Ngoài ra mời du khách lắng nghe những bài dân ca Xứ Nghệ một thổ sản đặc biệt trong gia tài văn hóa tinh thần mà bao đời cha ông để lại cho đến bây giờ, đó là:
Các làn điệu Hò khoan, Kể vè, Hát ví, Hát dặm, Sắc bùa, Ru con, hát Đồng giao, Bài ca tế lễ... Mời xem trò Kiều, trò Trương viên, chiếu ca Trù cổ Đạm, xem múa chèo cạn, bài bông múa đăng, múa chén,...
Để hiểu sâu hơn từng thể hát, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu thể hát Ví, một hình thức ca hát độc đáo của người Việt ở Xứ Nghệ. Tìm hiểu nguồn gốc của loại dân ca này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian cho rằng, nó do từ “ví” mà ra. Ví là ví von, so sánh.
Ví dụ như: Cổ tay em trắng như ngà
Mắt em sắc như là dao au
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Như vậy, nó xuất phát từ lời ca, từ mặt văn hóa của làn điệu dân ca. Mà dân ca Việt Nam đâu chỉ có “hát Ví” mới có ví von, so sánh. Các làn điệu Sa mạc, cò lả, trống quân, quan họ, lý ngựa ô, lý con sáo... lời ca đều có ví von, so sánh, tại sao không gọi nó là hát Ví.
Ở Nghệ Tĩnh nói tới hát Ví là nói tới một loại dân ca mà làn điệu dân ca này chỉ thấy xuất hiện ở Nghệ Tĩnh, lưu truyền ở Nghệ Tĩnh. Ra Thanh Hóa, vào Quảng Bình, chúng ta không nghe làn điệu dân ca này. Trong các sách viết về dân ca đã xuất bản từ trước tới nay, chúng ta cũng không thấy sách nào nói, địa phương nào có loại dân ca này. Vì thế chúng tôi cũng cho rằng hát Ví là một trong những thổ sản đặc trưng của Xứ Nghệ.
PGS. Ninh Viết Giao đã cho rằng, “Ví” là “với”, hát ví là hát với và “ví” là “vói”. Bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường “hát vói” vào sân, vào nhà với bên nữ; hoặc đám con gái đang cấy lúa ở đỗi ruộng này “hát vói” sang khu ruộng bên cạnh đó với đám con trai đang nhổ mạ. Đó là một ý kiến cần phải nghiên cứu.
Qua thời gian đi sưu tầm dân ca ở các vùng miền hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, tôi chưa thấy nghệ nhân nào nói “ví” là “với”. Nếu nói là “vói” còn có ý nghĩa trong ca hát còn từ “với” thì không thỏa lắm:
- Tôi với anh cùng đi
- Trứng chọi với đá
- Hình với bóng
- Con với cái...
Còn từ ví dù sao nó cũng mang thẩm âm nhiều hơn.
- Công ơn ví như trời biển
- Ví đổi phận làm trai
- Ví dù có phải hi sinh nơi trận mạc.
Như thế từ hát Ví vẫn là từ thịnh hành nhất từ trước tới nay.
Hát Ví Nghệ Tĩnh, trước khi là dân ca trữ tình, hát đối đáp giao duyên giữa trai và gái, nó là dân ca lao động, dân ca nghề nghiệp. Tại Xứ Nghệ này nói hát Ví là nói chung. Ở đây có hát ví phường vải, hát ví phường đan, hát ví phường nón, hát ví phường vàng, hát ví phường róc cau, lau mía, hát ví phường cấy, hát ví phường củi, hát ví phường chắp gai đan lưới... Như vậy, ngay cái tên của nó cũng gắn với nghề nghiệp đến lao động rồi. Và xét về nhiều phương diện, nó có quan hệ xa gần với các bài ca nghề nghiệp, đặc biệt là với hò lao động.
Qua thời gian hát ví được nâng lên bằng một loại dân ca sinh hoạt – trữ tình.
Đã có nhiều công trình ngiên cứu về hát ví Nghệ Tĩnh, trước khi đi sâu vào mặt âm nhạc, xin nêu tóm tắt các đặc điểm của hát ví ở Nghệ Tĩnh như sau:
1. Không như hát quan họ ở Bắc Ninh, hát ghẹo ở Phú Thọ, hát cửa đình ở một số nơi khác, nhân dân Nghệ Tĩnh hát ví không hề tính đến thời gian. Quanh năm trên đất Nghệ lúc nào cũng có thể nghe tiếng hát ví, không hát ví phường vải thì hát ví phường củi,...
2. Hát ví nhất là ví phường vải, ví phường vàng, ví phường đan... có nho sĩ tham gia. Phần lớn các nho sĩ này là tầng lớp trí thức bình dân, xuất thân từ quần chúng lao động, cũng như có người là con nhà dòng dõi, con nhà khoa bảng, nhiều khi chính họ là những người có tên trên bảng vàng. Tham gia hát ví họ thường là “thầy bày”, “thầy gà” cho bên nam và bên nữ. Một số người cũng trực tiếp cất giọng. Chính vì có nho sĩ tham gia mà hát ví Nghệ Tĩnh đã để lại những lời ca óng ả, cô đọng, màu mè và nhiều giai thoại mà đến giờ đây nhân dân Xứ Nghệ còn truyền tụng.
3. Hát ví có thủ tục hẳn hoi. Thông thường một cuộc hát ví có ba chặng. Chặng một là các bước hát dạo, hát chào, hát mừng là hát hỏi. Chặng hai là hát đố, hát đối. Chặng ba, chặng quan trọng nhất, có nhiều câu hát hay hơn cả, gồm: hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Với hát ví phường vải thì thủ tục trên khá chặt chẽ. Có thủ tục nó làm cho cuộc hát thêm lịch sự và trở thành một hình thức phô diễn mang tính văn hóa hẳn hoi.
4. Câu văn hát ví hầu hết được sáng tác theo thể lục bát và lục bát biến thể. Vì hát ví đã trải qua một thời gian dài lại có nho sĩ tham gia nên như vừa nói ở trên, câu hát khá chải chuốt, khá điêu luyện, thể hiện tình cảm phong phú, phức tạp, nhiều vẻ. Nhiều câu hát ví hàm súc mang chất trí tuệ ở logic diễn đạt, ở tri thức sách vở và tri thức thực tiễn. Bên cạnh đó cũng không ít câu mang tính chất chơi chữ và chất “trạng”.
5. Về cách hát, trước khi hát một câu, bên nam hoặc bên nữ phải xướng lên một câu. Ví dụ như hát ví phường vải, bên nam gọi bên nữ: “Ơ này chị em phường vải ơi!”, bên nữ thưa: “Ơ thưa chi!” rồi bên nam mới hát. Hát hay bên nữ khen “Hay, ơ rằng hay” hoặc “Hay, rằng thưa xinh”, “Hay hỡi rằng cân”. Còn hát không hay, câu văn lủng củng, các cô nói “Hay rằng chưa cân” hoặc “Hay rằng chưa xinh”. Bên nữ khi hát cũng phải gọi bên nam: “Ơ, người đi nhởi ơi!”. Đó là lúc đầu.
Còn khi đã đằm thắm gắn bó với nhau rồi, tức là khi cuộc hát đã chuyển sang chặng ba thì những lời gọi trên, chuyển thành “Ơ, là bạn người ơi!”, “Ơ là ngãi người ơi!” hoặc “Ơ là bạn tình ơi!”... nó làm cho tình cảm hai bên mặn mà hơn, da diết, sâu sắc hơn.
Muốn hiểu sâu hơn chúng ta phân tích ví bằng âm nhạc mà trong âm nhạc thì điệu thức và gam là chủ yếu. Ngoài ra còn có nhịp điệu sắc thái trong diễn xướng...
Như thế chúng ta có thể nói điệu thức trong dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và hát ví nói riêng được không?
Có thể được chứ!
Bởi thuật ngữ điệu thức hiểu theo nghĩa chung nó giống như ngôn ngữ của một dân tộc. Còn gam là bảng chữ viết của dân tộc đó. Điệu thức gắn liền với giọng điệu, xung quanh một nốt đặc trưng, nốt đó có thể là âm chủ hoặc âm kết thúc.
Ví dụ lên dây đàn thập lục:
Đệm thơ miền Trung gồm chuỗi nốt Đồ rê mi sol la
Đệm thơ miền Bắc gồm chuỗi nốt Đồ rê fa sol la
Miền Trung khác với miền Bắc ở nốt mi và nốt fa.
Âm nhạc hát ví thuộc hệ thống dân ca cổ, giai điệu chủ yếu nằm trong 3 nốt và 4 nốt (ngũ cung khuyết), một số bài trục chính là quãng 4 đúng và 3 thứ. Tầm cữ âm nằm trong phạm vi quãng 6, quãng 7 (Xem thêm phần điệu thức dân ca Nghệ Tĩnh).
Ví là thể hát đơn, hát trên lời thơ lục bát, song thất lục bát hoặc biến thể. Nhưng đến khi có hội có phường thì có thể cả tốp cùng hát theo, hoặc 2 - 3 ngườicùng hát để hỗ trợ giọng cho nhau như ví phường vải hát trong lúc kéo xa quay con cúi. Hát ví trong những người lao động, nhiều người khác trong tứ dân (sĩ, nông, công, thương), trẻ già trai gái đều tham gia hát ví.
Về văn học của hát ví, các nhà nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian như PGS. Ninh Viết Giao, GS. Nguyễn Đổng Chi, nhà thơ Trần Hữu Thung... đã tập hợp nhiều tư liệu, đã in thành sách và lưu hành rộng rãi. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng ví chỉ có một loại, một làn điệu cơ bản nhưng qua nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì ví phong phú về làn điệu, lý do là ở Nghệ Tĩnh mỗi nghề mỗi việc đều có thể ví về nghề đó như ví phường vải, ví phường chè, ví phường cấy,... nhưng khi hát lên chỉ khác nhau về âm sắc.
Vì thế bản chất âm nhạc chuyển đổi tuyền luật theo cách hát của từng nghề, từng làn điệu của những người khi hành nghề đó, đồng thời do ngôn ngữ của từng vùng cũng ảnh hưởng tới cách hát, cho nên về cấu trúc âm nhạc cũng khác nhau ở nhịp vào bài và nhịp kết thúc (sẽ dẫn giải sau khi đi vào phân tích các điệu ví).
Những bài hát ví ở nghệ Tĩnh đã sưu tầm có:
- Ví phường vải: Nam Đàn, Đô Lương, Can Lộc, Đức Thọ...;
- Ví đò đưa sông La: Đức Thọ, Hương Sơn,...;
- Ví đò đưa sông Lam: Dọc sông Lam;
- Ví đò đưa sông Phố: Hương Sơn;
- Ví phường chắp gai đan lưới: Cẩm Nhượng, Cửa Hội, Cửa Vạn;
- Víphường đan(đan rổ, rá): Kỳ Anh, Ba Giang, Nam Đàn...;
- Phường nón: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà...;
- Phường buôn: Đô Lương, Hương Khê, Chợ Nhe, Chợ Thượng...;
- Ví trồng đấu: Kỳ Anh (Trồng chén, bát, gạch...);
- Ví tiểu thuyết: (do Nguyễn Chung Anh đặt tên);
- Phường vàng: Nam Vân, Sa Nam...;
- Bện võng: Phú Hậu, Hoàng La, Diễn Châu, Kỳ Anh...;
- Phường nốc: Tổng Bích Hào – Thanh Chương...;
- Trèo non: Xuân An, Hai Vai, Kỳ Nam, Nho Lâm, Nam Cai (Anh Sơn),...;
- Phường cấy – Phường gặt: Nơi nào cũng có, chủ yếu vùng đồng bằng;
- Ví phường củi: Các vùng có đồi núi chủ yếu vùng trung du;
- Ví róc cau lau mía:Vùng bán sơn địa;
- Ví nhổ mạ: Các vùng đồng bằng;
- Ví huê tình: Nơi nào cũng có;
- Ví đò đưa chuyển phường vải: Can Lộc;
- Ví đò đưa nước ngược: Nghi Xuân;
Hát ví Nghệ Tĩnh cũng giống như hát huê tình, hát xoan, hát ghẹo ở trung du Bắc Bộ, cũng tự tình, trong lời ca cũng có câu đệm.
Ví dụ:
Ở Bắc Bộ hát đệm:
Ơ này anh hai chị hai đó ơi...
Ở Nghệ Tĩnh hát đệm:
Ơ bạn tình ơi; Ơ này chị em phường vải ơi...
Lời ca có nhiều câu dí dỏm:
Ơ bạn tình ơi! Khi đi anh trước em sau
Giừ về đàng trẹ (rẽ) rọt (ruột) đau quằn quằn.
Hoặc:
Quen em chưa ráo mồ hôi
Chưa trưa buổi chợ đã chia đôi nẻo đường.
Hoặc:
Năm ni em mắc chăn tru (Trâu)
Vài năm chi nựa em về mần du (làm dâu) mẹ thầy.
Sau một thời gian hát ví lan truyền ở các địa phương, hát ví gắn với nghề nghiệp đã trở thành cuộc hát có thủ tục, có quy cách riêng như hát phường vải.
Ví dụ người ta quy định vào cuộc hát ví phải hát câu chào hỏi như sau:
Ở nhà tôi mới tới đây
Lạ thung lạ thổ tôi nay lạ nhà
Ba cô tui lạ cả ba
Bốn cô lạ bốn biết là quen ai
Đến đây lạ cả bạn trai
...
Bây giờ biết nói làm sao
Biết ai quen thuộc mà vào trình thưa.
Đặc điểm hát ví Nghệ Tĩnh cũng như hát giặm, chủ yếu là theo phương ngữ thổ âm của địa phương và thông qua ca khúc của ngành nghề nơi đó để hát - Tính chất rõ nhất là ngẫu hứng, tự do, phong phú có cảm xúc.
Về âm nhạc, nếu bài nào cũng ghi theo các nghệ nhân hát thì vô cùng phong phú nhưng xét về cấu trúc giai điệu dù khác nhau về lời ca cũng nằm trong điệu thức 4 nốt (mì la đố rế) – (la đố rế mí).
Nhưng nếu chuyển hóa dấu (’) (hỏi) = (´) (sắc) thì không còn đâu Xứ Nghệ.
Ví dụ: Nghệ Tĩnh: Anh nỏi anh vô chơi
Ngoài Bắc: Anh nói anh vào chơi.
Sau đây tôi xin trích dẫn một số điệu ví để các bạn tham khảo.
1. Ví đò đưa sông La
Nghệ Tĩnh có nhiều sông nhiều rào, đó cũng là nguồn giao thông đặc biệt trong tỉnh. Trên dòng sông thường có thuyền buồm, thuyền chợ, đò dọc, đò ngang, bè gỗ, bè nứa,... Ngay trong khi thuyền bè xuôi ngược dòng sông, giữa thuyền này với thuyền kia khi xuôi dòng, khi ngược dòng, với mênh mông trời nước, đó là sự cách trở để hai thuyền khó tâm tình với nhau, muốn giao duyên người bạn, thuyền bên tả ngạn hát ví, để bên hữu ngạn biết có người muốn tỏ tình. Câu ví hình thành trong khoảng không gian bao la đó, chữ “Người ơi” vút cao trong sáng nghe man mác biểu lộ rõ nhất ở chỗ bắt đầu khi vào bài với chữ “Người ơi” cấu tạo giai điệu là quãng 2 trưởng.
Người ơi thuyền anh xuôi Chế sáu chèo
Thuyền em ngược Lạng cheo leo một mình
(Xem bản phổ ví đò đưa sông La)
2. Ví phường vải
Ở Nghệ Tĩnh việc làm ăn ở hội có phường là truyền thống lâu đời. Nghề thủ công dệt vải, tơ lụa, nuôi tằm nổi tiếng như đất Đồng Môn dệt vải, lụa Hạ Châu Phong, các làng ở Nam Đàn, ở can Lộc (Như Trường Lưu)... đều có phường vải.
Nghề dệt vải - quay tơ, xe cúi phần lớn do chị em gái đảm nhiệm. Về tiết thu tháng 8 khi mùa màng cày cấy đã xong, chị em phường vải thường tụ tập vào một nhà trong xóm, lấy ca hát để động viên nhau cho quên sự mệt nhọc.
Tần tấn rắp ranh
Vì chưng kéo vải mới sinh ra phường
Nguyệt dạ canh trường
Dăm ba ô ngồi lại
Dăm ba dì ngồi lại.
Trước là nghề canh cửi
Sau đàn hát vui chơi...
Từ đó những điệu ví phường vải được vang lên bên lũy tre xanh, từ trong mái nhà tranh ấm cúng hay dưới đêm trăng bên thềm nhà, các chị em tay quay xa, tay cầm con cúi rút sợi. Tay quay xa khi quay khi dừng, lên lên xuống xuống, khi đưa ra khi đưa vào, nhịp nhàng mềm mại, tiếng xa sè sè, hòa vào tiếng quay vo vo êm ả, tiếng hát cũng trong hoàn cảnh đó, được cất lên êm dịu thiết tha nồng hậu, biểu hiện ở chỗ bắt đầu ở chữ "Người ơi" nhẹ nhàng thiết tha, cấu tạo âm bằng một quãng ba thứ, sau đó chuyển sang quãng 3 trưởng:
Người ơi! Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi canh cửi chỉ trông bóng chàng
Hát phường vải khác với các ví khác là có thủ tục một cuộc hát: đầu tiên chỉ nhóm chị em phường vải nữ ca hát với nhau. Sau đó có sự tham gia của nhóm nam. Có thể nhóm nam này là trai phường nón hoặc trai phường củi... và trở thành hát đám hát hội. Hát phường vải là phôi thai của hát đám, do đó có quy tắc của phường đề ra:
- Sinh hoạt của phường vải nữ;
- Hát dạo của trai phường khác;
- Vào cuộc: Hát chào hát mừng, hát hỏi rồi đến hát đố, hát đối, xong chuyển sang, hát mời, hát xe kết rồi hát tiễn ra về.
Trong âm nhạc của hát phường vải tuy điệu thức các làn điệu ở các chặng giống nhau, nhưng nó khác nhau ở chỗ bắt đầu vào các chặng, nên ghi ra bản phổ cũng khác nhau.
Ví dụ:
Chặng chị em phường vải sinh hoạt.
Ơ này chị em phường vải ơi...
Trai phường khác mới vào cổng hát:
Người ơi!...
Khi chưa hỏi mời hai bên đều hát:
Ơi nghĩa người ơi!
Khi có cảm tình với nhau qua chặng đố đối hát:
Ơ nghĩa người thương ơi!
Qua đó ta cũng thấy được không phải vào câu ví nào cũng mở đầu bằng "Người ơi" một cách xa lạ, mà theo tình cảm của từng chặng từng cuộc mà hát với những từ thích hợp, âm điệu thích hợp.
Về văn học của hát phường vải, chúng tôi xin giới thiệu thiệu tập "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao in lần thứ 2 - Nxb Nghệ An 1993 và cuốn "Hát phường vải Trường Lưu" của Vi Phong - Thư Hiền – Nxb Hà Nội 1997.
3. Ví đò đưa sông Lam
Tính chất ví đò đưa là cùng loại với hát ví nói chung, nhưng ví đò đưa sông Lam khác sông La ở chỗ bắt đầu vào bài: "Người ơi" cấu tạo giai điệu ở quãng 3 thứ (la - đô hoặc sol - Sib). Đặc điểm của ví này là chỉ hát trên sông lúc đò đang đi xuôi hoặc ngược dòng, còn khi neo đậu không ai hát nữa. Khi thuyền trôi trên sông, người chống đò cầm sào đi lên phía mũi thuyền, bỏ sào chống xuống nước, tay cầm đầu sào, tùy vào phía trước bả vai, rồi lấy sức chống cao sào, đi ngược với con thuyền, lúc nhổ sào người chống sào đi thong thả về vị trí cũ là hết một cội sào, lúc đó họ nghỉ ngơi và cất lên tiếng hát - có lúc người ngồi bên mạn thuyền hát một câu ví tâm tình:
Người ơi! Ai là biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Âm điệu của ví đò đưa sông Lam: man mác, bao la, sâu lắng.
4. Ví phường cấy
Người nông dân Nghệ Tĩnh đã chịu đựng biết bao cơ cực của thiên nhiên hà khắc, nào gió Lào hạn hán, lụt bão triền miên. Trong chế độ phong kiến cuộc sống làm thuê một nắng hai sương, người nông dân đi cày cấy trước khi trời chưa sáng trong màn sương mai dày đặc. Để biểu lộ tâm tình với nhau trên đồng ruộng, câu hát ví được hình thành trong hoàn cảnh đó, nó mang tính chất bàng bạc, u uất bâng khuâng, điển hình là câu "Người ơi" bắt đầu vào cuộc ví:
Người ơ ơi! Rồi mùa toóc rả rơm khô,
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm
Cấu tạo giai điệu vào bài là quãng 1 có láy 1 nốt nhỏ lên 2 trưởng. Điệu thức ví phường cấy 4 nốt (la đô rê mi).
5. Ví trèo non
Rừng núi Nghệ Tĩnh khá rộng và có những mỏm núi cao vun vút, nằm trên dải Trường Sơn trùng điệp, có vùng đồi núi gần thượng du và trung du, đồng bằng ven biển đều có núi đồi. Người dân xứ Nghệ thường hay đi kiếm củi ở rú gần làng như rú Hống (núi Hống), rú Thành, rú Đại Huệ,... có vùng núi đá, có vùng núi đất, cây cối có nơi lè tè hoang dại, có nơi sầm uất xanh tươi. Mỗi lần đi kiếm củi, họ phải trèo lên cao mới có củi tốt. Những bàn chân đất, đòn gánh đè rạn hai vai, vất vả gian nan là thế nhưng câu hát ví vẫn cùng người xứ Nghệ lên non. Họ gọi đó là "hát ví trèo non", âm điệu câu hát mang màu sắc không gian đồi núi. Thường thường người dân đi hái củi này hay dùng tiếng "hú" làm tín hiệu để liên lạc với nhau, cho nên hát ví lúc này không thể hát ngay chữ "người ơi", mà vào đầu là chữ "Ơ" rồi mới hát "là người ơi", có như thế người bạn bên núi kia mới biết người ở bên này đang hát với mình. Một đặc điểm khác là cuối câu ví không kéo dài, vì do gánh nặng hoặc leo trèo mệt nhọc nên dừng lại một chữ có âm ngắt "đó":
Ơ... là người ơi!
Chứ trèo truông mới biết truông cao
Chứ đã đi đò dọc lại ước ao sông dài đó.
Cấu tạo giai điệu là: sol la đố rế
Dưới đây là hệ thống một số làn điệu dân ca xứ Nghệ và kĩ thuật hát ví:
DÂN CA XỨ NGHỆ IN TỪ BĂNG CASSETTE
SANG ĐĨA CD CỦA NGHỆ NHÂN ĐÃ MẤT
1. Hò dô
2. Hò khoan đi đường
3. Hò xeo gỗ
4. Ví phường vải 2L
5. Ví đò đưa xuôi dòng 2L
6. Ví đò đưa nước ngược
7. Ví trèo non
8. Ví cấy
9. Ví chuyển điệu
10. Ví buôn bộ
11. Hát vè Hà Tĩnh
12. Giặm xắp
13. Giặm kể
14. Giặm nối
15. Ru con (Bài 1 - bài 2)
16. Sắc bùa (Đức Thọ)
17. Hát đúm
18. Chèo kiều - các làn điệu
Làn trăng
Ai thả lạc
Hầu cô
Buông áo em ra
Tam tầng (Kiều vẫn đi chơi về)
Hát dạo (Vương ông đi chơi)
Hát say
Chèo đò
Phải lương
Hát xà
Vọng phu (Kim Lương...)
Lên chùa (quét sạch lá rừng)
Quạt màn
Ngâm Kiều...
(Tư liệu của NS Lê Hàm sưu tầm từ năm 1956)
TÌM HIỂU KĨ THUẬT HÁT VÍ
Dân ca Nghệ Tĩnh, hát ví cũng như hát giặm, hát ru xuất phát từ hoàn cảnh lao động và thời gian nơi xảy ra ca hát.
Các nghệ nhân vừa nhai trầu vừa hát ví, hát giặm, hát vào đêm trăng thanh gió mát như hát phường vải; hát vào buổi mờ sương như hát ví phường cấy; hát trong không gian trời cao sông rộng như ví đò đưa, ví đua thuyền; vừa hát vừa trèo núi hoặc xuống núi, hát khi đôi vai gánh nặng như ví trèo non; tưng bừng phấn khởi nơi biển khơi sau khi được mẻ cá;... do đó chúng ta phân loại giọng hát gồm: giọng trai, giọng gái, giọng già, giọng trẻ. Căn cứ vào lứa tuổi của các giọng ca, ta đối chiếu với ca hát dân gian nói chung để xếp loại giọng hát mà các nghệ nhân đã trình diễn như giọng: Kim - Mộc - Thổ đồng - Thổ thường.
- Hơi hát (cách lấy hơi): ở tai - ngực - bụng - rốn, đan điền.
- Kĩ thuật: Công minh trong phát âm tự do theo phương ngữ làn điệu.
- Khẩu hình ngôn ngữ: Mỏng, sáng, nhẹ nhàng của phương ngữ phương Đông.
- Đào tạo chủ yếu: Truyền khẩu - học theo nghệ nhân.
Hát ví là loại ca hát: Không nhịp điệu, hát tự do, theo bản năng trong sinh hoạt; không như hát vè, giặm (hát theo nhịp phách 2/4 hoặc 7/8).
Trong ca hát dân gian, không nằm ngoài ngôn ngữ người Việt, khi nói có 6 âm.
Huyền ( ̀), sắc (´), nặng (.), hỏi ( ̉), ngã (~) và không. Nếu so sánh giọng nói ba miền ta thấy:
Người phía Bắc nói sai phụ âm đầu: Nói =lói; nón = lón.
Người miền Trung nói sai dấu: Nói = nỏi, cánh chim = cảnh chim
Người miền nam nói sai âm cuối: đèn = đeèng, mình = miềng
Có người hỏi tôi thổ âm, phương ngữ người xứ Nghệ có khác nhau không?
Từ Bắc Nghệ đến Nam Nghệ Tĩnh giọng nói có vài vùng khác nhau:
ví dụ:
- Người Quỳnh Lưu - Diễn Châu nói: Thực hiện tiếp giải phóng mặt bằng (nói đúng dấu ).
- Người Nghi Lộc nói: Bổn quy đình nha nước (bốn quy định nhà nước). Hoặc: Me mi mô (mẹ mày đâu?) hầu hết là không dấu.
- Người Thạch Hà, Kỳ Anh nói: Đất Đồng môn dệt vải - Đất cổ đạm vắt nồi (Dấu sắc thành dấu hỏi).
Ngoài ra từ Cha có nơi gọi là Bố, Bọ hoặc là Thầy...Như thế người xứ Nghệ hầu hết nói dấu sắc thành dấu hỏi, dấu nặng.
Trong 6 dấu của tiếng Việt, xứ Nghệ có những nguyên âm ghép, những phụ âm dại khép kín phía sau các âm đóng, âm chết trong dân ca tỉ lệ dấu cao.
Còn cách hát ví hầu hết là giọng nữ trung, nam trầm và nam cao ít thấy - nam nữ hát cách nhau một quãng 8, thường cách nhau một quãng 4 và quãng 5.
Trong ca hát dân gian, phong cách không chỉ là bài bản, luyến láy, nhả chữ: phong cách có trong hơi thở (cái hồn của tiếng hát) khéo léo xử lí các khoang, xoang của cơ quan phát âm, vóc hình của tiếng hát, ví dụ:
Hát chèo dùng hơi mũi
Hát tuồng dùng hơi xoang ngực.
Xử lí trong hát ví cũng phải hiểu nội dung câu ví (Về văn học cũng như âm thanh làn điệu) trong giọng hát phải đảm bảo cái thực của:
Tinh - Khí - Thần, Hỷ - Nộ - Ai - Lạc
Khi phát âm câu ví, từ ngữ khí, ngữ điệu phải có tình có lí. Những âm phát ra câu như: Trại lục, mắc, chặt... phải tròn vành rõ chữ.
Hát ví phải hát cho hay, cho đẹp có cái duyên trong khẩu hình như nhả ngọc phun châu là yếu tố trước tiên của ca hát dân gian.
Dù khác nhau về ngôn ngữ - thổ âm của từng vùng miền, nhưng khi vào hát ví - giặm ai cũng hát làn điệu - âm thanh giống nhau, đó là điều đáng quý.
Trong thế kỷ XX - XXI: kĩ thuật ca hát dân gian như hát ví - giặm, đã chuyển hóa phong phú rất nhiều kể cả ca từ và âm điệu.
Bởi lẽ chúng ta đã có các trường chuyên nghiệp, có khoa thanh nhạc mà khoa thanh nhạc hiện đại lại phân giọng hát ra:
Nam cao - Nam trung - Nam trầm
Nữ cao, Nữ trung, Nữ trầm
- Hơi hát chủ yếu là ngực và hoành cách mô;
- Cộng minh theo phát âm ngôn ngữ Tây phương;
- Khẩu hình, tròn, dày, đáp ứng với công minh quen dùng;
Ví dụ: Tổ quốc ta bao la
hát là: tổ qu...ô...c ta ba...a...o...la...
Chính vì những yếu tố trên mà ca hát dân gian dần được pha trộn kĩ thuật hiện đại.
Cho đến nay trên các sóng phát thanh truyền hình, hát dân ca đã phong phú hơn nhiều. Nhưng cũng phải lưu ý rằng: Đừng để cánh diều dân ca đứt dây!
L.H.