Những góc nhìn Văn hoá

Một cách nhìn khác về văn hoá Việt Nam(Kỳ 2)

PHẦN  II
 
NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM

 
Trước khi nói tới sự hình thành và biến chuyển của văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không bàn tới vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Lý do là có con người mới có văn hóa. Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã được nghiên cứu và bàn luận rất nhiều, nhưng chưa có một kết luận nào thỏa đáng được mọi người chấp thuận. Tuy nhiên, mỗi giả thuyết đều có phần giá trị của nó. Nếu tổng hợp lại, dựa trên những điểm tương đồng, chúng ta cũng có thể có một cái nhìn tương đối rõ nét về nguồn gốc của dân tộc chúng ta.
 
Trước hết, chúng tôi gom các thuyết đã được nêu lên thành năm loại: thuyết theo huyền sử và lịch sử, thuyết hậu duệ người Trung Hoa, thuyết Bách Việt, thuyết  người Indonesian, tức cổ Mã Lai và thuyết người Hòa Bình. Sau đó, chúng tôi sẽ làm tổng hợp để có một cái nhìn nhất quán.
 
A – HUYỀN SỬ VÀ LỊCH SỬ
 
Dựa theo các sách Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái, được viết vào thế kỷ 14 và 15, thời nhà Trần, các sử gia của ta đều nói tới truyền thuyết họ Hồng Bàng lập ra nước Văn Lang và nối tiếp nhau cai trị từ 2879 tới 258 trước Tây Lịch.
 
Tục truyền rằng vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam hiện nay) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho Đế Nghi (con trưởng) làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Qủy (2879 trước T.L.). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi cha làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai là Âu Cơ đẻ ra một bọc có 100 cái trứng nở ra 100 người con trai. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “ Ta là giòng dõi rồng, nàng là giòng dõi tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Vậy nàng đem 50 con lên núi, ta đem 50 con xuống biển Nam Hải”. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương (1). Đó là sự tích họ Hồng Bàng với các vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng Vương. Đó cũng là lý do giải thích vì sao dân Việt tự nhận là con Rồng cháu Tiên.
 
          Nếu xét gia phả theo truyền thuyết này, ta có mối dây liên hệ như sau:
 
Thần Nông – Đế Minh – Lộc Tục (Kinh Dương Vương) – Lạc Long Quân + Âu Cơ – 100 con – Bách Việt – Việt Nam.
 
Sách sử Tầu gọi đất chủng Việt sinh sống là Giao Chỉ. Theo Nguyễn Văn Tố, căn cứ vào các cổ thư Tầu, thì thấy chữ Giao Chỉ chép ở sử Tầu trước nhất vào đời Thần Nông (3212-3077 trước T.L.). Sử Ký Tư Mã Thiên đời Hán (145-86 trước T.L.) kể rằng năm thứ sáu đời vua Thành Vương nhà Chu (1110 trước T. L.), phía Nam đất Giao Chỉ có họ Việt Thường, sau ba lần thông dịch, đến cống chim trĩ trắng. Chu Công cấp xe cho về theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp…
 
Cương Mục Tiền Biên của Lý Kim Tường và sách Thông Chí của Trịnh Tiều (người nước Tống (960-1279) viết rằng đời Đường Nghiêu (2357-2258 tr. T.L.) họViệt Thường có đến chầu và cống con rùa thần, sống cả ngàn năm, lưng có mang chữ ghi việc từ khi trời đất mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa.
 
Quảng Giao Ký của Hoàng Sâm (đời Minh 1368-1644) chép Giao Chỉ có ruộng lạc, làm mùa theo thủy triều lên xuống, người có ruộng là lạc hầu, các huyện tự xưng là lạc tướng.
 
Còn một số sách sử khác của Tầu nói về giống Việt và nước Việt. Chúng tôi chỉ  nêu lên vài trường hợp điển hình trên để thấy rằng các sách sử Tầu nói về thời Hồng Bàng của ta được viết rất sau và rất xa những sự việc được kể. Sử Ký Tư Mã Thiên viết sau thời Lạc Long Quân-Âu Cơ gần 3000 năm. Cương Mục Tiền Biên được viết gần 4000 năm sau. Quảng Giao Ký còn được viết sau cuốn Cương Mục Tiền Biên mấy thế kỷ. Với những khoảng cách xa như thế, vào những thời đại chưa có những kỹ thuật kiểm chứng và bảo trì tài liệu, các sử gia trên chắc chỉ viết theo truyền thuyết và những tài liệu không đầy đủ. Ngoài ra, họ coi các nước chung quanh Trung Quốc là những tiểu quốc man di, phải đến chầu và cống, nên luôn dùng giọng kẻ cả và xét việc theo cách người bề trên đối với bề dưới. Các sự kiện họ nêu ra, cứ xét theo lý thông thường, đã thấy có nhiều điều không hợp lý. Sử Ký Tư Mã Thiên viết Chu Công cấp xe cho sứ bộ Giao Chỉ trở về theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp. Tại sao phái bộ lại phải đi vòng xuống phía Nam rồi mới ngược trở lên để về quê ? Phù Nam và Lâm Ấp thuộc nuớc Chiêm Thành, ở phía Nam Giao Chỉ. Cương Mục Tiền Biên thì nói việc cống rùa thần sống lâu cả ngàn năm, chữ nghiã khôn ngoan viết chi chít trên lưng, khiến vua Tầu chép theo làm lịch. Chuyện này hoang đường (rùa sống cả ngàn năm) và vô lý, vì hai mươi bốn thế kỷ trước Tây Lịch, chữ Hán còn chưa định hình, người Giao Chỉ chưa có chữ, hay nếu có cũng chỉ là những ký hiệu rất thô sơ, có người cho là chữ nòng nọc (khoa đẩu), làm sao có thể viết những việc cao siêu của trời đất trên mu rùa?
 
Sách sử Việt Nam viết về thời này còn chậm hơn nữa. Những sử liệu thuở khai quốc đã tiêu tán hết. Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu chỉ xuất hiện năm 1272 đời vua Trần Nhân Tông. Bộ sử này chép việc từ Triệu Đà (207 trước T.L.) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), không nói gì tới đời Hồng Bàng.
 
An Nam Chí Lược của Lê Tắc được viết năm 1333 có chép về Hùng Vương nhưng lại gọi là Lạc Vương.
 
Việt Sử Lược, không rõ tác giả, xuất hiện cuối đời Trần, khoảng 1377, nói về đời Hùng Vương rất sơ sài, bỏ qua cả sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ.
 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên khởi soạn năm 1479 thì đầy đủ hơn. Nhưng sử liệu dựa trên Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái.
 
Việt Điện U Linh do Lý Tế Xuyên soạn. Ta không biết gì nhiều về tác giả ngoài bài tựa có ghi chức tước của ông : “Thủ thư tàng thư, Hỏa chính chưởng, Trung phẩm phụng ngự, An tiêm lộ chuyển vận sứ”. Như vậy tác giả làm quan đời Trần. Bài tựa được viết năm Khai Hựu thứ nhất (Trần Hiến Tông) năm 1329 (2).
 
Lĩnh Nam Chích Quái bao gồm những chuyện dã sử có tính cách dân gian, tương truyền tác giả là Trần Thế Pháp, Kiều Phú san định và viết thêm, Vũ Quỳnh (1452-1516) hiệu chính và viết tựa.
 
Kể qua một số sử liệu trên đây, chúng tôi muốn nói rằng cả sử Tầu lẫn sử ta đều viết qúa xa thời đại Hồng Bàng và căn cứ qúa nhiều vào những truyền thuyết. Vì vậy vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam theo sử liệu nặng tính huyền thoại, thiếu tính xác thực dựa theo khoa học. Nhưng nói cho cùng thì lịch sử của dân tộc nào cũng đều bắt đầu như thế.
 
Chúng ta cũng nên bàn thêm về cách gọi tên thời Hồng Bàng và ý nghiã của chữ Giao Chỉ. Xét về phương diện từ ngữ, các tên Văn Lang (quốc hiệu), Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương… đều là chữ Hán, không thể có từ đầu, vì thời đó (2879 tr. T.L.) nước Văn Lang chưa thể du nhập chữ Hán và không có nhiều giao thiệp với Hán tộc. Mãi đến cuối đời Hùng Vương, bên Tầu có loạn, một số nho sĩ Tầu chạy lánh nạn sang ta, đem chữ Hán và sách Nho phổ biến cho dân ta. Nhân đấy dân bản xứ mới tìm chữ hay đặt tên cho tiền nhân. Như vậy là theo lối con cháu đặt tên cho ông vải (3). Chắc chắn tên của các vị vua dựng nước phải là tiếng Việt cổ, như “bố” là cha, “cái” là mẹ. Vậy mà hai chữ này sau đó cũng được ghép thêm hai chữ Hán thành Bố Cái Đại Vương. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết, ông đã dùng phương pháp tổng hợp liên ngành để giải mã một số tiếng cổ. Thí dụ:
         VUA – BUA – BÔ – PÔ = BỐ
HÙNG – KHUN – CUN = THỦ LĨNH
VUA HÙNG = BỐ CỦA CÁC THỦ LĨNH = THỦ LĨNH TỐI CAO (4).
Thí dụ trên cho thấy chỉ giải mã được (nếu qủa đúng) chữ VUA và chữ HÙNG, nhưng không nói đến việc giải mã chữ VƯƠNG, vì chữ VƯƠNG là tiếng Hán. Vậy hai chữ  HÙNG VƯƠNG ít nhất cũng có một chữ là tiếng Tầu. Vấn đề tên của tổ tiên ta được đặt theo tiếng Hán vẫn còn nguyên đó.
 
Về chữ Giao Chỉ, từ trước đến nay, chúng ta bằng lòng với giả thuyết cho rằng  người cổ Việt có hai ngón chân cái châu vào nhau nên được gọi là Giao Chỉ. Đó là hậu qủa việc họ phải bấm ngón chân khi đi chân trần trên những đồng bằng lầy lội, trơn trượt. Lý do này không vững vì bất cứ giống dân nào đi kiểu đó lâu ngày cũng sẽ có những ngón chân đổi dạng như dân Giao Chỉ. Chẳng cứ đi ở đồng bằng, đi ở miền đồi núi, các ngón chân càng dễ “giao” nhau hơn.
 
Giáo sư Kim Định bác bỏ thuyết trên. Theo ông, Giao Chỉ có nghiã là tục lệ nam nữ hát đối đáp trong khi giao chân giao tay gọi là “cài hoa kết hoa”, còn gọi là “hát lý liên” như hình khắc trên trống đồng. Đó là mô thức cho nhiều kiểu hát đối đáp nam nữ: hát đúm, hát soan, hát quan họ…Theo nghiã này, Giao Chỉ vừa nói lên tính cách lưỡng hợp, không cá nhân cô độc, không chống đối đấu tranh, nhưng hòa hợp. Đó cũng là hình ảnh tượng trưng của tác động giao hợp với ý nghiã siêu hình là hòa hợp với đại ngã tâm linh, hướng phải tới như sách Đại Học nói : “Chí ư chí thiện” (5).
 
Đào Duy Anh lại cho rằng Giao Chỉ do chữ giao long, một giống cá sấu lớn ở miền Đông Nam Á châu mà tổ tiên ta coi là vật tổ, theo truyền thuyết thì đó là rồng vì ông tổ của họ Hồng Bàng là Long Quân, tức vua rồng (6).
 
Đó là những vấn đề nêu lên để làm sáng tỏ, không cần tranh cãi hơn thua. Con cháu có lấy tiếng Tầu nghe kêu hơn, hay hơn (ít ra theo quan điểm của họ lúc đó) để đặt tên lại cho tổ tiên cũng chỉ là để tỏ lòng kính mến. Gọi tên bằng tiếng thuần Việt hay Hán Việt không quan trọng miễn người được gọi có thật. Giao Chỉ có nghiã là hai ngón chân cái giao nhau, hoặc có nghiã cao siêu như Kim Định phân tích, hay do chữ giao long cũng chỉ là tên do người Tầu gọi ta: người Giao Chỉ, đất Giao Chỉ (Giao Chỉ Quận). Điều quan trọng là chúng ta có tin truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, có tin mình là hậu duệ của 18 vua Hùng dựng nước hay không? Chúng ta có nên chỉ tin vào những sự kiện mà khoa học có thể kiểm chứng để bác bỏ hết những tin tưởng, những truyền thuyết, những truyền thống của dân tộc, có thể đã bắt nguồn từ thời tiền sử, khi con người chưa có thói quen và phương tiện ghi chép những việc xảy ra một cách chính xác? Đành rằng huyền sử Hồng Bàng có nhiều điểm mang tính huyền thoại, nhưng không phải là hoàn toàn không có căn cứ trên sự thật. Huyền thoại là ước vọng, là mơ mộng  của con người khởi đi từ thực tế. Nếu lược bớt những hoang đường, ta sẽ thấy sự thật xuất hiện dưới nhiều góc cạnh cùng với những ý nghiã mà người xưa muốn gửi gấm cho hậu thế. Dù tổ Hồng Bàng chỉ là một giòng họ dựng nước, dù thời gian cai trị từ Kinh Dương Vương qua 18 đời vua Hùng có thể ngắn hơn một ngàn hay hai ngàn năm so với truyền thuyết, hoặc có nhiều đời vua hơn cho xứng hợp với chiều dài trên 26 thế kỷ, thì truyện về họ cũng không thể là chuyện dựng đứng, không thể là chuyện hoang đường một trăm phần trăm. Nó đã được ghi nhận và gìn giữ trong ký ức tập thể của dân tộc ta, được truyền từ đời nọ đến đời kia, đúng như lời trong bài tựa của Vũ Quỳnh viết về Lĩnh Nam Chích Quái : “Không đợi khắc vào đá, chạm vào gỗ, mà đã ghi dấu trong lòng dân, bia truyền nơi miệng người, từ em bé đầu xanh đến cụ già tóc bạc”(7).
 
B – THUYẾT HẬU DUỆ NGƯỜI TRUNG HOA
 
Theo Nguyễn Phương, trong cuốn Việt Nam Thời Khai Sinh, viện Đại Học Huế xuất bản năm 1965, thì “Dân Việt Nam là người Trung Quốc di cư sang trong thời Bắc thuộc”, và “Người Trung Hoa đã, đợt này rồi đợt khác, sang thực dân tại đây, và cuối cùng khi mọi sự đã tỏ ra thuận lợi, đã đứng dậy lập một nước riêng, nước Việt Nam” (8). Ông qủa quyết rằng sọ Việt giống sọ Hoa, nên kết luận Việt và Hoa cùng chủng tộc.
 
Trên thực tế, sọ của người Hoa khác sọ của người Việt tới 5 đơn vị. Chỉ cần khác nhau 2 đơn vị, sọ đã thuộc chủng khác. Về chỉ số dung lượng, sọ người Việt là 82.49 thuộc loại Brachycéphale, sọ người Hoa: 77.82 thuộc loại Mésocéphale (9). Vì vậy, nói giống Việt có lai ít nhiều giống Hoa thì có thể chấp nhận được. Nhưng nói người Việt là hậu duệ của người Hoa thì sai cả về khoa học lẫn thực tế.
 
C – THUYẾT BÁCH VIỆT
 
Nói chung, thuyết này cho rằng người Việt thuộc giống Bách Việt có mặt ở phía Nam sông Dương Tử trước khi Hán tộc từ châu thổ sông Hoàng Hà kéo xuống đánh đuổi dân Bách Việt chạy về phía Nam. Bách ở đây không có nghiã là một trăm, nhưng có nghiã là “nhiều”, là “toàn thể”, như “bách tính”, “bách chiến bách thắng”. Thuyết này được rất nhiều nhà khảo cứu nói tới, nhưng với những chi tiết khác nhau
 
1 – THUYẾT BÁCH VIỆT THEO CÁC HỌC GIẢ PHÁP
Sau khi người Pháp thiết lập xong nền đô hộ tại Việt nam, họ bắt đầu nghiên cứu đủ mọi lãnh vực về đất nước và con người Việt Nam. Riêng về vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, ba nhà khảo cứu sau đây đã nghiêng về thuyết người Việt Nam thuộc giống Bách Việt
 
Edouard CHAVANNES căn cứ vào Sử Ký Tư Mã Thiên cho rằng người Việt liên quan đến nước Việt ở Chiết Giang. Nước này đã bị tiêu diệt vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch. Một phần dân của nước này chạy xuống phía Nam, tái định cư tại vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt (10).
 
Léonard AUROUSSEAU cho rằng khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa (221 tr.T.L.), thì ở phía Nam, Đông Nam và Tây của Trung Hoa thống nhất chia làm 2 khu vực:
(a) Tây và Tây Nam có người Tây di, Nam di sống trong các vùng Qúi Châu, Tứ
 Xuyên, Vân Nam, Bắc Lào, Bắc Việt (người Mường và các sắc dân thiểu số
 khác).
        (b) Nam và Đông Nam là khu vực của người Bách Việt gồm vùng Nam Chiết   
                      Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, đồng bằng Bắc Việt, Bắc Trung
                      Việt đến đèo Hải Vân. Người Việt Nam sống trong khu vực này từ
                      thế kỷ thứ  3 trước Tây Lịch (11).
 
Claude MADROLLE viết rằng khi người Bách Việt di cư xuống phía nam, thì tại đây đã có các thổ dân khác sinh sống rồi. Một mẫu điển hình người hậu duệ Bách Việt là dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Người Bách Việt thuộc giống Man, đã ngược giòng sông Hồng Hà chiếm đồng bằng Bắc Việt, đẩy thổ dân ở đây lên núi thành dân Mường. Dân Mường đã thiết lập một vương triều gọi là Lạc Vương vào thế kỷ thứ 4 trước Tây Lịch (12).
 
Như vậy, theo Madrolle, dân Mường là thổ dân, đã lập quốc từ thời Hùng Vương (còn được gọi là Lạc Vương), còn người Bách Việt là giống dân khác đến chiếm đồng bằng Bắc Việt. Vậy người Mường có họ hàng gì với  dân Việt hay không? Vấn đề này phải dược bàn xét lại.
 
2 – BÁCH VIỆT theo THÁI VĂN KIỂM
“Suốt gần 3000 năm, Ngô Việt, Sở Việt, Tần Việt, Hán Việt, Đường Việt, Tống Việt, Mông Việt, Mân Việt, Minh Việt không ngớt tranh hùng trên giải đất rộng lớn này, mà kết cuộc là một phần lớn Bách Việt đã bị đồng hóa với Hán tộc, còn lại những phần tử anh dũng nhất trong Đông Việt (Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) và Tây Âu (Ba Thục) đã chọn con đường Nam tiến mà nhập vào Lạc Việt (miền Bắc Đông Dương) của Hùng Vương (thuộc họ Hồng Bàng thời thượng cổ) tạo thành nước Âu Lạc với thành Cổ Loa của Thục An Dương Vương” (13).
 
Thuyết này có nhiều điểm giống với thuyết của Madrolle, như việc trộn lẫn giữa chủng Bách Việt với chủng địa phương mà Madrolle cho là người Mường.
 
3 – BÁCH VIỆT theo ĐÀO DUY ANH
Dân cổ Việt hàng năm theo gió mùa đi xuống miền Nam để trốn rét. Khi gió nồm ấm áp thổi, họ trở về đất cũ. Chim lạc cũng đi và về theo. “Vì thế mà dần dần trong tâm lý họ phát sinh ra quan niệm tô-tem, khiến họ nhận giống chim lạc là vật tổ, rồi cái tên vật tổ trở thành tên của thị tộc, cho nên người ta gọi nhóm Việt tộc ấy là Lạc Việt” (14). Cũng theo Đào Duy Anh, người Lạc Việt ở một vùng nào đó ở Giang Nam, khi theo gió mùa xuống phía Nam, một số người ở lại Bắc Việt. Năm 333 trước Tây Lịch, nước Việt bị nước Sở thôn tính. Người Lạc Việt chạy xuống phương Nam, ở luôn tại Bắc Việt, nơi đã có những nhóm Bách Việt cũ sinh sống.
 
4 – BÁCH VIỆT theo KIM ĐỊNH
Trong “Việt Lý Tố Nguyên” xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, Kim Định dựa vào  Trung Quốc Dân Tộc Học của Vương Đồng Linh, cho rằng sau thời kỳ băng giá thứ tư tan rã, loài người bỏ hang động trong dẫy Thiên Sơn (Tây Tạng và Tây Tân Cương) để thiên di về các vùng bình nguyên. Một nhóm sang phiá Tây làm thủy tổ dân da trắng. Một nhóm tiến về Đông làm thủy tổ dân da vàng. Nhóm da vàng có hai chi: Bắc Tam Hệ gồm Mãn tộc, Mông cổ, Đột quyết (Turcs, sau này theo đạo Hồi nên được gọi là Hồi tộc). Chi Nam Tam Hệ cũng gồm có ba tộc là Hoàng, Viêm, Tạng:
      1/ Hoàng tộc về sau tự xưng là Hoa tộc rồi lại đổi thành Hán tộc,
       2/ Viêm tộc cũng gọi là Miêu tộc, tức Việt tộc,
      3/ Tạng tộc (Tibétains) đi lần theo Thiên Sơn Nam Lộ tới định cư ở vùng Hy Mã Lạp Sơn, rồi sau lan ra Thanh Hải, Tây Khương. Rất có thể Anh-đô-nê là một nhóm trong ngành này tiến vào vùng A-xam của Ấn Độ, sau bị người Aryen đánh đuổi chạy qua Việt Nam và đảo Bornéo.
 
Kỳ thủy, Viêm tộc theo sông Dương Tử (còn gọi là Trường Giang) vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh: Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, rồi lần lần một mặt theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng Hoàng Hà lục tỉnh, một mặt xuống phía Nam tới khu vực Việt Giang ngũ tỉnh: Vân Nam, Qúi Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến.
 
Theo Chu Cốc Thành trong Trung Quốc Thông sử thì Viêm tộc đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các chủng tộc khác tràn vào, nên Viêm tộc kể là chủ đầu tiên. Khi Viêm tộc đã định cư rồi, Hoa tộc còn sống đời săn hái tại vùng Tân Cương, Thanh Hải. Về sau họ theo sông Hoàng Hà tiến vào miền Bắc Trung Hoa chiếm đất của Viêm tộc và bị Si Vưu, lãnh tụ của Viêm tộc, chống cự. Lãnh tụ của Hoa tộc là Hiên Viên (ước tính theo khuyết sử khoảng 2697-2597 trước T.L.) tập họp các bộ lạc của Hoa tộc đại chiến ba lần với Viêm tộc, trong đó có trận Trác Lộc. Viêm tộc thua, Hoa tộc chiếm 6 tỉnh lưu vực sông Hoàng Hà để lập quốc, phỏng theo sinh hoạt của Viêm tộc mà tổ chức các bộ lạc, nhận các phát minh của Viêm tộc làm của Hoa tộc. Sở dĩ Viêm tộc thua là vì ở rải rác trên lãnh thổ 18 tỉnh, các bộ lạc chưa có ý thức kết hợp, nhất là Viêm tộc trọng văn hóa (đã an cư lạc nghiệp) trong khi Hoa tộc trọng võ vì là dân du mục săn bắn.
 
Sau khi thua trận, Viêm tộc bị sống dưới quyền giám thị của Hoa tộc, một số bị đưa đi khai thác các vùng chung quanh:
Di        (phía Đông)
Địch    (phía Bắc)
         Nhung (phía Tây)
         Man    (phía Nam)
Nam Man ở Trường Giang, khi vào Tứ Xuyên chia hai ngành:
    -  Một ngành xuống phía Tây Nam tỉnh Vân Nam làm nông nghiệp. Ngành này sau khi thua Cao Biền bèn theo sông Salouen và Mêkông xuống chiếm đồng bằng Bắc Miến Điện (dân Shan), Tây Bắc Việt (Sơn La, Lai Châu, Hà Giang), mở ra các nước Lào, Xiêm. Hoa tộc kêu ngành này là Tây Nam Man.
    -  Một ngành khác của Viêm tộc ở các tỉnh lưu vực Trường Giang mà Hoa tộc kêu là Đông Nam Man, khai thác vùng hồ Động Đình, Bành Lãi. Tù trưởng các bộ lạc Viêm tộc ở đấy xưng là Kinh Dương Vương, vì làm nghề nông nên thờ Thần Nông làm tiên tổ. Có lẽ vì đó chữ Việt mới có bộ Mễ (mễ cốc) và có họ Mễ nay ta quen gọi là Mị, như Mị Nương, Mị Châu…
 
Khuyết sử đặt họ Hồng Bàng của ta trước Hoàng Đế (Hiên Viên) 182 năm, lúc đó   nước Văn Lang còn nằm trong vùng Kinh Sở. Kim Định cho rằng không nên đòi hỏi sự chính xác về niên kỷ của 18 đời vua Hùng vương vì các vua Hùng đã trở thành “linh tượng”, vượt không gian và thời gian (15).
 
Kim Định muốn chứng minh rằng các ngành của Viêm tộc, còn được gọi là Viêm Việt, sau được gọi chung là Bách Việt, không phải là hậu duệ của các giống dân hải đảo từ phương Nam tiến lên, cũng không phải là con cháu Hán tộc, vì chính dân Viêm Việt đã chiếm hầu như toàn bộ nước Tầu trước khi Hán tộc tiến vào đánh đuổi Viêm tộc xuống phía Nam, và từ địa bàn của Viêm Việt, các bộ lạc thuộc gốc này mới đi xuống vùng Đông nam Á và ra các hải đảo.
 
D - THUYẾT GỐC MƯỜNG TỪ THANH HÓA ĐI LÊN
 
Lê Văn Siêu đả phá các thuyết của Đào Duy Anh và Kim Định. Theo ông, không thể chấp nhận thuyết của Đào Duy Anh cho rằng dân Việt lai giống Mông Cổ trộn sắc thái Anh-đô-nê, di dân xuống miền Nam theo gió mùa, theo giống chim lạc xuôi ngược, lại thấy âm tiếng Việt hao hao giống thanh âm Phúc Kiến, nên cho rằng ta là dân nước Việt Câu Tiễn. Thật ra Việt Vương Câu Tiễn chỉ xuất hiện thời Xuân Thu, khoảng 600, 700 năm trước Tây Lịch, trong khi lịch sử dân Việt đã có trước hơn nhiều.
 
Lê Văn Siêu cũng bác bỏ thuyết của Kim Định cho rằng dân Việt là Tam Miêu, vì Kim Định chỉ dựa vào sử viết 1,500 năm sau. Dân Tam Miêu là bộ lạc canh nông, dù bị đánh đuổi, không thể đi xa 1,300 cây số đường chim bay để xuống miền Nam nơi ruộng chưa thành hình (16).
 
Ruộng chưa thành hình, theo Lê Văn Siêu, vì vào thời họ Hồng Bàng đóng đô ở Phong Châu, điểm gốc là Việt Trì chỉ cao hơn mực nước biển 10 thước tây, đất đai phía dưới còn ngập nước. Phù sa sông Hồng đổ ra biển tạo thành đất bồi theo nhịp độ một cây số một thế kỷ. Vậy truyền thuyết họ Hồng Bàng trị vì trên 26 thế kỷ có thể tin được, vì khi Thục Phán dứt họ Hồng Bàng (257 tr. T.L.) thiên đô về Cổ Loa, lúc đó Cổ Loa (Phong Khê, Bắc Ninh) đã ở trên đất liền. Sông Hồng từ Phúc Yên thuộc Phong Châu tới Cổ Loa dài 23 cây số. Như vậy phải mất ít nhất trên 20 thế kỷ để phù sa bồi những vùng ngập nước thành đồng ruộng.
 
Lê văn Siêu cho rằng người Mường chính là người Việt cổ, vì người Mường hiện nay còn giữ nhiều đặc tính của giống Giao Chỉ: đầu ngắn, trán vuông, mũi gãy hàm ếch, cằm bạnh, mặt vuông và xương xương, môi dầy, mắt đen hơi xếch, gò má cao, tóc đen và cứng, da nâu xậm. Nơi định cư của người Việt cổ phải là Cửu Chân (Thanh Hóa) tức châu thổ sông Mã, sông Chu, vì đây là đất đã cao, có thể ở, lại gần biển nên vừa trồng cấy vừa đánh cá (tục xâm mình, vẽ hình thủy quái trên mạn thuyền), có muối để ăn và ướp cá, làm ra các thứ mắm. Sau đó một số tiến lên địa bàn phía Bắc, bị đánh đuổi hay vì một lý do nào đó, ngừng lại định cư tại Phong Châu. Vùng Phong Châu sau này mới có giá trị khi đất bồi quanh đó thành ruộng, mới có lối ra biển để đánh cá và làm muối ướp cá. Người Việt cổ ở đây có thể pha trộn với các sắc dân khác: Ma-lê-diêng, Anh-đô-nê-diêng, Mông Cổ… nhưng không thuần một giống nào hết (17).
 
Giả thuyết cho rằng châu thổ Bắc Việt từ Việt Trì đổ xuống chỉ là một vùng đầm lầy chưa bồi đắp vào thuở Hùng Vương dựng nước chỉ là một suy đoán không được chứng minh bằng khoa học. Vì vậy, việc người Việt cổ định cư trước ở Thanh Hóa vì đất ở đó cao sẵn rồi mới lên Phong Châu cũng chỉ là một suy luận thiếu kiểm chứng. Ngoài ra thuyết này không giải thích được sự kiện dân Bách Việt (cũng là Việt cổ như Mường) có mặt tại khắp vùng Hoa Nam và Đông Nam Á. Cũng từ đó, việc dùng giả thuyết sông Hồng cần trên 20 thế kỷ đem phù sa bồi thành đồng bằng để chứng minh rằng họ Hồng Bàng trị vì 26 thế kỷ cũng không có gì chính xác, vì dù ruộng chưa thành hình, sông đang bồi, họ Hồng Bàng vẫn có thể có mặt hay không có mặt, sớm hoặc trễ tại Phong Châu, không liên quan gì tới hiện tượng thiên nhiên như Lê Văn Siêu suy đoán.
 
E – THUYẾT THUỘC GIỐNG INDONESIAN
 
Trước khi nói tới thuyết này, chúng tôi xin xác định một số danh từ để tránh lẫn lộn. Đó là những tên chỉ giống người, không liên hệ gì tới các quốc gia:
 
MELANESIAN (Pháp: Mélanésien): Giống Mê-la-nê (không phải Mã-lai)
         INDONESIAN   (Indonésien) :           Giống Anh-đô-nê-diêng, còn gọi là Mã- 
                                                       lai cổ hay tiền Mã-lai.
         AUSTROASIAN (Austroasiatique):   Giống Á châu phương Nam, kể cả dân
                                                       hải đảo, không liên hệ gì tới Úc.
          MONGOLOID  ( Mongoloide):          Giống Mông-cổ
 
1 - Theo NGUYỄN KHẮC NGỮ
        - Sắc dân đầu tiên sống trên giải đất của chúng ta là giống Melanesian, hiện
        còn sống ở Bắc New Guinea, đảo Polynesia và rải rác khắp các đảo Thái Bình
        Dương.
- Sắc dân thứ hai đến xứ ta là giống Indonesian. Việt Nam và Nam Dương chỉ cách nhau một vùng biển nông. Giữa bờ biển Mã Lai Á và Cà Mau, chỗ sâu nhất không qúa 50 thước tây. Trong thời kỳ băng giá, mực nước hạ xuống, vùng Đông Nam Á chỉ là một đồng bằng trũng, đi lại được.
- Giống Mongoloid ở phương Bắc, có thể đã đồng hóa với dân ở Nam Dương    hay Hoa Nam, di cư đến Việt Nam.
                
Kết luận, dân tộc Việt Nam là một sắc dân lai giữa các sắc dân từ hải đảo phía Nam lên và giống Mông Cổ từ phía Bắc xuống. Dù dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, yếu tố Mông Cổ đã không át nổi các yếu tố hải đảo phương Nam. Những yếu tố này vẫn tồn tại trong đặc điểm nhân chủng của người Việt nam ngày nay (18).
 
2 – Thuyết Nguồn Gốc Mã Lai theo BÌNH NGUYÊN LỘC
Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã viết một cuốn sách dầy gần 900 trang để chứng minh “Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam”. Ông đã tranh luận tất cả các khía cạnh lịch sử, nhân chủng, khảo cổ, ngôn ngữ… để chứng minh cho lập luận của ông. Dù cách nghiên cứu của ông qúa ôm đồm và nhiều cảm xúc riêng, người đọc vẫn có những khám phá bất ngờ. Tựu trung, từ đầu tới cuối, ông cố thuyết phục người đọc phải tin như ông tin: Dân Việt có nguồn gốc Indonesian, tức cổ Mã Lai, hay tiền Mã Lai (Proto-Malais).
 
Trước tiên, ông nghiêng theo lập trường của George COEDES, nguyên giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, về nguồn gốc chủng Mã Lai. Trong một tài liệu khảo cứu về các sắc dân thuộc bán đảo Đông Dương được xuất bản năm 1962, George COEDES cho rằng “Chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư đến Đông Nam Á cách đây 5,000 năm” (19). Bình Nguyên Lộc đồng ý nhưng nói thêm: “Thật ra chủng Mã lai không có nguồn gốc Hoa Bắc. Họ phát xuất từ phía Tây Trung Hoa, quanh cao nguyên Tây Tạng” (20).
 
Xét về lịch sử, chủng Mã Lai cổ chủ yếu nằm trong hai bộ lạc Âu và Lạc. Âu chiếm địa bàn núi rừng. Lạc chiếm địa bàn sông ngòi. Hai nhóm đó xưa kia là một, được Tầu gọi là Cửu Lê. Họ bị Hiên Viên (tức Hoàng Đế 2697-2597 tr. T.L.) đánh đuổi, phải tách ra làm hai. Âu Cơ thuộc chi Âu, Lạc Long thuộc chi Lạc. Cả hai đều gốc chủng Mã Lai. Khi bị đuổi khỏi khu vực Hoàng Hà, một chi dùng đường biển đi Đại Hàn, Nhật, Đài Loan, Hải Nam, Đông Á lục địa tức Đông Dương. Một chi chiếm đồng bằng Hoa Nam (21).
 
Chủng Mã Lai phân tán trên địa bàn Đông Nam Á theo 2 đợt:
 - Đợt 1: Thời bị Hiên Viên đánh đuổi. Ta là Mã Lai đợt 1. Hùng Vương thuộc                đợt này. 
-  Đợt 2: Từ 800 tơí 500 trước Tây Lịch, chủng cổ Mã Lai từ cực Nam Trung Hoa đi xuống bán đảo Mã Lai, rồi từ đó sang Nam Dương, đảo Madagascar và Phi Luật Tân. Trên đường xuống phía Nam, một số đã ở lại giang sơn của vua Hùng. Họ hội nhập rất dễ dàng vì gặp người đồng chủng (22).
 
Như vậy, dân Mã Lai và Nam Dương hiện nay thuộc chủng Mã Lai đợt 2, và theo Bình Nguyên Lộc thì họ cùng chủng tộc với dân Việt. Chỉ khác dân Việt ở chỗ dân Việt đã bị lai một phần giống Hán từ sau Mã Viện và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong khi họ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ rồi Hồi Giáo.
 
Người Việt và người Mã Lai, Nam Dương hiện nay có nhiều điểm giống nhau:
-  Chỉ số sọ của ta giống hệt của họ, khoảng 82.49 thuộc loại Brachycéphale. Tất cả các giống thuộc chủng Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80. Trong khi chỉ số trung bình của sọ người Hoa là 77.82 thuộc loại Mésocéphale.
- Về cách sống cũng có nhiều điểm giống nhau: ăn trầu, làm mắm, nhà sàn mái cong, tôn giáo vật bái… Trên thế giới không có dân tộc nào gọi vợ là NHÀ (nhà tôi), trừ Việt Nam, Mã Lai và Nam Dương.
- Nhất là về ngôn ngữ, rất nhiều tiếng Mã Lai giống tiếng Việt Nam.  
      Việt                     Mã
                 Cửa sông             Kưala sôngai
Bông (hoa)           Bônga
Bạn                       Bang
Già                       Ya
Lội                        Luôy
Lúa                       Lú
Bu (mẹ)                Ibu
Bố                        Babu
Vàng                    Wang
Mặt trăng             Bulăng
Há (miệng)          Haa
Rức                      Ruak
Thang                  Tangga
Cù lao                  Cu rao
Bắn                      Panaa
Tên (cung tên)    Tiang
Ná (nỏ)                Pnả
 
Đó chỉ là một số rất nhỏ tiếng giống nhau để thí dụ. Bình Nguyên Lộc nói rằng nguyên câu “Hắn lấy ná (nỏ) bắn chim làm rụng lá” đều là tiếng Mã Lai. Ngoài ra trong hai câu ca dao
Tua Rua đã xế ngang đầu
Em còn đứng đó làm giầu cho cha
thì hai chữ Tua Rua là tiếng Mã Lai. Tua là ngôi sao. Rua là tên riêng một vì sao. Tua Rua là Sao Rua, Lạc Việt gọi là Sao Mang, Tầu gọi là Sao Mão. Việt Nam còn có thêm câu ca dao khác: “Tua Rua lặn, chết cá chết tôm” (23).
 
Bình Nguyên Lộc còn đưa ra nhiều dẫn chứng khác. Nhưng bấy nhiêu đã tạm đủ để hiểu lý lẽ của tác giả khi xác định người Việt thuộc giống Indonesian, tức cổ Mã Lai. Thuyết của ông có nhiều điểm giống thuyết của Nguyễn Khắc Ngữ. Điều khác biệt căn bản giữa hai ông là Nguyễn Khắc Ngữ cho rằng giống Indonesian và các giống khác từ phía Nam đi lên, trong khi Bình Nguyên Lộc khẳng định rằng giống Indonesian từ phía Bắc đi xuống, kể cả đợt 1 lẫn đợt 2.
 
F -THUYẾT NGƯỜI HÒA BÌNH
 
Giáo sư nhân chủng học Wilheim G. SOLHEIM II thuộc đại học Hawaii, với sự cộng tác của tiến sĩ Donn HAYARD cũng thuộc đại học Hawaii, giáo sư Hamilton PARKER thuộc đại học Otago, New-Zealand, bộ Mỹ Thuật Thái Lan, Viện Khảo Cổ Miến Điện, phái đoàn khảo cổ hỗn hợp của đại học Yale, Hoa Kỳ và Đài Loan do giáo sư CHANG Kwang-Chih hướng dẫn, từ năm 1963 đã đào xới nhiều địa điểm tại Miến Điện, Bắc Thái và Đài Loan để tìm tòi các di tích của nền văn hóa Hòa Bình (mang tên một địa điểm khai quật nằm tại một làng trong tỉnh Hòa Bình, Bắc Việt). Nhóm nghiên cứu này đã tìm thấy nhiều bằng chứng để đưa ra giả thuyết rằng nền văn minh nông nghiệp và đồ đá Hòa Bình là nền văn minh tối cổ của nhân loại, có từ 15,000 năm trước Tây Lịch. Vì vậy
- Khoảng 4,000 năm trước Tây Lịch, người Hòa Bình đi đường biển bằng thuyền độc mộc có cặp những khúc cây hai bên hông lên Đài Loan, Nhật Bản, đem theo khoai sọ và các thứ ngũ cốc khác.
- Khoảng 3,000 năm trước Tây Lịch, người Hòa Bình tiến xuống miền Nam qua Phi Luật Tân, Nam Dương, mang theo nghệ thuật kỷ hà: vòng trôn ốc, tam giác, hình chữ nhật được dùng trong đồ gốm, chạm gỗ, sơn mình… Những hình kỷ hà này cũng tìm thấy ở Đông sơn (Thanh Hóa).
- Khoảng 2,000 năm trước Tây Lịch, người Hòa Bình tiến sang phía Tây tới đảo Madagascar, cung cấp những cây canh nông đã được thuần dưỡng cho Đông Phi (24).
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, giảng dậy tại đại học Moncton, Canada, cũng nói tới những khám phá như trên của giáo sư  SOLHEIM II được ghi đầy đủ trong bài nghiên cứu của giáo sư in trong: “Southeast Asia and the West. Science vol.157, 1967”.
 
Thuyết người Hòa Bình di dân tới Đài Loan, Phi Luật tân, Mã Lai, Nam Dương được vững mạnh thêm nhờ những khám phá về di truyền của giáo sư Lâm Mã Lý (Lin M. Lee), nhà di truyền học thuộc bệnh viện Mckay Memorial ở Đài Bắc (Taipei). Giáo sư Lâm đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về nguồn gốc di truyền của những bộ tộc thổ dân sống lâu đời từ thời tiền sử trên đảo Đài Loan (Taiwan). Năm 2000 và 2001, bà đã công bố kết qủa công trình nghiên cứu chung của bà cùng với các nhà khảo cứu khác người Đài Loan và Nhật bản trên tạp chí khoa học Tissue Antigens (25) về hệ thống di truyền miễn nhiễm (Human Leucocyte Antigen, HLA) ở nhiễm sắc thể 6 (Chromosome 6) qua máu của các dân Hoklo (Mân Nam) và Hakka (người Hoa gọi là khách trú, từ phía nam sông Dương Tử di dân đến trú ngụ tại Hoa Nam, đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông). Kết qủa cho thấy người Mân Nam và Hakka rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác xa với người Hán thuộc chủng Mongoloid Bắc Á. Từ đó, giáo sư Lâm Mã Lý kết luận rằng thổ dân Đài Loan thuộc dân tộc Mân Việt (Min Yueh), một chi của Bách Việt, không phải dân tộc Hán, mặc dù có sự pha trộn trong lịch sử với người Hán di cư từ phương Bắc đến (26).
 
Thuyết tổ tiên chúng ta là người Hòa Bình qua những khám phá mới trên đây khiến chúng ta ngạc nhiên một cách thích thú. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên vội vã ôm chặt lấy thuyết này. Chúng ta cần suy nghĩ để phân tách những gì có thể tin được và tìm thêm những yếu tố bổ túc.
 
KẾT LUẬN VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT
 
Dù chỉ duyệt qua một cách tóm lược những thuyết chính về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, chúng ta đã thấy nhiều mâu thuẫn và rắc rối. Chúng ta khó có thể khẳng định dứt khoát thuyết nào đúng, thuyết nào sai. Vấn đề còn đang trong vòng tìm kiếm và bàn cãi. Chúng ta chỉ có thể tạm rút ra một kết luận dựa trên những gì chúng ta có và biết cho tới ngày nay. Ngày sau, với những khám phá mới và những hiểu biết mới, kết luận có thể khác đi. Nhưng những bước đi trước luôn luôn cần thiết cho những bước đi sau.
 
Chúng tôi chủ trương làm một tổng hợp giữa những thuyết nói trên bằng cách gạt bỏ những điều phi lý, kéo gần lại những điểm tương đồng, tìm ra những điểm bổ túc lẫn nhau, để cuối cùng đi tới một kết luận tạm thời có thể chấp nhận.
 
Về thuyết của Nguyễn Phương, giống Việt là hậu duệ của giống Hán, không có cơ sở vững chắc vì không giải thích được sự sai biệt giữa chỉ số sọ, cách sống, cách suy nghĩ, cách nói khác nhau giữa hai giống, dù đã sống bên nhau mấy ngàn năm với quyết tâm của người Hoa muốn đồng hóa người Việt.
 
Thuyết tổ tiên ta là người Mường xuất phát từ Thanh Hóa rồi lên định cư ở Phong Châu của Lê Văn Siêu là những suy luận nhiều tưởng tượng và không giải thích được việc người Việt cổ có mặt ở nhiều nơi khác trong vùng, đặc biệt là phần đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử.
 
Claude Madrolle cũng không có lý khi cho rằng người Bách Việt chiếm đồng bằng Bắc Việt, đuổi người Mường là dân địa phương lên núi. Như vậy, Mường và Bách Việt là hai giống khác nhau, đối nghịch nhau. Sự thật không phải thế, mà ngược lại.
 
Về những điểm tương đồng, trước tiên, sách sử của Trung Hoa và Việt Nam cũng như đa số các nhà khảo cứu Việt Nam và ngoại quốc đều công nhận có giống Bách Việt sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử xuống tới tận miền Bắc Trung Việt ít ra từ 3,000 năm trước Tây Lịch.
 
Thuyết của Kim Định tuy chỉ dựa vào những tài liệu của cổ sử Tầu với những suy luận không căn cứ trên những khám phá khoa học và có vẻ qúa đề cao Việt tộc, nhưng điều ngạc nhiên là thuyết này lại được những khám phá của “ê-kíp” Wilheim G. Solheim II làm cho thêm phần hữu lý. Chỉ khác ở chỗ Solheim II không gọi dân thuộc nền văn minh Hòa Bình là Viêm tộc như Kim Định. Hai thuyết đều giống nhau về việc dân Việt cổ tỏa ra khắp lãnh thổ Trung Quốc hiện nay và cả vùng Đông Nam Á.
 
Kim Định cũng không trái ngược với Bình Nguyên Lộc, ngoài những chi tiết khác nhau về các đợt di dân. Cả hai đều cho rằng giống Việt cổ có mặt từ lâu tại phía Nam Trung Hoa và tại vùng Đông Nam Á. Điều khác biệt là Kim Định gọi chủng này là Viêm Tộc, trong khi Bình Nguyên Lộc gọi họ là cổ Mã Lai hay Indonesian.
 
Nguyễn Khắc Ngữ và Bình Nguyên Lộc đều đồng ý là trên giải đất của chúng ta hiện nay, trước đã có thổ dân sinh sống, có lẽ là chủng Melanesian, sau đó chủng Indonesian mới tới và kết hợp với thổ dân có trước. Nguyễn Khắc Ngữ khác Bình Nguyên Lộc ở chỗ cho rằng chủng Indonesian từ các hải đảo phía Nam đi lên. Còn Bình Nguyên Lộc lại chủ trương họ từ phía Bắc đi xuống.
 
Căn cứ vào những điểm giống nhau của các sử gia và các nhà nghiên cứu, chúng ta có thể nói rằng cách đây khoảng 5,500 năm, tổ tiên của giống Việt đã có mặt tại địa bàn Hòa Bình, Bắc Việt, lan ra sinh sống ở phía nam Trung Hoa ngày nay cũng như khắp miền Đông Nam Á. Nhưng đừng vội nói chủng Việt là tổ tiên của toàn thể các giống dân trong vùng này, vì khi người gốc Hòa Bình đi tới đâu thì cũng kết hợp với thổ dân tại đó để tạo ra những giống lai, rồi thành những giống mới. Do đó, các giống dân trong vùng này hiện nay có nhiều điểm còn giống dân Việt nhưng cũng có nhiều điểm khác. Việc thành hình quốc gia Việt Nam thời Hồng Bàng, theo sử liệu và dấu tích của những cuộc di dân, đúng là do việc người Hán tộc gốc Mông Cổ từ phía Tây Bắc sông Hoàng Hà đánh đuổi người Bách Việt xuống phương Nam. Đợt di dân quan trọng này đã tạo ra nước Văn Lang. Giống Lạc Việt chạy về đây cũng là chạy về đất cũ, chung sống với những người đồng chủng vẫn có mặt tại chỗ. Số không muốn chạy hay không chạy kịp ở lại vùng Hoa Nam, bị đồng hóa và trở thành Tầu. Một số khác chạy lên núi, xuống phía Nam, ra các hải đảo. Sự kiện này được hầu hết các thuyết nhìn nhận với những chi tiết khác biệt không đáng kể, chỉ khác nhau về tên gọi của giống dân này: người Hòa Bình, người Bách Việt, chủng Indonesian hay cổ Mã Lai? Thiết tưởng vấn đề tên gọi không quan trọng cho bằng những chứng tích cho thấy nguồn gốc các giống dân này chỉ là một.
 
Sở dĩ chúng ta dám nói vậy vì các sắc dân này cho tới ngày nay vẫn còn nhiều điểm  giống nhau. Thái Văn Kiểm ghi nhận rằng dân Bách Việt trồng lúa nước, ở nhà sàn mái cong, ướp cá và làm nước mắm, nhuộm răng, ăn trầu cau, đúc trống đồng, xâm mình, mặc váy, chọi gà, thả diều…(27). Trong khi đó giống Hán thuộc giòng Mông Cổ ở phía Bắc chuyên săn bắn, hái lượm, trồng lúa mì (có thể trồng ở đất cao, không cần nhiều nước. Khi chiếm Hoa Nam họ mới học được kỹ thuật trồng lúa nước của người Bách Việt), ăn xì dầu, không nhuộm răng, không ăn trầu, mặc quần, ở nhà mái tròn theo kiểu dân du mục.
 
         Kim Định cũng đưa ra những điểm lớn làm dấu để nhận ra chủng Việt:
 Nông nghiệp,
 Tổ chức xã hội theo lối thôn làng rồi đến liên làng (tổng), ngập ngừng tiến lên nhà
   nước,
 Thờ tổ tiên,
 Địa vị phụ nữ cao,
 Khi múa đeo lông chim,
  - Xâm mình,
 Cài nút áo bên trái (tứ di tả nhậm),
 Huyền thoại mang nét lưỡng hợp (Rồng Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh) (28).
 
Ta thấy tất cả những điểm này còn đúng cho tới ngày nay, trừ việc xâm mình đã chấm dứt bởi lệnh của vua Trần Anh Tông (1293-1314). Vì vậy chúng ta không lấy làm lạ khi thấy người Nam Dương, Mã lai ăn trầu như chúng ta, quấn xà-rông (váy) như phụ nữ Việt trước đây và người thiểu số bây giờ. Họ cũng thích chọi gà, thả diều không khác người Thái, người Phi Luật Tân và người Việt Nam. Ngoài ra lại có nhiều tiếng nói và những món ăn (nhất là mắm) giống ta. Nếu không có liên hệ chủng tộc thì làm sao có nhiều điểm giống nhau như vậy được?
 
Còn về người thiểu số trong đó có người Mường, chúng ta có thể nói họ đều có nguồn gốc Việt cổ. Những người thiểu số ở cao nguyên Trung phần có thể đã lai giống Melanesian hay giống đen Negritos (29) nên sắc da đậm hơn và tóc quăn hơn. Họ khác người đồng bằng vì họ sống biệt lập và ít giao thiệp với người kinh, nên còn giữ những tập quán và tiếng nói từ xưa. Người Phi Luật Tân đến Việt Nam hiểu được tiếng nói của người Thượng ở tỉnh Lâm Đồng. Người thiểu số ở Pleiku, Ban Mê Thuột hiểu được tiếng nói của những bộ lạc đang sống trong rừng Mã Lai (30). Người thiểu số ở Bắc Việt (không kể người Mường) cũng là người Việt cổ nhưng lai giống Thái, trong khi giống Thái cũng là một bộ lạc của cổ Mã Lai. Người Chiêm Thành cũng có nguồn gốc Việt cổ nhưng đã thay đổi khác đi vì chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, đạo Bà La Môn và đạo Hồi.
 
Về người Mường, chúng ta coi họ là anh em gần nhất. Chính họ cũng tự nhận là người gốc Việt. Ta có thể giải thích rằng họ là ta chạy xuống phương Nam. Họ thuộc chi Âu theo mẹ lên núi. Ta thuộc chi Lạc theo cha xuống đồng bằng. Họ ở trên cao, không tiếp xúc với người miền dưới, nhất là với người Tầu nên còn giữ vẻ thuần Việt, không bị pha trộn và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như chúng ta. Nhiều phong tục của họ rất giống phong tục người kinh. Tiếng nói của họ rất gần tiếng chúng ta đang nói, giống cả âm lẫn văn phạm và cách đặt câu (31). Có thể nói tiếng Mường là phản ảnh của tiếng Việt cổ. Ngay huyền thoại về nguồn gốc cũng gần giống ta. Cũng bà Ngu Kơ lấy hoàng tử Long Wang, con của vua Yịt tức vua Việt mà người Mường nói là Hùng Vương, đẻ ra một trăm trứng, nở ra 50 trai và 50 gái. Vì có điều không thuận, Long Wang vốn là loài cá mang một nửa con ra cửa sông. Còn bà Ngu Kơ vốn là loài nai nên dẫn con lên rừng. Như vậy có khác gì Lạc Long Quân và Âu Cơ dẫn con xuống biển và lên núi? Tại sao có tên Mường? Mường theo tiếng Thái là Muang, có nghiã là xứ, vùng, một nhóm người. Người Mường ở Hòa Bình và Thanh Hóa tự xưng là Mwan. Người Mường ở Phú Thọ xưng mình là Mwon. Người kinh gọi là Mường dựa theo những âm đó. Địa bàn sinh sống của người Mường trải dài từ Sơn La, Yên Bái, Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, tới Thanh Hóa và đèo Mụ Già. Một số người Mường cũng di cư vào Nam năm 1954 và định cư tại cao nguyên Trung phần. Theo thống kê dân số vào năm 1946, tổng số người Mường là 298,165. Nhưng đến nay con số này chắc chắn đã cao hơn. Lê Lợi, Lê Lai là người Mường. Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ tức Lê Lợi tự xưng là Lam Sơn Động Chủ. Các vị vua kế của nhà Lê cũng xưng mình là chủ một động. Vua Lê Thái Tông là Quế Lâm Động Chủ. Vua Lê Thánh Tông là Thiên Nam Động Chủ v.v… Động là đơn vị hành chánh ở vùng của người thiểu số. Các vua nhà Hậu Lê xưng mình là động chủ là để nhớ tới nguồn gốc của mình. Điều này không gây thắc mắc gì cho người Việt vì người Việt coi người Mường cùng giòng giống với mình.
 
Nói tóm lại, cho tới bây giờ, chúng ta có thể tin rằng nguồn gốc của chúng ta là một chi của Bách Việt có mặt từ phía Nam sông Dương Tử tới phía Bắc Trung Việt khoảng 5,500 năm trước. Sau nhiều đợt di dân vì bị đánh đuổi, chúng ta đã mất địa bàn Hoa Nam, nhưng dân Bách Việt (hay Indonesian, hay cổ Mã Lai) lại tràn xuống Đông Nam Á châu và các hải đảo phương nam. Ở đó họ hợp với dân bản thổ để tạo thành các sắc dân khác, nhưng vẫn còn giữ nhiều đặc tính Bách Việt. Riêng người Việt chúng ta dừng lại ở địa bàn Bắc Việt và Bắc Trung Việt để dựng nên một quốc gia. Sau này mở mang thêm bờ cõi về phía Nam (Chiêm Thành) và Tây Nam (Chân Lạp). Giống Việt của chúng ta cũng không còn thuần túy vì chúng ta cũng pha trộn với thổ dân (có thể là giống Malanesian) đã có mặt ở đây trước và pha trộn với giống Hán tộc từ sau khi Thục Phán chiếm được nước Văn Lang năm 258 trước Tây Lịch, nhất là từ sau khi Mã Viện thắng Hai Bà Trưng năm 43. Việc pha trộn với giống Hán không có tầm quan trọng vì ngưiời Việt cố tránh việc pha giống với người Hán và người Hán có mặt tại Giao Chỉ cũng không đông, chỉ có quân sĩ và các viên chức cai trị, không có những lớp di dân ồ ạt kéo xuống. Đó là lý do tộc Việt không bị Hán hóa. Dù sự giao lưu và kết hợp không thể tránh giữa các giống người, chúng ta vẫn giữ được giống Việt, bản sắc Việt và văn hóa Việt.
 
 
 
 GHI CHÚ
 
Xem TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam Sử Lược, quyển I, các trang 11, 12. Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, Sàigòn 1971.
VIỆT ĐIỆN U LINH, bản dịch của Đinh Gia Khánh, các tr. 3, 4. Nhà Xuất bản Văn Hóa, Viện Văn Học Hà Nội. SUDESTASIE tái bản tại Paris 1979.
Xem LÊ VĂN SIÊU, Việt Nam Văn Minh Sử Khảo Lược, các tr. 59, 60. Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, Sài Gòn 1972.
           (4) TRẦN QUỐC VƯỢNG, Trong Cõi, tr. 62. Trăm Hoa. Hoa Kỳ 1993.
 (5) Xem KIM ĐỊNH, Sứ Điệp Trống Đồng, các tr. 54, 55, 56. An Việt San José
      tái bản, Hoa Kỳ 1999.
(6) Xem ĐÀO DUY ANH, Hồi Ký Đào Duy Anh, tr.103. Nhà xuất bản Trẻ, Sàigòn
      2000.
(7) Theo ĐINH TRỌNG HIẾU, Tương Quan giữa Tư liệu Thư Tịch và Tư Liệu thực
      địa, tập san Văn Lang số 3 tháng 6, năm 1992, Hoa Kỳ, tr. 3.
NGUYỄN PHƯƠNG, Việt Nam Thời Khai Sinh, các tr. 231, 230, Viện Đại Học Huế, Phòng Nghiên Cứu Sử, 1965.
(9) Theo BÌNH NGUYÊN LỘC, Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam, tr. 453.
      Xuất bản lần đầu tại Sài Gòn 1971. Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề
      năm.
         (10) Theo Edouard CHAVANNES trong Les Mémoires Historiques de Se-ma Ts’ien.
         (11) Xem Léonard AUROUSSEAU, La Première conquête chinoise des pays 
       annamites, các tr. từ 137 tới 264, đăng trong BEFEO XXII, Hà Nội 1923,
       và Note sur les origines du peuple annamite, BEFEO XXIII, Hà Nội 1923.
         (12) Xem Claude MADROLLE, Les Populations de l’Indochine. Dépêche Coloniale
                 Illustrée. Paris 1918.
         (13) THÁI VĂN KIỂM, Việt Nam Anh Hoa, tr.48. Làng Văn, Canada 2000.
         (14) Xem ĐÀO DUY ANH, Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam, tr.40. Thế Giới, Hà Nội
                1950. Tái bản có sửa chữa năm1956 do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
         (15) Xem KIM ĐỊNH, Việt Lý Tố Nguyên, từ tr. 51 tới tr.61. An Tiêm, Sài Gòn 1970.
                In lần thứ hai, Paris-San Jose, 2001  
         (16) Xem LÊ VĂN SIÊU, sđd, các tr. 38, 39.
         (17) Xem LÊ VĂN SIÊU, sđd, các tr. từ 47 –53.
         (18) Xem NGUYỄN KHẮC NGỮ, Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam, các tr. từ 85-88.
                 Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, Montréal, Canada 1985.
         (19) Geoge COEDES, Les Peuples de la péninsule Indochinoise. Dunod, Paris 1962.
         (20) BÌNH NGUYÊN LỘC, sđd, tr.46.
         (21) BÌNH NGUYÊN LỘC, sđd, các tr. 312,313.
(22) - ntr -, sđd, các tr. 359, 324.
(23) - ntr -, sđd, tr. 503
(24) Wilheim G. SOLHEIM II, New Light On Forgotten Past, đăng trong tạp chí                                   
                 National Geographic, vol.139, No 3, March 1971, Hoài Văn Tử và Vĩnh Như  
                 chuyển sang Việt ngữ và in trong cuốn “Tinh Hoa Tư Tưởng Việt”, từ  tr. 182
                 đến tr. 194. Tủ sách Việt Thường, Houston, Hoa Kỳ 1997.
(25) Theo NGUYỄN ĐỨC HIỆP, Đài Loan và cội nguồn Bách Việt. Nguyệt san
        Thế Kỷ 21, số 170, tháng 6-2003, xuất bản tại Hoa Kỳ. Tác giả trích dẫn tài
        liệu của
        - LIN M., CHU L., LEE H., “Heterogeneity of Taiwan’s indegenious population:
                   possible relation to prehistoric Mongoloid dispersals”. Tissue Antigens số 55,
                   từ tr.1 tới tr.9. Xuất bản tại Đài Loan năm 2000.
      - LIN M., CHU CC, CHANG SL, LEE HL, LOO JH, AKAZA T, JUJI T,
        OHASHI J, TOKUNAGA K, “The Origin of Minnan and Hakka, the so-called
        “Taiwanese”, inferred by HLA stydy”. Tissue Antigens số 57, từ tr. 192 tới tr.
            199. Xuất bản tại Đài Loan năm 2001.
   (26) Xem NGUYỄN ĐỨC HIỆP, sđd, tr.88.
         (27) Xem THÁI VĂN KIỂM, Những Nét Đan Thanh, tr.9. Đại Nam 1993.
(28) Xem KIM ĐỊNH, Sứ Điệp Trống Đồng, sđd,  tr.171.
(29) Xem NGUYỄN TRẮC DĨ, Đồng Bào Các Sắc Tộc Thiểu Số Việt Nam, tr.3.
                Bộ Phát Triển Các Sắc Tộc ấn hành. Sài Gòn 1972.
(30) Theo NGUYỄN LÝ TƯỞNG, Lịch Sử Việt Nam Từ Thời Khai Sinh Cho Đến
       Thế Kỷ Thứ Mười, trong cuốn Thuyền Ai Đậu Bến Văn Lâu, tr. 515. Tác giả
                 bản tại Hoa Kỳ 2001.
(31) Vài thí dụ về sự giống nhau giữa tiếng Việt và tiếng Mường  dựa theo Jeanne
        Cuisinier trong “Les Mường, Géographie humaine et Sociologie”do Bình
        Nguyên Lộc dẫn chứng, sđd tr. 739
                       VIỆT                                                 MƯỜNG
 - Ba hồn bẩy vía con đứa (con trai)       - Pa hôn pải piái on tứa
   con gái, đi đâu về cùng bố, cùng mẹ     on kai, no tì vên kung pô, kung mê
   ăn cơm ăn cá.                                          ăn kơm ăn ka.
          - Bố ơi chết bỏ ta làm sao vậy,               - Pô ơi kết bô ta la no pò,
            thân mình ăn đâu ở đâu bố ơi!               thân hò ăn no ở no pô ơi!
          - Ăn ra khói nói ra lửa.                           - Ăn za khoê nói za lứa 
          - Để cho qủy xa ma sợ.                            - Tê co kwi sa ma đượi.
          - Vía lúa ơi, về đụn về nhà mà ở.            - Piái ló ơi, vên tun vên nhà ma ở.
 
 Nguồn:dunglac.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570275

Hôm nay

224

Hôm qua

2287

Tuần này

224

Tháng này

228799

Tháng qua

129483

Tất cả

114570275