Những góc nhìn Văn hoá

Cao trào tiên tri*(Kỳ 8)

 

 CHƯƠNG 18: SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI                    
 
I
 
Chủ nghĩa lịch sử kinh tế là phương pháp được Marx áp dụng cho một phân tích về những thay đổi sắp xảy ra trong xã hội của chúng ta.

Theo Marx, mỗi hệ thống xã hội cá biệt phải tiêu huỷ chính mình, đơn giản bởi vì nó phải tạo ra các lực lượng sản sinh ra thời kì lịch sử tiếp theo. Một phân tích đủ sâu sắc về hệ thống phong kiến, được thực hiện không lâu trước cách mạng công nghiệp, có thể đã dẫn đến phát hiện ra các lực sẽ phá huỷ chủ nghĩa phong kiến, và đến dự đoán về các đặc trưng quan trọng nhất của thời kì sắp tới, chủ nghĩa tư bản. Tương tự, một phân tích về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có thể cho phép chúng ta khám phá ra các lực hoạt động để phá huỷ nó, và để dự đoán các đặc trưng quan trọng nhất của thời kì lịch sử bày ra trước chúng ta. Vì chắc chắn không có lí do nào để tin rằng chủ nghĩa tư bản, một trong tất cả các hệ thống xã hội, sẽ kéo dài mãi mãi. Ngược lại, các điều kiện sản xuất, và với chúng, cách sống của con người, đã chẳng bao giờ thay đổi nhanh đến vậy như dưới chủ nghĩa tư bản. Bằng làm thay đổi các nền tảng riêng của nó theo cách này, chủ nghĩa tư bản nhất định biến đổi chính mình, và tạo ra một thời kì mới trong lịch sử nhân loại.

Theo phương pháp của Marx, mà các nguyên lí của nó được thảo luận ở trên, các lực cơ bản hay bản chất1 sẽ thủ tiêu hay biến đổi chủ nghĩa tư bản phải được tìm trong sự tiến hoá của tư liệu sản xuất vật chất. Một khi các lực cơ bản đã được khám phá ra, là có thể để tìm dấu vết ảnh hưởng của chúng lên các quan hệ xã hội giữa các giai cấp cũng như lên các hệ thống pháp lí và chính trị.
Việc phân tích các lực kinh tế cơ bản và các xu hướng lịch sử tự huỷ hoại của thời kì mà ông gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’ được Marx tiến hành trong Tư bản, công trình vĩ đại của đời ông. Giai đoạn lịch sử và hệ thống kinh tế mà ông đề cập đến là hệ thống của Châu Âu và đặc biệt của Anh, từ khoảng giữa thế kỉ mười tám đến 1867 (năm Tư bản được xuất bản lần đầu). ‘Mục tiêu cuối cùng của công trình này’, như Marx giải thích trong lời nói đầu của ông2, là ‘bóc trần qui luật kinh tế về vận động của xã hội hiện đại’, nhằm để tiên tri số phận của nó. Một mục tiêu thứ hai3 là bác bỏ những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản, các nhà kinh tế những người trình bày các qui luật về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cứ như chúng là các qui luật không lay chuyển được của tự nhiên, như Burke tuyên bố: ‘Các luật thương mại là các luật tự nhiên, và vì thế là các luật của Thượng đế’. Marx tương phản các luật được cho là không lay chuyển được này với các qui luật mà ông chủ trương là các qui luật không lay chuyển được duy nhất của xã hội, cụ thể là, các qui luật phát triển của nó; và ông thử chứng minh rằng cái mà các nhà kinh tế tuyên bố là các qui luật vĩnh viễn và không thể thay đổi được thực ra chỉ là những sự đều đặn tạm thời, buộc phải bị tiêu diệt cùng với bản thân chủ nghĩa tư bản.
Tiên tri lịch sử của Marx có thể được mô tả như một lí lẽ chặt chẽ. Nhưng Tư bản chỉ thảo luận tỉ mỉ cái tôi sẽ gọi là ‘bước đầu tiên’ của lí lẽ này, phân tích các lực cơ bản của chủ nghĩa tư bản và ảnh hưởng của chúng lên các quan hệ giai cấp. ‘Bước thứ hai’, dẫn đến kết luận rằng cách mạng xã hội là không thể tránh khỏi, và ‘bước thứ ba’, dẫn đến dự đoán sự nổi lên của một xã hội phi giai cấp, tức là xã hội chủ nghĩa, chỉ được phác hoạ. Trong chương này, đầu tiên tôi sẽ giải thích rõ hơn cái tôi gọi là ba bước của lí lẽ Marxist, và sau đó thảo luận chi tiết bước thứ ba. Trong hai chương tiếp theo, tôi sẽ thảo luận bước thứ hai và bước thứ nhất. Đảo ngược thứ tự của các bước theo cách này hoá ra là hay nhất cho một thảo luận phê phán chi tiết; và ưu điểm nằm ở sự thực là khi đó sẽ dễ hơn để giả sử tính đúng đắn của các tiền đề của mỗi bước trong lí lẽ mà không có định kiến, và để tập trung hoàn toàn vào câu hỏi liệu kết luận đạt được ở bước cụ thể này có suy ra được từ các tiền đề của nó hay không. Đây là ba bước.
Trong bước thứ nhất của lí lẽ của mình, Marx phân tích phương pháp sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ông thấy rằng có một xu hướng tiến tới một sự gia tăng về năng suất lao động gắn với những cải thiện kĩ thuật cũng như với cái ông gọi là sự tích tụ gia tăng của tư liệu sản xuất. Xuất phát từ đây, lí lẽ dẫn ông đến kết luận rằng trong lĩnh vực các quan hệ giữa các giai cấp xu hướng này phải dẫn đến sự tích tụ nhiều và nhiều của cải hơn vào tay càng ngày càng ít người hơn; thức là, kết luận được rút ra là sẽ có một xu hướng tiến đến một sự gia tăng của sự giàu có và sự bần cùng; của sự giàu có trong giai cấp thống trị, giai cấp tư sản, và của sự bần cùng trong giai cấp bị trị, giai cấp công nhân. Bước này được đề cập ở chương 20 (‘Chủ nghĩa Tư bản và Số phận của nó’).
Trong bước thứ hai của lí lẽ, kết quả của bước thứ nhất được coi là dĩ nhiên như vậy. Từ đó, hai kết luận được rút ra; thứ nhất, mọi giai cấp trừ một giai cấp tư sản nhỏ bé thống trị và một giai cấp lao động to lớn bị bóc lột, nhất định phải biến mất, hoặc trở thành không đáng kể; thứ hai, sự căng thẳng gia tăng giữa hai giai cấp này phải dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội. Bước này sẽ được phân tích trong chương 19 (‘Cách mạng Xã hội’).
Trong bước thứ ba của lí lẽ, các kết luận của bước thứ hai đến lượt chúng được coi là dĩ nhiên; và kết luận cuối cùng được rút ra là, sau chiến thắng của những công nhân trên giai cấp tư sản, sẽ có một xã hội bao gồm chỉ một giai cấp, và, vì thế, là một xã hội phi giai cấp, một xã hội không có bóc lột; tức là, chủ nghĩa xã hội.
 
II
 
Bây giờ tôi tiến hành thảo luận bước thứ ba, lời tiên tri cuối cùng về sự ra đời của chủ nghĩa xã hội.
Các tiền đề chính của bước này, sẽ được phê phán trong chương tiếp theo nhưng ở đây hãy cứ coi là như vậy, chúng là: sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dẫn đến sự loại bỏ tất cả các giai cấp trừ hai giai cấp, một giai cấp tư sản nhỏ và một giai cấp vô sản khổng lồ; và sự gia tăng nghèo khổ buộc giai cấp sau nổi dậy chống lại những kẻ bóc lột họ. Các kết luận là, thứ nhất, công nhân phải thắng cuộc đấu tranh, thứ hai, bằng loại bỏ giai cấp tư sản, họ thiết lập một xã hội phi giai cấp, vì chỉ còn lại một giai cấp.
Bây giờ tôi sẵn sàng thừa nhận rằng kết luận thứ nhất được suy ra từ các tiền đề (cùng với vài tiền đề không quan trọng mà chúng ta không cần nghi vấn). Không chỉ số lượng của giai cấp tư sản là nhỏ, mà sự tồn tại vật chất của nó, ‘sự trao đổi chất’ của nó, phụ thuộc vào giai cấp vô sản. Kẻ bóc lột, kẻ ăn không ngồi rồi, sẽ chết đói nếu không có người bị bóc lột; trong mọi trường hợp nếu nó tiêu diệt người bị bóc lột thì nó kết liễu sự nghiệp riêng của nó với tư cách một kẻ ăn không ngồi rồi. Như thế nó không thể thắng; giỏi nhất, nó có thể kéo dài cuộc đấu tranh. Người lao động, mặt khác, về mặt sinh tồn vật chất lại không phụ thuộc vào kẻ bóc lột mình; một khi người lao động nổi dậy, một khi anh ta đã quyết định thách thức trật tự hiện tồn, kẻ bóc lột không còn có chức năng thực chất nào. Công nhân có thể tiêu diệt kẻ thù giai cấp của mình mà không gây nguy hiểm cho sự tồn tại riêng của anh ta. Do đó, chỉ có một kết quả khả dĩ. Giai cấp tư sản sẽ biến mất.
Nhưng có suy ra kết luận thứ hai? Có đúng là chiến thắng của những người lao động phải dẫn đến một xã hội phi giai cấp? Tôi không nghĩ như vậy. Từ sự thực rằng trong hai giai cấp chỉ còn lại một, không thể suy ra rằng sẽ có một xã hội phi giai cấp. Các giai cấp không giống các cá nhân, cho dù chúng ta thừa nhận rằng chúng ứng xử gần giống hai cá nhân chừng nào có hai giai cấp đối địch nhau trong cuộc đấu tranh. Sự thống nhất hay sự đoàn kết của một giai cấp, theo phân tích riêng của Marx, là một phần của ý thức giai cấp4 của họ, cái đến lượt nó lại chủ yếu là một kết quả của đấu tranh giai cấp. Chẳng có lí do trần tục nào vì sao các cá nhân tạo thành giai cấp vô sản lại vẫn có sự thống nhất của họ một khi áp lực của cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù giai cấp chung đã hết. Bất cứ xung đột tiềm tàng nào về các lợi ích chắc sẽ chia giai cấp vô sản được thống nhất trước kia thành các giai cấp mới, và tiến triển thành một cuộc đấu tranh giai cấp mới. (Các nguyên lí của phép biện chứng gợi ý rằng một phản đề mới, một sự đối kháng giai cấp mới, phải nhanh chóng nảy nở. Thế nhưng, tất nhiên, phép biện chứng là đủ mập mờ và có thể thích nghi để giải thích bất cứ thứ gì, và như thế cả một xã hội phi giai cấp nữa, như một hợp đề [synthesis] cần thiết một cách biện chứng của một sự phát triển phản đề5).
Sự phát triển có khả năng nhất, tất nhiên, là những người thực sự nắm quyền ở thời điểm chiến thắng – các lãnh tụ cách mạng những người đã sống sót qua cuộc đấu tranh vì quyền lực và các cuộc thanh trừng khác nhau, cùng với các nhân viên của họ - sẽ tạo thành một Giai cấp Mới: giai cấp cai trị của xã hội mới, một loại tầng lớp quí tộc hay quan liêu mới6; và chắc có khả năng nhất là họ sẽ cố che giấu sự thực này. Việc này họ có thể làm, tiện lợi nhất, bằng cách giữ lại càng nhiều hệ tư tưởng cách mạng càng tốt, lợi dụng các tình cảm này thay cho phí thời gian của họ trong các nỗ lực để phá huỷ chúng (phù hợp với lời khuyên của Pareto cho mọi nhà cai trị). Và dường như khá chắc là họ sẽ có khả năng sử dụng đầy đủ nhất hệ tư tưởng cách mạng nếu đồng thời họ lợi dụng nỗi sợ hãi các diễn tiến phản-cách mạng. Bằng cách này, hệ tư tưởng cách mạng sẽ phụng sự họ cho các mục đích biện hộ: nó sẽ phụng sự họ cả như một sự chứng minh việc sử dụng quyền lực của họ là đúng, và như một phương tiện để ổn định nó; tóm lại, như một loại ‘thuốc phiện’ mới ‘cho nhân dân’.
Những cái gì đó thuộc loại này là các sự kiện mà, căn cứ vào các tiền đề riêng của Marx, rất có thể xảy ra. Thế nhưng không phải là nhiệm vụ của tôi ở đây để đưa ra các lời tiên tri lịch sử (hay diễn giải lịch sử quá khứ của nhiều cuộc cách mạng). Tôi chỉ muốn chứng tỏ rằng kết luận của Marx, lời tiên tri về sự ra đời của một xã hội phi giai cấp, không được suy ra từ các tiền đề. Bước thứ ba của lí lẽ của Marx phải được tuyên bố là không đi đến kết luận.
Tôi không xác nhận nhiều hơn thế. Đặc biệt hơn, tôi không nghĩ là có thể tiên tri rằng chủ nghĩa xã hội sẽ không đến, hay nói rằng các tiền đề của lí lẽ làm cho việc đưa chủ nghĩa xã hội vào là rất không chắc xảy ra. Có thể xảy ra, thí dụ, là cuộc đấu tranh kéo dài và sự hăng hái chiến thắng có thể góp phần làm cho một cảm giác đoàn kết đủ mạnh để tiếp tục cho đến khi các luật ngăn cản sự bóc lột và lạm dụng quyền lực được thiết lập. (Sự thiết lập các thể chế cho việc kiểm soát dân chủ đối với các nhà cai trị chỉ đảm bảo loại bỏ bóc lột). Cơ hội để xây dựng một xã hội như vậy, theo tôi, phụ thuộc rất lớn vào sự hiến dâng của những người lao động cho các tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và quyền tự do, trái với các lợi ích trước mắt của giai cấp của họ. Đây là các vấn đề không thể đoán trước một cách dễ dàng; tất cả cái có thể nói một cách chắc chắn là cuộc đấu tranh như vậy không luôn tạo ra sự đoàn kết lâu dài giữa những người bị áp bức. Có các thí dụ về sự đoàn kết như vậy và sự hiến dâng lớn lao cho sự nghiệp chung; nhưng cũng có các thí dụ về các nhóm người lao động những người theo đuổi lợi ích riêng của nhóm ngay cả khi nó mâu thuẫn công khai với lợi ích của những người lao động khác, và với tư tưởng về sự đoàn kết của người bị áp bức. Sự bóc lột không nhất thiết mất đi với giai cấp tư sản, vì rất có thể là các nhóm người lao động có thể nhận được các đặc quyền chẳng khác gì một sự bóc lột các nhóm ít may mắn hơn.7
Chúng ta thấy rằng một loạt các diễn tiến lịch sử khả dĩ có thể xảy ra sau cách mạng vô sản thắng lợi. Chắc chắn có quá nhiều khả năng để áp dụng phương pháp về tiên tri lịch sử. Và đặc biệt phải nhấn mạnh rằng sẽ là phi khoa học nhất đi nhắm mắt trước một số khả năng vì chúng ta không thích chúng. Mơ tưởng dường như là một thứ không thể tránh được. Nhưng không được hiểu lầm nó với tư duy khoa học. Và chúng ta cũng phải nhận ra rằng tiên tri được cho là khoa học cung cấp một dạng trốn thoát cho một số rất đông người. Nó cho một sự trốn thoát khỏi các nghĩa vụ hiện thời của chúng ta vào một thiên đường tương lai; và nó cho sự bổ sung phù hợp của thiên đường này bằng quá nhấn mạnh sự bất lực của cá nhân đứng trước cái được nó mô tả như các lực lượng kinh tế áp đảo và điên cuồng của thời điểm hiện tại.
 
 
 
 
III
 
Nếu bây giờ chúng ta xem kĩ hơn một chút các lực lượng này, và xem hệ thống kinh tế hiện tại của chúng ta, thì ta có thể thấy rằng phê phán lí thuyết của chúng ta được kinh nghiệm xác minh. Nhưng chúng ta phải tự đề phòng kinh nghiệm diễn giải sai dưới ánh sáng của định kiến Marxist rằng ‘chủ nghĩa xã hội’ hay ‘chủ nghĩa cộng sản’ là lựa chọn khả dĩ duy nhất và là chế độ kế vị khả dĩ duy nhất đối với ‘chủ nghĩa tư bản’. Marx đã không và bất cứ ai khác cũng đã không bao giờ chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội, theo nghĩa của một xã hội phi giai cấp, của ‘một hiệp hội trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là cái đảm bảo cho sự phát triển tự do cho mọi người’8, là lựa chọn khả dĩ duy nhất đối với sự bóc lột tàn nhẫn của hệ thống kinh tế mà ông mô tả đầu tiên một trăm năm trước (năm 1845), và ông đã cho nó cái tên ‘chủ nghĩa tư bản’9. Và quả thực, nếu bất cứ ai thử chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội là chế độ kế tiếp khả dĩ duy nhất đối với ‘chủ nghĩa tư bản’ vô độ của Marx, thì chúng ta đơn giản có thể bác bỏ ông ta bằng chỉ ra các sự thực lịch sử. Vì laissez-faire đã biến mất khỏi mặt đất, nhưng nó không được thay bằng một hệ thống xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa như Marx hiểu. Chỉ có ở nước Nga chiếm một phần sáu thế giới chúng ta thấy một hệ thống kinh tế nơi, phù hợp với tiên tri của Marx, tư liệu sản xuất do nhà nước sở hữu, tuy vậy sức mạnh chính trị của nó, ngược với tiên tri của Marx, không cho thấy khuynh hướng nào để teo đi. Nhưng trên toàn thế giới, quyền lực chính trị được tổ chức đã bắt đầu thực hiện các chức năng kinh tế sâu rộng. Chủ nghĩa tư bản vô độ đã nhường đường cho một thời kì lịch sử mới, cho thời đại riêng của chúng ta của chủ nghĩa can thiệp chính trị, của sự can thiệp kinh tế của nhà nước. Chủ nghĩa can thiệp có nhiều dạng khác nhau. Có biến thể Nga; có dạng phát xít của chủ nghĩa toàn trị; và có chủ nghĩa can thiệp dân chủ của nước Anh, của Hoa Kì, và của ‘các Nền Dân chủ Nhỏ hơn’, do Thuỵ Điển10 dẫn đầu, nơi công nghệ can thiệp dân chủ đã đạt trình độ cao nhất cho đến nay. Sự phát triển dẫn đến sự can thiệp này đã bắt đầu từ những ngày của Marx, với pháp chế nhà máy của Anh. Nó đưa ra những sự cải tiến quyết định đầu tiên với việc qui định 48 giờ làm một tuần, và muộn hơn với qui định bảo hiểm thất nghiệp và các dạng bảo hiểm xã hội khác. Cực kì vô lí đến thế nào đi đồng nhất hệ thống kinh tế của các nền dân chủ hiện đại với hệ thống mà Marx gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’ có thể thấy chỉ thoáng nhìn qua, bằng so sánh nó với cương lĩnh 10 điểm của ông cho cách mạng cộng sản. Nếu chúng ta bỏ qua các điểm không mấy quan trọng của cương lĩnh này (thí dụ, ‘4. Tịch thu tài sản của tất cả di dân và những kẻ phiến loạn’), thì chúng ta có thể nói rằng trong các nền dân chủ hầu hết các điểm này đã được đưa vào thực tiễn, hoặc hoàn toàn, hoặc ở mức đáng kể; và với chúng, rất nhiều bước quan trọng hơn, mà Marx đã chẳng bao giờ nghĩ đến, đã được tiến hành theo hướng an sinh xã hội. Tôi chỉ nhắc đến các điểm sau trong cương lĩnh của ông: 2. Thuế thu nhập nặng luỹ tiến hay tăng dần lên. (Đã hoàn thành). 3. Xoá bỏ mọi quyền thừa kế. (Phần lớn đã được thực hiện bằng thuế nặng lúc chết. Liệu nhiều hơn sẽ có đáng mong muốn hay không chí ít là đáng ngờ). 6. Nhà nước kiểm soát tập trung các phương tiện liên lạc và giao thông. (Vì các lí do quân sự điều này đã được thực hiện ở Trung Âu trước chiến tranh 1914, mà không có các kết quả rất ích lợi. Nó cũng được hầu hết các nền Dân chủ Nhỏ hơn thực hiện). 7. Tăng số lượng và qui mô của các nhà máy và tư liệu sản xuất do nhà nước sở hữu .. (Được thực hiện ở các nền Dân chủ Nhỏ hơn; liệu điều này luôn rất có lợi là đáng nghi ngờ). 10. Giáo dục không mất tiền cho tất cả trẻ em trong các trường công (tức là của nhà nước). Huỷ bỏ lao động trẻ em trong nhà máy ở dạng hiện nay của nó .. (Yêu sách đầu đã hoàn thành ở các nền Dân chủ Nhỏ hơn, và ở mức độ nào đó hầu như ở khắp nơi; yêu sách thứ hai đã được vượt quá).
Một số điểm trong cương lĩnh của Marx11 (thí dụ: ‘1. Xoá bỏ mọi quyền sở hữu về đất’) đã không được thực hiện trong các nước dân chủ. Đây là lí do vì sao các nhà Marxist đã đúng khi cho rằng các nước này đã không thiết lập ‘chủ nghĩa xã hội’. Nhưng nếu họ suy ra từ điều này rằng các nước này vẫn là ‘tư bản chủ nghĩa’ theo nghĩa của Marx, thì họ chỉ chứng tỏ đặc tính giáo điều của điều giả định trước của họ rằng không có lựa chọn khả dĩ nào thêm. Điều này cho thấy ánh sáng chói loà của một hệ thống được tưởng tượng có thể làm mù quáng đến thế nào. Chủ nghĩa Marx không chỉ là một người hướng dẫn tồi cho tương lai, nó cũng làm cho các môn đồ của nó không có khả năng thấy cái đang xảy ra chính trước mắt họ, trong thời kì lịch sử của chính họ, và đôi khi với sự hợp tác của chính họ.
 
IV
 
Nhưng có thể hỏi liệu phê phán này có chứng tỏ theo bất cứ cách nào chống lại phương pháp tiên tri lịch sử qui mô lớn như nó vốn là. Chúng ta có thể không, về nguyên tắc, củng cố các tiền đề của lí lẽ tiên tri cho đến mức nhận được một kết luận đúng đắn? Tất nhiên chúng ta có thể làm điều này. Luôn luôn có thể nhận được bất cứ kết luận nào chúng ta thích nếu chúng ta làm cho các tiền đề đủ mạnh. Nhưng tình hình là, đối với gần như mọi tiên tri lịch sử qui mô lớn, chúng ta sẽ phải đưa ra các giả thiết liên quan đến các nhân tố đạo đức và nhân tố khác thuộc loại mà Marx gọi là ‘thuộc ý thức hệ’ với tư cách các nhân tố vượt quá khả năng của chúng ta để qui về các nhân tố kinh tế. Nhưng Marx có thể là người đầu tiên đi thừa nhận rằng điều này sẽ là một hành động rất phi khoa học. Toàn bộ phương pháp tiên tri của ông phụ thuộc vào giả thiết rằng các ảnh hưởng ý thức hệ không cần được coi là các yếu tố độc lập và không thể dự đoán được, mà rằng chúng có thể được qui về, và phụ thuộc vào, các điều kiện kinh tế có thể quan sát được, và vì thế có thể đoán trước được.
Đôi khi được thừa nhận thậm chí bởi các nhà Marxist không chính thống nào đó rằng sự ra đời của chủ nghĩa xã hội không chỉ là vấn đề của diễn tiến lịch sử; tuyên bố của Marx rằng ‘chúng ta có thể rút ngắn và làm bớt các cơn đau đẻ’ của chủ nghĩa xã hội đang đến là đủ mơ hồ để được diễn giải như tuyên bố rằng một chính sách sai lầm có thể làm trễ sự ra đời của chủ nghĩa xã hội thậm chí hàng thế kỉ, như so sánh với chính sách thích hợp có thể rút ngắn thời gian phát triển xuống tối thiểu. Diễn giải này làm cho là có thể thậm chí đối với các nhà Marxist để thừa nhận rằng sẽ chủ yếu phụ thuộc vào chúng ta liệu kết quả của một cuộc cách mạng sẽ là một xã hội xã hội chủ nghĩa hay không; tức là, sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu của chúng ta, vào sự tận tâm và tính thành thật của chúng ta, và vào sự thông minh của chúng ta, nói cách khác, vào các nhân tố đạo đức hay ‘ý thức hệ’. Lời tiên tri của Marx, họ có thể nói thêm, là một nguồn động viên đạo đức to lớn, và vì thế nó chắc sẽ thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Cái Marx thực sự thử chứng tỏ là chỉ có hai khả năng: một thế giới khủng khiếp sẽ tiếp tục mãi mãi, hoặc một thế giới tốt hơn cuối cùng sẽ nổi lên; và hầu như không đáng để chờ đợi lựa chọn thứ nhất một cách nghiêm túc. Vì thế tiên tri của Marx được biện hộ hoàn toàn. Vì con người càng hiểu rõ ràng là họ có thể đạt được sự lựa chọn thứ hai, họ càng chắc chắn sẽ lấy một bước nhảy quyết định từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; nhưng một lời tiên tri rõ ràng hơn không thể được đưa ra.
Đây là một lí lẽ thừa nhận ảnh hưởng của các nhân tố đạo đức và ý thức hệ bất khả qui lên diễn tiến lịch sử, và với nó, tính không thể sử dụng được của phương pháp Marxist. Liên quan đến phần lí lẽ thử bảo vệ chủ nghĩa Marx, chúng ta phải nhắc lại rằng không ai đã từng chứng minh rằng chỉ có hai khả năng, ‘chủ nghĩa tư bản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng chúng ta không nên phí thời gian để dự tính sự tiếp tục mãi mãi của một thế giới rất không vừa ý. Nhưng lựa chọn khả dĩ khác không nhất thiết là đi dự tính sự ra đời được tiên tri của một thế giới tốt hơn, hay đi giúp sự ra đời của nó bằng tuyên truyền và các phương tiện phi lí khác, có lẽ thậm chí bằng vũ lực. Nó có thể là, thí dụ, sự phát triển của một công nghệ cho sự cải thiện trực tiếp của thế giới chúng ta đang sống, sự phát triển của một phương pháp cho kĩ thuật cải biến xã hội từng phần, cho can thiệp dân chủ12. Các nhà Marxist tất nhiên tranh luận rằng loại can thiệp này là không thể làm được vì lịch sử không thể được làm cho phù hợp với các kế hoạch duy lí để cải thiện thế giới. Nhưng lí thuyết này có các hệ quả rất lạ kì. Vì nếu các thứ không thể được cải thiện bằng sử dụng lí trí, thì sẽ quả thực là một phép mầu lịch sử hay chính trị nếu các quyền lực phi lí của lịch sử tự chúng tạo ra một thế giới tốt hơn và hợp lí hơn13.
Như thế chúng ta bị quăng lại với lập trường rằng các nhân tố đạo đức và ý thức hệ khác, những cái không nằm trong phạm vi của tiên tri khoa học, lại có ảnh hưởng sâu rộng lên tiến trình lịch sử. Một trong những nhân tố không đoán trước được này đúng là tác động của công nghệ xã hội và của sự can thiệp chính trị vào các vấn đề kinh tế. Nhà công nghệ xã hội và kĩ sư từng phần có thể lập kế hoạch xây dựng các thể chế mới, hoặc biến đổi các định chế cũ; họ thậm chí có thể lập kế hoạch cách thức và các phương tiện mang lại những thay đổi này; nhưng ‘lịch sử’ không trở nên có thể dự đoán được hơn bằng việc làm như vậy của họ. Vì họ không lên kế hoạch cho toàn bộ xã hội, họ cũng không biết liệu các kế hoạch của họ sẽ được thực hiện; thực ra, chúng sẽ hầu như không bao giờ được thực hiện mà không có sửa đổi lớn, một phần vì kinh nghiệm của ta tăng lên trong khi xây dựng, một phần vì chúng ta phải thoả hiệp14. Như thế Marx hoàn toàn đúng khi ông nhấn mạnh rằng ‘lịch sử’ không thể được lập kế hoạch trên giấy. Nhưng các thể chế có thể được lập kế hoạch; và chúng được lập kế hoạch. Chỉ bằng kế hoạch hoá15, từng bước một, cho các thể chế để bảo vệ quyền tự do, đặc biệt quyền tự do khỏi bị bóc lột, chúng ta mới có thể hi vọng đạt được một thế giới tốt đẹp hơn.
 
V
 
Để cho thấy tầm quan trọng chính trị thực tiễn của lí thuyết lịch sử chủ nghĩa của Marx, tôi có ý định minh hoạ ở mỗi trong ba chương đề cập đến ba bước của lí lẽ tiên tri của ông bằng vài nhận xét về các tác động của lời tiên tri lịch sử của ông lên lịch sử mới đây của Châu Âu. Vì các tác động này là sâu rộng, bởi vì ảnh hưởng do hai đảng Marxist lớn, những người Cộng sản và các nhà Dân chủ Xã hội, gây ra ở Trung và Đông Âu.
Cả hai đảng này đã hoàn toàn không được chuẩn bị cho một nhiệm vụ biến đổi xã hội như vậy. Những người Cộng sản Nga, thấy mình là những người đầu tiên trong tầm với đến quyền lực, đã tiến lên, hoàn toàn không ý thức được về các vấn đề nghiêm trọng và mức độ to lớn của những hi sinh cũng như đau khổ nằm ở phía trước, Những người Dân chủ Xã hội của Đông Âu, mà cơ hội của họ đến muộn hơn một chút, đã chùn bước nhiều năm trước các trách nhiệm mà những người Cộng sản đã đảm trách một cách sẵn sàng đến như vậy. Họ đã nghi ngờ, có lẽ một cách đúng đắn, liệu có nhân dân nào, trừ nhân dân Nga đã bị chế độ Sa Hoàng áp bức một cách man rợ nhất, có thể chịu đựng nổi những đau khổ và hi sinh mà cách mạng đòi hỏi ở họ, nội chiến, và một thời kì dài của các thử nghiệm đầu tiên thường không thành công, hay không. Hơn nữa, trong các năm nguy ngập từ 1918 đến 1926, kết quả của thử nghiệm Nga tỏ ra đối với họ là rất không chắc chắn. Và, quả thực, chắc chắn đã không có cơ sở nào để đánh giá triển vọng của nó. Có thể nói rằng sự chia rẽ giữa những người Cộng sản và những người Dân chủ Xã hội Trung Âu là sự chia rẽ giữa những người Marxist có một niềm tin phi lí vào thành công cuối cùng của thử nghiệm Nga, và những người Marxist đã hoài nghi nó một cách có lí hơn. Khi tôi nói ‘phi lí’ và ‘một cách có lí hơn’, tôi đánh giá họ theo chính tiêu chuẩn của chính họ, theo chủ nghĩa Marx; vì theo chủ nghĩa Marx, cách mạng vô sản sẽ phải là kết quả cuối cùng của công nghiệp hoá, chứ không phải ngược lại16; và nó phải xảy ra đầu tiên ở các nước công nghiệp hoá cao, và chỉ muộn hơn nhiều ở Nga17.
Nhận xét này, tuy vậy, không có ý định như một sự bảo vệ cho các lãnh tụ18 Dân chủ Xã hội mà chính sách của họ được quyết định hoàn toàn bởi lời tiên tri Marxist, bởi niềm tin ngấm ngầm của họ rằng chủ nghĩa xã hội phải đến. Nhưng lòng tin này thường được kết hợp, ở các lãnh tụ, với một chủ nghĩa hoài nghi tuyệt vọng về các chức năng và nhiệm vụ trước mắt của chính họ, và cái nằm ngay phía trước19. Họ đã học từ chủ nghĩa Marx để tổ chức những người lao động, và truyền cảm hứng cho họ với một niềm tin thật tuyệt vời vào nhiệm vụ của họ, giải phóng loài người20. Nhưng họ đã không có khả năng chuẩn bị cho việc thực hiện các lời hứa của mình. Họ đã học kĩ các sách giáo khoa của họ, họ đã biết tất cả về ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’, và họ đã biết rằng việc chuẩn bị các công thức cho tương lai là Chủ nghĩa Không tưởng phi khoa học. Chẳng phải bản thân Marx đã nhạo báng một môn đồ của Comte người đã phê phán ông trong Revue Positiviste vì sự sao lãng các chương trình thực tiễn của ông? ‘Revue Positiviste buộc tội tôi’, Marx đã nói21 một cách khinh bỉ, ‘vì sự luận bàn siêu hình về kinh tế học, và hơn nữa – và bạn khó có thể đoán ra nó – vì tôi giới hạn mình chỉ ở một phân tích phê phán các sự kiện thực tế, thay cho kê các công thức (có lẽ các công thức Comtist?) cho nhà bếp trong đó tương lai được nấu’. Như thế các lãnh tụ Marxist đã biết kĩ hơn là đi phí thời gian của họ về các vấn đề công nghệ như vậy. ‘Lao động tất cả các nước liên hiệp lại!’ – là cái vét kiệt cương lĩnh thực tiễn của họ. Khi những người lao động của các nước của họ đã liên hiệp lại, khi đã có một cơ hội để lĩnh trách nhiệm của chính phủ và đặt nền móng cho một thế giới tốt đẹp hơn, khi giờ của họ đã điểm, họ bỏ mặc những người lao động bơ vơ. Các lãnh tụ không biết phải làm gì. Họ đợi sự tự vẫn đã được hứa của chủ nghĩa tư bản. Sau sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản, khi các sự việc đã đi đến hoàn toàn sai, khi mọi thứ tan rã và rủi ro mất uy tín và hổ thẹn đối với bản thân họ giảm đi đáng kể, thì họ hi vọng trở thành các vị cứu tinh của nhân loại. (Và, quả thực, chúng ta phải nhớ sự thực rằng thành công của những người Cộng sản ở Nga rõ ràng được làm cho khả dĩ, một phần, bởi các thứ kinh khủng đã xảy ra trước khi họ lên nắm quyền). Nhưng khi đại suy thoái, mà đầu tiên họ đã hoan nghênh như sự sụp đổ được hứa trước, trôi qua, họ bắt đầu nhận ra rằng những người lao động đã ngày càng mệt mỏi vì bị nhồi nhét và hứa hẹn lần lữa với những diễn giải lịch sử22; rằng đã không đủ đi bảo họ rằng theo chủ nghĩa xã hội khoa học không thể sai lầm của Marx thì chủ nghĩa phát xít rõ ràng là trạm cuối cùng của chủ nghĩa tư bản trước sự sụp đổ sắp xảy ra của nó. Quần chúng đau khổ cần thiều hơn thế. Dần dần các lãnh tụ bắt đầu nhận ra các hệ quả khủng khiếp của chính sách chờ đợi và hi vọng vào phép màu chính trị to lớn. Nhưng đã quá muộn. Cơ hội của họ đã trôi qua.
Các nhận xét này là rất sơ sài. Nhưng chúng cho chỉ báo nào đó về các hệ quả thực tiễn của lời tiên tri của Marx về sự ra đời của chủ nghĩa xã hội.
 
 (*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Người dịch: Nguyễn Quang A
 
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 18
 
1 Về bản chất luận của Marx, và sự thực rằng các phương tiện vật chất của sản xuất đóng vai trò bản chất trong lí thuyết của ông, so đặc biệt ct. 13 ở ch. 15. Xem cả ct. 6 ở ch. 17 và các ct. 20-24 ở ch. 20, và văn bản.
2 So Capital, 864 = H.o.M., 374, và các ct. 14 và 16 ở ch. 13.
3 Cái tôi gọi là mục tiêu thứ hai của Capital, mục tiêu chống-biện hộ, gồm một nhiệm vụ hơi có tính học thuật, ấy là, phê phán kinh tế học chính trị về mặt địa vị khoa học của nó. Chính nhiệm vụ này mà Marx ám chỉ cả ở nhan đề của tác phẩm báo trước Capital, tức là A Contribution to the Critique of Political Economy, lẫn ở nhan đề phụ của bản thân Capital, dịch theo nghĩa đen là Critique of Political Economy-Phê phán Kinh tế học Chính trị. Vì cả hai nhan đề này ám chỉ không lầm lẫn đến Phê phán Lí tính thuần tuý của Kant. Và nhan đề này, đến lượt nó, có ý nói: ‘Phê phán triết học thuần tuý hay siêu hình về mặt địa vị khoa học của nó’. (Điều này được biểu thị rõ ràng hơn bởi đầu đề của lời diễn giải của Phê phán của Kant, dịch gần theo nghĩa đen là: Lời nói đầu Cho Bất cứ Siêu hình học nào trong Tương lai Có thể Đòi Địa vị Khoa học một cách Chính đáng). Bằng ám chỉ đến Kant, Marx hiển nhiên muốn nói: ‘Hệt như Kant đã phê phán đòi hỏi của siêu hình học, phát hiện ra rằng nó không là khoa học mà chủ yếu là thần học biện hộ,cũng vậy tôi phê phán ở đây các đòi hỏi tương ứng của kinh tế học tư sản’. Rằng xu hướng chủ yếu của Phê phán của Kant, trong các giới của Marx, được coi là hướng chống lại thần học biện hộ, có thể được thấy từ sự trình bày nó trong Religion and Philosophy in Germany bởi H. Heine, bạn của Marx (so các ct. 15 và 16 ở ch. 15). Không phải không đáng quan tâm là, bất chấp sự giám sát của Engels, các dịch giả Anh đầu tiên của Capital đã dịch nhan đề phụ của nó là Một Phân tích Phê phán của Sản xuất Tư bản chủ nghĩa, như thế thay một nhấn mạnh đến cái tôi đã mô tả trong văn bản như mục tiêu đầu tiên của Marx cho một ám chỉ đến mục tiêu thứ hai của ông.
Marx trích Burke trong Capital, 843, note 1. Lời trích là từ E. Burke, Thoughts and Details on Scarcity, 1800, p. 31 f.
4 So các nhận xét của tôi về ý thức giai cấp gần cuối mục I, ở ch. 16.
Về sự tồn tại tiếp tục của sự thống nhất giai cấp sau khi chấm dứt đấu tranh giai cấp chống kẻ thù giai cấp, tôi nghĩ, là hầu như không phù hợp với các giả thiết của Marx, và đặc biệt với phép biện chứng của ông, để cho rằng ý thức giai cấp là một thứ có thể được tích luỹ và sau đó được lưu trữ, rằng nó có thể sống lâu hơn các lực đã tạo ra nó. Nhưng giả thiết thêm rằng nó tất yếu phải sống lâu hơn các lực này là trái với lí luận của Marx coi ý thức như cái gương hay như một sản phẩm của các thực tế xã hội khắc nghiệt. Thế mà, giả thiết thêm này phải được đưa ra bởi bất cứ ai tán thành cùng Marx rằng biện chứng lịch sử phải dẫn đến chủ nghĩa xã hội.
Đoạn tiếp theo là từ Tuyên ngôn C.S. (H.o.M., 46 f. = GA, Series I, vol. vi, 46) là đặc biệt lí thú trong ngữ cảnh này; nó chứa một tuyên bố rõ ràng, ý thức giai cấp của các công nhân là một hệ quả đơn thuần của ‘hoàn cảnh bắt buộc’, tức là áp lực của tình hình giai cấp; nhưng đồng thời nó chứa học thuyết bị phê phán ở văn bản, ấy là, sự tiên tri về xã hội phi giai cấp. Đoạn là thế này: ‘Bất chấp sự thực rằng giai cấp vô sản bị ép buộc, bởi hoàn cảnh bắt buộc, để tự tổ chức như một giai cấp trong thời gian đấu tranh với giai cấp tư sản; bất chấp sự thực rằng, bằng cách mạng, nó biến thành giai cấp thống trị, và, như thế, quét sạch các điều kiện sản xuất cũ bằng vũ lực; bất chấp tất cả các sự thực này, nó sẽ quét sạch, cùng với các điều kiện này, cả các điều kiện cho sự tồn tại của bất cứ sự đối kháng giai cấp nào và của bất cứ giai cấp nào, và như thế sẽ thủ tiêu uy thế tối cao của riêng nó với tư cách một giai cấp. – Thay cho xã hội tư sản cũ, với các giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, chúng ta sẽ có một hiệp hội trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là cái đảm bảo cho sự phát triển tự do của mọi người’. (So cả văn bản cho ct. 8 ở ch. này). Một niềm tin đẹp, nhưng là một niềm tin thẩm mĩ và lãng mạn; là một ‘Chủ nghĩa Không tưởng’ ước ao, mượn thuật ngữ Marxist, chứ không là một ‘chủ nghĩa xã hội khoa học’.
Marx chiến đấu chống cái ông gọi là ‘chủ nghĩa Không tưởng, và thế là đúng. (So ch. 9). Song vì bản thân ông là một người lãng mạn, ông đã không thấy rõ yếu tố nguy hiểm nhất của chủ nghĩa Không tưởng, chứng cuồng lãng mạn của nó, sự phi duy lí mĩ học của nó; thay vào đó, ông chống lại các nỗ lực (phải thừa nhận chưa chín) của nó tới kế hoạch hoá duy lí, cho chúng đối lại với chủ nghĩa lịch sử của ông (So ct. 21 ở ch. này).
Thay cho mọi lập luận sắc sảo của ông và thay cho mọi nỗ lực của ông để dùng phương pháp khoa học, ở các chỗ, Marx đã cho phép các tình cảm phi duy lí và thẩm mĩ kiểm soát hoàn toàn các suy nghĩ của ông. Ngày nay người ta gọi điều này là mơ tưởng. Chính mơ tưởng lãng mạn, phi duy lí, và thậm chí thần bí là cái đã khiến Marx cho rằng sự thống nhất giai cấp tập thể và sự đoàn kết giai cấp của các công nhân sẽ kéo dài sau sự thay đổi về vị trí giai cấp. Như thế chính mơ tưởng, một chủ nghĩa tập thể thần bí, và một phản ứng phi duy lí đối với sự căng thẳng của nền văn minh là cái đã khiến Marx tiên tri về sự tới tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
Loại chủ nghĩa lãng mạn này là một trong các yếu tố của chủ nghĩa Marx lôi cuốn cực kì mạnh nhiều người theo. Nó được biểu lộ, thí dụ, hết sức thống thiết trong lời đề tặng của Moscow Dialogues của Hecker. Hecker nói ở đây về chủ nghĩa xã hội như ‘một trật tự xã hội nơi sẽ không còn xung đột giai cấp và chủng tộc, và nơi chân, thiện, mĩ sẽ là phần của mọi người’. Ai lại không thích có thiên đường trên trái đất! Thế mà, phải là một trong các nguyên lí hàng đầu của chính trị học duy lí là chúng ta không thể tạo thiên đường trên trái đất. Chúng ta sẽ không trở thành Tinh thần Tự do hay tiên chí ít không trong khoảng vài ba thế kỉ tiếp. Chúng ta gắn với trái đất này bởi sự trao đổi chất của mình, như Marx một lần đã sáng suốt tuyên bố; hay như đạo Cơ đốc diễn đạt, chúng ta là linh hồn xác thịt. Như thế chúng ta phải khiêm tốn hơn. Trong chính trị và y tế, người hứa quá nhiều chắc là một lang băm. Chúng ta phải cố cải thiện các thứ, nhưng chúng ta phải giải thoát khỏi ý tưởng về viên ngọc bảo bối của các triết gia, khỏi một công thức biến xã hội con người đồi bại thành vàng ròng trường cửu.
Đằng sau tất cả điều này là hi vọng đuổi ma quỷ khỏi thế giới chúng ta. Plato nghĩ là ông có thể làm điều đó bằng xua nó vào các giai cấp thấp hèn, và cai trị nó. Các kẻ vô chính phủ mơ là, một khi nhà nước, Hệ thống Chính trị, bị phá huỷ, thì mọi thứ hẳn sẽ tốt. Và Marx mơ một giấc mơ tương tự về xua đuổi ma bằng phá huỷ hệ thống kinh tế.
Các nhận xét này không có ý để ngụ ý rằng là không thể để đưa ra thậm chí các tiến bộ nhanh, có lẽ ngay cả thông qua các cải cách nhỏ, thí dụ, như cải cách thuế, hay giảm lãi suất. Tôi chỉ muốn khẳng định rằng chúng ta phải chờ đợi, mỗi sự loại bỏ một cái xấu, như các hệ quả không mong muốn của nó, sẽ tạo ra một loạt cái xấu mới tuy có lẽ ít xấu hơn nhiều có thể ở một bình diện khẩn cấp hoàn toàn khác. Như vậy nguyên lí thứ hai của cùng hoạt động chính trị là: mọi hoạt động chính trị cốt ở chọn cái xấu ít hơn (như thi sĩ và nhà phê bình Thành Viên K. Kraus diễn đạt). Và mọi chính trị gia phải sốt sắng tìm kiếm các cái xấu mà hành động của họ tất yếu tạo ra thay cho che giấu chúng, vì một sự đánh giá thích hợp về các cái xấu đua tranh trở nên không thể nếu khác đi.
5 Dù tôi không định đề cập đến phép biện chứng của Marx (so ct. 4 ở ch. 13), tôi có thể chứng tỏ: có thể ‘củng cố’ lí lẽ bỏ lửng về logic của Marx bằng cái gọi là ‘lí lẽ biện chứng’. Phù hợp với lí lẽ này, tất cả cái ta cần là mô tả các xu hướng đối kháng trong chủ nghĩa tư bản sao cho chủ nghĩa xã hội (thí dụ ở dạng chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị) tỏ ra như hợp đề [synthesis] tất yếu. Hai xu hướng đối lập của chủ nghĩa tư bản có lẽ có thể được mô tả thế này. Chính đề: Xu hướng đến tích tụ vốn vào tay ít người; đến công nghiệp hoá và kiểm soát quan liêu về công nghiệp; đến sự san bằng kinh tế và tâm lí của các công nhân qua tiêu chuẩn hoá các nhu cầu và mong muốn. Phản đề: Sự nghèo khổ gia tăng của đông đảo quần chúng; ý thức giai cấp tăng lên của họ do hậu quả của (a) đấu tranh giai cấp, và (b) sự hiểu rõ tăng lên của họ về tầm quan trọng tột bực của họ ở một xã hội như xã hội công nghiệp nơi giai cấp lao động là giai cấp sản xuất duy nhất, và vì vậy là giai cấp cơ bản duy nhất. (So cả ct. 15 ở ch. 19, và văn bản).
Hầu như không cần chỉ ra hợp đề Marxist nổi lên ra sao; nhưng có thể cần khẳng định rằng một sự nhấn mạnh được đổi đi chút ít trong mô tả xu hướng đối kháng có thể dẫn đến các ‘hợp đề’ rất khác; thực ra, đến bất cứ hợp đề nào người ta muốn bảo vệ. Thí dụ, có thể dễ trình bày chủ nghĩa phát xít như một hợp đề tất yếu; hay có lẽ ‘chế độ kĩ trị’; hay khác đi, một hệ thống của chủ nghĩa can thiệp dân chủ.
6 * Bryan Magee viết về đoạn này: ‘Đấy là tất cả cái mà The New Class [Giai cấp Mới] của Djilas nói về: một lí thuyết được vạch ra đầy đủ về những thực tế của cách mạng Cộng sản, được viết bởi một người Cộng sản ngoan cố’.*
7 Lịch sử phong trào giai cấp lao động đầy trái ngược. Nó cho thấy công nhân đã sẵn sàng cho những hi sinh to lớn nhất trong cuộc chiến đấu của họ vì sự giải phóng giai cấp họ, và hơn thế, giải phóng loài người. Nhưng cũng có nhiều chương kể một câu chuyện buồn về tính ích kỉ khá bình thường và về sự theo đuổi lợi ích ngành làm hại đến tất cả.
Chắc chắn có thể hiểu được là một nghiệp đoàn nhận được lợi thế lớn cho thành viên của nó qua sự đoàn kết và mặc cả tập thể sẽ cố loại các người không sẵn sàng tham gia nghiệp đoàn khỏi các lợi ích này; thí dụ, bằng đưa vào các hợp đồng tập thể của họ điều kiện rằng chỉ được thuê các đoàn viên công đoàn. Song là vấn đề khác, và không thể biện hộ được, nếu một nghiệp đoàn theo cách này nhận được sự độc quyền khép danh sách thành viên lại, như thế không cho các bạn công nhân muốn vào được tham gia, mà thậm chí không thiết lập một phương pháp công bằng về nhận các thành viên mới (như phải tham gia nghiêm ngặt vào một danh sách chờ). Rằng các việc như vậy có thể xảy ra cho thấy sự thực rằng một người là công nhân không luôn luôn ngăn cản anh ta khỏi việc quên hết sự đoàn kết của những người bị áp bức và khỏi việc sử dụng đầy đủ các đặc quyền kinh tế mà anh ta có thể có, tức là khỏi bóc lột các đồng bạn công nhân.
8 So Tuyên Ngôn C.S. (H.o.M., 47 = GA, Series I, vol. vi, 546); đoạn được trích đẩy đủ hơn ở ct. 4 ở ch. này, nơi đề cập đến chủ nghĩa lãng mạn của Marx.
9 Từ ‘chủ nghĩa tư bản’ là quá mơ hồ để dùng như một cái tên của một giai đoạn lịch sử xác định. Từ ‘chủ nghĩa tư bản’ ban đầu được dùng theo một nghĩa miệt thị, và nó đã giữ nghĩa này trong cách dùng phổ biến (‘hệ thống ủng hộ lợi nhuận lớn do những kẻ không làm việc kiếm được’). Song đồng thời nó cũng được dùng theo nghĩa khoa học trung lập, nhưng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Đến chừng mực mà, theo Marx, mọi sự tích luỹ tư liệu sản xuất có thể được gọi là ‘tư bản’, thậm chí chúng ta có thể nói rằng ‘chủ nghĩa tư bản’ theo nghĩa nào đó là đồng nghĩa với ‘tổ chức công nghiệp’. Theo nghĩa này ta có thể mô tả hoàn toàn đúng một xã hội cộng sản, nơi nhà nước sở hữu tất cả tư bản, là ‘chủ nghĩa tư bản nhà nước’. Vì các lí do này, tôi gợi ý dùng tên ‘chủ nghĩa tư bản vô độ [unrestrained]’ cho giai đoạn mà Marx đã phân tích và đặt tên là ‘chủ nghĩa tư bản’, và dùng tên chủ nghĩa can thiệp cho giai đoạn của chúng ta. Tên ‘chủ nghĩa can thiệp’ quả thực có thể bao phủ ba loại chính của kĩ thuật xã hội ở thời đại chúng ta: chủ nghĩa can thiệp tập thể ở Nga; chủ nghĩa can thiệp dân chủ của Thuỵ Điển và ‘Các Nền dân chủ Nhỏ’, và New Deal [Chính sách Kinh tế Xã hội Mới] ở Mĩ; và thậm chí các phương pháp phát xít của nền kinh tế quân sự hoá. Cái Marx gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’ - tức chủ nghĩa tư bản vô độ - đã hoàn toàn ‘teo đi’ trong thế kỉ hai mươi.
10 ‘Đảng dân chủ xã hội’ Thuỵ Điển, đảng mở đầu thí nghiệm Thuỵ Điển, một thời đã là đảng Marxist; nhưng đã từ bỏ các lí thuyết Marxist không lâu sau khi nó quyết định chấp nhận các trách nhiệm chính phủ và bắt tay vào một chương trình cải cách xã hội to lớn. Một trong các khía cạnh mà thí nghiệm Thuỵ Điển lệch khỏi chủ nghĩa Marx là sự nhấn mạnh của nó đến người tiêu dùng, và vai trò của các hợp tác xã người tiêu dùng, trái với sự nhấn mạnh Marxist giáo điều lên sản xuất. Lí thuyết kinh tế công nghệ của những người Thuỵ Điển bị ảnh hưởng mạnh bởi cái các nhà Marxist gọi là ‘kinh tế học tư sản’, còn lí thuyết Marxist chính thống về giá trị chẳng có vai trò gì trong đó.
11 Về cương lĩnh này, xem H.o.M., 46 (= GA, Series I, vol. vi, 545). - Với điểm (1), so văn bản cho ct. 15 ở ch. 19).
Có thể lưu ý là ngay cả ở một trong các tuyên bố cấp tiến nhất mà Marx đã từng đưa ra, Gửi Liên đoàn Cộng sản (1850), ông coi thuế thu nhập luỹ tiến là một biện pháp cực kì cách mạng. Trong mô tả cuối cùng về các chiến thuật cách mạng gần cuối bài diễn văn này lên cực điểm trong tiếng hô xung trận ‘Cách mạng thường trực!’ Marx nói: ‘Nếu những người dân chủ kiến nghị thuế tỉ lệ, công nhân phải đòi thuế luỹ tiến. Và nếu bản thân những người dân chủ tuyên bố một loại thuế luỹ tiến ôn hoà, công nhân phải cố nài một lại thuế luỹ tiến nặng; nặng đến mức gây ra sự sụp đổ của tư bản lớn’. (So H.o.M., 70, và đặc biệt ct. 44 ở ch. 20).
12 Về khái niệm kĩ thuật xã hội từng phần của tôi, so đặc biệt ch. 9. Về can thiệp chính trị vào các vấn đề kinh tế, và một giải thích chính xác hơn của từ chủ nghĩa can thiệp, xem ct. 9 ở ch. này, và văn bản.
13 Tôi coi sự phê phán này về chủ nghĩa Marx là rất quan trọng. Nó được nhắc tới ở 17/18 của Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử của tôi; và như được nói rõ ở đó, nó có thể được né tránh bằng đề nghị một lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa. Nhưng tôi tin chỉ khi nào một lí thuyết như vậy (so ch. 22, đặc biệt các ct. 5 ff. và văn bản) được chấp nhận, thì chủ nghĩa Marx mới có thể thoát khỏi lời buộc tội là nó dạy ‘nềm tin vào các phép mầu chính trị’. (Cụm từ này là do Julius Kraft). Xem cả các ct. 4 và 21 ở ch. này.
14 Về vấn đề của thoả hiệp, so một nhận xét ở cuối đoạn văn mà ct. 3 ở ch. 9 được gắn vào. Về sự biện hộ cho nhận xét ở văn bản, ‘Vì họ không lập kế hoạch cho toàn xã hội’, xem ch. 9 và The Poverty of Historicism, II  của tôi (đặc biệt phê phán chỉnh thể luận).
15 F. A. von Hayek (so, thí dụ, Freedom and the Economic System, Chicago, 1939) nhất quyết là một ‘nền kinh tế kế hoạch’ tập trung hẳn gây ra nguy hiểm trầm trọng cho quyền tự do cá nhân. Song ông cũng nhấn mạnh rằng lập kế hoạch cho tự do là cần thiết. (‘Lập kế hoạch cho tự do’ cũng được Mannheim ủng hộ, trong Man and Society in an Age of Reconstruction của ông, 1941. Song vì ý tưởng của ông về ‘kế hoạch’ dứt khoát có tính tập thể chỉnh thể luận, tôi tin chắc là nó phải dẫn đến chuyên chế, chứ không đến tự do; và quả thực ‘quyền tự do’ của Mannheim là con của tự do của Hegel. So cuối ch. 23, và bài báo của tôi được trích ở cuối ct. trước).
16 Mâu thuẫn này giữa lí thuyết lịch sử Marxist và thực tiễn lịch sử Nga được thảo luận ở ch. 15, các ct. 13/14, và văn bản.
17 Đây là một mâu thuẫn khác giữa lí thuyết Marxist và thực tiễn lịch sử; trái với mâu thuẫn nói ở ct. trước, mâu thuẫn thứ hai này đã gây ra nhiều thảo luận và các nỗ lực để giải thích vấn đề bằng đưa ra các giả thuyết phụ trợ. Giả thuyết quan trọng nhất trong số này là lí luận về chủ nghĩa đế quốc và bóc lột thuộc địa. Lí luận này khẳng định rằng sự phát triển cách mạng bị thất bại ở các nước trong đó người vô sản chung với nhà tư bản thu hoạch ở nơi không phải họ mà là các thổ dân thuộc địa đã gieo hạt. Giả thuyết này, rõ ràng bị bác bỏ bởi sự phát triển giống như sự phát triển ở các nền Dân chủ Nhỏ phi-đế quốc, sẽ được thảo luận đầy đủ hơn ở ch. 20 (văn bản cho các ct. 37-40).
Nhiều nhà dân chủ xã hội đã diễn giải cách mạng Nga, theo sơ đồ của Marx, như một ‘cuộc cách mạng tư sản’ đến muộn, nhất quyết là cuộc cách mạng này gắn với một sự phát triển kinh tế giống ‘cách mạng công nghiệp’ ở các nước phát triển hơn. Song diễn giải này, tất nhiên, cho rằng lịch sử phải tuân theo sơ đồ Marxist. Thực ra, một vấn đề bản chất luận như, liệu cách mạng Nga có là một cách mạng công nghiệp đến chậm hay là một ‘cách mạng xã hội’ chưa chín muồi, chỉ mang tính ngôn từ; và nếu nó dẫn đến các khó khăn bên trong chủ nghĩa Marx, thì điều này chỉ chứng tỏ là có các khó khăn ngôn từ trong mô tả các sự kiện không được các nhà sáng lập nhìn thấy trước.
18 Các lãnh tụ đã có khả năng truyền cho những người theo họ một niềm tin nhiệt tình vào sứ mạng của họ - giải phóng loài người. Song các lãnh tụ này cũng chịu trách nhiệm về sự thất bại cuối cùng của hoạt động chính trị của họ, và sự đổ vỡ của phong trào. Sự thất bại này, chủ yếu, là do sự vô trách nhiệm trí tuệ. Các lãnh tụ đã cam đoan với các công nhân rằng chủ nghĩa Marx là một khoa học, và rằng phía trí tuệ của phong trào nằm trong các bàn tay giỏi nhất. Nhưng họ đã chẳng bao giờ chấp nhận một thái độ khoa học, tức phê phán, đối với chủ nghĩa Marx. Chừng nào họ còn có thể áp dụng nó (và có gì dễ hơn điều này?), chừng nào họ còn có thể diễn giải lịch sử trong các bài báo và diễn thuyết, họ thoả mãn về trí tuệ. (So cả các ct. 19 và 22 ở ch. này).
19 Nhiều năm trước khi chủ nghĩa phát xít nổi lên ở Trung Âu có thể thấy một thuyết chủ bại rất rõ rệt giữa hàng ngũ các lãnh tụ dân chủ xã hội. Họ bắt đầu tin chủ nghĩa phát xít là một giai đoạn không thể tránh khỏi trong sự phát triển xã hội. Tức là, họ bắt đầu sửa sơ đồ của Marx, song họ không bao giờ nghi sự đúng đắn của cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa; họ chẳng bao giờ thấy một câu hỏi như ‘Chủ nghĩa phát xít có là một giai đoạn không tránh khỏi trong sự phát triển của nhân loại?’ có thể là hoàn toàn lầm lạc.
20 Phong trào Marxist ở Trung Âu có ít tiền lệ trong lịch sử. Nó là một phong trào, bất chấp sự thực là nó rao giảng thuyết vô thần, có thể thật sự được gọi là một phong trào tôn giáo lớn. (Có lẽ điều này có thể gây ấn tượng cho các trí thức những người không coi nghiêm túc chủ nghĩa Marx). Tất nhiên, về nhiều mặt, nó là một phong trào tập thể và thậm chí bộ lạc. Nhưng nó là một phong trào của các công nhân để tự đào tạo mình cho nhiệm vụ vĩ đại của họ; để giải phóng chính họ, để nâng trình độ của các mối quan tâm và tiêu khiển của họ; để thay cho leo núi vì rượu, nhạc cổ điển để nhún nhảy, và sách nghiêm túc li kì. ‘Sự giải phóng giai cấp lao động chỉ có thể được thực hiện bởi bản thân những người lao động’ là niềm tin của họ. (Về ấn tượng sâu do phong trào này gây ra cho một số nhà quan sát, xem, thí dụ, G. E. R. Gedye, Fallen Bastions, 1939).
21 Trích dẫn là từ Lời nói đầu của Marx cho lần xuất bản thứ hai của Capital, (so Capital, 870; so cả ct. 6 ở ch. 13). Nó cho thấy Marx đã may mắn thế nào trong con mắt của các nhà phê bình của ông (so cả ct. 30 ở ch. 17, và văn bản).
Một đoạn cực kì lí thú khác, nơi Marx bày tỏ chủ nghĩa Phản-Không tưởng và chủ nghĩa lịch sử của ông, có thể thấy ở Nội chiến ở Pháp (H.o.M., 150, K. Marx, Der Buergerkrieg in Frankreich, A. Willaschek, Hamburg 1920, 65-66), nơi Marx đồng tình nói về Công xã Paris 1871: ‘Giai cấp lao động không kì vọng các phép mầu từ Công xã. Họ không có các điều Không tưởng được làm sẵn, để đưa vào bằng sắc lệnh của nhân dân. Họ biết rằng để đạt sự giải phóng chính họ, và với nó, các hình thức cao hơn mà xã hội hiện thời của chúng ta hướng tới một cách không cưỡng nổi, .. họ sẽ phải trải qua các cuộc đấu tranh lâu dài, qua một loạt quá trình lịch sử, biến đổi hoàn cảnh và con người. Họ không có các lí tưởng để thực hiện, mà để giải phóng các yếu tố của một xã hội mới được thai nghén trong bản thân xã hội tư sản cũ đang sụp đổ’. Có vài đoạn nơi Marx biểu lộ sự thiếu kế hoạch lịch sử chủ nghĩa nổi bật hơn. ‘Họ sẽ phải trải qua các cuộc đấu tranh lâu dài ..’, Marx nói. Song nếu họ không có kế hoạch để thực hiện, ‘không có các lí tưởng để thực hiện’, như Marx nói, thì họ đấu tranh vì cái gì? Họ ‘đã không kì vọng các phép mầu’, Marx nói; còn bản thân ông đã kì vọng các phép mầu khi tin là cuộc đấu tranh lịch sử tiến một cách không thể cưỡng nổi đến ‘các hình thức cao hơn’ của đời sống xã hội. (So các ct. 4 và 13 ở ch. này). Ở mức độ nào đó Marx được biện hộ vì ông từ chối lao vào kĩ thuật xã hội. Tổ chức công nhân rõ ràng là nhiệm vụ thực tiễn quan trọng nhất của thời ông. Nếu một lời bào chữa khả nghi như ‘thời gian chưa chín muồi’ có thể từng được dùng một cách công bằng, nó phải được dùng cho sự từ chối của Marx đi học đòi các vấn đề về kĩ thuật xã hội thể chế duy lí. (Điều này được minh hoạ bởi tính trẻ con của các kiến nghị Không tưởng cho đến và bao gồm Bellamy, chẳng hạn). Song đáng tiếc là ông đã ủng hộ trực giác chính trị lành mạnh này bằng một tấn công lí luận lên công nghệ xã hội. Điều này trở thành một sự bào chữa cho các môn đồ giáo điều của ông để tiếp tục theo cùng thái độ khi mà sự vật đã đổi thay, và công nghệ đã trở nên quan trọng hơn về chính trị so với ngay cả việc tổ chức công nhân.
22 Các lãnh tụ Marxist đã diễn giải các sự kiện như sự thăng trầm biện chứng của lịch sử. Như thế họ đã hành động như những người dẫn khách, qua các núi đồi (và thung lũng) của lịch sử hơn là như các lãnh tụ chính trị hành động. Nghệ thuật đáng ngờ này về diễn giải các sự kiện kinh khủng của lịch sử thay cho chiến đấu với chúng bị thi sĩ K. Kraus (được nói đến ở ct. 4 ở ch. này) vạch mặt một cách sinh động.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570338

Hôm nay

287

Hôm qua

2287

Tuần này

287

Tháng này

228862

Tháng qua

129483

Tất cả

114570338