Bước này không chỉ là quan trọng nhất trong toàn bộ lí thuyết của ông, nó cũng là một bước mà ông đã dành hầu hết công sức của mình, vì hầu như toàn bộ ba tập của Tư bản (hơn 2.200 trang ở lần xuất bản đầu tiên1) được dành cho việc trau chuốt nó. Nó cũng là bước ít trừu tượng nhất của lí lẽ vì nó dựa vào một phân tích mô tả, được hỗ trợ bởi các số liệu thống kê, về hệ thống kinh tế của thời ông – hệ thống kinh tế của chủ nghĩa tư bản vô độ [chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế]2. Như Lenin diễn đạt: ‘Marx suy diễn ra tính không thể tránh khỏi của sự biến đổi xã hội tư bản chủ nghĩa sang chủ nghĩa xã hội hoàn toàn và chỉ riêng từ qui luật kinh tế về sự vận động của xã hội đương thời’.
Trước khi tiến hành giải thích chi tiết một chút bước đầu tiên của lí lẽ tiên tri của Marx, tôi sẽ thử mô tả các ý tưởng chính của nó ở dạng một phác hoạ rất ngắn gọn.
Marx tin rằng cạnh tranh tư bản chủ nghĩa ép nhà tư bản làm những việc không muốn. Nó buộc nhà tư bản tích tụ vốn. Bằng cách làm như vậy, ông ta hành động chống lại các lợi ích kinh tế dài hạn của chính mình (vì tích tụ vốn có thể dẫn đến một sự sa sút lợi nhận của ông ta). Nhưng dẫu cho hoạt động chống lại lợi ích cá nhân của riêng mình, ông hoạt động vì lợi ích của sự phát triển lịch sử; ông ta làm việc, không chủ tâm, cho tiến bộ kinh tế, và cho chủ nghĩa xã hội. Điều này là do sự thực rằng tích tụ vốn (tư bản) có nghĩa là (a) năng suất tăng lên; tăng của cải; và tập trung của cải vào tay số ít người; (b) tăng tình trạng bần cùng và nghèo khổ; các công nhân vẫn cứ giữ lương đủ sống hay đồng lương chết đói, chủ yếu bởi sự thực rằng những người lao động dư thừa, được gọi là ‘đội quân dự bị công nghiệp’, giữ lương ở mức thấp nhất có thể. Chu kì thương mại, trong bất cứ khoảng thời gian nào, ngăn cản công nghiệp gia tăng thu hút công nhân dư thừa. Các nhà tư bản không thể thay đổi điều này, cho dù họ muốn làm vậy; vì sự sa sút suất lợi tức của họ làm cho địa vị kinh tế của chính họ quá bấp bênh cho bất cứ hành động có kết quả nào. Theo cách này, sự tích tụ tư bản chủ nghĩa hoá ra là một quá trình tự sát và tự mâu thuẫn, cho dù nó nuôi dưỡng tiến bộ kĩ thuật, kinh tế, và lịch sử tiến đến chủ nghĩa xã hội.
I
Các tiền đề của bước thứ nhất là các qui luật về cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, và về tích tụ tư liệu sản xuất. Kết luận là qui luật về tăng của cải và nghèo khổ. Tôi bắt đầu thảo luận của mình với một giải thích về các tiền đề và kết luận này.
Dưới chủ nghĩa tư bản, sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản đóng một vai trò quan trọng. ‘Cuộc chiến cạnh tranh’, như được Marx phân tích trong Tư bản3, được thực hiện bằng bán các hàng hoá được sản xuất ra, nếu có thể với giá thấp hơn giá đối thủ cạnh tranh có thể có đủ sức chấp nhận. ‘Nhưng sự rẻ của một mặt hàng’, Marx giải thích, ‘đến lượt nó lại phụ thuộc, các thứ khác ngang nhau, vào năng suất lao động; và cái này, lại, phụ thuộc vào qui mô sản xuất’. Vì sản xuất ở qui mô rất lớn nói chung có khả năng sử dụng máy móc chuyên dụng hơn, và một số lượng máy lớn hơn; điều này làm tăng năng suất của các công nhân, và cho phép nhà tư bản sản xuất, và bán, với giá thấp hơn. ‘Các nhà tư bản lớn, vì thế, thắng các nhà tư bản nhỏ… Cạnh tranh luôn luôn kết thúc với sự suy sụp của nhiều nhà tư bản bé hơn và với việc chuyển vốn của họ vào tay kẻ chinh phục’. (Sự vận động này, như Marx chỉ ra, được hệ thống tín dụng làm tăng tốc).
Theo phân tích của Marx, quá trình được mô tả, tích tụ nhờ cạnh tranh, có hai khía cạnh khác nhau. Một là, nhà tư bản buộc phải tích tụ hay tập trung nhiều và nhiều vốn hơn, để sống sót; điều này trong thực tiễn có nghĩa là đầu tư nhiều và nhiều vốn hơn vào nhiều và nhiều máy móc hơn cũng như máy móc mới và mới hơn, như thế liên tục làm tăng năng suất của các công nhân của ông ta. Khía cạnh thứ hai của tích tụ tư bản là sự tập trung (concentration) nhiều và nhiều của cải hơn vào tay của các nhà tư bản khác nhau, và của giai cấp tư bản; và đi cùng với nó là sự giảm bớt số lượng các nhà tư bản, một sự vận động mà Marx gọi là sự tập trung hoá (centralization)4 tư bản (tương phản với tích tụ hay tập trung [concentration] đơn thuần).
Mà ba trong các thuật ngữ này, cạnh tranh, tích tụ, và năng suất tăng lên, biểu thị các xu hướng cơ bản của mọi sự sản xuất tư bản chủ nghĩa, theo Marx; chúng là các xu hướng mà tôi ám chỉ đến khi tôi mô tả tiền đề của bước thứ nhất như ‘các qui luật về cạnh tranh tư bản chủ nghĩa và về tích tụ’. Thuật ngữ thứ tư và thứ năm, sự tập trung [concentration] và tập trung hoá [centralization], tuy vậy, biểu thị một xu hướng cái tạo thành một phần của kết luận của bước thứ nhất; vì chúng mô tả một xu hướng tiến tới một sự tăng của cải liên tục, và sự tập trung hoá của nó vào tay ngày càng ít người. Phần khác của kết luận, qui luật sự nghèo khổ tăng lên, tuy vậy, chỉ có thể đạt được bằng một lập luận phức tạp hơn nhiều. Nhưng trước khi bắt đầu một sự giải thích về lí lẽ này, đầu tiên tôi phải giải thích bản thân kết luận thứ hai này.
Thuật ngữ ‘sự nghèo khổ tăng lên’, như được Marx dùng, có thể có nghĩa là hai thứ khác nhau. Nó có thể được dùng để mô tả phạm vi nghèo khổ, biểu thị rằng nó trải ra một số lượng người ngày càng tăng; hay nó có thể được dùng để biểu thị một sự tăng lên về cường độ đau khổ của người dân. Marx rõ ràng tin là sự nghèo khổ tăng lên cả về phạm vi và về cường độ. Điều này, tuy vậy, là nhiều hơn cái ông cần để thuyết phục người ta chấp nhận lí lẽ của ông. Cho mục đích của lí lẽ tiên tri, một diễn giải rộng hơn của thuật ngữ ‘sự nghèo khổ tăng lên’ có thể làm tốt hệt như vậy (nếu không tốt hơn5); một diễn giải, cụ thể là, theo đó phạm vi nhèo khổ tăng lên, trong khi cường độ của nó có thể hay có thể không tăng, nhưng dù sao đi nữa không cho thấy bất cứ sự giảm rõ rệt nào.
Nhưng cần đưa ra một nhận xét thêm nữa và quan trọng hơn nhiều. Sự nghèo khổ tăng lên, đối với Marx, về cơ bản kéo theo một sự bóc lột tăng lên của các công nhân làm thuê; không chỉ về số lượng mà cả về cường độ. Phải thừa nhận rằng ngoài ra nó kéo theo một sự tăng lên về sự đau khổ cũng như về số lượng của những người thất nghiệp, mà Marx gọi là6 ‘dân cư dư thừa’ (tương đối) hay ‘đội quân dự bị công nghiệp’. Nhưng chức năng của những người thất nghiệp, trong quá trình này, là để tạo áp lực lên các công nhân làm thuê, như thế giúp các nhà tư bản trong các nỗ lực của họ để kiếm lợi nhuận từ các công nhân làm thuê, để bóc lột họ. ‘Đội quân dự bị công nghiệp’, Marx viết7, ‘thuộc về chủ nghĩa tư bản hệt cứ như thể là các thành viên của nó được các nhà tư bản nuôi nấng với chi phí riêng của họ. Cho các nhu cầu thay đổi của chính nó, tư bản tạo ra một cung luôn luôn sẵn sàng về vật liệu người có thể bóc lột được… Trong các giai đoạn suy thoái hay nửa-phồn vinh, đội quân dự bị công nghiệp giữ vững áp lực lên hàng ngũ các công nhân làm thuê; và trong các giai đoạn sản xuất quá mức và hưng thịnh, nó được dùng để kiềm chế các khát vọng của họ’. Sự nghèo khổ gia tăng, theo Marx, về cơ bản là sự bóc lột gia tăng của sức lao động; và bởi vì sức lao động của những người thất nghiệp không bị bóc lột, họ có thể phục vụ trong quá trình này chỉ như những người giúp việc không được trả lương của các nhà tư bản trong việc bóc lột các công nhân làm thuê. Điểm này là quan trọng vì muộn hơn các nhà Marxist thường nhắc đến sự thất nghiệp như một trong các sự thực kinh nghiệm những cái xác nhận lời tiên tri rằng sự nghèo khổ có xu hướng tăng lên; nhưng sự thất nghiệp có thể được cho là xác nhận lí thuyết của Marx chỉ nếu nó xảy ra cùng với sự bóc lột gia tăng của các công nhân làm thuê, tức là với số giờ làm việc dài và với lương thực tế thấp.
Điều này có thể đủ để giải thích thuật ngữ ‘sự nghèo khổ tăng lên’. Nhưng vẫn cần để giải thích qui luật về sự nghèo khổ tăng lên mà Marx tự cho là đã khám phá ra. Bằng cái này tôi muốn nói đến học thuyết của Marx mà trên đó toàn bộ lí lẽ tiên tri phụ thuộc vào; cụ thể là, học thuyết cho rằng chủ nghĩa tư bản không thể có lẽ có đủ sức để giảm sự nghèo khổ của các công nhân, vì cơ chế của tích tụ tư bản chủ nghĩa đặt nhà tư bản dưới một áp lực kinh tế mạnh mà ông ta buộc phải chuyển cho các công nhân nếu ông ta không chịu thua. Đây là vì sao các nhà tư bản không thể thoả hiệp, vì sao họ không thể thoả mãn bất cứ đòi hỏi quan trọng nào của các công nhân, cho dù họ muốn làm vậy; đây là vì sao ‘chủ nghĩa tư bản không thể được cải cách mà chỉ có thể bị tiêu diệt’8. Rõ ràng qui luật này là kết luận quyết định của bước thứ nhất. Kết luận khác, qui luật về sự giàu có tăng lên, sẽ là một vấn đề vô hại, giá mà các công nhân có thể chia sẻ sự gia tăng của cải. Luận điểm của Marx rằng điều này là không thể có được, vì thế, sẽ là đề tài chính của phân tích phê phán của chúng ta. Nhưng trước khi tiến hành một trình bày và phê phán các lí lẽ của Marx ủng hộ cho luận điểm này, tôi có thể bình luận ngắn gọn về phần đầu của kết luận, lí thuyết về sự giàu có gia tăng.
Xu hướng tiến tới tích tụ và tập trung của cải, mà Marx quan sát thấy, khó có thể bị nghi ngờ. Lí thuyết của ông về năng suất tăng lên cũng vậy, nhìn chung, là không thể bắt bẻ được. Mặc dù có thể có các giới hạn đối với các tác động tốt do sự tăng trưởng của một doanh nghiệp mang lại cho năng suất của nó, hầu như không có bất cứ giới hạn nào đối với các tác động tốt của sự cải thiện và tích tụ máy móc. Nhưng về xu hướng tiến đến tập trung hoá tư bản vào tay ngày càng ít người hơn, vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Không nghi ngờ gì, có một xu hướng theo chiều đó, và chúng ta có thể thừa nhận rằng dưới hệ thống tư bản chủ nghĩa vô độ, không bị kiềm chế, có ít lực chống lại. Chẳng có thể nói mấy chống lại phần phân tích này của Marx với tư cách một mô tả về một chủ nghĩa tư bản vô độ. Nhưng xét như một lời tiên tri, nó ít có thể đứng vững hơn. Vì chúng ta biết rằng bây giờ có nhiều phương tiện mà pháp luật có thể dùng để can thiệp. Đánh thuế và thuế lúc chết [sau này là thuế thừa kế N.D.] có thể được dùng hiệu quả nhất để chống lại tập trung hoá, và chúng đã được sử dụng theo cách ấy. Và luật pháp chống-độc quyền [anti-trust] cũng có thể được dùng, tuy có lẽ với kết quả ít hơn. Để đánh giá sức thuyết phục của lí lẽ tiên tri của Marx chúng ta phải xem xét khả năng về những cải thiện to lớn theo hướng này; và như trong các chương trước, tôi phải tuyên bố rằng lí lẽ trên đó Marx đặt cơ sở cho lời tiên tri này về sự tập trung hoá hay về sự giảm bớt số lượng của các nhà tư bản là không đi đến kết luận.
Sau khi đã giải thích các tiền đề và những kết luận chính của bước thứ nhất, và bác bỏ kết luận đầu tiên, bây giờ chúng ta có thể hoàn toàn tập trung chú ý vào suy diễn của Marx ra các kết luận khác, ra qui luật tiên tri về sự nghèo khổ tăng lên. Ba xu hướng tư duy khác nhau có thể được phân biệt trong các nỗ lực của ông để thiết lập lời tiên tri này. Chúng sẽ được đề cập ở bốn mục tiếp của chương này dưới các tiêu đề: II: lí thuyết về giá trị; III: tác động của dân cư dư thừa lên lương; IV: chu kì thương mại; V: các tác động của tỉ suất lợi nhuận giảm sút.
II
Lí thuyết giá trị của Marx, thường được các nhà Marxist cũng như những người chống-Marxist coi như một hòn đá tảng của tín điều Marxist, theo ý tôi là một trong các phần hơi không quan trọng; quả thực, lí do duy nhất vì sao tôi sẽ đề cập đến nó, thay cho tiến hành ngay mục tiếp theo, là nó nói chung được coi là quan trọng, và rằng tôi không thể bảo vệ các lí do của tôi về khác các ý kiến này mà không thảo luận lí thuyết ấy. Nhưng tôi muốn làm rõ ngay lập tức rằng coi lí thuyết giá trị là phần thừa của chủ nghĩa Marx, tôi bảo vệ Marx hơn là tấn công ông. Vì có ít nghi ngờ rằng nhiều nhà phê bình những người đã chứng tỏ lí thuyết giá trị bản thân nó là rất yếu nhìn chung là hoàn toàn đúng. Nhưng ngay cho dù giả như họ sai, nó sẽ chỉ củng cố địa vị của chủ nghĩa Marx nếu có thể chứng minh rằng các học thuyết lịch sử-chính trị quyết định của nó có thể được phát triển hoàn toàn độc lập với một lí thuyết có thể gây tranh cãi như vậy [lí thuyết giá trị].
Ý tưởng về cái gọi là lí thuyết lao động về giá trị 9, được Marx cải biên cho các mục đích của ông từ các gợi ý ông thấy ở các bậc tiền bối của mình (ông đặc biệt nhắc đến Adam Smith và David Ricardo), là khá đơn giản. Nếu bạn cần một thợ mộc, bạn phải trả ông ta theo giờ. Nếu bạn hỏi ông ta vì sao một công việc nào đó lại đắt hơn công việc khác, ông ta sẽ chỉ ra rằng nó tốn nhiều công hơn. Ngoài lao động, tất nhiên bạn phải trả tiền gỗ. Nhưng nếu bạn xem xét việc này tỉ mỉ hơn, thì bạn thấy là mình trả tiền, một cách gián tiếp, cho lao động gắn với việc trồng rừng, đẵn cây, chuyên chở, cưa, v.v. Sự cân nhắc này gợi ý một lí thuyết tổng quát rằng bạn phải trả cho một công việc, hay cho bất cứ mặt hàng nào bạn có thể mua, đại thể tỉ lệ với khối lượng lao động ở trong nó, tức là với số giờ lao động cần thiết cho việc sản xuất ra nó.
Tôi nói ‘đại thể’ bởi vì các giá thực tế lên xuống. Nhưng luôn luôn, hay chí ít có vẻ thế, có cái gì đó ổn định hơn ở đằng sau những giá này, một loại giá trung bình mà quanh nó giá thực tế dao động10, được đặt tên là ‘giá trị trao đổi’ hay, ngắn gọn, là ‘giá trị’ của thứ ấy. Dùng ý tưởng tổng quát này, Marx định nghĩa giá trị của một mặt hàng như số giờ lao động trung bình cần thiết để sản xuất ra nó (hay cần cho sự tái sản xuất ra nó).
Tư tưởng tiếp theo, ý tưởng về lí thuyết về giá trị thặng dư, cũng gần đơn giản như thế. Nó cũng được Marx cải biên từ các tiền bối của ông. (Engels khẳng định11 – có lẽ sai, nhưng tôi sẽ đi theo trình bày của ông về vấn đề - rằng nguồn chủ yếu của Marx là Ricardo). Lí thuyết về giá trị thặng dư là một cố gắng, trong các giới hạn của lí thuyết lao động về giá trị, để trả lời câu hỏi: ‘Nhà tư bản kiếm lợi nhuận thế nào?’ Nếu chúng ta giả sử rằng các mặt hàng được sản xuất trong nhà máy của ông ta được bán trên thị trường với giá trị thật của chúng, tức là theo số giờ lao động cần thiết cho việc sản xuất ra chúng, thì cách duy nhất theo đó nhà tư bản có thể kiếm lợi nhuận là trả các công nhân của mình ít hơn giá trị đầy đủ của sản phẩm của họ. Như vậy lương mà công nhân nhận được, đại diện cho một giá trị không bằng với số giờ anh ta đã làm. Và do đó chúng ta có thể chia ngày làm việc của anh ta thành hai phần, thời gian anh ta tốn để sản xuất ra giá trị tương đương với lương của mình và thời gian anh ta dùng để tạo ra giá trị cho nhà tư bản12. Và vì lẽ đó, chúng ta có thể chia toàn bộ giá trị do công nhân tạo ra thành hai phần, giá trị bằng với lương của anh ta, và phần còn lại, được gọi là giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư này bị nhà tư bản chiếm đoạt và là cơ sở duy nhất cho lợi nhuận của ông ta.
Cho đến đây, câu chuyện là khá đơn giản. Nhưng bây giờ nổi lên một khó khăn lí thuyết. Toàn bộ lí thuyết giá trị được đưa vào nhằm để giải thích giá cả thực tế tại đó mọi hàng hoá được trao đổi; và vẫn giả thiết rằng nhà tư bản có khả năng nhận được trên thị trường giá trị đầy đủ của sản phẩm của mình, tức là giá tương ứng với tổng số giờ tốn cho nó. Nhưng có vẻ cứ như là công nhân không nhận được đầy đủ giá của mặt hàng mà anh ta bán cho nhà tư bản trên thị trường lao động. Có vẻ cứ như là anh ta bị lừa, hay bị lấy trộm; dẫu sao đi nữa, cứ như là anh ta không được trả phù hợp với qui luật chung được lí thuyết giá trị cho là đúng, cụ thể là, tất cả giá thực tế được trả, chí ít ở ý nghĩa gần đúng đầu tiên, được quyết định bởi giá trị của mặt hàng. (Engels nói rằng vấn đề đã được các nhà kinh tế thuộc cái mà Marx gọi là ‘trường phái Ricardo’ nhận ra; và ông khẳng định13 rằng sự bất lực của họ để giải quyết nó đã dẫn đến sự sụp đổ của trường phái này). Dường như có lời giải có vẻ là một giải pháp khá hiển nhiên cho khó khăn này. Nhà tư bản chiếm một độc quyền về tư liệu sản xuất, và quyền lực kinh tế ưu việt này có thể được dùng để ức hiếp công nhân vào một thoả thuận vi phạm qui luật giá trị. Nhưng giải pháp này (mà tôi coi là một mô tả khá hợp lí về tình hình) hoàn toàn phá huỷ lí thuyết lao động về giá trị. Vì bây giờ hoá ra là một số giá nhất định, cụ thể là lương, hay giá lao động không tương ứng với giá trị của chúng, không ngay cả ở phép gần đúng đầu tiên. Và điều này mở ra khả năng rằng điều này có thể đúng với các giá khác vì các lí do tương tự.
Tình hình là như thế khi Marx bước lên sân khấu nhằm cứu vớt lí thuyết lao động về giá trị khỏi bị phá huỷ. Với sự giúp đỡ của một ý tưởng khác đơn giản nhưng xuất chúng, ông đã thành công chứng tỏ rằng lí thuyết về giá trị thặng dư không những tương thích với lí thuyết lao động về giá trị mà rằng nó có thể được suy diễn một cách cứng nhắc từ cái sau. Nhằm đạt được suy diễn này, chúng ta chỉ cần hỏi chính mình: cái gì, chính xác, là mặt hàng mà công nhân bán cho nhà tư bản? Câu trả lời của Marx là: không phải là các giờ lao động của anh ta, mà là toàn bộ sức lao động của anh ta. Cái mà nhà tư bản mua hay thuê trên thị trường lao động là sức lao động của công nhân. Chúng ta hãy giả sử, không quả quyết, rằng hàng hoá này được bán ở giá trị thật của nó. Giá trị của nó là gì? Theo định nghĩa của giá trị, giá trị của sức lao động là số giờ lao động trung bình cần thiết cho việc tạo ra nó hay tái tạo ra nó. Nhưng cái này, rõ ràng, không là gì ngoài số giờ cần thiết để tạo ra các phương tiện sinh tồn của công nhân (và của gia đình anh ta).
Như thế Marx đi đến kết quả sau đây. Giá trị thật của toàn bộ sức lao động của công nhân bằng với số giờ lao động cần thiết để tạo ra các phương tiện sinh tồn của anh ta. Sức lao động được bán với giá này cho nhà tư bản. Nếu công nhân có khả năng làm việc dài hơn thế, thì lao động thặng dư của anh ta thuộc về người mua hay người thuê sức lao động của anh ta. Năng suất lao động càng cao, công nhân có thể sản xuất càng nhiều mỗi giờ, số giờ cần để tạo ra sự đảm bảo sự tồn tại của anh ta càng ít, và số giờ còn lại cho sự bóc lột càng nhiều. Điều này cho thấy rằng cơ sở của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa là năng suất cao của lao động. Nếu trong một ngày công nhân có thể sản xuất không nhiều hơn nhu cầu hàng ngày của chính anh ta, thì sự bóc lột là không thể có mà không có sự vi phạm qui luật giá trị; nó sẽ chỉ có thể bằng cách lừa gạt, ăn cướp, hay giết người. Nhưng một khi năng suất lao động, do đưa máy móc vào, đã tăng cao đến mức một người có thể sản xuất nhiều hơn nhu cầu của anh ta nhiều, thì sự bóc lột tư bản chủ nghĩa trở nên có thể. Nó là có thể ngay cả trong một xã hội tư bản chủ nghĩa ‘lí tưởng’ theo nghĩa rằng mọi hàng hoá, kể cả sức lao động, được mua và bán ở giá trị thật của nó. Trong một xã hội như vậy, sự bất công về bóc lột không nằm ở sự thực là công nhân không được trả một ‘giá thích đáng’ cho sức lao động của anh ta, mà đúng hơn ở sự thực rằng anh ta nghèo đến mức buộc phải bán sức lao động của mình, trong khi nhà tư bản là đủ giàu để mua sức lao động với số lượng lớn, và để kiếm lợi nhuận từ đó.
Bằng cách dẫn ra này14 của lí thuyết giá trị thặng dư, Marx trước mắt đã cứu lí thuyết lao động về giá trị khỏi bị phá huỷ; và bất chấp sự thực rằng tôi coi toàn bộ ‘vấn đề giá trị’ (theo nghĩa của một giá trị thật sự ‘khách quan’ mà quanh đó giá cả dao động) là không liên quan, tôi rất sẵn sàng thừa nhận rằng đây là một thành công lí thuyết bậc đầu tiên. Nhưng Marx đã làm nhiều hơn việc cứu một lí thuyết ban đầu do ‘các nhà kinh tế tư sản’ đưa ra. Với một nét bút, ông đã cho một lí thuyết về bóc lột và một lí thuyết giải thích vì sao lương của công nhân có khuynh hướng dao động xung quanh mức sinh tồn (hay mức chết đói). Nhưng thành công lớn nhất là ông đã có thể cho một giải thích, một giải thích hoà hợp với lí thuyết kinh tế của ông về hệ thống pháp lí, về sự thực rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có khuynh hướng chấp nhận cái áo khoác pháp lí của chủ nghĩa tự do. Vì lí thuyết mới đã dẫn ông đến kết luận rằng một khi việc đưa máy móc mới vào đã làm tăng năng suất lao động lên nhiều lần, thì nảy sinh khả năng về một hình thức bóc lột mới, hình thức dùng một thị trường tự do hơn là dùng vũ lực tàn bạo, và dựa trên sự tôn trọng ‘hình thức’ của công lí, sự công bằng trước luật, và quyền tự do. Hệ thống tư bản chủ nghĩa, ông khẳng định, không chỉ là một hệ thống ‘cạnh tranh tự do’, mà cũng ‘được duy trì bởi sự bóc lột lao động của những người khác, nhưng, theo nghĩa hình thức, là lao động tự do’15.
Là không thể đối với tôi ở đây để đi vào một tường thuật chi tiết về số lượng thật sự đáng kinh ngạc của các ứng dụng khác thêm nữa mà Marx sử dụng lí thuyết giá trị của ông. Nhưng cũng không cần thiết, vì phê phán của tôi về lí thuyết này sẽ chỉ đường theo đó lí thuyết giá trị có thể được loại bỏ khỏi tất cả những khảo sát này. Bây giờ tôi sẽ trình bày phê phán này; ba điểm chính của nó là (a) lí thuyết giá trị của Marx không đủ để giải thích sự bóc lột, (b) các giả thiết thêm, những cái cần thiết cho một sự giải thích như vậy hoá ra là đủ, cho nên lí thuyết giá trị hoá ra là thừa, (c) lí thuyết giá trị của Marx là một lí thuyết mang tính bản chất luận hay siêu hình học.
(a) Qui luật cơ bản của lí thuyết giá trị là qui luật cho rằng các giá của hầu như tất cả các hàng hoá, kể cả lương, được xác định bởi giá trị của chúng, hay chính xác hơn, chí ít trong phép gần đúng đầu tiên chúng tỉ lệ với số giờ lao động cần thiết để sản xuất ra chúng. Mà ‘qui luật giá trị’ này, như tôi có thể gọi nó, ngay lập tức gây ra một vấn đề. Vì sao nó đúng? Hiển nhiên, cả người mua lẫn người bán mặt hàng ấy, bằng cái nhìn thoáng qua, không thể nhận ra cần bao nhiêu giờ để sản xuất ra nó; và cho dù họ có thể biết, nó cũng sẽ không giải thích qui luật giá trị. Vì rõ ràng là người mua đơn giản mua càng rẻ càng tốt, và người bán đòi mức tối đa anh ta có thể đòi. Đây, hình như, phải là một trong những giả thiết cơ bản của bất cứ lí thuyết nào về giá cả thị trường. Để nhằm giải thích lí thuyết giá trị, sẽ phải là nhiệm vụ của chúng ta để chứng minh vì sao người mua không chắc thành công trong mua dưới, và người bán không chắc thành công bán trên, ‘giá trị’ của một hàng hoá. Vấn đề này đã được những người tin vào lí thuyết lao động về giá trị nhận ra ít nhiều rõ ràng, và câu trả lời của họ là thế này. Vì mục đích đơn giản hoá, và nhằm đạt được một gần đúng bậc một [bậc thứ nhất], chúng ta hãy giả thiết sự cạnh tranh tự do hoàn hảo, và vì cùng lí do hãy xem xét chỉ các hàng hoá có thể được sản xuất với hầu như số lượng không giới hạn (giả như có sẵn lao động). Bây giờ chúng ta hãy giả sử rằng giá của một mặt hàng như vậy là trên giá trị của nó; điều này sẽ có nghĩa rằng có thể kiếm những lợi nhuận quá đáng trong ngành sản xuất cá biệt này. Nó sẽ khuyến khích các nhà sản xuất khác nhau để sản xuất mặt hàng này, và cạnh tranh sẽ kéo giá xuống. Quá trình ngược lại sẽ dẫn đến một sự tăng giá của mặt hàng được bán dưới giá trị của nó. Như thế sẽ có sự thăng giáng của giá, và các dao động này sẽ có khuynh hướng xoay quanh giá trị của các mặt hàng. Nói cách khác, đó là cơ chế của cung và cầu, cơ chế, dưới cạnh tranh tự do, có khuynh hướng tạo sức thuyết phục16 cho qui luật giá trị.
Những cân nhắc như những cân nhắc này có thể thấy thường xuyên ở Marx, thí dụ, trong tập ba của Tư bản17, nơi ông cố gắng giải thích vì sao có một xu hướng đối với tất cả lợi nhuận trong các ngành chế tác khác nhau để xấp xỉ, và để điều chỉnh bản thân chúng, đến một lợi nhuận trung bình nhất định. Và chúng cũng được dùng trong tập một, đặc biệt nhằm để chứng minh vì sao lương được giữ thấp, gần mức sinh tồn, hay, cái rốt cuộc cũng chẳng khác gì vậy, chỉ trên mức chết đói. Rõ ràng là với lương dưới mức này, các công nhân có thể thật sự chết đói, và cung về sức lao động trên thị trường lao động sẽ biến mất. Nhưng chừng nào con người còn sống, họ sẽ sinh sản; và Marx cố gắng chứng minh một cách chi tiết (như chúng ta sẽ thấy ở mục IV), vì sao cơ chế tích tụ tư bản chủ nghĩa phải tạo ra một dân cư dư thừa, một đội quân dự bị công nghiệp. Như thế chừng nào lương chỉ vừa trên mức chết đói, thì sẽ luôn luôn có cung về sức lao động không chỉ đủ mà thậm chí quá mức mà, theo Marx, cung về sức lao động này cản trở sự tăng lương18: ‘Đội quân dự bị công nghiệp duy trì áp lực của nó lên hàng ngũ các công nhân làm thuê; .. như thế dân cư dư thừa là hậu trường mà trước mặt nó các qui luật về cung và cầu lao động hoạt động. Dân cư dư thừa hạn chế dải trong đó qui luật này được cho phép để hoạt động ở các giới hạn thích hợp nhất với thói tham lam tư bản chủ nghĩa về bóc lột và thống trị’.
(b) Mà đoạn này cho thấy rằng bản thân Marx đã nhận ra tính cần thiết của hỗ trợ lí thuyết giá trị bằng một lí thuyết cụ thể hơn; một lí thuyết, trong bất cứ trường hợp cá biệt nào, cho thấy làm thế nào qui luật cung và cầu gây ra tác động cần được giải thích; thí dụ, đồng lương chết đói. Nhưng nếu các qui luật này là đủ để giải thích các tác động này, thì chúng ta chẳng hề cần đến lí thuyết lao động về giá trị một chút nào, bất luận nó có đứng vững hay không với tư cách là một gần đúng bậc một (mà tôi không nghĩ nó là). Hơn nữa, như Marx đã nhận ra, các qui luật cung và cầu là cần thiết để giải thích tất cả các trường hợp trong đó không có tự do cạnh tranh; thí dụ, nơi độc quyền có thể được dùng để giữ giá cả liên tục trên ‘các giá trị’ của chúng. Marx coi các trường hợp như vậy như các ngoại lệ, mà hầu như không phải là cách nhìn đúng; nhưng dù cho điều này có thế nào đi nữa, trường hợp của các độc quyền chứng tỏ rằng các qui luật cung và cầu không chỉ là cần thiết để bổ sung cho qui luật giá trị của ông, mà cũng cho thấy rằng chúng có thể được áp dụng một cách tổng quát hơn.
Mặt khác, rõ ràng rằng các qui luật cung và cầu không chỉ là cần thiết mà cũng là đủ để giải thích tất cả các hiện tượng về ‘bóc lột’ mà Marx đã quan sát thấy – các hiện tượng, chính xác hơn, về sự nghèo khổ của các công nhân cùng ở bên cạnh sự giàu có của các chủ doanh nghiệp - nếu chúng ta giả sử, như Marx đã làm, một thị trường lao động tự do cũng như một cung lao động quá đáng một cách kinh niên. (Lí thuyết của Marx về cung quá đáng này sẽ được thảo luận đầy đủ hơn ở mục IV dưới đây). Như Marx chứng tỏ, khá rõ rằng các công nhân, dưới những hoàn cảnh như vậy, sẽ buộc phải làm việc thời gian dài với đồng lương thấp, nói cách khác, để cho phép nhà tư bản ‘chiếm đoạt phần tốt nhất của thành quả của lao động của họ’. Và trong lí lẽ tầm thường này, lí lẽ là một phần của chính Marx, thậm chí không có nhu cầu nào để nhắc đến ‘giá trị’.
Như thế lí thuyết giá trị hoá ra là một phần hoàn toàn thừa của lí thuyết của Marx về bóc lột; và điều này đúng một cách độc lập với vấn đề liệu lí thuyết giá trị có đúng hay không. Nhưng phần của lí thuyết của Marx về sự bóc lột phần còn lại sau khi đã loại bỏ lí thuyết giá trị rõ ràng là đúng đắn, với điều kiện chúng ta chấp nhận học thuyết về dân cư dư thừa. Rõ ràng đúng là (khi không có một sự tái phân phối của cải thông qua nhà nước) sự tồn tại của một dân cư dư thừa phải dẫn đến đồng lương chết đói, và dẫn đến những khác biệt khiêu khích về tiêu chuẩn sống.
(Cái không thật rõ, và cũng chẳng được Marx giải thích, là vì sao cung lao động phải tiếp tục vượt cầu. Vì nếu có lợi nhuận đến vậy để ‘bóc lột’ lao động, thì, làm sao các nhà tư bản lại không bị buộc phải, do cạnh tranh, để tăng lợi nhuận của họ bằng cách sử dụng nhiều lao động hơn? Nói cách khác, vì sao họ không cạnh tranh chống lại nhau trên thị trường lao động, và vì thế làm tăng lương lên đến điểm nơi họ trở thành không còn có lợi nhuận đủ nữa, để cho không còn có thể nói về sự bóc lột nữa? Marx sẽ có thể trả lời – xem mục V, dưới đây – ‘Bởi vì cạnh tranh buộc họ đầu tư ngày càng nhiều vốn vào máy móc, cho nên họ không thể tăng phần vốn của họ mà họ dùng cho lương’. Nhưng câu trả lời này là không thoả mãn vì cho dù họ dùng vốn của mình vào máy móc, họ có thể làm vậy chỉ bằng mua lao động để xây dựng máy móc, hay bằng khiến những người khác mua lao động như vậy, như thế làm tăng cầu lao động. Dường như, vì các lí do như vậy, các hiện tượng bóc lột mà Marx đã quan sát thấy đã là không do, như ông đã tin, cơ chế của một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, mà do các nhân tố khác – đặc biệt do một hỗn hợp của năng suất lao động thấp và các thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Nhưng một giải thích chi tiết và thoả mãn19 về các hiện tượng ấy hình như vẫn còn thiếu).
(c) Trước khi ngừng thảo luận này về lí thuyết giá trị và phần do nó đóng trong phân tích của Marx, tôi muốn bình luận ngắn gọn về khía cạnh khác của các khía cạnh của nó. Toàn bộ ý tưởng – cái không phải là sự phát minh của Marx - rằng có cái gì đó đằng sau các giá, một giá trị khách quan hoặc thực tế hoặc thật mà các giá chỉ là ‘hình thức bề ngoài’20, cho thấy đủ rõ ràng ảnh hưởng của Chủ nghĩa Duy tâm Platonic với sự phân biệt của nó giữa một thực tại cơ bản hay thật bị che giấu, và một vẻ bề ngoài không chủ yếu hay hão huyền. Phải nói rằng, Marx đã hết sức cố gắng21 để triệt phá đặc tính thần bí này của ‘giá trị’ khách quan, nhưng ông đã không thành công. Ông đã thử là thực tiễn, để chấp nhận chỉ cái gì đó có thể quan sát được và quan trọng – những giờ lao động- như thực tại cái xuất hiện ở dạng của giá; và không thể nghi ngờ rằng số giờ lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá, tức là ‘giá trị’ Marxian của nó, là một thứ quan trọng. Và theo một cách nào đó, chắc chắn là vấn đề thuần tuý ngôn từ liệu chúng ta phải gọi các giờ lao động này là ‘giá trị’ của một hàng hoá hay không. Nhưng một thuật ngữ như vậy có thể trở thành lầm lạc nhất và phi thực tiễn một cách lạ thường, đặc biệt nếu chúng ta giả thiết cùng với Marx rằng năng suất lao động tăng lên. Vì đã được chỉ ra bởi bản thân Marx22 rằng, với năng suất tăng lên, giá trị của tất cả các hàng hoá giảm đi, và rằng vì thế một sự tăng lên là có thể về lương thực tế cũng như về lợi nhuận thực tế, tức là về các hàng hoá do các công nhân và các nhà tư bản tiêu thụ một cách tương ứng, cùng với một sự giảm về ‘giá trị’ của lương và của lợi nhuận, tức là về số giờ tiêu tốn lên chúng. Như thế ở bất cứ đâu chúng ta thấy sự tiến bộ thực tế, như giờ làm việc ngắn hơn và một tiêu chuẩn sống của các công nhân được cải thiện to lớn (ngoài một thu nhập cao hơn về tiền23 ra, cho dù được tính bằng vàng), thì các công nhân đồng thời có thể phàn nàn một cách chua chát rằng ‘giá trị’ Marxian, bản chất thực hay bản chất của thu nhập của họ, teo đi dần, vì giờ lao động cần thiết cho sự tái tạo ra nó đã giảm xuống. (Một phàn nàn tương tự có thể được các nhà tư bản đưa ra). Tất cả những thứ này được bản thân Marx thừa nhận; và nó chứng tỏ thuật ngữ giá trị hẳn gây lầm lạc đến thế nào, và nó đại diện cho kinh nghiệm xã hội thực tế của các công nhân ít đến thế nào. Trong lí thuyết lao động về giá trị, ‘bản chất’ Platonic đã trở nên hoàn toàn xa rời khỏi kinh nghiệm24 …
III
Sau khi loại bỏ lí thuyết lao động về giá trị của Marx và lí thuyết của ông về giá trị thặng dư, chúng ta có thể, tất nhiên, vẫn giữ lại phân tích của ông (xem cuối của (a) ở mục II) về áp lực do dân cư dư thừa tác động lên lương của các công nhân làm thuê. Không thể phủ nhận rằng, nếu có một thị trường lao động tự do và một dân cư dư thừa, tức là nạn thất nghiệp rộng rãi và kinh niên (và không có nghi ngờ gì rằng nạn thất nghiệp đã đóng vai trò của nó ở thời của Marx và suốt từ đó), thì lương không thể tăng hơn lương chết đói; và dưới cùng giả thiết cùng với học thuyết về tích tụ được trình bày ở trên, mặc dù không được biện minh trong tuyên bố một qui luật về sự nghèo khổ tăng lên, Marx đã đúng về khẳng định rằng, trong một thế giới lợi nhuận cao và sự giàu có tăng lên, đồng lương chết đói và một cuộc sống nghèo khổ có thể là số phận thường xuyên của các công nhân.
Tôi nghĩ rằng, cho dù phân tích của Marx có thiếu sót, nỗ lực của ông để giải thích hiện tượng ‘bóc lột’ xứng đáng sự kính trọng lớn nhất. (Như được nhắc tới ở cuối của (b) trong mục đã nói ở trên, dường như không tồn tại lí thuyết thực sự thoả mãn nào ngay cả ngày nay). Tất nhiên, phải nói rằng Marx đã sai khi ông tiên tri rằng các điều kiện mà ông đã quan sát là vĩnh viễn thế nếu không được một cuộc cách mạng thay đổi, và còn hơn nữa khi ông tiên tri rằng chúng sẽ trở nên tồi hơn. Các sự thực đã bác bỏ những lời tiên tri này. Hơn thế nữa, cho dù chúng ta có thể thừa nhận tính hợp lệ của phân tích của ông cho một hệ thống không bị kiềm chế, không theo chủ nghĩa can thiệp, ngay cả khi đó lí lẽ tiên tri của ông cũng là không đi tới kết luận. Vì xu hướng tới sự nghèo khổ tăng lên hoạt động, theo phân tích của chính Marx, chỉ dưới một hệ thống trong đó thị trường lao động là tự do – trong một chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không bị kiềm chế. Nhưng một khi chúng ta thừa nhận khả năng của các nghiệp đoàn, của mặc cả tập thể, của các cuộc bãi công, thì các giả thiết của phân tích không còn áp dụng được nữa, và toàn bộ lí lẽ tiên tri sụp đổ. Theo phân tích của chính Marx, chúng ta sẽ phải kì vọng rằng một diễn tiến như vậy sẽ hoặc là bị đàn áp, hoặc nó sẽ tương đương với một cuộc cách mạng xã hội. Vì mặc cả tập thể có thể đối chọi với tư bản bằng thiết lập một loại độc quyền về lao động; nó có thể ngăn nhà tư bản khỏi sử dụng đội quân dự bị công nghiệp cho mục đích giữ cho lương không lên; và bằng cách này nó có thể buộc các nhà tư bản tự bằng lòng với những lợi nhuận thấp hơn. Chúng ta thấy ở đây vì sao lời kêu gọi ‘Những người lao động, liên hiệp lại!’, từ quan điểm Marxian, đã quả thực là trả lời khả dĩ duy nhất cho một chủ nghĩa tư bản vô độ.
Nhưng chúng ta cũng thấy, vì sao lời kêu gọi này phải mở ra toàn bộ vấn đề về can thiệp nhà nước, và vì sao nó chắc dẫn đến kết thúc của hệ thống không bị kiềm chế, và dẫn đến một hệ thống mới, chủ nghĩa can thiệp25, chủ nghĩa có thể phát triển theo các hướng rất khác nhau. Vì hầu như không thể tránh khỏi rằng các nhà tư bản sẽ không thừa nhận quyền của các công nhân để liên hiệp lại, chủ trương rằng các hiệp hội hẳn gây nguy hiểm cho quyền tự do cạnh tranh trên thị trường lao động. Chủ nghĩa không can thiệp như thế đối mặt với vấn đề (nó là một phần của nghịch lí quyền tự do26): Nhà nước phải bảo vệ quyền tự do nào? Quyền tự do của thị trường lao động, hay quyền tự do của người nghèo để liên hiệp lại? Bất cứ quyết định nào được lấy, nó dẫn đến sự can thiệp của nhà nước, đến sử dụng quyền lực chính trị được tổ chức, của nhà nước cũng như của các hiệp hội, trong lĩnh vực các điều kiện kinh tế. Nó dẫn, trong mọi trường hợp, đến một sự mở rộng trách nhiệm kinh tế của nhà nước, bất luận trách nhiệm này được chấp nhận một cách có ý thức hay không. Và điều này có nghĩa rằng các giả thiết trên đó phân tích của Marx dựa vào phải biến mất.
Việc suy diễn ra qui luật lịch sử về sự nghèo khổ tăng lên như thế là không có căn cứ. Tất cả cái còn lại là một mô tả cảm động về sự nghèo khổ của các công nhân đã thịnh hành một trăm năm trước, và một nỗ lực dũng cảm để giải thích nó với sự giúp đỡ của cái chúng ta, cùng với Lenin27, có thể gọi là ‘qui luật kinh tế về sự vận động của xã hội đương thời’ của Marx (tức là, của chủ nghĩa tư bản vô độ của một trăm năm trước). Nhưng ở chừng mực mà nó có nghĩa như một lời tiên tri lịch sử, và ở chừng mực nó được dùng để suy diễn ra ‘tính không thể tránh khỏi’ của những phát triển lịch sử nào đó, thì sự dẫn xuất là không có căn cứ.
IV
Tầm quan trọng của phân tích của Marx dựa ở mức độ rất lớn vào sự thực rằng một dân cư dư thừa thực sự đã tồn tại ở thời ông, và cho đến tận thời nay của chính chúng ta (một sự thực hầu như vẫn không nhận được một sự giải thích thoả đáng, như tôi đã nói ở trên). Tuy vậy, cho đến nay chúng ta vẫn chưa thảo luận lí lẽ của Marx ủng hộ luận đề của ông rằng chính bản thân cơ chế sản xuất tư bản chủ nghĩa là cái luôn luôn sản sinh ra dân cư dư thừa mà nó cần để giữ cho lương của các công nhân làm thuê không tăng lên. Nhưng lí thuyết này không chỉ tài tình và lí thú trong bản thân nó; nó đồng thời bao gồm lí thuyết về chu kì thương mại và về các cuộc suy thoái tổng quát của Marx, một lí thuyết rõ ràng có liên quan đến lời tiên tri về sự sụp đổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa vì sự nghèo khổ không thể chịu đựng nổi mà nó hẳn gây ra. Để nhằm làm cho lí thuyết của Marx như một vụ việc vững mạnh ở mức tôi có thể, tôi đã sửa đổi nó một chút28 (cụ thể là, bằng đưa ra một sự phân biệt giữa hai loại máy móc, một loại cho mở rộng đơn thuần, và loại khác cho cường độ sản xuất). Nhưng sự sửa đổi này không cần thiết gây ra sự nghi ngờ của các nhà Marxist; vì tôi sẽ không phê phán lí thuyết một chút nào.
Lí thuyết được sửa đổi về dân cư dư thừa và về chu kì thương mại có thể được phác hoạ như sau. Sự tích tụ tư bản có nghĩa rằng nhà tư bản tiêu một phần lợi nhuận của mình cho máy móc mới; điều này cũng có thể được trình bày bằng nói rằng chỉ một phần của lợi nhuận thực của ông ta là ở hàng hoá cho tiêu dùng, trong khi một phần của nó là ở máy móc. Các máy móc này, lần lượt, có thể dành hoặc cho mở rộng ngành kinh doanh, cho các nhà máy mới, v.v., hay chúng có thể được dành cho tăng cường sản xuất bằng làm tăng năng suất lao động trong các ngành kinh doanh hiện tồn. Loại máy móc trước làm cho một sự tăng công ăn việc làm là có thể, loại sau có tác động làm cho các công nhân trở nên không cần thiết, ‘làm cho các công nhân rảnh rang’ như quá trình này được gọi trong thời của Marx. (Ngày nay nó đôi khi được gọi là ‘thất nghiệp về mặt công nghệ’). Bây giờ cơ chế sản xuất tư bản chủ nghĩa, như được lí thuyết Marxist đã được sửa đổi về chu kì thương mại hình dung, hoạt động đại thể như thế này. Nếu chúng ta giả sử, để khởi động, rằng vì lí do nào đó hay lí do khác có một sự mở rộng ngành, thì một phần của đội quân dự bị công nghiệp sẽ được hấp thu, áp lực lên thị trường lao động sẽ được nhẹ bớt, và lương sẽ cho thấy một chiều hướng tăng lên. Một thời kì hưng thịnh bắt đầu. Nhưng thời điểm lương tăng lên, những cải thiện cơ khí nào đó những cái tăng cường sản xuất và trước đây không sinh lời vì lương thấp có thể trở thành sinh lời (cho dù chi phí của máy móc như vậy sẽ bắt đầu tăng lên). Như thế nhiều máy móc hơn, thuộc loại ‘làm cho các công nhân rảnh rang’, sẽ được sản xuất. Chừng nào các máy móc này vẫn còn trong quá trình được sản xuất, sự hưng thịnh tiếp tục, hay tăng lên. Nhưng một khi bản thân các máy móc mới này bắt đầu sản xuất, bức tranh thay đổi. (Sự thay đổi này, theo Marx, được làm nổi bật bởi một sự sụt giảm tỉ suất lợi nhuận, sẽ được thảo luận ở mục (V), dưới đây). Các công nhân sẽ bị ‘làm cho rảnh rang’, tức là bị buộc phải đói. Nhưng sự biến mất của nhiều người tiêu dùng phải dẫn đến một sự suy sụp của thị trường trong nước. Hậu quả là, số lượng rất lớn các máy móc trong các nhà máy được mở rộng trở thành vô dụng (đầu tiên là máy móc ít hiệu quả), và điều này dẫn đến một sự tăng thất nghiệp thêm nữa và một sự suy sụp hơn nữa của thị trường. Sự thực rằng nhiều máy móc bây giờ nằm vô dụng có nghĩa là phần lớn tư bản trở thành vô giá trị, rằng nhiều nhà tư bản không thể thực hiện các nghĩa vụ của họ; như thế bộc lộ một khủng hoảng tài chính, dẫn đến sự trì trệ hoàn toàn về sản sinh ra tư liệu sản xuất, v. v. Nhưng trong khi suy thoái (hay, như Marx gọi nó, là ‘khủng hoảng’) tiến triển như thường lệ, các điều kiện chín muồi cho một sự phục hồi. Những điều kiện này cốt ở sự tăng trưởng của đội quân dự bị công nghiệp và sự sẵn sàng của các công nhân để chấp nhận đồng lương chết đói như hậu quả. Với đồng lương rất thấp, sản xuất trở nên có lãi ngay cả với giá cả thấp của thị trường bị suy thoái; và một khi sản xuất khởi động, nhà tư bản lại bắt đầu tích tụ, để mua máy móc. Vì lương là rất thấp, ông ta thấy rằng vẫn chưa sinh lời để dùng máy móc mới (có lẽ được sáng chế ra giữa chừng) thuộc loại làm cho các công nhân rảnh rang. Đầu tiên đúng hơn ông ta sẽ mua máy móc với kế hoạch mở rộng sản xuất. Điều này dần dần dẫn đến một sự mở rộng công ăn việc làm và đến một sự phục hồi của thị trường trong nước. Sự hưng thịnh lại đến một lần nữa. Như thế chúng ta quay trở lại điểm khởi đầu của mình. Chu kì khép kín, và quá trình có thể bắt đầu một lần nữa.
Đây là lí thuyết Marxist được sửa đổi về thất nghiệp và về chu kì thương mại. Như tôi đã hứa, tôi sẽ không đi phê phán nó. Lí thuyết về các chu kì thương mại là một vấn đề rất khó, và chúng ta chắc chắn vẫn không biết đủ về nó (ít nhất tôi không biết). Rất có thể là lí thuyết được phác hoạ là không đầy đủ, và, đặc biệt, là các khía cạnh như sự tồn tại của một hệ thống tiền tệ dựa một phần trên hệ thống tín dụng, và các tác động của tích trữ, không được tính đến một cách thoả đáng. Nhưng dẫu cho điều này có thể ra sao, chu kì thương mại là một sự thực không thể bị phớt lờ một cách dễ dàng, và nó là một trong những công trạng vĩ đại nhất của Marx đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nó như một vấn đề xã hội. Nhưng mặc dù tất cả điều này phải được thừa nhận, chúng ta có thể phê phán lời tiên tri mà Marx đã cố gắng đặt cơ sở trên lí thuyết của ông về chu kì thương mại. Trước hết, ông khẳng định rằng các cuộc suy thoái sẽ trở nên ngày càng tồi tệ, không chỉ ở qui mô của chúng mà cả ở cường độ của sự đau khổ của các công nhân. Nhưng ông không đưa ra lí lẽ nào để hỗ trợ cho điều này (ngoài, có lẽ, lí thuyết về sự suy giảm tỉ suất lợi nhuận, sẽ được thảo luận ngay bây giờ). Và nếu chúng ta ngó tới các diễn tiến thực tế, thì chúng ta phải nói rằng dù các tác động, đặc biệt là các tác động tâm lí của nạn thất nghiệp trong các nước mà hiện nay các công nhân được bảo hiểm chống lại nó, có kinh khủng đến đâu, không có nghi ngờ gì rằng trong thời của Marx sự đau khổ của các công nhân đã tồi tệ hơn một cách không thể so sánh nổi. Nhưng đây không phải là điểm chính của tôi.
Trong thời của Marx, đã chẳng có ai bao giờ nghĩ về kĩ thuật của sự can thiệp nhà nước mà bây giờ chúng ta gọi là ‘chính sách phản chu kì-counter cycle policy’; và quả thực, một ý nghĩ như vậy phải là hoàn toàn xa lạ đối với một hệ thống tư bản chủ nghĩa vô độ. (Nhưng ngay cả trước thời Marx, chúng ta thấy khởi đầu của sự nghi ngờ về, và thậm chí về những điều tra nghiên cứu, sự sáng suốt của chính sách tín dụng của Ngân hàng Anh trong một suy thoái29). Bảo hiểm thất nghiệp, tuy vậy, có nghĩa là can thiệp, và vì thế là một sự gia tăng về trách nhiệm của nhà nước, và nó chắc dẫn tới các thí nghiệm về chính sách phản chu kì. Tôi không chủ trương là các thí nghiệm này nhất thiết phải thành công (mặc dù tôi không tin rằng cuối cùng vấn đề có thể tỏ ra là không khó đến vậy, và rằng Thuỵ Điển30, cá biệt, đã chứng tỏ rồi cái có thể được làm trong lĩnh vực này). Nhưng tôi muốn khẳng định dứt khoát nhất, niềm tin rằng là không thể để thủ tiêu nạn thất nghiệp bằng các biện pháp từ từ là cùng trên bình diện của chủ nghĩa giáo điều như nhiều chứng minh vật lí (được đề nghị bởi những người sống thậm chí muộn hơn Marx) rằng các vấn đề hàng không sẽ luôn luôn vẫn là không thể giải được. Khi các nhà Marxist nói, như đôi khi họ làm vậy, rằng Marx đã chứng minh tính vô dụng của một chính sách phản chu kì và của các biện pháp dần dần tương tự, thì đơn giản họ không nói sự thật; Marx đã nghiên cứu một chủ nghĩa tư bản vô độ, và ông đã chẳng bao giờ mơ tưởng về chủ nghĩa can thiệp. Vì thế ông đã chẳng bao giờ nghiên cứu khả năng về một sự can thiệp có hệ thống với chu kì thương mại, ông càng không đề nghị một chứng minh về tính bất khả thi của nó. Lạ kì để thấy là cũng những người đi ca thán về sự vô trách nhiệm của các nhà tư bản đứng trước sự đau khổ của con người, lại khá vô trách nhiệm đi phản đối, với những khẳng định giáo điều thuộc loại này, các cuộc thí nghiệm từ đó chúng ta có thể học để làm thế nào có thể giảm bớt sự đau khổ của con người (làm sao để trở thành chủ nhân của môi trường xã hội của chúng ta, như Marx đã có thể nói), và làm sao để kiểm soát những hậu quả xã hội không mong muốn của các hành động của chúng ta. Nhưng những người biện hộ cho chủ nghĩa Marx hoàn toàn không biết về sự thực rằng nhân danh các lợi ích của chính họ, họ đang chiến đấu chống lại sự tiến bộ; họ không nhận ra rằng mối nguy hiểm của bất cứ phong trào nào như chủ nghĩa Marx là nó nhanh chóng đại diện cho mọi loại đặc quyền, và rằng có các khoản đầu tư trí tuệ, cũng như các khoản đầu tư vật chất.
Một điểm khác phải nói rõ ở đây. Marx, như chúng ta đã thấy, tin rằng nạn thất nghiệp về cơ bản là một dụng cụ của cơ chế tư bản chủ nghĩa với chức năng giữ đồng lương thấp, và để làm cho việc bóc lột các công nhân làm thuê được dễ hơn; sự nghèo khổ tăng lên luôn luôn kéo theo đối với anh ta sự nghèo khổ tăng lên của cả các công nhân làm thuê nữa; và đây chính là toàn bộ vấn đề âm mưu. Nhưng cho dù chúng ta giả sử rằng quan điểm này được biện minh ở thời của ông, với tư cách một lời tiên tri nó rõ ràng bị kinh nghiệm muộn hơn bác bỏ. Mức sống của các công nhân làm thuê đã tăng lên ở khắp nơi kể từ thời Marx; và (như Parkes31 đã nhấn mạnh trong phê phán của ông đối với Marx) lương thực tế của các công nhân làm thuê thậm chí có xu hướng tăng lên trong một suy thoái (chúng đã là vậy, thí dụ suốt đại suy thoái vừa qua), do một sự giảm sút nhanh hơn về giá so với về lương. Đây là một sự bác bỏ Marx rành rành, đặc biệt vì nó chứng minh rằng gánh nặng chủ yếu của bảo hiểm thất nghiệp không phải do các công nhân gánh chịu, mà do các chủ doanh nghiệp những người vì thế đã mất mát một cách trực tiếp qua thất nghiệp, thay cho kiếm được lời một cách gián tiếp, như trong sơ đồ của Marx.
V
Chẳng lí thuyết Marxist nào đã được thảo luận cho đến nay có thậm chí nỗ lực nghiêm túc để chứng minh điểm quyết định nhất trong bước thứ nhất; cụ thể là, sự tích tụ giữ nhà tư bản dưới một áp lực mạnh mà ông ta buộc, vì nguy cơ về sự bị tiêu diệt của chính ông ta, chuyển cho các công nhân; cho nên chủ nghĩa tư bản chỉ có thể bị tiêu diệt, nhưng không thể được cải cách. Một nỗ lực để chứng minh điểm này được bao hàm trong lí thuyết của Marx, lí thuyết nhắm tới thiết lập qui luật rằng tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm sút.
Cái Marx gọi là tỉ suất lợi nhuận tương ứng với lãi suất; nó là số phần trăm của lợi nhuận trung bình hàng năm của nhà tư bản trên toàn bộ vốn được đầu tư. Tỉ suất này, Marx nói, có xu hướng giảm sút do sự tăng nhanh của các khoản đầu tư vốn; vì các khoản này phải tích tụ nhanh hơn lợi nhuận có thể tăng lên.
Lí lẽ theo đó Marx cố gắng chứng minh điều này lại khá tài tình. Cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, như ta đã thấy, buộc các nhà tư bản tiến hành các khoản đầu tư làm tăng năng suất lao động. Marx thậm chí thừa nhận rằng bằng sự tăng lên về năng suất họ có một đóng góp to lớn cho nhân loại32: ‘Một trong các khía cạnh văn minh của chủ nghĩa tư bản là nó vắt giá trị thặng dư theo một cách và dưới hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều so với các dạng trước kia (như nô lệ, nông nô, v.v.) đối với sự phát triển các lực lượng sản xuất, cũng như đối với các điều kiện xã hội cho một sự xây dựng lại xã hội trên một bình diện cao hơn. Vì điều này, nó thậm chí tạo ra các yếu tố; .. vì số lượng các hàng hoá hữu ích được sản xuất trong bất cứ khoảng thời gian cho trước nào phụ thuộc vào năng suất lao động’. Song công lao đóng góp này đối với nhân loại không chỉ được tiến hành mà không có bất cứ chủ ý nào từ các nhà tư bản; hành động mà cạnh tranh buộc họ làm ngược với các lợi ích của chính họ, vì lí do sau.
Vốn của bất kể nhà công nghiệp nào có thể được chia làm hai phần. Một phần được đầu tư vào đất đai, máy móc, nguyên liệu, v.v. Phần khác dùng cho lương. Marx gọi phần thứ nhất là ‘vốn bất biến’ và phần thứ hai là ‘vốn khả biến’; nhưng vì tôi coi thuật ngữ này là khá làm cho lạc lối, tôi sẽ gọi hai phần này là ‘vốn cố định’ và ‘vốn tiền lương’. Nhà tư bản, theo Marx, có lợi nhuận chỉ bằng bóc lột các công nhân; nói cách khác, bằng dùng vốn tiền lương của ông ta. Vốn cố định là một loại trọng lượng bì [chết] mà cạnh tranh buộc ông ta phải mang theo, và thậm chí tăng thêm liên tục. Sự tăng lên này, tuy vậy, không kèm theo một sự tăng lên tương ứng về lợi nhuận của ông ta; chỉ một sự mở rộng vốn tiền lương có thể có kết quả lành mạnh này. Nhưng xu hướng tới một sự tăng lên về năng suất có nghĩa rằng phần vật chất của vốn tăng tương đối so với phần tiền lương. Vì thế, tổng vốn cũng tăng, và không có một sự tăng lên bù về lợi nhuận; tức là, tỉ suất lợi nhuận phải giảm sút.
Mà lí lẽ này đã thường xuyên bị nghi ngờ; quả thực, nó bị tấn công, bằng ngụ ý, trước xa Marx33. Bất chấp các tấn công này, tôi tin rằng có thể có cái gì đó trong lí lẽ của Marx; đặc biệt nếu chúng ta xem xét nó với lí thuyết của ông về chu kì thương mại. (Tôi sẽ quay lại điểm này một cách ngắn gọn ở chương tiếp theo). Nhưng cái tôi muốn đặt thành vấn đề ở đây là sự liên quan của lí lẽ này đến lí thuyết về sự nghèo khổ tăng lên.
Marx thấy quan hệ này như sau. Nếu suất lợi nhuận có xu hướng giảm, thì nhà tư bản đối mặt với sự tiêu diệt. Tất cả cái ông ta có thể làm là thử ‘rút hết sức của các công nhân’, tức là tăng sự bóc lột. Điều này ông ta có thể làm bằng kéo dài giờ làm việc; đẩy nhanh công việc; hạ lương; tăng chi phí sinh hoạt của công nhân (lạm phát); bóc lột nhiều phụ nữ và trẻ em hơn. Các mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, dựa vào sự thực rằng cạnh tranh và kiếm lợi nhuận là mâu thuẫn, phát triển ở đây lên đỉnh điểm. Thứ nhất, chúng buộc nhà tư bản tích tụ và tăng năng suất, và như thế giảm suất lợi nhuận. Tiếp theo, chúng buộc ông ta tăng sự bóc lột đến một mức độ không thể chịu nổi, và với nó là sự căng thẳng giữa các giai cấp. Như thế thoả hiệp là không thể. Các mâu thuẫn không thể được loại bỏ. Chúng cuối cùng phải định đoạt số phận của chủ nghĩa tư bản.
Đây là lí lẽ chính. Nhưng nó có thể đi đến kết luận? Chúng ta phải nhớ rằng năng suất tăng lên là cơ sở chính của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa; chỉ nếu công nhân có thể tạo ra nhiều hơn nhiều so với mức anh ta cần cho mình và gia đình thì nhà tư bản có thể chiếm đoạt lao động thặng dư. Năng suất tăng lên, theo thuật ngữ của Marx, có nghĩa là lao động thặng dư tăng lên; nó có nghĩa cả là một sự tăng số giờ sẵn có cho nhà tư bản, lẫn phía trên điều này, là một sự tăng số hàng hoá được sản xuất mỗi giờ. Nó có nghĩa, nói cách khác, một lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Điều này được Marx thừa nhận34. Ông không cho rằng lợi nhuận teo đi; ông chỉ cho rằng tổng vốn tăng nhanh hơn lợi nhuận nhiều, cho nên tỉ suất lợi nhuận giảm sút.
Nhưng nếu điều này là như vậy, không có lí do vì sao nhà tư bản lại bị áp lực kinh tế dày vò, áp lực mà ông ta buộc phải chuyển sang cho các công nhân, bất luận ông ta thích nó hay không. Có lẽ, đúng là ông ta không thích thấy một sự giảm sút về tỉ suất lợi nhuận của mình. Nhưng chừng nào thu nhập của ông ta không giảm, mà, ngược lại, tăng lên, thì không có nguy hiểm thật sự nào. Tình hình cho một nhà tư bản thành công trung bình sẽ là thế này: ông ta thấy thu nhập của mình tăng nhanh, và vốn của ông ta còn tăng nhanh hơn; nói cách khác, các khoản tiết kiệm của ông ta tăng nhanh hơn phần thu nhập mà ông ta tiêu dùng. Tôi không nghĩ rằng tình hình này phải buộc ông ta tuyệt vọng về các phương kế, hay làm cho một sự thoả hiệp với các công nhân là không thể có. Ngược lại, nó dường như đối với tôi là hoàn toàn có thể chịu được.
Tất nhiên, đúng là tình hình có chứa một yếu tố nguy hiểm. Các nhà tư bản những người suy xét trên giả thiết về một tỉ suất lợi nhuận không đổi hay tăng lên có thể bị rắc rối; và các sự việc như những thứ này có thể quả thực đóng góp cho chu kì thương mại, làm nổi bật suy thoái. Nhưng điều này chẳng liên quan mấy với các hậu quả cực kì sâu rộng mà Marx đã tiên tri.
Điều này kết thúc phân tích của tôi về lí lẽ thứ ba và lí lẽ cuối cùng, được Marx kiến nghị để chứng minh qui luật về sự nghèo khổ tăng lên.
VI
Nhằm chứng minh Marx đã hoàn toàn sai ra sao trong các lời tiên tri của ông, và đồng thời ông đã được biện minh thế nào về sự phản đối sôi nổi của ông chống lại địa ngục của một chủ nghĩa tư bản vô độ cũng như về đòi hỏi ‘Những người lao động, liên hiệp lại!’ của ông, tôi sẽ trích vài đoạn từ một chương của Tư bản trong đó ông thảo luận ‘Qui luật Chung của Tích tụ Tư bản Chủ nghĩa’35. ‘Trong các nhà máy .. các công nhân nam trẻ đa số được dùng cho đến kiệt sức trước khi họ đến tuổi trưởng thành; sau đó, chỉ có một phần rất nhỏ còn hữu ích cho công nghiệp, cho nên họ liên tục bị sa thải với số lượng lớn. Sau đó họ tạo thành một phần của dân cư dư thừa lơ lửng tăng lên với sự tăng trưởng công nghiệp .. Sức lao động bị tư bản vắt kiệt nhanh đến mức công nhân tuổi trung niên thường là một người kiệt sức .. Dr. Lee, quan chức y tế về sức khoẻ, đã tuyên bố không lâu trước đây “rằng tuổi khi chết của tầng lớp trung lưu bậc trên ở Manchester là 38, trong khi tuổi trung bình khi chết của giai cấp lao động là 17; còn ở Liverpool các con số đó là 35 đối với 15 ..” .. Sự bóc lột trẻ em thuộc giai cấp lao động đặt một khoản tiền lãi lên sản lượng của họ… Năng suất lao động càng cao .. các điều kiện sinh tồn của công nhân trở nên càng bấp bênh… Trong khuôn khổ hệ thống tư bản chủ nghĩa, tất cả mọi phương pháp để làm tăng năng suất lao động xã hội .. được biến thành các công cụ thống trị và bóc lột; chúng làm què quặt công nhân thành một mẩu của một con người, chúng làm anh ta thoái hoá thành một cái (bánh) răng trong guồng máy, chúng biến công việc thành một sự tra tấn, .. và kéo lê vợ con anh ta dưới các bánh xe của Juggernaut [Sức mạnh tàn phá] tư bản chủ nghĩa .. Suy ra rằng theo mức độ tư bản tích tụ, điều kiện của công nhân phải xấu đi, bất luận lương của anh ta có thể là bao nhiêu .. của cải xã hội, lượng tư bản hoạt động, qui mô và năng lực tăng trưởng của nó càng lớn, .. thì dân cư dư thừa càng lớn… Độ lớn của đội quân dự bị công nghiệp tăng lên theo sức mạnh của sự giàu có tăng lên. Nhưng .. đội quân dự bị công nghiệp càng lớn, số lượng các công nhân, mà sự nghèo khổ của họ được giảm nhẹ chỉ bằng một sự tăng lên về sự đau đớn cực độ của công việc cực nhọc, càng lớn; và .. số những người được chính thức công nhận như những người cùng khổ càng lớn. Đây là qui luật tuyệt đối và tổng quát về tích tụ tư bản chủ nghĩa … Sự tích tụ của cải ở một cực của xã hội đồng thời kéo theo một sự tích tụ của sự nghèo khổ, của sự đau đớn cực độ của công việc cực nhọc, của cảnh nô lệ, ngu dốt, hung bạo, và của tha hoá đạo đức, ở cực đối lập ..’
Bức tranh khủng khiếp của Marx về nền kinh tế của thời ông là quá đúng. Nhưng qui luật của ông, rằng sự nghèo khổ phải tăng lên cùng với tích tụ, không đúng. Tư liệu sản xuất đã được tích tụ và năng suất lao động đã tăng lên từ thời ông đến một qui mô mà ngay cả ông cũng hầu như không nghĩ là có thể. Nhưng lao động trẻ em, số giờ làm việc, sự đau đớn cực độ của công việc cực nhọc, và sự bấp bênh của sự tồn tại của các công nhân, đã không tăng lên; chúng đã giảm xuống. Tôi không nói là quá trình này phải tiếp tục. Không có qui luật nào về tiến bộ, và tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào chính chúng ta. Nhưng tình hình thực tế được Parkes36 tóm tắt ngắn gọn và thẳng thắn trong một câu: ‘Lương thấp, giờ làm việc dài, và lao động trẻ em đã là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản không ở tuổi già của nó, như Marx đã tiên đoán, mà ở tuổi thơ ấu của nó’.
Chủ nghĩa tư bản vô độ, không bị kiềm chế, đã qua. Từ thời Marx, chủ nghĩa can thiệp dân chủ đã có những tiến bộ khổng lồ, và năng suất lao động được cải thiện - một hệ quả của tích tụ tư bản – đã làm cho có thể thực sự để dẹp sự nghèo khổ. Điều này chứng tỏ rằng đã đạt được nhiều, bất chấp các sai lầm nghiêm trọng rõ ràng, và nó phải cổ vũ chúng ta để tin rằng có thể làm được nhiều hơn. Vì vẫn còn nhiều việc phải làm và phải gỡ. Chủ nghĩa can thiệp dân chủ có thể cuối cùng làm cho nó là có thể. Tuỳ thuộc vào chúng ta để thực hiện nó.
Tôi không có ảo tưởng nào về sức thuyết phục của các lí lẽ của tôi. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng các lời tiên tri của Marx đã sai. Nhưng kinh nghiệm có thể luôn luôn được thanh minh. Và, quả thực, bản thân Marx, và Engels, đã bắt đầu với việc dựng lên một giả thuyết phụ được dự định để giải thích vì sao qui luật về sự nghèo khổ tăng lên lại không hoạt động như họ đã kì vọng nó phải hoạt động. Theo giả thuyết này, khuynh hướng tiến tới một tỉ suất lợi nhuận sa sút, và với nó, sự nghèo khổ tăng lên, được trung hoà bởi các tác động của bóc lột thuộc địa, hay, như nó thường được gọi, bởi ‘chủ nghĩa đế quốc hiện đại’. Bóc lột thuộc địa, theo lí thuyết này, là một phương pháp chuyển áp lực kinh tế sang cho giai cấp vô sản thuộc địa, một giai cấp mà, về mặt kinh tế cũng như về mặt chính trị, vẫn còn yếu hơn giai cấp vô sản công nghiệp ở trong nước. ‘Vốn được đầu tư ở các thuộc địa’, Marx viết37, ‘có thể mang lại một tỉ suất lợi nhuận cao hơn vì lí do đơn giản rằng tỉ suất lợi nhuận là cao hơn ở nơi sự phát triển tư bản chủ nghĩa vẫn còn ở một giai đoạn lạc hậu, và vì lí do thêm rằng các nô lệ, các cu li (phu), v.v., cho phép một sự bóc lột lao động khéo hơn. Tôi không thấy lí do vì sao các tỉ suất lợi nhuận cao hơn này .., khi được gửi về nước, lại không tham gia ở đó như các yếu tố vào tỉ suất lợi nhuận trung bình, và theo tỉ lệ, đóng góp để giữ vững nó’. (Đáng nói đến là ý tưởng chính đứng đằng sau lí thuyết này về chủ nghĩa đế quốc ‘hiện đại’ có thể truy nguyên lại hơn 160 năm trước, đến Adam Smith, người nói về thương mại thuộc địa rằng nó ‘nhất thiết đóng góp để giữ vững tỉ suất lợi nhuận’). Engels đã đi thêm một bước nữa hơn Marx trong sự phát triển của ông về lí thuyết này. Buộc phải thừa nhận rằng ở Vương quốc Anh xu hướng thịnh hành đã không dẫn đến một sự tăng lên về nghèo khổ mà đúng hơn đến một sự cải thiện đáng kể, ông ám chỉ rằng điều này có thể là do sự thực rằng Vương quốc Anh ‘bóc lột toàn bộ thế giới’; và ông xông vào tấn công một cách đầy kinh bỉ ‘giai cấp công nhân Anh’ giai cấp, thay cho chịu đau khổ như ông kì vọng họ phải thế, ‘lại thực sự ngày càng trở thành tư sản hơn’. Và ông tiếp tục38: ‘Dường như là người tư sản nhất trong mọi quốc gia này muốn làm cho vấn đề xảy ra y như có một tầng lớp quý tộc tư sản và một giai cấp vô sản tư sản ở cạnh nhau với giai cấp tư sản’. Mà sự thay đổi chiều này ở phía Engels ít nhất cũng nổi bật như sự trở mặt khác của ông mà tôi đã nhắc tới ở chương trước39; và giống việc đó, nó được tiến hành dưới ảnh hưởng của một diễn tiến xã hội cái hoá ra là một sự giảm nghèo khổ. Marx đã trách chủ nghĩa tư bản vì ‘vô sản hoá tầng lớp trung lưu và giai cấp tư sản bậc thấp’, và vì làm cho các công nhân thành những người cùng khổ. Engels bây giờ đổ lỗi cho hệ thống –nó vẫn bị trách móc- vì biến các công nhân thành tư sản. Nhưng chi tiết thú vị nhất trong lời phàn nàn của Engels là sự căm phẫn đã khiến ông gọi người Anh, những người cư xử thiếu thận trọng đến vậy để chứng minh các lời tiên tri Marxist là sai, là ‘người tư sản nhất trong mọi quốc gia này’. Theo học thuyết Marxist, chúng ta phải chờ đợi từ ‘người tư sản nhất trong mọi quốc gia’ một sự mở rộng nghèo khổ và căng thẳng giai cấp đến một mức độ không thể chịu được; thay vào đó, chúng ta nghe rằng điều ngược lại xảy ra. Nhưng tóc của người Marxist tốt bụng dựng ngược lên khi anh ta nghe về tính độc hại không thể tin được của một hệ thống tư bản chủ nghĩa, hệ thống biến những người vô sản tốt thành các tư sản xấu xa; hoàn toàn quyên mất là Marx đã chứng tỏ rằng tính độc ác của hệ thống cốt ở duy nhất trong sự thực rằng nó hoạt động theo cách ngược lại. Như thế chúng ta đọc ở phân tích của Lenin40 về các nguyên nhân xấu xa và các kết quả khủng khiếp của chủ nghĩa đế quốc Anh hiện đại: ‘Các nguyên nhân: (1) nước này bóc lột toàn thế giới; (2) địa vị độc quyền của nó trên thị trường thế giới; (3) sự độc quyền thuộc địa của nó. Các kết quả: (1) tư sản hoá một phần giai cấp vô sản Anh; (2) một bộ phận của giai cấp vô sản tự để mình bị lãnh đạo bởi những người đã bị giai cấp tư sản mua, hay chí ít được nó trả tiền’. Sau khi đã gán một cái tên Marxist đẹp đẽ như vậy, ‘tư sản hoá giai cấp vô sản’, cho một khuynh hướng đáng căm ghét – đáng căm ghét chủ yếu bởi vì nó không khớp với cách thế giới phải diễn ra phù hợp với Marx- Lenin hiển nhiên tin rằng nó đã trở thành một xu hướng Marxist. Bản thân Marx đã cho rằng toàn bộ thế giới có thể trải qua giai đoạn lịch sử tất yếu về công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa càng nhanh càng tốt, và ông vì thế đã có ý thiên về ủng hộ41 các diễn tiến đế quốc chủ nghĩa. Nhưng Lenin đã đi đến một kết luận rất khác. Vì sự chiếm hữu thuộc địa của nước Anh là lí do vì sao công nhân trong nước lại đi theo ‘các nhà lãnh đạo bị giai cấp tư sản mua’ thay cho những người Cộng sản, ông thấy ở đế chế thuộc địa một cái cò súng hay kíp nổ tiềm năng. Một cuộc cách mạng ở đó sẽ làm cho qui luật về sự nghèo khổ tăng lên hoạt động ở mẫu quốc, và một cuộc cách mạng ở mẫu quốc sẽ tiếp theo. Như thế các thuộc địa là chỗ từ đó ngọn lửa có thể lan ra…
Tôi không tin rằng giả thuyết phụ mà lịch sử của nó tôi vừa phác hoạ có thể cứu qui luật về sự nghèo khổ tăng lên; vì giả thuyết này bản thân nó bị kinh nghiệm bác bỏ. Có các nước, thí dụ các nền dân chủ Bắc Âu, Czechoslovakia, Canada, Australia, New Zealand, chẳng nói gì về Hoa Kì, trong đó một chủ nghĩa can thiệp dân chủ đã đảm bảo cho các công nhân một mức sống cao, bất chấp sự thực rằng sự bóc lột thuộc địa đã không có ảnh hưởng nào ở đó, hay dù sao đi nữa quá không quan trọng để xác nhận giả thiết. Hơn nữa, nếu ta so sánh các nước nào đó, các nước ‘bóc lột’ các thuộc địa, như Hà Lan và Bỉ, với Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, và Czechoslovakia các nước không ‘bóc lột’ các thuộc địa, ta không thấy rằng các công nhân được lợi từ chiếm hữu các thuộc địa, vì tình hình của giai cấp lao động ở tất cả các nước đó đã giống nhau một cách đáng chú ý. Hơn nữa, mặc dù sự nghèo khổ áp đặt lên các thổ dân thông qua thuộc địa hoá là một trong các chương đen tối nhất trong lịch sử của nền văn minh, không thể khẳng định rằng sự nghèo khổ của họ đã có khuynh hướng tăng lên kể từ thời Marx. Chính xác là ngược lại; sự việc đã rất được cải thiện. Và tuy thế, sự nghèo khổ tăng lên sẽ phải là rất nổi bật ở đó nếu giả như cả hai giả thuyết phụ và lí thuyết ban đầu là đúng.
VII
Như tôi đã làm với bước thứ hai và bước thứ ba ở các chương trước, bây giờ tôi sẽ minh hoạ bước thứ nhất của lí lẽ tiên tri của Marx bằng cho thấy một chút về ảnh hưởng thực tiễn của nó lên chiến thuật của các đảng Marxist.
Những người Dân chủ Xã hội, dưới áp lực của các sự thực hiển nhiên, ngầm từ bỏ lí thuyết rằng cường độ nghèo khổ tăng lên; nhưng toàn bộ chiến thuật của họ vẫn dựa vào giả thiết rằng qui luật về quy mô nghèo khổ tăng lên là đúng, tức là số lượng của giai cấp vô sản công nghiệp phải liên tục tăng lên. Đây là lí do vì sao họ đặt cơ sở chính sách của họ chỉ riêng để đại diện cho các lợi ích của các công nhân công nghiệp, đồng thời tin vững chắc rằng họ đang đại diện cho, hay rất mau sẽ đại diện cho, ‘tuyệt đại đa số dân cư’42. Họ không bao giờ nghi ngờ khẳng định của Tuyên ngôn rằng ‘Tất cả các phong trào lịch sử trước đây là các phong trào của các thiểu số… Phong trào vô sản là phong trào tự giác, độc lập của tuyệt đại đa số, vì quyền lợi của tuyệt đại đa số’. Vì thế, một cách tự tin họ đã đợi ngày khi sự giác ngộ giai cấp và sự tự tin giai cấp của các công nhân công nghiệp sẽ mang lại thắng lợi cho họ trong các cuộc bầu cử. ‘Không thể có nghi ngờ gì về phần ai sẽ là người thắng cuối cùng – vài kẻ bóc lột, hay tuyệt đại đa số, các công nhân’. Họ đã không thấy rằng chẳng ở đâu các công nhân công nghiệp tạo thành một đa số, ít hơn nhiều một ‘tuyệt đại đa số’, và rằng các số liệu thống kê không còn cho thấy bất cứ xu hướng nào tiến đến một sự tăng lên về số lượng của họ. Họ đã không hiểu rằng sự tồn tại của một đảng của những người lao động dân chủ được biện minh hoàn toàn chỉ chừng nào một đảng như vậy sẵn sàng để thoả hiệp hay thậm chí hợp tác với các đảng khác, thí dụ với đảng nào đó đại diện cho các nông dân, hay các tầng lớp trung lưu. Và họ đã không nhận ra rằng, nếu họ muốn cai trị nhà nước một mình như những đại diện cho đa số nhân dân, thì họ phải thay đổi toàn bộ chính sách của mình và thôi không đại diện chủ yếu hay chỉ riêng cho các công nhân công nghiệp. Tất nhiên, không phải là cái thay thế cho sự thay đổi này về chính sách để đi khẳng định một cách ấu trĩ rằng chính sách vô sản như nó vốn là có thể đơn giản đưa (như Marx nói43) ‘những người sản xuất nông thôn dưới sự lãnh đạo trí tuệ của các thị trấn trung tâm của các khu vực của họ, đảm bảo cho họ, ở người công nhân công nghiệp, người được uỷ thác tự nhiên của các lợi ích của họ …’
Lập trường của các đảng Cộng sản là khác. Họ tôn trọng hoàn toàn lí thuyết về sự nghèo khổ tăng lên, tin vào sự tăng lên không chỉ của quy mô mà cả của cường độ của nó, một khi các nguyên nhân của sự tư sản hoá tạm thời của các công nhân được loại bỏ. Lòng tin này đã đóng góp đáng kể cho cái Marx đã có thể gọi là ‘các mâu thuẫn bên trong’ của chính sách của họ.
Tình hình chiến thuật có vẻ khá đơn giản. Nhờ lời tiên tri của Marx, những người Cộng sản tin chắc rằng sự nghèo khổ phải nhanh chóng tăng lên. Họ cũng biết rằng đảng có thể không lấy được sự tin cậy của các công nhân mà không đấu tranh vì họ, và với họ, cho một sự cải thiện số phận của họ. Hai giả thiết cơ bản này rõ ràng đã quyết định các nguyên tắc về các chiến thuật chung của họ. Làm cho các công nhân đòi phần của họ, ủng hộ họ trong mọi tình tiết cá biệt trong cuộc đấu tranh không ngừng của họ vì miếng cơm và chỗ ở. Đấu tranh ngoan cường cùng với họ cho việc hoàn thành các yêu sách thực tiễn của họ, bất luận kinh tế hay chính trị. Như thế sẽ lấy được sự tin cậy của họ. Đồng thời, các công nhân sẽ học được rằng là không thể đối với họ để cải thiện số phận của mình bằng các cuộc đấu tranh nhỏ nhoi này, và rằng chẳng có gì ngoài một cuộc cách mạng trọn vẹn mới có thể mang lại một sự cải thiện. Vì tất cả các cuộc đấu tranh nhỏ nhoi này nhất định không thành công; chúng ta biết từ Marx rằng các nhà tư bản đơn giản không thể tiếp tục thoả hiệp và rằng, cuối cùng, sự nghèo khổ phải tăng lên. Do đó, kết quả duy nhất – nhưng là một kết quả có giá trị - của đấu tranh hàng ngày của các công nhân chống lại những kẻ áp bức họ là một sự tăng lên về giác ngộ giai cấp của họ; đó là cảm giác về sự thống nhất là cái có thể thu được chỉ trong cuộc chiến đấu, cùng với sự nhận biết tuyệt vọng rằng chỉ cách mạng có thể giúp họ trong cảnh nghèo khổ của họ. Khi giai đoạn này đạt đến, thì, giờ đã điểm cho cuộc chiến đấu cuối cùng.
Đây là lí thuyết và những người Cộng sản đã hành động phù hợp với nó. Đầu tiên họ ủng hộ các công nhân trong cuộc đấu tranh của họ để cải thiện số phận của họ. Nhưng, ngược lại với mọi mong đợi và lời tiên tri, cuộc đấu tranh thành công. Các yêu sách được công nhận. Hiển nhiên, lí do là chúng đã quá khiêm tốn. Cho nên phải đòi nhiều hơn. Nhưng các yêu sách lại được công nhận44. Và khi sự nghèo khổ giảm đi, các công nhân trở nên ít cay đắng hơn, sẵn sàng cho mặc cả về lương hơn là đi mưu tính cho cách mạng.
Bây giờ những người Cộng sản thấy rằng chính sách của họ phải được đảo ngược. Phải làm cái gì đó để đưa qui luật về sự nghèo khổ tăng lên vào hoạt động. Thí dụ, phải khuấy động tình trạng rối ren ở thuộc địa (ngay cả ở nơi không có cơ hội cho một cuộc cách mạng thành công), và với mục đích chung về làm vô hiệu hoá sự tư sản hoá các công nhân, một chính sách xúi bẩy tai hoạ thuộc mọi loại phải được chấp nhận. Nhưng chính sách mới này phá huỷ sự tin cậy của các công nhân. Những người Cộng sản mất thành viên của họ, với ngoại lệ của những người không có kinh nghiệm về các cuộc đấu tranh chính trị thực sự. Họ mất chính xác những người mà họ mô tả là ‘quân tiên phong của giai cấp lao động’; nguyên tắc ngầm ngụ ý của họ: ‘Các thứ càng tồi tệ, càng tốt, vì sự nghèo khổ phải đẩy nhanh cách mạng’, làm cho các công nhân nghi ngờ - nguyên tắc này càng được áp dụng, sự nghi ngờ do các công nhân ấp ủ càng tồi tệ. Vì họ là những người thực tế; để lấy được sự tin cậy của họ, phải hoạt động để cải thiện số phận của họ.
Như thế chính sách lại phải đảo ngược: buộc phải chiến đấu vì sự cải thiện trước mắt của số phận của các công nhân và đồng thời hi vọng điều ngược lại.
Với điều này, ‘các mâu thuận nội bộ’ của lí thuyết tạo ra giai đoạn cuối cùng của sự lẫn lộn. Nó là giai đoạn khi khó để biết ai là kẻ phản bội, vì sự phản bội có thể là sự trung thành và sự trung thành là phản bội. Nó là giai đoạn khi những người đi theo đảng không đơn giản bởi vì nó tỏ ra đối với họ (một cách đúng đắn, tôi e) như phong trào mạnh mẽ duy nhất với các mục đích nhân đạo, mà đặc biệt bởi vì nó là một phong trào dựa vào một lí thuyết khoa học, phải hoặc từ bỏ nó, hoặc phải hi sinh tính nhất quán trí tuệ của họ; vì bây giờ họ phải học để tin mù quáng vào một uy quyền nào đó. Cuối cùng, họ phải trở thành những người thần bí – thù địch với lí lẽ có lí trí.
Dường như là, không chỉ chủ nghĩa tư bản là nạn nhân của các mâu thuẫn nội tại các mâu thuẫn đe doạ gây ra sự suy sụp của nó…
(*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Nguyễn Quang A dịch
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 20
1 Chỉ bản dịch tiếng Anh đầy đủ của ba tập của Capital đã gần 2.500 trang. Còn phải kể thêm ba tập được xuất bản bằng tiếng Đức dưới nhan đề Các Lí thuyết về Giá trị Thặng dư; chúng chứa các tư liệu, phần lớn lịch sử, mà Marx định dùng trong Capital.
2 So sự đối lập giữa một chủ nghĩa tư bản vô độ với chủ nghĩa can thiệp được đưa ra ở ch. 16 và 17. (Xem các ct. 16 ở ch. 16, 22 ở ch. 17, và 9 ở ch. 18, và văn bản.
Về tuyên bố của Lenin, so H.o.M., 561 (= The Teachings of Karl Marx, 29, tôi nhấn mạnh). Lí thú là cả Lenin lẫn hầu hết các nhà Marxist có vẻ đã không nhận ra rằng xã hội đã biến đổi từ thời Marx. Lenin nói năm 1914 về ‘xã hội đương thời’ cứ như là xã hội đương thời của Marx cũng như của ông. Song Tuyên ngôn được xuất bản năm 1848.
3 Về mọi trích dẫn ở đoạn văn này, so Capital, 691.
4 So các nhận xét về các từ này ở ct. 3 ở ch. 19.
5 Tốt hơn bởi vì tinh thần chủ bại, có thể gây nguy hiểm cho ý thức giai cấp (như được nói tới ở văn bản cho ct. 7 ở ch. 19), chắc sẽ ít có khả năng phát triển.
6 So Capital, 697 ff.
7 Hai trích dẫn là từ Capital, 698 và 706. Từ được dịch là ‘nửa-phồn vinh’ có thể là, theo cách dịch theo nghĩa đen hơn, ‘phồn vinh trung bình’. Tôi dịch là ‘sản xuất quá mức – excessive production’ thay cho ‘sản xuất thừa – over-production’ vì Marx không có ý nói ‘sản xuất thừa’ theo nghĩa sản xuất nhiều hơn mức có thể bán bây giờ, mà theo nghĩa sản xuất nhiều đến mức sự khó khăn về bán nó sẽ mau chóng bộc lộ ra.
8 Như Parkes diễn đạt; so ct. 19 ở ch. 19.
9 Tất nhiên, lí thuyết lao động về giá trị là rất cổ xưa. Thảo luận của tôi về lí thuyết giá trị, phải nhớ lại, chỉ hạn chế ở cái gọi là ‘lí thuyết giá trị khách quan’; tôi không có ý định phê phán ‘lí thuyết giá trị chủ quan’ (có lẽ có thể mô tả tốt hơn như lí thuyết về đánh giá chủ quan, hay về hành động chọn lựa; so ct. 14 ở ch. 14). J. Viner vui lòng chỉ ra cho tôi rằng mối quan hệ duy nhất giữa lí thuyết giá trị của Marx và lí thuyết của Ricardo nảy sinh từ sự hiểu lầm của Marx về Ricardo, và rằng Ricardo chẳng bao giờ cho rằng, một đổi lấy một, lao động có bất cứ sức sáng tạo nào hơn tư bản.
10 Đối với tôi có vẻ chắc chắn là Marx không bao giờ nghi ngờ rằng ‘các giá trị’ của ông theo cách nào đó tương ứng với các giá thị trường. Giá trị của một mặt hàng, ông dạy, bằng với giá của hàng hoá khác nếu số giờ lao động trung bình cần để sản xuất ra chúng là như nhau. Nếu một trong hai hàng hoá là vàng, thì trọng lượng của nó có thể được coi như giá của hàng hoá kia, tính bằng vàng; và vì tiền (theo luật) dựa vào vàng, như thế ta đi đến giá bằng tiền của một hàng hoá.
Các tỉ lệ trao đổi thực trên thị trường, Marx dạy (xem đặc biệt chú thích 1 quan trọng ở p. 153 của Capital), sẽ dao động quanh giá trị tỉ lệ; và do đó, giá thị trường bằng tiền sẽ cũng dao động quanh giá trị tỉ lệ tương ứng với vàng của hàng hoá được nói đến. ‘Nếu độ lớn của giá trị được chuyển thành giá’, Marx nói hơi vụng về, ‘thì quan hệ .. này có dạng của một .. tỉ lệ trao đổi đối với hàng hoá hoạt động với tư cách là tiền’ (tức là vàng). ‘Như thế tỉ lệ trao đổi tự biểu lộ, tuy vậy, không chỉ độ lớn của giá trị hàng hoá, mà cả các thăng trầm lên xuống, nhiều hơn hay ít hơn, mà về chúng hoàn cảnh đặc biệt chịu trách nhiệm’; nói cách khác, các giá có thể lên xuống. ‘Khả năng .. về một sự lệch của giá khỏi .. giá trị vì thế là vốn có trong dạng giá. Đây không phải là một thiếu sót; ngược lại, nó cho thấy rằng dạng giá là hoàn toàn thích hợp cho một phương pháp sản xuất trong đó các tính đều đặn có thể tự thể hiện chỉ như các trung bình của các tính không đều’. Có vẻ rõ đối với tôi là ‘các tính đều đặn’ mà Marx nói đến ở đây là các giá trị, và ông tin rằng các giá trị ‘thể hiện mình’ (hay ‘khẳng định mình’) chỉ như các trung bình của các giá thị trường thật sự, chúng vì thế dao động quanh giá trị.
Lí do vì sao tôi nhấn mạnh điều này là đôi khi nó bị phủ nhận. G. D. H. Cole, thí dụ, viết ở ‘Dẫn nhập’ của ông (Capital, xxv; tôi nhấn mạnh): ‘Marx .. thường nói cứ như các hàng hoá, tiếp theo các dao động thị trường tạm thời, thật sự có một xu hướng để trao đổi ở “các giá trị” của chúng. Song ông nói dứt khoát (ở p. 79) rằng ông không có ý nói điều này; và ở tập ba của Capital ông .. làm cho sự khác nhau không thể tránh khỏi giữa các giá và “các giá trị” hết sức rõ ràng’. Nhưng tuy đúng là Marx không coi các dao động như chỉ ‘tạm thời’, ông có cho rằng các hàng hoá có một xu hướng, tuỳ thuộc vào dao động thị trường, để trao đổi ở ‘giá trị’ của chúng; vì như ta đã thấy ở đoạn được trích ở đây, và được Cole nhắc đến, Marx không nói về bất cứ sự khác nhau nào giữa giá trị và giá, mà chỉ mô tả các dao động và các trung bình. Lập trường là hơi khác ở tập ba của Capital, nơi (Ch. IX) vị trí của ‘giá trị’ của một hàng hoá được thay bằng một phạm trù mới, ‘giá sản xuất’, bằng tổng của chi phí sản xuất của nó cộng với suất trung bình của giá trị thặng dư. Nhưng ngay cả ở đây vẫn là đặc trưng của tư duy Marx rằng phạm trù mới này, giá sản xuất. quan hệ với giá thị trường thật chỉ như một loại điều chỉnh của các trung bình. Nó không xác định giá thị trường một cách trực tiếp, mà nó biểu hiện mình (hệt như ‘giá trị’ làm ở tập một) như một trung bình quanh đó các giá thật dao động hay lên xuống. Điều này có thể được chứng tỏ với sự giúp đỡ của đoạn sau đây (Das Kapital, III/2, p. 396 f.): ‘Các giá thị trường lên trên và xuống dưới các giá sản xuất điều chỉnh này, nhưng các dao động này bù trừ lẫn nhau… Cùng nguyên lí về các trung bình điều chỉnh chi phối ở đây như đã được Quételet thiết lập cho các hiện tượng xã hội nói chung’. Tương tự, Marx nói ở đó (p. 399) về ‘giá điều chỉnh .., tức giá mà quanh đó các giá thị trường dao động’; và ở trang tiếp, nơi ông nói về ảnh hưởng của cạnh tranh, ông nói là ông quan tâm đến ‘giá tự nhiên .., tức là giá .. không bị điều chỉnh bởi cạnh tranh, mà điều chỉnh nó’. (Tôi nhấn mạnh). Ngoài sự thực là giá ‘tự nhiên’ rõ ràng ngụ ý là Marx hi vọng để tìm bản chất của cái mà các giá thị trường dao động là ‘các hình thức bề ngoài’ (so cả ct. 23 ở ch. này), ta thấy rằng Marx bám một cách nhất quán vào quan điểm rằng bản chất này, bất luận là giá trị hay giá sản xuất, thể hiện mình như trung bình của các giá thị trường. Xem cả Das Kapital, III/1, 171 f.
11 Cole, op. cit., xxix, nói trong trình bày mặt khác cực kì sáng sủa của mình về lí thuyết Giá trị Thặng dư của Marx rằng nó là ‘đóng góp riêng biệt của ông cho học thuyết kinh tế’. Nhưng Engels, trong Lời nói đầu của ông cho tập hai của Capital, đã cho thấy rằng lí thuyết này không phải của Marx, rằng Marx đã không chỉ không bao giờ đòi là của ông, mà cũng đề cập đến lịch sử của nó (trong Các Lí thuyết về Giá trị Thặng dư; so ct. 1 ở ch. này). Engels trích từ bản thảo của Marx nhằm chứng tỏ là Marx đề cập đến đóng góp của Adam Smith và của Ricardo cho lí thuyết đó và trích chi tiết từ cuốn sách mỏng, The Source and Remedy of the National Difficulties, được nói đến ở Capital, 646, nhằm chứng tỏ rằng các ý tưởng chính của học thuyết, ngoài sự phân biệt Marxian giữa lao động và sức lao động, có thể thấy ở đó. (So Das Kapital, II, xii-xv).
12 Phần đầu được Marx (so Capital, 213 f.) gọi là thời gian lao động cần thiết, phần hai là thời gian lao động thặng dư.
13 So Lời nói đầu của Engels cho tập hai Capital. (Das Kapital, II, xxi, f.)
14 Việc Marx dẫn ra học thuyết giá trị thặng dư tất nhiên gắn chặt với phê phán của ông về quyền tự do ‘hình thức’, công lí ‘hình thức’,v.v. So đặc biệt các ct. 17 và 19 ở ch. 17, và văn bản. So cả văn bản cho ct. tiếp.
15 So Capital, 845. Xem cả các đoạn được nhắc tới ở ct. trước.
16 So văn bản cho ct. 18 (và ct. 10) ở ch. này.
17 Xem đặc biệt ch. X của tập ba Capital.
18 Về trích dẫn này, so Capital, 706. Kể từ các từ ‘như thế dân cư dư thừa’, đoạn tiếp theo ngay sau đoạn được trích ở văn bản cho ct. 7 ở ch. này. (Tôi đã bỏ từ ‘tương đối’ trước ‘dân cư dư thừa’, vì nó không liên quan đến ngữ cảnh hiện thời, và có lẽ gây nhầm lẫn. Có vẻ như có một lỗi in trong lần xuất bản Everyman: ‘overproduction’ thay cho ‘surplus population –dân cư dư thừa’). Trích dẫn là lí thú trong quan hệ với vấn đề về cung và cầu, và với giáo huấn của Marx rằng những cái này phải có một ‘cơ sở’ (hay ‘bản chất’); so các ct. 10 và 20 ở ch. này.
19 Có thể nhắc đến trong mối quan hệ này rằng các hiện tượng được nói đến - cảnh nghèo khổ trong một thời kì công nghiệp hoá bành trướng nhanh (hay ‘chủ nghĩa tư bản ban đầu’; so ct. 36 dưới đây, và văn bản) mới đây được giải thích bởi một giả thuyết mà, nếu nó có thể đứng vững, sẽ chứng tỏ rằng có rất nhiều trong lí thuyết của Marx về bóc lột. Tôi nghĩ đến một lí thuyết dựa trên học thuyết của Walter Euken về hai hệ thống tiền tệ thuần tuý (vàng và hệ thống tín dụng), và phương pháp của ông về phân tích các hệ thống kinh tế khác nhau cho trước về mặt lịch sử như ‘các hỗn hợp’ của các hệ thống thuần tuý. Áp dụng phương pháp này, Leonhard Miksch mới đây đã chỉ ra (trong bài Die Geldordnung der Zukunft, Zeitschrift für das Gesamte Kreditwesen, 1949) rằng hệ thống tín dụng dẫn đến các khoản đầu tư bắt buộc, tức là người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm, phải kiêng; ‘nhưng vốn [tư bản] được tiết kiệm bằng con đường của các khoản đầu tư bắt buộc này’, Miksch viết, ‘không thuộc về những người buộc phải kiêng tiêu dùng, mà thuộc về các nghiệp chủ [entrepreneur, người khởi nghiệp, nhà kinh doanh].
Nếu lí thuyết này tỏ ra có thể chấp nhận được, thì phân tích của Marx (song không phải ‘các qui luật’ cũng chẳng phải các lời tiên tri của ông) sẽ được xác nhận ở mức độ đáng kể. Vì chỉ có sự khác biệt nhỏ giữa ‘giá trị thặng dư’ của Marx mà, công bằng ra, thuộc về công nhân song bị ‘nhà tư bản’ ‘chiếm đoạt’ hay ‘tước đoạt’, và ‘các khoản tiết kiệm bắt buộc’ của Miksch trở thành tài sản không của người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm, mà của ‘nhà kinh doanh’. Bản thân Miksch ám chỉ rằng các kết quả này giải thích nhiều về sự phát triển kinh tế thế kỉ mười chín (và về sự nổi lên của chủ nghĩa xã hội).
Phải lưu ý rằng phân tích của Miksch giải thích các sự thực quan trọng ở dạng những không hoàn hảo trong một hệ thống cạnh tranh (ông nói đến ‘độc quyền kinh tế về tạo tiền là cái có quyền lực lạ lùng’) còn Marx thử giải thích các sự thực tương ứng với sự giúp đỡ của giả thiết về một thị trường tự do, tức là về cạnh tranh [hoàn hảo]. (Vả lại, ‘người tiêu dùng’ và ‘công nhân công nghiệp’, tất nhiên, không thể được đồng nhất hoàn toàn). Nhưng bất luận giải thích là gì, các sự thực - được Miksch mô tả như ‘phản-xã hội không thể chịu được’ - vẫn còn; và đó là công lao của Marx, cả việc ông đã không chấp nhận các sự thực này, lẫn ông đã hết sức cố gắng giải thích chúng.
20 So ct. 10 ở ch. này, đặc biệt đoạn về giá ‘tự nhiên’ (cả ct. 18 và văn bản); lí thú là ở tập ba của Capital, không xa các đoạn được trích ở ct. 10 ở ch. này (xem Das Kapital, III/2, 352; tôi nhấn mạnh), và trong ngữ cảnh tương tự, Marx đưa ra nhận xét phương pháp luận sau: ‘Mọi khoa học sẽ là thừa nếu các hình thức bề ngoài của các sự vật trùng với các bản chất của chúng’. Đây, tất nhiên, là bản chất luận thuần tuý. Rằng bản chất luận này tiếp giáp với siêu hình học được cho thấy ở ct. 24 ở ch. này.
Rõ ràng là khi Marx nói đi nói lại, đặc biệt ở tập một, về hình thức-giá, ông nghĩ đến một ‘hình thức bề ngoài’; bản chất là ‘giá trị’. (So cả ct. 6 ở ch. 17 và văn bản).
21 Trong Capital, pp. 43 ff.: ‘Sự Thần Bí của Đặc tính Bái [Thờ] Vật của Hàng hoá’.
22 So Capital, 567 (xem cả 328), với tóm tắt của Marx: ‘Nếu năng suất lao động tăng gấp đôi thì, nếu tỉ lệ lao động cần thiết trên lao động thặng dư vẫn không đổi .. kết quả duy nhất sẽ là mỗi trong hai thứ sẽ đại diện cho hai lần nhiều giá trị sử dụng’ (tức hàng hoá) ‘như trước. Các giá trị sử dụng này bây giờ hai lần rẻ như trước… Như thế là có thể, khi năng suất lao động tăng, giá lao động phải tiếp tục giảm, và thế mà sự giảm này lại đi kèm một sự tăng lên về số lượng các phương tiện sống của công nhân’.
23 Nếu nói chung năng suất lao động tăng lên ít nhiều, thì năng suất của các công ti vàng có thể cũng tăng; và điều này có nghĩa là vàng, giống mọi hàng hoá khác, trở nên rẻ hơn nếu đánh giá bằng giờ lao động. Do đó, cũng đúng cho vàng như cho các hàng hoá khác; và khi Marx nói (so ct. trước) rằng số lượng thu nhập thực của công nhân tăng, về lí thuyết, điều này cũng có thể đúng về thu nhập của anh ta tính bằng vàng, tức là bằng tiền. (Phân tích của Marx trong Capital, p. 567, mà tôi đã chỉ trích một tóm tắt ở ct. trước, vì vậy là không đúng ở bất cứ đâu ông nói về ‘giá’; vì ‘giá’ là ‘giá trị’ biểu thị bằng vàng, và những cái này có thể vẫn không đổi nếu năng suất tăng bằng nhau trong mọi nghành sản xuất, bao gồm sản xuất vàng).
24 Cái lạ về lí thuyết giá trị của Marx (như khác biệt với trường phái cổ điển Anh, theo J. Viner) là nó coi lao động của con người là khác biệt cơ bản với mọi quá trình khác trong tự nhiên, thí dụ với lao động của súc vật. Điều này cho thấy rõ là lí thuyết dựa cuối cùng vào một lí thuyết đạo đức, cho rằng sự đau khổ của con người và đời người là một thứ khác cơ bản với mọi quá trình tự nhiên. Chúng ta có thể gọi nó là học thuyết về tính thiêng liêng của lao động con người. Mà tôi không phủ nhận rằng lí thuyết này là đúng theo nghĩa đạo đức; tức là, chúng ta phải hành động theo nó. Nhưng tôi cũng nghĩ là một phân tích kinh tế không được dựa vào một học thuyết đạo đức hay siêu hình học hay tôn giáo mà về nó người người nắm giữ không có ý thức. Marx, như ta sẽ thấy ở ch. 22, đã không tin một cách có ý thức vào một đạo đức nhân đạo, hay đã kìm nén các niềm tin như vậy, lại đi xây dựng trên một cơ sở đạo đức nơi ông không nghi nó –trong lí thuyết trừu tượng của ông về giá trị. Điều này, tất nhiên, liên quan đến bản chất luận của ông: bản chất của mọi quan hệ xã hội và kinh tế là lao động của con người.
25 Về chủ nghĩa can thiệp, so ct. 22 ở ch. 17 và ct. 9 ở ch. 18. (Xem cả ct. 2 ở ch. này).
26 Về nghịch lí quyền tự do trong áp dụng nó cho quyền tự do kinh tế, so ct. 20 ở ch. 17, nơi có các dẫn chiếu thêm.
Vấn đề về thị trường tự do, được nói đến ở văn bản chỉ về áp dụng nó cho thị trường lao động, có tầm quan trọng rất đáng kể. Khái quát hoá cái được nói ở văn bản, rõ ràng là ý tưởng về một thị trường tự do là ngược đời. Nếu nhà nước không can thiệp, thì các tổ chức nửa chính trị khác như các độc quyền, các trust, các nghiệp đoàn, v.v., có thể can thiệp, biến quyền tự do thị trường thành một hư cấu. Mặt khác, cực kì quan trọng để nhận ra là không có một thị trường tự do được bảo vệ cẩn thận, toàn bộ hệ thống kinh tế hẳn ngưng phụng sự cho mục đích duy lí duy nhất của nó, tức là, để thoả mãn các nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không thể lựa chọn; nếu phải mua cái nhà sản xuất chào; nếu nhà sản xuất, bất luận nhà sản xuất tư nhân hay nhà nước hay một phòng tiếp thị, là chủ thị trường, thay cho người tiêu dùng; thì tình hình phải xảy ra là người tiêu dùng, cuối cùng, phục vụ như một loại cung-tiền và người dọn rác cho nhà sản xuất, thay cho nhà sản xuất phục vụ nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.
Ở đây ta đối mặt rõ ràng với một vấn đề về kĩ thuật xã hội: thị trường phải được kiểm soát, nhưng theo cách sao cho sự kiểm soát không cản trở sự lựa chọn tự do của người tiêu dùng và nó không loại bỏ nhu cầu đối với các nhà sản xuất để cạnh tranh vì thiện ý của người tiêu dùng. ‘Lập kế hoạch’ kinh tế mà không lập kế hoạch cho quyền tự do kinh tế theo nghĩa này sẽ dẫn đến gần chủ nghĩa toàn trị một cách nguy hiểm. (So F. A. von Hayek, Freedom and the Economic System, Public Policy Pamphlets, 1939/40).
27 So ct. 2 ở ch. này, và văn bản.
28 Sự phân biệt này giữa máy móc dùng chủ yếu cho mở rộng và máy móc dùng chủ yếu cho tăng cường sản xuất được đưa ra trong văn bản chủ yếu với mục tiêu làm cho trình bày lí lẽ sáng sủa hơn. Ngoài ra, tôi hi vọng, nó cũng là một sự cải thiện của lí lẽ.
Tôi có thể đưa ra ở đây một danh mục các đoạn quan trọng hơn của Marx, kiên quan đến chu kì thương mại (t-c), và đến quan hệ của nó với thất nghiệp (u): Manifesto, 29 f. (t-c). –Capital, 120 (khủng hoảng tiền = suy thoái chung), 624 (t-c và tiền tệ), 694 (u), 698 (t-c), 699 (t-c phụ thuộc vào u; tính tự động của chu kì), 703-705 (t-c và u phụ thuộc lẫn nhau), 706 f. (u). Xem cả tập ba của Capital, đặc biệt Ch. XV, mục về Thặng dư Tư bản và Thặng dư Dân cư, H.o.M., 516-528 (t-c và u) và các Ch. XXV – XXXII (t-c và tiền tệ; so đặc biệt Das Kapital, III/2, 22 ff.) Xem cả đoạn từ tập hai của Capital mà từ đó một câu được trích trong ct. 17 ở ch. 17.
29 So Các Biên bản Chứng cớ, trước Uỷ ban Mật của Thượng viện điều tra nguyên nhân của cảnh Khốn cùng, v.v., 1875, trích ở Das Kapital, III/1, pp. 398 ff.
30 So thí dụ hai bài về Cải cách Ngân sách của C. G. F. Simkin ở Economic Record của Úc, 1941 và 1942 (xem cả ct. 3 ở ch. 9). Các bài báo này đề cập đến chính sách phản chu kì, và tường thuật ngắn gọn về các biện pháp của Thuỵ Điển.
31 So Parkes, Marxism – A Post Mortem, đặc biệt p. 220, n. 6.
32 Các trích dẫn là từ Das Kapital, III/2, 354 f. (Tôi dịch là ‘các hàng hoá hữu ích’ tuy ‘giá trị sử dụng’ sát nghĩa đen hơn).
33 Lí thuyết mà tôi nghĩ đến (được J. Mill tin hay gần thế, như J. Viner cho tôi biết) thường được Marx ám chỉ, và cố chống lại nó, tuy nhiên, không thành công để làm cho vấn đề của ông thật rõ. Nó có thể được trình bày ngắn ngọn như thuyết cho rằng tất cả vốn cuối cùng quy về lương, vì vốn ‘cố định’ (hay như Marx nói, ‘bất biến’) đã được tạo ra, và đã được trả, bằng lương. Hay theo thuật ngữ của Marx: Không có vốn [tư bản] bất biến mà chỉ có vốn khả biến.
Thuyết này được Parkes (op. cit., 97) trình bày rất rõ và đơn giản: ‘Mọi tư bản là vốn khả biến. Điều này sẽ dễ hiểu nếu ta xét một ngành giả định, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất của nó từ nông trại hay hầm mỏ đến sản phẩm hoàn chỉnh, mà không mua bất cứ máy móc hay nguyên liệu từ nào bên ngoài. Toàn bộ chi phí sản xuất của một ngành như vậy sẽ là hoá đơn tiền lương’. Và vì toàn bộ một nền kinh tế có thể được coi như một ngành giả định như vậy, bên trong nó máy móc (vốn bất biến) đã luôn được trả bằng lương (vốn khả biến), tổng vốn bất biến phải là một phần của tổng vốn khả biến.
Tôi không nghĩ là lí lẽ này, mà một thời bản thân tôi đã tin, có thể làm mất hiệu lực của lập trường Marxian. (Đây có lẽ là điểm lớn duy nhất tôi không thể đồng ý với phê phán xuất sắc của Parkes). Lí do là thế này. Nếu ngành giả định quyết định tăng máy móc của nó – không chỉ để thay thế, hay để tiến hành các cải tiến cần thiết – thì ta có thể coi quá trình này như một quá trình Marxian điển hình về tích tụ tư bản bằng đầu tư từ lợi nhuận. Để đo sự thành công của khoản đầu tư này, ta phải xem xét liệu lợi nhuận ở các năm tiếp theo có tăng lên tỉ lệ với nó không. Một số lợi nhuận mới này có thể lại được đầu tư. Bây giờ trong năm mà chúng được đầu tư (hay lợi nhuận được tích tụ bằng biến thành vốn bất biến), trong các giai đoạn tiếp theo, chúng được coi là một phần của vốn bất biến, vì chúng được kì vọng đóng góp tỉ lệ cho lợi nhuận mới. Nếu chúng không, suất lợi nhuận phải rớt, và ta nói nó đã là một khoản đầu tư tồi. Suất lợi nhuận như thế là một số đo thành công của một khoản đầu tư, của năng suất của vốn bất biến mới đưa vào, khoản này, tuy ban đầu luôn được trả ở dạng vốn khả biến, tuy nhiên trở thành vốn bất biến theo nghĩa Marxian, và gây ảnh hưởng của nó lên suất lợi nhuận.
34 So ch. XIII của tập ba của Capital, thí dụ, H.o.M., 499: ‘Rồi chúng ta thấy, rằng bất chấp sự sụt giảm dần về suất lợi nhuận, có thể có .. một sự tăng tuyệt đối về khối lượng lợi nhuận làm ra. Và sự tăng lên này có thể là không ngừng. Và nó có thể không chỉ như thế. Trên cơ sở sản xuất tư bản chủ nghĩa, nó phải như thế, trừ các dao động tạm thời’.
35 Các trích dẫn ở đoạn văn này là từ Capital, 708 ff.
36 Về tóm tắt của Parkes, so Marxism – A Post Mortem, p. 102.
Có thể nói đến ở đây là lí thuyết Marxian rằng các cuộc cách mạng phụ thuộc vào sự nghèo khổ đã được xác nhận ở mức độ nào đó ở thế kỉ trước bởi sự nổ ra của các cuộc cách mạng ở các nước nơi sự nghèo khổ thực sự tăng đã lên. Nhưng ngược với tiên đoán của Marx, các nước này không phải là các nước của chủ nghĩa tư bản phát triển. Chúng hoặc là các nước nông nghiệp hay các nước mà chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn phát triển sơ khai. (So Op. cit., 48). Có vẻ là các xu hướng cách mạng giảm đi với sự tiến bộ của công nghiệp hoá. Do đó, cách mạng Nga không được diễn giải như chín muồi (các nước tiên tiến hơn cũng không được coi là đã quá-chín muồi cho cách mạng), mà đúng hơn như một sản phẩm của sự nghèo khổ điển hình của tuổi ấu thơ tư bản chủ nghĩa và của sự nghèo khổ của nông dân, được tăng cường bởi sự cùng cực của chiến tranh và các khả năng thất bại. Xem cả ct. 19, ở trên.
37 So H.o.M., 507.
Trong một chú giải cho đoạn này (tức Das Kapital, III/1, 219), Marx cho rằng Adam Smith đúng, chống lại Ricardo.
Đoạn của Smith mà có lẽ Marx ám chỉ đến được trích ở dưới hơn trong đoạn văn: nó là từ the Wealth of Nations (vol. II, p. 95 của lần xuất bản Everyman).
Marx trích một đoạn từ Ricardo (Works, ed. MacCulloch, p. 73 = Ricardo, Everyman edition, p. 78). Nhưng có thậm chí một đoạn đặc trưng hơn trong đó Ricardo cho rằng cơ chế do Smith mô tả ‘không thể .. tác động đến suất lợi nhuận’ (Principles, 232).
38 Về Engels, so H.o.M., 708 (= được trích ở Imperialism, 96).
39 Về sự trở mặt [change of front], so ct. 31 ở ch. 19, và văn bản.
40 So Lenin, Imperialism: Highest Stage of Capitalism (1917), 97;(= H.o.M., 708).
41 Đây có thể là một bào chữa, tuy chỉ là bào chữa rất không thoả mãn, cho các nhận xét gây chán nản nhất của Marx, được Parkes trích, Marxism – A Post Mortem (213 f., n. 3). Chúng gây chán nản nhất vì chúng nêu ra câu hỏi liệu Marx và Engels có chân thật yêu tự do không mà người ta muốn các ông có; liệu họ không phải bị ảnh hưởng nhiều bởi tính vô trách nhiệm và chủ nghĩa dân tộc của Hegel hơn là người ta có thể kì vọng từ các giáo huấn chung của các ông.
42 So H.o.M., 295 (= GA, Special Vol. 290-1): ‘Bằng ngày càng biến số đông dân cư thành vô sản, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra lực lượng .. buộc phải thực hiện cuộc cách mạng này’. Về đoạn từ Tuyên ngôn, so H.o.M., 35 (= GA, Ser. I, vol. vi, 536). Về đoạn tiếp theo, so H.o.M., 156 f. (= Der Buergerkrieg in Frankreich, 84).
43 Về đoạn ấu trĩ không ngờ, H.o.M., 147 f. (= Der Buergerkrieg in Frankreich, 75 f.).
44 Về chính sách này, so Marx, Gửi Liên đoàn Cộng sản, được trích ở các ct. 14 và 35-37 ở ch. 19. (So cả, thí dụ, các ct. 26 f. ở ch. đó). Xem thêm đoạn sau từ op. cit. (H.o.M., 70 f.; tôi nhấn mạnh = Labour Monthly, Sept. 1922, 145-6): ‘Như thế, thí dụ, nếu giai cấp tiểu tư sản định mua đường sắt và các nhà máy, công nhân phải đòi rằng đường sắt và các nhà máy như vậy phải đơn giản bị Nhà nước tịch thu mà không có đền bù; vì chúng là tài sản của bọn phản động. Nếu những người dân chủ kiến nghị thuế tỉ lệ, công nhân phải đòi thuế luỹ tiến. Nếu bản thân những người dân chủ tuyên bố về một thuế luỹ tiến vừa phải, công nhân phải nhất quyết một thuế luỹ tiến nặng; nặng đến mức gây ra sụp đổ tư bản lớn. Nếu những người dân chủ kiến nghị điều chỉnh Nợ Quốc gia, công nhân phải đòi sự phá sản của Nhà nước. Các đòi hỏi của công nhân sẽ phụ thuộc vào các kiến nghị và các biện pháp của những người dân chủ’. Đây là các chiến thuật của những người Cộng sản, những người mà Marx nói: ‘Lời hô xung trận của họ phải là: “Cách mạng Thường trực!”.’