Những góc nhìn Văn hoá

Cao trào tiên tri*(Kỳ 9)

CHƯƠNG 19: CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA                  
 
Bước thứ hai của lí lẽ tiên tri của Marx có giả thiết rằng chủ nghĩa tư bản phải dẫn đến một sự gia tăng giàu có và khốn khổ; sự giàu có của giai cấp tư sản có số lượng giảm dần, và sự khốn khổ của giai cấp lao động có số lượng tăng lên, như tiền đề thích đáng nhất của nó.

Giả thiết này sẽ được phê phán ở chương tiếp nhưng ở đây cứ cho là như vậy. Các kết luận rút ra từ nó có thể chia làm hai phần. Phần thứ nhất là một lời tiên tri về sự phát triển của cấu trúc giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Nó khẳng định rằng ngoài giai cấp tư sản và giai cấp vô sản tất cả các giai cấp khác, đặc biệt là cái gọi là các giai cấp trung lưu, nhất thiết biến mất, và rằng, do kết quả của sự căng thẳng gia tăng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, giai cấp sau sẽ trở nên ngày càng có ý thức giai cấp và thống nhất. Phần thứ hai của lời tiên tri là sự căng thẳng này có lẽ không thể được loại bỏ, và nó sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội vô sản.

Tôi tin rằng chẳng kết luận nào trong hai kết luận này được suy ra từ tiền đề. Phê phán của tôi, chủ yếu, sẽ tương tự như phê phán được đề xuất ở chương trước; tức là, tôi sẽ thử chứng tỏ rằng lí lẽ của Marx bỏ quên rất nhiều diễn tiến khả dĩ.
 
I
 
Hãy xem xét ngay kết luận thứ nhất, tức là lời tiên tri rằng tất cả các giai cấp nhất thiết biến mất, hay trở nên không đáng kể, trừ giai cấp tư sản và giai cấp vô sản mà ý thức giai cấp và sự đoàn kết của nó phải tăng lên. Phải thừa nhận rằng tiền đề, lí thuyết của Marx về sự gia tăng của cải và sự khốn khổ, quả thực chuẩn bị cho sự biến mất của tầng lớp trung lưu nào đó, của các nhà tư bản yếu hơn và giai cấp tiểu tư sản. ‘Mỗi nhà tư bản sát phạt nhiều đồng nghiệp của mình’, như Marx diễn đạt1; và các bạn đồng nghiệp tư bản này quả thực có thể bị giáng xuống địa vị của những người ăn lương, mà với Marx cũng hệt như những người vô sản. Sự vận động này là một phần của sự tăng lên của sự giàu có, sự tích tụ ngày càng nhiều vốn (tư bản), và sự tập trung vào tay của ngày càng ít người. Một số phận tương tự được ban phát cho ‘các tầng lớp thấp hơn của giai cấp trung lưu’, như Marx nói2. ‘Những người buôn bán nhỏ, các chủ hiệu, và các thương gia đã về hưu nói chung, các thợ thủ công và các nông dân, tất cả những người này dần dần sụt xuống thành vô sản; một phần vì vốn của họ nhỏ, cứ như tình hình này thì không đủ cho qui mô theo đó công nghiệp hiện đại được quản lí, bị lấn át trong cạnh tranh với các nhà tư bản lớn hơn; một phần bởi vì kĩ năng chuyên biệt của họ bị tư liệu sản xuất mới làm cho vô dụng. Như thế giai cấp vô sản được tuyển mộ từ mọi giai cấp của dân cư’. Mô tả này hẳn là khá chính xác, đặc biệt ở chừng mực liên quan đến các nghề thủ công; và cũng đúng rằng nhiều người vô sản xuất thân từ nông dân.
Nhưng dẫu cho những quan sát của Marx có đáng phục đến đâu, bức tranh có khuyết tật. Sự vận động ông nghiên cứu là một sự vận động công nghiệp; ‘nhà tư bản’ của ông là nhà tư bản công nghiệp, ‘người vô sản’ của ông là công nhân công nghiệp. Và bất chấp sự thực rằng nhiều công nhân công nghiệp xuất thân từ nông dân, điều này không có nghĩa rằng các chủ trang trại và nông dân, thí dụ, tất cả dần dần đều biến thành địa vị của công nhân công nghiệp. Thậm chí những người lao động nông nghiệp không nhất thiết được liên hiệp lại với các công nhân công nghiệp bởi một cảm nhận chung về đoàn kết và ý thức giai cấp. ‘Sự phân tán của những người lao động nông thôn trên các vùng rộng lớn’, Marx thừa nhận3, ‘phá vỡ sức mạnh phản kháng của họ chính khi sự tập trung vốn vào tay ít người làm tăng sức mạnh phản kháng của những người lao động đô thị’. Điều này hầu như không gợi ý sự thống nhất về một giác ngộ giai cấp đầy đủ. Nó chứng tỏ, đúng hơn, rằng chí ít có một khả năng chia rẽ, và người lao động nông nghiệp đôi khi có thể quá phụ thuộc vào người chủ của anh ta, chủ trang trại hay nông dân, để thực hiện sự nghiệp chung với giai cấp vô sản công nghiệp. Nhưng các chủ trại và nông dân có thể dễ dàng chọn ủng hộ giai cấp tư sản hơn là các công nhân như bản thân Marx đã nói đến4; và một cương lĩnh của các công nhân như cương lĩnh của Tuyên ngôn5, mà yêu sách đầu tiên của nó là ‘xoá bỏ mọi tài sản đất đai’, là hầu như không được dự kiến để chống lại xu hướng này.
Điều này chứng tỏ rằng chí ít có khả năng là các tầng lớp trung lưu nông thôn có thể không biến mất đi, và rằng giai cấp vô sản nông thôn có thể không hoà nhập với giai cấp vô sản công nghiệp. Nhưng đây không phải là tất cả. Phân tích riêng của Marx chứng tỏ rằng đối với giai cấp tư sản là tối quan trọng để xúi bẩy sự chia rẽ giữa những người ăn lương; và như bản thân Marx đã thấy, điều này có thể đạt được ít nhất bằng hai cách. Một cách là tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, một nhóm những người ăn lương có đặc quyền những người cảm thấy mình cao hơn người lao động chân tay6 và đồng thời phụ thuộc vào ơn huệ của các nhà cai trị. Cách khác là sử dụng tầng lớp thấp nhất của xã hội mà Marx đặt tên là ‘vô sản lưu manh’. Đây, như Marx đã chỉ ra, là tạo cơ sở cho những kẻ tội phạm những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù giai cấp. Sự khốn khổ gia tăng hẳn có khuynh hướng, như ông thú nhận, làm tăng số lượng của giai cấp này; một diễn tiến sẽ hầu như không đóng góp cho sự đoàn kết của tất cả những người bị áp bức.
Nhưng ngay cả sự đoàn kết của giai cấp công nhân công nghiệp không là một kết quả tất yếu của sự khổ cực gia tăng. Phải thừa nhận, sự khổ cực gia tăng hẳn tạo ra sự phản kháng, và thậm chí chắc gây ra các cuộc nổi loạn. Nhưng giả thiết của lí lẽ của chúng ta là sự khổ cực không thể được làm dịu đi cho đến khi giành được thắng lợi trong cách mạng xã hội. Điều này ngụ ý rằng các công nhân phản kháng sẽ bị đánh bại không biết bao nhiêu lần trong các nỗ lực không có kết quả để cải thiện số phận của họ. Song một diễn tiến như vậy không nhất thiết làm cho các công nhân có ý thức giai cấp theo nghĩa của Marx7, tức là tự hào về giai cấp của họ và tin chắc vào sứ mệnh của họ; nó, đúng hơn, có thể làm cho họ giác ngộ giai cấp theo nghĩa có ý thức về sự thực rằng họ thuộc về một đội quân bị đánh. Và có lẽ sẽ là như vậy, nếu các công nhân không tìm thấy sức mạnh trong việc nhận ra rằng số lượng cũng như năng lực kinh tế tiềm tàng của họ liên tục tăng lên. Điều này có thể đúng như thế nếu, như Marx đã tiên tri, mọi giai cấp, ngoài giai cấp riêng của họ và giai cấp các nhà tư bản, có xu hướng biến mất. Nhưng vì, như ta đã thấy, điều tiên tri này không nhất thiết đúng, có khả năng là sự đoàn kết của ngay cả các công nhân công nghiệp có thể bị chủ nghĩa chủ bại làm xói mòn.
Như thế, trái với lời tiên tri của Marx nhấn mạnh rằng phải có một sự phân chia rõ rệt giữa hai giai cấp, chúng ta thấy rằng dựa vào các giả thiết của chính ông, cấu trúc giai cấp sau có lẽ có thể nảy nở: (1) giai cấp tư sản, (2) các đại địa chủ, (3) các chủ đất khác, (4) những người lao động nông thôn, (5) giai cấp trung lưu mới, (6) các công nhân công nghiệp, (7) giai cấp vô sản lưu manh. (Tất nhiên, bất kể sự kết hợp nào của các giai cấp này cũng đều có thể bộc lộ). Và, hơn nữa, chúng ta thấy rằng một sự tiến triển như vậy có lẽ có thể làm xói mòn sự thống nhất của (6), giai cấp công nhân công nghiệp.
Vì thế, có thể nói rằng không suy ra được kết luận thứ nhất của bước thứ hai trong lí lẽ của Marx. Nhưng như trong phê phán của tôi với bước thứ ba, ở đây tôi cũng phải nói rằng tôi không có ý định thay lời tiên tri của Marx bằng một lời tiên tri khác. Tôi không khẳng định rằng lời tiên tri không thể trở thành đúng, hoặc rằng các diễn tiến khả dĩ khác mà tôi vừa mô tả sẽ xảy ra như dự kiến. Tôi chỉ khẳng định rằng chúng có thể xảy ra. (Và, quả thực, khả năng này khó có thể bị phủ nhận bởi các thành viên Marxist của các cánh cấp tiến những người dùng lời buộc tội về sự phản bội, sự mua chuộc, và thiếu đoàn kết giai cấp như các công cụ ưa chuộng để thanh minh cho các diễn tiến không phù hợp với sơ đồ tiên tri). Rằng các thứ như vậy có thể xảy ra phải là rõ với bất cứ ai đã quan sát sự phát triển đã dẫn đến chủ nghĩa phát xít, trong đó tất cả các khả năng tôi vừa nói đến đã đóng một phần. Nhưng chỉ khả năng đã là đủ để tiêu huỷ kết luận đầu tiên đạt được ở bước thứ hai của lí lẽ của Marx.
Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến kết luận thứ hai, tiên tri về sự đến của cách mạng xã hội. Nhưng trước khi tôi có thể bước vào phê phán cách trong đó ông đi đến lời tiên tri này, cần phải thảo luận với một số chi tiết vai trò do nó đóng trong toàn bộ lí lẽ, cũng như cách Marx dùng từ ‘cách mạng xã hội’.
 
II
 
Cái Marx có ý định khi ông nói về cách mạng xã hội thoạt nhìn có vẻ là đủ rõ. ‘Cách mạng xã hội của giai cấp vô sản’ của ông là một khái niệm lịch sử. Nó biểu hiện sự quá độ ít nhiều nhanh chóng từ thời kì lịch sử của chủ nghĩa tư bản sang thời kì lịch sử của chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, nó là tên của thời kì quá độ của cuộc đấu tranh giai cấp giữa hai giai cấp chính, đến thắng lợi cuối cùng của những người lao động. Khi được hỏi liệu từ ‘cách mạng xã hội’ có ngụ ý một cuộc nội chiến giữa hai giai cấp hay không, Marx trả lời8 rằng nó không nhất thiết ngụ ý, tuy vậy, ông nói thêm rằng các triển vọng để tránh nội chiến, đáng tiếc, là không thật sáng sủa. Và ông đã có thể nói thêm rằng, từ quan điểm tiên tri lịch sử, câu hỏi dường như có lẽ không phải hoàn toàn không thích hợp, song dù sao đi nữa chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Đời sống xã hội là dữ dội, các nhà Marxist nhấn mạnh, và chiến tranh giai cấp gây ra các nạn nhân mỗi ngày.9 Cái thật sự quan trọng là kết quả, chủ nghĩa xã hội. Để đạt được kết quả này là đặc trưng thiết yếu của ‘cách mạng xã hội’.
Mà nếu chúng ta có thể coi nó như được xác lập, hay như chắc chắn một cách trực giác, rằng chủ nghĩa xã hội sẽ kế tiếp chủ nghĩa tư bản, thì sự giải thích này của từ ‘cách mạng xã hội’ có thể là khá thoả mãn. Nhưng vì chúng ta phải sử dụng học thuyết về cách mạng xã hội như một phần của lí lẽ khoa học theo đó chúng ta thử chứng minh sự ra đời của chủ nghĩa xã hội, thì quả thực lời giải thích là rất không thoả mãn. Nếu trong một lí lẽ như vậy chúng ta cố mô tả đặc trưng cách mạng xã hội như quá độ sang chủ nghĩa xã hội, thì lí lẽ trở nên vòng vo như lí lẽ của bác sĩ người phải biện minh cho dự đoán của ông về cái chết của một bệnh nhân, và phải thú nhận rằng ông không biết các triệu chứng cũng chẳng biết gì khác về chứng bệnh - chỉ biết rằng nó sẽ biến thành một ‘chứng bệnh chết người’. (Nếu bệnh nhân không chết, thì nó vẫn chưa là ‘chứng bệnh chết người’; và nếu một cuộc cách mạng không dẫn đến chủ nghĩa xã hội, thì nó vẫn chưa là ‘cách mạng xã hội’). Chúng ta cũng có thể cho phê phán này hình thức đơn giản rằng chẳng trong bước nào của ba bước của lí lẽ tiên tri chúng ta phải giả thiết bất cứ cái gì được suy ra chỉ ở một bước muộn hơn.
Những cân nhắc này chứng tỏ rằng, để khôi phục đúng đắn lí lẽ của Marx, chúng ta phải tìm một mô tả đặc trưng về cách mạng xã hội mà mô tả đó không dẫn chiếu đến chủ nghĩa xã hội, và cho phép cách mạng xã hội đóng vai trò của mình trong lí lẽ này càng khéo càng tốt. Một mô tả đặc trưng thoả mãn các điều kiện này có thể là thế này. Cách mạng xã hội là một nỗ lực của một giai cấp vô sản phần lớn thống nhất để đoạt quyền lực chính trị, được thực hiện với quyết tâm vững chắc không chùn bước trước việc dùng vũ lực nếu vũ lực là cần thiết để đạt mục tiêu này, và để chống lại bất cứ nỗ lực nào của các đối thủ của nó nhằm lấy lại ảnh hưởng chính trị. Mô tả đặc trưng này không bị những khó khăn vừa nói đến; nó khớp với bước thứ ba của lí lẽ ở chừng mực bước thứ ba này là hợp lệ, căn cứ vào mức độ hợp lí mà bước này rõ ràng có; và, như sẽ được chứng tỏ, nó phù hợp với chủ nghĩa Marx, và đặc biệt với xu hướng lịch sử chủ nghĩa của nó để tránh một tuyên bố dứt khoát10 về liệu vũ lực sẽ thực sự được dùng hay không trong giai đoạn này của lịch sử.
Nhưng cho dù được coi như một tiên tri lịch sử, sự mô tả đặc trưng này là bất định về việc sử dụng vũ lực, quan trọng để nhận ra rằng nó không vậy nhìn từ quan điểm đạo đức hay pháp lí. Xem xét từ quan điểm như vậy, mô tả đặc trưng về cách mạng xã hội được kiến nghị ở đây rõ ràng biến nó thành một cuộc khởi nghĩa bạo lực; vì vấn đề liệu vũ lực có thực sự được dùng hay không là ít quan trọng hơn ý định; và chúng ta đã giả sử một quyết tâm vững chắc không chùn bước trước việc dùng vũ lực nếu vũ lực là cần thiết để đạt các mục tiêu của phong trào. Nói rằng quyết tâm không chùn bước trước việc dùng vũ lực có tính quyết định cho đặc tính của cách mạng xã hội như một khởi nghĩa bạo lực là phù hợp không chỉ với quan điểm đạo đức hay pháp lí, mà cũng phù hợp với quan điểm bình thường về vấn đề. Vì nếu một người quyết tâm dùng vũ lực nhằm đạt các mục tiêu của mình, thì chúng ta có thể nói rằng anh ta hầu như chấp nhận một thái độ hung dữ, bất luận vũ lực có thực sự được dùng hay không trong một trường hợp cá biệt. Phải thừa nhận, khi thử tiên đoán hành động tương lai của con người này, chúng ta phải không dứt khoát hệt như chủ nghĩa Marx, tuyên bố rằng chúng ta không biết liệu anh ta sẽ thực sự dùng đến vũ lực hay không. (Như thế mô tả đặc trưng của chúng ta thống nhất với quan điểm Marxist ở điểm này). Nhưng sự thiếu dứt khoát này rõ ràng biến mất nếu chúng ta không thử đưa ra một tiên tri lịch sử, mà cố gắng mô tả đặc trưng thái độ của anh ta một cách bình thường.
Mà tôi muốn làm thật rõ rằng chính sự tiên tri về một cuộc cách mạng có thể dữ dội này là cái tôi coi, từ quan điểm của thực tiễn chính trị, là yếu tố tai hại nhất trong chủ nghĩa Marx; và tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tôi giải thích ngắn gọn lí do cho ý kiến của mình trước khi tôi tiếp tục phân tích của mình.
Tôi không phản đối một cuộc cách mạng bạo lực trong mọi trường hợp và dưới mọi hoàn cảnh. Tôi tin cùng với các nhà tư tưởng trung cổ và Cơ đốc giáo thời Phục hưng nào đó những người dạy tính có thể chấp nhận được của sự giết bạo chúa, dưới một chế độ chuyên chế, việc quả thực là không có khả năng nào khác, và rằng một cuộc cách mạng bạo lực có thể được biện minh. Nhưng tôi cũng tin rằng bất cứ một cuộc cách mạng nào như thế phải có mục tiêu duy nhất của nó để thiết lập một nền dân chủ; và dưới nền dân chủ tôi không có ý nói cái gì đó mơ hồ như ‘sự cai trị của nhân dân’ hay ‘sự cai trị của đa số’, mà là một tập các thể chế (trong đó đặc biệt là các cuộc tổng tuyển cử, tức là quyền của nhân dân để sa thải chính phủ của họ) những thể chế cho phép những người bị trị kiểm soát công khai những kẻ cai trị và việc phế truất họ, và chúng làm cho những người bị trị có thể đạt được các cuộc cải cách mà không dùng đến vũ lực, thậm chí ngược với ý chí của những kẻ cai trị. Nói cách khác, việc dùng vũ lực chỉ được biện minh dưới một chế độ chuyên chế, chế độ làm cho các cải cách không dùng đến vũ lực là không thể, và nó phải có một mục tiêu duy nhất, tức là, để tạo ra một tình thế làm cho các cải cách là có thể mà không dùng đến vũ lực.
Tôi không tin rằng có bao giờ chúng ta phải cố gắng đạt nhiều hơn vậy bằng các phương tiện vũ lực. Vì tôi tin rằng một cố gắng như vậy sẽ kéo theo rủi ro phá huỷ mọi triển vọng về cải cách hợp lí. Việc sử dụng vũ lực kéo dài cuối cùng có thể dẫn đến sự mất quyền tự do, vì nó hẳn không tạo ra một sự cai trị vô tư của lí trí, mà tạo ra sự cai trị của kẻ mạnh. Một cuộc cách mạng bạo lực toan đạt nhiều hơn việc phá huỷ chế độ chuyên chế chí ít cũng có khả năng tạo ra một nền chuyên chế khác như có khả năng đạt các mục tiêu thật sự của nó.
Có một sự sử dụng vũ lực thêm duy nhất nữa trong các tranh chấp chính trị mà tôi coi là được biện minh. Ý tôi muốn nói đến sự kháng cự, một khi nền dân chủ đã đạt được, đối với bất cứ tấn công nào (bất luận bên trong hay ngoài nhà nước) chống lại hiến pháp dân chủ và việc sử dụng các phương pháp dân chủ. Bất cứ cuộc tấn công như vậy nào, đặc biệt nếu đến từ chính phủ đang nắm quyền, hay được nó dung túng, phải bị tất cả các công dân trung thành phản kháng, ngay cả dùng vũ lực. Thực ra, sự hoạt động của nền dân chủ dựa chủ yếu vào sự hiểu biết rằng một chính phủ thử lạm dụng quyền lực của nó và để xác lập mình như một chế độ chuyên chế (hay dung túng bất cứ ai khác xác lập một chế độ chuyên chế) là tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật, và các công dân không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ coi hành động của chính phủ như vậy là một tội ác, và các thành viên của nó như một bọn tội phạm nguy hiểm. Song tôi tin rằng sự phản kháng dữ dội như vậy đối với các mưu toan lật đổ nền dân chủ phải là tự vệ một cách rõ ràng. Không thể có một chút nghi ngờ nào rằng mục tiêu duy nhất của sự phản kháng là để bảo vệ nền dân chủ. Một đe doạ về lợi dụng tình hình để thiết lập một một nền phản-chuyên chế cũng là tội ác hệt như mưu toan ban đầu để đưa ra một nền chuyên chế; việc sử dụng một đe doạ như vậy, cho dù được tiến hành với chủ ý thật thà để cứu nền dân chủ bằng cách làm nhụt chí các kẻ thù của nó, vì thế sẽ là một phương pháp rất tồi để bảo vệ nền dân chủ; quả thực, một đe doạ như vậy sẽ gây lộn xộn hàng ngũ của những người bảo vệ nó trong giờ phút hiểm nguy, và vì thế chắc sẽ giúp kẻ thù.
Những nhận xét này biểu thị rằng một chính sách dân chủ thành công đòi hỏi những người bảo vệ phải tuân thủ các quy tắc nhất định. Vài quy tắc như thế sẽ được liệt kê muộn hơn ở chương này; ở đây tôi chỉ muốn làm rõ vì sao tôi coi thái độ Marxist đối với bạo lực là một trong các điểm quan trọng nhất cần được đề cập trong bất cứ nghiên cứu nào về Marx.
 
III
 
Theo diễn giải của họ về cách mạng xã hội, chúng ta có thể phân biệt hai nhóm chính của các nhà Marxist, một cánh cấp tiến và một cánh ôn hoà (tương ứng đại thể, nhưng không chính xác11, với các đảng Cộng sản và Dân chủ Xã hội).
Các nhà Marxist thường không chịu thảo luận vấn đề liệu một cuộc cách mạng bạo lực có ‘được biện minh’ hay không; họ nói rằng họ không phải là các nhà đạo đức, mà là các nhà khoa học, và họ không đối phó với các suy đoán về cái gì nên là, mà với các sự thực về cái gì đang là hay sẽ là. Nói cách khác, họ là các nhà tiên tri lịch sử tự giới hạn mình ở vấn đề về cái gì sẽ xảy ra. Nhưng hãy giả sử là chúng ta đã thuyết phục được họ để thảo luận về sự biện minh của cách mạng xã hội. Trong trường hợp này, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy tất cả các nhà Marxist đồng ý, về nguyên tắc, với quan điểm cũ rằng các cuộc cách mạng bạo lực chỉ được biện minh nếu chúng hướng tới chống một chế độ chuyên chế. Từ đây trở đi, ý kiến của hai cánh là khác nhau.
Cánh cấp tiến khăng khăng rằng, theo Marx, mọi sự thống trị giai cấp đều nhất thiết là một nền độc tài, tức là một chế độ chuyên chế12. Một nền dân chủ thực sự vì thế có thể đạt được chỉ bằng thiết lập một xã hội phi giai cấp, bằng lật đổ chế độ độc tài tư bản chủ nghĩa, một cách dữ dội nếu cần. Cánh ôn hoà không đồng ý với quan điểm này, mà nhấn mạnh rằng nền dân chủ ở mức độ nào đó có thể được thực hiện ngay cả dưới chủ nghĩa tư bản, và rằng vì thế là có thể để tiến hành cách mạng xã hội bằng các cuộc cải cách hoà bình và từ từ. Nhưng ngay cả cánh ôn hoà này vẫn nhấn mạnh rằng một diễn tiến hoà bình như vậy là không chắc chắn; nó chỉ ra rằng chính giai cấp tư sản là giai cấp chắc sẽ sử dụng vũ lực, nếu đối mặt với triển vọng bị các công nhân đánh bại trên chiến trường dân chủ; và nó cho rằng trong trường hợp này các công nhân sẽ được biện minh về trả đũa, và về thiết lập sự cai trị của họ bằng các phương tiện bạo lực13. Cả hai cánh đều nhận là đại diện cho chủ nghĩa Marx chân chính của Marx, và ở chừng mực nào đấy, cả hai đều đúng. Vì, như đã nhắc tới ở trước, các quan điểm của Marx về vấn đề này là hơi mơ hồ, vì cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa của ông; ngoài điều này ra, dường như ông đã thay đổi quan điểm của mình trong cuộc đời ông, khởi đầu như một người cấp tiến và muộn hơn chấp nhận một lập trường ôn hoà hơn14.
Đầu tiên tôi sẽ khảo sát lập trường cấp tiến, vì dường như đối với tôi nó là lập trường duy nhất khớp với Tư bản và toàn bộ khuynh hướng của lí lẽ tiên tri của Marx. Vì học thuyết chính của Tư bản cho rằng sự đối kháng giữa nhà tư bản và công nhân nhất thiết phải tăng lên, và không có khả năng thoả hiệp nào, cho nên chủ nghĩa tư bản chỉ có thể bị tiêu diệt, không thể được cải thiện. Tốt nhất đi trích đoạn cơ bản của Tư bản trong đó Marx cuối cùng tổng kết ‘xu hướng lịch sử của tích tụ tư bản chủ nghĩa’. Ông viết15: ‘Cùng với sự giảm đều đặn về số lượng các trùm tư bản những người chiếm đoạt và độc quyền các lợi thế của sự phát triển này, mức độ khốn khổ, áp bức, nô lệ, thoái hoá và bóc lột tăng lên; nhưng đồng thời, cũng tăng sự căm phẫn chống đối của giai cấp lao động có số lượng tăng lên đều đặn, và là giai cấp có kỉ luật, được thống nhất, và được tổ chức bởi chính cơ chế của phương pháp sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cuối cùng, sự độc quyền tư bản trở thành xiềng xích trên phương thức sản xuất đã hưng thịnh với nó, và ở dưới nó. Cả sự tập trung tư liệu sản xuất vào tay ít người, lẫn sự tổ chức xã hội của lao động, đạt đến một điểm nơi cái áo choàng tư bản chủ nghĩa của chúng trở nên chật chội, trói buộc. Nó vỡ tung ra từng mảnh. Giờ của tài sản tư nhân tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ chiếm đoạt bị tước đoạt’.
Xét về đoạn cơ bản này, có thể có ít nghi ngờ rằng cái lõi của giáo huấn trong Tư bản là tính không thể có được của cải cách chủ nghĩa tư bản, và sự tiên tri về sự lật đổ dữ dội của nó; một học thuyết khớp với lí lẽ tiên tri của chúng ta khéo như có thể. Vì nếu chúng ta công nhận không chỉ tiền đề của bước thứ hai mà công nhận cả kết luận thứ nhất nữa, thì sự tiên tri về cách mạng xã hội quả thực được suy ra, phù hợp với đoạn vừa được trích dẫn từ Tư bản. (Và cũng suy ra chiến thắng của những người công nhân, như đã được chỉ ra ở chương trước). Quả thực, dường như khó tưởng tượng nổi một giai cấp lao động thống nhất và giác ngộ hoàn toàn, giai cấp ấy cuối cùng lại không đưa ra một nỗ lực kiên quyết để lật đổ trật tự xã hội, nếu sự khốn cùng của họ không thể được làm dịu bớt bằng bất cứ phương tiện khác nào. Nhưng điều này, tất nhiên, không cứu được kết luận thứ hai. Vì chúng ta đã chứng tỏ rồi rằng kết luận thứ nhất là không hợp lệ; và từ chỉ riêng tiền đề, từ lí thuyết về sự gia tăng của cải và sự khốn khổ, không thể suy ra được tính không thể tránh khỏi của cách mạng xã hội. Như đã được chỉ ra trong phân tích của chúng ta về kết luận thứ nhất, tất cả cái chúng ta có thể nói là sự bùng nổ chống đối có thể không tránh khỏi; nhưng vì chúng ta không thể chắc chắn cả về sự thống nhất giai cấp lẫn về tính giác ngộ giai cấp giữa các công nhân, chúng ta không thể đồng nhất những sự bùng nổ như vậy với cách mạng xã hội. (Chúng cũng không nhất thiết thắng lợi, cho nên giả thiết rằng chúng đại diện cho cách mạng xã hội sẽ không khớp với bước thứ ba).
Trái với lập trường cấp tiến mà ít nhất cũng khớp khá tốt với lí lẽ tiên tri, lập trường ôn hoà phá huỷ nó hoàn toàn. Nhưng như chúng ta đã nói ở trước, nó cũng được uy quyền của Marx ủng hộ. Marx đã sống đủ lâu để thấy các cải cách được thực hiện mà, theo lí thuyết của ông, phải là không thể có được. Nhưng ông chẳng hề nảy ra ý nghĩ rằng những cải thiện này về số phận của các công nhân đồng thời là những sự bác bỏ lí thuyết của ông. Cách nhìn lịch sử chủ nghĩa mơ hồ của ông về cách mạng xã hội đã cho phép ông diễn giải những cải cách này như khúc dạo đầu16 hay thậm chí như khởi đầu của nó. Như Engels bảo chúng ta17, Marx đi đến kết luận rằng ở nước Anh, dù sao đi nữa, ‘cách mạng xã hội không thể tránh khỏi có thể được thực hiện hoàn toàn bằng các phương tiện hoà bình và pháp lí. Ông chắc chắn đã không bao giờ quên nói thêm rằng ông hầu như không kì vọng giai cấp thống trị Anh lại quy phục cuộc cách mạng hoà bình và hợp pháp này, mà không có “sự nổi loạn ủng hộ chế độ nô lệ”.’ Tường thuật này phù hợp với một lá thư18 trong đó Marx viết, chỉ ba năm trước khi ông mất: ‘Đảng của tôi .. coi một cuộc cách mạng Anh là không tất yếu song – theo các tiền lệ lịch sử - là có thể’. Nên lưu ý rằng chí ít trong phần đầu của tuyên bố này, lí thuyết của ‘cánh ôn hoà’ được bày tỏ rõ ràng; lí thuyết, cụ thể, rằng nếu giai cấp thống trị không quy phục, vũ lực sẽ là không thể tránh khỏi.
Các lí thuyết ôn hoà này dường như đối với tôi phá huỷ hoàn toàn lí lẽ tiên tri19. Chúng ngụ ý khả năng về một sự thoả hiệp, về một cải cách từ từ của chủ nghĩa tư bản, và vì thế, về một sự đối kháng giai cấp giảm đi. Nhưng cơ sở độc nhất của lí lẽ tiên tri là giả thiết về một sự đối kháng giai cấp tăng lên. Không có tất yếu logic nào vì sao một cải cách từ từ, đạt được bằng thoả hiệp, lại dẫn đến sự phá huỷ hoàn toàn hệ thống tư bản chủ nghĩa; vì sao các công nhân, những người đã học bằng kinh nghiệm rằng họ có thể cải thiện số phận của mình bằng cải cách từ từ, lại không thích gắn bó với phương pháp này, cho dù nó không mang lại ‘thắng lợi hoàn toàn’, tức là sự quy phục của giai cấp thống trị; vì sao họ lại không thoả hiệp với giai cấp tư sản và để cho nó có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất hơn là chịu rủi ro mất toàn bộ lợi lộc bằng các yêu sách có thể dẫn đến các đụng độ bạo lực. Chỉ nếu chúng ta thừa nhận rằng ‘những người vô sản chẳng có gì để mất trừ xiềng xích của họ’20 là đúng, chỉ nếu chúng ta cho rằng qui luật về sự khốn khổ tăng lên là đúng, hoặc rằng chí ít nó làm cho các cải thiện là không thể có được, thì chỉ khi đó chúng ta có thể tiên tri rằng các công nhân buộc phải tiến hành một nỗ lực để lật đổ toàn bộ hệ thống. Một diễn giải tiến hoá về ‘cách mạng xã hội’ như thế phá huỷ toàn bộ lí lẽ Marxist, từ bước đầu đến bước cuối; tất cả cái còn lại của chủ nghĩa Marx sẽ là cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa. Nếu một tiên tri lịch sử vẫn cứ được thử, thì nó phải dựa trên một lí lẽ hoàn toàn mới.
Nếu ta thử xây dựng một lí lẽ được sửa đổi như vậy phù hợp với các quan điểm muộn hơn của Marx và với các quan điểm của cánh ôn hoà, bảo toàn lí thuyết ban đầu càng nhiều càng tốt, thì chúng ta đi đến một lí lẽ dựa hoàn toàn vào lời khẳng định rằng giai cấp công nhân hiện nay đại diện, hay một ngày nào đó sẽ đại diện cho đa số nhân dân. Lí lẽ sẽ được kể giống thế này. Chủ nghĩa tư bản sẽ được biến đổi bởi một ‘cuộc cách mạng xã hội’, cái mà hiện tại chúng ta muốn nói không là gì ngoài sự tiến tới của đấu tranh giai cấp giữa các nhà tư bản và các công nhân. Cuộc cách mạng này có thể được tiến hành hoặc bằng các phương pháp từ từ và dân chủ, hay nó có thể là bạo lực, hay nó có thể là từ từ và bạo lực trong các giai đoạn xen kẽ nhau. Tất cả điều này sẽ phụ thuộc vào sự kháng cự của giai cấp tư sản. Nhưng trong mọi trường hợp, và đặc biệt nếu sự phát triển là một diễn tiến hoà bình, nó phải kết thúc với các công nhân nắm ‘vị trí của giai cấp thống trị’21, như Tuyên ngôn nói; họ phải ‘thắng trận đánh dân chủ’; vì ‘phong trào vô sản là phong trào độc lập tự giác của tuyệt đại đa số, vì lợi ích của tuyệt đại đa số’.
Quan trọng để nhận ra rằng ngay cả ở dạng ôn hoà và được sửa đổi này, sự tiên đoán là không thể đứng vững. Lí do là thế này. Lí thuyết về sự khốn khổ tăng lên phải bị từ bỏ nếu thừa nhận khả năng về cải cách từ từ; nhưng với việc từ bỏ nó, thì ngay cả vẻ bề ngoài của một sự biện minh cho khẳng định, rằng các công nhân công nghiệp một ngày nào đó phải tạo thành ‘tuyệt đại đa số’, sẽ biến mất. Tôi không muốn ngụ ý rằng khẳng định này thực sự được suy ra từ lí thuyết Marxist về sự khốn khổ gia tăng, vì lí thuyết này đã chẳng bao giờ chú ý đủ đến các chủ trang trại và nông dân. Nhưng nếu qui luật về sự khốn khổ gia tăng, giả sử giáng tầng lớp trung lưu xuống mức của giai cấp vô sản, là hợp lệ, thì chúng ta phải sẵn sàng thấy rằng một giai cấp trung lưu đáng kể tiếp tục tồn tại (hay một giai cấp trung lưu mới đã nổi lên) và nó có thể hợp tác với các giai cấp phi-vô sản khác chống lại một cố gắng đạt quyền lực của các công nhân; và không ai có thể nói chắc kết quả của một cuộc tranh đua như vậy sẽ là thế nào. Quả thực, các số liệu thống kê không còn cho thấy bất cứ xu hướng nào về tăng số lượng của các công nhân công nghiệp trong quan hệ với các giai cấp khác trong dân cư. Có, đúng hơn, một xu hướng ngược lại, bất chấp sự thực là sự tích tụ tư liệu sản xuất tiếp tục. Chỉ riêng sự thực này đã bác bỏ tính hợp lệ của lí lẽ tiên tri được sửa đổi. Tất cả cái còn lại của nó là nhận xét quan trọng (tuy vậy, nó không xứng đáng với các tiêu chuẩn kiêu căng của một lời tiên tri lịch sử chủ nghĩa) rằng các cải cách xã hội được tiến hành chủ yếu22 dưới sức ép của những người bị áp bức, hay dưới sức ép của đấu tranh giai cấp (nếu thích từ này hơn); tức là, sự giải phóng của những người bị áp bức sẽ chủ yếu là thành tựu của bản thân những người bị áp bức23.
 
IV
 
Lí lẽ tiên tri là không thể đứng vững, và không thể sửa lại được, trong mọi diễn giải của nó, bất luận cấp tiến hay ôn hoà. Nhưng để có một sự hiểu biết đầy đủ về tình hình này, sẽ là không đủ đi bác bỏ sự tiên tri được sửa đổi; cũng cần khảo sát thái độ mập mờ đối với vấn đề vũ lực mà chúng ta có thể quan sát thấy ở cả các đảng Marxist cấp tiến lẫn ôn hoà. Thái độ này, tôi quả quyết, có một ảnh hưởng đáng kể lên vấn đề liệu ‘cuộc chiến đấu dân chủ’ sẽ thắng hay không; vì bất cứ ở đâu cánh Marxist ôn hoà đã thắng một cuộc tổng tuyển cử, hay đến gần chiến thắng, một trong các lí do dường như là họ đã thu hút được các bộ phận lớn của giai cấp trung lưu. Điều này có được là nhờ chủ nghĩa nhân đạo của họ, nhờ lập trường của họ ủng hộ tự do và chống áp bức. Nhưng tính mơ hồ có hệ thống của thái độ của họ đối với vũ lực không chỉ có khuynh hướng vô hiệu hoá sự hấp dẫn này, mà còn thúc đẩy trực tiếp lợi ích của những kẻ chống dân chủ, những kẻ chống nhân đạo chủ nghĩa, bọn phát xít.
Có hai sự mơ hồ liên hệ mật thiết với nhau trong học thuyết Marxist, và cả hai đều quan trọng nhìn từ quan điểm này. Một cái là thái độ mơ hồ, nhập nhằng đối với vũ lực, dựa trên cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa. Cái khác là cách mơ hồ theo đó các nhà Marxist nói về ‘sự chinh phục quyền lực chính trị bởi giai cấp vô sản’, như Tuyên ngôn diễn đạt24. Điều này có nghĩa là gì? Nó có thể có nghĩa, và đôi khi được diễn giải như vậy, rằng đảng của những người lao động có một mục tiêu vô hại và hiển nhiên của mọi đảng dân chủ, mục tiêu nhận được đa số, và lập một chính phủ. Nhưng nó có thể có nghĩa, và thường được các nhà Marxist ám chỉ rằng nó có nghĩa thế, rằng một khi đã nắm quyền đảng có khuynh hướng cố thủ mình ở vị trí này; tức là, đảng sẽ dùng đa số phiếu của mình theo cách làm cho rất khó đối với các đảng khác để lấy lại quyền lực bằng các công cụ dân chủ thông thường. Sự khác biệt giữa hai diễn giải này là quan trọng nhất. Nếu một đảng ở thời điểm nào đó còn ở tình trạng thiểu số lại dự định cấm đảng khác, bất luận bằng bạo lực hay bằng đa số phiếu, thì bằng ngụ ý nó thừa nhận đảng hiện đang chiếm đa số cũng có quyền làm vậy. Nó mất bất cứ quyền đạo đức nào để phàn nàn về sự áp bức; và, quả thực, nó làm lợi cho các nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền hiện tại những người muốn cấm sự đối lập bằng vũ lực.
Tôi có thể gọi hai sự mập mờ này ngắn gọn là sự mập mờ về bạo lựcsự mập mờ về chiếm quyền. Cả hai có gốc rễ không chỉ ở tính mập mờ của cách tiếp cận lịch sử chủ nghĩa, mà cả ở lí thuyết Marxist về nhà nước. Nếu nhà nước, về cơ bản, là nền chuyên chế giai cấp, thì, một mặt, bạo lực là được phép, và mặt khác, tất cả cái có thể được làm là thay chế độ độc tài của giai cấp tư sản bằng chế độ độc tài của giai cấp vô sản. Lo lắng quá nhiều về nền dân chủ hình thức chỉ chứng tỏ thiếu ý thức lịch sử; xét cho cùng ‘nền dân chủ .. chỉ là một trong các giai đoạn trong tiến trình phát triển lịch sử’, như Lenin nói25.
Hai sự mập mờ đóng vai trò của chúng trong các học thuyết chiến thuật của cả cánh cấp tiến lẫn cánh ôn hoà. Điều này có thể hiểu được, vì việc sử dụng có hệ thống sự mập mờ cho phép họ mở rộng lãnh địa từ đó các môn đệ triển vọng có thể được tuyển mộ. Đây là lợi thế chiến thuật, tuy vậy, nó có thể dễ dẫn đến một bất lợi ở thời điểm nguy cấp nhất; nó có thể dẫn đến một sự chia rẽ mỗi khi các thành viên cấp tiến nhất nghĩ rằng giờ đã điểm cho việc thực hiện hành động bạo lực. Cách, theo đó cánh cấp tiến có thể lợi dụng sự mập mờ về bạo lực một cách có hệ thống, có thể được minh hoạ bằng các đoạn trích sau đây lấy từ phân tích phê phán kĩ lưỡng mới đây về chủ nghĩa Marx của Pakes26. ‘Vì Đảng Cộng sản Hoa Kì giờ đây tuyên bố không chỉ rằng hiện nay nó không chủ trương cách mạng, mà cũng tuyên bố rằng nó đã chưa bao giờ chủ trương cách mạng, có thể thích hợp để trích vài câu từ cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản (dự thảo năm 1928)’. Sau đó Parkes trích giữa những thứ khác các đoạn sau đây từ cương lĩnh này: ‘Sự chinh phục quyền lực bởi giai cấp vô sản không có nghĩa là “chiếm” nhà nước tư sản đã có sẵn một cách hoà bình bằng các phương tiện đa số nghị viện... Sự chinh phục quyền lực .. là sự lật đổ mãnh liệt quyền lực tư sản, là sự phá huỷ bộ máy nhà nước tư bản chủ nghĩa… Đảng .. đối mặt với nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng đến một cuộc tấn công trực tiếp lên nhà nước tư sản. Điều này được thực hiện bằng .. tuyên truyền .. và hành động quần chúng … Hành động quần chúng này bao gồm .. cuối cùng, tổng bãi công cùng với khởi nghĩa vũ trang… Hình thức sau .. là hình thức cao nhất, phải được tiến hành theo các qui tắc chiến tranh ..’ Từ các trích dẫn này, ta thấy rằng phần này của cương lĩnh là khá mập mờ; nhưng nó không ngăn cản đảng lợi dụng tính mập mờ về bạo lực một cách có hệ thống, rút lui, nếu tình hình chiến thuật27 đòi hỏi, hướng về một diễn giải phi-bạo lực của từ ‘cách mạng xã hội’; và điều này bất chấp đoạn kết của Tuyên ngôn28 (mà cương lĩnh năm 1928 giữ lại): ‘Những người Cộng sản không thèm che giấu các quan điểm và mục tiêu của họ. Họ tuyên bố công khai rằng các mục tiêu của họ có thể đạt được chỉ bằng sự lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện thời bằng vũ lực…’
Nhưng cách theo đó cánh ôn hoà đã sử dụng tính mập mờ về bạo lực cũng như sự mập mờ về chinh phục quyền lực là thậm chí quan trọng hơn. Nó được áp dụng đặc biệt bởi Engels, dựa vào các quan điểm ôn hoà hơn của Marx đã được trích ở trên, và nó đã trở thành một học thuyết chiến thuật đã có ảnh hưởng lớn đến những diễn tiến sau đó. Học thuyết mà tôi nghĩ đến có thể được trình bày như sau29: Chúng ta các nhà Marxist thích hơn nhiều một diễn tiến hoà bình và dân chủ đến chủ nghĩa xã hội, nếu chúng ta có thể có nó. Nhưng với tư cách là những người có đầu óc thực tế chính trị chúng ta đoán trước khả năng rằng giai cấp tư sản sẽ không đứng yên khi chúng ta ở trong tầm với để đạt đa số. Họ, đúng hơn, sẽ mưu toan phá huỷ nền dân chủ. Trong trường hợp này, chúng ta không được chùn bước, mà phải đánh trả, và chiếm quyền lực chính trị. Và vì diễn tiến này là diễn tiến có khả năng, chúng ta phải chuẩn bị những người lao động cho việc ấy; khác đi thì chúng ta sẽ phản bội sự nghiệp. Đây là một trong các đoạn30 của Engels về vấn đề này: ‘Hiện tại .. tính hợp pháp .. hoạt động rất tốt ủng hộ chúng ta nên chúng ta có điên mới bỏ rơi nó chừng nào nó còn kéo dài. Còn phải xem liệu không phải là giai cấp tư sản .. giai cấp sẽ từ bỏ nó đầu tiên hay không nhằm nghiền nát chúng ta bằng bạo lực. Hãy bắn phát súng đầu tiên đi, các ngài tư sản! Đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, họ sẽ là người bắn đầu tiên. Một ngày đẹp trời .. giai cấp tư sản sẽ phát chán .. việc theo dõi sức mạnh gia tăng nhanh chóng của chủ nghĩa xã hội, và sẽ phải cầu viện đến sự bất hợp pháp và bạo lực’. Cái gì sẽ xảy ra sau đó được bỏ mặc một cách mập mờ. Và sự mập mờ này được dùng như một sự đe doạ; vì ở các đoạn muộn hơn, Engels nói với ‘các ngài tư sản’ theo cách sau: ‘Nếu .. các ngài vi phạm hiến pháp .. thì Đảng Dân chủ Xã hội sẽ tự do hành động, hay kiềm chế không hành động, chống lại các ngài - bất kể thứ gì nó thích nhất. Cái mà nó sẽ làm, tuy vậy, nó sẽ khó tiết lộ cho các ngài hôm nay!’
 Lí thú để thấy học thuyết này khác xa đến thế nào với quan niệm ban đầu của chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa tiên đoán rằng cách mạng sẽ đến như kết quả của áp lực gia tăng của chủ nghĩa tư bản lên những người lao động, chứ không phải như kết quả của áp lực gia tăng của một phong trào giai cấp công nhân thành công lên các nhà tư bản. Sự thay đổi chiều hướng (trở mặt) nổi bật nhất này31 cho thấy ảnh hưởng của diễn tiến xã hội thật sự, diễn tiến hoá ra là một sự giảm bớt cùng khổ. Nhưng học thuyết mới của Engels, để cho giai cấp cai trị sáng kiến cách mạng, hay chính xác hơn, sáng kiến phản cách mạng, là ngớ ngẩn về chiến thuật, và chịu số phận thất bại. Lí thuyết Marxist ban đầu dạy rằng cách mạng của những người lao động sẽ nổ ra ở chỗ sâu của một suy thoái, tức là ở thời điểm khi hệ thống chính trị bị sự đổ vỡ của hệ thống kinh tế làm yếu đi, một tình thế sẽ đóng góp to lớn cho thắng lợi của những người lao động. Nhưng nếu mời ‘các ngài tư sản’ nổ phát súng đầu tiên, thì có thể hình dung rằng họ sẽ không quá ngu ngốc để không chọn thời điểm của họ một cách khôn ngoan? Họ sẽ không chuẩn bị thích đáng cho cuộc chiến tranh mà họ sẽ tiến hành? Và vì, phù hợp với lí thuyết, họ nắm giữ quyền lực, một sự chuẩn bị như vậy không phải có nghĩa là sự huy động các lực lượng mà chống lại chúng những người lao động chẳng có thể có cơ hội mong manh nhất về thắng lợi? Sự phê phán như vậy không thể được thoả mãn bằng sửa đổi lí thuyết sao cho những người lao động không chờ đợi cho đến khi đối phương tấn công mà thử lường trước họ, vì, dựa vào giả thiết riêng của nó, sẽ luôn luôn dễ dàng cho những người nắm quyền đi trước trong các công việc chuẩn bị của họ - chuẩn bị súng trường, nếu các công nhân chuẩn bị gậy gộc, đại bác nếu họ chuẩn bị súng trường, và ném bom nếu họ chuẩn bị đại bác, v.v.
 
V
 
Nhưng phê phán này, dẫu có thực tiễn, và được kinh nghiệm củng cố, chỉ là hời hợt. Các thiếu sót của học thuyết nằm sâu hơn. Phê phán mà bây giờ tôi muốn đưa ra thử chứng tỏ rằng cả giả định trước của học thuyết lẫn các hệ quả chiến thuật của nó là chúng chắc tạo ra chính xác phản ứng chống-dân chủ đó của giai cấp tư sản mà lí thuyết tiên đoán, nhưng lại cho là kinh tởm (với sự mập mờ): sự củng cố yếu tố chống dân chủ trong giai cấp tư sản, và, kết quả là, trong nội chiến. Và chúng ta biết rằng điều này có thể dẫn đến thất bại, và đến chủ nghĩa phát xít.
Phê phán mà tôi nghĩ tới, ngắn gọn, là học thuyết chiến thuật của Engels, và, tổng quát hơn, những sự mập mờ về bạo lực và về chiếm quyền, làm cho hoạt động của nền dân chủ là không thể có được, một khi chúng được một đảng chính trị quan trọng chấp nhận. Tôi đặt cơ sở cho phê phán này trên luận điểm rằng nền dân chủ có thể hoạt động chỉ nếu các đảng chính tôn trọng triệt để quan điểm về các chức năng của nó những cái có thể được tóm tắt trong một số qui tắc như thế này (so cả mục II của chương 7):
(1) Nền dân chủ không thể được đặc trưng hoàn toàn như sự cai trị của đa số, mặc dù thể chế về tổng tuyển cử là quan trọng nhất. Vì một đa số có thể cai trị theo cách chuyên chế. (Đa số của những người thấp hơn 6 bộ [feet] có thể quyết định rằng thiểu số những người cao hơn 6 bộ sẽ nộp mọi loại thuế). Trong một nền dân chủ, quyền lực của những người cai trị phải bị hạn chế; và tiêu chuẩn của một nền dân chủ là thế này: Trong một nền dân chủ, các nhà cai trị -tức là, chính phủ - có thể bị sa thải bởi những người bị trị mà không có đổ máu. Như thế nếu những người nắm quyền không bảo vệ các thể chế mà chúng đảm bảo cho thiểu số khả năng hoạt động cho một sự thay đổi hoà bình, thì sự cai trị của họ là một chế độ chuyên chế.
(2) Chúng ta chỉ cần phân biệt giữa hai dạng chính phủ, tức là loại chính phủ có các thể chế thuộc loại này, và tất cả các loại khác, tức là các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế.
(3) Một hiến pháp dân chủ nhất quán phải loại trừ chỉ một loại thay đổi trong hệ thống pháp lí, cụ thể là một sự thay đổi có thể gây nguy hiểm cho đặc tính dân chủ của nó.
 (4) Trong một nền dân chủ, sự bảo vệ hoàn toàn của các thiểu số không được mở rộng ra cho những người vi phạm pháp luật, và đặc biệt không cho những người kích động người khác để lật đổ nền dân chủ32 bằng bạo lực.
(5) Một chính sách tạo khung khổ các thể chế để bảo vệ nền dân chủ phải luôn luôn được tiến hành trên giả thiết rằng có thể có các xu hướng chống dân chủ tiềm ẩn giữa những người bị trị cũng như giữa những nhà cai trị.
(6) Nếu nền dân chủ bị phá huỷ, mọi quyền đều bị phá huỷ. Dù là các lợi ích kinh tế nào đó, mà những người bị trị được hưởng, vẫn còn tồn tại, chúng có thể vẫn còn chỉ vì bất đắc dĩ phải chấp nhận33
(7) Nền dân chủ cung cấp một chiến trường vô giá cho bất cứ cải cách hợp lí nào, vì nó cho phép cải cách mà không có bạo lực. Nhưng nếu sự duy trì nền dân chủ không biến thành cân nhắc đầu tiên trong bất cứ cuộc chiến đấu nào được đấu tranh đến cùng trên chiến trường này, thì các xu hướng chống dân chủ tiềm tàng luôn luôn hiện diện (và chúng lôi cuốn những người chịu đựng căng thẳng của nền văn minh, như chúng ta gọi nó ở chương 10) có thể gây ra một sự đổ vỡ của nền dân chủ. Nếu một sự hiểu biết về các nguyên lí này vẫn chưa được phát triển, phải chiến đấu vì sự phát triển của nó. Chính sách ngược lại có thể hoá ra tai hoạ; nó có thể gây ra sự thất bại của cuộc chiến đấu quan trọng nhất, cuộc chiến đấu vì bản thân nền dân chủ.
Trái với một chính sách như vậy, chính sách của các đảng Marxist có thể được đặc trưng như chính sách làm cho những người lao động nghi ngờ nền dân chủ. ‘Trong thực tế nhà nước chỉ là’, Engels nói34, ‘một bộ máy đàn áp của một giai cấp đối với một giai cấp khác, và điều này đúng cho một nền dân chủ cộng hoà không kém cho một nền quân chủ’. Nhưng các quan điểm như vậy phải tạo ra:
(a) Một chính sách buộc tội nền dân chủ vì mọi xấu xa mà nó không ngăn cản được, thay cho thừa nhận rằng các nhà dân chủ phải bị lên án, và phe đối lập thường không kém phe đa số. (Mọi phe đối lập có đa số nó xứng đáng).
(b) Một chính sách giáo dục những người bị trị để coi nhà nước không phải là của họ, mà như là của những người cai trị.
(c) Một chính sách nói với họ rằng chỉ có một cách để cải thiện tình hình, đó là cách chiếm quyền lực hoàn toàn. Nhưng điều này bỏ qua một thứ thật sự quan trọng của nền dân chủ, rằng nó kiềm chế và cân bằng (check and balance) quyền lực.
Một chính sách như vậy chẳng khác gì làm công việc của những kẻ thù của xã hội mở; nó vô tình cung cấp cho họ một đội quân thứ năm (đội quân nội gián). Và ngược lại với Tuyên ngôn nói35 một cách rõ ràng rằng: ‘Bước đầu tiên trong cuộc cách mạng của giai cấp công nhân là đưa giai cấp vô sản lên địa vị giai cấp thống trị - để chiến thắng cuộc chiến cho nền dân chủ’, tôi quả quyết rằng nếu điều này được chấp nhận như bước đầu tiên, thì cuộc chiến đấu cho nền dân chủ sẽ bị bại.
Đấy là những hệ quả chung của các học thuyết chiến thuật của Engels, và của những sự mập mờ dựa vào lí thuyết về cách mạng xã hội. Rốt cuộc, chúng chỉ đơn thuần là các hậu quả của cách đặt vấn đề về hoạt động chính trị của Plato bằng cách hỏi ‘ai phải cai trị nhà nước?’ (so với chương 7). Đã đến lúc để chúng ta học rằng câu hỏi ‘ai là người nắm và sử dụng quyền lực trong nhà nước?’ chẳng mấy quan trọng khi so sánh với câu hỏi ‘quyền lực được nắm và sử dụng thế nào?’ và ‘bao nhiêu quyền lực được nắm?’ Chúng ta phải học rằng về dài hạn, tất cả các vấn đề chính trị là các vấn đề thể chế, các vấn đề về khung khổ pháp luật hơn là các vấn đề về cá nhân, và rằng sự tiến bộ về hướng bình đẳng hơn có thể được bảo vệ chỉ bằng kiểm soát thể chế của quyền lực.
 
VI
 
Như ở chương trước, bây giờ tôi sẽ minh hoạ bước thứ hai bằng cho thấy một chút cách mà theo đó lời tiên tri đã ảnh hưởng đến các diễn tiến lịch sử mới đây. Tất cả các đảng chính trị đều có loại ‘đặc lợi’ nào đó trong các nước đi không được ưa chuộng của đối thủ của họ. Họ kiếm sống bằng chúng và vì thế có thể chú ý, nhấn mạnh, và thậm chí mong đợi chúng. Họ có thể thậm chí khuyến khích các sai lầm chính trị của các đối thủ của họ chừng nào họ có thể làm vậy mà không bị dính líu trách nhiệm. Điều này, cùng với lí thuyết của Engels, đã dẫn một số đảng Marxist mong đợi các nước đi chính trị do các đối thủ của họ tiến hành chống lại dân chủ. Thay cho chiến đấu ác liệt với các nước đi như vậy, họ đã vui mừng nói cho những người đi theo mình: ‘Hãy xem bọn người đó làm gì. Đó là cái họ gọi là dân chủ. Đó là cái họ gọi là tự do và bình đẳng! Hãy nhớ nó khi đến ngày tính sổ’. (Một lối nói mơ hồ có thể nhắc đến ngày bầu cử hay ngày cách mạng). Chính sách này, chính sách để cho các đối thủ tự phơi bày, phải dẫn tới thảm hoạ, nếu mở rộng ra cho các nước đi chống lại dân chủ. Nó là chính sách nói lớn và chẳng làm gì trước mối nguy hiểm thực và ngày càng tăng đối với các thể chế dân chủ. Đó là chính sách nói chiến tranh và hành động hoà bình; và nó dạy bọn phát xít phương pháp vô giá về nói hoà bình và làm chiến tranh.
Không có nghi ngờ gì về cách theo đó tính mập mờ vừa được nói đến đã làm lợi cho các nhóm phát xít những người muốn phá huỷ nền dân chủ. Vì chúng ta phải tính đến khả năng rằng sẽ có các nhóm như vậy, và rằng ảnh hưởng của họ trong cái gọi là giai cấp tư sản sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chính sách do các đảng của những người lao động thông qua.
Thí dụ, hãy xem xét tỉ mỉ hơn việc sử dụng, được dùng trong đấu tranh chính trị, về đe doạ cách mạng hay thậm chí đe doạ bãi công chính trị (trái với các tranh chấp về lương, v.v.). Như được giải thích ở trên, câu hỏi quyết định ở đây là liệu các phương tiện như vậy được dùng như các vũ khí tấn công hay chỉ để bảo vệ nền dân chủ. Trong một nền dân chủ, chúng có thể được biện minh với tư cách một vũ khí thuần tuý tự vệ, và khi được áp dụng một cách kiên quyết trong quan hệ với một yêu sách tự vệ và rõ ràng, chúng đã được dùng thành công theo cách này. (Hãy nhớ lại sự sụp đổ nhanh chóng của cuộc đảo chính của Kapp). Nhưng nếu được dùng như một vũ khí tấn công chúng phải dẫn đến một sự tăng cường các xu hướng chống dân chủ trong phe đối thủ, vì chúng rõ ràng làm cho nền dân chủ không thể hoạt động được. Hơn nữa, cách sử dụng như vậy hẳn làm vũ khí không có hiệu quả cho phòng thủ. Nếu anh dùng roi da khi con chó còn ngoan, thì nó sẽ không có tác dụng khi anh cần chặn nó khỏi trở nên xấu. Bảo vệ nền dân chủ phải cốt ở làm cho các thử nghiệm chống dân chủ là quá tốn kém đối với những người thử chúng; tốn kém hơn nhiều so với một thoả hiệp dân chủ… Việc các công nhân sử dụng bất cứ loại áp lực phi-dân chủ nào chắc sẽ dẫn đến một phản-áp lực tương tự, hay thậm chí phản-dân chủ - khiêu khích một nước đi chống lại nền dân chủ. Một nước đi phản-dân chủ như vậy từ phía những người cai trị, tất nhiên, là nghiêm trọng hơn nhiều so với nước đi tương tự từ phía những người bị trị. Phải là nhiệm vụ của những người lao động để chiến đấu với nước đi nguy hiểm này một cách kiên quyết, để chặn nó ở khởi đầu không dễ thấy của nó. Nhưng làm sao bây giờ họ có thể chiến đấu dưới danh nghĩa dân chủ? Hành động chống-dân chủ của chính họ phải tạo cho kẻ thù của họ, và kẻ thù của nền dân chủ, một cơ hội.
Các sự kiện của diễn biến được mô tả, nếu ta muốn, có thể được diễn giải khác đi; chúng có thể dẫn đến kết luận rằng dân chủ là ‘không tốt’. Đây quả thực là kết luận mà nhiều nhà Marxist đã rút ra. Sau khi bị đánh bại trong cái họ tin là cuộc đấu tranh dân chủ (mà họ đã thua ở thời điểm họ trình bày học thuyết chiến thuật của mình), họ nói: ‘Chúng ta đã quá hiền hậu, quá nhân đạo - lần tới chúng ta sẽ làm một cuộc cách mạng thật đẫm máu!’ Cứ như là một người thua một trận đấu box đi kết luận: đấm box là không tốt – tôi sẽ phải dùng một cây gậy… Sự thực là các nhà Marxist dạy những người lao động về chiến tranh giai cấp, nhưng lại tập luyện nó cho những kẻ phản động hết sức ngoan cố của giai cấp tư sản. Marx đã nói về chiến tranh. Các đối thủ của ông đã chăm chú nghe; rồi chúng bắt đầu nói hoà bình và tố cáo những người lao động về tình trạng giao tranh; sự buộc tội này các nhà Marxist không thể phản đối, vì chiến tranh giai cấp là khẩu hiệu của họ. Và bọn phát xít đã hành động.
Cho đến đây, phân tích chủ yếu bao gồm các đảng Dân chủ Xã hội ‘cấp tiến’ hơn nào đó những người đặt cơ sở cho chính sách của họ lên học thuyết chiến thuật mơ hồ của Engels. Các kết quả thảm khốc của các chiến thuật của Engels đã tăng lên trong trường hợp của họ do thiếu một cương lĩnh thực tiễn được thảo luận ở chương trước. Nhưng những người Cộng sản cũng đã chấp nhận các chiến thuật được phê phán ở đây trong các nước nhất định và ở những giai đoạn nhất định, đặc biệt ở nơi các đảng khác của những người lao động, thí dụ các đảng Dân chủ Xã hội hay đảng Lao động, tôn trọng những qui tắc dân chủ.
Nhưng lập trường là khác với những người Cộng sản ở chừng mực họ đã có một cương lĩnh. Đó là: ‘Sao chép nước Nga!’ Điều này làm cho họ rõ ràng hơn trong các học thuyết cách mạng của họ cũng như trong khẳng định của họ rằng nền dân chủ chỉ có nghĩa là chế độ độc tài của giai cấp tư sản36. Theo khẳng định này, chẳng có thể mất mấy và có thể được cái gì đó nếu sự độc tài bị che giấu đó trở thành công khai, rõ rành rành cho tất cả mọi người; vì điều này có thể chỉ đưa cách mạng đến gần hơn37. Họ thậm chí còn hi vọng rằng một chế độ độc tài toàn trị ở Trung Âu có thể đẩy nhanh sự việc. Rốt cuộc, vì cách mạng nhất thiết sẽ đến, chủ nghĩa phát xít có thể chỉ là một trong các phương tiện dẫn đến nó; và điều này đặc biệt là như thế vì cách mạng đã rõ ràng quá hạn từ lâu. Nước Nga đã có rồi bất chấp các điều kiện kinh tế lạc hậu của nó. Chỉ các hi vọng hão huyền do nền dân chủ gây ra38 đã ngăn nó lại ở các nước tiên tiến hơn. Như thế phá huỷ nền dân chủ thông qua bọn phát xít có thể chỉ thúc đẩy cách mạng do tạo ra sự vỡ mộng cuối cùng của những người lao động về các phương pháp dân chủ. Với điều này, cánh cấp tiến của chủ nghĩa Marx39 cảm thấy rằng nó đã khám phá ra ‘bản chất’ và ‘vai trò lịch sử thật’ của chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa phát xít, về cơ bản, là vị trí cuối cùng của giai cấp tư sản. Do đó, những người Cộng sản đã không chiến đấu khi bọn phát xít tóm quyền. (Chẳng ai kì vọng những người Dân chủ Xã hội chiến đấu). Vì những người Cộng sản đã chắc chắn rằng cách mạng vô sản đã quá thời hạn và rằng khúc dạo đầu phát xít, cần thiết để tăng tốc cho nó40, không thể kéo dài hơn vài tháng. Như thế không có hành động nào được đòi hỏi từ những người Cộng sản. Họ là vô hại. Đã chẳng bao giờ có một ‘nguy cơ cộng sản’ cho việc chinh phục quyền lực phát xít. Như Einstein đã một lần nhấn mạnh, trong tất cả các nhóm được tổ chức của cộng đồng, đã chỉ có Nhà thờ, hay đúng hơn một khu vực của Nhà thờ, là đã kháng cự thật sự.
 
(*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Người dịch: Nguyễn Quang A
 
 
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 19
 
1 So Capital, 846 = H.o.M, 403.
2 Đoạn là từ Marx-Engels, Tuyên Ngôn C.S. (So H.o.M., 31 = GA, Ser. I. vol. vi, 533).
3 So Capital, 547 = H.o.M., 560 (nơi nó được Lenin trích dẫn).
Có thể đưa ra một nhận xét về từ ‘tập trung tư bản’ (mà tôi dịch ở văn bản là ‘tập trung vốn vào tay ít người’).
Ở lần xuất bản thứ ba của Capital (Capital, 689 ff.) Marx đưa ra các phân biệt sau: (a) bằng tích tụ tư bản ông muốn nói sự tăng lên đơn thuần về tổng lượng tư liệu sản xuất, thí dụ, bên trong một lĩnh vực nào đó; (b) bằng tập trung [concentration] tư bản ông muốn nói (so 689/690) sự tăng bình thường của vốn trong tay các cá nhân nhà tư bản khác nhau, một sự tăng trưởng nảy sinh từ xu hướng chung đến tích tụ và cho họ quyền điều khiển số công nhân ngày càng tăng. (c) bằng tập trung hoá [centralization] ông muốn nói (so 691) loại tăng trưởng tư bản do sự tước đoạt một số nhà tư bản bởi các nhà tư bản khác (‘một nhà tư bản hạ gục nhiều đồng bạn của ông ta’).
Trong lần xuất bản thứ hai, Marx vẫn chưa phân biệt giữa tập trung và tập trung hoá; ông dùng từ ‘tập trung’ theo cả hai nghĩa (b) và (c). Để cho thấy sự khác biệt, ta đọc ở lần xuất bản thứ ba (Capital, 691): ‘Ở đây ta có tập trung hoá thật, khác với tích tụ và tập trung’. Trong lần xuất bản thứ hai, ta đọc ở chỗ này: ‘Ở đây ta có tập trung thật, khác với tích tụ’. Sự sửa đổi, tuy vậy, không được thực hiện suốt cuốn sách, mà chỉ ở vài đoạn (đặc biệt pp. 690-3, và 846). Trong đoạn được trích ở đây trong văn bản, hành văn vẫn giữ như ở lần xuất bản thứ hai. Ở đoạn (p. 846) được trích trong văn bản cho ct. 15 ở ch. này, Marx thay ‘tập trung’ bằng ‘tập trung hoá’.
4 So Marx, Eighteenth Brumaire (H.o.M., 123; tôi nhấn mạnh = Karl Marx, Der Achtzehnte Brumaire des Louis Bonaparte, Verlag fuer Literatur und Politik. Wien-Berlin 1927, 28-28): ‘Cộng hoà tư sản đã thắng. Đứng về phía nó có giới quý tộc tài chính, tư sản công nghiệp, tầng lớp trung lưu, tiểu tư sản, quân đội, vô sản lưu manh, được tổ chức như Đội quân Di động, trí thức, giới tăng lữ, và dân cư nông thôn. Về phía giai cấp vô sản Paris chẳng có ai ngoài bản thân giai cấp vô sản’.
Phát biểu cực kì ấu trĩ của Marx về ‘người sản xuất nông thôn’, so cả ct. 43 ở ch. 20.
5 So văn bản cho ct. 11 ở ch. 18.
6 So trích dẫn ở ct. 4 ở ch. này, đặc biệt dẫn chiếu đến giai cấp trung lưu và ‘trí thức’.
Về ‘giai cấp vô sản lưu manh’, so cùng chỗ và Capital, 711 f. (Từ được dịch ở đó như ‘giai cấp vô sản ăn mặc rách rưới’).
7 Về ý nghĩa của ‘ý thức giai cấp’ theo nghĩa của Marx, xem cuối mục I ở ch. 16.
Ngoài diễn tiến khả dĩ của một tinh thần chủ bại, như được nói tới ở văn bản, có các thứ khác có thể làm xói mòn ý thức giai cấp công nhân, và có thể dẫn đến chia rẽ giai cấp lao động. Thí dụ, Lenin nói là chủ nghĩa đế quốc có thể chia rẽ công nhân bằng biếu họ một phần chiến lợi phẩm; ông viết (H.o.M., 707 = V. I. Lenin, L.L.L., Imperialism, the Highest State of Capitalism, vol. xv, 96; so cả ct. 40 ở ch. 20): ‘.. ở Anh, xu hướng của chủ nghĩa đế quốc để chia rẽ công nhân, để củng cố các kẻ cơ hội giữa họ, và để gây sa sút tạm thời trong phong trào giai cấp lao động, đã bộc lộ sớm hơn cuối thế kỉ mười chín và đầu thế kỉ hai mươi nhiều’.
H. B. Parkes nói đúng trong phân tích xuất sắc của ông, Marxism – A Post Mortem (1940; cũng được xuất bản dưới nhan đề Marxism – An Autopsy), rằng hoàn toàn có thể là các nghiệp chủ và công nhân có thể cùngnhau bóc lột người tiêu dùng; trong một ngành độc quyền hay được bảo vệ, họ có thể chia nhau chiến lợi phẩm. Khả năng này cho thấy Marx đã phóng đại sự đối kháng giữa lợi ích của các công nhân và nghiệp chủ.
Và cuối cùng có thể kể đến rằngxu hướng của hầu hết các chính phủ để tiếp tục theo đường ít kháng cự nhất, có thể dẫn đến kết quả sau. Vì các công nhân và nghiệp chủ là các nhóm được tổ chức tốt nhất và mạnh nhất về mặt chính trị trong cộng đồng, một chính phủ hiện đại có thể dễ có xu hướng thoả mãn cả hai làm hại đến người tiêu dùng. Và nó có thể làm thế mà không có một lương tâm tội lỗi; vì nó sẽ thuyết phục mình rằng nó đã làm tốt bằng thiết lập hoà bình giữa các bên đối kháng nhất trong cộng đồng.
8 So văn bản cho các ct. 17 và 18 ở ch. này.
9 Một số nhà Marxist thậm chí dám khẳng định là một cuộc cách mạng xã hội bạo lực kéo theo ít đau khổ hơn nhiều so với cái xấu kinh niên vốn có trong cái họ gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’. (So L. Laurat, Marxism and Democracy, do E. Fitzgerald dịch, 1940, p. 38, n. 2; Laurat phê phán Sidney Hook, Towards an Understanding of Marx, vì giữ các quan điểm như vậy). Tuy vậy, các nhà Marxist này không tiết lộ cơ sở khoa học của sự đánh giá này; hay nói thẳng ra, của món giả vờ lời sấm hoàn toàn vô trách nhiệm này.
10 Engels nói về Marx, nhớ lại Hegel của ông, ‘Phải dễ hiểu mà không có bình luận thêm nào rằng nếu các sự vật và các mối quan hệ qua lại của chúng được coi là khả biến thay cho là cố định, thì các hình ảnh tinh thần của chúng, các khái niệm của chúng, cũng lệ thuộc vào sự thay đổi và biến đổi; rằng người ta không cố ép chúng vào các chuồng chim định nghĩa cứng nhắc; mà, tuỳ theo tình hình, xử lí chúng theo tính chất lịch sử hay logic của quá trình mà theo đó chúng được hình thành. (So Lời nói đầu của Engels cho Das Kapital, III/1, p. xvi).
11 Không tương ứng chính xác vì những người cộng sản đôi khi theo lí luận ôn hoà hơn, đặc biệt ở các nước nơi lí luận này không được các nhà Dân chủ Xã hội trình bày. So, thí dụ, văn bản cho ct. 26 ở ch. này.
12 So các ct. 4 và 5 ở ch. 17, và văn bản; cũng như ct. 14 ở ch. này; và tương phản với các ct. 17 và 18 ở ch. này, và văn bản.
13 Tất nhiên, có các lập trường đứng giữa hai lập trường này; và cũng có các lập trường Marxist ôn hoà hơn: đặc biệt cái gọi là ‘chủ nghĩa xét lại’ của A. Bernstein. Lập trường sau, thực ra, từ bỏ chủ nghĩa Marx hoàn toàn; nó không là gì ngoài chủ trương một phong trào công nhân dân chủ và bất bạo động nghiêm ngặt.
14 Diễn biến này của Marx, tất nhiên, là một diễn giải, và không phải rất thuyết phục; thực ra Marx đã không rất nhất quán, và ông dùng từ ‘cách mạng’, ‘vũ lực’, ‘bạo lực’, v.v. với một sự mơ hồ có hệ thống. Lập trường này được áp lên ông một phần bởi sự thực là lịch sử trong suốt đời ông đã không diễn tiến theo dự kiến của ông. Nó tuân theo lí thuyết Marxist ở chừng mực nó biểu lộ cực kì rõ rệt một xu hướng rời xa cái Marx gọi là ‘chủ nghĩa tư bản’, tức là rời xa sự không-can thiệp. Marx thường xuyên nói đến xu hướng này với sự thoả mãn, thí dụ, trong Lời nói đầu của ông cho lần xuất bản Capital đầu tiên. (So trích dẫn ở ct. 16 ở ch. này; xem cả văn bản). Mặt khác, cùng xu hướng này (đến chủ nghĩa can thiệp) dẫn đến sự cải thiện số phận của công nhân trái với lí thuyết của Marx; và vì thế làm giảm khả năng của một cuộc cách mạng. Các diễn giải do dự và mơ hồ của Marx về giáo huấn của chính ông có lẽ là kết quả của tình hình này.
Để minh hoạ điểm này, có thể trích hai đoạn, một từ một tác phẩm sớm và một từ một tác phẩm muộn của Marx. Đoạn sớm là từ Gửi Liên đoàn Cộng sản (1850; so H.o.M., pp. 60 ff. =Labour Monthly, Sept. 1922, 136 ff.). Đoạn là lí thú vì nó thiết thực. Marx giả sử công nhân cùng những người dân chủ tư sản cùng nhau thắng cuộc chiến chống chủ nghĩa phong kiến và thiết lập một chế độ dân chủ. Marx nhất quyết rằng sau khi đã đạt điều này, lời hô xung trận của công nhân phải là ‘Cách mạng thường trực!’ Điều này có nghĩa là gì được giải thích kĩ (ở p. 66): ‘Họ phải hành động sao cho sự sục sôi cách mạng không tắt ngay sau thắng lợi. Ngược lại, họ phải duy trì nó càng lâu càng tốt. Còn xa mới chống cái gọi là thái quá, như từ bỏ sự trả thù của nhân dân đối với những kẻ và các công sở bị căm ghét, gắn với các kí ức thù hận, các hành động như vậy không chỉ được tha thứ, mà phải nắm lấy sự điều khiển chúng, để làm gương’. (So cả ct. 35 (1) ở ch. này, và ct. 44 ở ch. 20).
Một đoạn ôn hoà tương phản với đoạn trước có thể chọn từ Gửi Quốc tế Cộng sản thứ Nhất (Amsterdam, 1872; so L. Laurat, op. cit., p. 36): ‘Chúng ta không phủ nhận rằng có các nước, như Hoa Kì và Vương quốc Anh - nếu tôi biết các thể chế của các bạn kĩ hơn, có lẽ tôi phải kể thêm Holland – nơi công nhân sẽ có khả năng đạt các mục tiêu của họ bằng các phương tiện hoà bình. Song điều này không phải thế ở mọi nước’. Về các quan điểm ôn hoà hơn này, so cả văn bản cho các ct. 16-18 ở ch. này.
Song toàn bộ sự lẫn lộn có thể thấy ngắn gọn sớm như ở tóm tắt cuối cùng của Tuyên ngôn nơi ta thấy hai tuyên bố mâu thuẫn sau đây, chỉ cách nhau một câu: (1) ‘Tóm lại, những người Cộng sản ủng hộ ở mọi nơi mọi phong trào cách mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị hiện hành’. (Việc này phải bao gồm nước Anh, chẳng hạn). (2) ‘Cuối cùng, họ nỗ lực ở mọi nơi vì sự thống nhất và hoà hợp của các đảng dân chủ của mọi nước’. Để làm cho sự lẫn lộn hoàn toàn, câu tiếp là như sau: ‘Những người cộng sản không thèm giấu giếm các quan điểm và mục tiêu của họ. Họ tuyên bố công khai rằng mục đích của họ có thể đạt được chỉ bởi lật đổ bằng vũ lực mọi điều kiện xã hội hiện hành’. (Các điều kiện dân chủ không được loại trừ).
15 So Capital, 846 = H.o.M., 403 f. (Về từ ‘tập trung hoá’, thay ở lần xuất bản thứ ba cho từ ‘tập trung’ của lần hai, so ct. 3 ở ch. này. Về việc dịch ‘cái áo choàng tư bản chủ nghĩa của chúng trở nên cật chội, trói buộc’, có thể lưu ý rằng một cách dịch theo nghĩa đen hơn có thể là: ‘chúng trở nên không tương thích với cái áo choàng tư bản chủ nghĩa của chúng’; hay thoáng hơn một chút: ‘cái áo choàng tư bản chủ nghĩa của chúng trở nên không thể chịu nổi’).
Đoạn này bị phép biện chứng Hegelian ảnh hưởng mạnh, như đoạn tiếp sau nó cho thấy. (Hegel đôi khi gọi phản đề của một chính đề là sự phủ định của nó, và hợp đề là ‘phủ định của phủ định’). ‘Phương pháp chiếm hữu tư bản chủ nghĩa’, Marx viết, ‘.. là sự phủ định đầu tiên của sở hữu tư nhân cá thể dựa trên lao động cá thể. Nhưng với tính không thể lay chuyển nổi của một qui luật tự nhiên, sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra sự phủ định của chính nó. Đó là phủ định của phủ định. Sự phủ định thứ hai này .. thiết lập .. sở hữu chung về đất đai và tư liệu sản xuất’. (Về sự dẫn xuất biện chứng chi tiết hơn của chủ nghĩa xã hội, so ct. 5 ở ch. 18).
16 Đây là thái độ của Marx trong Lời nói đầu của ông cho lần xuất bản đầu tiên của Capital (Capital, 865), nơi ông nói: ‘Tuy nhiên, tiến bộ là không thể phủ nhận được .. Các đại diện ở nước ngoài của vua Anh .. cho chúng ta biết .. rằng ở các nước phát triển hơn ở lục địa Châu Âu, một sự thay đổi về các quan hệ giữa tư bản và lao động đúng cũng hiển nhiên và không thể tránh khỏi như ở nước Anh. .. Mr. Wade, Phó Tổng thống của Hợp chủng Quốc Bắc Mĩ .. tuyên bố ở các cuộc mít ting công khai rằng, sau khi xoá bỏ tình trạng nô lệ, một sự thay đổi triệt để về các điều kiện của tư bản và sở hữu ruộng đất sẽ là chương trình nghị sự tiếp theo!’ (So cả ct. 14 ở ch. này).
17 So Lời nói đầu của Engels, lần xuất bản tiếng Anh đầu tiên của Capital. (Capital, 887). Đoạn được trích đầy đủ hơn ở ct. 9 của ch. 17.
18 So thư của Marx cho Hyndman, ngày 8-12-1880; xem H. H. Hydman, The Record of an Adventurous Life (1911), p. 283. So cả L. Laurat, op. cit., 239. Đoạn có thể được trích ở đây đầy đủ hơn: ‘Nếu ông nói rằng ông không chia sẻ quan điểm của đảng tôi về nước Anh tôi chỉ có thể trả lời ông rằng đảng coi một cuộc cách mạng Anh là không tất yếu, song –theo các tiền lệ lịch sử - là có thể. Nếu sự tiến hoá không thể tránh khỏi biến thành một cuộc cách mạng, nó không chỉ là lỗi của các giai cấp cai trị, mà cũng là của giai cấp lao động’. (Lưu ý sự mơ hồ của lập trường).
19 H. B. Parkes, Marxism – A Post Mortem, p. 101 (so cả pp. 106 ff.), biểu lộ một quan điểm tương tự; ông khẳng định ‘niềm tin’ Marxist ‘rằng chủ nghĩa tư bản không thể được cải cách mà chỉ có thể bị tiêu diệt’ là một trong những giáo lí của lí luận Marxist về tích tụ. ‘Chấp nhận một lí luận khác nào đó’, ông nói, ‘.. và vẫn có thể cho chủ nghĩa tư bản được biến đổi bằng các phương pháp từ từ’.
20 So cuối Tuyên ngôn (H.o.M., 59 = GA, Ser. I, vol. vi, 557): ‘Những người vô sản chẳng có gì để mất trừ xiềng xích của họ. Họ được cả thế giới’.
21 So Tuyên ngôn (H.o.M., 45 = GA, Ser. I, vol. vi, 545); đoạn được trích đầy đủ hơn ở văn bản cho ct. 35 ở ch. này. – Trích dẫn cuối ở đoạn văn này là từ Tuyên ngôn, H.o.M., 35 (= GA, Ser. I, vol. vi, 536). So cả ct. 35 ở ch. này.
22 Song cải cách xã hội hiếm khi được thực hiện dưới áp lực của những người đau khổ; các phong trào tôn giáo – tôi kể cả các nhà Vị lợi – và các cá nhân (như Dickens) có thể ảnh hưởng mạnh đến công luận. Và Henry Ford phát hiện ra là tăng lương có thể có lợi cho người chủ, gây kinh ngạc cho tất cả các nhà Marxist và nhiều ‘nhà tư bản’.
23 So các ct. 18 và 21 ở ch. 18.
24 So H.o.M., 37 (= GA, Series I, vol. vi, 538).
25 So The State and Revolution, H.o.M., 756 (= State and Revolution, 77).
Đoạn trích đầy đủ là: ‘Dân chủ là rất quan trọng cho giai cấp lao động trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do chống lại các nhà tư bản. Song dân chủ không hề là một giới hạn mà người ta có thể không bước qua; nó chỉ là một trong các giai đoạn của tiến trình phát triển từ chủ nghĩa phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, và từ đó sang chủ nghĩa Cộng sản’.
Lenin nhất quyết rằng dân chủ có nghĩa chỉ là ‘bình đẳng hình thức’, So cả H.o.M., 834 (= V. I. Lenin, Cách mạng Vô sản và Kẻ Phản bội Kautsky. L.L.L., vol. xviii, 34), Lenin dùng lí lẽ Hegelian này về bình đẳng ‘hình thức’ đơn thuần chống Kautsky: ‘.. hắn chấp nhận bình đẳng hình thức mà dưới chủ nghĩa tư bản chỉ là sự lừa gạt và một món đạo đức giả ở giá trị bề mặt của nó như một sự bình đẳng de facto [trên thực tế] ..’
26 So Parkes, Marxism - A Post Mortem, p. 219.
27 Một nước đi chiến thuật như vậy là phù hợp với Tuyên ngôn tuyên bố rằng những người Cộng sản ‘nỗ lực ở mọi nơi vì sự thống nhất và hoà hợp của các đảng dân chủ của mọi nước’, nhưng nó đồng thời cũng tuyên bố ‘mục đích của họ có thể đạt được chỉ bởi lật đổ bằng vũ lực mọi điều kiện xã hội hiện hành’, bao gồm cả các điều kiện dân chủ.
Song nước đi chiến thuật như vậy phù hợp với cương lĩnh 1928; vì nó nói (H.o.M., 1036; tôi nhấn mạnh = The Programme of Communist International, Modern Books Ltd., London 1932, 61): ‘Trong xác định đường lối chiến thuật mỗi Đảng Cộng sản phải tính đến tình hình bên trong và bên ngoài cụ thể … Đảng xác định các khẩu hiệu .. với ý định để tổ chức .. quần chúng trên phạm vi rộng nhất có thể’. Song điều này không thể đạt được mà không sử dụng đầy đủ sự mập mờ có hệ thống của từ cách mạng.
28 So H.o.M., 59 và 1042 (= GA, Ser. I, vol. vi, 557, và Programme of Communist International, 65); và cuối ct. 14 ở ch. này. (Xem cả ct. 37).
29 Đây không là trích dẫn mà là một diễn giải. So, thí dụ, đoạn Lời nói đầu của Engels cho Capital bản tiếng Anh được trích ở ct. 9 ở ch. 17. Xem cả L. Laurat, op. cit., p. 240.
30 Đoạn đầu được L. Laurat, loc. cit. trích; về đoạn hai, so H.o.M., 93 = (K. Marx, The Class Struggle in France 1848-1850. Introduction by Engels. Co-operative Publishing Society of Foreign Workers in the U.S.S.R., Moscow 1934, 29). Tôi nhấn mạnh.
31 Engels ý thức được một phần là ông buộc phải đổi hướng vì ‘Lịch sử đã chứng tỏ chúng ta sai, và tất cả những người đã nghĩ như chúng ta’, như ông nói (H.o.M., 79 = K. Marx, Die Klassenkampfe in Frankreich, Vorwaerts, Berlin, 1890, 8). Song ông ý thức được chủ yếu về một sai lầm: ông và Marx đã đánh giá quá cao tốc độ phát triển. Rằng sự phát triển, thực ra, đã đi theo hướng khác, ông không bao giờ thừa nhận, mặc dù ông than phiền về nó; so văn bản cho các ct. 38-9 ở ch. 20, nơi tôi trích lời than phiền ngược đời của Engels rằng ‘giai cấp lao động thực sự ngày càng trở thành tư sản hơn’.
32 So các ct. 4 và 6 ở ch. 7.
33 Chúng có thể tiếp tục cả vì các lí do khác nữa; thí dụ, bởi vì quyền lực của bạo chúa phụ thuộc vào sự ủng hộ của một bộ phận nào đó của những người bị trị. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chế độ chuyên chế phải thực tế là một sự cai trị giai cấp, như các nhà Marxist có thể nói. Vì cho dù bạo chúa có buộc phải mua chuộc một bộ phận nào đó của dân cư, cho họ các đặc quyền kinh tế hay đặc quyền khác, điều này không có nghĩa là hắn ta bị bộ phận này ép buộc, hay rằng bộ phận này có quyền lực để đòi và thực thi các đặc quyền này như quyền của họ. Nếu không có các thể chế hiện hành cho phép bộ phận đó thực thi ảnh hưởng của nó, thì bạo chúa có thể rút lại các lợi ích mà bộ phận này được hưởng và tìm sự ủng hộ từ các bộ phận khác.
34 So H.o.M., 171 (= K. Marx, Civil War in France, Intr. by Engels. Martin Lawrence, London 1933, 19). (Xem cả H.o.M., 833 = The Proletarian Revolution, 33-34).
35 So H.o.M., 45 (= GA, Ser. I, vol. vi, 545). Xem cả ct. 21 ở ch. này. So thêm đoạn sau từ Tuyên ngôn (H.o.M., 37 =GA, Ser. I, vol. 538): ‘Mục tiêu trước mắt của những người Cộng sản là .. chiếm quyền lực chính trị bởi giai cấp vô sản’.
(1) Lời khuyên chiến thuật hẳn dẫn đến thất bại của cuộc chiến đấu của dân chủ được Marx nêu chi tiết ở Gửi Liên đoàn Cộng sản của ông. (H.o.M., 67 = Labour Monthly, Sept. 1922, 143; so cả ct. 14 ở ch. này và ct. 44 ở ch. 20). Ở đó Marx giải thích, sau khi đã đạt dân chủ, thái độ phải lấy đối với đảng dân chủ mà, theo Tuyên ngôn, những người cộng sản phải thiết lập ‘sự thống nhất và hoà hợp’. Marx nói: ‘Tóm lại, từ phút đầu của thắng lợi, không còn phải hướng sự ngờ vực của chúng ta chống lại kẻ thù phản động bị đánh bại, mà chống lại các đồng minh trước kia của chúng ta’ (tức là các nhà dân chủ).
 Marx đòi ‘việc vũ trang toàn bộ giai cấp vô sản bằng súng trường, súng, và đạn dược phải được tiến hành ngay’ và ‘công nhân phải cố tổ chức thành một đội quân độc lập, với các chỉ huy và bộ tham mưu riêng của mình’. Mục tiêu là ‘để Chính phủ dân chủ tư sản không chỉ mất ngay mọi sự ủng hộ của công nhân, mà ngay từ đầu thấy mình dưới sự giám sát và đe doạ của uy quyền có toàn bộ giai cấp lao động đứng đằng sau’.
Rõ ràng, chính sách này nhất định phá tan nền dân chủ. Nó nhất thiết khiến Chính phủ quay ra chống công nhân không sẵn sàng tuân theo luật, mà thử chi phối bằng các lời đe doạ. Marx cố thứ lỗi cho mưu mô của ông bằng lời tiên tri (H.o.M., 68 và 67 = Labour Monthly, Sept. 1922, 143): ‘Ngay khi Chính phủ mới được thiết lập họ sẽ bắt đầu đánh công nhân’, và ông nói: ‘Để cho chính phủ này’ (tức chính phủ dân chủ) ‘với sự phản bội các công nhân của nó, từ giờ đầu của chiến thắng, sẽ bắt đầu phải nản chí trong công việc bất chính của nó, cần tổ chức và vũ trang giai cấp vô sản’. Tôi nghĩ các chiến thuật của ông sẽ tạo ra chính xác kết quả bất chính mà ông tiên tri. Chúng sẽ làm cho lời tiên tri lịch sử của ông trở thành đúng. Thật vậy, nếu giả như các công nhân làm theo cách này, mọi người dân chủ theo nghĩa của ông sẽ buộc phải (cho dù, và đặc biệt nếu, anh ta muốn thúc đẩy sự nghiệp của những người bị áp bức) gia nhập cái Marx mô tả như sự phản bội các công nhân, và để chiến đấu chống lại những kẻ muốn phá tan các thể chế dân chủ bảo vệ cá nhân khỏi lòng nhân từ của các bạo chúa hay các Nhà Độc Tài Vĩ đại.
Tôi có thể nói thêm rằng các đoạn được trích là phát biểu tương đối sớm của Marx và ý kiến chín muồi hơn của ông có lẽ hơi khác và dù sao đi nữa mơ hồ hơn. Nhưng điều này không làm giảm sự thực là các đoạn sớm hơn này đã có ảnh hưởng lâu dài, và họ thường hành động dựa vào chúng, làm hại tất cả những người liên quan.
(2) Liên quan đến điểm (b) trong văn bản ở trên, có thể trích một đoạn từ Lenin (H.o.M., 744 = The Proletarian Revolution, 30): ‘.. giai cấp lao động nhận thức hoàn toàn rõ, rằng các nghị viện tư sản là các thể chế xa lạ với họ, rằng chúng là các công cụ áp bức giai cấp vô sản bởi giai cấp tư sản, rằng chúng là các định chế của giai cấp thù địch, của thiểu số bóc lột’. Rõ ràng là các câu chuyện này đã không khuyến khích công nhân đi bảo vệ nền dân chủ nghị viện chống lại cuộc tấn công của bọn phát xít.
36 So Lenin, State and Revolution, 68 (= H.o.M.,744): ‘Dân chủ .. cho kẻ giàu, đó là dân chủ của xã hội tư bản .. Marx đã hiểu thấu bản chất của dân chủ tư sản một cách tài ba khi .. ông nói rằng người bị áp bức, vài năm một lần, được phép quyết định các đại diện cá biệt nào của giai cấp áp bức sẽ .. áp bức họ!’. Xem cả các ct. 1 và 2 ở ch. 17.
37 Lenin viết ở Left-Wing Communism, An Infantile Disorder, L.L.L. vol. xvi, 72-73(= H.o.M., 884 f.; tôi nhấn mạnh): ‘.. mọi sự chú ý phải tập trung vào bước tiếp .. về tìm ra các hình thức quá độ hay tiếp cận đến cách mạng vô sản. Đội tiên phong vô sản đã được thuyết phục về ý thức hệ .. Song từ bước đầu tiên này con đường đến thắng lợi vẫn còn dài… Để cho toàn bộ giai cấp .. có thể lấy một quan điểm như vậy, riêng tuyên truyền và cổ động là không đủ. Quần chúng phải có kinh nghiệm chính trị của riêng mình. Qui luật cơ bản của mọi cuộc cách mạng lớn là như vậy ..: cần .. thông qua kinh nghiệm đau đớn của chính họ để nhận ra .. tính tuyệt đối không thể tránh được của một nền độc tài của bọn phản động cực độ .. như lựa chọn duy nhất cho một nền độc tài của giai cấp vô sản, nhằm hướng họ một cách kiên quyết về hướng chủ nghĩa cộng sản.
38 Như mong đợi, mỗi đảng Marxist cố đổ lỗi thất bại cho đảng khác; đảng này đổ lỗi cho đảng kia vì chính sách tai hoạ của nó, và đến lượt bị đảng kia đổ lỗi vì duy trì niềm tin của công nhân vào khả năng chiến thắng cuộc chiến dân chủ. Hơi mỉa mai là bản thân Marx đã cho một mô tả xuất sắc khớp rất chi tiết với phương pháp đổ lỗi cho hoàn cảnh này, và đặc biệt cho đảng cạnh tranh, vì thất bại của nó. (Mô tả này, tất nhiên, Marx nhắm chống nhóm cánh tả tranh đua của thời ông). Marx viết (H.o.M., 130; nhấn mạnh cuối là do tôi = V. I. Lenin, The Teachings of Karl Marx, L.L.L. vo. i, 55): ‘Họ không cần xét các nguồn lực riêng của họ quá trầm trọng. Họ chỉ cần cho tín hiệu, và nhân dân, với tất cả nguồn lực vô tận của nó, sẽ tấn công các kẻ áp bức. Nếu, trong sự kiện thực, sức mạnh .. của họ tỏ ra là hoàn toàn bất lực, thì lỗi là ở hoặc các nhà nguỵ biện độc hại’ (có lẽ là đảng khác) ‘chia rẽ nhân dân đoàn kết thành các phe thù địch, hoặc ..toàn bộ sự việc đã bị một chi tiết về thực hiện làm tan vỡ, hoặc, hiện thời, một tai nạn không lường trước đã làm hỏng cuộc chơi. Trong bất cứ tình huống nào người dân chủ’ (hay phản-dân chủ) ‘trong trắng ra khỏi thất bại ô nhục nhất, hệt như anh ta ngây thơ bước vào nó, với một niềm tin chắc mới có được rằng anh ta là người được định sẵn để chiến thắng; cả anh ta lẫn đảng anh ta không cần phải từ bỏ lập trường cũ của mình, mà, ngược lại, các điều kiện phải chín muồi, để chuyển theo hướng của anh ta ..
39 Tôi nói ‘cánh cấp tiến’, vì diễn giải lịch sử chủ nghĩa này về chủ nghĩa phát xít như một giai đoạn không tránh khỏi trong sự phát triển không thể lay chuyển nổi, đã được các nhóm xượt xa đội ngũ của những người Cộng sản tin và bảo vệ. Ngay cả một số lãnh tụ công nhân thành Viên những người đã đề nghị một cuộc kháng chiến anh dũng nhưng muộn màng và được tổ chức tồi chống chủ nghĩa phát xít vẫn tin một cách trung thực rằng chủ nghĩa phát xít là một bước cần thiết trong sự phát triển lịch sử đến chủ nghĩa xã hội. Nhiều như họ căm ghét nó, họ cảm thấy buộc phải coi ngay cả chủ nghĩa phát xít như một bước tiến, đưa nhân dân đau khổ đến gần mục đích cuối cùng.
40 So đoạn được trích ở ct. 37 ở ch. này.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570370

Hôm nay

2119

Hôm qua

2287

Tuần này

2119

Tháng này

228894

Tháng qua

129483

Tất cả

114570370