Những góc nhìn Văn hoá

Từ lễ hội đền Cờn và tục thờ Tứ vị thánh nương ở Phương cần, nghĩ đến các lễ hội khác và văn hóa biển ở Quỳnh Lưu

Theo một số thư tịch thì từ xa xưa, vào thời nguyên thủy, người Quỳnh Lưu đã sáng tạo ra một nền văn hóa vỏ sò, văn hóa cồn điệp, gọi là văn hóa Quỳnh Văn.

Văn hóa này được đặt tên như vậy vì đó là di chỉ tiêu biểu được phát hiện đầu tiên tại cồn sò điệp ở xã Quỳnh Văn mà cụ thể là ở cồn Thống Lĩnh nằm ngay bên cạnh đường quốc lộ số 1, cách thành phố Vinh 65km.

Trong sách Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch đã nhắc tới cồn vỏ điệp này như sau: “Cồn điệp ở núi Lam Cầu, huyện Quỳnh Lưu, phía đông chạy tới tận biển. Vây cá, vỏ ốc tích thành gò lớn cao độ 2 trượng, rộng độ 2 dặm. Bốn xung quanh là ruộng phẳng, phía đông trông ra biển cả và cách xa biển độ hơn 10 dặm”. Ông cho rằng: “Chỗ ấy ngày xưa là bờ biển”.
Dấu vết văn hóa Quỳnh Văn còn tìm thấy tại nhiều cồn vỏ điệp ở các xã khác thuộc huyện Quỳnh Lưu, như tại:
- Xã Quỳnh Hoa: lèn Mu Rùa, rú Đất.
- Xã Quỳnh Hậu: đền Đồi (còn có tên là đồi Bông, đồi Thần, rú Điệp)
- Xã Quỳnh Hồng: trại Múng, hang Thờ.
- Xã Quỳnh Xuân: hang Chùa, hang Vua tại rú Bệp
Rồi các xã ở ven biển cũng có di chỉ văn hóa Quỳnh Văn:
- Xã Quỳnh Bảng: cồn Điệp gần núi Quy Lĩnh.
- Xã Quỳnh Lương: cồn Con Voi.
- Xã Quỳnh Minh: cồn Lạp
- Xã Quỳnh Nghĩa: cồn Điệp.
- Xã Mai Hùng: động Kiêu.
- V.v...
Nhìn vào bản đồ Quỳnh Lưu, chúng ta thấy các cồn điệp trên phân bố từ đường quốc lộ ra đến sát biển, bao quanh lấy vùng ruộng nước hoặc đồng ở giữa huyện. Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng: “Ngày xưa khi các bộ lạc văn hóa Quỳnh Văn còn sinh sống ở đây, vùng ruộng nước và đầm lầy này còn là cái vịnh biển nông, nửa kín mà bờ biển phía đông của nó là dải cát cao 3-4 mét sát bờ biển hiện nay. Cái vịnh biển lặng gió ít sóng này là môi trường thích hợp của điệp. Người nguyên thủy đã đến sinh sống tại cái vịnh cổ này bắt điệp về ăn đổ vỏ thành đống. Đống vỏ càng lớn trở thành “cồn điệp” hay “rú điệp”. Nó đã để lại một nền văn hóa cách ngày nay gần 5000 năm.
*
*   *
Nhắc lại đôi nét về nền văn hóa Quỳnh Văn để chúng ta thấy rằng, một phần địa bàn Quỳnh Lưu xa xưa là cái vịnh biển nông và tổ tiên xa xưa của người Quỳnh Lưu đã sinh sống nhờ hải sản, nhờ biển. Tuy sau này, nông nghiệp là chính, song trong quá khứ xa xăm người Quỳnh Lưu đã đi lên từ biển, sống chết nhờ biển.
Biển lùi, cái vịnh biển nông ấy được bồi đắp mãi lên, qua các di chỉ văn hóa Trại Ổi ở Quỳnh Hồng, nổi trội về các đồ gốm màu cách ngày nay khoảng 4000 năm rồi di chỉ văn hóa Đồi Đền ở Quỳnh Hậu, cách ngày nay khoảng 3000 năm đã có dấu vết văn hóa đồ đồng thau. Rồi sau đó là thời gian các vua Hùng.
Dấu vết biển lùi còn lại để lại nhiều vết tích tại các hang động, các gờ đá tại các lèn ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, An Hòa; tại các sông rạch như sông Ngân Giang chảy về Kẻ Bèo nay không còn, cửa Giang và Vân Đồn cũng vậy.
Điều đáng kể là biển lùi đã để lại trên mảnh đất Quỳnh Lưu 3 con sông (sông Hoàng Mai, sông Ngọc Để và sông Giát) với 3 cửa biển. Với bờ biển của một huyện chạy dài 34km mà tới 3 cửa biển: cửa Cờn, cửa Quèn và cửa Thơi. Cửa biển nào, nước sông cũng chảy qua vách núi mới đổ ra biển, cửa Cờn có núi Xước, cửa Quèn có núi Hàu, cửa Thơi có núi Kiến. Từ đó mà hình thành các làng bãi dọc, bãi ngang mà nay là 13 xã, nhân dân sống bằng nghề đánh cá, buôn vặt, buôn chuyến, buôn mành, tức kinh doanh buôn bán nhỏ to toàn là cá tôm.
Trong số 13 xã ở Quỳnh Lưu có gần 30 làng cổ. Hầu như làng nào cũng có đền thờ Tứ Vị Thánh Nương mà đền Cờn ở Phương Cần là đền chính, các nơi khác chỉ là thờ vọng. Nên Lễ hội đền Cờn là lễ hội vùng. Đứng đầu các đền thiêng ở xứ Nghệ, nói Lễ hội đền Cờn là lễ hội lớn nhất, bao quát cả vùng Nghệ Tĩnh cũng đúng. Cả nước ta có 1964 đền thờ Tứ vị, xứ Nghệ có khoảng 200 đền, riêng Quỳnh Lưu có trên 30 đền.
Trước đây với tục thờ Tứ Vị Thánh Nương và Lễ hội đền Cờn, chúng ta mới nói lên lòng “Tin tưởng, sợ hãi, sùng kính và biết ơn”, khai thác sự âm phù để ăn nên làm ra, con người mạnh khỏe, ra lộng vào khơi được thuận buồm xuôi gió, đánh được nhiều cá, làm ruộng trồng lúa trồng màu khi mùa màng phong nậm, buôn bán phát đạt,... chưa khai thác mặt văn hóa biển.
Chỉ cảnh quang bờ biển Quỳnh Lưu (không kể đảo xa như hòn Mắt, hồn Biện) chỉ gần bờ, sát bờ thôi đã có núi Hoàng Mai, núi Xước, núi Rùa, núi Rồng, núi Kiến,...
Cảnh quan ấy đã gây thi tứ cho hoàng đế Lê Thánh Tông, đại thi hào Nguyễn Du, tiến sĩ Dương Thúc Hạp... Cảnh quan ấy với các hòn đảo nho nhỏ và một số địa danh khác đã được đề cập trong nhiều bài ca nhật trình và đây là một đoạn trong bài “Nhật trình đi biển từ Huế kể ra”:
Thuyền dần dà đã qua bãi sóng,
Trên Hai Vai lạch Vạn trông vô (1)
Từ mù gọi đó hòn Câu,
Trường sa bãi cát một màu như in (2)
Hung, Thè thời ở bên trên (3)
Hóa công dân đã kề liền lạch Thơi.
Hòn Rìu, hòn Kiếm sóng nhồi (4)
Chó nằm, Xanh Bắc là nơi lạch Quèn (5)
Trong lạch Quèn ngựa trâu giữ cửa,
Cáo bắt gà rệt ở đầu non,
Ông Bà đứng giữa chân sơn,
Trăng thu vằng vặc dạ còn như in (1)
Kim ngân lễ vặt cầu yên,
Lòng thành mệnh gọi rằng khách thương
Đầu rồng đuôi lại bắc ngang
Đã qua Hàm Ếch lại song Bạc Đầu (2)
Cột nanh đâu, hỏi đền đuôi rú, (3)
Nào Kim ngân, cháo, nổ đưa ra
Lễ hội ba chén khề khà,
No say đến Ói lại qua cửa Cờn (4)
Nơi nhà quan, vua Bù phù hộ, (5)
Rồng Trắp chầu tỏ Rạn Nồi Rang (6)
Kìa kìa Đá Nhảy chan chan,
Thuyền qua bãi Sụn là sang Đông Hồi... (7)
Song song với các địa danh ấy là anh hùng ven biển với những đền, miếu, chùa,... mà phần lớn các đền, miếu, đền thờ Tứ Vị Thánh Nương như đền Thượng ở Phú Nghĩa Thượng, đền Chính ở Phú Nghĩa Hạ, đền Tây ở làng Đồng Xuân (Quỳnh Bảng), đền Phú Thanh ở Quỳnh Minh, đền Quy Lĩnh ở Quỳnh Lương, đền Lốt ở Quỳnh Long, đền Phú Đức ở Quỳnh Thuận, đền Thượng ở làng Hữu Lập, đền Thương ở làng Đông Hồi,... Về chùa, có các chùa Đế Thích ở xã Quỳnh Nghĩa, chùa Ốc ở Tiến Thủy, chùa Úc ở Quỳnh Liên, chùa Bảo Long ở Quỳnh Bảng, chùa Gám ở Quỳnh Minh, chùa Văn Phong ở Quỳnh Lương, chùa Phượng ở Quỳnh Long,... Cả một quần thể kiến trúc tín ngưỡng tâm linh ấy nếu được tu tạo sẽ hòa đồng với các đình, nhà thánh, miếu, nhất là các miếu thờ cá Voi, với các hòn đảo nhỏ to, núi non ở cạnh bờ biển, sẽ là một môi trường du lịch: du lịch đền miếu với những di tích lịch sử; du lịch hải đảo về những cảnh quan hoành tráng, bao la; du lịch môi trường sinh thái với sông nước, bến bãi để tham quan các làng cá, làng nghề trong đó có nghề đóng thuyền,...
Đi theo các đền, miếu... nói trên là các lễ hội. Hầu như các đền thờ Tứ Vị Thánh Nương, mà ở Quỳnh Lưu có trên 30 làng thờ Tứ Vị Thánh Nương và các thần khác đều có tổ chức lễ hội. Có lễ hội tổ chức hàng năm, có lễ hội 2 hay 3 năm tổ chức một lần.
Từ Lễ hội đền Cờn, tôi nghĩ đến các lễ hội các đền ở Quỳnh Lưu. Lễ hội nào trong không gian tâm linh cũng mang ý nghĩa nông nghiệp, ý nghĩa lịch sử đồng thời cũng mang đậm đà văn hóa biển ở Quỳnh Lưu. Hai lễ hội tổ chức dài ngày nhất, kéo dài một tháng trời là Lễ hội đền Cờn và lễ hội ở Phú Nghĩa. Lễ hội đền Cờn được tổ chức hàng năm thì nhiều báo cáo đã đề cập đến.
Còn lễ hội ở Phú Nghĩa, 12 năm tổ chức 1 lần. Nhân dân gọi lễ hội này là trò Lề (trò Lễ). Trò Lề diễn lại cuộc đánh quân Cà Hóp khi xưa của tướng quân quận công Trương Đắc Phủ. Trong một tháng trời (từ 15-2-âl đến 15-3-âl), riêng trò Lề diễn ra trong 7 ngày, Phú Nghĩa Thượng mà nay là Quỳnh Nghĩa đóng quân Triều, Phú Nghĩa Hạ mà nay là Tiến Thủy đóng quân Cà Hóp. Hai bên làng thế trận “bát môn kim tỏa”, 8 cửa đền có quân lính cầm cờ lệnh, cờ ngũ hành, cờ điếm canh, ban đêm lính canh đánh trống thùng và gõ mõ sinh cắc cắc. Trong 7 ngày đó, hai bên giáp trận 3 lần; lần nào cũng có ngựa voi và đông đảo quân lính với giáo, mác, gươm, đao,... Khi lui khi tiến theo “các phép đi, chạy, đâm chém; các lối kỳ, chính, phân, hợp”; “theo tiếng trống, tiếng chiêng, hiệu cờ, hiệu xí”,... đã được tập luyện từ trước, xô xát nhau, đâm chém nhau. Cuối cùng quân Cà Hóp “được làm vua, thu về trẩy biển”.
Lễ hội ở Phú Nghĩa, ngoài trò Lề và các cuộc tế lễ, còn có: hát múa trống quân, múa sênh tiền, múa chèo cạn,... và diễn tuồng Sĩ Nông Công Thương, Ngư Tiều Canh Mục. Khi trình diễn tuồng đó, các nghệ nhân đã thêm vào các trò: quét rác, kéo lửa, đúc tượng, hàng cá, hàng thịt, hàng mít, sư và đạo tràng,...
Ngoài 2 lễ hội dài ngày nói trên, tại Quỳnh Lưu còn có Lễ hội đền Cồng, 3 năm tổ chức 1 lần, mỗi lần 3 ngày, bắt đầu từ 15-3-âl. Đền này thờ tướng quân Đinh Lễ, một anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lễ hội đền Vua thờ thủy tổ họ Hồ là Hồ Hưng Dật và 2 vua nhà Hồ là Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương. Lễ hội này cũng 3 năm tổ chức một lần, kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ 15-3-âl. Lễ hội đền Vưu ở Thọ Vinh (Quỳnh Vinh) thờ Lý Nhật Quang, người có công lớn trong việc kinh dinh đất Nghệ An. Lễ hội này cũng diễn ra trong 3 ngày, từ 20 đến 22 tháng giêng. Ở Phú Nghĩa Thượng và Hạ, ngoài trò Lề, hàng năm còn có lễ hội 2 đền chính thờ Tứ Vị Thánh Nương vào các ngày 15, 16, 17 tháng Giêng.
Rồi Lễ hội đền Xuân Úc (Quỳnh Liên) thờ Đặng Tế, một tướng đời Lý, Lễ hội đền Cả ở Quỳnh Tụ thờ Bố Cái Đại Vương và các lễ hội ở đền Hữu Lập (Quỳnh Lập), đền Dị Nâu (Quỳnh Dị), đền Thượng Yên (Quỳnh Yên), đền Văn Thai (Sơn Hải)...
Các lễ hội ấy ngoài trò chơi, còn có trò diễn. Nhiều làng ở Quỳnh Lưu có phường trò, gánh trò như: Long Bái, Thanh Đàn, Phú Mĩ, Tiến Đội, Thọ Vinh, Quý Vinh, Đông Hồi, Hải Lộ, Phương Cần, Nhân Sơn,... Có trên 30 làng có phường trò, gánh trò, song nổi nhất là phường Bèo Hậu (Quỳnh Hậu). Phường trò Bèo Hậu thường trình diễn các vở: Sơn Hậu, Hồi Cổ Thành, Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Vợ Ba Đề Thám,... Ca dao có câu:
Nghe tin Bèo Hậu lắm trò,
Trong Si, Yên Lý bán bò đi xem
Quỳnh Lưu trước kia như thế đấy!
Là một cái vụng biển nhỏ có di chỉ văn hóa Quỳnh Văn. Cái vịnh ấy dần dần bồi đắp, trở thành làng mạc trù mật, với ba vùng: sơn cước, đồng bằng và sông biển. Ngoài nông nghiệp, nhân dân sống bằng nghề đánh cá, buôn bán và nhiều nghề khác.
Trên đất Quỳnh Lưu có nhiều dấu vết lịch sử, có nhiều đền, miếu,... thờ các nhân vật lịch sử, các thần đã từng khai canh, phù hộ cho dân làng ăn nên làm ra trong đó có Tứ Vị Thánh Nương cùng các lễ hội hoành tráng, dài ngày, trong đó có các trò diễn, trò vui.
Các lễ hội ở Quỳnh Lưu, không chỉ Lễ hội đền Cờn mà nhiều lễ hội văn hóa biển. Song trước đây đối với biển và văn hóa biển, trong các lễ hội, nhân dân mới thờ cúng các bậc thần biển như Đức Ông Sông Nước, Hà Bá Đại Vương, Đế Thích Hải Long Vương, Nam Hải Đại Vương, Quảng Lợi Đại Vương, Sát Hải Đại Vương, Cá Voi, nhất là Tứ Vị Thánh Nương... với nguyện cầu được che chở, được phù hộ để mưa thuận gió hòa, không bão tố bất ngờ, ra khơi đánh được nhiều cá, con thuyền ra khơi trở về bình yên.
Cán bộ và nhân dân Quỳnh Lưu chưa biết khai thác những kiến trúc tôn giáo, kiến trúc tín ngưỡng với những cảnh quan trên bờ, ven biển kết hợp với biển, với nghề đi biển và các tiềm năng vốn có để xây dựng văn hóa du lịch biển và các đảo ngoài biển.
Cán bộ và nhân dân Quỳnh Lưu cũng chưa nghĩ đến những làng cổ ven biển, nhiều làng trù phú, không chỉ có nghề đánh cá mà còn có nhiều nghề thủ công khác như thợ mộc làm nhà, đóng thuyền, thợ xây, thợ vẽ, thợ làm pháo hoa,... cùng với nhiều món ăn ngon miệng từ đặc sản biển, để đầu tư xây dựng thành những làng du lịch.
Cán bộ và nhân dân Quỳnh Lưu cũng chưa thật nghĩ đến việc quảng bá các lễ hội vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa nghề nghiệp, nhất là các lễ hội về biển mà có lễ hội kéo dài cả tháng trời để mở rộng, tôn vinh thật hoành tráng, uy nghiêm mà cũng thật vui vẻ để hấp dẫn nhiều khách thập phương, hấp dẫn khách tham quan. Muốn thế phải đầu tư xây dựng tôn tạo đền chùa, đường đi lối lại và nhà nghỉ. Phải dựa vào văn hóa mà nuôi văn hóa, không chỉ có khai thác văn hóa.
Trước đây nhân dân miền biển Quỳnh Lưu, nhiều người bằng con thuyền mành đã vượt biển nhiều ngày chở mắm các loại và nước mắm đến các thành thị ngoài Bắc trong Nam. Đó là những con thuyền buôn đồng thời là những con thuyền văn hóa. Những con thuyền ấy đã chở văn hóa Quỳnh Lưu theo con đường biển cả tới nhiều phương trời rồi từ các phương trời ấy người Quỳnh Lưu đã tiếp cận văn hóa vừa mua hàng hóa ở thành thị về bán kiếm lời, vừa học hỏi kinh nghiệm làm ăn, học hỏi nghề mới, học hỏi cách ứng xử văn minh, để làm giàu nhiều mặt cho Quỳnh Lưu.
Ngày nay tại sao Quỳnh Lưu không nghĩ đến những con thuyền đó, con thuyền mành, thuyền giã ấy và với nhiều con tàu nữa, bằng phương tiện và kỹ thuật hiện đại có thể đánh cá xa bờ dài ngày, được nhiều cá hơn; đồng thời cũng mở rộng du lịch biển bằng những con thuyền con tàu tối tân hơn, có nhiều tiện nghi hơn để hấp dẫn khách tham quan, khách du lịch hơn.
Nhưng trước hết người Quỳnh Lưu phải học, học về địa lý, lịch sử huyện mình, học về biển, cảnh quan biển, tiềm năng biển, học về các đền, miếu, chùa, đình,... với những nhân vật được thờ ở quê mình để bảo vệ và tôn tạo rồi với học vấn và trí tuệ của mình, tiếp cận văn hóa 5 châu, mới có thể xây dựng một nền văn hóa biển, một chiến lược về biển, để bảo vệ lãnh hải Việt Nam và điều khiển những con tàu vượt sóng, tung hoành trên 4 biển 5 châu của đất nước này.
Lễ hội đền Cờn với ý nghĩa chính là lễ hội sông nước, lễ hội cầu ngư đã mách bảo chúng ta điều đó. Tứ Vị Thánh Nương ngự trên những con thuyền đi du xuân trong ngày 1 tháng Giêng cũng mách bảo chúng ta điều đó, mách bảo chúng ta phải xây dựng một nền văn hóa biển, tổ chức du lịch sông nước, du lịch biển cả.
Tháng 5 năm 2009
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560395

Hôm nay

268

Hôm qua

2347

Tuần này

21713

Tháng này

227938

Tháng qua

122920

Tất cả

114560395