Cũng không phải là phân tích các điều kiện kinh tế có thể cho phép thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa như giá cả xác đáng, phân phối đều của cải, an toàn, lập kế hoạch hợp lí cho sản xuất và, trên hết, quyền tự do, nó cũng chẳng phải là một nỗ lực để phân tích và làm rõ các mục tiêu này.
Nhưng dù Marx đã phản đối mạnh mẽ công nghệ Không tưởng cũng như bất cứ nỗ lực nào về biện hộ đạo đức của các mục tiêu xã hội chủ nghĩa, các tác phẩm của ông chứa, bằng ẩn ý, một lí thuyết đạo đức. Điều này ông trình bày chủ yếu bằng các đánh giá đạo đức về các thể chế xã hội. Rốt cuộc, sự lên án chủ nghĩa tư bản của Marx về cơ bản là một sự buộc tội đạo đức. Hệ thống bị lên án, vì sự bất công tàn nhẫn vốn có ở nó được kết hợp với công lí và tính chính đáng ‘hình thức’ đầy đủ. Hệ thống bị lên án, bởi vì bằng buộc người bóc lột nô dịch người bị bóc lột nó tước quyền tự do của cả hai. Marx đã không chiến đấu chống sự giàu có, ông cũng không tán dương sự nghèo nàn. Ông căm ghét chủ nghĩa tư bản, không phải vì sự tích tụ của cải của nó, mà vì đặc tính đầu sỏ của nó; ông căm ghét nó vì trong hệ thống này của cải có nghĩa là quyền lực chính trị theo nghĩa về quyền lực trên những người khác. Sức lao động được biến thành một hàng hoá; điều đó có nghĩa là con người phải bán mình trên thị trường. Marx căm ghét hệ thống bởi vì nó giống với cảnh nô lệ.
Bằng cách đặt nhấn mạnh như vậy lên khía cạnh đạo đức của các thể chế xã hội, Marx đã nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta đối với các hậu quả xã hội xa hơn của các hành động của chúng ta; thí dụ, của các hành động như kéo dài đời sống của các thể chế bất công về mặt xã hội.
Nhưng mặc dù Tư bản, thực ra, chủ yếu làmột chuyên luận về đạo đức học xã hội, các ý tưởng đạo đức này không bao giờ được trình bày như chúng vốn là. Chúng chỉ được trình bày bằng ẩn ý, nhưng không kém mãnh liệt hơn vì lí do ấy, vì các ngụ ý là rất hiển nhiên. Tôi tin, Marx đã tránh một lí thuyết đạo đức tường minh, bởi vì ông ghét rao giảng. Không tin sâu sắc về nhà đạo đức, người thường khuyên uống nước còn mình thì uống rượu, Marx không sẵn lòng trình bày các xác tín đạo đức của ông một cách tường minh. Các nguyên lí về nhân tính và tính đứng đắn đối với ông là các vấn đề không cần bàn cãi, những vấn đề được coi là dĩ nhiên. (Cả ở lĩnh vực này, ông là một người lạc quan). Ông tấn công các nhà đạo đức bởi vì ông thấy họ như những người biện hộ nịnh bợ của một trật tự xã hội mà ông thấy là trái đạo đức; ông tấn công những người tán dương chủ nghĩa tự do vì sự tự mãn của họ, vì họ đồng nhất quyền tự do với tự do hình thức tồn tại khi đó trong một hệ thống xã hội, hệ thống phá huỷ quyền tự do. Như thế, bằng ẩn ý, ông thừa nhận tình yêu tự do của mình; và với tư cách một triết gia, bất chấp thành kiến của ông cho chỉnh thể luận, ông đã chắc chắn không là một nhà tập thể chủ nghĩa, vì ông hi vọng rằng nhà nước sẽ ‘teo đi’. Niềm tin của Marx, tôi tin, cơ bản là một niềm tin vào xã hội mở.
Thái độ của Marx với đạo Cơ đốc có quan hệ mật thiết với các xác tín này, và với sự thực rằng một sự bảo vệ bóc lột tư bản chủ nghĩa ở thời ông đã là một đặc tính của đạo Cơ đốc chính thức. (Thái độ của ông đã không khác thái độ của Kierkegaard người cùng thời ông, nhà cải cách vĩ đại của đạo đức học Cơ đốc, người bóc trần1 đạo đức Cơ đốc chính thức của thời ông là đạo đức giả phản-Cơ đốc và phản-nhân văn). Một đại diện điển hình của loại đạo Cơ đốc này là linh mục High Church [phái giáo hội Anh chuộng nghi thức] J. Towsend, tác giả của A Dissertation on the Poor Laws, by a Wellwisher of Mankind, một nhà biện hộ cực kì thô lỗ cho sự bóc lột người đã bị Marx bóc trần. ‘Tình trạng đói’, Townsend bắt đầu bài tán dương2 của mình, ‘không chỉ là một áp lực yên bình, im lặng, liên tục nhưng, với tư cách động lực tự nhiên nhất của công nghiệp và lao động, nó phát huy hết các nỗ lực mạnh mẽ nhất’. Trong trật tự thế giới ‘Cơ đốc’ của Townsend, mọi thứ phụ thuộc vào (như Marx quan sát) việc làm cho tình trạng đói thường xuyên trong giai cấp công nhân; và Townsend tin đây quả thực là chủ định thần thánh của nguyên lí về tăng dân số; vì ông tiếp tục: ‘Dường như là một qui luật tự nhiên rằng ở mức độ nào đó người nghèo phải không biết lo xa, cho nên luôn luôn có thể có ai đó để thực hiện các việc đê tiện nhất, bẩn thỉu nhất, ô nhục nhất trong cộng đồng. Nền tảng hạnh phúc của con người do đó tăng lên nhiều, còn những người tế nhị hơn .. được tự do mà không bị gán đoạn để theo đuổi các nghề nghiệp phù hợp với các thiên hướng khác nhau của họ’. Và ‘vị thầy tu tế nhị nịnh hót’, như Marx gọi ông ta vì nhận xét này, nói thêm là các Luật Tế bần [Poor Laws], bằng giúp đỡ người đói, ‘có thiên hướng phá huỷ sự hài hoà và vẻ đẹp, sự đối xứng và trật tự, của hệ thống mà Chúa và tự nhiên đã thiết lập trên thế giới’.
Nếu loại này của ‘đạo Cơ đốc’ ngày nay đã biến mất khỏi phần lớn bề mặt trái đất chúng ta, là nhờ không ít vào sự cải cách đạo đức do Marx gây ra. Tôi không gợi ý rằng sự sửa đổi thái độ của Giáo hội đối với người nghèo ở Anh đã không bắt đầu lâu trước khi Marx có bất cứ ảnh hưởng nào ở Anh; nhưng ông đã ảnh hưởng đến diễn tiến này đặc biệt ở Châu Lục, và sự nổi lên của chủ nghĩa xã hội đã có tác động củng cố nó ở cả Anh. Ảnh hưởng của ông lên đạo Cơ đốc có lẽ có thể so với ảnh hưởng của Luther lên Giáo hội La Mã. Cả hai đã là một thách thức, cả hai đã dẫn đến một phản-cải cách trong phe các kẻ thù của họ, đến một sự xét lại và đánh giá lại các tiêu chuẩn đạo đức của họ. Đạo Cơ đốc nhờ ơn ảnh hưởng của Marx không ít nếu ngày nay nó trên một con đường khác với đường nó theo đuổi chỉ ba mươi năm trước. Thậm chí một phần nhờ ảnh hưởng của Marx mà Giáo hội đã lắng nghe lời của Kierkegaard, người, trong cuốn Book of the Judge của mình, mô tả hành động của chính ông như sau3: ‘Người mà nhiệm vụ là tạo ra một ý tưởng để sửa chữa, chỉ phải nghiên cứu, một cách chính xác và sâu sắc, các phần thối nát của trật tự hiện tồn – và sau đó, theo cách thiên vị nhất có thể, đi nhấn mạnh cái đối lập với nó’. (‘Vì như thế’, ông nói thêm, ‘một người có vẻ thông minh sẽ dễ dàng phản đối tính thiên vị tương phản với ý tưởng để sửa chữa – và anh ta sẽ làm cho công chúng tin rằng đây là toàn bộ sự thật về nó’). Theo nghĩa này ta có thể nói là chủ nghĩa Marx ban đầu, với tính nghiêm khắc đạo đức của nó, sự nhấn mạnh của nó về việc làm thay cho lời nói suông, có lẽ đã là ý tưởng để sửa chữa quan trọng nhất của thời đại chúng ta4. Điều này giải thích ảnh hưởng đạo đức to lớn của nó.
Đòi hỏi rằng con người phải chứng minh bản thân mình bằng hành động là đặc biệt nổi bật trong một vài tác phẩm sớm hơn của Marx. Thái độ này, thái độ có thể được mô tả như chủ nghĩa hành động của ông, được trình bày rõ nhất trong luận cương cuối cùng trong các Luận cương về Feuerbach5 của ông: ‘Các triết gia đã chỉ diễn giải thế giới theo những cách khác nhau; điều quan trọng tuy vậy là đi thay đổi nó’. Nhưng có nhiều đoạn khác cho thấy cùng xu hướng ‘hoạt động chủ nghĩa’; đặc biệt là các đoạn trong đó Marx nói về chủ nghĩa xã hội như ‘vương quốc của tự do’, một vương quốc trong đó con người sẽ trở thành ‘người chủ của môi trường xã hội của chính mình’. Marx đã hình dung về chủ nghĩa xã hội như một giai đoạn trong đó ở mức độ lớn chúng ta thoát khỏi các lực lượng phi lí mà hiện nay quyết định đời sống của chúng ta, và lí trí con người có thể kiểm soát các công việc con người một cách tích cực. Đánh giá bằng tất cả điều này, và bằng thái độ đạo đức và xúc cảm chung của Marx, tôi không thể nghi ngờ là, nếu đối mặt với lựa chọn ‘chúng ta là người tạo ra số phận của mình, hay chúng ta sẽ thoả mãn để là các nhà tiên tri của nó?’ ông có thể đã quyết định là một người tạo ra và không là một nhà tiên tri đơn thuần.
Nhưng như ta đã biết rồi, các xu hướng ‘hành động chủ nghĩa’ mạnh này của Marx bị chủ nghĩa lịch sử của ông chống lại. Dưới ảnh hưởng của nó, ông chủ yếu đã trở thành một nhà tiên tri. Ông quyết định rằng, ít nhất dưới chủ nghĩa tư bản, chúng ta phải phục tùng ‘các qui luật không thể lay chuyển được’ và sự thực là tất cả cái chúng ta có thể làm là ‘rút ngắn và làm nhẹ các cơn đau đẻ’ của ‘các pha tự nhiên của sự tiến hoá của nó’6. Có một hố sâu, rộng giữa chủ nghĩa hành động và chủ nghĩa lịch sử của Marx, và hố sâu này còn bị làm cho rộng hơn bởi học thuyết của ông rằng chúng ta phải phục tùng các lực phi lí thuần tuý của lịch sử. Vì ông lên án bất cứ nỗ lực nào để dùng lí trí của chúng ta nhằm lên kế hoạch cho tương lai là Không tưởng, lí trí không có vai trò nào trong tạo ra một thế giới hợp lí hơn. Tôi tin là một quan điểm như vậy không thể được biện hộ, và phải dẫn đến chủ nghĩa thần bí. Nhưng tôi phải thừa nhận có vẻ có một khả năng lí thuyết để bắc cầu qua hố sâu này, mặc dù tôi không coi cây cầu là vững chãi. Cây cầu này, mà về nó chỉ có các sơ đồ phác hoạ trong các tác phẩm của Marx và Engels, tôi gọi là lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa của họ7.
Không muốn thừa nhận rằng các ý tưởng đạo đức của riêng họ theo bất cứ ý nghĩa nào là cuối cùng và tự-biện minh, Marx và Engels thích coi các mục tiêu nhân đạo của họ dưới ánh sáng của một lí thuyết giải thích chúng như các sản phẩm, hay phản chiếu, của hoàn cảnh xã hội. Lí thuyết của họ có thể được mô tả như sau. Nếu một nhà cải cách xã hội, hay một nhà cách mạng, tin là ông ta được truyền cảm hứng bởi một sự căm thù ‘bất công’, và bởi một tình yêu ‘công lí’, thì ông ta phần lớn là một nạn nhân của ảo tưởng (giống bất cứ ai khác, thí dụ các nhà biện hộ của trật tự cũ). Hay, diễn đạt nó chính xác hơn, các ý tưởng của ông ta về ‘công lí’ và ‘bất công’ là các sản phẩm phụ của sự phát triển xã hội và lịch sử. Song chúng là các sản phẩm phụ loại quan trọng, vì chúng là phần của cơ chế theo đó sự phát triển tự đẩy mình. Để minh hoạ điểm này, luôn có chí ít hai ý tưởng về ‘công lí’ (hay về ‘tự do’ hay về ‘bình đẳng’), và quả thực hai ý tưởng này khác nhau rất xa. Một là ý tưởng về ‘công lí’ như giai cấp thống trị hiểu nó, cái khác, là cùng ý tưởng như giai cấp bị trị hiểu nó. Các ý tưởng này, tất nhiên, là sản phẩm của tình hình giai cấp, nhưng đồng thời chúng đóng một vai trò quan trọng trong đấu tranh giai cấp – chúng phải cung cấp cho cả hai phía lương tâm tốt mà họ cần để tiến hành cuộc chiến đấu của họ.
Lí thuyết này về đạo đức có thể được đặc trưng như lịch sử chủ nghĩa vì nó cho rằng mọi phạm trù đạo đức là phụ thuộc vào tình huống lịch sử; nó thường được gọi là chủ nghĩa tương đối lịch sử trong lĩnh vực đạo đức học. Từ quan điểm này, có một câu hỏi khuyết để hỏi: Có là đúng để hành động theo cách này? Câu hỏi đầy đủ có thể như thế này: Theo ý nghĩa của đạo đức phong kiến thế kỉ mười lăm, có là đúng đi hành động theo cách này? Hay, có lẽ: Theo ý nghĩa của đạo đức vô sản thế kỉ mười chín, có là đúng đi hành động theo cách này? Chủ nghĩa tương đối lịch sử này được Engels trình bày như sau8: ‘Đạo đức nào được rao giảng cho chúng ta ngày nay? Đầu tiên có đạo đức Cơ đốc-phong kiến, được thừa kế từ các thế kỉ đã qua; và đạo đức này lại có hai phân nhánh chính, đạo đức Công giáo La Mã và Tin lành, mỗi thứ lại không thiếu các phân nhánh thêm nữa, từ Công giáo dòng Jesuit [Tên] và Tin lành Chính thống đến các đạo đức “tiên tiến” lỏng lẻo. Kế bên các thứ này, chúng ta thấy đạo đức tư sản hiện đại, và với nó, cả đạo đức vô sản của tương lai nữa ..’
Nhưng cái gọi là ‘chủ nghĩa tương đối lịch sử’ này không hề vét cạn đặc tính lịch sử chủ nghĩa của lí thuyết đạo đức Marxist. Hãy tưởng tượng ta có thể hỏi những người tin một lí thuyết như vậy, thí dụ bản thân Marx: Vì sao ngài lại hành động theo cách ngài làm? Vì sao ngài coi, thí dụ, việc nhận đút lót từ giai cấp tư sản để ngừng các hoạt động cách mạng của ngài là khó chịu và ghê tởm? Tôi không nghĩ rằng Marx lại thích trả lời một câu hỏi như vậy; có lẽ ông sẽ cố tránh nó, khẳng định có lẽ rằng ông hành động đúng như ông thích, hay như ông cảm thấy buộc phải thế. Nhưng tất cả điều này không đụng chạm đến vấn đề của chúng ta. Chắc chắn là trong các quyết định thực tiễn của cuộc đời mình Marx đã theo một đạo lí rất nghiêm khắc; cũng chắc chắn rằng ông đã đòi hỏi một tiêu chuẩn đạo đức cao từ những người cộng tác của ông. Bất luận thuật ngữ được dùng cho các thứ này có thể là gì, vấn đề đối mặt với chúng ta là tìm ra một câu trả lời mà có lẽ ông đã đưa ra cho câu hỏi: Vì sao ngài hành động theo cách như vậy? Thí dụ, vì sao ngài gắng sức giúp những người bị áp bức? (Bản thân Marx không thuộc giai cấp này, cả do dòng dõi hay do giáo dục hay do cách sống của ông).
Nếu bị ép theo cách này, tôi nghĩ, Marx có thể đã trình bày niềm tin đạo đức của ông dưới dạng sau, cái tạo thành lõi của cái tôi gọi là lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa. Với tư cách một nhà khoa học xã hội (ông có thể nói) tôi biết rằng các ý tưởng đạo đức của chúng ta là vũ khí trong đấu tranh giai cấp. Và với tư cách một nhà khoa học, tôi có thể xem xét mà không chấp nhận chúng. Nhưng với tư cách một nhà khoa học tôi cũng thấy rằng mình không thể né tránh đứng về phe nào đó trong cuộc đấu tranh này; rằng bất cứ thái độ nào, ngay cả xa lánh, có nghĩa là đứng về phía này hay phía kia. Vấn đề của tôi như thế có dạng: Tôi sẽ đứng về phía nào? Khi tôi đã chọn một phía nào đó, thì tất nhiên, tôi cũng đã quyết định về đạo đức của mình. Tôi sẽ phải chấp nhận hệ thống đạo đức nhất thiết gắn bó với các lợi ích của giai cấp mà tôi đã quyết định ủng hộ. Nhưng trước khi lấy quyết định cơ bản này, tôi đã không chấp nhận hệ thống đạo đức nào cả, với điều kiện tôi có thể giải thoát mình khỏi truyền thống đạo đức của giai cấp mình; nhưng điều này, tất nhiên, là điều kiện tiên quyết để đưa ra bất cứ quyết định có ý thức và hợp lí nào về các hệ thống đạo đức cạnh tranh. Mà vì một quyết định là ‘có đạo đức’ chỉ trong quan hệ với qui tắc đạo đức đã được chấp nhận trước nào đó, nên quyết định cơ bản của tôi có thể không hề là quyết định ‘có đạo đức’ gì cả. Song nó có thể là một quyết định khoa học. Vì với tư cách một nhà khoa học xã hội, tôi có khả năng thấy cái gì sắp xảy ra. Tôi có khả năng thấy rằng giai cấp tư sản, và với nó là hệ thống đạo đức của nó, nhất thiết phải biến mất, và giai cấp vô sản, và với nó một hệ thống đạo đức mới, nhất thiết thắng. Tôi thấy rằng sự phát triển này là không thể tránh khỏi. Sẽ là điên rồ đi thử cưỡng lại nó, hệt như điên rồ đi thử cưỡng lại qui luật hấp dẫn. Đấy là vì sao quyết định cơ bản của tôi là ủng hộ giai cấp vô sản và đạo đức của nó. Và quyết định này chỉ dựa trên sự thấy trước khoa học, dựa trên sự tiên tri lịch sử khoa học. Mặc dù bản thân nó không là một quyết định đạo đức, vì nó không dựa vào một hệ thống đạo đức nào, nó dẫn đến việc chấp nhận một hệ thống đạo đức nào đó. Tóm lại, quyết định cơ bản của tôi không là quyết định tình cảm (như anh nghi) để giúp đỡ những người bị áp bức, mà là quyết định khoa học và duy lí đừng có đưa ra kháng cự vô ích đối với các qui luật phát triển của xã hội. Chỉ sau khi tôi đã ra quyết định này tôi mới sẵn sàng chấp nhận, và tận dụng đầy đủ, các tình cảm đạo đức đó những thứ là vũ khí cần thiết trong cuộc đấu tranh vì cái nhất thiết sẽ đến trong mọi trường hợp. Theo cách này, tôi chấp nhận các sự thực của giai đoạn đang tới như các tiêu chuẩn của đạo đức của mình. Và theo cách này, tôi giải nghịch lí hiển nhiên rằng một thế giới hợp lí hơn sẽ đến mà không được lí trí lên kế hoạch; vì theo các tiêu chuẩn đạo đức của tôi được chấp nhận bây giờ, thế giới tương lai phải tốt đẹp hơn, và vì thế hợp lí hơn. Và tôi cũng lấp được cái hố ngăn cách giữa chủ nghĩa hành động và chủ nghĩa lịch sử của tôi. Vì rõ ràng là cho dù tôi đã khám phá ra qui luật tự nhiên quyết định sự vận động của xã hội, tôi không thể sắp xếp lại các pha tự nhiên của sự tiến hoá của thế giới bằng một nét bút. Nhưng ngần ấy tôi có thể làm. Tôi có thể giúp một cách tích cực để rút ngắn và làm nhẹ các cơn đau đẻ của nó.
Đây, tôi nghĩ, có thể đã là câu trả lời của Marx, và câu trả lời này đối với tôi là câu trả lời trình bày dạng quan trọng nhất của cái tôi gọi là ‘lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa’. Chính lí thuyết này là lí thuyết mà Engels ám chỉ đến khi ông viết9: ‘Chắc chắn, đạo đức có nhiều yếu tố nhất các yếu tố sẽ kéo dài là đạo đức mà, trong khuôn khổ hiện thời, đại diện cho sự đảo lộn của thời kì hiện nay, chính là đạo đức đại diện cho tương lai; là đạo đức vô sản… Theo quan niệm này, nguyên nhân cuối cùng của mọi sự thay đổi xã hội và cách mạng chính trị không phải là sự thấu hiểu ngày càng tăng về công lí; chúng phải được tìm không phải ở triết học mà ở nền kinh tế của thời đại liên quan. Sự hiểu rõ ngày càng tăng rằng các thể chế xã hội là phi lí và bất công chỉ là một triệu chứng ..’ Nó là lí thuyết mà một nhà Marxist hiện đại nói: ‘Do đặt các khát vọng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở một qui luật kinh tế duy lí về sự phát triển xã hội, thay cho biện hộ chúng trên cơ sở đạo đức, Marx và Engels tuyên bố chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử’.10 Nó là một lí thuyết được tin một cách rất rộng rãi; nhưng hiếm khi được trình bày rõ ràng và tường minh. Sự phê phán nó vì thế là quan trọng hơn thoạt nhìn có thể nhận ra.
Thứ nhất, là đủ rõ rằng lí thuyết phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiên tri lịch sử chính xác. Nếu điều này bị nghi ngờ - và chắc chắn phải bị nghi ngờ - thì lí thuyết mất hầu hết sức thuyết phục của nó. Nhưng cho mục đích phân tích nó, đầu tiên tôi sẽ giả sử rằng sự biết trước lịch sử là một sự thực được xác minh; và tôi sẽ chỉ đặt điều kiện rằng sự biết trước lịch sử này là hạn chế; tôi đặt điều kiện là chúng ta có sự biết trước, thí dụ, cho 500 năm tiếp, một điều kiện sẽ không hạn chế các đòi hỏi thậm chí táo bạo nhất của chủ nghĩa lịch sử Marxist.
Bây giờ đầu tiên hãy xem xét yêu sách của lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa rằng quyết định cơ bản để ủng hộ, hay chống, một trong các hệ thống đạo đức được nói đến, bản thân nó không phải là một quyết định đạo đức; rằng nó không dựa trên bất cứ cân nhắc đạo đức hay tình cảm nào, mà dựa trên một sự tiên đoán lịch sử và khoa học. Đòi hỏi này, tôi nghĩ, là không thể đứng vững. Để làm cho điều này hoàn toàn rõ, sẽ là đủ đi làm cho mệnh lệnh, hay nguyên tắc đạo đức, bao hàm trong quyết định cơ bản này, được tường minh. Nó là nguyên tắc sau: Hãy chấp nhận hệ thống đạo đức của tương lai! hay: Hãy chấp nhận hệ thống đạo đức của những người mà hành động của họ giúp ích nhất để mang lại tương lai! Bây giờ có vẻ rõ đối với tôi rằng ngay cả với giả sử là chúng ta biết chính xác cái 500 năm tới sẽ giống thế nào, không cần thiết chút nào đối với chúng ta để chấp nhận một nguyên tắc như vậy. Để cho một thí dụ, chí ít có thể tưởng tượng được rằng môn đồ nhân văn chủ nghĩa nào đó của Voltaire người vào năm 1764 đã thấy trước diễn tiến của nước Pháp đến, thí dụ, 1864, có thể đã ghét viễn cảnh ấy; chí ít có thể tưởng tượng được rằng ông đã có thể quyết định rằng diễn tiến này là hơi đáng ghét và ông ta không đi chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức của Napoleon III như của riêng mình. Tôi sẽ trung thành với các tiêu chuẩn đạo đức của mình, ông ta có thể nói, tôi sẽ dạy chúng cho các học trò của mình; có lẽ họ sẽ sống sót qua giai đoạn này, có lẽ một ngày nào đó họ sẽ thắng. Cũng như thế chí ít có thể tưởng tượng được là (tại thời điểm này tôi không khẳng định nhiều hơn) một người hôm nay nhìn thấy trước chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiến đến một giai đoạn nô lệ, chúng ta đang quay lại cái chuồng của một xã hội bị ngưng, hay thậm chí chúng ta sắp sửa quay lại thành thú vật, tuy nhiên có thể quyết định không chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức của thời kì sắp xảy ra này mà đi đóng góp cho sự sống còn của các lí tưởng nhân văn của ông ta, tốt ở mức ông ta có thể, hi vọng có lẽ cho một sự hồi sinh của đạo đức của ông ta trong tương lai lờ mờ nào đó.
Tất cả các thứ đó, chí ít, là có thể tưởng tượng được. Có lẽ có thể không phải là quyết định ‘sáng suốt nhất’ để lấy. Nhưng sự thực là, một quyết định như vậy không bị sự biết trước loại trừ cũng không bị bất kể qui luật xã hội học hay tâm lí học nào loại trừ, chứng tỏ là đòi hỏi đầu tiên của lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa là không thể đứng vững được. Liệu chúng ta phải chấp nhận đạo đức của tương lai chính vì nó là đạo đức của tương lai, bản thân điều này đúng là một vấn đề đạo đức. Quyết định cơ bản không thể được dẫn ra từ bất cứ hiểu biết nào về tương lai.
Trong các chương trước tôi đã nhắc đến chủ nghĩa thực chứng đạo đức (đặc biệt của Hegel), lí thuyết cho rằng không có tiêu chuẩn đạo đức nào ngoài tiêu chuẩn đang tồn tại; rằng cái tồn tại, là hợp lí và tốt; và vì thế, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Khía cạnh thực tiễn của lí thuyết này là thế này. Một phê phán hoàn cảnh đang tồn tại là không thể được, vì bản thân tình trạng này quyết định tiêu chuẩn đạo đức của các thứ. Mà lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa chúng ta đang xem xét không là gì ngoài một dạng khác của chủ nghĩa thực chứng đạo đức. Vì nó cho rằng lẽ phải thuộc về kẻ mạnh đang đến. Ở đây tương lai thay thế cho hiện tại - tất cả chỉ có thể. Và khía cạnh thực tiễn của lí thuyết là thế này. Một phê phán tình trạng đang đến là không thể được, vì bản thân tình trạng này quyết định tiêu chuẩn đạo đức của các thứ. Sự khác biệt giữa ‘hiện tại’ và ‘tương lai’ ở đây, tất nhiên, chỉ là vấn đề về mức độ. Ta có thể nói rằng tương lai bắt đầu ngày mai, hay trong 500 năm, hay trong 100 năm nữa. Trong cấu trúc lí thuyết của chúng không có sự khác biệt nào giữa chủ nghĩa bảo thủ đạo đức, chủ nghĩa hiện đại đạo đức, và chủ nghĩa vị lai đạo đức. Cũng chẳng có mấy để chọn giữa chúng về các tình cảm đạo đức. Nếu nhà đạo đức vị lai phê phán tính nhát gan của nhà đạo đức bảo thủ người đứng về phía quyền lực tồn tại, thì nhà đạo đức bảo thủ có thể buộc tội trở lại; ông ta có thể nói nhà đạo đức tương lai là một kẻ hèn nhát vì đứng về phía quyền lực sẽ tồn tại, với các nhà cai trị tương lại.
Tôi cảm thấy chắc chắn, giả như ông đã cân nhắc các hệ luỵ này, có thể Marx đã từ bỏ lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa. Nhiều nhận xét và nhiều hành động chứng tỏ rằng không phải một phán xử khoa học mà là một xung lực tình cảm, mong muốn giúp người bị áp bức, mong muốn giải phóng những người bị bóc lột một cách vô liêm sỉ và các công nhân cùng khổ, là cái đã dẫn ông đến chủ nghĩa xã hội. Tôi không nghi ngờ rằng chính sự quyến rũ đạo đức này là bí quyết của ảnh hưởng của giáo huấn của ông. Và sức thuyết phục của sự quyến rũ này đã được tăng cường ghê gớm bởi sự thực là ông đã không thuyết giảng đạo đức trừu tượng. Ông đã không đòi hỏi bất cứ quyền gì để làm vậy. Ai, hình như ông đã hỏi chính mình, sống theo tiêu chuẩn riêng của người ấy, miễn là nó không phải là một tiêu chuẩn rất thấp? Chính cảm giác này là cái đã dẫn ông, trong các vấn đề đạo đức, đi dựa vào những lời nói giảm nhẹ, và dẫn ông để thử tìm trong khoa học xã hội tiên tri một uy quyền về các vấn đề đạo đức tin cậy hơn ông cảm thấy mình có.
Chắc chắn, trong đạo đức học thực tiễn của Marx các phạm trù như tự do và bình đẳng đóng vai trò lớn. Rốt cuộc, ông là một trong những người cho các lí tưởng của 1789 là nghiêm túc. Và ông đã thấy một khái niệm như ‘quyền tự do’ lại có thể bị bẻ cong một cách vô liêm sỉ đến thế nào. Đây là lí do vì sao ông đã không thuyết giảng tự do bằng lời nói – vì sao ông thuyết giảng nó bằng hành động. Ông đã muốn cải thiện xã hội và sự cải thiện đối với ông có nghĩa là tự do hơn, bình đẳng hơn, công bằng hơn, an toàn hơn, mức sống cao hơn, và đặc biệt là sự cắt ngắn ngày làm việc là cái ngay lập tức cho các công nhân quyền tự do nào đó. Chính là sự căm ghét của ông đối với thói đạo đức giả, sự miễn cưỡng của ông để nói về ‘các lí tưởng cao quí’ này, cùng với chủ nghĩa lạc quan gây sửng sốt của ông, sự tin tưởng của ông rằng tất cả các điều này sẽ được thực hiện trong tương lai gần, là cái đã dẫn ông đi giấu kín các niềm tin đạo đức của ông ở đằng sau những trình bày lịch sử chủ nghĩa.
Marx, tôi xác nhận, có thể đã không bảo vệ chủ nghĩa thực chứng đạo đức một cách nghiêm túc ở dạng chủ nghĩa vị lai đạo đức nếu giả như ông thấy rằng nó hàm ý sự thừa nhận sức mạnh tương lai như lẽ phải. Song có những người khác không có tình thương nhân loại tha thiết của ông, những người là các nhà vị lai đạo đức chính vì các hàm ý này, tức là những kẻ cơ hội muốn ở bên thắng. Chủ nghĩa vị lai đạo đức là phổ biến ngày nay. Cơ sở sâu hơn, phi cơ hội chủ nghĩa, của nó có lẽ là lòng tin rằng cái thiện ‘cuối cùng’ phải thắng cái ác. Nhưng các nhà vị lai đạo đức quên rằng chúng ta sẽ không sống được để chứng kiến kết quả ‘cuối cùng’ của các sự kiện hiện thời. ‘Lịch sử sẽ là quan toà của chúng ta!’ Điều này có nghĩa là gì? Là thành công sẽ phán xử. Sự tôn sùng thành công và sức mạnh tương lai là tiêu chuẩn cao nhất của nhiều người những người có thể không bao giờ thừa nhận rằng lẽ phải thuộc kẻ mạnh hiện thời. (Họ hoàn toàn quên rằng hiện tại là tương lai của quá khứ). Cơ sở của tất cả điều này là sự thoả hiệp miễn cưỡng giữa một chủ nghĩa lạc quan đạo đức và một chủ nghĩa hoài nghi đạo đức. Có vẻ khó để tin vào lương tâm của ta. Và có vẻ khó để cưỡng lại sự thôi thúc để ở bên thắng.
Tất cả các nhận xét phê phán này nhất quán với giả sử là ta có thể tiên đoán tương lai cho, thí dụ, 500 năm tới. Song nếu bỏ giả sử hư cấu hoàn toàn này đi, thì lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa mất toàn bộ vẻ hợp lí của nó. Và chúng ta phải bỏ nó. Vì không có xã hội học tiên tri nào để giúp ta lựa chọn một hệ thống đạo đức. Chúng ta không thể chuyển trách nhiệm về một sự lựa chọn như vậy cho bất cứ ai, ngay cả cho ‘tương lai’.
Tất nhiên, lí thuyết đạo đức lịch sử chủ nghĩa của Marx chỉ là kết quả của cách nhìn của ông về phương pháp của khoa học xã hội, của quyết định luận xã hội học của ông, một quan điểm khá thời thượng ngày nay. Mọi ý kiến của chúng ta, người ta nói, kể cả các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta, phụ thuộc vào xã hội và trạng thái lịch sử của nó. Chúng là các sản phẩm của xã hội hay của tình hình giai cấp nào đó. Giáo dục được định nghĩa như một quá trình đặc biệt theo đó cộng đồng cố ‘truyền văn hoá của nó kể cả các tiêu chuẩn mà nó muốn họ sống’11 cho các thành viên của nó, và ‘tính tương đối của lí thuyết và thực hành giáo dục đối với một trật tự thịnh hành’ được nhấn mạnh. Khoa học, cũng thế, được cho là phụ thuộc vào giai tầng xã hội của nhà khoa học, v.v.
Một lí thuyết loại này, loại nhấn mạnh sự phụ thuộc xã hội học của các ý kiến, đôi khi được gọi là chủ nghĩa xã hội học; nếu sự phụ thuộc lịch sử được nhấn mạnh, nó được gọi là thuyết lịch sử [historism]. (Tất nhiên thuyết lịch sử không được lẫn lộn với chủ nghĩa lịch sử [historicism]). Cả chủ nghĩa xã hội học và thuyết lịch sử, ở chừng mực chúng cho là xã hội hay lịch sử quyết định tri thức khoa học, sẽ được thảo luận ở hai chương tiếp. Ở chừng mực chủ nghĩa xã hội học liên quan tới lí thuyết đạo đức, có thể đưa thêm vài nhận xét ở đây. Nhưng trước khi đi vào bất cứ chi tiết nào, tôi muốn làm rõ hoàn toàn ý kiến của mình về các lí thuyết Hegel hoá này. Tôi tin là chúng nói huyên thuyên các điều tầm thường khoác áo biệt ngữ của triết học sấm truyền.
Hãy xem xét ‘chủ nghĩa xã hội học’ đạo đức này. Rằng con người, và các ý định của anh ta, theo một nghĩa nào đó là sản phẩm của xã hội, là khá đúng. Nhưng cũng đúng rằng xã hội là sản phẩm của con người và các ý định của anh ta và nó có thể dễ dàng trở thành thế. Câu hỏi chính là: Cái nào trong hai khía cạnh này của quan hệ giữa con người và xã hội là quan trọng hơn? Cần nhấn mạnh cái nào?
Ta sẽ hiểu chủ nghĩa xã hội học tốt hơn nếu so nó với quan điểm ‘tự nhiên chủ nghĩa’ tương tự coi con người và ý định của anh ta là sản phẩm của di truyền và môi trường. Ta lại phải thừa nhận là điều này khá đúng. Song cũng hoàn toàn chắc chắn là, môi trường của con người ở mức độ ngày càng tăng là sản phẩm của anh ta và các ý định của anh ta (ở mức độ hạn chế, cũng có thể nói thế ngay cả về sự di truyền của anh ta). Ta lại phải hỏi: cái nào trong hai khía cạnh là quan trọng hơn, màu mỡ hơn? Câu trả lời có thể dễ hơn nếu ta đặt câu hỏi ở dạng sau, thực tiễn hơn. Chúng ta, thế hệ đang sống, và tâm trí, ý kiến của chúng ta, phần lớn là sản phẩm của cha mẹ chúng ta, và của cách họ đã nuôi dạy chúng ta. Song thế hệ tiếp theo sẽ, ở mức độ tương tự, là sản phẩm của chính chúng ta, của các hành động của chúng ta và cách ta nuôi dạy chúng. Cái nào trong hai khía cạnh là quan trọng hơn với chúng ta hôm nay?
Nếu ta xem xét nghiêm túc câu hỏi này, thì ta thấy rằng điểm quyết định là tâm trí, các ý kiến của chúng ta, dù chủ yếu phụ thuộc vào sự nuôi dạy của chúng ta là không hoàn toàn thế. Nếu chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự nuôi dạy, nếu giả như chúng ta không có năng lực về tự phê, về học từ cách chính chúng ta xem xét các sự vật, từ kinh nghiệm, thì, tất nhiên, cách chúng ta được thế hệ trước nuôi dạy sẽ quyết định cách chúng ta nuôi dạy thế hệ tiếp theo. Nhưng hoàn toàn chắc chắn rằng điều này không phải vậy. Do đó, chúng ta có thể tập trung các năng lực phê phán của mình vào vấn đề khó về nuôi dạy thế hệ tiếp, theo cách mà chúng ta coi là tốt hơn cách mà chính chúng ta đã được nuôi dạy.
Tình hình được chủ nghĩa xã hội học nhấn mạnh nhiều thế có thể được giải quyết chính xác theo cách tương tự. Rằng tâm trí, quan điểm của chúng ta, theo cách nào đó là sản phẩm của ‘xã hội’ là đúng một cách tầm thường. Phần quan trọng nhất của môi trường của ta là phần xã hội của nó; đặc biệt là tư duy, phụ thuộc rất nhiều vào giao thiệp xã hội; ngôn ngữ, phương tiện của tư duy, là một hiện tượng xã hội. Song không thể đơn giản phủ nhận rằng chúng ta có thể xem xét các ý tưởng, có thể phê phán chúng, cải thiện chúng, và hơn nữa có thể thay đổi và cải thiện môi trường vật lí của chúng ta theo các ý tưởng đã thay đổi, đã cải thiện của chúng ta. Và cũng đúng vậy với môi trường xã hội của chúng ta.
Tất cả những cân nhắc này là hoàn toàn độc lập với ‘vấn đề về ý chí tự do’ siêu hình. Ngay cả nhà quyết định luận thừa nhận một mức phụ thuộc nào đó vào di truyền và vào ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là xã hội. Mặt khác, nhà quyết định luận phải đồng ý rằng các quan điểm và hành động của chúng ta được quyết định không hoàn toàn và riêng bởi di truyền, giáo dục, và các ảnh hưởng xã hội. Ông ta phải thừa nhận rằng có các nhân tố khác, thí dụ, các kinh nghiệm ‘tình cờ’ hơn tích tụ trong đời, và các thứ này cũng có ảnh hưởng của chúng. Quyết định luận hay bất định luận, chừng nào chúng vẫn ở bên trong các ranh giới siêu hình của chúng, không ảnh hưởng đến vấn đề của chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng có thể vi phạm vượt quá các ranh giới này; là quyết định luận siêu hình, thí dụ, có thể khuyến khích quyết định luận xã hội học hay ‘chủ nghĩa xã hội học’. Nhưng ở dạng này, lí thuyết có thể được đối chất với kinh nghiệm. Và kinh nghiệm cho thấy nó chắc chắn sai.
Để lấy một thí dụ từ lĩnh vực mĩ học, lĩnh vực có sự tương tự nào đó với đạo đức học, Beethoven ở mức độ nào đó chắc chắn là sản phẩm của giáo dục và truyền thống âm nhạc, và nhiều người quan tâm đến ông sẽ bị ấn tượng bởi khía cạnh này của tác phẩm của ông. Khía cạnh quan trọng nhất, tuy vậy, là ông cũng là người tạo ra nhạc, và vì vậy tạo ra truyền thống và giáo dục nhạc. Tôi không muốn cãi lộn với nhà quyết định luận siêu hình khăng khăng là mỗi nhịp mà Beethoven viết được quyết định bởi tổ hợp nào đó của các ảnh hưởng di truyền và môi trường. Một quả quyết như vậy là hoàn toàn không quan trọng về mặt kinh nghiệm, vì không ai có thể thực sự giải thích một nhịp duy nhất của tác phẩm của ông theo cách này. Cái quan trọng là mọi người thừa nhận rằng cái ông viết không thể được giải thích bằng các tác phẩm âm nhạc của các tiền bối của ông cũng chẳng bằng môi trường xã hội mà ông đã sống, hay bằng bệnh điếc của ông, cũng chẳng bằng thức ăn quản gia nấu cho ông ăn; nói cách khác, không thể giải thích được bằng bất cứ tập hữu hạn nào của các ảnh hưởng hay hoàn cảnh xã hội mở ra cho khảo sát kinh nghiệm, hay bằng bất cứ thứ gì ta có lẽ có thể biết về di truyền của ông.
Tôi không phủ nhận rằng có các khía cạnh xã hội học lí thú nào đó trong tác phẩm của Beethoven. Nhiều người biết, thí dụ, rằng quá độ từ một dàn giao hưởng nhỏ đến lớn, theo cách nào đó, có quan hệ với một diễn tiến xã hội-chính trị. Các dàn nhạc thôi không chỉ là sở thích riêng của các hoàng thân, và chí ít được ủng hộ một phần bởi tầng lớp trung lưu mà sự quan tâm đến âm nhạc của họ đã tăng lên rất nhiều. Tôi sẵn sàng đánh giá cao bất cứ ‘giải thích’ xã hội học nào về loại này, và tôi thừa nhận là các khía cạnh như vậy có thể xứng đáng cho nghiên cứu khoa học. (Rốt cuộc, chính tôi đã thử những việc tương tự trong cuốn sách này, thí dụ, luận bàn của tôi về Plato).
Thế thì, chính xác hơn, đối tượng của sự tấn công của tôi là gì? Đó là sự phóng đại và khái quát hoá của bất cứ khía cạnh nào thuộc loại này. Nếu ta ‘giải thích’ bản giao hưởng của Beethoven theo cách gợi ý ở trên, ta giải thích rất ít. Nếu mô tả Beethoven như đại diện cho giai cấp tư sản trong quá trình tự giải phóng mình, chúng ta diễn đạt rất ít, cho dù nó đúng. Một chức năng như vậy có thể hầu như chắc chắn được kết hợp với việc tạo ra nhạc tồi (như ta thấy từ Wagner). Ta không thể cố giải thích thiên tài của Beethoven theo cách này, hay theo bất cứ cách nào.
Tôi nghĩ là các quan điểm riêng của Marx có thể được dùng cũng thế cho một sự bác bỏ về mặt kinh nghiệm quyết định luận xã hội học. Vì nếu ta xem xét dưới ánh sáng của học thuyết này hai lí thuyết, chủ nghĩa hành động và chủ nghĩa lịch sử, và sự đấu tranh của chúng vì uy thế trong hệ thống của Marx, thì sẽ phải nói rằng chủ nghĩa lịch sử là cách nhìn hợp cho một nhà biện hộ bảo thủ hơn là cho một nhà cách mạng hay thậm chí nhà cải cách. Và, quả thực, chủ nghĩa lịch sử đã được Hegel dùng với chiều hướng đó. Sự thực rằng Marx không chỉ tiếp quản nó từ Hegel, mà cuối cùng đã cho phép nó hất cẳng chủ nghĩa hành động riêng của ông, như thế có thể chứng tỏ rằng phía mà một người đứng trong đấu tranh xã hội không nhất thiết luôn xác định các quyết định trí tuệ của ông ta. Các quyết định này có thể được xác định, như ở trường hợp của Marx, không phải là bởi lợi ích thật của giai cấp ông ủng hộ mà bởi các nhân tố ngẫu nhiên, như ảnh hưởng của một tiền bối, hay có lẽ bởi tính thiển cận. Như vậy ở trường hợp này, chủ nghĩa xã hội học có thể đẩy mạnh sự hiểu biết của chúng ta về Hegel, song thí dụ của bản thân Marx phơi bày nó như một khái quát hoá không được biện hộ. Trường hợp tương tự là Marx đánh giá thấp tầm quan trọng của các tư tưởng đạo đức của riêng ông; vì không thể nghi ngờ rằng bí quyết của ảnh hưởng tôn giáo của ông là ở sự quyến rũ đạo đức của nó, rằng phê phán chủ nghĩa tư bản của ông có hiệu quả chủ yếu như một phê phán đạo đức. Marx đã chứng tỏ rằng một hệ thống xã hội như vốn là có thể là bất công; rằng nếu hệ thống là xấu, thì mọi tính chính đáng của các cá nhân thu lợi từ nó chỉ là một sự chính đáng giả mạo, chỉ là đạo đức giả. Vì trách nhiệm của chúng ta mở rộng ra hệ thống, ra các thể chế mà chúng ta cho phép tồn tại dai dẳng.
Chính chủ nghĩa cấp tiến đạo đức này của Marx là cái giải thích ảnh hưởng của ông; và đó tự nó là một sự thực đầy hứa hẹn. Chủ nghĩa cấp tiến đạo đức này vẫn còn sống. Nhiệm vụ của chúng ta là giữ cho nó sống, để ngăn nó khỏi đi theo đường mà chủ nghĩa cấp tiến chính trị của ông sẽ phải đi. Chủ nghĩa Marx ‘khoa học’ đã chết. Cảm xúc về trách nhiệm xã hội và tình yêu tự do của nó phải tiếp tục sống./.
CHÚ THÍCH CHO CHƯƠNG 22
(*): Tập 2 của sách Xã hội mở và những kẻ thù của nó
1 Về cuộc chiến đấu của Kierkegaard chống lại ‘đạo Cơ đốc chính thức’, so đặc biệt Book of the Judge của ông (German ed., by H. Gottsched, 1905).
2 So J. Townsend, A Dissertation on the Poor Laws, by a Wellwisher of Mankind (1817); được trích trong Capital, 715.
Ở p. 711 (n. 1) Marx trích ‘Abbé Galiani sinh động và dí dỏm’ có quan điểm tương tự: ‘Nó xảy ra như mong đợi’, Galiani nói, ‘rằng sinh ra nhiều người có nghề thiết thực hàng đầu’. Xem Galiani, Della Moneta, 1803, p. 78.
Sự thực rằng ngay cả ở các nước Phương Tây, đạo Cơ đốc vẫn không hoàn toàn thoát khỏi tinh thần bảo vệ sự quay lại xã hội đóng phản động và áp bức, có thể thấy từ luận chiến xuất sắc của H. G. Wells chống lại thái độ thiên vị và ủng hộ phát xít đối với nội chiến Tây Ban Nha của Linh mục Inge. So H. G. Wells, The Common Sense of War and Peace (1940), pp. 38-40. (Nhắc đến sách của Wells, tôi không muốn liên kết mình với bất cứ gì ông nói về liên bang, bất luận phê phán hay xây dựng; và đặc biệt không với ý tưởng được đưa ra ở pp. 56 ff., về các uỷ ban thế giới được trao quyền hoàn toàn. Có vẻ với tôi các mối nguy hiểm phát xít dính đến ý tưởng này là rất lớn). Mặt khác, có sự nguy hiểm ngược lại, của một Giáo phái thân cộng sản; so ct. 12 ở ch. 9.
3 So Kierkegaard, op. cit., 172.
4 Nhưng Kierkegaard đã nói gì đó về Luther là cái có thể đúng cả với Marx: ‘Ý tưởng sửa chữa của Luther .. tạo ra .. dạng tinh vi nhất của .. ngoại giáo’. (Op. cit., 147).
5 So H.o.M., 231 (= Ludwig Feuerbach, 56); so các ct. 11 và 14 ở ch. 13.
6 So ct. 14 ở ch. 13, và văn bản.
7 So Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử của tôi, mục 19.
8 So H.o.M., 247 f. (= GA, Special Vol., 97).
9 Về các trích dẫn này, so H.o.M., 248, và 279 (đoạn sau được rút ngắn = GA, Special Volume, 97 và 277).
10 So L. Laurat, Marxism and Democracy, p. 16. (Tôi nhấn mạnh).
11 Về hai trích dẫn này, so The Churches Survey Their Task (1937), p. 130, và A. Loewe, The Universities in Transformation (1940), p. 1. Với nhận xét kết thúc của ch. này, so cả quan điểm do Parkes bày tỏ ở các câu cuối của phê phán của ông về chủ nghĩa Marx ( Marxism – A Post Mortem, 1940, p. 208).
Người dịch:Nguyễn Quang A