Những góc nhìn Văn hoá

"Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam 25 năm đổi mới(1986 - 2010)"(*)

Trong 25 năm đổi mới (1986 – 2010), dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nền văn hoá Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để đánh giá những thành tựu đạt được của văn hoá Việt Nam trong suốt 25 năm qua đồng thời vạch rõ những mặt còn tồn tại, những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra phương hướng và giải pháp nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho xuất bản cuốn Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam 25 năm đổi mới (1986 – 2010) do PGS.TS. Phạm Duy Đức chủ biên. Cuốn sách được biên soạn từ kết quả nghiên cứu của đề tài Phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006 – 2010 Mã số KX04.13/06-10.

Với mục đích đi sâu tổng kết tình hình xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam ở các lĩnh vực chủ yếu của văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương năm khoá VIII (1988) Về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ngoài bài viết đầu tiên phân tích bối cảnh kinh tế xã hội tác động đến quá trình xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 1986 -2010, các bài viết còn lại trong sách thường được trình bày theo cấu trúc: phần đầu trình bày thực trạng (cả thành tựu và hạn chế) của một lĩnh vực văn hoá, chỉ ra nguyên nhân và phần cuối rút ra các bài học kinh nghiệm.
Trong phần đầu của cuốn sách, PGS,TS. Phạm Duy Đức đã phân tích bối cảnh kinh tế xã hội tác động đến quá trình xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 1986 -2010.  Theo tác giả, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam giai đoạn này diễn ra trong một bối cảnh đầy biến động của tình hình quốc tế: sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá, sự cạnh tranh quốc tế diễn ra gay gắt, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên ở trong nước, nhờ đường lối đổi mới đúng đắn, trước hết là đổi mới về kinh tế, đất nước ta đã vượt qua được tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài (từ cuối thập kỷ 70 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX). Những biến động cả trong nước và quốc tế này đã tác động sâu sắc và toàn diện đến đời sống văn hoá của nhân dân, vừa mang lại những thuận lợi, vừa mang lại những thách thức to lớn.
Nhìn lại chặng đường 25 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua bao thăng trầm, thậm chí có lúc khủng hoảng gay gắt nhưng đã vươn lên, đạt được sự ổn định và bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được khẳng định. An ninh - quốc phòng được giữ vững. Có thể nói, đây là “những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử” đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, đây cũng là bối cảnh và là cơ sở để nhân dân ta xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đánh giá về thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng con người và môi trường văn hoá ở nước ta trong thời kỳ đổi mới, PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc cho rằng, trong 25 năm qua việc phát triển con người và văn hoá đã có tiến bộ trên nhiều mặt. Việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá – giáo dục, phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng ở nước ta đã được quan tâm giải quyết một cách có hiệu quả hơn. Các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, mọi người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chỉ số phát triển con người ngày càng tăng lên. Quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, cũng theo tác giả, bên cạnh những thành tựu về phát triển văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá, chúng ta cũng còn không ít những yếu kém trong đời sống văn hoá và công tác lãnh đạo, quản lý văn hoá. Nguyên nhân của những thiếu sót này ngoài các nguyên nhân khách quan như tác động mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hoá, sự phá hoại của các thế lực thù địch… thì chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, những bất cập trong nhận thức và tổ chức thực tiễn, những yếu kém trong bộ máy chỉ đạo, quản lý văn hoá – xã hội. Cuối bài viết, tác giả cũng đã chỉ ra bảy bài học kinh nghiệm rút ra từ những thành tựu và hạn chế trong việc phát triển văn hoá và con người ở nước ta trong 25 năm vừa qua.
Trong bài viết Thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong 25 năm đổi mới, TS. Võ Văn Thắng dành phần đầu để điểm qua những hình thức, biện pháp kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc để xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong thời gian vừa qua. Theo tác giả, bằng các biện pháp cụ thể, thông qua các hình thức tổ chức thực hiện, các cuộc vận động các phong trào trong cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhiều giá trị văn hoá truyền thống đã được kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập và tìm các giải pháp để khắc phục, tạo lập môi trường xã hội lành mạnh cho quá trình xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tác giả đã chỉ ra một số vấn đề cần được xem xét trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong 25 năm đổi mới. Đó là xu hướng xem thường, phủ nhận các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, có tư tưởng chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ; xu hướng phương Tây hoá trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; xu hướng bảo thủ, phục cổ trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tác giả cho rằng, cần phát hiện các xu hướng, các vấn đề, các mâu thuẫn nảy sinh, từ đó giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống mới để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới.
Quá trình hình thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ trong thời kỳ mới là phần mở đầu trong bài viết của PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc về thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ. Theo tác giả, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ được hình thành và hoàn thiện cùng với quá trình đổi mới đất nước. Trong những chủ trương, chính sách đó, các tư tưởng chỉ đạo phát triển; những nhiệm vụ và mục tiêu phát triển; giải pháp phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII là những cần chú ý để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiện nay.
Với một bài viết tâm huyết, PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc đã phân tích một cách thấu đáo thực trạng của phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ cả về những thành tựu quan trọng cũng như những bất cập, hạn chế, yếu kém. Tác giả cũng chỉ ra được những nguyên nhân khách quan và chủ quan của cả 2 mặt này. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những trang viết đầy trăn trở, ưu tư của tác giả về thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ ở Việt Nam trong 25 năm qua.
Nói đến văn hoá chúng ta không thể không nhắc tới văn học, nghệ thuật. GS.TS. Đinh Xuân Dũng trong bài viết Thực trạng đời sống văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới cho rằng, sự phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam trong những năm qua vừa là sự vận động nội tại của chính nó, đồng thời còn chịu tác động của nhiều nhân tố khách quan. Đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sự biến đổi công chúng nghệ thuật, quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội; tác động đa chiều của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình hội nhập và giao lưu văn hoá quốc tế ngày càng sâu rộng.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng đã phân tích những thành tựu nổi bật và những dấu hiệu mới trong sáng tác, trong lý luận phê bình văn nghệ, trong sử dụng và truyền bá các tác phẩm văn nghệ; tình hình đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật; những ưu điểm của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý văn học, nghệ thuật cũng như công tác giao lưu và hợp tác văn hoá, nghệ thuật với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra tám hạn chế, yếu kém cần khắc phục để văn học, nghệ thuật có thể phản ánh được hiện thực đất nước hôm nay, xứng đáng với vị thế của đất nước thời kỳ mới.
Về Thực trạng và bài học kinh nghiệm phát triển thông tin đại chúng trong 25 năm đổi mới, ThS. Tô Phán sau khi phân tích những thành tựu và hạn chế trong xây dựng và phát triển thông tin đại chúng đã rút ra mười bài học kinh nghiệm để phát triển thông tin đại chúng. Tác giả cũng đưa ra bốn nhóm giải pháp cơ bản phát triển thông tin đại chúng giai đoạn 2011- 2020. Một là, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với thông tin đại chúng. Hai là, nhóm giải pháp xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các chính sách đối với thông tin đại chúng. Ba là, nhóm giải pháp về củng cố, hoàn thiện tổ chức, nhân sự. Bốn là, nhóm giải pháp về đổi mới hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng.
ThS. Vũ Công Hội trong “Thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc và bài học kinh nghiệm”, trước khi trình bày quan điểm của Đảng và nhà nước về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc đã đưa ra khái niệm về di sản văn hoá dân tộc và vai trò của di sản văn hoá trong đời sống xã hội. Tác giả cũng đưa ra quan điểm của mình về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Có thể nói, bài viết là tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về quan điểm của Đảng cũng như các chính sách cơ bản của Nhà nước về bảo tồn di sản văn hoá từ năm 1986 đến nay.
Với 53 tộc người, với địa chính trị, kinh tế độc đáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển đất nước về an ninh - quốc phòng, kinh tế và đặc biệt là văn hoá – xã hội. Vì vậy, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu ở cuốn sách này những vấn đề về thực trạng bảo tồn và phát triển vấn đề các dân tộc thiểu số và bài học kinh nghiệm qua bài viết của tác giả Nguyễn Thị Tuyền.
Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, luôn mong muốn “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách văn hoá tôn giáo, ngoài các thành tựu đã đạt được thì hạn chế, thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Với mong muốn chỉ ra các nguyên nhân của hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó có những phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhất chính sách văn hoá trong tôn giáo giai đoạn 2011- 2020 đã được PGS.TS. Nguyễn Đức Lữ trình bày trong “Thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách văn hoá trong tôn giáo”.
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đứng trước nhiều thách thức mới. Việc xây dựng và phát triển văn hoá nói chung, xây dựng văn hoá trong Đảng nói riêng đã trở thành một tất yếu khách quan trong thời kỳ đổi mới. Với bài “Xây dựng văn hoá trong Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay”, GS.TS. Trần Văn Bính đã phân tích thực trạng đời sống văn hoá trong Đảng và vấn đề xây dựng văn hoá trong Đảng. Theo tác giả, xây dựng văn hoá trong Đảng là xây dựng cái nền tảng tinh thần vững chắc. Đó là tư tưởng, là phẩm chất đạo đức, là học vấn, là kỹ năng lãnh đạo và quản lý xã hội. Nền tảng tinh thần đó cần được thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Để xây dựng và phát triển văn hoá trong Đảng đạt hiệu quả cao, theo tác giả cần phải năm giải pháp cơ bản. Một là, phải tiến hành một cách nghiêm túc công tác phê bình và tự phê bình nhằm xây dựng chính Đảng. Hai là, về công tác tổ chức cán bộ. Ba là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ trong đời sống xã hội. Bốn là, tập trung xây dựng pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm là, tổ chức thật tốt và có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về Tác động của văn hoá đối với công tác quản lý của Nhà nước trong 25 năm đổi mới, PGS.TS. Lê Quý Đức cho rằng, sự tác động này hết sức phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Nhà nước: quá trình dân chủ hoá các quyết định quản lý (xây dựng pháp luật, văn bản dưới luật, các chính sách của Nhà nước); quá trình đổi mới, cải cách hành chính (đổi mới quản lý các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội). Do đó, khi đánh giá thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm và các giải pháp thực hiện cho công tác quản lý của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới tác giả bám sát vào các lĩnh vực này.
Nghiên cứu về công tác quản lý của Nhà nước còn có bài viết của TS. Nguyễn Hữu Thức về “Thực trạng và bài học kinh nghiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá trong 25 năm đổi mới”.
Xuất phát từ nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hành các chính sách kinh tế trong văn hoá và các chính sách văn hoá trong kinh tế. Các chính sách này đã được triển khai sâu rộng trong thực tiễn và thu được những thành tựu đáng kể, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đóng góp to lớn vào xây dựng nêng văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất cả những điều này được ThS. Vũ Phương Hậu đề cập đến trong bài viết “Thực trạng thực hiện các chính sách văn hoá trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hoá trong 25 năm đổi mới vừa qua”.
Có thể nói, xuất phát từ sự tiếp cận văn hoá, những yếu tố cấu thành nền văn hoá, những tiền đề lý luận và thực tiễn hoạt động văn hoá do Đảng ta lãnh đạo, các bài viết của các chuyên gia văn hoá trong cuốn sách này đã chỉ ra những thành tựu quan trọng, đồng thời vạch ra những mặt yếu kém, hạn chế, qua đó đề xuất một số giải pháp cơ bản và kiến nghị để xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến nền văn hoá dân tộc.
…………………………………………………………..
(*)PGS.TS. PHẠM DUY ĐỨC (Chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, 591 tr.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513952

Hôm nay

2122

Hôm qua

2303

Tuần này

21889

Tháng này

220825

Tháng qua

121356

Tất cả

114513952