Những góc nhìn Văn hoá

Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình ngôn ngữ(Khảo sát chủ yếu qua thơ Tố Hữu) [Kỳ 1]

“Trong văn học, ý nghĩa vừa bền bỉ tự bộc lộ, vừa khăng khăng một mực lẩn tránh, tức là, nó chẳng phải là gì khác, mà là một ngôn ngữ, một hệ thống ký hiệu, bản chất của nó không nằm ở thông tin được nó hàm chứa, mà nằm ở bản thân tính “hệ thống”. Bởi thế nhà phê bình không cần tái tạo thông tin của tác phẩm, mà chỉ cần tái tạo hệ thống của nó, hệt như nhà ngôn ngữ không cần nghiên cứu việc giải mã ý nghĩa của câu, mà phải xác lập cấu trúc hình thức đảm bảo cho nó truyền đạt cái ý nghĩa ấy”. 

                                                     R.Barthes - Phê bình là gì?     

           

         1. Dẫn nhập
Từ góc độ ký hiệu học, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hệ hình ngôn ngữ đã thuộc về quá khứ, hoá thành hiện tượng văn hoá - lịch sử, nay tựa như bị bỏ quên trong “kho lưu trữ” của thời trước. Ở Việt Nam, có thể tìm thấy biểu hiện của hệ hình ngôn ngữ này trong sáng tác của một đội ngũ đông đảo các nhà văn, nhà thơ gồm nhiều thế hệ, từ lớp người từng khởi nghiệp, nổi danh trong phong trào “Thơ mới” và dòng văn học hiện thực trước 1945, qua lớp tác giả trưởng thành thời chống Pháp, đến những cây bút nhiều không kể xiết của thời chống Mỹ. Nhưng thơ Tố Hữu là chất liệu lý tưởng mà tôi muốn chọn để khảo sát.
Có hai lí do quyết định sự lựa chọn chất liệu khảo sát của tôi. Thứ nhất: các nhà nghiên cứu thường cho rằng, những đặc điểm của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được thể hiện đậm nét trong thể truyện. Nhắc tới những tác phẩm được xem là mẫu mực của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, người ta thường kể ra các tiểu thuyết Khói lửa của A. Barbusse, Người mẹ của Gorki, Con đường đau khổ của A. Tolstoi, Chiến bại của A. Fadeev, Suối thép của A. Xerafimovich, Sapaev của A. Furmanov, Sông Đông êm đềm của M. Solokhov… Nhưng thực tiễn sáng tác lại chứng tỏ, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là nền văn học của thi ca. Ở đó, văn xuôi có xu hướng trữ tình hoá và thơ là hình thức thể loại chiếm vị thế ưu thắng[1]. Thứ hai: Tố Hữu được xem là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đã thế, sáng tác của ông lại bao trùm một thời kì rất dài, với nhiều bước ngoặt thăng trầm trong lịch sử dân tộc. Ông sáng tác từ năm 1937 đến 1992, đời thơ của ông liền một mạch, gắn chặt với quá trình phát triển của trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa trong nền nghệ thuật dân tộc từ khi hình thành, cho đến lúc nở rộ, bị quy phạm hoá, rồi rơi vào quên lãng khi đất nước chuyển mình qua giai đoạn mới sau chiến tranh, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ và tan rã. Cho nên, chọn thơ Tố Hữu làm chất liệu khảo sát, ta vừa có thể tìm hiểu sự kết tinh của một hệ hình ngôn ngữ nghệ thuật, lại vừa có thể nghiên cứu số phân lịch sử nó.
Trước khi khảo sát chất liệu, có một vấn đề mang ý nghĩa phương pháp luận cần làm sáng tỏ: dựa vào đâu để xác định hệ hình ngôn ngữ văn học? Muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy, lại phải trả lời câu hỏi: ngôn ngữ văn học là gì? Có thể nhận diện ngôn ngữ văn học qua mấy điểm mấu chốt sau đây:
Thứ nhất: Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ thứ sinh, một siêu ngữ thuộc hệ thống ký hiệu thứ hai, khác biệt với ngôn ngữ tự nhiên từ trong bản chất. Có vô khối những đặc điểm tạo nên sự khác biệt ấy. Ở đây chỉ nhấn mạnh 3 bình diện cơ bản:
Trước tiên là sự khác biệt về không gianphương thức tồn tại. Ngôn ngữ tự nhiên tồn tại trong giao tiếp thường nhật, nó vừa có thể khuôn theo những nguyên tắc luật lệ của các phong cách chức năng để sản xuất hàng loạt, vừa dễ bị hoà tan vào dòng ngôn ngữ đời sống. Ngôn ngữ văn học thực sự là một sinh thể, là cái duy nhất, đơn nhất, chỉ tồn tại trong thế giới nghệ thuật.
Thứ đến là sự khác biệt ở cấu trúc ký hiệu học. Ở cả dạng nói và dạng viết, ở tất cả các phong cách chức năng, ngôn ngữ tự nhiên phi nghệ thuật hoạt động trong một hệ thống ký hiệu đơn ngữ, thuần nhất. Trong tác phẩm văn học, nhà văn không chỉ nói bằng lời, mà còn “nói” bằng lớp đời sống, tức là “nói” bằng các chi tiết đường nét, màu sắc, hình khối, đồ vật… Lớp đời sống được miêu tả, tái hiện trong tác phẩm tưởng như là cái được biểu đạt, là nghĩa của ký hiệu, hoá ra vẫn chỉ là cái biểu nghĩa, là những ký hiệu. Ngôn ngữ văn học vì thế là một hệ thốngký hiệu đa ngữ, đa tạp, nhiều tầng bậc[2]. Nó vừa là hệ thống ký hiệu bằng lời, vừa là hệ thống ký hiệu được tổ chức bằng ký hiệu tự nhiên, tức là các chi tiết hiện thực. Điều thú vị là ở chỗ, sáng tác nghệ thuật bao giờ cũng cho phép sử dụng các thủ pháp, thao tác tạo nên sự vênh lệch, trật khớp giữa lờiý, giữa chữnghĩa, giữa hệ thống ký hiệu ngôn từ phi vật thể và hệ thống ký hiệu tạo hình để lạ hoá ngôn ngữ tự nhiên[3].
Cuối cùng, điểm quan trọng nhất, là sự khác biệt ở phương thức giao tiếp, truyền đạt thông tin. Ở mọi hình thức hoạt động giao tiếp bằng lời nói tự nhiên, người nói hay người viết truyền đạt đông tin trực tiếp tới người nghe, người đọc; ngược lại, độc giả hay thính giả có thể trực tiếp tiếp nhận thông tin từ người viết hay người nói. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm cũng là để “nói” với ai đó, về một cái gì đó. Có điều, trong sáng tác văn học, nhà văn không thể nói trực tiếp với độc giả hay thính giả như thế. Nhà thơ “nói” bằng lời nói của nhân vật trữ tình. Tác giả kịch “nói” bằng lời của nhân vật kịch. Người viết văn xuôi “nói” bằng lời của nhân vật truyện, bao gồm nhân vật trần thuật và hệ thống các nhân vật hành động. Tác phẩm văn học là thế giới của những người nói. Tiếp xúc với tác phẩm văn học, ta chỉ nghe được lời nói trực tiếp của tác giả qua cái nhan đề của nó. Ở toàn bộ phần còn lại, nhà văn chỉ có thể nói một cách gián tiếp qua cái thế giới của những người nói do anh ta sáng tạo ra. Truyền đạt và tiếp nhận thông tin một cách gián tiếp là đặc trưng ký hiệu học quan trọng bậc nhất của ngôn từ nghệ thuật.
Thứ hai: Ngôn ngữ văn học là hình thức thế giới quan. Như đã trình bày ở trên, trong tác phẩm, nhà văn chỉ có thể “nói” bằng cách thác lời các nhân vật. Tức là, không phải nhà văn, người sáng tạo ra các nhân vật, mà chính các nhân vật do nhà văn sáng tạo ra mới thực sự là chủ thể của lời nói nghệ thuật trong tác phẩm[4]. Mỗi nhân vật như thế đều là những hình tượng mang tầm khái quát xã hội - thẩm mỹ ở một mức độ nào đó. Cho nên, lời nói của các nhân vật là sự “phát ngôn”, bày tỏ tâm lý, tính cách, thể hiện nhãn quan giá trị của một hạng người, một tầng lớp, giai cấp, hay một thể loại lời nói nào đó.
Mặt khác, ngay từ đầu thế kỷ XX, những người đặt nền tảng cho khoa ký hiệu học hiện đại đã chỉ ra, rằng ngôn ngữ (kể cả các ngôn ngữ ngoài lời) không phải là hệ thống ký hiệu rỗng mà người sử dụng có thể tự do rót nghĩa vào đó[5]. Chẳng những thế, triết học ngôn ngữ của thế kỷ XX còn phát hiện mối quan hệ đầy bất ngờ giữa ngôn ngữ và người nói: chính ngôn ngữ chi phối người nói, chứ không phải người nói điều khiển ngôn ngữ. Những bộ óc vĩ đại của nhân loại đã tung ra hàng loạt khái niệm, phạm trù để khái quát mối quan hệ đầy bất ngờ ấy: M. Bakhtin với khái niệm “thể loại lời nói” (“pечевой жанр”)[6], R. Barthes có khái nịêm “lối viết” (“l’écriture”)[7], các môn đệ của hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận đề xuất khái niệm “diễn ngôn” (“discours”)[8]. Tuy có nhiều khác biệt về nội hàm, nhưng nhìn chung, “diễn ngôn”, “lối viết”, hay “thể loại lời nói” đều là khái niệm nhằm chỉ những “tổ chức ký hiệu”, hay những “cấu trúc ngôn ngữ” làm thành những cái “bể đựng nghĩa”, những cái “kho lưu trữ tri thức” đầy ắp nội dung tư tượng hệ, thể hiện nhãn quan giá trị, hệ thống quan niệm về thực tại của một thời đại, của các nhóm xã hội khác nhau. Những “cấu trúc ngôn ngữ”, những “tổ chức ký hiệu” ấy hoàn toàn độc lập với hiện thực và người nói. Chúng làm thành “bộ mã ngôn ngữ” tự động chi phối và điều chỉnh từ trong nội tại cách thức hành ngôn và tư duy của cá nhân. Chúng vừa bị lệ thuộc vào cấu trúc nội tại giữa các tương quan quyền lực của xã hội và giới hạn tri thức thời đại, vừa hoạt động giống như một kiểu “cấu trúc ngôn ngữ toàn trị”, một kiểu “quyền lực” có sức mạnh áp đặt hợp thức”. Hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc luận, nữ quyền luận, chủ nghĩa hậu hiện đại chính là những tiếng nói phản ứng, nhằm chống lại quyền lực áp đặt đã hoá thành hợp thức của những cấu trúc ngôn ngữ mang nội dung tư tưởng hệ như vậy.
Tóm lại, nhìn từ góc độ phản ánh luận, hay nhận thức luận, từ phía chủ thể của hình tượng lời nói, hay góc độ bản chất văn hoá - xã hội của hoạt động ký hiệu, ta đều thấy, ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp nói chung, ngôn ngữ văn học nói riêng chính là hình thức thế giới quan. Đây là cơ sở quan trọng nhất cho phép ta nghiên cứu hệ hình ngôn ngữ văn học.
Thứ ba: “nói” “tiếp lời”;”nghe” “hồi đáp”; “viết” “viết lại”. Về điểm này, tôi thấy không còn gì phải giải thích thêm, vì đó là những luận điểm nổi tiếng, giới nghiên cứu từ lâu đã biết, về bản chất đối thoại của lời nói như là sự phát ngôn và về tính liên văn bản của ngôn ngữ văn hoá.
Ba đặc điềm vừa trình bày ở trên buộc ngữ văn học hiện đại phải nghiên cứu ngôn ngữ văn học như một sự kiện giao tiếp, chứ không phải như một hiện tượng ngôn ngữ thuần tuý trong quan niệm truyền thống. Phải nghiên cứu như thế, ta mới tránh được sự nhầm lẫn giữa ngôn ngữ văn học với chất liệu ngôn từ. Có một thực tế rất dễ nhận ra: nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu của chúng ta hiện nay thường chỉ lặp đi lặp lại một số nhận xét đã được viết trong sách giáo khoa trung học già nửa thế kỷ trước về lịch sử phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam, ví như nhận xét về hai bộ phận chữ Hánchữ Nôm trong văn học trung đại, về văn học viết bằng chữ quốc ngữ ở thời kỳ hiện đại hoá, về sự thuần thục của câu văn hay sự chuyển đổi của thơ cách luật thành thơ tự do, về việc sử dụng rộng rãi tiếng địa phương, khẩu ngữ và ngôn ngữ đại chúng trong văn thơ đương đại….[9]. Chắc chắn, bản thân chữ Hán, chữ Nôm, phương ngữ, khẩu ngữ, câu tự do hay câu cách luật… chỉ là hình thức văn tự làm thành cái vỏ bề ngoài, là chất liệu ngôn từ của văn học, chứ không phải là ngôn ngữ văn học[10].
Vì nhầm lẫn ngôn ngữ văn học với chất liệu ngôn từ, nên ở ta, cho đến nay, “câu” và và các phạm trù dưới câu vẫn được chọn làm đối tượng khảo sát. Nhiều chuyên luận, tiểu luận, hầu hết sách giáo khoa, giáo trình vẫn đóng khung việc khảo sát ngôn ngữ văn học ở ba bình diện tu từ: ngữ âm, từ vựng, cú pháp[11]. Gần đây, các giáo trình ngôn ngữ và các công trình nghiên cứu tuy có bàn tới phong cách học văn bản, nhưng văn bản được khảo sát trong các công trình nghiên cứu và các giáo trình ấy chẳng qua chỉ sự mở rộng, nối dài, liên kết các câu thành một chỉnh thể có đầu đuôi mạch lạc[12].
Yêu cầu phân biệt ngôn ngữ văn học như một hệ thống nghệ thuật với chất liệu ngôn từ, việc chọn các đơn vị giao tiếp làm đối tượng khảo sát khi nghiên cứu ngôn ngữ văn học, thực ra, không có gì mới mẻ. Gần một trăm năm trước, vị chủ soái của Trường phái hình thức Nga là B.Eikhenbaum đã chứng minh đầy thuyết phục, rằng không thể dựa vào “cú pháp lô gíc”, vào “câu cú pháp” để nghiên cứu tổ chức lời thơ như một hiện tượng phong cách. Hơn thế, chính M.Bakhtin, người đặt nền tảng cho hệ hình tư duy của thiên niên kỷ thứ III, đã chứng minh, không thể dựa vào “câu” và “từ” để nghiên cứu cấu trúc của các thể loại lời nói, nhất là tổ chức văn xuôi. Bởi theo ông, mỗi văn bản văn học là một “sự kiện giao tiếp”: giao tiếp giữa người kể chuyện với người đọc, giữa người kể chuyện với các nhân vật và giữa các nhân vật với nhau. Ông nói, “từ” và “câu” chỉ là đơn vị của ngôn ngữ, chứ không phải là đơn vị giao tiếp bằng lời. Cho nên, để nghiên cứu tổ chức lời thơ, Eikhenbaum tìm đến một đơn vị thi pháp, nhìn từ giác độ ngữ văn học thuần tuý: “cú pháp giọng điệu”. Theo ông, “cú pháp giọng điệu” là nhân tố cấu trúc “nằm giữa ngữ âm và ngữ nghĩa”. Dựa vào “cú pháp giọng điệu”, Eikhenbaum chia phong cách câu thơ trữ tình Nga thành các loại hình:“điệu ngâm” (trong “tụng ca”),“điệu ca” (trongthơ “trữ tình lãng mạn”) và “điệu nói”(trong thơ “ngụ ngôn”)[13]. Đơn giao tiếp được M.Bakhtin sử dụng để khảo sát thể loại lời nói là “phát ngôn”[14]. Ông khảo sát đơn vị giao tiếp ấy dưới ánh sáng của các khoa học liên ngành, trước hết là văn hoá học, triết học ngôn ngữ, xã hội học và mỹ học. Dựa vào kiểu quan hệ giữa các chủ thể phát ngôn (người kể, người trần thuật - nhân vật - người nghe, người đọc), M.Bakhtin chia cấu trúc của các thể loại lời nói thành hai loại hình: “độc điệu” (trong các thể loại cao: sử thi, thơ trữ tìnhvăn học cách luật) và “phức điệu” (trong các thể loại thấp: tiểu thuyết, văn xuôivăn chương phi cách luật)[15].
Tiểu luận này cũng sẽ nghiên cứu ngôn ngữ văn học như một sự kiện giao tiếp. Vận dụng những thành tựu của triết học ngôn ngữ và lý thuyết phân tích - diễn ngôn, khảo sát thực tiễn sáng tác ở Việt Nam, chủ yếu qua thơ Tố Hữu, tiểu luận đặt ra nhiệm vụ xác định hệ hình ngôn ngữ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa từ ba bình diện sau đây:
- Thứ nhất: vị thế của chủ thể lời nói trong giao tiếp nghệ thuật. Vấn đề đặt ra ở đây là: trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ thể của hình tượng lời nóilà ai? ai nói? nói với ai? nói ở vị thế nào? Tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy, tiểu luận sẽ xác định bản chất xã hội - thẩm mỹnguyên tắc giao tiếp bằng ngôn từ trong trào lưu văn học này.
- Thứ hai: ngôn ngữ thế giới quan. Tiểu luận sẽ chỉ ra các loại ngôn ngữ được văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nghĩa sử dụng như những phương thức mô hình hoá thế giới, tạo ra những bức tranh nhân thế bằng ngôn từ. Từ bình diện này, tiểu luận sẽ xác định “trường tri thức” như là cái khung chuẩn mực làm thành “bộ mã ngôn ngữ” điều khiển tư duy nhận thức đời sống của cả một thời đại.
- Thứ ba: thể loại diễn ngôn. Từ bình diện này, tiểu luận sẽ xác định “chiến lược giao tiếp” của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hiện tượng văn hoá - lịch sử.


[1] Về vấn đề này xin xem: La Khắc Hoà.- Nhìn lại các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói// Trong: Văn học Việt Nam sau 1975 : Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 55 - 69.
[2] Về tính đa ngữ, đa tạp ký hiệu học của ngôn ngữ văn hoá nói chung, ngôn ngữ nghệ thuật nói riêng, xin xem: Yu.M.Lotman.- Ký hiệu học văn hoá và khái niệm văn bản// Sách: Yu.M.Lotman.- Những bài báo chọn lọc, T.I, Tallin, 1992, tr.129-132 (tiếng Nga. Bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên in trên “Văn hoá nghệ thuật”, số 319, tháng 1/2011).
[3] Về cấu trúc ký hiệu học của văn bản văn học và sự vênh lệch, trật khớp giữa các bình diện của nó, xin xem: Lã Nguyên.- Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.- “Nghiên cứu văn học”, số 12/ 2007, tr.12-38.
[4] Về việc phân biệt tác giả tiểu sử với chủ thể của lời văn nghệ thuật và tổ chức chủ thể trong tác phẩm văn học , xin xem:
- Trần Đình Sử.- Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học// Sách: Phương Lựu (Chủ biên).- Lí luận văn học. Nxb Giáo dục, H., 2003, tr.314.
- B.O. Korman.- Ý thức người khác trong trữ tình và tổ chức chủ thể của tác phẩm hiện thực// “Tùng thư văn học và ngôn ngữ”, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, số tháng 5&6, tập XXXII, quyển 3/1973 (Tiếng Nga);
- B.O.Korman.- Về tính chỉnh thể của tác phẩm văn học, Tlđd, tập 36, số 6/1977.
[5] Về mối quan hệ giữa ký hiệu với đối tượng, diễn giải và nghĩa, xin xem:
- Morris Ch. W.- Cơ sở lý luận của Ký hiệu// Ký hiệu học. M., Raduga, 1982 (tiếng Nga);
- Ch.S. Peirce.- Cơ sở logic của lý luận ký hiệu. SPb., 2000 (tiếng Nga).
[6] Vào nửa sau những năm 1920, M.Bakhtin bắt đầu nghiên cứu hiện tượng các thể loại lời nói (xem: Марксизм и философия языка, Л., 1929). Các vấn đề lý luận về hiện tượng này được ông trình bày tương đối hoàn chỉnh trong công trình Vấn đề các thể loại lời nói, viết vào hai năm 1952-1953. (xem: М. М. Бахтин.- Проблема речевых жанров//Бахтин М.М. Эстетика словесного творчества (Издание второе). - М.: “Искусство”, 1986. - С.250-296.
[7] Xem: R.Barthes.- Le Degré zéro de l'écriture, Seuil, Paris, 1953. (Bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998).
[8] Giới ngôn ngữ học thường xem năm 1952 là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của thuật ngữ “diễn ngôn”, gắn với việc Zellig Sabbetai Harris (1909-1992), nhà ngôn ngữ học người Mỹ, công bố bài báo có tiêu đề là Discourse analysis (xem: Harris, Zellig S. (1952b.) "Discourse Analysis". Language 28:1.1-30. (Repr. in The Structure of Language: Readings in the philosophy of language ed. by Jerry A[lan] Fodor & Jerrold J[acob] Katz, pp. 355-383. Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall, 1964, and also in Harris 1970a, pp. 313-348 as well as in 1981, pp. 107-142.). French translation "Analyse du discours". Langages (1969) 13.8-45). Cũng có thể xem “diễn ngôn” là thuật ngữ của chủ nghĩa cấu trúc, vì có thể tìm thấy quan niệm của phái ký hiệu học cấu trúc về phạm trù này trong Từ điển tường giải lý luận ngôn ngữ của A.J. Greimas và J. Kurt (xem: Греймас А.Ж., Курте Ж.- Семиотика: Объяснительный словарь теории языка //Семиотика,- М., 1983, с. 483-550). Ở đây, chúng tôi chỉ nói tới “diễn ngôn” theo cách hiều của hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận.
[9] Xem: - Vương Trí Nhàn.- Bốn mươi năm phát triển của ngôn ngữ văn học//Sách: Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử, Ngô Thảo.- Một thời đại mới trong văn học, (In lần thứ hai), Nxb Văn học, H.,1995, tr. 205-246.
            - Đinh Văn Đức.- Sự biến đổi và phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỷ XX// Sách: Phan Cự Đệ (Chủ biên).- Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, 2004, tr. 799 - 952.
[10] Về vấn đề này, xin tham khảo thêm: M.Bakhtin.- Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ// Trong: Bakhtin M.- Những vấn đề văn học và mỹ học, M., “Văn học nghệ thuật”, 1975, tr. 6-71 (Tiếng Nga)
[11] Xem: - Đinh Trọng Lạc.- Giáo trình Việt ngữ (Tập III). Tu từ học; NxbGiáo dục, H.,1964.
             - Cù Đình Tú.- Tu từ học tiếng Việt hiện đại; Đại học Sư phạm Việt Bắc, 1975.
             - Võ Bình, Lê Anh Hiền, Cù Đình Tú, Nguyễn Thái Hoà.- Phong cách học tiếng Việt; Nxb Giáo dục, H., 1982.
            - Cù Đình Tú.- Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt; Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1983
            - Đinh Văn Đức.- Ngôn ngữ văn học thế kỷ XX: bước đầu khảo sát sự hình thành câu văn trong văn xuôi tiếng Việt hiện đại// Tlđd, tr. 878 – 898.
[12] Xem: Đinh Trọng Lạc (Chủ biên), Nguyễn Thái Hoà.- Phong cách học tiếng Việt; Nxb Giáo dục, 1993, tr.160 - 274.
[13] Xem: B.Eikhenbaum.- Điệu giọng câu thơ trữ tình Nga; “OPOAZ”, Peterburg, 1922, tr.5-26 (Tiếng Nga). Hiện nay, độc giả có thể tìm thấy văn bản tác phẩm này trên trang mạng: http://feb-web.ru/feb/pushkin/critics/mel/mel-001-.htm?cmd=p
[14] Tiếng Nga: “высказывание” - nghĩa là “phát ngôn”, “nói lên”, “bày tỏ”, “phát biểu”…
[15] Xem: - M.M.Bakhtin.- Vấn đề các thể loại lời nói// Trong: Bakhtin M.M.- Mỹ học sáng tạo ngôn từ (In lần thứ hai), M., “Nghệ thuật”, 1986, tr.250 - 296 (Tiếng Nga).
            - M.Bakhtin.- Sử thi và tiểu thuyết (Vấn đề phương pháp luận nghiên cứu tiểu thuyết)// Trong: Bakhtin M. - Những vấn đề văn học và mỹ học; M., “Văn học nghệ thuật”, 1975, tr. 447-483 (tiếng Nga).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114566853

Hôm nay

2279

Hôm qua

2333

Tuần này

21546

Tháng này

225377

Tháng qua

129483

Tất cả

114566853