Những góc nhìn Văn hoá

Một cách nhìn khác về văn hoá Việt Nam(Kỳ 1)

VHNA: Trong khoảng vài ba thập kỷ lại nay, văn hoá Việt Nam là đối tượng nghiên cứu được nhiều người quan tâm trong xu thế phát triển của ngành văn hoá học. Bên cạnh những vấn đề đã được thống nhất thống nhất, cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề có nhiều cách tiếp cận và nhìn nhận, nhận thức khác nhau. Trên tinh thần đó, chúng tôi giới thiệu sách Một cách nhìn khác về Văn hoá Việt Nam của Mặc Giao để chúng ta cùng tham khảo.

 Phần I:

  Định nghĩa Văn hoá, Văn minh, Văn hiến

Nói tới định nghiã là phải ngắn gọn, súc tích, dễ phân biệt cái này với cái khác. Phiền nỗi, Văn Hóa, Văn Minh, Văn Hiến đòi hỏi những giải thích dài dòng, rồi sau đó mới rút ra được những điểm khác biệt giữa ba từ này. 

Chúng tôi đồng ý với học giả Đỗ Trọng Huề về việc phân tích Văn Hóa theo bốn nghiã, hai nghiã hẹp và hai nghiã rộng (1). Nghiã hẹp thứ nhất, Văn Hóa chỉ kiến thức hay học vấn. Khi khen một người có văn hóa cao là khen người đó có kiến thức hay học vấn cao. Khi chê một người thiếu văn hóa có nghiã là người đó ít học hay kiến thức kém. 

Theo nghiã hẹp thứ hai, Văn Hóa dùng để chỉ văn chương và nghệ thuật, trong đó có đủ các bộ môn ca, nhạc, vũ, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, kịch trường, điện ảnh. Nghiã này được dùng khi nói tới một công trình văn hóa, tác phẩm văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, đêm văn hóa, trình diễn văn hóa, triển lãm văn hóa. 

Nghiã thứ ba là nghiã rộng, Văn Hóa chỉ phần sinh hoạt của loài người trong lãnh vực tinh thần. Đó là những học thuyết, những triết thuyết đưa dẫn suy tư của con người lên một bình diện cao hơn đời sống vật chất hàng ngày. Những Khổng Tử, Lão Tử, Socrates, Platon… là những người đã nâng cao trình độ văn hóa của nhân loại. Thêm vào đó là những tìm tòi và tin tưởng có tính cách tâm linh, hay nói nôm na là những niềm tin tôn giáo, những tin tưởng về những gì xảy ra trong cõi vô hình, có khả năng chi phối ngay trong và sau cuộc đời hiện tại. Văn hóa thăng hoa của tinh thần khác biệt với những tiến bộ về vật chất được gọi là Văn Minh. Văn Minh là những tiến bộ về kỹ thuật nhằm cải thiện đời sống vật chất của con người. Văn hóa gồm đạo đức, luân lý, tôn giáo nâng con người lên trong lãnh vực tinh thần. 

Tuy nhiên, nếu Văn Hóa được dùng để chỉ chung sinh hoạt của con người, sinh vật thượng đẳng trong vũ trụ, khác tất cả các loại cầm thú, thì ở nghiã thứ tư, nghiã rộng nhất, Văn Hóa bao gồm cả văn Minh, vì Văn Hóa chính là sự tiến bộ của con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất hầu làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Hay nói cách khác là tiến gần tới chân, thiện, mỹ, lợi và thú hơn. Nghiã rộng thứ tư này có thể được dùng như một định nghiã cho Văn Hóa. 

Lối giải thích Văn Hóa như trên phù hợp với định nghiã về Văn Hóa (tiếng Pháp: Culture) theo tự điển của Viện Hàn Lâm Pháp :“Toàn bộ những thụ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công nghệ, kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tục lệ, truyền thống, những cách suy nghĩ và những cách sống, những cách ứng xử và xử dụng thuộc mọi lãnh vực, những lễ nghi, những thần thoại và tin tưởng tạo nên một di sản cộng đồng và cá tính của một nước, một dân tộc hay một nhóm sắc dân, một quốc gia” (2). 

Tự điển The New Encyclopaedia Britannica cũng định nghĩa Văn Hóa là “Toàn bộ hiểu biết, tin tưởng và cách cư xử của nhân loại. Văn Hóa được định nghiã như thế bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, những cấm kỵ, luật lệ, cơ chế, dụng cụ, kỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghi thức, lễ nghi và những thành phần liên hệ khác. Sự phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng của con người biết học hỏi và truyền đạt sự hiểu biết cho những thế hệ kế tiếp” (3). 

Người Trung Hoa quan niệm Văn Hóa như thế nào ? Theo học giả Hương Giang Thái Văn Kiểm, khởi thủy, người Tàu không có chữ Văn Hóa viết liền nhau. Trong Kinh Dịch có câu:

                    Quan thiên VĂN dĩ sát thời biến

           Quan nhân văn HÓA thành thiên hạ

Có nghiã: nhìn hiện tượng trên trời để xét lại sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của người ta trong xã hội để sửa đổi thiên hạ. 

VĂN là nét vẽ, thể hiện vẻ đẹp bề ngoài. HÓA là biến đổi cho tốt đẹp hơn. Hai chữ không đứng chung với nhau. Nhưng người Trung Hoa lấy hai chữ ghép liền để dịch chữ CULTURE của tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ KULTUR của tiếng Đức. Người Việt và người Nhật cũng bắt chước dùng chữ Văn Hóa như người Hoa(4). Ngoài ra, chữ Culture theo tiếng Pháp và tiếng Anh còn có nghiã là nuôi, dưỡng, trồng, gây; chữ HÓA trong Hoa ngữ còn có nghiã là dạy dỗ, như: giáo hóa, phụ nhân nan hóa (phụ nữ khó dạy). 

Như vậy, văn hóa là một đặc trưng của con người, chỉ con người mới có, vì chỉ con người mới biết vận dụng tinh thần và lý trí để vượt bản năng, cải thiện cuộc sống của chính mình, làm cho mối tương giao với người khác tốt đẹp hơn, nâng tâm hồn lên khỏi những hệ lụy vật chất. Đời sống của giống khỉ hay giống kiến một triệu năm cũng không có gì thay đổi. Con ong làm tổ thời Hùng Vương không khác con ong làm tổ thời Tự Đức. Nhưng cách sống của con người thời Bảo Đại đã khác xa cách sống của con người thời Tự Đức, dù cách nhau chưa tới một trăm năm. Những hành động ăn, uống, ở, di chuyển, làm tình của con người là những nhu cầu căn bản. Thuở con người mới xuất hiện trên mặt đất, họ đã làm những việc này không khác chi loài cầm thú. Nhưng từ chỗ ăn sống nuốt tươi, con người đã biết nấu nướng và chế biến ra những món cao lương mỹ vị. Từ chỗ uống nước lã thiên nhiên, con người đã tiến tới chỗ pha trà bằng những giọt sương sớm đọng trên lá sen, đã biết chế bồ đào mỹ tửu. Từ chỗ ẩn núp trong hang động, con người đã biết xây cất những dinh thự nguy nga. Việc đi bộ bằng đôi chân đã được thay thế bằng xe cộ, máy bay, hỏa tiễn. Việc trai gái xáp vào nhau để giải quyết sinh lý đã được thay thế bằng những hình thức ve vãn, tán tỉnh, bằng những ước lệ xã hội trước khi đi tới đêm hợp cẩn. Việc mạnh được yếu thua theo luật rừng đã được thay thế bằng những qui ước, tập tục, lễ nghi liên quan đến việc ứng xử giữa người với người để con người có thể sống hài hòa, lễ phép, kính trọng, giúp đỡ và nhường nhịn lẫn nhau. Ở mức độ cao hơn, con người đã biết sáng tác văn chương, âm nhạc và nhiều bộ môn văn nghệ khác để giải trí, giãi bầy tâm sự, di dưỡng tính tình; biết suy nghĩ về vũ trụ, về sức mạnh ở cõi vô hình. Tất cả những thứ đó là văn hóa của con người văn hóa. Cầm thú không có văn hóa. Cầm thú chỉ có bản năng và không biết vượt bản năng. Một đứa trẻ sơ sinh biết ăn, ngủ, khóc, cười theo bản năng, chưa có văn hóa. Muốn có văn hóa phải học hỏi, phải tập tành, phải được truyền dạy. Từ đó nảy sinh vấn đề bảo tồn văn hóa và phát huy văn hóa. 

Văn Hóa là thành qủa, là tài sản chung của loài người, nhưng không đồng bộ giống nhau cho mọi giống người. Văn hóa Tây phương khác với văn hóa Đông phương. Văn hóa Trung Hoa không giống văn hóa Việt Nam. Ngay trong một nước cũng có sự khác biệt văn hóa theo miền, theo sắc dân. Văn hóa của người Mường ở núi rừng miền Bắc và người sắc tộc ở cao nguyên Trung phần có những điều không giống văn hóa người kinh. Văn hóa của người sống ở đồng bằng sông Hồng có những điều không giống với văn hóa của người sống ở đồng bằng Cửu Long. Trong khi chúng ta tôn kính cha mẹ già, khi sống cũng như khi chết, thì lại có những bộ lạc ở Phi châu bắt cha mẹ già leo lên cây cao, con đứng dưới rung cây, nếu cha mẹ rơi xuống đất và chết, con đem đi chôn; nếu cha mẹ không rơi, con rước về nuôi tiếp. Ngày xưa tại Nhật, nơi một số làng ven núi, cha mẹ già khi thấy đến lúc nên từ giã cõi đời, ra lệnh cho con cõng lên núi vào mùa đông và bỏ lại ở một nơi hẻo lánh chờ chết. Trên đường về, con thành khẩn cầu cho tuyết đổ và trời trở lạnh thấu xương để cha hay mẹ già mau chết. Chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn văn hóa của chúng ta để phê phán những tục lệ này là man rợ. Những tục lệ của họ khác ta nhưng có giá trị và sự hợp lý riêng đối với họ. Họ đã có sự đồng thuận từ thế hệ này qua thế hệ khác về những tục lệ đó. Người ta có thể lý luận là nếu cha hay mẹ đến lúc già yếu, không bám nổi cành cây, thì cũng nên chấm dứt cuộc đời để tránh cho con cháu phải cung phụng, thuốc thang khi đau yếu, để con cháu khỏi bận tâm và dành thời giờ làm việc, nuôi dậy thế hệ sau. Phong tục ngày xưa của người Nhật cõng cha hay mẹ già bỏ trên núi tuy đau thương nhưng cũng có ý nghiã hy sinh cao cả. Chính cha mẹ chọn năm, tháng, ngày, giờ để dứt bỏ cuộc đời sau khi đã làm xong bổn phận nuôi dậy và gầy dựng cho con, nhất là lo cho chúng yên bề gia thất. Tôi đã xem một cuốn phim Nhật diễn tả phong tục này. Bà mẹ già trong phim rất vui sướng bắt con cõng lên núi để được xum họp với người chồng qúa cố sau khi đã kiếm được “cái âm hộ” (lời bà mẹ) cho thằng con trai. Bà không muốn sống thêm để ăn báo hại con và không muốn là nguyên nhân gây trở ngại cho hạnh phúc lứa đôi của con trai và con dâu. Vào đời không được lựa chọn. Nhưng ra khỏi cuộc đời theo ý mình. Đó chẳng phải là một triết lý sống hay sao? Còn người con dàn dụa nước mắt trên đường về, miệng không ngớt cầu nguyện cho tuyết rơi, trời trở lạnh để mẹ mau chết, không phải là bất hiếu, nhưng muốn cho mẹ mau được gặp cha và mau chấm dứt những đau đớn trước giờ chết. Như vậy là anh ta có hiếu theo tiêu chuẩn văn hóa của xã hội thời anh sống. Từ đó một vấn đề khác được đặt ra: phải tôn trọng những nền văn hóa khác không giống mình. Không nên chê bai và không được hủy diệt văn hóa của những giống dân khác dù với chiêu bài “khai hóa”. 

VĂN MINH như đã nói ở phần trên là những tiến bộ về kỹ thuật nhằm cải thiện đời sống vật chất của con người. Người ta nói văn minh cơ khí, văn minh nông nghiệp để chỉ những tiến bộ trong phạm vi máy móc hay cầy cấy. Ta thường nghe phát biểu: “Chúng ta thua Tây phương về văn minh kỹ thuật, nhưng chúng ta hơn họ vì có một nền văn hóa lâu đời”. Người nói muốn phân biệt văn hóa thuộc giá trị tinh thần và văn minh chỉ có giá trị vật chất. Nhưng đôi khi nghiã của văn minh lại lẫn lộn với nghiã của văn hóa, như nói một dân tộc văn minh, cách cư xử văn minh, không có nghiã là dân tộc đó chỉ giỏi về kỹ thuật hay cách cư xử đó nặng về tiến bộ vật chất. Văn minh trong cách nói này bao gồm rất nhiều đặc tính văn hóa, nó trái ngược với mọi rợ, sỗ sàng, đểu cáng. Sự lẫn lộn về ý nghiã của văn hóa và văn minh là điều chúng ta thường gặp. Tuy nhiên, càng ngày các học giả càng có khuynh hướng phân biệt văn hóa là tiến bộ của con người thuộc phạm vi tinh thần và văn minh là tiến bộ thuộc phạm vi vật chất. Giáo sư Phạm Cao Dương cũng giải thích văn minh và văn hóa theo chiều hướng đó: “Sự tầm thường của một nền văn minh sơ khai không cho phép ta lầm lẫn về các giá trị văn hóa của chúng và một quốc gia, một dân tộc có thể che đậy, dấu diếm sự tầm thường của nền văn hóa của mình bởi một bề ngoài văn minh và tất nhiên một cá nhân cũng vậy”. Từ nhận định đó, ông đi đến kết luận: “Vậy ta có thể nói rằng thuộc văn hóa, ta có những quan niệm, những lý thuyết, những kiến thức, những suy tư, chúng tạo thành sự mạch lạc của các tôn giáo, các khoa học, các nghệ thuật, các kỹ thuật… và thuộc văn minh những sự chiếu rọi cụ thể hay những sự thực hiện của những thủ đắc khác nhau của văn hóa vì chúng là một sự chiến thắng của tinh thần của con người chống lại sự dốt nát, tối tăm di truyền về thế giới vật chất. Trái lại, xe lửa chạy bằng điện là một sản phẩm của văn minh vì đó là một chiến thắng mà con người đã thực hiện được đối với thế giới vật chất. Nói cách khác, mỗi khi con người dồn các cố gắng về chính mình, ta nói tới văn hóa, mỗi khi con người làm thay đổi thế giới vật chất, ta nói tới văn minh” (5).  

Tự điển của Viện Hàn Lâm Pháp định nghiã Văn Minh (Civilisation) gần giống như Văn Hóa: “Toàn bộ những hiểu biết, tin tưởng, cơ chế, phong hóa, nghệ thuật và kỹ thuật của một xã hội… Tình trạng phát triển về tinh thần và vật chất được coi là cao hơn và đối nghịch với man dã”(6).  

Tự điển The New Encyclopaedia Britannia không có định nghĩa chữ Văn Minh, nhưng khuyến dẫn người đọc tìm hiểu chữ CIVILISATION trong Propaedia Outline of Knowledge, phần 5, từ trang 169 tới 218, cũng của bộ tự điển này, trình bày về Người, Con Vật Xã Hội (Man, Social Animal) và giải thích là Civilisation cũng tương tự như Culture vì nó là một phần của Culture. 

Để tránh sự lẫn lộn giữa Văn Minh và Văn Hóa, chúng ta có thể tạm định nghiã như sau: “Văn Minh là một phần của Văn Hóa, đặc biệt là tình trạng tiến bộ của con người trong phạm vi kỹ thuật và những cải tiến đời sống vật chất”. 

Về VĂN HIẾN, chúng ta thường nghe hay đọc trong sách câu cửa miệng: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến”. Bốn ngàn năm tính ở đâu ra? Chắc tính từ thời họ Hồng Bàng dựng nước. Nếu tính như vậy thì phải nói dân tộc ta có gần năm ngàn năm văn hiến vì nước Văn Lang, theo truyền thuyết, được lập vào  năm 2,879 trước Tây Lịch. Trước khi bàn về những con số này, chúng ta tìm hiểu Văn Hiến là gì? Văn Hiến là một từ của người Trung Hoa, không có từ tương đương trong tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp. Vì vậy không thể dịch Văn Hiến sang ngoại ngữ Tây phương. Giáo sư Trương Bửu Lâm dịch Văn Hiến bằng cụm từ “Culture and Institutions” (Văn hóa và các Cơ chế) khi ông chuyển ngữ câu “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang” (Our state of Dai Viet is indeed a country wherein culture and institutions have flourished) trong phần đầu bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi (viết vào nửa đầu thế kỷ 15). Câu này đã được Bùi Kỷ diễn nôm: “Như nước Việt ta từ trước vốn xưng văn hiến đã lâu”. Đây là lần đầu tiên từ Văn Hiến được dùng trong sách vở Việt Nam. Chúng ta không tự xưng mình là dân tộc có văn hiến như lời diễn nôm của Trần Trọng Kim. Chữ của Nguyễn Trãi là “thực vi” có nghiã “thực  là”, “đúng là”. Chính vua nhà Minh của Trung Hoa đã tặng hai chữ Văn Hiến đó cho ta. Giáo sư Phạm cao Dương, căn cứ vào sách Dư Địa Chí được chuyển dịch cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, cho biết Lý Tử Tấn trong phần thông luận của cuốn sách này, đã nói tới việc vua Trần Dụ Tông (1341-1269) sai Doãn Thuấn Thần sang sứ nhà Minh. Vua nhà Minh đã khen phong tục, y phục của dân ta vẫn còn giống thời nhà Chu, nhà Tống, không theo rợ Nguyên (Mông Cổ), nhân đó ban cho mấy câu thơ:

      An Nam tế hữu Trần

      Phong tục bất Nguyên nhân

      Y quan Chu chế độ

      Lễ nhạc Tống quần thần.

 

     (An Nam có họ Trần

      phong tục không theo Nguyên

      áo mũ vẫn theo chế độ nhà Chu

      lễ nhạc vẫn hệt như vua tôi nhà Tống)

Sau đó vua nhà Minh tặng cho bốn chữ “Văn Hiến Chi Bang” và thăng địa vị cho sứ thần của Đại Việt lên trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. Như vậy, từ Văn Hiến là của vua nhà Minh tặng, không phải dân ta tự khoe (7). 

Đức Khổng Tử nói tới Văn Hiến đầu tiên nhưng không giải thích: “Nước Tống không đủ để bầy tỏ. Đó là tại Văn Hiến của nước ấy. Nếu đủ ta có thể đem bầy tỏ ra được”. (“Tống bất túc trưng dã. Văn Hiến cố dã. Túc tắc ngô năng trưng chi hỹ”. Luận Ngữ, thiên Bát Dật). Tự điển Từ Hải, một pho tự điển rất giá trị của Trung Hoa, có định nghiã Văn Hiến một cách rất sáng sủa: VĂN là kinh điển sách vở. HIẾN là người hiền tài nhưng phải có bằng chứng rõ ràng. Vậy Văn Hiến là trình độ văn hóa của một xã hội đã tiến tới chỗ có những tác phẩm thành văn (không phải truyền khẩu) và có những nhân vật lịch sử có thể kiểm chứng. Dựa vào lối giải thích này, học giả Đỗ Trọng Huề đã đưa một định nghiã mới như sau:  “Văn Hiến là trình độ văn hóa của một dân tộc đã thoát khỏi bóng tối của thời tiền sử để bước vào ánh sáng của thời kỳ lịch sử” (8). 

Nếu theo những giải thích và định nghiã Văn Hiến như trên, dân tộc Việt Nam thực sự có văn hiến từ lúc nào? Những nhân vật của họ Hồng Bàng đều nặng tính huyền thoại, không thể kiểm chứng rõ ràng. Nguyên việc Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và mười tám vua Hùng Vương trị vì 2,622 năm, từ 2879 đến 257 trước Tây Lịch, trung bình mỗi vua cai trị 130 năm đã là điều phải xét lại. Trong thời gian này dân tộc ta cũng chưa có chữ viết, dù là mượn chữ của Trung Hoa, vì vậy chưa có sách vở và chưa thể được coi là đã đạt tới trình độ văn hiến. Có thể chúng ta đã có sách từ trước thời nhà Đinh (968-980 sau T.L.), nhưng không còn vết tích vì tướng Trương Phụ của nhà Minh đã vơ vét sách vở cổ kim của ta chở về Tầu, còn sót lại cuốn nào là cho lệnh đốt bằng hết. Chứng tích chữ nghiã sớm nhất mà ta còn giữ được là bài từ viết bằng chữ Hán của thiền sư Khuông Việt làm năm 986 theo lệnh vua Lê Đại Hành để đáp lễ và tiễn sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Bài từ như sau: 

“Tương quang phong hảo cẩm phàm tương

Thần tiên phục đế hương

         Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương

Cửu thiên qui lộ trường

Nhân tình thảm thiết đối ly trường

         Phàn luyến sứ tình lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

         Phân minh báo ngã hoàng”.

 Bản dịch của Thích Mật Thể:

         Gió hòa phất phới chiếc buồm hoa

         Thần tiên trở lại nhà

         Đường muôn nghìn dặm trải phong ba

         Cửa trời nhằm đường xa

         Một chén quan hà dạ thiết tha

         Thương nhớ biết bao là

         Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà

          Bầy tỏ với vua ta (9)

Một bài từ hay như thế này thì phải là kết qủa của một qúa trình viết lách đã có từ trước. Chúng ta có thể tin rằng dân tộc ta đã có VĂN và HIẾN  trước thời gian sáng tác bài từ này rất lâu. Nhưng vì không còn di cảo, chúng ta chỉ có thể tính từ năm 986 khi bài trên đây được viết cho tới năm 2003 lúc chúng tôi đang viết những dòng chữ này, văn hiến theo đúng nghiã và có bằng chứng của dân tộc Việt Nam chỉ có 1,017 năm. Chúng ta nên đổi lối nói bốn ngàn năm văn hiến thành bốn ngàn năm văn hóa. Như vậy xét ra có lý hơn, vì tổ tiên ta đã có cách sống, cách nghĩ, cách nói thể hiện những giá trị văn hóa từ trên bốn ngàn năm và còn để lại nhiều di sản cho con cháu ngày nay. 

GHI CHÚ 

Xem ĐỖ TRỌNG HUỀ, Văn Hóa Và Văn Chương, Đặc San Gió Việt 1998, Calgary, Canada.

LE DICTIONNAIRE DE L’ACCADÉMIE FRANCAISE, 9ème Edition. Paris,

France:

     “Ensemble des acquis littéraires, artistiques, artisanaux, techniques,

      scientifiques, des moeurs, des lois, des institutions, des coutumes, des traditions,

      des modes de pensée et de vie, des comportements et usages de toute nature,

      des rites, des mythes et des croyances qui constituent le patrimoine collectif et

      de la personalité d’un pays, d’un peuple ou d’un groupe de peuples, d’une  nation”.

THE NEW ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA, Vol. 3, tr. 784. 15th Edition 1997:

“The integrated pattern of human knowledge, belief, and behaviours. Culture, thus defined, consists of laguage, ideas, beliefs, customs, taboos, codes, institutions, tools, techniques, works of art, rituals, ceremonies and other components. The development of culture depends upon humans’ capacity to learn and to transmit knowledge to succeeding generations”.

Xem THÁI VĂN KIỂM, Việt Nam Anh Hoa, tr. 46. Làng Văn, Canada 2000.

PHẠM DAO DƯƠNG, Nhập Môn Lịch Sử Các Nền Văn Minh Thế Giới, các tr. 20, 21. Tủ Sách Phổ Thông Sử Học, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam, Sài Gòn 1972.

LE DICTIONNAIRE DE L’ACCADÉMIE FRANCAISE, sđd.

“Ensemble des connaissances, des croyances, des institutions, des moeurs, des arts et des techniques d’une société… État de développement spirituel et matériel tenu pour supérieur par opposition à barbarie.”

Xem PHẠM CAO DƯƠNG, Chung quanh hai chữ “Văn Hiến” trong bài “Bình

Ngô Đại Cáo” của đệ nhất công thần triều Lê: Nguyễn trãi.

Trong Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Tập I. Dòng Việt xuất bản tại California, Hoa Kỳ 1999.

Xem ĐỖ TRỌNG HUỀ, sđd.

(9) THÍCH MẬT THỂ, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, tr. 111. Minh Đức tái bản, Huế 1960.

Nguồn: dunglac.org

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570283

Hôm nay

232

Hôm qua

2287

Tuần này

232

Tháng này

228807

Tháng qua

129483

Tất cả

114570283