nhờ chuyên mục của người khác, ký tạm bằng bút danh của người khác. Trước sau, Thông Reo vẫn là bút danh của Phan Khôi.
 
Một việc hệ trọng nữa là phải cụ thể hóa phạm vi các bài tiểu phẩm mà có thể Nguyễn An Ninh đã viết cho mục ‘Những điều nghe thấy’. Có hai mốc thời gian nên được dùng để xác định:
 
a/ Thời điểm Nguyễn An Ninh tham gia tòa soạn Trung Lập: phải dứt khoát xác nhận thời điểm 02/3/1933, khi ông có bài tuyên bố “nhận lãnh một phần trách nhiệm trong tờ báo Trung Lập”  chứ không phải thời gian ông cộng tác thưa thớt với Trung Lập sau khi Nguyễn Văn Tạo bước vào tòa soạn báo này, và Phan Khôi thì vẫn đang ở Sài Gòn.
 
b/ Thời điểm Phan Khôi rời Sài Gòn về Quảng Nam rồi sau đó ra Hà Nội: theo Thực Nghiệp Dân Báo thì “Sau khi tạm biệt báo giới Sài Gòn, ông Phan về nghỉ tại Quảng Nam và hôm mới đây đã ra ngoài Bắc”, đã đến thăm tòa soạn báo này vào ngày 19/4/1933. [5] 
 
Từ đây có thể tạm suy luận thời điểm Phan Khôi rời Sài Gòn cũng khá gần thời điểm Nguyễn An Ninh chính thức tham dự tòa soạn Trung Lập kể trên. Đương nhiên, ngay khi ở xa Sài Gòn thì, trong điều kiện thư tín đương thời, Phan Khôi vẫn có thể đều đặn gửi bài về tòa soạn Trung Lập. Nhưng khả năng Nguyễn An Ninh thay Phan Khôi viết cho mục ’Những điều nghe thấy’  từ sau ngày 02/3/1933 vẫn là khả năng dễ xảy ra hơn.
 
Như vậy, theo tôi, mục Những điều nghe thấy ký Thông Reo trên báo Trung lập trong năm 1933 nên được coi là của chung cả Phan Khôi lẫn Nguyễn An Ninh. Những bài Nguyễn An Ninh góp vào mục này chỉ nên tính từ sau ngày 02/3/1933; trước thời điểm ấy, trong mục này không thể có bài do Nguyễn An Ninh viết, nhưng sau thời điểm ấy trong mục này vẫn có thể có những bài của chính Phan Khôi từ xa gửi về tòa soạn. Chừng nào chưa có bằng cứ nào khả dĩ thuyết phục hơn thì ta nên bằng lòng với một đoán định như thế.
 
Tôi đã sơ bộ kiểm đếm, thì từ 2/3/1933, ngày Nguyễn An Ninh bước vào tòa soạn Trung Lập, đến 30/5/1933, ngày Trung Lập ra số báo cuối cùng, có tất cả 73 kỳ báo được xuất bản, trong đó 59 kỳ có mục Những điều nghe thấy.
 
Trong hai sưu tập N.A.N. 1996 và N.A.N. 2009, nhóm sưu tầm đưa ra được 68 bài trong mục Những điều nghe thấy, nhưng khá nhiều bài lại đăng tải trước ngày 2/3/1933, tức cầm chắc không phải thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh. Thử đọc và suy ngẫm sẽ thấy, chẳng hạn, Nguyễn An Ninh không hề quen biết, cũng khó mà ưa xu hướng chính trị của ông nghị viên dân biểu Bắc Kỳ Hoàng Tích Chu, làm sao N.A.N. có thể Khóc bạn đồng nghiệp (Những điều nghe thấy // Trung Lập, 8/2/1933) này, vốn là cây bút đồng điệu, lại có duyên tri ngộ với Phan Khôi? Lại nữa, chuyện bắt bẻ Bình phẩm văn thơ (Những điều nghe thấy // Trung Lập, 15/2/1933) với ông Cử Dương Bá Trạc đâu phải lợi thế của Nguyễn An Ninh mà hòng ông lên tiếng? Hoặc, nhân Năm mới mà nhắc chuyện cũ (Những điều nghe thấy // Trung Lập, 10/2/1933) giữa những Tân Việt, Thông Reo về những trang báo cũ Công Luận, Trung Lập  mấy năm trước thì chỉ Phan Khôi mới là người trong cuộc thôi, chứ đâu phải N.A.N?
 
Tính ra, nhóm soạn giả sưu tập N.A.N. 2009 đưa ra được 68 bài tiểu phẩm trong mục Những điều nghe thấy, nhưng trong số đó có 18 bài đăng trước 2/3/1933, chỉ có 50 bài nằm trong hạn thời gian sau 2/3/1933, tức là nhiều khả năng thuộc ngòi bút Nguyễn An Ninh (tất nhiên có không ít bài loại này hay loại kia bị người sưu tầm ghi sai ngày tháng đăng báo; tôi đã kiểm lại, đính chính rồi mới thống kê), trong khi lại để sót tới 8 bài nằm trong thời gian kể trên, vốn có thể là tác phẩm của N.A.N. Cụ thể là các bài đăng các ngày:
 
03/3/1933 (Mày mẹ tao cha),
14/4/1933 (Thánh Gandhi dạy),
19/4/1933 (Bịnh xấu hổ),
27/4/1933 (Trình độ đã cao),
11/5/1933 (Cữ tên),
12/5/1933 (Cà kê dê ngỗng),
13/5/1933 (Cắt nghĩa đi),
30/5/1933 (Ong vò vè).
 
Luôn tiện, xin kê ra đây những bài trong mục Những điều nghe thấy đăng Trung Lập trước 2/3/1933, tức là những bài phần chắc là thuộc ngòi bút Phan Khôi, đã bị lấy in vào sưu tập N.A.N. 2009, đó là các bài đăng vào các ngày:
 
22/12/1932 (Lửa, lửa);
04/1/1933 (Thấy nói, –chỉ ghi là in 1933);
05/1/1933 (Không quên hướng Bắc, – bị ghi sai là in 12/3/1933);
10/1/1933 (Trung thành với nghề nghiệp, – chỉ ghi là in 1933);
21/1/1933 (Tư thân, – chỉ ghi là in 1933, lại lầm là Tu thân);
1/2/1933 (Đầu năm khai bút);
5&6/1/1933 (Vẽ hình);
7/2/1933 (Có nước với không nước mà làm gì?, –chỉ ghi là in 1933);
8/2/1933 (Khóc bạn đồng nghiệp);
10/2/1933 (Năm mới mà nhắc chuyện cũ, – bị ghi sai là 11/2/1933);
11/2/1933 (Bình phẩm văn thơ, – bị ghi sai là 15/2/1933)
12&13/2/1933 (Nên sắm đồ sắc phục đi);
16/2/1933 (Ông Outrey và cụ Bùi);
17/2/1933 (Liếc mắt phương xa);
18/2/1933 (Tứ đổ tường, – bị ghi sai là 19/2/1933);
21/2/1933 (Trở lại như đời xưa, –bị ghi sai là 20/2/1933);
23/2/1933 (Tâm ngục);
24/2/1933 (Nụ cười cay, – chỉ ghi là in 1933); 
 
3.0. Trở lại nội dung chính bài này, – thảo luận về những bài viết của Nguyễn An Ninh đăng trên nhật báo Trung Lập ở Sài Gòn những năm 1930s, – tôi không nghi ngờ tác gia này có nhiều bài đăng nhật báo này, nhưng không tán thành những mốc thời gian Nguyễn An Ninh tham gia bài vở ở báo này mà 2 sưu tập N.A.N. 1996 và 2009 nêu ra. Sưu tập nhật báo này hiện còn cho thấy: Nguyễn An Ninh có bài đăng trên báo này sớm nhất là từ 25/6/1932, nhưng chỉ thực sự bước vào tòa soạn với lời tuyên ngôn rõ ràng từ 2/3/1933 cho đến khi báo bị đóng cửa (30/5/1933). Riêng về mục ’Những điều nghe thấy’  ký bút danh Thông Reo, trước hết cần khẳng định đây là chuyên mục do Phan Khôi lập ra trên Trung Lập, bút danh Thông Reo cũng sẽ được ông sử dụng từ đó cho đến gần cuối cuộc đời viết báo. Có một vài dấu hiệu cho thấy Nguyễn An Ninh có thay Phan Khôi viết mục này và vẫn ký tên Thông Reo, đây là một dấu hiệu ngoại lệ trong ứng xử thường thấy của mình và được chính Phan Khôi giữ kín. Về thực tế bài vở, ngòi bút Nguyễn An Ninh chỉ có thể can dự mục ’Những điều nghe thấy’  từ 2/3/1933 đến 30/5/1933, nhưng trong khoảng thời gian ấy, vẫn không thể nói dứt khoát là Phan Khôi không từ xa gửi bài về tòa soạn cho chuyên mục vốn dĩ của mình; còn lại, trước ngày 2/3/1933, không có lý do gì để nói Nguyễn An Ninh có viết cho chuyên mục này.
 
13/11/2010
LẠI NGUYÊN ÂN       
 
● Đã đăng tạp chí Xưa & Nay, Hà Nội, s. 375 (tháng 3/2011), tr. 28-31
 Và s. 376 (tháng 3/2011), tr. 32-33, 37.
 
 
Chú thích
 
[1]  Về sự đổi mới báo Trung Lập, xem chi tiết trong Tiểu dẫn về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1930 trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 /Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn & Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây, 2006, tr. 8-15.
 
[2] Xem chi tiết trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 /Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2007, tr. 740-742. 
[3] Xem các bài này trong các sưu tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 /Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng & Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây, 2003, tr. 173-175, 265-267; Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 /Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn/ Đà Nẵngi: Nxb. ĐÀ Nẵng & Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr. 416-417.   
[4] Về khái niệm ‘mặt nạ tác giả’ (author’s mask), xem: Lại Nguyên Ân, “Mặt nạ tác giả” – một gợi ý cho việc tiếp cận một vài hiện tượng văn học sử Việt Nam // Nghiên cứu văn học, Hà Nội, s. 2 (tháng 2/ 2010), tr. 68-80.
 
[5] Ông Phan Khôi với Dân Báo // Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, 20/4/1933.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513817

Hôm nay

2290

Hôm qua

2313

Tuần này

21754

Tháng này

220690

Tháng qua

121356

Tất cả

114513817