Trước hết, chúng tôi xin nhận ngay rằng quả thực do sơ suất đáng tiếc, chúng tôi đã lầm lẫn khi viết rằng bản dịch tiếng Anh mà chúng tôi sử dụng để tham khảo đối chiếu là"củaTalcott Parsons và Anthony Giddens"[2]– thực ra đây là bản dịch củaTalcott Parsons, xuất bảnnăm 1930, còn Anthony Giddens chỉ làngườiviếtbàigiới thiệu trong ấn bản ĐĐTLmãi tận... năm 1976 củanhà xuất bản George Allen and Unwin ở London và nhà xuất bảnCharles Scribner’s Sons ở New York.
Sau đây là một vài điểm mà chúng tôi thấy cần trao đổi thêm.
1. ĐĐTL là một công trình xã hội học tôn giáo đích thực ?
Trong bài "Lời giới thiệu", chúng tôi có viết như sau : "Đây không phải là một công trình nghiên cứu xã hội học về tôn giáo theo đúng nghĩa của chuyên ngành này, vì đối tượng nghiên cứu của nó không phải là một vấn đề tôn giáo, mà là mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và 'tinh thần' của chủ nghĩa tư bản" (ĐĐTL, tr. 13).
Ông Mai Huy Bích nhấn mạnh rằng đây là "một nghiên cứu xã hội học về tôn giáo đích thực", và cho rằng nhận định của chúng tôi "thật trái ngược với quan niệm chung của giới xã hội học tôn giáo".[3]
Thật ra, không ai phủ nhận ĐĐTL là công trình xã hội học tôn giáo, bởi lẽ như chúng tôi đã ghi rõ ở trang 45, quyển sách này bao gồm hai công trình mà Weber viết vào giai đoạn 1904-1906, được ông tập hợp lại và viết thêmbài "Lời nhận xét mở đầu" vào cuối năm 1919 : nó làquyểnđầucủamột bộ sách gồm ba tập mang tên là Tập hợp các luận văn về xã hội học tôn giáo (xuất bản sau khi Weber qua đời). Mặt khác, chúng tôi cũngchẳng hề có tham vọng đưa ra lời "tuyên bố" nàonhằmxác lậpthế nàolà chuyên ngành xã hội họctôn giáo, lại càng khôngmuốntrở thànhnhữngngười"quen quan niệm rằng xã hội họctôn giáo cần xem xét những chủ đề nhất định, và đó là cách đúng đắn duy nhất phải theo" như ôngMai Huy Bíchhiểu lầm.
Qua câu dẫn lại trên, chúng tôi chỉ đơn giản muốn nói rằng quyển ĐĐTL xuất bản năm 1904-1905 không phải là công trình xã hội học tôn giáo "theo đúng nghĩa" mà thôi, vì đối tượng nghiên cứu ở đây là chủ nghĩa tư bản chứ không phải trực tiếp về đạo Tin lành.
Ngay ở những đoạn đầu tiên của bài "Lời nhận xét mở đầu",Max Weber đã dẫn dắt từ những lĩnh vực khác nhau như khoa học, sử học, luật học, bộ máy hành chính, cho tới âm nhạc và kiến trúc, để đi tới chỗ đặt vấn đề tại sao chủ nghĩa tư bản lại ra đời ở châu Âu cận đại chứ không phải ở Trung Hoa, Ấn Độ, Babylon, Ai Cập... vốnlànhững nơi cũng có nềnthương mại rất phát triển (xem ĐĐTL, tr. 47-51). Đây làmộtcâu hỏi lớnxuyên suốt quyểnĐĐTLnàycũng như cả nhữngcông trình sau đó củaWeber về một sốtôn giáo Đông phương như Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo... Bản thân cách sắp xếpcác chương cũng như cách lậpluận trong ĐĐTLcũng cho thấyWeberkhôngxuất phát từ nhữngđặc trưngcủađạo Tin lành để tìm hiểu những mối quan hệ giữa tôn giáo với xã hội, mà ngược lại, ông xuất phát từ những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản Âu châu để đi tìm những mối căn nguyên nằm trong nền đạo đức Calvin. Nói khác đi, đối tượng nghiên cứu của Weber là đi tìm những quan hệ đặc trưng giữa sự phát triển của xã hội với nền đạo đức của tôn giáo để trả lời cho câu hỏi đâu là những nguyên nhân hay động lực tinh thần sâu xa dẫn đến sự sinh thành của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể coi ĐĐTL cũng là một công trình nghiên cứu xã hội học về chủ nghĩa tư bản hay về xã hội hiện đại.
Weber viết như sau : "Nhiệm vụ của chúng ta là phải đi tìm xem từ [nguồn gốc] tinh thần nào đã sản sinh ra cái dạng cụ thể của tư duy và cuộc sống 'thuần lý' ấy, từ đó đã phát triển cái tư tưởng về thiên chức và về lòng tận tụy với lao động nghề nghiệp [...] nhưng lại đã và đang là một trong những yếu tố đặc trưng của nền văn hóa tư bản chủ nghĩa của chúng ta" (ĐĐTL, tr. 129).
Ở một đoạn sau, ông cũng xác định lại mục tiêu nghiên cứu của ông : "Như vậy, công trình nghiên cứu này có lẽ là một đóng góp khiêm tốn vào việc cho thấy bằng cách nào các 'ý tưởng' trở thành những sức mạnh hữu hiệu trong lịch sử. [...] Xin nói rõ ngay từ đầu là đây không phải là nỗ lực đánh giá nội dung ý tưởng của cuộc Cải cách [tôn giáo]theo một nghĩa nào đó, dù là chính trị-xã hội hay tôn giáo. Vì mục đích nghiên cứu, chúng tôi luôn phải đụng đến những khía cạnh của cuộc Cải cách có thể bị xem là thứ yếu, thậm chí hời hợt, đối với một ý thức thực sự tôn giáo. Chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ cái phần của các động lực tôn giáo trong vô số những động lực lịch sử đã góp phần vào sự phát triển của nền văn minh hiện đại của chúng ta, vốn đặc biệt hướng về đời này. Vấn đề chúng tôi đặt ra chỉ nhằm định rõ, trong một số nội dung đặc biệt của nền văn minh này, những nội dung nào có thể được quy kết là do tác động của cuộc Cải cách với tính cách là nguyên nhân lịch sử" (ĐĐTL, tr. 159).
Thậm chí, ngay ở phần đầu, Weber còn có đoạn nói rõ rằng đây chưa phải là một công trình xã hội học tôn giáo thực thụ, nhân giải thích chuyện vì sao ông chưa có điều kiện sử dụng các tài liệu dân tộc học về tín ngưỡng ở các châu lục khác : "Chỗ khuyết này, chúng tôi hy vọng có thể bổ khuyết bằng cách nghiên cứu có hệ thống về xã hội học tôn giáo, nhưng một công trình như vậy sẽ vượt qua khỏi giới hạn của công trình này" (ĐĐTL, tr. 65).
Công việc "nghiên cứu có hệ thống về xã hội học tôn giáo" ấy sẽ được ông thực hiện qua công trình Đạo đức học kinh tế của các tôn giáo thế giới, phần Khổng giáo và Lão giáo (xuất bản năm 1915), phần Ấn Độ giáo và Phật giáo (1916), và phần Do Thái giáo cổ đại (1917), và qua chương "Xã hội học tôn giáo" in trong quyển Wirtschaft und Gesellschaft (Kinh tế và xã hội) xuất bản năm 1922 (bản dịch tiếng Anh : The Sociology of Religion, Ephraim Fischoff dịch, Ann Swidler viết lời nói đầu, Boston, Beacon Press, 1963). Tuy nhiên, đúng như Dirk Kaesler, người ấn hành và viết lời giới thiệu cho nguyên bản tiếng Đức quyển ĐĐTL (2004), nhận định : "Ta có thể nói trong suốt thời gian gần hai thập niên [từ ĐĐTL đến các công trình về các tôn giáo thế giới] cho đến cuối đời, Weber luôn hoàn toàn nhất quán với những luận điểm trong ĐĐTL" (C.H. Beck, München, tr. 27), vì thế quyển ĐĐTL trước sau vẫn là công trình có được "sự thành công đột phá" (sđd, tr. 26) và nổi tiếng nhất của Max Weber.
2. Về "qui ước" của thể loại bài giới thiệu
Mục tiêu của chúng tôi khi viết "Lời giới thiệu" không phải là đưa ra một bản tóm tắt toàn bộ quyển ĐĐTL, mà cũng không thể đi vào việc giải thích đầy đủ các luận điểm của công trình này, bởi vì đó là công việc của cả một quyển sách, không thể thực hiện trong khuôn khổ của một bài giới thiệu dù là tương đối dài.
Lẽ tất nhiên, bài này không hề có tham vọng giới thiệu toàn bộ sự nghiệp của Weber, nhưng đồng thời cũng không muốn chỉ bó hẹp hay chỉ "bám chặt" (chữ của ông Bích) vào những gì mà Weber nói trong quyển sách này mà thôi, bởi lẽ chắc ai cũng đồng ý rằng việc cung cấp thêm những thông tin hữu ích là điều nên làm, vì hiện nay còn quá hiếm tài liệu bằng tiếng Việt liên quan tới một trong những ông tổ của ngành xã hội học.
Có một điểm khá hệ trọng mà ông Mai Huy Bích phê phán bài giới thiệu, đó là "xen lẫn phần tóm tắt vào phần bình giải của mình", "khiến độc giả không biết đoạn nào tóm tắt nội dung tác phẩm, chỗ nào là bình chú của những người giới thiệu".[4] Nhưng ông Bích lại dẫn chứng cụ thể như sau : sau khi nêu lên năm điểm chính trong quan niệm giáo thuyết của phái Calvin, "bài giới thiệu dừng lại giải thích, bình luận khái niệm 'thiên chức', rồi một hồi sau đấy mới trở về với việc tóm tắt..." Dường như ở đây có sự ngộ nhận : khái niệm Beruf (nghề nghiệp hay thiên chức)[5] trình bày ở trang 25 này hoàn toàn không phải là "bình giải" hay "bình chú" gì cả của chúng tôi, mà chỉ là ý tưởng của chính Weber – và chúng tôi cũng đã ghi rõ điều đó trong từng câu ("theo ông...", "Weber cho rằng..."). Hay là ông Bích đòi hỏi chúng tôi phải "tóm tắt" cho xong đã (điềumà chúng tôi không làm, như đã nói), rồi mới được chuyển sang phần diễn giải ? Đó cũnglàmộtcách làm, nhưng theo chúng tôi thì hơi máy móc.
Ông Mai Huy Bích trách chúng tôi là "đã chọn cách cấu tạo bài dựa trên những cảm nhận của riêng mình".[6] Chúng tôi không phủ nhận điều này, nhưng cũng cần nói thêm là có lẽ phần lớn những người nghiên cứu đều khó tránh được sự chọn lựa này. Nếu ai cũng phải gột bỏ "những cảm nhận của riêng mình" thì nguy cơ là bài nào cũng giống bài nào. Khi đọc một quyển sách (hay một tác giả), mọi người đều cố gắng "cảm nhận" (tức là "hiểu") càng sâu càng tốt, và một bài giới thiệu không có mục đích nào khác hơn là trình bày các "cảm nhận của riêng mình" và, nếu làm được thì càng tốt, các ý kiến cũng "của riêng mình" về quyển sách (hay về tác giả).
Ông Bích nhắc lại nhiều lần rằng cần tuân theo "qui ước thông dụng" và "thông lệ quốc tế" về "thể loại bài giới thiệu".[7] Ở đây, chúng tôi e rằng đã có sự vô tình lẫn lộn giữa một bài giới thiệu mở đầu một quyển sách, với một bài điểm sách hay một bài tóm tắt quyển sách trên một tạp chí.
Chúng tôi đã chọn cách giới thiệu một số chủ điểm mà chúng tôi cho là then chốt, nhằm mục tiêu gợi mở để mời gọi độc giả bắt tay vào việc đọc bản gốc của Weber và tự mình khám phá các lập luận của ông. Mặt khác, bài giới thiệu cũng muốnđặt nội dung quyển sách này vào trong bối cảnh những ý tưởng và phương pháp luận độc đáo của Weber, đồng thời cố gắng trình bày một số điểm tranh luận giữa Weber với những tác giả đương thời, cũng như một số nhận định, đánh giá khác biệt và đối lập nhau giữa những tác giả sau này nghiên cứu về Weber.
Ông Mai Huy Bích chất vấn là tại sao không thấy "chủ kiến" của những người viết trước những lời khen chê đối với Weber.[8] Sở dĩ chúng tôi chọn giải pháp không "nêu chủ kiến" khen chê cũng vì muốn dành công việc ấy cho người đọc !
Việc trình bày xen lẫn các ý kiến khen và chê của các nhà nghiên cứu về Weber, theo chúng tôi, là điều bình thường không có gì phải bàn, miễn là mạch lạc và lô-gic theo dòng diễn tiến các chủ đề. Thế nhưng ông Mai Huy Bích lại cho rằng làm như vậy là "rải rác, tản mạn", và cần gom lại "thành một đoạn riêng đề cập đến những đánh giá tích cực về tác phẩm", và một đoạn riêng về những đánh giá tiêu cực[9] (tức là cần tách bạch phần ưu điểm và phần khuyết điểm). Và ông Bích còn tỏ ý e ngại rằng nếu trình bày rải rác các đánh giá tích cực thì sẽ "dễ gây ấn tượng" cho độc giả là tích cực "ít hơn" tiêu cực, đâm ra "chê nhiều mà khen ít", và hậu quả là có thể làm nản chí những độc giả đang định đọc Weber.
Nhưng nếu chúng ta thực sự tôn trọng "những độc giả tỉnh táo, hay hoài nghi và giàu tinh thần phê phán" (theo lời ông Bích), thì theo quan điểm chúng tôi, chuyện chê nhiều (nếu quả thực như vậy) không những không có gì phải lo lắng, mà ngược lại, còn có thể bổ ích hơn là khen nhiều.
Vả chăng, chúng tôi cũng đã dành đủ chỗ trong bài giới thiệu để trình bày những luận cứ phản bác "nghiêm túc và cặn kẽ" của Max Weber trước những lời chỉ trích mà phần lớn xuất phát từ những ngộ nhận, và thậm chí từ "nhiều sai lầm thô bạo do đọc một cách hời hợt" (ĐĐTL, tr. 34) ; cuối cùng chúng tôi đã nhìn nhận ông "xứng đáng là một trong những bậc thầy tư tưởng của thế kỷ XX bên cạnh những Adorno, Horkheimer, G. Lukács…" (ĐĐTL, tr. 44).
3. Vài điểm cuối
Có một số khái niệm như loại hình-lý tưởng, lý tính hóa hay phương pháp luận cá nhân mà ông Mai Huy Bích phê bình là chúng tôi chỉ giải thích chứ không nói chúng có liên quan thế nào tới quyển ĐĐTL này.[10]
Lý tính và lý tính hóa là những thuật ngữ được Weber đề cập thường xuyên trong suốt quyển sách này, vì thế chúng tôi thiết nghĩ độc giả sẽ có rất nhiều dịp tự mình trực tiếp khám phá luận đề then chốt này qua chính các trang viết của Weber. Còn về loại hình-lý tưởng, thì chúng tôi đã trình bày kỹ lưỡng ngay ở trang 39 và 40 về cách thức mà Weber vận dụng nó trong ĐĐTL ; có lẽ ở đoạn này ông Bích không chú ý chăng ? Riêng về phương pháp luận cá nhân, chúng tôi cũng đã nêu rõ rằng khái niệm "cá nhân" ở đây được hiểu là đối lập với "hệ thống kinh tế" (ĐĐTL, tr. 20) hay "cấu trúc xã hội" (ĐĐTL, tr. 21), chứ không đối lập với khái niệm "tập thể" như ông Bích đã nêu trong một câu hỏi giả định là của độc giả.
Liên quan đến Calvin : thường thì khi nói đến tông phái Calvin, một số tác giả lưu ý là cần phân biệt tư tưởng của chính Calvin và của những người theo Calvin. Sự phân biệt này, Weber cũng đã làm trong công trình của ông (ĐĐTL, tr. 174-175), đặc biệt đối với thuyết tiền định, được tập trung vào bản Tuyên tín Westminster. Ngoài ra, Weber cũng đề cập đến cuộc tranh luận về vị trí, thiết yếu hay phụ thuộc, của giáo thuyết tiền định trong tông phái Calvin. Và tác giả cũng đã đưa ra chọn lựa của mình trong vấn đề được tranh cãi này (ĐĐTL, tr. 169-170).
Cuối cùng, một lần nữa, chúng tôi bày tỏ sự cảm kích với ông Mai Huy Bích đã dành công sức để trao đổi với chúng tôi, cũng như cám ơn ông và các độc giả khác đã kiên nhẫn đọc bài trả lời này. Thực ra, đây cũng là cơ hội giúp chúng tôi làm sáng tỏ thêm một số điểm mà có thể chúng tôi chưa trình bày rõ trong bài giới thiệu. Nếu quả thực có những độc giả nhận thấy bài giới thiệu của chúng tôi vẫn còn "không kém phần khó hiểu", thì chúng tôi đành cáo lỗi vì chưa thể làm tốt hơn, dễ hiểu hơn, và xin trân trọng nhường lời lại cho... cụ Max Weber qua chính ngòi bút và văn phong của cụ mà chúng tôi đã cố gắng dịch sang tiếng Việt./.
(Nguồn : Tạp chí Xã hội học, số 1 (105), 2009, trang 94-99)
* Đầu đề do Ban Biên tập Tạp chí Xã hội học đặt.
[1] Xem Mai Huy Bích, "Về bài giới thiệu tác phẩm 'Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản' của Max Weber", Tạp chí Xã hội học, số 4 (104), 2008, tr. 115-123. Và xem Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang dịch), Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008, với "Lời giới thiệu" của Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn, tr. 11-46.
[2] Lỗi này xuất hiện ở trang 45, và trong chú thích ở trang 105 của bản dịch tiếng Việt của chúng tôi.
[3] Mai Huy Bích, bài đã dẫn, tr. 117 và 118.
[4] Mai Huy Bích, bài đã dẫn, tr. 119 và 120.
[5] Ông Mai Huy Bích cho rằng thuật ngữ thiên chức "
hàm ý và gợi liên tưởng tới những vai trò về giới mà thiên nhiên tạo ra (ví dụ sinh đẻ và cho con bú được nhiều người coi là 'thiên chức' của phụ nữ)". Nhưng rất tiếc chữ
thiên trong
thiên chức không
phải chỉ có nghĩa
là thiên nhiên. N
gười ta vẫn
thường nói đến "thiên chức"
của nhà giáo, của thầy thuốc hay
của nhà văn,
vốn là những người
làm những
việc chẳng có
liên quan gì
tới thiên nhiên cả (xem Viện N
gôn ngữ học,
Từ điển tiếng Việt, 2000, tr. 939-940).
[6] Mai Huy Bích, bài đã dẫn,
tr. 119.
[7] Xem
Mai Huy Bích, bài đã dẫn,
tr. 119-121.
[8] Xem
Mai Huy Bích, bài đã dẫn,
tr. 120.
[9] Xem
Mai Huy Bích, bài đã dẫn,
tr. 120.
[10] Xem
Mai Huy Bích, bài đã dẫn,
tr. 120-121.