Quá trình đổi mới văn học ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi động và đa dạng trên các thể loại: văn xuôi, thơ, kịch, lý luận phê bình, văn học dịch,… và đạt được nhiều thành tựu ở thể tài văn xuôi. Đây là những thể loại được hình thành, tạo tác trong khu vực tiếp xúc trực tiếp với cái hàng ngày, với một hiện thực đang vận động, không ngừng biến chuyển. Nổi lên hàng đầu là sự hiện diện của thể ký. Thể phóng sự sau nhiều năm đứt đoạn, vắng bóng nay đồng loạt ra quân như một sự hồi sinh của thể loại, gây chấn động dư luận với ý thức nhìn thẳng vào sự thật: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Lời khai của bị can (Trần Huy Quang), Làng giáo có gì vui (Hoàng Minh Tường), Tiếng kêu cứu của một vùng văn hoá (Võ Văn Trực), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Suy nghĩ trên đường làng (Hồ Trung Tú),… Sau cái nhìn trực diện về những vấn đề nhức nhối của thực trạng xã hội trong các phóng sự là cái nhìn bên trong của những chủ thể sáng tạo - những con người “nếm trải” với những trang viết đa nghĩa, ám gợi không chỉ tái hiện bối cảnh thời đại, lịch sử mà còn khám phá thế giới nội tâm, khắc hoạ diện mạo tâm hồn của những con người trải qua bao ấm lạnh, khóc cười của thời cuộc và số phận trong hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài và hàng loạt các hồi ký của Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Đào Xuân Quý, Bùi Ngọc Tấn,…
Bên cạnh ký là sự khởi sắc của truyện ngắn, từ sự đổi mới tư duy nghệ thuật và bút pháp của các cây bút Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Bùi Hiển, Ma Văn Kháng, Đoàn Lê, Lê Minh Khuê chia tay với “một thời lãng mạn” đến sự vào cuộc đầy tính chuyên nghiệp, bén ngọt và sắc sảo của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hoà Vang, Nguyễn Quang Lập, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư,… đã đem lại phẩm chất nghệ thuật đích thực và những hiệu ứng thẩm mỹ cho thể loại tự sự cỡ nhỏ, tạo lực hấp dẫn, thu hút công chúng trở lại với văn hoá đọc. Thể loại tiểu thuyết với những tác phẩm mở đường cho thời kỳ đổi mới như Thời xa vắng (Lê Lựu), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) và tiếp đó là những tiểu thuyết ghi nhận thành tựu của thể loại: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng) đã kích thích các cây bút nỗ lực không ngừng trong sáng tạo và thể nghiệm: Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Cơn giông (Lê Văn Thảo), Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái), Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ (Nguyễn Bình Phương), Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Người sông mê (Châu Diên), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh),…
Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới xuất hiện hiện tượng một số cây bút đã từng sống ở Việt Nam, nay đang sống, làm việc ở hải ngoại như Nguyễn Mộng Giác, Lê Ngọc Mai, Lê Minh Hà, Đoàn Minh Phượng, Thuận, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Văn Thọ, Vũ Hoàng Hoa,… đa số là của các tác giả nữ đã đem đến cho người đọc trong nước hiện thực về cuộc sống và con người ở những không gian, múi giờ khác nhau trên trái đất song cuối cùng hệ quy chiếu vẫn là con người Việt Nam, là mối quan hệ gắn bó với cội rễ của họ ở tổ quốc cũng như bên ngoài lãnh thổ. Những tác phẩm của họ không chỉ là những quan hệ riêng biệt của mỗi người mà là không khí của thời đại họ đang sống.
Những sáng tác của các cây bút trong nước và các cây bút ở nước ngoài tạo nên một bức tranh văn học nhiều màu sắc và phong phú, không chỉ ở sự đa dạng hoá về đề tài, mở rộng biên độ sáng tạo mà còn là sự đa dạng trong bút pháp, giọng điệu và nghệ thuật ngôn từ.
Trong văn học Việt Nam đương đại, số phận con người với những gấp khúc trong đường đời và thân phận trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Nhưng điều đáng nói ở đây là con người được đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân và nhân loại, có sự kết hợp, hoà quyện giữa con người xã hội, con người tự nhiên và con người tâm linh.
Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã kế thừa, làm phong phú và khai thác sâu hơn giá trị văn học truyền thống. Sau một thời gian dài ngắt quãng, văn học hôm nay đã hấp thu vào nó các yếu tố kỳ ảo, trào lộng, bi kịch trong kho tàng văn học quá khứ của dân tộc. Không chỉ có thế, văn học hôm nay cũng đã tiếp thu tinh hoa văn học thế giới như các khuynh hướng, trào lưu lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, huyền thoại, viễn tưởng, phi lý,… tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu cùng sự đa dạng, độc đáo trong nghệ thuật trần thuật và cấu trúc tác phẩm. Đặc biệt sự “hấp dẫn trở lại” của tự sự lịch sử qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp (Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết) của Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly), của Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ), của Võ Thị Hảo (Giàn thiêu) đã chứng tỏ các chủ thể sáng tạo ngoài cảm xúc thẩm mỹ đã hết sức dụng công trong kỹ thuật tự sự. Ngòi bút sáng tạo năng động của họ đã góp phần nâng cao tầm vóc của tự sự lịch sử, đưa thể loại vào vị trí xứng đáng của loại hình văn xuôi nghệ thuật đương đại.
Nền văn học Việt Nam trong quá trình đổi mới không chỉ phát triển theo những quy luật nội tại của bản thân nó mà đã tiếp thu vào nó những yếu tố ngoại sinh. Trước 1975, văn học Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Từ sau 1975 và nhất là từ 1986 đến nay, hoạt động dịch và giới thiệu văn học đương đại Âu Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực đã làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của người đọc dù ít dù nhiều đã tác động đến lực lượng cầm bút khiến họ không thể yên tâm với những gì đã có mà phải cách tân, đổi mới đáp ứng nhu cầu mới của độc giả hiện đại không mấy dễ tính hiện nay. Chỉ có đổi mới tư duy sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại, với ý thức đặt văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập với văn học thế giới thì văn học Việt Nam mới có vị trí xứng đáng trong xu thế toàn cầu hoá. Năm 1987, trong một bài tiểu luận đầy tâm huyết và bản lĩnh, có sức chấn động dư luận Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề: “Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung thiên hạ”. Chính sách mở cửa đã giúp cho văn học Việt Nam từng bước tháo gỡ vấn đề mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng bức xúc. Trong xu thế đa cực hoá quan hệ quốc tế, văn học Việt Nam không thể không mở rộng giao lưu, hội nhập với các nền văn hoá, văn học nhân loại. Các nhà văn Việt Nam đã có dịp tiếp xúc và hội nhập với bên ngoài, trong một chừng mực nào đó đã có thể giới thiệu các sáng tác của mình với bạn bè thế giới. Chúng tôi đã tìm hiểu và thống kê được danh sách văn học Việt Nam dịch ra nước ngoài qua tư liệu do nhà văn Hồ Anh Thái cung cấp như sau:
Sách văn học Việt Nam dịch ra nước ngoài:
- Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1997.
- Trong sương hồng hiện ra, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1998
- Mảnh vì cña ®µn «ng, tËp truyÖn cña Hå Anh Th¸i, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1998
- Ngîc dßng níc lò, tiÓu thuyÕt, Ma V¨n Kh¸ng, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2000.
- Thêi gian cña ngêi, tiÓu thuyÕt, NguyÔn Kh¶i, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2002.
- Sang s«ng, tËp truyÖn, NguyÔn Huy ThiÖp, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2002.
- Nghĩa địa xóm Chùa, tËp truyÖn, §oµn Lª, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2005.
- Thêi xa v¾ng, tiÓu thuyÕt, Lª Lùu, Nxb §¹i häc Massachusetts, 2000.
- Nh÷ng thiªn ®êng mï, D¬ng Thu H¬ng, Nxb Morrow, Mü
- Nçi buån chiÕn tranh, B¶o Ninh, Nxb Secker & Warburg, 1997.
- Thiªn sø, Ph¹m ThÞ Hoµi, Nxb Hyland House, 1997
- Ánh s¸ng kinh thµnh, phãng sù - Tam Lang, Vò Träng Phông, Nguyªn Hång, Nxb §¹i häc Oxford, Malaysia
- PhÝa bªn kia gãc trêi, tuyÓn truyÖn cña 20 t¸c gi¶ ViÖt Nam, Lª Minh Khuª vµ Wayne Karlin tuyÓn, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1995.
- ViÖt Nam – b¹n ®êng v¨n ch¬ng, tuyÓn truyÖn 10 t¸c gi¶ ViÖt Nam, NguyÔn Quý §øc vµ John Balaban tuyÓn, Nxb Whereabout Press, Mü, 1998.
- T×nh yªu sau chiÕn tranh, tuyÓn truyÖn 45 t¸c gi¶ ViÖt Nam, Hå Anh Th¸i vµ Wayne Karlin tuyÓn vµ dÞch, 2003.
- HuyÒn tho¹i, tËp truyÖn, Hå Anh Th¸i, H·ng s¸ch quèc gia Ên §é, 1993
- Ngêi ®µn bµ trªn ®¶o, tiÓu thuyÕt, Hå Anh Th¸i, Nxb Tæng hîp Washinhton, 2001. T¸i b¶n ë Nxb Silkworm, Th¸i Lan, 2003.
- Ngêi ®µn bµ trªn ®¶o, tiÓu thuyÕt, Hå Anh Th¸i, Nxb L’aube, Ph¸p.
- Nh÷ng truyÖn ng¾n vÒ Ân §é, Hå Anh Th¸i, Nxb Kailash, Ph¸p
- §êng xa, tËp th¬, NguyÔn Duy, Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2001.
- C©y thêi gian, tËp th¬, H÷u ThØnh Nxb Curbstone Press, Mỹ, 2003.
- Tám bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: Thiên thạch, Những điều liên quan, Phố thơ lục bát, Khoảng trời xanh biếc, Mẹ ngày xưa, Một thời con gái, Trái tim sinh nở, Những tứ thơ lãng quên in trong tạp chí Connecticut của đại học bang Connecticut, xuất bản năm 2004.
- Tập thơ Cốm non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ xuất bản tại Mỹ, 2006.
- Tiểu thuyết Phố (Chu Lai) được dịch giả Alain Clanet chuyển ngữ sang tiếng Pháp và được Nxb L’aube ấn hành tháng 1 năm 2003 với cái tên Rusdes soladats.
Số lượng tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài mà chúng tôi được biết chưa phải là nhiều nếu không nói là còn ít ỏi so với khối lượng tác phẩm ra mắt bạn đọc hàng năm ở Việt Nam. Nhưng ít còn hơn không. Tuy chỉ với những con số khiêm nhường kể trên, độc giả bên ngoài, trong đó có những nhà văn Mỹ đã cảm nhận được một phần nào diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, làm giảm đi sự phiến diện, một chiều khi nhìn về văn hoá văn học Việt Nam. Wayne Karlin, một giáo sư ngôn ngữ và văn chưong Mỹ đã viết lời giới thiÖu Tuyển tập tác phẩm của Hồ Anh Thái – Nxb Curbstone Press, Mỹ, 1998 với những nhận định: “Điều mà đổi mới thực sự cho phép là xuất bản những tác phẩm trước đây không được công bố ở các nhà xuất bản của nhà nước. Chính sách này xoá bỏ bao cấp và khuyến khích nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Một trong những kết quả kèm theo của nó là cho phép nhà văn tạo dựng nên một nền văn học phá vỡ hình thức và nội dung của phương pháp hiện thực cũ, cho phép phê pháp sự yếu kém và tham nhũng của những quan chức cao cấp, miêu tả những mất mát do chiến tranh cũng như chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự hy sinh, tạo nên những nhân vật hoà trộn phức tạp cả cái tốt lẫn cái xấu, cho dù họ là đảng viên đi nữa, được viết về cá nhân cũng như về xã hội” (1). Đi sâu vào tác phẩm của Hồ Anh Thái, tác giả lời giới thiệu thêm một lần nữa nhận ra: “Nền kinh tế thị trường mở của có tác dụng từ năm 1986 ở Việt Nam, và đổi mới đã để lại dấu ấn không phai mờ trong văn học Việt Nam theo nhiều cách: cả tính không hiệu quả và tham nhũng của hệ thống cùng những hậu quả suy đồi và tan vỡ mà nền kinh tế thị trường gây ra cho văn hoá và xã hội Việt Nam đã trở thành đề tài cho những nhà văn giàu tưởng tượng và mẫn cảm nhất” (2). Trên cơ sở đó Wayne Karlin khẳng định: “Hồ Anh Thái và những người đương thời Việt Nam đang tiên phong cho nền văn học của các nước đang phát triển, nền văn học không còn bị định nghĩa bằng những thông số của cuộc đấu tranh giữa hai bên tư bản và cộng sản. Đó là nền văn học hoàn toàn châu Á, thực tế là toàn cầu, chỉ quan tâm tới sự căng thẳng giữa một bên là sự ức chế và một bên là khát vọng tự do, giữa khát vọng được đảm bảo về kinh tế và sự xói mòn về văn hoá cùng mối quan hệ giữa người và người, khi mà cuộc sống chỉ còn bị thôi thúc bởi khao khát tiền bạc và tài sản - những mối quan hệ căng thẳng in dấu trong cuộc đấu tranh quyết liệt trên hầu hết thế giới đang chuyển mình sang thế kỷ 21” (3).
Những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài không chỉ giúp độc giả thế giới có cái nhìn chung nhất về văn học Việt Nam mà từ trong nền chung đó làm quen với một vài gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam. Đọc các tác phẩm của Hồ Anh Thái qua bản dịch tiếng Anh, nhà thơ Mỹ Geoge Evans đánh giá: “Hồ Anh Thái là nhà văn dũng cảm. Sự hài hước và ngọt ngào của tác phẩm, nghệ thuật tinh tế ở trong đó, biểu lộ sự hiểu thấu và bày tỏ một cách sâu sắc những điều xảy ra khi thế giới thảm bại đi qua chiến tranh và sự đổi thay văn hoá. Chút dí dỏm là nguồn ánh sáng hữu hiệu nhưng tác phẩm của anh không hề cầu kỳ hoặc chỉ đơn giản dừng lại ở văn phong, đó là sự tao nhã tràn ra từ cây bút, một loại tác phẩm giúp ta nhớ rằng cần phải chú ý đến những gì bảo thủ nhất, ích kỷ nhất trong ta mà ta muốn quên (và thường quên). Chỉ bằng cách ghi nhớ những gì xảy ra, và đã xảy ra, rồi mang chúng vào cuộc đời, kết hợp với tri thức, thay thế cho sự ngu dốt, thì ta mới có thể đi qua cuộc đời này. Hồ Anh Thái hiểu điều đó. Đối với người Mỹ chúng ta, bản dịch tác phẩm của anh là một tiếng nói mới mẻ nhưng trên thực tế anh vốn là một tác giả đương đại quan trọng và chúng ta có may mắn là đã tiếp xúc được với tác phẩm của anh” (4). Và từ các tác phẩm của Hồ Anh Thái đã “hướng những độc giả cả nghĩ vào chiều sâu văn hoá, văn học và cả xã hội Việt Nam” (5).
Nhà xuất bản Curbstone Press, Mỹ đã có công lớn trong việc đưa văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ. Với kế hoạch xuất bản bộ Những tiếng nói từ Việt Nam, nhà xuất bản này đã cho in và phát hành không ít các tác phẩm văn học Việt Nam. Bên cạnh các sáng tác của Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê là Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê,... Trong số đó, Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng đã gây được dư luận trên báo chí Mỹ. Giáo sư Wayne Karlin, một trong hai dịch giả của cuốn tiểu thuyết này đã có những nhận xét tinh tế về tính vấn đề của tác phẩm: “Nó (Ngược dòng nước lũ - BT) đặt ra một trong những vấn đề cơ bản mà tiểu thuyết hiện đại phải đặt ra. Đâu là cách tốt nhất để sống giữa dòng nước xiết này khi mà tất cả chúng ta đều đang lênh đênh không tay lái? Hoan và Khiêm cố gắng tạo ra một thế giới riêng cho mình, một hòn đảo giữa dòng thác lũ cuồn cuộn của thói tham lam, phản trắc và tham nhũng khắp xung quanh. Điều mà cuối cùng họ muốn tìm là một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống cao hơn cuộc truy đuổi triền miên tiền bạc, quyền lực và hư danh, một cuộc sống đem đến niềm vui cá nhân cũng như lợi ích tập thể. Hoan, Khiêm tìm kiếm tính cách phức tạp của mình và tìm kiếm cả những điều mà họ coi là tính mục đích của những năm chiến tranh và tính lý tưởng đang thiếu vắng” (6). Và về nhân vật: “Trong khi dựng chân dung Khiêm như là một con người động cơ trong sáng, một con người nhất quán, thì thành công của Ma Văn Kháng ở Ngược dòng nước lũ lại là sáng tạo ra nhân vật Hoan, mồm miệng đáo để mà dịu dàng, thông minh tinh tế mà mê tín, yêu và khao khát Khiêm, phẩm chất không chịu cầu xin và khao khát trả thù. Hoan đạt tới tầm phức tạp trong số nghững nhân vật nữ của văn học Việt Nam (7). Với tập truyện Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê mà tạp chí Kirkus Reviews coi đó là “những truyện ngắn đặc sắc” và nhấn mạnh đến “xu hướng ngụ ngôn kiểu Kafka, như trong Lên ruồi, nói về một nghệ sỹ nhào lộn có tuổi ly dị vợ, muốn xin cấp một căn hộ nhưng bị biến thành một con ruồi, lại là một con ruồi đồng tính, và thế là thoát được mãi mãi vấn đề nhà cửa và cả phụ nữ” (8).
Gần đây nhất vào mùa hè năm 2006, tại bang Boston, Mỹ, trung tâm William Johner đã tổ chức hội thảo về tập thơ Cốm non của Lâm Thị Mỹ Dạ được dịch ra tiếng Anh. Nhà thơ Fred Marchant, người thẩm định tác phẩm bậc thầy Trung tâm William Johner đã đánh giá cao thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Cốm non không chỉ giới thiệu cho người đọc Mỹ về kinh nghiệm chiến đấu của phụ nữ Việt Nam trên 30 năm, qua cách nhìn của một nhà thơ mà còn nói về hậu quả lâu dài của chiến tranh... Có những bài thơ không dễ gì yên lòng với một khoảng lặng hay tự náu mình như chị mong muốn. Có những bài thơ in dấu sự tưởng tượng phong phú, mối quan hệ huyền ảo với cảnh sắc Việt Nam... Chạy xuyên suốt qua nguồn mạch u buồn, dường như nhiều thứ còn ở lại mãi trong tâm hồn nhà thơ này” (9). Nhà thơ nữ Martha Collin, dịch giả tập thơ Cốm non đã nhận xét: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không khác các nhà thơ nữ Hoa Kỳ đương đại nhưng có lẽ trên một nền tảng văn hoá lâu đời hơn. Đó là sự khảo sát giới hạn của vai trò người phụ nữ truyền thống, sức mạnh và sự cô đơn” (10).
Những dẫn chứng trên đây đã phần nào cho thấy văn học Việt Nam trong quá trình đổi mới đã từng bước đi trên con đường hiện đại hoá nền văn học dân tộc để hoà nhập vào quỹ đạo văn học thế giới. Tuy nhiên, so với các nền văn học khác, văn học Việt Nam vẫn chưa thật hiện rõ dáng vẻ và diện mạo của mình trên bản đồ văn học thế giới. Song điều quan trọng là trong quá trình đổi mới, vận hội mới đòi hỏi các nhà văn, các nhà hoạt động văn hoá phải làm sao để văn học Việt Nam được biết đến một cách hệ thống và đầy đủ diện mạo chung cũng như những khuôn mặt văn chương tiêu biểu của 10 thế kỷ văn học đặc biệt là văn học Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ 20 đến nay./.
Chú thích:
(1), (2), (3) (4), (5) Hồ Anh Thái. Người đàn bà trên đảo - Trong sương hồng hiện ra. Dư luận về những bản dịch. Nxb Phụ nữ, HN, 2003, tr 424, 425, 431,433, 437.
(6), (7) Wayne Karlin. Như chính Việt Nam vậy. Hồ Anh Thái dịch.
(8) Tạp chí Kirkus Reviews, 1-12-2004.
(9), (10) Minh Khôi. Thơ sứ giả hoà bình. Tạp chí Sông Hương, 10/2005, tr 37.