Các phân tích xã hội học và kinh tế của ông về xã hội đương thời có thể hơi một chiều, nhưng bất chấp các thành kiến của chúng, chúng là tuyệt vời ở chừng mực chúng là các phân tích mô tả. Lí do của thất bại của ông với tư cách một nhà tiên tri hoàn toàn nằm ở sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử như nó vốn là, ở sự thực đơn giản rằng cho dù chúng ta quan sát ngày hôm nay cái có vẻ là một xu hướng hay khuynh hướng lịch sử, chúng ta không thể biết liệu nó sẽ có cùng diện mạo hay không vào ngày mai.
Chúng ta phải thừa nhận rằng Marx đã thấy nhiều thứ dưới ánh sáng đúng. Nếu chúng ta chỉ xem xét lời tiên tri của ông rằng hệ thống của chủ nghĩa tư bản vô độ, như ông biết nó, sẽ không kéo dài lâu hơn nữa, và rằng các nhà biện hộ của nó những người nghĩ nó sẽ kéo dài mãi mãi đã sai, thì chúng ta phải nói là ông đã đúng. Ông cũng đã đúng, khi cho rằng chủ yếu là ‘đấu tranh giai cấp’, tức là sự liên kết của các công nhân, là cái sẽ gây ra sự biến đổi của nó thành một hệ thống kinh tế mới. Nhưng chúng ta không được đi xa đến mức để nói rằng Marx đã tiên đoán rằng hệ thống mới, chủ nghĩa can thiệp1, dưới cái tên khác, chủ nghĩa xã hội. Sự thực là ông đã không có ý niệm mơ hồ nào về cái đang nằm ở trước. Cái ông gọi là ‘chủ nghĩa xã hội’ là rất không giống với bất cứ hình thái nào của chủ nghĩa can thiệp, ngay cả hình thái Nga; vì ông đã tin tưởng mạnh mẽ rằng diễn tiến sắp xảy ra sẽ thu nhỏ ảnh hưởng, chính trị cũng như kinh tế, của nhà nước, trong khi chủ nghĩa can thiệp đã làm tăng nó ở mọi nơi.
Vì tôi phê phán Marx và, ở mức độ nào đấy, ca ngợi chủ nghĩa can thiệp dân chủ từng phần (đặc biệt loại thể chế được giải thích ở mục VII của chương 17), tôi muốn làm rõ là tôi có nhiều cảm tình với hi vọng của Marx cho một sự giảm ảnh hưởng của nhà nước. Không nghi ngờ gì mối nguy hiểm lớn nhất của chủ nghĩa can thiệp – đặc biệt của bất cứ sự can thiệp trực tiếp nào – là nó dẫn đến một sự tăng lên về quyền lực nhà nước và về quan liêu. Hầu hết những người theo chủ nghĩa can thiệp không để ý đến điều này, hay họ nhắm mắt với nó, làm tăng mối nguy hiểm. Nhưng tôi tin rằng một khi mối nguy hiểm được đối mặt trực tiếp, phải là có thể để làm chủ nó. Vì điều này lại chỉ là một vấn đề về công nghệ xã hội và về kĩ thuật xã hội từng phần. Nhưng quan trọng để xử trí nó sớm, vì nó tạo thành một mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Chúng ta phải lên kế hoạch cho quyền tự do, và không chỉ cho an ninh, nếu không phải vì lí do nào khác hơn là chỉ quyền tự do mới có thể làm cho an ninh đảm bảo.
Nhưng hãy quay lại với lời tiên tri của Marx. Một trong các xu hướng lịch sử mà ông cho là đã khám phá ra dường như có đặc tính dai dẳng hơn các xu hướng khác; ý tôi muốn nói xu hướng tích tụ tư liệu sản xuất, và đặc biệt xu hướng tăng năng suất lao động. Quả thực có vẻ là xu hướng này sẽ tiếp tục một thời gian, tất nhiên, với điều kiện là chúng ta giữ nền văn minh tiến triển. Nhưng Marx đã không chỉ nhận ra xu hướng này và ‘các khía cạnh văn minh’ của nó, ông cũng thấy các mối nguy hiểm vốn có của nó. Đặc biệt hơn, ông là một người đầu tiên (mặc dù ông có các tiền bối nào đó của mình, thí dụ, Fourier2) đi nhấn mạnh quan hệ giữa ‘sự phát triển các lực lượng sản xuất’ trong đó ông thấy3 ‘sứ mệnh lịch sử và sự biện hộ của tư bản’, và rằng hiện tượng huỷ hoại nhất của hệ thống tín dụng - một hệ thống có vẻ đã khuyến khích sự nổi lên nhanh của chủ nghĩa công nghiệp – là chu kì thương mại.
Lí thuyết của riêng Marx về chu kì thương mại (được thảo luận ở mục IV của chương trước) có lẽ có thể được diễn giải dài dòng như sau: cho dù đúng là các qui luật vốn có của thị trường tự do tạo ra một xu hướng tới công ăn việc làm đầy đủ, cũng đúng là mỗi cách tiếp cận đơn lẻ đến công ăn việc làm đầy đủ, tức là đến thiếu lao động, kích thích các nhà phát minh và các nhà đầu tư để tạo ra và đưa vào máy móc mới tiết kiệm lao động, vì thế gây ra (đầu tiên một đợt hưng thịnh ngắn và sau đó) một làn sóng mới về thất nghiệp và suy thoái. Liệu có bất cứ sự thật nào, và bao nhiêu, trong lí thuyết này hay không, tôi không biết. Như tôi đã nói ở chương trước, lí thuyết về chu kì thương mại là một đề tài khá khó, và là một đề tài mà tôi không có ý định lao vào. Nhưng vì luận đề của Marx rằng tăng năng suất là một trong các nhân tố đóng góp cho chu kì thương mại có vẻ đối với tôi là quan trọng, tôi có thể được phép phát triển vài cân nhắc hiển nhiên để ủng hộ nó.
Danh mục sau về các diễn tiến khả dĩ, tất nhiên, là hoàn toàn không đầy đủ; nhưng nó được xây dựng theo cách sao cho mỗi khi năng suất lao động tăng lên, thì ít nhất một trong các diễn tiến sau, và có thể nhiều diễn tiến cùng một lúc, phải bắt đầu và phải tiếp diễn ở một mức độ đủ để cân bằng sự tăng lên về năng suất.
(A) Các khoản đầu tư tăng lên, tức là, tư tiệu sản xuất được tạo ra nhằm tăng cường khả năng sản xuất ra các hàng hoá khác. (Vì điều này dẫn đến một sự tăng thêm nữa về năng suất, riêng nó không thể cân bằng các ảnh hưởng của nó trong bất cứ khoảng thời gian nào).
(B) Tiêu dùng tăng lên - mức sống tăng lên:
(a) cho toàn bộ dân cư;
(b) cho những phần nào đó của dân cư (thí dụ, giai cấp nào đó).
(C) Giảm thời gian làm việc.
(a) số giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn;
(b) số người không là công nhân công nghiệp tăng lên, và đặc biệt
(b1) số các nhà khoa học, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà kinh doanh, v.v., tăng lên
……………………………………………………………..
(b2) số công nhân thất nghiệp tăng lên.
(D) Số lượng hàng hoá được sản xuất nhưng không được tiêu thụ tăng lên.
(a) hàng hoá tiêu dùng bị phá huỷ;
(b) tư liệu sản xuất không được dùng (các nhà máy để không);
(c) hàng hoá, khác với hàng hoá tiêu dùng hay thuộc loại (A), được sản xuất, thí dụ, vũ khí;
(d) lao động được dùng để phá huỷ tư liệu sản xuất (và vì thế làm giảm năng suất).
Tôi đã liệt kê các diễn tiến này – danh mục, tất nhiên, có thể được chi tiết thêm – theo cách sao cho xuống đến đường chấm chấm, tức là xuống đến (C, b1), các diễn tiến như vậy thường được công nhận là đáng ao ước, trong khi từ (C, b2) trở đi các diễn tiến thường được coi là không đáng mong muốn; chúng biểu thị suy thoái, sản xuất vũ khí, và chiến tranh.
Bây giờ rõ ràng là vì riêng (A) không thể khôi phục cân bằng mãi mãi, mặc dù nó có thể là một nhân tố rất quan trọng, một hay vài diễn tiến khác phải bắt đầu. Hơn nữa, có vẻ có lí để giả thiết rằng nếu không tồn tại các thể chế để đảm bảo rằng các diễn tiến đáng mong muốn tiến triển ở mức độ đủ cân bằng năng suất được tăng lên, thì các diễn tiến không mong muốn nào đó sẽ bắt đầu. Nhưng tất cả các thứ này, có lẽ với ngoại lệ của sản xuất vũ khí, có đặc tính là chúng chắc dẫn đến một sự giảm đột ngột của (A), điều hẳn làm trầm trọng tình hình một cách gay gắt.
Tôi không nghĩ rằng các cân nhắc như các cân nhắc trên có khả năng ‘giải thích’ sự vũ trang hay chiến tranh theo bất cứ ý nghĩa nào của từ, mặc dù chúng có thể giải thích thành công của các nhà nước toàn trị trong đấu tranh chống thất nghiệp. Tôi cũng không nghĩ là chúng có khả năng ‘giải thích’ chu kì thương mại, mặc dù có lẽ chúng đóng góp cái gì đó cho một giải thích như vậy, trong đó các vấn đề về tín dụng và tiền chắc đóng một vai trò rất quan trọng; vì sự giảm bớt của (A), thí dụ, có thể tương đương với tích trữ các khoản tiết kiệm mà khác đi có lẽ có thể được đầu tư - một nhân tố được thảo luận nhiều và quan trọng4. Và không phải hoàn toàn không thể là qui luật Marxist về suất lợi nhuận giảm (nếu qui luật này có thể đứng vững chút nào5) cũng có thể cho một gợi ý cho việc giải thích tích trữ; vì giả thiết rằng một thời kì tích tụ nhanh có thể dẫn đến một sự đi xuống như vậy, điều này có thể làm nản lòng đầu tư và khuyến khích tích trữ, và làm giảm (A).
Nhưng tất cả thứ này có thể không là một lí thuyết về chu kì thương mại. Một lí thuyết như vậy sẽ có nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ chính của nó sẽ là để giải thích vì sao thể chế thị trường tự do, như vốn là một công cụ rất hữu hiệu để cân bằng cung và cầu, lại không đủ để ngăn ngừa các cuộc suy thoái6, tức là sản xuất thừa hay tiêu thụ dưới mức. Nói cách khác, chúng ta phải chứng tỏ rằng việc mua bán trên thị trường tạo ra chu kì thương mại, như một trong các hậu quả xã hội không mong muốn7 của những hành động của chúng ta. Lí thuyết Marxist về chu kì thương mại có chính xác mục tiêu này trước mắt; và những cân nhắc được phác hoạ ở đây về các ảnh hưởng của một xu hướng chung đến năng suất tăng lên, nhiều nhất, có thể chỉ bổ sung cho lí thuyết này.
Tôi sẽ không đi tuyên bố đánh giá về công trạng của tất cả các suy xét này lên chu kì thương mại. Nhưng dường như đối với tôi khá rõ là chúng có giá trị nhất cho dù theo ánh sáng của các lí thuyết hiện đại bây giờ chúng đã hoàn toàn được thay thế. Sự thực đơn thuần rằng Marx đã xử lí vấn đề này một cách bao quát là rất lớn cho danh tiếng của ông. Ít nhất ngần ấy của lời tiên tri của ông đã trở thành đúng, trong thời gian hiện nay; xu hướng tiến đến một sự tăng lên về năng suất tiếp tục: chu kì thương mại cũng tiếp tục, và sự tiếp tục của nó chắc dẫn đến các biện pháp đối phó can thiệp chủ nghĩa và vì thế đến một sự hạn chế nữa của hệ thống thị trường tự do; một diễn tiến phù hợp với lời tiên tri của Marx rằng chu kì thương mại sẽ là một trong các nhân tố phải gây ra sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa tư bản vô độ. Và chúng ta phải nói thêm vào điều này rằng một mẩu khác của lời tiên tri thành công, cụ thể là, sự liên hiệp của các công nhân là một nhân tố quan trọng khác trong quá trình này.
Căn cứ vào danh mục này của các lời tiên tri quan trọng và phần lớn thành công, liệu có thể biện minh được để nói về sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử? Nếu các lời tiên tri lịch sử của Marx đã thành công thậm chí một phần, thì chúng ta phải chắc chắn không gạt bỏ phương pháp của ông một cách nông nổi. Nhưng một xem xét kĩ lưỡng hơn các thành công của Marx cho thấy rằng không ở đâu phương pháp lịch sử chủ nghĩa của ông đã dẫn ông tới thành công, mà luôn luôn là các phương pháp của phân tích thể chế. Như thế không phải một phân tích lịch sử chủ nghĩa mà là một phân tích thể chế điển hình là cái dẫn đến kết luận rằng nhà tư bản bị cạnh tranh buộc tăng năng suất. Chính là một phân tích thể chế trên đó Marx đặt cơ sở cho lí thuyết của mình về chu kì thương mại và về dân cư dư thừa. Và ngay cả lí thuyết về đấu tranh giai cấp là mang tính thể chế; nó là phần của cơ chế theo đó sự phân phối của cải cũng như quyền lực được kiểm soát, một cơ chế làm cho mặc cả tập thể là khả dĩ theo nghĩa rộng nhất. Không ở đâu trong các phân tích này các ‘qui luật về phát triển lịch sử’, hay các giai đoạn, hay các thời kì, hay các xu hướng lịch sử chủ nghĩa điển hình có đóng bất kì vai trò nào. Mặt khác, chẳng có cái nào trong số các kết luận lịch sử chủ nghĩa tham vọng hơn của Marx, không cái nào trong ‘các qui luật không thể lay chuyển nổi về phát triển’ của ông và ‘các giai đoạn lịch sử không thể nhảy qua’ của ông, đã bao giờ hoá ra là một tiên đoán thành công. Marx đã thành công chỉ trong chừng mực mà ông đã phân tích các thể chế và các chức năng của chúng. Và điều ngược lại cũng đúng: không lời tiên tri nào trong các lời tiên tri lịch sử tham vọng hơn và sâu rộng hơn của ông nằm trong phạm vi phân tích thể chế. Bất cứ đâu có nỗ lực để ủng hộ chúng bằng một phân tích như vậy, việc rút ra là không có căn cứ. Quả thực, so với các tiêu chuẩn cao của chính Marx, các lời tiên tri sâu rộng hơn này ở một mức trí tuệ khá thấp. Chúng chứa không chỉ nhiều mơ tưởng, chúng cũng thiếu sức tưởng tượng chính trị. Nói đại thể, Marx chia sẻ niềm tin của nhà công nghiệp tiến bộ, của ‘giai cấp tư sản’ của thời ông: niềm tin vào một qui luật về tiến bộ. Nhưng chủ nghĩa lạc quan lịch sử chủ nghĩa ấu trĩ này, của Hegel và Comte, của Marx và Mill, là không ít mê tín hơn một chủ nghĩa lịch sử bi quan như của Plato và Spengler. Và nó là một bộ đồ nghề rất tồi cho một nhà tiên tri, vì nó hẳn kiềm chế sức tưởng tượng lịch sử. Quả thực, cần phải nhận ra như một trong các nguyên tắc của bất cứ quan điểm không thiên vị nào về hoạt động chính trị rằng mọi thứ đều là có thể trong các công việc của con người; và cá biệt hơn rằng không diễn tiến có thể tưởng tượng nào có thể bị loại trừ trên cơ sở là nó có thể vi phạm cái gọi là xu hướng tiến bộ của loài người, hay bất cứ qui luật khác nào của cái được cho là các qui luật về ‘bản tính con người’. ‘Sự kiện về tiến bộ’, H. A. L. Fisher viết8, ‘được viết rõ ràng và to trên trang của lịch sử; nhưng sự tiến bộ không phải là một qui luật của tự nhiên. Đất mà một thế hệ giành được có thể bị mất bởi thế hệ sau’.
Phù hợp với nguyên lí rằng tất cả mọi thứ đều có thể, có lẽ đáng chỉ ra rằng các lời tiên tri của Marx rất có thể trở thành thật. Một niềm tin giống như chủ nghĩa lạc quan theo thuyết tiến bộ của thế kỉ mười chín có thể là một lực lượng chính trị hùng mạnh; nó có thể giúp gây ra cái nó đã tiên đoán. Như thế ngay cả một tiên đoán đúng không được phép chấp nhận quá dễ dàng như một sự xác nhận của một lí thuyết, và của đặc tính khoa học của nó. Nó đúng hơn có thể là một hệ quả của đặc tính tôn giáo của nó và một chứng minh về sức mạnh của niềm tin tôn giáo cái có thể gây cảm hứng cho con người. Và cá biệt hơn trong chủ nghĩa Marx yếu tố tôn giáo là không thể nhầm lẫn. Trong lúc nghèo khổ và mất danh giá cùng cực nhất của họ, lời tiên tri của Marx đã cho các công nhân một niềm tin đầy cảm hứng vào sứ mệnh của họ, và vào tương lai rực rỡ mà phong trào của họ chuẩn bị cho toàn nhân loại. Nhìn lại diễn tiến của các sự kiện từ 1864 đến 1930, tôi nghĩ rằng nếu giả như không có sự kiện hơi ngẫu nhiên là Marx đã làm nản lòng việc nghiên cứu công nghệ xã hội, thì có lẽ công việc châu Âu đã có thể phát triển, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng tiên tri này, đến một chủ nghĩa xã hội thuộc loại phi-tập thể. Một sự chuẩn bị chu đáo cho kĩ thuật xã hội, cho lập kế hoạch vì quyền tự do, về phía những người Cộng sản Nga cũng như của những người Cộng sản ở Trung Âu, đã rất có thể dẫn đến một thành công rõ ràng, thuyết phục tất cả các bạn bè của xã hội mở. Nhưng điều này sẽ không phải là một sự xác nhận của một sự tiên tri khoa học. Nó có thể là kết quả của một phong trào tôn giáo - kết quả của niềm tin vào chủ nghĩa nhân văn, kết hợp với việc sử dụng lí trí của chúng ta một cách phê phán cho mục đích thay đổi thế giới.
Nhưng sự việc đã diễn tiến khác đi. Yếu tố tiên tri trong tín điều của Marx đã trội hơn trong đầu óc của những người theo ông. Nó quét tất cả các thứ khác sang một bên, xua đuổi năng lực của sự phán xét điềm tĩnh và phê phán và huỷ diệt niềm tin rằng bằng dùng lí trí chúng ta có thể thay đổi thế giới. Và tất cả cái còn lại của giáo huấn của Marx là triết học sấm truyền của Hegel, triết học mà dưới xiêm áo Marxist của nó đe doạ làm tê liệt cuộc đấu tranh vì xã hội mở.
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 21
1 So các ct. 22 ở ch. 17 và 9 ở ch. 18, và văn bản.
2 Engels nói trong Anti-Dühring rằng Fourier từ lâu đã khám ra ‘vòng ác [luẩn quẩn]’ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; so H.o.M., 287.
3 So H.o.M., 527 (= Das Kapital, III/1, 242).
4 So, thí dụ, Parkes, Marxism – A Post Mortem, pp. 102 ff.
5 Đây là một trích dẫn mà tôi muốn để ngỏ.
6 Điểm này được đồng sự của tôi, Prof. C. G. F. Simkin, nhấn mạnh trong thảo luận.
7 So văn bản cho ct. 11 ở ch. 14, và cuối ct. 17 ở ch. 17.
8 So H. A. L. Fisher, Historry of Europe (1935), Lời nói đầu, vol. I, p. vii. Đoạn được trích đầy đủ hơn ở ct. 27 ở ch. 25.
(*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Người dịch: Nguyễn Quang A