A - VĂN HÓA HÒA BÌNH
Nền văn hóa Hòa Bình được Bà Madeleine Colani phát hiện năm 1920 sau khi tìm thấy những hang động người tiền sử cư ngụ tại một làng thuộc tỉnh Hòa Bình, Bắc Việt. Trong những hang này, người ta đào được những dụng cụ bằng đá hình bầu dục, tròn, tam giác được mài nhẵn một mặt. Họ cũng tìm thấy những hòn đá mài rất tinh xảo được dùng để mài các dụng cụ. Ngoài ra còn thấy xương thú vật và nhiều vỏ sò ốc. Văn hóa Hòa Bình được định tuổi từ 8,000 tới 6,000 trước Tây Lịch, thuộc thời đồ đá giữa hay trung thạch (Mesolithic). Sau đó người ta tìm ra những dụng cụ cùng loại và cùng thời đại tại nhiều địa điểm khác ở Thái lan, Miến Điện, Đài Loan … nên các nhà khảo cổ và nhân chủng học mới đặt tên chung cho thời đại này là văn hóa (hay văn minh) Hòa Bình.
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, các di tích của nền văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam, ngoài tỉnh Hòa Bình, còn được tìm thấy ở các tỉnh Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình và Thanh Hóa. Hang Sũng Sàm và khu di chỉ Hương Sơn có niên đại cách đây 9, 10 ngàn năm. Các chuyên viên Đức đã thử C-14 và thấy các hiện vật ở đây có 11,000 năm tuổi (tức 9,000 năm tr.T.L.). Hiện vật khảo cổ cho biết thu lượm và đi săn là hai phương thức kiếm sống chính ở đây. Ngoài ra, việc phân tích bào tử phấn hoa còn cho thấy sự có mặt của họ rau đậu (Leguminosae gen sp.), họ hòa thảo (Graminae gen sp.) và họ bồ hòn (Sapindaceae gen sp.), cùng với chầy, bàn nghiền, rìu ghè đẽo và mài lưỡi, gốm ở lớp trên. Người cổ đã tiến tới sát vùng đồng bằng, có khuynh hướng từ kinh tế thu lượm đi sang kinh tế sản xuất nông nghiệp cách đây gần 10,000 năm (1).
Ông Carl O. SAUER, người Hoa Kỳ, trong “Agricultural Origins and Dispersals” xuất bản tại New York năm 1952, cũng nhận định văn hóa Hòa Bình là văn hóa lúa nước được trồng cùng lúc với củ khoai môn (khoai sọ), và Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp xưa nhất, là trung tâm thế giới sớm nhất về kỹ thuật trồng trọt, thuần hóa và tái sinh sản thực vật.
Tất cả những điều trên đã được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Wilheim G. SOLHEIM II xác nhận sau khi đã mở những cuộc khai quật và nghiên cứu khắp miền Đông Nam Á sang tới tận Úc châu. Tại một di chỉ khảo cổ ở Bắc Thái, họ đã tìm thấy một hạt thóc loại Oriza Sativa và một mảnh sành có niên đại 3,500 trước Tây Lịch. Hạt lúa này có sớm hơn lúa được khai quật ở Trung Hoa và Ấn Độ 1,000 năm. Theo ông, giả thuyết cho rằng văn hóa Đông Nam Á được du nhập từ miền Bắc Trung Hoa là sai. Ngược lại, vào thời đại tân thạch, nền văn hóa Bắc Trung Hoa bắt nguồn từ một chi của nền văn hóa Hòa Bình ở phía Bắc Đông Nam Á vào khoảng 6,000 hay 7,000 năm trước Tây Lịch. Như vậy không phải là từ trên đi xuống mà là từ dưới đi lên. Ông cho rằng nền văn hóa Long Sơn không phải phát sinh từ Ngưỡng Thiều ở miền Bắc Trung Hoa mà phát sinh từ miền Nam rồi lan lên phía Bắc. Cả hai nền văn hóa Long Sơn và Ngưỡng Thiều đều bắt nguồn từ nền văn hóa Hòa Bình (2).
Những phát giác trên đây đã đảo ngược mọi định kiến từ trước tới nay cho rằng Trung Hoa là cái nôi văn hóa của vùng Đông Nam Á. Điều này khiến chúng ta phải xét lại sử liệu liên quan đến việc hai thái thú Tầu Tích Quang và Nhâm Diên đã dậy dân ta dùng cầy bừa mà cầy cấy ruộng vào thế kỷ thứ nhất Tây Lịch, cũng như quan điểm cho rằng người Tầu là thầy khai hóa cho ta và các dân Á Đông khác.
B - VĂN HÓA BẮC SƠN
Văn hóa Bắc Sơn thuộc thời kỳ đồ đá mới hay Tân Thạch (Neolithic) xuất hiện từ 6,000 tới 800 năm trước Tây Lịch. Đặc trưng của thời kỳ này là con người đã nắm vững kỹ thuật trồng cấy và chăn nuôi thú vật, biết chế tạo đồ gốm tinh xảo và sản xuất những dụng cụ khá tiến bộ cho đời sống thường ngày. Bắc Sơn là tên một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, Bắc Việt, nơi đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc rìu tứ giác mài lưỡi sớm nhất thế giới, tiêu biểu bằng chiếc rìu có cán. Nếu rìu có cán găm đứng (hâche à gouge) thì đó là sản phẩm của dân Việt cổ (hay Indonesian, hay Mã Lai cổ). Nếu cán nằm ngang ( hâche à tenon) là sản phẩm của giống người thuộc ngành Mông Cổ (3). Người ta còn tìm thấy ở vùng này nhiều đồ gốm nặn bằng tay rất khéo léo.
Ngoài ra, các di chỉ khai quật tại cao nguyên Trung Phần Việt Nam từ 1995 tới 2002, đặc biệt là ở Biển Hồ (Gia Lai), Lung Long (Kontum), Chư Eabua và Xuân Phú (Đác Lắc), cho thấy dân cư sống ở vùng này cách đây 3,000 năm đã có một nền văn minh nông nghiệp không thua kém bất cứ nhóm nào cùng thời trên toàn cõi Việt Nam. Tại hai di chỉ khảo quật Chư Eabua và Xuân Phú, người ta tìm thấy hàng trăm công cụ đồ đá, 5 di tích bếp lửa và hàng vạn mảnh tước, mảnh gốm có niên đại cách đây 3,000 năm. Đây có thể là một trung tâm sản xuất đồ đá, đồ gốm quan trọng vào bậc nhất Việt Nam với chứng cớ 3 mộ táng, trên 10,000 mảnh gốm với các loại hoa văn khác nhau và trên 240 hiện vật đồ đá (4). Thời điểm cách đây 3,000 năm, tức 1,000 năm trước Tây Lịch, đúng là thời kỳ cuối của văn hóa Bắc Sơn. Nền văn hóa Bắc Sơn đã được thể hiện đồng bộ tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Điều này chứng tỏ sự giống nhau cả về trình độ lẫn những sản phẩm của dân cư hai miền. Nếu tin truyền thuyết Hùng Vương, ta có thể nói đa số vua Hùng cai trị trong thời kỳ văn hóa Bắc Sơn, kéo dài sang thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
C – VĂN HÓA ĐÔNG SƠN
Văn Hóa Đông Sơn thuộc thời đại đồ đồng (Bronze Age, Âge de Bronze) từ 800 tới 111 trước Tây Lịch, tiêu biểu bằng những trống đồng được phát giác vào đầu thế kỷ 20 tại làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Bắc Trung Việt), tại Phủ Lý và tại làng Ngọc Lũ (Lữ) thuộc tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Trống đồng còn tìm được ở khắp địa bàn nước Văn Lang cũ, tại Vân Nam, Tứ Xuyên thuộc Hoa Nam nơi dân Bách Việt đã sinh sống, lưu lạc xuống tận Mã lai, Nam Dương. Tuy nhiên trống đồng ở Việt nam có nhiều nhất và đẹp nhất, đặc biệt là trống đồng Ngọc Lũ hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Hà Nội. Điều này chứng tỏ Việt Nam là trung tâm của nền Văn Hóa Đông Sơn. Trong các năm 1964, 1967, người ta tìm thấy ở Nam Dương 2 trống đồng đặt trên những tấm ván, có lẽ là ván thuyền, có những hình vẽ tương tự như trên những trống đồng tìm thấy ở Việt Nam. Phương pháp thử nghiệm C-14 cho biết những trống đồng này có niên đại 435 trước Tây Lịch, đúng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (5). Ngoài ra, người ta còn tìm thấy nhiều thạp đồng, thau đồng và các dụng cụ bằng đồng khác tại các di chỉ khảo quật Đông Sơn, đặc biệt là hàng chục ngàn mũi tên bằng đồng tại thành Cổ Loa.
Đó là ba thời kỳ văn hóa chính từ thời tiền sử cho tới 111 trước Tây Lịch, năm khởi đầu cuộc đô hộ của Hán tộc kéo dài một ngàn năm. Trước, sau và giữa những thời kỳ này, còn có những giai đoạn được mệnh danh là văn hóa Sơn Vi tiền Hòa Bình, văn hóa Gò Bồng (3,000-2,000 tr. T.L.), văn hóa Gò Mun (1,500-500 tr. T.L.) v.v… Nhưng chủ điểm của phần này không phải là trình bày chi tiết các công trình khảo cổ. Chúng tôi chỉ nói tới những chi tiết xét ra cần thiết cho việc tìm hiểu văn hóa của dân tộc.
NGỌN NGUỒN VÀ GIÒNG CHẢY CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM
1 – GIAI ĐOẠN VĂN HÓA THUẦN VIỆT
Ngược giòng thời gian để tìm ngọn nguồn của văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể dừng lại ở thời kỳ văn hóa Hòa Bình. Tuy những yếu tố thời gian và lịch sử chưa được xác định rõ ràng, nhưng qua những khám phá về khảo cổ, ta có thể tin rằng từ 6, 7 ngàn năm trước, tại địa bàn Bắc Việt đã có người sinh sống bằng săn bắn, hái lượm, trồng hoa mầu và canh nông. Nếu nói những người này là tổ tiên của dân tộc Việt Nam thì cũng không sai, dù sau này người Hòa Bình đã lai giống với những sắc dân khác. Nhưng nếu nói người Hòa Bình là tổ tiên của toàn thể các giống dân vùng Đông Nam Á thì lại là nói qúa. Vì cùng thời với người Hòa Bình sống tại địa bàn Bắc Việt hiện nay còn có các giống dân khác sinh sống trong vùng Đông Nam Á. Nếu người Hòa Bình có tỏa ra khắp nơi và phổ biến những kiến thức và kỹ thuật của mình, thì đồng thời họ cũng dung nạp những hiểu biết khác và kết hợp máu huyết với các sắc tộc khác để tạo nên những giống mới. Chúng ta chỉ ghi nhận rằng văn hóa Việt Nam đã khởi đầu từ văn hóa Hòa Bình, khi con người biết thuần hóa thú vật và thực vật, biết trồng cấy để bảo đảm nhu cầu thực phẩm hàng ngày. Sau khi bụng no mới nghĩ tới những vấn đề khác như tổ chức xã hội, phong tục, tín ngưỡng…
Từ những thành qủa của văn hóa Hòa Bình, người Việt cổ tiến lên và đi vào thời đại văn hóa Bắc Sơn. Trong thời kỳ này, ngoài những tiến bộ kỹ thuật về canh tác, chế tạo đồ dùng, làm đồ gốm, người Việt cổ đã đi đến việc tổ chức xã hội thành bộ lạc, rồi làng, rồi tiến lên ý niệm nước. Vua là Lạc Vương. Quan là Lạc Hầu. Người cai trị địa phương là Lạc Tướng. Gia đình theo chế độ mẫu hệ. Đàn ông hay đàn bà đều có thể là thủ lãnh. Nhưng khi truyền ngôi trong giòng tộc thì truyền cho con gái. Vì vậy mới có giả thuyết là các vua Hùng đều là con rể của họ Hồng Bàng. Việc đứng lên cầm đầu cuộc chiến đấu chống người Hán của Hai Bà Trưng và Bà Triệu sau này cũng là di sản của chế độ mẫu hệ còn sót lại. Đó là giai đoạn họ Hồng Bàng lập nước Văn Lang, là giai đoạn trộn lẫn huyền thoại và huyền sử, thần tiên kết hợp với người, Đế Minh lấy tiên, Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ ra một bọc 100 trứng, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt phá xong giặc Ân rồi về trời, Sơn Tinh Thủy Tinh tranh nhau con gái vua Hùng, công chúa Tiên Dung lấy anh không khố Chử Đồng Tử và được chim trời cho hạt để trồng ra giống dưa hấu. Họ Hồng Bàng với 18 đời vua Hùng đã thành lập một quốc gia có kỷ cương trong đó dân chúng an cư lạc nghiệp.
Chúng ta chưa thể kiểm chứng về chiều dài 2,600 năm cai trị của họ Hồng Bàng. Có thể thời gian cai trị ngắn hơn. Có thể nhiều vua Hùng hay ít vua Hùng hơn là con số 18. Theo Kim Định, con số 18 chỉ 18 đời vua Hùng có mang một ý nghiã mà chúng ta phải suy luận ra, không phải chỉ là con số đoán bừa. 18 là 2 lần 9. Rồi 9 căn 3 là 3, tức là con số của Tam Miêu, là Viêm tộc. Số 3 cũng là 3 yếu tố hiện hữu hài hòa trong vũ trụ: trời, đất, người mà Hán Nho sau này gọi là “tam tài” (thiên, địa, nhân). Con số 18 là 6 lần 3, là con số huyền nhiệm, làm liên tưởng đến 18 ngàn năm tiến hóa của Bàn Cổ. Phù Đổng Thiên Vương xin vua Hùng đúc cho ngựa sắt cao 18 thước… Vậy hoặc là con số 18 đời vua Hùng ứng vào con số huyền nhiệm, hoặc là sử gia nước Sở (đừng quên rằng nước Văn Lang nằm trong vùng Kinh Sở) đã đẽo gọt cho các đời vua ăn khớp với số 18 để có một ý nghiã (6). Vậy việc dựng nước của các vua Hùng không thể là chuyện hoang đường. Nếu bỏ bớt những yếu tố huyền thoại liên quan đến thần tiên, sự kiện các vua Hùng là điều ai cũng chấp nhận trên đại thể, dù không đồng ý về chi tiết. Sở dĩ vậy vì sự tích Hùng Vương đã được ghi nhớ trong ký ức tập thể của dân gian từ đời nọ đến đời kia, được tưởng nhớ qua các di tích, đền đài, lăng miếu còn tồn tại tới ngày nay. Lăng Kinh Dương Vương hiện vẫn nằm ở làng Ái Lữ, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo các bô lão trong làng thì lăng có từ thời thượng cổ. Đền Hùng vẫn còn sừng sững trên núi Ngũ Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, làng Hi Cương, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

LĂNG VUA HÙNG, Phú Thọ
Núi Nghiã Lĩnh, cũng gọi là Hùng Sơn, là ngọn núi cao nhất vùng Phú Thọ, tương truyền thời xưa Kinh Dương Vương xây cung điện ở đó. Đền Hùng được xây dựng kỳ công trong một khung cảnh hùng vĩ. Đền có 3 phần. Đền hạ dưới chân núi thờ Mỵ Nương Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa, con gái vua Hùng thứ 18. Đền trung ở lưng chừng núi thờ các danh nhân đời Hồng Bàng, như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh tức Tản Viên Sơn Thần, các Lạc hầu, Lạc tướng. Đền thượng trên đỉnh núi thờ các vua Hùng. Trong đền có bức hoành phi viết 4 chữ: “Nam Bang Thủy Tổ”. Giữa bàn thờ bày bài vị 18 vua Hùng. Theo Ngọc Phả, Thục Phán sau khi chiếm nước Văn Lang, cho dựng đền Dao Đài trên núi Nghiã Lĩnh thờ các vua Hùng, lại tìm người trong tông phái Hùng Vương để trông coi phụng tự và cấp ruộng hương hỏa để lấy hoa lợi dùng vào việc thờ phượng. Bên ngoài đền là lăng, có bia đá khắc chữ “Quốc Tổ Hùng Vương Lăng”. Các triều vua đều miễn sưu thuế và tạp dịch cho dân làng Hi Cương để họ lo bảo trì và hương khói đền Hùng (7).
Không kể tới những tài liệu sử Việt, được viết rất sau và xa thời đại Hùng Vương, lại cũng có thể bị nghi là “mẹ hát con khen hay”, ta hãy tìm trong sử Tầu, dù cũng được viết sau nhưng không xa như sử Việt, để xem họ nói về Hùng Vương và nước Văn Lang ra sao. Danh xưng Hùng Vương được chép trong Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn đời Bắc Ngụy (thế kỷthứ 5). Sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký của Nhạc Sử đời Tống cũng dẫn lại như vậy. Sách Giao Châu Ngoại Vực (thế kỷ thứ 4), sau được sách Thủy Kinh Chú dẫn lại, chép: “Xưa đất Giao Chỉ chưa chia thành quận huyện thì lãnh thổ gồm những cánh đồng gọi là lạc điền theo nước thủy triều lên xuống mà cầy bừa. Khai khẩn lạc điền là lạc dân. Cai trị các quận huyện có lạc vương, lạc hầu. Ở các huyện có lạc tướng”. Sách Quảng Châu Ký và An Nam Chí của Cao Trùng Hưng cũng chép tương tự về Lạc Vương, Lạc Hầu, Lạc Tướng. Về quốc hiệu Văn Lang và thủ phủ Phong Châu, các sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường (618-907), Thái Bình Ngự Lãm và Thái Bình Hoàn Vũ Ký đều chép “Phong Châu xưa là nước Văn Lang” (8). Như vậy chính người Trung Hoa cũng đã xác nhận về các vua Hùng, nước Văn Lang và thủ đô Phong Châu.
Lịch sử là như thế, nhưng văn hóa Việt thời Hùng Vương thì như thế nào? Có một câu tục ngữ mà Nguyễn Đổng Chi cho rằng đã xuất hiện rất xưa để diễn tả đời sống hàng ngày của người Việt cổ thời các vua Hùng: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Cơm đồ là thổi cơm bằng hơi nước như thổi xôi. Nhà gác là ở nhà sàn. Nước vác là lấy nước từ sông, suối, đựng trong những ống tre, ống bương lớn vác về nhà. Lợn thui là nướng chín thịt heo bằng lửa than. Cách đây năm ngàn năm mà sống như vậy kể là phong lưu rồi. Để có gạo mà đồ cơm tất phải biết cấy lúa, phải biết điều chỉnh nước ruộng bằng phương pháp dẫn thủy nhập điền. Vì thế người Tầu mới nói dân ta có ruộng lạc, biết lợi dụng nước thủy triều lên xuống để cấy lúa. Henri Maspéro cho rằng người Tầu học lại kỹ thuật trồng trọt của chúng ta. Điều này đã được Solheim II chứng minh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh ghi nhận các sách cổ của Trung Hoa như Giao Châu Ký, Tam Đô Phủ, Ngô Lục Địa Chí, Nam Phương Thảo Mộc Trạng đều chép rằng dân Lạc Việt trồng lúa mà ăn, dùng lá trà mà uống, nuôi tằm dệt vải, dùng đá mầu làm men gốm, dùng mu rùa bói việc tương lai, dùng khúc tre làm độc huyền cầm, biết tìm hiểu các thức ăn nóng mát để trị bệnh, dùng kim đâm vào da thịt để lấy máu độc (giác lể)… (9).
Bước sang thời kỳ văn hóa Đông sơn, các vua Hùng vẫn tiếp tục trị vì. Điều này chứng tỏ tầng lớp cai trị có nhân nghiã, trong thì không có những cuộc đảo chính cung đình, ngoài thì dân chúng được an cư lạc nghiệp nên không nổi loạn. Văn hóa Đông Sơn được đánh dấu bằng kỹ thuật luyện kim, đặc biệt là hợp kim đồng để đúc trống, đồ dùng, gươm dáo, cung tên. Người ta tìm thấy trống đồng trên khắp địa bàn Đông Nam Á, kể cả Hoa Nam. Nhưng trống đồng được tìm thấy ở Việt Nam nhiều nhất, đẹp nhất, tinh vi nhất. Đứng đầu về phẩm chất trong số những trống đồng được khám phá là trống đồng Ngọc Lũ, được tìm thấy năm 1903 tại ngôi chùa cổ Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trống cao 0.63m, đường kính mặt trống 0,86m. Mặt trống có nhiều hoa văn chạm khắc rất tinh xảo hình người và động vật xếp hàng theo những vòng tròn đồng tâm. Giữa mặt trống là ngôi sao 14 tua, cũng có thể là những tia mặt trời. Về âm thanh của trống, ông Cao Xuân Hạo đã thử nghiệm với kết qủa như sau: đánh vào ngôi sao cho nốt “Mi”, khoảng cách từ vòng tròn 1 đến vòng tròn 3 cho nốt “Si”, từ vòng 4 đến vòng 5 cho nốt “Fa”, từ vòng 6 đến vòng 7 cho nốt “Do”, từ vòng 8 đến vòng 9 cho nốt “Ré”. Nhà cổ nhạc Pháp Parmentier đã thử lại và cũng xác nhận như vậy. Ông cho biết thêm là ở vòng 6 cho một âm vừa trầm vừa thanh rất rõ rệt (10). Thử tưởng tượng một tay trống giỏi khi đánh một bài trống trên những điểm có âm thanh khác nhau của mặt trống, tiếng trống sẽ vô cùng linh động và có thể diễn tả nhiều trạng thái và thể điệu khác nhau, khi là trống lệnh của các cấp chỉ huy lúc lâm trận, khi là trống tế lễ, khi dùng cho tang lễ, hôn lễ. Nếu có nhiều trống đánh cùng một lúc thì đó là một bản hợp âm hùng tráng gây rất nhiều phấn kích cho người nghe. Nhiều học giả đã bàn tới ý nghiã của trống đồng và suy luận ra những tư tưởng và tâm thức của người Việt cổ qua những hình vẽ trên trống đồng.
Ngoài trống đồng, người ta còn tìm thấy những lưỡi cầy bằng đồng có nhiều dạng khác nhau, những chiếc rìu đồng hình lưỡi xoè cân xứng, lưỡi xéo và xéo góc vuông. Điều này chứng tỏ người Việt cổ thời đó đã tìm ra quặng, biết nấu quặng luyện thành kim khí và biết pha kim khí để có hợp kim theo ý muốn. Khi phân tách các thành phần kim khí của các cổ vật nói trên, người ta thấy có 78-88% đồng đỏ nguyên chất và khoảng 11-19% thiếc. Đó là những tỷ lượng gần lý tưởng để tạo ra hợp kim đồng thau tốt nhất. Tỷ xuất khoa học ngày nay là 85% đồng đỏ và 15% thiếc (11). Như vậy người Việt cổ đã biết tính toán đúng phân lượng để làm ra hợp kim đồng rắn mềm theo ý muốn và tạo ra những âm thanh khác nhau trên trống đồng.
CHÙA TÂY PHƯƠNG, Hà Tây
Xây từ thời Cao Biền (865-875), đã được sửa lại nhiều lần, với
nét mái cong điển hình, còn gọi là mái đầu đao, một hình thể
kiến trúc đặc biệt Việt Nam, được người Trung Hoa bắt chước
TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN
(Khoảng thế kỷ thứ 5 tới thứ 2 trước T.L.)
Sách Hậu Hán Thư quyển 14 viết: “Dân Giao Chỉ biết nhiều thủ công nghiệp, luyện đúc đồng và sắt”. Sách Cổ Kim Đồ Thư, Thảo Mộc Điếm của Trung Hoa chép việc Mã Viện tâu vua Tầu Giao Chỉ có cây mía ngọt, đem ép lấy nước làm đường phèn, Giao chỉ làm giấy mật hương làm bằng lá và vỏ cây mật hương, giấy mềm, dai và thơm, ngâm nước không bở nát (12).

Như vậy trong thời kỳ đầu khai phá văn hóa dân tộc, người Việt đã tạo được đời sống kinh tế ổn định: trồng cấy, chăn nuôi, dệt vải, sản xuất dụng cụ. Về xã hội làng nước đã có tổ chức và phân định từ địa phương tới trung ương, có luật lệ riêng khác với luật lệ của người Hán (theo Hậu Hán Thư). Về tín ngưỡng, chưa thấy có một tôn giáo nào theo nghiã có giáo chủ, giáo lý và tăng sĩ, nhưng chắc đã có sự tin tưởng và thờ cúng đa thần, bái vật: thờ sông núi, sấm sét, đã có tục thờ kính tổ tiên còn lưu truyền tới ngày nay, nhất là tin có Ông Trời tạo ra con người và vạn vật, cầm cân nảy mực mọi sự trên đời. Chúng ta nhận ra những tin tưởng này qua tập tục, ngôn ngữ, ca dao, tục ngữ và những hình vẽ khắc trên trống đồng và các vật dụng khác. Vì vậy, tiếng Việt dù có phần nào khác bây giờ chắc đã được phát triển phong phú để diễn đạt những sự vật, sự việc, và cả những tin tưởng siêu hình. Riêng về chữ viết, một số nhà nghiên cứu cho rằng thời đó chúng ta đã có chữ viết, một thứ chữ giống hình con nòng nọc được gọi là khoa đẩu. Chúng ta có thể tin là vào thời đó người Việt đã có những ký hiệu để ghi chép vì đã biết kỹ thuật làm giấy bằng lá và vỏ cây mật hương. Năm 1959, người ta tìm thấy một tấm đất nung có khắc chữ nòng nọc ở Xinqlang, 50 cây số phía đông hồ Động Đình. Các chuyên viên khảo cổ của viện bảo tàng Hồ Nam xác định mảnh đất nung này có niên đại 4,600 năm trước Tây Lịch (13), tức là vào thời Viêm tộc còn chiếm cứ địa bàn hồ Động Đình và sông Dương Tử. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, không ai giải mã được những hàng chữ này. Đó là nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn lập quốc, là những tiến bộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là giai đoạn văn hóa thuần Việt, chưa bị ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc.
2 – GIAI ĐOẠN HÁN HÓA
Giai đoạn văn hóa thuần Việt kết thúc khi người Tầu đặt nền đô hộ trên nước ta từ năm 111 trước Tây Lịch. Đó là năm quân Hán chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà. Trước đó, vào năm 257 trước Tây Lịch, triều đại Hùng Vương đã kết thúc khi Hùng Vương thứ 18 bị Thục Phán đánh bại. Thục Phán xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô tại Phong Khê (Phúc Yên) và xây thành Cổ Loa nổi tiếng ở đó. Năm 207 Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương đổi tên nước là Nam Việt. Tuy là người Tầu, Triệu Đà không chịu xát nhập nước Nam Việt độc lập vào Trung Quốc. Cũng như An Dương Vương, Triệu Đà chỉ nắm quyền cai trị ở cấp trung ương và để các lạc tướng tiếp tục cai trị ở cấp địa phương. Vì vậy phong tục và luật lệ của người Việt vẫn chưa chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa. Trong suốt thời kỳ Trung Hoa đô hộ kéo dài 1,050 năm (111 tr.T.L. – 906), dù có những cuộc nổi dậy với những giai đoạn tự chủ ngắn của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương, guồng máy cai trị của Tầu đã quyết tâm đồng hóa dân Việt thành dân Tầu. Tiến trình Hán hóa được thực hiện triệt để từ khi Mã Viện thắng hai Bà Trưng năm 43. Người Tầu cướp và hủy những di sản văn hóa của người Việt. Hậu Hán Thư của Phạm Việp có đoạn “Viện (tức Mã Viện) thích cưỡi ngựa, giỏi phân biệt ngựa nổi tiếng. Khi ở Giao Chỉ, lấy được trống đồng Lạc Việt, bèn đúc thành ngựa”(14). Theo truyền thuyết, Mã Viện còn gom đồng của Giao Chỉ đúc trụ đồng có khắc chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”(Cột đồng đổ, Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt). Ngoài việc phá, người Tầu đã cướp về nước họ nhiều đồ qúy của Giao Chỉ, đặc biệt là trống đồng, thứ mà người Giao Chỉ coi như vật thiêng (thờ trong Đền Đồng Cổ), tượng trưng cho quyền lực. Vì vậy, người Giao Chỉ đã phải dấu và chôn trống đồng, đồ gốm cũng như nhiều thứ qúy giá khác để bảo tồn những di tích văn hóa của mình. Luật lệ của người Giao Chỉ cũng khác luật lệ của người Hán. Mã Viện đã đổi luật và giải thích luật Việt theo luật Hán. Hậu Hán Thư cũng nói tới việc này: “Luật lệ của người Việt và luật lệ của người Hán khác nhau hơn muời điều. Mã Viện tự mình giải thích luật cũ của ngưới Việt để bắt ép họ (phải theo mình). Từ đó về sau, Lạc Việt theo lối Mã tướng quân”(15).
Về việc tổ chức cai trị, nhà Hán vẫn giữ nguyên các quận Giao Chỉ và Cửu Chân, sau đổi thành châu (Giao Châu), nhưng đã chia các quận này thành nhiều huyện, đặt quan thái thú coi mỗi quận. Đến thời Mã Viện, các lạc tướng người Việt cai trị các huyện bị thay thế bằng các quan lại Trung Hoa. Pháp chế Trung Hoa cũng được áp dụng tại Giao Chỉ.
Sau một ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa Hán tộc đã làm thay đổi Việt Nam ra sao? Trước tiên về mặt huyết thống, dân Việt đã có trộn giống với dân Tầu. Người Tầu đến Giao Chỉ thuộc nhiều hạng khác nhau: tội nhân bị đầy, binh sĩ, quan lại đến làm việc rồi ở lại luôn. Điều đáng ghi nhận là sự pha trộn huyết thống này không biến dân Việt thành dân Tầu. Ngược lại, người Tầu đã bị Việt hóa trên đất Việt.
Về văn hóa, sự thay đổi đã diễn ra trên nhiều mặt. Trước hết là chữ viết, người Việt đã học và xử dụng chữ Hán thay cho chữ nguyên thủy của dân Việt (có thể là chữ nòng nọc khoa đẩu). Về phong tục, người Việt đã bỏ chế độ mẫu hệ và lấy họ cha, theo tục cha truyền cho con trai nối như người Tầu. Từ sau Hai Bà Trưng và Bà Triệu, tất cả các cuộc nổi dậy đều do đàn ông khởi xướng và lãnh đạo. Cách cư xử trong gia đình và ngoài xã hội chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo.
Về tín ngưỡng và tư tưởng, đạo Phật đến từ hai ngả Ấn Độ và Trung Hoa, đạo Khổng và đạo Lão từ Trung Hoa truyền thẳng xuống. Theo các nhà nghiên cứu về đạo Phật tại Việt Nam, đạo Phật được truyền vào Việt nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây Lịch. Vào hậu bán thế kỷ thứ hai, Việt Nam đã có một trung tâm Phật Giáo rất lớn: trung tâm Luy Lâu, thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của các tăng sĩ Ấn Độ. Các vị tăng này đến Việt Nam bằng đường biển, theo các thuyền buôn Ấn Độ (16). Vì vị trí địa dư đặc biệt, nước Việt tiếp nhận Phật Giáo từ cả hai phía. Trực tiếp từ Ấn Độ sang hay gián tiếp từ Trung Hoa tới, bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ hai, dưới thời nhà Hán. Căn cứ vào cuốn Truyền Tuyển Tập Anh, được soạn dưới thời nhà Trần, các vị sư như Mậu Bác, Ma Ha Kỳ Vực (Mârijivaka), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương… được coi như những người đầu tiên truyền bá Phật giáo vào nước ta (17). Trong số những vị này ta thấy có cả Ấn Độ lẫn Trung Hoa. Nhưng ảnh hưởng đạo Phật từ Trung Hoa đã dần dần lấn át ảnh hưởng đến từ Ấn Độ. Bằng chứng là các tăng sĩ Việt Nam rất giỏi chữ Hán. Vào các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, giai cấp lãnh đạo còn ít chữ, nên việc giao dịch và ứng đối với người Tầu thường phải nhờ các vị sư. Ngoài ra, đa số kinh sách đều được thỉnh từ Trung Hoa. Vua Lê Long Đĩnh, năm 1007, sai em là Minh Sưởng qua yết kiến vua nhà Tống để xin một bản sao kinh “Đại Tạng”. Sang tới triều Lý, vua Lý Thái Tổ, năm 1018, cũng sai Lý Đạo Thành và Phạm Hạc qua xin vua Tống một bản sao kinh “Tam Tạng” (18). Đạo Phật đặt căn bản trên nguyên tắc “tự giác nhi giác tha”, tự mình giác ngộ để tự giải thoát khỏi vòng luân hồi bằng cách không gây nhân xấu để khỏi lãnh nghiệp xấu. Đức Phật Thích Ca không nhận mình là thần thánh nhưng chỉ tự nhận là một người đã giác ngộ và chỉ đường cho chúng sinh bỏ bờ mê để đi đến bến giác. Đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa Việt Nam gần hai ngàn năm nay bằng giáo huấn dậy ăn ngay ở lành, gieo nhân xấu gặp qủa xấu, gieo nhân tốt gặt qủa tốt, luyện tâm từ bi và hành động hỷ xả.
Khổng Giáo hay Nho Giáo được truyền vào Việt Nam sớm hơn đạo Phật, có thể từ thời Triệu Đà lập nước Nam Việt. Triệu Đà là một tướng của nhà Tần (221-207 tr. T.L.) lãnh sứ mạng sang chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương. Chiếm xong thì nhà Tần suy vong, Triệu Đà ở lại luôn Âu Lạc và lập ra nước Nam Việt độc lập. Ảnh hưởng Trung Hoa bắt đầu từ đây, không cần đợi tới năm 111 trước Tây Lịch là năm nhà Hán đặt nền đô hộ trên nước ta. Gọi là đạo Khổng hay đạo Nho không theo nghiã là một đạo với những tin tưởng siêu hình (hình nhi thượng), tuy Đức Khổng Tử (551-479 tr. T.L.) tin có Trời và cho rằng người quân tử có ba điều phải sợ mà điều trước tiên là sợ mệnh Trời (úy thiên mệnh). Khổng Tử không nói nhiều về Trời và cũng không thích bàn đến chuyện qủy thần hay chuyện đời sau (19). Đạo của Ngài là một con đường tu thân theo một nền luân lý thực hành, áp dụng cho chính bản thân, trong gia đình, ngoài xã hội, tới khắp thiên hạ (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Trước hết, mọi người phải cư xử cho chính danh và đúng bổn phận của mình, vua phải đối xử ra vua, thần ra thần, cha ra cha, con ra con (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Nữ nhi thì phải giữ Tam Tòng (tòng phụ, tòng phu, tòng tử) và Tứ Đức (công, dung, ngôn, hạnh). Mọi người đều phải sống theo mẫu mực Tam Cương (quân, sư, phụ) và Ngũ Thường (nhân, lễ, nghiã, trí, tín) . Ngoài việc ảnh hưởng tới luân lý và phong tục của dân Việt, Nho Giáo còn là khuôn mẫu cho các triều đại tự chủ của Việt Nam đựa vào đó để tổ chức guồng máy công quyền, thành lập giai cấp trí thức và tuyển chọn nhân tài.
Lão Giáo cũng du nhập Việt Nam đồng thời với Khổng Giáo. Lão Tử sinh trước Khổng Tử khoảng 20 năm. Các học giả Trung Hoa cho rằng Lão Tử sống vào khoảng 570-490 trước Tây Lịch, cùng thời với Héraclite (535-475) và Pythagore (570-496) ở Hy Lạp. Tất cả lý thuyết và tư tưởng của Lão Tử được gói ghém trong sách Đạo Đức Kinh. Khi nói tới Lão Giáo hay Đạo Giáo, người ta thường nói tới thuyết “vô vi”, tức không làm gì cả và cho rằng đạo này có tính cách yếm thế và tiêu cực. Thực ra quan niệm Đạo của Lão Tử rất cao siêu và cũng khó diễn tả cho rõ ràng, sáng sủa. Lão Tử cho bản thể của Đạo là nguồn gốc của vũ trụ. Có thể hiểu Đạo là Trời, là lẽ tuyệt đối, là độc nhất vô nhị, không có gì có thể so sánh hay đương đầu: “Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh” ( Đạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo thường nữa, danh mà ta có thể gọi được không phải là danh thường nữa). Đạo có vẻ như “vô vi”. Sự thật không phải vậy.Vì trong vũ trụ, không có gì là không làm (vô bất vi). Một thí dụ dễ hiểu về vật chất: hãy nhìn cục đá uranium bất động. Chúng ta thấy cục đá không làm gì. Thực tế, nó đang phóng ra chất phóng xạ và trong cục đá đó có hàng triệu triệu phân tử có thể được xử dụng để chế bom nguyên tử hay làm năng lượng chạy máy điện. Vì vậy, cái “vô vi” của Đạo là “bất tranh nhi thiện thắng” (không tranh mà vẫn thắng nhờ cái thiện). Lão Tử còn lấy nước để ví với Đạo: “Bậc thượng thiện giống như nước. Nước thì ưa làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thì thích lòng nhân, nói ra thì trung thành không sai chạy, sửa trị thì làm cho được thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng, cử động thì hợp với thời buổi. Ôi vì không làm nên không sao lầm lỗi” (20). Chỉ cần đọc đoạn trên ta đã thấy cái cốt yếu của tư tưởng Lão Tử. Đó là cái làm trong cái không làm, cái tích cực trong cái tiêu cực. Từ nguyên tắc “bất tranh nhi thiện thắng” nảy sinh những cách xử thế khác, như “công toại thân thoái” (thành công rồi thì lui thân), “tự căng tự phạt” (tự kiêu căng là tự phạt mình). Cách xử thế nổi tiếng nhất của Lão Tử là “dĩ đức báo oán” (lấy đức mà đáp lại oán thù). Đạo lý của Lão Tử cao siêu như thế, nhưng sau này, ngay tại nơi xuất phát là Trung Quốc, người ta đã biến đạo của Ngài thành nhiều hình thức mê tín, như tu tiên, luyện thuật trường sinh bất lão, đằng vân hóa phép. Có phái lại lên núi tu hành ẩn dật, tuyệt đối “vô vi” để chỉ suy niệm về lẽ huyền nhiệm của trời đất. Đạo Lão được áp dụng tại Việt Nam với rất ít lý thuyết, nhưng rất nhiều thực hành liên quan tới việc thờ cúng thần thánh, mê tín dị đoan, đồng bóng, cửa đền cửa phủ. Chỉ những nhà nho có học mới hiểu được ý nghiã cao siêu của Đạo Đức Kinh, và chỉ khi nào thoát ra khỏi vòng danh lợi họ mới ca tụng thuyết “vô vi”: “Cái thân ngoại vật là tiên trên đời”. Hoặc khi đã xong nợ công danh họ mới quay về với Đạo để được sống phóng khoáng, di dưỡng tính tình và an hưởng tuổi già:
“Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc, thanh
Này này sĩ đã hoàn danh”.
Nguyễn Công Trứ
Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt đã phải tiếp nhận từ Trung Hoa nền cai trị, luật lệ, chữ viết, tập tục, tư tưởng và cả tín ngưỡng. Nhiều người cho rằng Việt, Hoa là hai dân tộc “đồng văn”, tức cùng một thứ văn hóa. Vậy phải chăng văn hóa Việt đã bị Hán hóa hoàn toàn? Sự thật không phải vậy. Nếu có “đồng văn” cũng chỉ là chung nhau chút vốn liếng về Hán tự, về Nho học và Đạo học. Ngay trong chữ Hán đã có sự khác biệt. Người Việt viết chữ Hán, hiểu nghiã chữ Hán, nhưng đọc chữ Hán theo giọng Việt Nam, không theo giọng Tầu. Người Việt nói : “Trung Hoa Dân Quốc” trong khi người Tầu Bắc Kinh nói “chúng hỏa min quô”. Người Quảng Đông ngay cạnh biên giới nước ta nói “dắt, dì, xám, xây”, chúng ta vẫn đọc khác thành “nhất, nhị, tam, tứ”. Đó là tiếng Hán Việt, tiếng Hán do người Việt đọc, không phải là một biến dạng tiếng nói theo địa phương, giống như 18 cách phát âm chính tại Trung Hoa (tiếng Quảng, tiếng Tiều, tiếng Phúc Kiến, tiếng Thượng Hải, tiếng Quan Thoại…). Tổ tiên ta đã chủ trương làm khác như vậy để bảo tồn tiếng Việt.
Để có ký hiệu ghi tiếng Việt, tổ tiên ta lại tạo ra chữ Nôm, có nghiã là chữ Nam. Chữ Nôm mượn hình thức của chữ Hán. Theo Đào Duy Anh thì có ba cách tạo chữ Nôm từ chữ Hán. Cách thứ nhất là phép Giả Tá: Chữ nào có sẵn tiếng đồng âm trong tiếng Hán như: thành, đức, minh, giáo… thì ta mượn nguyên chữ Hán để viết chữ Nôm. Có nhiều chữ dùng theo cách này ngày nay giọng đọc hơi khác nhau, có lẽ vì lối đọc chữ Hán Việt đã khác đi so với thời xưa, nhưng đọc lên vẫn hiểu. Thí dụ:
VIỆT HÁN VIỆT
Bia Bi
Chè Trà
Chuông Chung
Hè Hạ
Lìa Li
Vua Vương
Xưa Sơ…
Cách thứ hai là phép Hội Ý, tức là ghép những chữ Hán có ý nghiã phù hợp để diễn tả một chữ Nôm. Thí du:
- Chữ TRỜI thì lấy chữ Thiên có nghiã là Trời đặt trên chữ Thượng có nghiã là Ở Trên,
- Chữ TRÙM lấy chữ Nhân là Người đặt trên chữ Thượng Toàn chữ có nghiã là người ở trên , người bao trùm.
Cách thứ ba là phép Hình Thanh hay Tượng Thanh, tức là lấy một chữ Hán hay một chữ Nôm có nghiã tương tự ghép với một chữ Hán khác có âm thanh giống tiếng Việt. Thí dụ chữ LỜI lấy chữ Trời ghép thêm chữ Khẩu là Miệng. Có thể kể thêm vài thí dụ khác như : CHỮ (chữ Tự thêm chữ Trữ), CHẬM (chữ Trì thêm chữ Thậm), CHẾT (chữ Tử thêm chữ Chiết) v.v…(21).
Không ai biết rõ chữ Nôm xuất hiện từ bao giờ. Chứng tích chữ Nôm xưa nhất được khắc trên tấm bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú, đề đầu năm 1210 đời Lý Cao Tôn. Chữ Nôm khắc trên tấm bia này được viết theo qui cách đầy đủ mà suốt các đời sau vẫn dùng (22). Chắc chắn rằng trước khi được hoàn chỉnh, chữ Nôm đã được đặt ra và xử dụng theo cách thử nghiệm trước đó rất lâu, ngay trong thời Hán thuộc. Nhờ vậy, dân Việt vẫn giữ được tiếng việt, lại mượn thêm tiếng Tầu để làm phong phú cho tiếng Việt, nhất là còn mượn luôn chữ Tầu để chế ra ký âm tiếng Việt. Người Việt không mất mát gì mà lại được thêm.
Về phong tục, dù các quan cai trị Tầu nổi tiếng như Nhâm Diên, Tích Quang, Mã Viện, Sĩ Nhiếp… đã tích cực Hán hóa người Việt, họ đã không thành công và không thể làm thay đổi cách sống của người Việt. Chỉ tầng lớp có học chữ Hán và cộng tác với người Hán mới lây nhiễm nhiều thói tục của người Hán. Tuyệt đại đa số thường dân vẫn sống theo nếp cũ, vẫn nói tiếng Việt, giữ truyền thống Việt, nặng tình liên đới với làng xóm, để tóc theo lối Việt, ăn mặc theo lối Việt, đặc biệt vẫn mặc váy và nhuộm răng đen cho tới tiền bán thế kỷ 20. Thói quen ăn trầu cho tới nay vẫn chưa hết, kể cả với một số người Việt hiện sinh sống ở hải ngoại. Dù đã theo phụ hệ, vai trò của người phụ nữ Việt nam vẫn được coi trọng hơn phụ nữ Trung Hoa.
Mặt khác, trong thời kỳ Bắc thuộc, chỉ có chữ Hán được phổ biến rộng vì nhu cầu hành chánh, vì là thứ chữ được dùng trong chính quyền. Còn Nho học không phát riển sâu rộng, chỉ được phổ biến trong giới quan lại người Trung Hoa và được dậy cho con cháu của họ. Lý do, một phần vì dân Việt không ham học văn hóa của người thống trị, một phần vì các nhà cai trị Trung Hoa không hăng say phổ biến Nho học. Sau một thời gian chiếm đóng, họ đã nản việc đồng hóa. Đối với họ, Cổ Việt là miền đất xa xôi, độc địa, đầy bệnh tật, và dân chúng thì thường xuyên nổi loạn. Nhiều quan chức được cử đi Giao Chỉ không muốn đi. Việc nhà Đường thiết lập An Nam Đô Hộ Phủ đã xác nhận sự thất bại của chính sách đồng hóa. Trước đây họ muốn Giao Chỉ trở thành quận, huyện của Trung Hoa. Nay họ chỉ còn coi Cổ Việt như một thuộc địa, một miền đất bảo hộ giống như Liêu Đông hay Mông Cổ (23).
Về ảnh hưởng thuộc phạm vi tư tưởng và tín ngưỡng, Tam Giáo (Phật, Khổng , Lão) đã đến nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc, dù Khổng Giáo và Lão giáo phát triển chậm. Riêng Phật Giáo đã được phổ biến rất nhanh, đã trở thành tôn giáo lớn nhất ngay trong thời gian đầu của giai đoạn tự chủ. Trong khi đó, Khổng Giáo và Lão Giáo phải nhờ chính tay các vị vua của nước Việt Nam độc lập mới được phát triển rộng rãi (Lý Thánh Tông dựng Văn Miếu năm 1070, Lý Cao Tông mở kỳ thi tam giáo năm 1195). Dân ta tuy chịu ảnh hưởng của Tam Giáo nhưng không nhắm mắt theo một cách ngoan ngoãn. Người Việt biết gạn đục khơi trong, giữ lấy phần tinh túy, bỏ phần không thích hợp và Việt hóa tất cả những gì đến từ bên ngoài. Đối với người Việt Nam, Đức Phật không phải chỉ là một bậc đại giác mà còn là một vị thần, một vị quyền uy không kém ông Trời: “Trời Phật”. Ông Khổng cũng được đưa lên hàng thánh, Đức Thánh Khổng, được thờ trong văn miếu, văn chỉ, nhưng không phải những gì Ông dậy dân Việt đều theo hết. Họ không theo Ông trong việc coi thường phụ nữ, xa lánh qủy thần (qủy thần kính nhi viễn chi), qúa tôn quân, tôn quyền (phụ mẫu chi dân). Lão Tử không được theo qua thuyết vô vi, tránh vòng danh lợi, “bất tranh nhi thiện thắng”, nhưng được khâm phục qua lời dậy “dĩ đức báo oán”, được tôn thờ qua những hình thức thần tiên, lên đồng lên bóng tại các cửa đền cửa phủ, thích hợp với sự tin tưởng đa thần của người Việt. Tin tưởng đa thần được thể hiện trong việc thờ thành hoàng. Mỗi làng nhận một vị thần cho riêng làng mình. Thành Hoàng có thể là một nhân vật lịch sử hay một nhân vật huyền thoại, có thể là một người cao trọng và cũng có thể là một gã ăn mày hay một người đi gắp phân, miễn là khi chết họ đã thành thần và phù hộ cho dân làng. Dân chúng tại nhiều làng quê cho tới ngày nay vẫn còn thờ thần cây đa, ông bình vôi, cá ông, ông ba mươi (cọp)…Với tin tưởng đa thần như vậy, không phải mọi người theo đạo Phật đều là những Phật tử thuần thành, không phải mọi người theo đạo Khổng đều ở trong hàng ngũ Nho lâm (rừng Nho), không phải mọi người theo đạo Lão đều sống tách khỏi nhân sinh hoặc là khách thường xuyên của các đền phủ. Người ta có thể vừa theo Khổng trong nếp sống gia đình, xã hội, vừa theo Phật trong nỗ lực diệt tham sân si, ý thức luật nhân qủa, luân hồi, lại vừa theo Lão trong cách sống an nhiên tự tại, không vướng nặng bụi trần. Một người Việt Nam khôn ngoan điển hình là một người trí theo lý luận của Khổng, hồn theo lượng từ bi của Phật, tâm phóng khoáng như tiên hạ giới theo Lão. Đó là cách thực hành “Tam Giáo đồng nguyên”, một hình thức chắt lọc, dung hợp và Việt Nam hóa rất đặc biệt Việt Nam. Vì vậy, người Hán có cố gắng đến đâu cũng không thể biến dân Việt thành dân Hán.
3 – GIAI ĐOẠN TỰ CHỦ
Năm 906, bên Tầu loạn lạc, uy quyền của nhà Đường bị suy nhược, Khúc Thừa Dụ đã nổi lên dành lại quyền tự chủ cho Việt Nam, chấm dứt giai đoạn Hán thuộc kéo dài 1,050 năm. Vua nhà Đường phải thuận phong ông làm Tiết Độ Sứ. Cha con ông truyền nhau (sau ông là Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ) giữ chức này được 17 năm. Năm 923, quân Nam Hán sang đánh Khúc Thừa Mỹ rồi đặt chức thứ sử. Nhưng quân Nam Hán chiếm nước ta không được bao lâu, vì chỉ 16 năm sau đã bị Ngô Quyền đánh đuổi ra khỏi bờ cõi. Ngô Quyền đã mở đầu giai đoạn tự chủ (trừ 15 năm ngắn bị quân Minh xâm chiếm) kéo dài cho tới năm1884 là năm nhà Nguyễn ký hiệp ước Patenôtre công nhận quyền bảo hộ của Pháp.
Nếu trong thời gian bị Trung Hoa đô hộ, gia tài văn hóa Việt bị cướp, phá, dân Việt bị ngăn cấm nhiều điều, bị bắt buộc học theo nhiều thói tục của người Tầu, vậy trong thời gian tự chủ, chúng ta có được tự do phát triển văn hóa dân tộc hay không? Câu trả lời vừa có vừa không. Có, vì chúng ta vẫn giữ được tiếng nói và phong tục, lại cải tiến cho thêm phong phú hơn, kiện toàn đời sống cộng đồng tại xã thôn, phát triển học vấn, đào tạo nhân tài, tổ chức quốc gia có kỷ cương, nhờ đó mới có khả năng đánh bại quân xâm lăng nhiều lần và mở mang bờ cõi, mở cơ hội cho việc giao lưu và hội nhập những tinh túy của những nền văn hóa khác vào văn hóa Việt Nam. Không, vì các cấp lãnh đạo và giai tầng trí thức chỉ biết một đường theo Nho học, không biết nhìn xa trông rộng và tìm cách đưa dân tộc đi theo những hướng tiến bộ khác. Các vua quan thì lấy mẫu mực của Trung Quốc để trị dân, tổ chức triều đình và guồng máy công quyền, không dám chấp nhận những đề nghị cải cách khác với khuôn mẫu đã học, vì vậy đã làm mất nước vào tay người Pháp. Sau này, trong cuộc đấu tranh dành độc lập, với những ý thức hệ khác nhau, cả dân tộc đã khốn khổ, chia rẽ, hận thù lẫn nhau, đến tận bây giờ vẫn còn phải kêu gọi hòa giải và đoàn kết.
a/ Văn hóa ảnh hưởng Phật Giáo
Khởi đầu thời tự chủ, nhà Ngô (939-965), nhà Đinh (968-979) và nhà Tiền Lê (980-1009) cai trị trong một thời gian qúa ngắn (3 triều đại kéo dài 60 năm), nên chưa làm được gì quan trọng. Bắt đầu từ triều Lý (1010-1225), văn hóa Việt Nam thấm đượm ảnh hưởng của Phật Giáo. Người sáng lập triều đại nhà Lý là Lý Công Uẩn được nhà sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp, Bắc Ninh, nhận làm con nuôi từ năm lên 3 tuổi. Khi lên 8, 9 tuổi thì được gửi theo học sư Vạn Hạnh tại chùa làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Về sau, Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh đưa vào Hoa Lư tiến cử với vua Lê Đại Hành, lên tới chức Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Cũng chính sư Vạn Hạnh và một số cao tăng khác, sau khi vua Lê Long Đĩnh chết, đã tìm cách đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, tức Lý Thái Tổ (1010-1028). Lý Thái Tổ phong Vạn Hạnh là Quốc Sư. Với cương vị này, sư Vạn Hạnh vừa có ảnh hưởng trong việc trị nước vừa có cơ hội để phát triển Phật Giáo một cách mạnh mẽ. Các cao tăng tuy không trực tiếp nắm quyền hành nhưng đóng vai cố vấn tối cao cho chính quyền. Vì vậy có thể nói đạo Phật cực thịnh và có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Việt Nam dưới triều nhà Lý.
Ngoài việc sùng đạo Phật, các vua nhà Lý cũng quan tâm tới việc phát triển Nho học. Lý Thánh Tông dựng Văn Miếu tại Thăng Long năm 1070 để thờ Chu Công, Khổng Tử và 72 vị Hiền Triết. Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám (1076) và mở Hàn Lâm Viện (1086). Cũng dưới thời Lý Nhân Tông, việc thi cử để tuyển chọn nhân tài được khởi đầu tại Việt Nam năm 1075. Năm đó, vua hạ chiếu mở khoa thi Nho học tam trường để chọn những người tài giỏi và học rộng. Năm 1185, Lý Cao Tông chọn học trò giỏi khắp nước từ 15 tuổi trở lên để cho vào hầu ngự diên (nơi giảng sách của nhà vua). Mười năm sau, 1195, Cao Tông cho mở kỳ thi tam giáo để khảo sát nhân tài về Nho, Phật, Lão (24).
Đến thời nhà Trần (1225-1400), Phật Giáo vẫn còn thịnh. Vào đầu thế kỷ 13, do ảnh hưởng của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, ba phái thiền môn Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đã nhập làm một thành thiền phái Trúc Lâm. Đời Trần được coi là thời đại Phật Giáo nhất tông, tức một tông phái duy nhất. Phong trào Phật Giáo nhập thế gọi là Trúc Lâm Yên Tử (Yên Tử là tên ngọn núi có chùa Hoa Yên nơi vua Trần Nhân Tông đến tu năm 1299. Vua được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, tiếp nối vị thứ năm là Huệ Tuệ) chỉ hưng thịnh cho đến giữa thế kỷ 14. Sau đó phong trào yếu dần vì thiếu sự nâng đỡ của các ông vua sùng đạo Phật. Các chùa ở kinh đô Thăng Long cũng thôi can thiệp vào chính trị (25). Như vậy Phật Giáo đã đóng vai trò chính trị tích cực suốt triều Lý qua tới triều Trần. Vai trò này chỉ chấm dứt vào thời Trần Dụ Tông (1341-1369), một ông vua ăn chơi trác táng, mở đầu cho sự suy thoái của nhà Trần. Một điều đặc biệt khác dưới triều đại nhà Trần là có nhiều vị vua khi cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ, nhường ngôi cho con, bỏ lên chùa tu, trở thành thái thượng hoàng. Vào thời các vua Trần Thái Tông (1225-1258) và Trần Nhân Tông (1279-1293), quân Mông Cổ ba lần đem đại binh xâm lăng Việt Nam nhưng đều bị đánh bại, tàn quân phải chạy về Tầu.
Sự kiện các nhà tu hành Phật Giáo có ảnh hưởng lớn trên sinh hoạt chính trị của đất nước, tất nhiên cũng có nhiều ảnh hưởng trên phương diện văn hóa, đã giúp cho các triều đại Lý, Trần, dù cũng trọng Nho học, có đặc tính nhân ái và từ bi hơn những triều Lê, Nguyễn, cụ thể là không đầy ải, giết hại công thần, không tàn sát những con dân khác tín ngưỡng. Nguyên tắc phân biệt giữa thế quyền và thần quyền chỉ xuất hiện sau cách mạng Pháp 1789. Chúng ta không mong một sự lẫn lộn giữa hai thứ quyền này trong một nước Việt Nam đương thời. Chúng ta chỉ ghi nhận một cách công tâm những gì Phật Giáo đã góp phần cho lịch sử và văn hóa Việt Nam.
b/ Văn hóa ảnh hưởng Tống Nho
Sang triều Hậu Lê, Nho Giáo được coi trọng. Phật Giáo và Lão Giáo không bị cấm đoán nhưng không được nâng đỡ, có khi còn bị chèn ép. Lê Lợi tức Lê Thái Tổ (1428-1433) đã đánh đuổi quân Minh sau cuộc kháng chiến 10 năm. Trong 15 năm chiếm đóng Việt Nam, tướng nhà Minh là Trương Phụ đã ra lệnh tịch thu sách vở của người Việt chở về Tầu. Còn sót lại cuốn nào thì cho đốt sạch. Đây là một đại nạn của văn hóa Việt Nam. Chúng ta đã mất hầu hết các tác phẩm sáng tác trước thời nhà Lê. Nhưng sau đó nhà Lê lại tổ chức quốc gia theo khuôn mẫu của Trung Hoa và rất trọng Nho học, thứ Tống Nho mà quan quân Nhà Minh đã hết sức truyền bá trên nước ta trong thời gian cai trị. Đó là cái vòng luẩn quẩn: tranh đấu thành công để có độc lập, rồi tự mình lại chui đầu vào tròng nô lệ văn hóa của người xâm lược cũ. Tống Nho theo cựu đảng do Tư Mã Quang đứng đầu chủ trương cần phải theo chế độ đời trước, cốt làm cho dân được an cư lạc nghiệp, lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh do Trình, Chu dẫn giải làm nòng cốt học hỏi. Cựu đảng đã thắng tân đảng của Vương An Thạch vì tân đảng có vẻ cấp tiến, muốn theo thời mà sửa đổi để “phú quốc cường binh” (nước giầu, binh mạnh), không nệ cổ (26). Như vậy, theo Tống Nho là phải tuyệt đối trung quân, lấy qúa khứ làm mẫu mực, không biết thích ứng với thời đại, không biết dự phóng tương lai. Thứ Nho học này dần dần biến thành hủ Nho, làm cản trở đà tiến bộ của dân tộc.
Với tinh thần nô lệ Tống Nho, nhà Lê đã bắt dân Việt từ bỏ một số phong tục cũ và theo tục lệ của người Trung Hoa. Năm 1448, Ngự Sử Đồng Hanh Phát đã xin cấm dân Thanh Hóa hát rí ren cho vua xem, viện cớ lối hát đó gợi dục. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ra lệnh cho dân chúng phải theo đúng qui tắc và lễ nghi Nho Giáo trong việc tang chế. Năm 1478, vua ấn định lễ nghi hôn nhân và giá thú bắt toàn dân theo. Vua cũng ban hành những huấn điều về luân lý Nho Giáo buộc mọi người phải học. Vua Lê Thánh Tông và các vua kế vị vì muốn độc tôn Nho học đã ra lệnh cấm dân gian cất thêm chùa và quán mới (27).
Những điều luật của các vua nhà Hậu Lê đã được gom lại trong bộ Quốc Triều Hình Luật , còn gọi là Luật Hồng Đức, được ban hành cuối triều Lê Thánh Tông. Đó là bộ luật cổ nhất của Việt Nam hiện còn tồn tại. Bộ luật rất đầy đủ, có thể coi như bộ hình luật và dân luật đầu tiên của Việt Nam, nên đã được vua Gia Long ra lệnh cho các đại thần nghiên cứu kỹ khi soạn thảo luật lệ của nhà Nguyễn. Luật này dựa trên luật của nhà Minh, cách hành văn cũng giống nhau, nhiều điều khoản sao chép nguyên văn luật của nhà Minh. Tuy nhiên vẫn có những điều khoản có nội dung khác hẳn, đặc biệt là về quyền lợi của phụ nữ. Người Trung Hoa có truyền thống coi thường phụ nữ và không quan tâm tới quyền lợi của phụ nữ. Ngược lại, địa vị của người phụ nữ Việt Nam được coi trọng hơn dù đã quen theo “phu xướng phụ tùy” (chồng khởi xướng, vợ theo) và “tam tòng, tứ đức”. Trong khi người chồng có thể bỏ vợ trong 7 trường hợp gọi là “thất xuất” (28), người vợ cũng có thể xin bỏ chồng nếu bị chồng ruồng rẫy. Theo điều 308, người chồng nếu không phải vắng mặt vì việc công mà không gần gũi vợ trong 5 tháng (hay trong một năm nếu hai bên đã có con) thì người vợ có quyền mời viên chức xã làm chứng rồi trình quan địa phương để từ đó có thể tách rời nhà chồng và đi lấy chồng khác. Khi người chồng say mê một người đàn bà khác mà không ngó ngàng tới vợ, vợ cũng có quyền đi thưa và người chồng có thể bị phạt và bắt buộc trở về với vợ. Đặc biệt là trong chế độ hôn sản, luật phân biệt điền sản nhà chồng cho (phu tông điền sản), điền sản do bên nhà vợ cho (thê tông điền sản) và điền sản do hai vợ chồng cùng tạo nên (tân tạo điền sản), quyền lợi của người vợ đươc bảo vệ khi chồng chết. Ngay khi lấy chồng khác, người vợ vẫn tiếp tục được quyền sở hữu điền sản miễn là dùng của cải đó để nuôi nấng con cái (29). Có thể nói Quốc Triều Hình Luật tuy dựa theo luật nhà Minh nhưng có nhiều điều khoản tiến bộ hơn luật nhà Minh.
Cũng dưới thời Lê Thánh Tông, việc tự trị của thôn xã đã được cải cách quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, làng xã sinh hoạt theo thể thức tự trị. Hệ thống cai trị trong làng có hai bộ phận:
Hội dồng Kỳ Mục là cơ quan quyết nghị, giống như một tiểu quốc hội, gồm các vị kỳ lão và những người đỗ đạt hay có quan tước,
Ban Hành Chánh xã là cơ quan chấp hành, giống như một tiểu chính phủ, đứng đầu là xã trưởng hay lý trưởng, được phụ tá bởi phó lý, trương tuần…
Trước năm 1467, xã trưởng là một viên chức do triều đình bổ nhiệm và điều động trực tiếp được gọi là xã quan. Từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông xuống chỉ cho dân các làng tự bầu lấy xã trưởng, quan địa phương chỉ đại diện triều đình để chuẩn nhận. Phó lý cũng được bầu. Trương tuần (tương tự như ủy viên an ninh) do Hội Đồng Kỳ Mục chọn. Các tuần đinh (tương tự như nhân viên cảnh sát xã) do trương tuần tuyển mộ và chỉ huy. Xã độc lập về việc quản trị hành chánh và tài chánh và có những luật lệ riêng (30). Vì thế mới có câu “phép vua thua lệ làng”. Việc tổ chức xã thôn tự trị là một hình thức củng cố chính quyền địa phương trong thời buổi sự liên lạc giữa trung ương với địa phương còn nhiều khó khăn vì thiếu phương tiện và vì xa cách. Hệ thống này có ưu điểm là giúp cho các thôn làng tự túc, tự bảo vệ lấy mình, vừa đỡ mối lo cho trung ương, vừa có thể tiếp tay chống ngoại xâm một cách hữu hiệu, nhưng cũng có khuyết điểm là khiến người dân qúa gắn bó với làng xã, ít chịu bỏ làng đi đây đi đó để khám phá những chân trời mới lạ, tìm những cơ hội khác để làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế.
Việc trọng Nho học vẫn được tiếp tục suốt thời vua Lê, chúa Trịnh (1570-1788). Chỉ riêng ở Đàng Trong từ đất Thuận Hóa trở vào do các chúa Nguyễn cai trị, Nho giáo mới không được áp dụng triệt để như Đàng Ngoài. Bằng chứng là Đào Duy Từ không được dự thi ở Đàng Ngoài vì là con một người hát xướng (xướng ca vô loài). Ông đã bỏ vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn, được trọng dụng, trở thành quân sư và chiến lược gia, đắp lũy Trường Dục (Lũy Thầy) để ngăn quân Trịnh. Nhưng tới khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, các vua nhà Nguyễn lại sùng thượng Nho học. Vua Gia Long (1802-1819) đã nhờ tay một số người Pháp để xây dựng ngai vàng. Khi vừa lên ngôi, vua ra lệnh cho quần thần viết “Luật Gia Long” dựa theo luật nhà Thanh. Đặc biệt vua Minh Mạng, tức Thánh Tổ nhà Nguyễn (1820-1840), một vị vua thông minh nhưng độc đoán, đã tổ chức triều đình và trị nước đúng theo khuôn phép của Tống Nho. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà vua, “Huấn Địch Thập Điều Thánh Dụ”, được ban hành năm 1834, qui định chính sách giáo dục văn hóa của triều đại, chương “Tôn sùng chính học” đã khẳng định rằng: “Trẫm mong triệu thứ các ngươi tôn sùng chính học, giảng minh nhân luân, đạo Nghiêu Thuấn chỉ là đạo hiếu đễ mà thôi, giáo dục Khổng Mạnh chủ trương nhân nghiã trước hết, đấy là những điều phải giảng vậy” (31). Vì vậy, vua đã tập trung tất cả quyền hành trong tay, nghiêm khắc với công thần, nhiều lần cách chức Nguyễn Công Trứ và đầy ải Cao Bá Quát, bế quan tỏa cảng, không giao thiệp với người Tây Phương, nhất là người Pháp, cấm đoán đạo Thiên Chúa và giết hại những con dân Việt Nam theo đạo này, gây hận thù cả trong lẫn ngoài, làm cớ cho ngoại nhân xâm lược. Cũng trong “Huấn Địch Thập Điều Thánh Dụ”, chương VII, vua Minh Mạng đã có những nhận xét chủ quan và sai lạc về đạo Thiên Chúa: “Tả đạo dị đoan, nhất thiết chớ để lừa dối mê hoặc; học thuyết Da-tô lại càng vô lý hơn nữa, thậm chí nam nữ hỗn loạn, hạnh kiểm như cầm thú, dấy gian dựng đảng, tự giẫm lên hình pháp, như vậy là phá hoại tôn giáo, làm hư nát luân thường” (32). Đó là những lời kết án được dùng để làm cớ giết con dân vô tội. Nếu đạo Thiên Chúa “xấu xa” như thế thì tại sao, dù bị bách hại, vẫn có hàng triệu người Việt Nam theo đạo này từ 1533, tức là 300 năm trước thời Minh Mạng và trước khi quân Pháp chiếm Việt Nam? Phải chăng các vua nhà Nguyễn vì muốn độc tôn Nho giáo, muốn giữ địa vị “thiên tử” cho vua, không muốn cho ai khác vua được thờ sống thờ chết, được gọi là Chúa, nên đưa ra những lời kết án hàm hồ để cấm đoán và giết dân lành? Các quan và các Nho sĩ thì chỉ biết một mực bảo vệ đạo Thánh Hiền và bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc của mình, sợ những ý thức hệ khác, chưa cần biết tốt hay xấu, có thể làm thay đổi trật tự xã hội, đe dọa quyền lợi của giai cấp mình, nên cũng hô hào “Bình Tây, sát Tả” (dẹp giặc Tây và giết người theo tả đạo, tức đạo Thiên Chúa). Dẹp Tây thì khó, giết đồng bào dễ hơn. Vì vậy vua quan nhà Nguyễn mới để lại một vết nhơ không thể rửa sạch là đã tàn sát 35,000 người cùng giòng giống chỉ vì khác tín ngưỡng, thêm 50 tới 60 ngàn người chết vì lưu đầy, 400,000 người bị phân sáp (từng phần tử của mỗi gia đình bị tách rời và giao cho các gia đình không theo đạo Thiên Chúa canh giữ) (33), tạo mối hận thù, chia rẽ trong lòng dân tộc. Xét cho cùng thì chủ trương giết hại và đầy ải người cùng giống theo đạo khác thể hiện tâm trạng bất dung văn hóa, một hình thức sơ cứng tâm hồn, không muốn tìm hiểu, giao lưu, hội nhập với những luồng văn hóa khác. Điều này thật mâu thuẫn với truyền thống khoan dung và Việt Nam hóa những tinh hoa văn hóa đến từ bên ngoài của dân tộc Việt Nam.
Kế nghiệp vua Minh mạng, vua Thiệu Trị (1841-1847) cũng áp dụng cùng một chính sách của tiên vương. Tới vua Tự Đức (1847-1883), một vị vua chuyên cần, có kiến thức thâm sâu về Nho học, có tâm hồn thi sĩ, nhưng cũng không làm khác. Cũng giết hại người theo đạo Thiên Chúa, ra 13 sắc lệnh cấm đạo, đặc biệt là sắc lệnh Phân Sáp vào năm 1861 (34). Cũng bế quan tỏa cảng. Cũng không chịu nghe những lời trần tình khôn ngoan, như của Nguyễn Trường Tộ, một người theo đạo Gia-tô, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Liêm, Phạm Phú Thứ, để đưa đất nước khỏi hoàn cảnh bế tắc. Cũng chỉ biết ôm lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh để giải quyết những vấn đề của thời đại mới và đương đầu với súng đạn và tầu chiến tối tân của Tây phương. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji) lên ngôi năm Tự Đức thứ 21 (1868) đã biết canh tân xứ sở theo gương các nước Tây phương, biến nước Nhật từ tình trạng phong kiến, lạc hậu trở thành một cường quốc, chỉ 37 năm sau (1905) đã đánh bại nước Nga. Cùng năm Tự Đức thứ 21, xứ láng giềng Thái Lan cũng có vua mới là Chulalongkorn. Vừa lên ngôi, vua đã biết cải biến pháp chế, phái con em đi du học, rời cung cấm đi công du ngoại giao tại Ấn Độ và Âu Châu, tránh cho Thái Lan cảnh bị đô hộ như các nước chung quanh (35). Khi người ta biết mở mắt để cải tiến thì vua quan nhà Nguyễn làm gì? Lệ Thần Trần Trọng Kim trả lời: “Những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu, Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện đại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man” (36). Hậu qủa của tình trạng này là nước mất vào tay ngoại bang. Sau một loạt những hòa ước nhượng đất và nhượng quyền được bắt đầu ký từ thời vua Tự Đức, hòa ước Patenôtre năm 1884 đã hoàn tất việc qui định tình trạng thuộc địa và bảo hộ của người Pháp tại Việt Nam. Mở đầu cho một giai đoạn mới về văn hóa: giai đoạn ảnh hưởng Tây phương.
c/ Công trạng của các triều Lê, Nguyễn
Trước khi nói tới giai đoạn ảnh hưởng Tây phương, chúng ta cũng nên nhìn lại những điểm tích cực mà các vua chúa thuộc các triều Lê, Nguyễn đã làm cho đất nước. Vào các thời Lý, Trần, đạo Nho được trọng song song với đạo Phật. Nhưng từ thời Hậu Lê, Nho giáo được đưa lên địa vị độc tôn. Thực tế, chỉ có một thiểu số vua quan và tầng lớp trí thức là đệ tử trung thành của đạo Nho. Đại đa số nhân dân không biết chữ Nho nhưng kính trọng người có học. Họ vừa giữ phong tục tập quán Việt Nam vùa thấm nhuần nề nếp Tam Tòng, Tứ Đức, Nhân Nghiã Lễ Trí Tín của đạo Nho. Như vậy đạo Nho đã có công trong việc giáo dục con người Việt Nam sống theo một luân lý và một trật tự xã hội. Đạo Nho cũng khuyến khích việc học vấn, dù chỉ học đạo Thánh Hiền, để tuyển lựa những người tài ra giúp nước. Một đặc điểm của việc tuyển lựa nhân tài tại Việt Nam là không căn cứ vào thành phần xã hội. Không phải chỉ những cậu ấm có tước vương, tước hầu mới được làm quan. Trái lại, việc tuyển chọn mở ra cho mọi tầng lớp dân chúng. Một chú bé chăn trâu con nhà nông nghèo, nếu có trí thông minh, được đi học và chịu khó học, có thể đỗ tiến sĩ, trạng nguyên và trở thành rường cột của quốc gia. Chính những thiểu số trí thức này đã giúp vua và chỉ huy toàn dân chống ngoại xâm trong thời loạn và xây dựng đất nước trong thời bình. Công trạng loại này này đã sa sút thấy rõ vào triều Nguyễn. Tinh thần trọng học được các vua chúa khuyến khích. Thí dụ vua Lê Thánh Tông đã ban hành Hồng Đức Quân Vụ năm 1486, trong đó có điều khoản: “Những người làm thuê làm mướn có biết chữ mà đã có ty thừa tuyên bản xứ chuẩn cho thì được miễn không phải xung quân” (37). Dù ở giai cấp thấp nhất, tức làm thuê làm mướn, nhưng chỉ cần biết chữ là được miễn đi lính. Người có học, dù học ít học nhiều, đều được vua coi trọng. Tiếc thay, việc học dần dần tiến đến chỗ từ chương, chỉ biết tầm chương trích cú và người học chỉ có tham vọng lớn nhất là thi đỗ làm quan, ăn trên ngồi trốc thiên hạ, không chịu chấp nhận những thay đổi có thể làm nguy hại tới địa vị đang có, vì thế không tìm tòi được những gì mới lạ và tân tiến để giúp dân, giúp nước.
Một thành tích khác phải được ghi nhớ của các triều Lê, Nguyễn, đó là việc mở mang bờ cõi xuống phiá Nam và sang phiá Tây Nam. Việc chiếm đất của Chiêm Thành khởi đầu từ năm 1069 khi vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, hỏi tội quân Chiêm sang quấy phá bờ cõi nước Nam, bắt vua Chiêm là Chế Củ về Thăng Long. Chế Củ xin tha và dâng 3 châu thuộc Quảng Bình và một phần Quảng Trị bây giờ cho nhà Lý. Năm 1306, đời vua Trần Anh Tông, Vua Chiêm là Chế Mân xin nạp hai châu Ô, Rý (được đổi tên thành hai châu Thuận, Hóa, gồm Quảng Trị và Thừa Thiên bây giờ) làm xính lễ để được cưới công chúa Huyền Trân. Đến thời vua Lê Thánh Tông, biên giới nước Việt đã lùi xuống tới Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng, sau khi vào trấn đất Thuận Hóa, đã mở mang bờ cõi tới tận Phú Yên. Cuối cùng, chúa Nguyễn Phúc Chu đã xóa sổ nước Chiêm Thành năm 1693, bắt vua Chiêm Bà Tranh, đặt các huyện, phủ tới Phan Thiết (phủ Bình Thuận). Từ đó người Chiêm đã bị Việt hóa. Theo thống kê trước 1975, còn khoảng 70,000 người Chàm (Chiêm) sinh sống rải rác tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Tuy, Bình Long và Châu Đốc (38). Họ được coi như người thiểu số và là sắc dân duy nhất tại Việt Nam theo đạo Hồi.
Việc chiếm một phần nước Cao Miên để tạo thành Nam Phần Việt Nam được khởi đầu từ năm 1658 khi chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần đem quân đánh tới Biên Hòa nhân vụ các con và em của vua Chân Lạp dành nhau ngôi báu. Chúa bắt rồi tha vua Rama Thuppdey Chan, buộc phải triều cống, cho dân Việt vào khai khẩn ở Mỏ Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hòa). Năm 1679, chúa Hiền Vương cho Dương Ngạn Địch, một tướng cũ của nhà Minh không chịu theo nhà Thanh, với 3.000 quân và 50 chiến thuyền, vào khai khẩn đất Đồng Nai và Mỹ Tho. Năm 1708, Mạc Cửu, trước đó cũng chạy nhà Thanh đến xin ở đất Chân Lạp, xin thuộc về chúa Nguyễn, được chúa phong chức tổng binh giữ đất Hà Tiên, lập 7 xã. Khi Mạc Cửu chết, con là Mạc Thiên Tích nối nghiệp được phong đô đốc. Năm 1813, vua Gia Long sai Tả Quân Lê Văn Duyệt đem 10,000 binh sang Nam Vang, đưa vua Nặc Ông Chân (Ang Chan) về lại ngôi báu. Sau đó, Chân Lạp được đặt dưới sự bảo hộ của Việt Nam cho đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Tướng bảo hộ là Nguyễn Văn Thụy đóng ở Nam Vang với 1,000 quân. Sau khi quân Pháp chiếm hết 6 tỉnh Nam Kỳ, toàn quyền Pháp và quốc vương Cao Miên đã thảo luận việc ấn định ranh giới giữa hai nước Việt Miên và đã đồng ký những bản nghị định ngày 9-7-1870 và ngày 15-7-1873. Sau đó có một số thỏa thuận sửa chữa một vài điểm nhỏ trên bản đồ. Thỏa thuận cuối cùng được ký ngày 26-7-1946. Như vậy có thể nói các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn đã có công trong việc thành lập đất Nam Phần Việt Nam. Theo thống kê vào năm 1965, con số người Việt gốc Miên sinh sống tại miền Nam, đông nhất là tại Vĩnh Bình, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Châu Đốc, là 567,115 người (39). Việc mở mang bờ cõi cũng có hậu qủa văn hóa vì văn hóa Việt Nam không thể tránh việc giao lưu với văn hóa của các sắc dân bị đồng hóa.
d/ Văn hóa anh hưởng Chiêm Thành và Chân Lạp
Việc chiếm đất vào thời các vua chúa ngày xưa nằm trong định luật mạnh được yếu thua khi chưa có công pháp quốc tế phân định và bảo đảm ranh giới các quốc gia. Người bị khuất phục thì hận thù nhưng cam chịu vì không biết kêu vào đâu. Người chinh phục thành công thì được dân nước họ coi như anh hùng. Người Việt đã bị Trung Hoa chiếm đất, đã từng bị Trung Hoa chiếm đóng và bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Hoa. Nay người Việt là kẻ chiến thắng, đã xóa sổ nước Chiêm Thành và chiếm một phần nước Cao Miên, đã Việt hóa hai sắc dân này trên những lãnh thổ sáp nhập. Tuy vậy, văn hóa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng phần nào văn hóa của những sắc dân bị khuất phục này. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, năm 1044 vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, vào kinh đô Phật Thệ bắt hơn 100 cung nữ Chiêm đưa về Thăng Long thị yến, bọn ấy múa hát khúc Tây Thiên. Năm 1203, Cao Tông chế ra khúc nhạc theo điệu Chiêm Thành, gọi là Chiêm Thành nhạc khúc, sai nhạc công gảy đàn bá lỗ, ca nữ hát theo khúc này (40). Những điệu hò Huế, những điệu Nam Bình, Nam Ai, Nam Xuân, Nam Thương, Phú Lục, Cổ Bản… và các điệu lý mang nhiều âm sắc của nhạc Chiêm Thành. Âm nhạc cổ điển Việt Nam chịu hai ảnh hưởng: điệu khách vay mượn từ Trung Hoa và điệu nam là âm hưởng giao lưu với Chiêm Thành. Ngay trong phạm vi ngôn ngữ, những tiếng ni, nớ, răng, rứa, mô, tê… cũng có nguồn gốc Chiêm Thành. Điệu ca vọng cổ ở phương Nam với lối kể lể ai oán chắc có ảnh hưởng Chiêm Thành do người Việt từ miền Trung đi dần vào miền Nam khẩn đất. Tháp Thiên Mụ và điện Hòn Chén có những nét giao thoa của hai nền văn hóa Chàm Việt. Chân tháp Thiên Mụ tại Huế là một cụm tháp cổ Chàm. Điện Hòn Chén nằm trên hòn Ngọc Trản ở trung lưu sông Hương có vết tích thờ thần Yang Pu Negana mà người Việt gọi là Thiên-Y-A-Na (41). Những tháp Chàm rải rác từ Quảng Nam vào tới Phan Rang vẫn đứng sừng sững với thời gian và đã trở thành một phần kiến trúc và phong cảnh Việt Nam.
Ảnh hưởng của Cao Miên trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt tại Nam Phần, cũng dễ nhận thấy. Trước tiên là các địa danh. Rất nhiều tên tỉnh, quận, được phiên âm thẳng từ tên tiếng Miên:
Cái Răng do Kàrăn
Bạc Liêu - Pôl Lieu
Vĩnh Long Long Ho (thầy bói chết đuối)
Sa Đéc Phsar Dek (chợ mái lợp sắt)
Sóc Trăng Srok Khléang (kho lẫm)
Cà Mau Tức Khmau (nước đen) v.v… (42)
Về phong tục, người Miên rất tin bùa ngải, vì vậy có nhiều thầy bùa ở miền Nam và cũng có rất nhiều người Việt tìm đến để xin bùa hộ mệnh, xin ngải để “thư” tình địch. Ở miền Tây Nam Phần có những buổi vũ lâm thôn và những hội đua thuyền theo phong tục Cao Miên. Về tôn giáo, người Miên theo đạo Phật nhưng theo ngành Tiểu Thừa, không giống như ngoài Trung và Bắc theo Đại Thừa. Ngoài hai giáo phái Mohanikay và Thommayutt còn có phái Theravada, tức Nguyên Thủy. Từ Sài Gòn xuống tới miền Tây, có 482 ngôi chùa theo phái Mohanikay và 18 ngôi chùa theo phái Thommayutt. Các chùa của phái Theravada vì ít nên chưa được kiểm kê (43). Kiến trúc của chùa Miên rất khác chùa Việt với những mái hai lớp, góc có đường cong chỉ lên trời. Các tháp quanh chùa hình tròn, dưới lớn, trên nhỏ dần, chấm dứt bằng một đường thẳng nhọn, không giống như những tháp vuông hoặc lục giác nhiều tầng và có mái như tại các chùa Việt Nam. Với trên 500 ngôi chùa Miên tại Nam phần, cảnh quan của miền Nam có nét lạ so với các miền khác của đất nước vì còn lưu giữ dấu vết văn hóa của người Chân Lạp. Việc giao thoa văn hóa giữa các sắc dân là điều tự nhiên. Kẻ chinh phục và người bị chinh phục đều trao đổi, học hỏi lẫn nhau để tạo nên một cuộc sống hòa đồng mới.

THÁP CHÀM Pô Klongigai, Ninh Thuận
CHÙA MIÊN Angkorette Pali, TràVinh
4 – GIAI ĐOẠN ẢNH HƯỞNG TÂY PHƯƠNG

Lấy cớ triều đình Việt Nam giết hại các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha (vua Minh Mạng giết 9, vua Tự Đức riêng năm 1851 đã giết 4) và không chịu mở cửa giao thương, một lực lượng liên quân Pháp và Tây Ban Nha gồm 14 chiến thuyền chở 3,000 quân, dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Rigault de Genouilly, đã tới bắn phá các đồn lũy tại Đà Nẵng ngày 1/9/1858, đổ bộ hạ thành An Hải và Tôn Hải. Ngày 17/2/1859, Rigault de Genouilly đánh chiếm thành Gia Định. Tháng 10/1859, đô đốc Page sang thay thế Rigault de Genouilly. Chính phủ Pháp muốn giảng hòa, chỉ yêu cầu cho tự do giảng đạo và đặt lãnh sự, sứ thần ở Huế. Nhưng triều đình Việt Nam không biết quyết định ra sao và không trả lời. Để phản ứng lại, vua Tự Đức cho lệnh giết thêm 6 giáo sĩ ngoại quốc và ra liên tiếp 4 chiếu chỉ trong năm 1859 ấn định việc trừng phạt các đầu mục, các quan, quân của triều đình theo đạo, giải tán dòng nữ tu Mến Thánh Giá và bắt các nữ tu hoàn tục, đặc biệt nhất là chiếu chỉ Phân Sáp được ban hành năm 1861, xé nát các gia đình theo đạo Gia-tô và lưu đầy hàng trăm ngàn người (44). Ở trong Nam, chỉ riêng ngày 7/1/1862, đã có 1,290 đàn ông, 106 đàn bà, khoảng 50 trẻ con bị thiêu sống trong những trại giam ở vùng Bà Rịa; ngoài ra còn hàng mấy trăm người bị giết, hoặc buông sông hay ném xuống giếng lấp đi ở Đất Đỏ và Bà Rịa (45). Hành động “giận cá chém thớt” này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, tạo thêm cớ cho quân Pháp chiếm thành Mỹ Tho ngày 12/4/1861 và thành Biên Hòa ngày 9/9/1861. Vua quan phải giảng hòa và ký hiệp ước năm Nhâm Tuất (1862), nhượng cho pháp ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường, bằng lòng cho tự do giảng đạo và theo đạo, giao cho người Pháp quyền thương lượng với các nước khác nhân danh triều đình Việt Nam. Nhưng người Pháp không ngừng ở đó. Họ tiếp tục đánh phá các tỉnh miền Tây Nam Phần. Năm 1867, đề đốc La Grandière chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Từ năm 1872, họ đưa quân đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Triều đình phải ký hòa ước Giáp Tuất ngày 15/3/1874 nhượng đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Hòa ước này có thêm một số điều khoản mới như trao cho người Pháp quyền ngoại giao, tổ chức hành chánh và huấn luyện quân đội. Hòa ước Qúy Mùi ký ngày 25/8/1883 xác nhận quyền bảo hộ của Pháp. Từ đèo Ngang trở ra, việc cai trị do các quan Việt Nam đảm nhiệm dưới sự kiểm soát của các viên công sứ Pháp tại mỗi tỉnh. Triều đình Huế cai trị từ đèo Ngang vào đến Khánh Hòa. Một khâm sứ Pháp được cử nhiệm tại Huế, có quyền tự do ra vào yết kiến vua. Từ Bình Thuận vào Nam là thuộc địa của Pháp. Cuối cùng, hòa ước Giáp Thân, còn được gọi là hòa ước Patenôtre, lấy tên của viên đại sứ Pháp tại Bắc Kinh sang làm trưởng đoàn điều đình, được ký thời vua Kiến Đức ngày 6/6/1884. Theo thỏa ước này thì Trung Kỳ gồm từ Thanh Hóa xuống tới Bình Thuận (trước đó chỉ gồm từ đèo Ngang tới Khánh Hòa), Việt Nam được chia làm 3 kỳ, mỗi kỳ có một nền cai trị riêng biệt. Như vậy là việc đô hộ và bảo hộ Việt Nam đã được ấn định. Tuy nhiên người Pháp không nghiêm chỉnh tôn trọng các hiệp ước này. Họ luôn luôn tìm cách lấn quyền. Riêng tại Huế, viên khâm sứ “kèm” vua và khống chế triều đình. Vua chỉ còn “hữu danh vô thực”. Đó là về phương diện lịch sử.
Về phương diện văn hóa, người Pháp áp dụng một chính sách giáo dục lấy tiếng Pháp thay thế chữ Nho mà các triều đình ta trong suốt 1,000 năm tự chủ đã coi là văn tự chính thức. Tại Nam Kỳ, ngay sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông, người Pháp đã áp dụng chính sách giáo dục mới. Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì chính sách ấy được tuần tự áp dụng sau hiệp ước Patenôtre. Học quy và chương trình giáo dục cho toàn cõi Đông Dương được ban hành vào các năm 1906, 1917, 1938 (46). Năm 1896, trường Quốc Học được mở tại Huế, dạy 3 thứ tiếng Pháp, Hán, Quốc Ngữ. Trường trung học Pháp đầu tiên tại miền Bắc, lycée Paul Bert, được mở năm 1912 tại Hà Nội. Trước đó một năm, 1911, trường Hậu Bổ được thiết lập tại kinh đô Huế để huấn luyện các quan chức cao cấp cho guồng máy bảo hộ. Sinh viên phải học tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Nho học đi vào đường tàn lụi. Các kỳ thi Hương cuối cùng được tổ chức tại Bắc năm 1915 và tại Huế năm 1919. Năm sau là kỳ thi Hội chót tại kinh đô. Các Nho sĩ cảm thấy hết thời vì chữ Nho không còn được trọng dụng và không nuôi sống nổi các nhà Nho
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm ông phán
Sáng rượu xâm-banh, tối sữa bò.
(Tú Xương)
Song song với việc dậy tiếng Pháp, người Pháp còn cổ võ việc học chữ Quốc Ngữ thay thế cho chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ là ký hiệu ghi tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Khi nói đến chữ Quốc Ngữ, người ta thường nghĩ tới giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), một linh mục Dòng Tên sang giảng đạo tại Việt Nam vào thế kỷ 17, hơn 200 năm trước khi quân Pháp đánh chiếm Việt Nam. Thật ra linh mục Đắc Lộ không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Trước đó đã có những giáo sĩ rất giỏi tiếng Việt và đã phiên âm nhiều danh từ tiếng Việt, đặc biệt là tên người và địa danh, theo mẫu tự La Tinh. Theo linh mục Đỗ Quang Chính thì các giáo sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong năm 1620 mà giáo sĩ Francisco de Pina là tác giả chính. Giáo hữu Việt Nam chép tay bản chữ Nôm để dùng. Còn các nhà truyền giáo lại chép sang mẫu tự La Tinh. Đó là cuốn sách Việt ngữ đầu tiên viết bằng mẫu tự La Tinh. Rất tiếc đến nay chúng ta không còn bản nào của cuốn sách này (47).
Về phía linh mục Đắc Lộ, ông đã hoàn thành hai tác phẩm quan trọng bằng chữ Quốc Ngữ:
Tự Điển Việt-Bồ-La (Việt Nam-Bồ Đào Nha-La Tinh)
Phép Giảng Tám Ngày
Hai tác phẩm này được Bộ Truyền Giáo xuất bản tại Roma năm 1651. Cũng theo linh mục Đỗ Quang Chính thì hai cuốn sách nói trên chắc được soạn sau năm 1636 vì chữ viết đúng hơn lối viết của linh mục Đắc Lộ trước đó. Sự tiến bộ này một phần nhờ hai cuốn tự điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa trong đó có những tiếng Việt Nam được phiên âm theo mẫu tự La Tinh. Ngoài ra, linh mục Đắc Lộ còn học hỏi thêm về cách ghi danh và đánh dấu đúng với thầy giảng Việt Nam tên Y-Nhã (do tên thánh Ignatio), một người thông thạo văn chương, triết học, đã làm quan trước khi nhập hàng thầy giảng ở Đàng Trong (48). Chữ Quốc Ngữ trong hai tác phẩm kể trên tuy chưa giống hẳn chữ Quốc Ngữ hiện nay, vẫn còn những bất toàn được cải tiến về sau, nhưng đã là thứ chữ Quốc Ngữ tiến bộ nhất cho tới lúc đó. Có thể nói linh mục Đắc Lộ đã đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất trong qúa trình hình thành chữ Quốc Ngữ.
Việc phát triển chữ Quốc Ngữ được thực hiện sớm nhất ở trong Nam:
- 1865-1897: Gia Định Báo, tờ công báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên được xuất bản tại
Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký làm chủ bút từ 1869.
- 1866: Trương Vĩnh Ký cho xuất bản Chuyện Đời Xưa.
- 1875: Xuất bản Truyện Kiều của Nguyễn Du do Trương Vĩnh Ký phiên âm và chú
giải bằng chữ Quốc Ngữ lần đầu tiên.
- 1880: Huỳnh Tịnh Của, tức Paulus Của, xuất bản Chuyện Giải Buồn.
- 1895: Huỳnh Tịnh Của xuất bản Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, giải thích tiếng Việt
bằng chữ Quốc Ngữ, có chữ Nôm đi kèm.
- 1900: Báo Nông Cổ Mím Đàm ra mắt tại Sài Gòn…
Tại miền Bắc, việc phổ biến chữ Quốc Ngữ chậm hơn trong Nam:
- Năm 1909, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút phần Quốc Ngữ báo chữ Hán Đại
Nam Đồng Văn Nhật Báo đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo.
- 1913-1916: Đông Dương Tạp Chí xuất bản tại Hà Nội do Nguyễn Văn Vĩnh làm
chủ bút.
- 1917-1934: Nam Phong Tạp Chí do Louis Marty sáng lập, Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Quốc Ngữ, Nguyễn Bá Trác lo phần Hán văn. Từ tháng 9/1919, Phạm Quỳnh trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút. Từ năm 1922, báo có thêm phụ trương tiếng Pháp (49).
Có thể nói Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh cùng với hai tờ tạp chí do hai ông đảm trách đã góp công rất lớn vào việc phổ biến chữ Quốc Ngữ, đem tư tưởng và bút pháp Tây phương vào văn học mới của Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh với những bài nghị luận, những bài dịch văn thơ từ Pháp ngữ, đặc biệt là thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đã giới thiệu một văn phong mới, sáng sủa. Phạm Quỳnh với những bài nghị luận về đủ các thứ vấn đề, với một văn phong đạo mạo, đã ảnh hưởng rất nhiều về cách dùng chữ, đặt câu cho những người viết văn Quốc Ngữ về sau. Trong khi đó những người có công khai phá chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Nam Kỳ thuộc địa Pháp lại có khuynh hướng trở về nguồn dân tộc bằng cách viết về Truyện Kiều (Trương Vĩnh Ký) và làm tự điển Việt-Việt bằng Quốc Ngữ và chữ Nôm (Huỳnh Tịnh Của).
Văn chương sáng tác đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ là cuốn tiểu thuyết tâm lý, ái tình Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, chỉ có 32 trang, được nhà xuất bản Jean Linage cho ra mắt tại Sài Gòn năm 1887. Phong trào sáng tác bằng chữ quốc ngữ ở trong Nam xảy ra sớm hơn ở ngoài Bắc. Điều này cũng dễ hiểu vì Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa Pháp, nên chữ Pháp và chữ quốc ngữ được phổ biến sớm hơn. Sau Nguyễn Trọng Quản, nhiều tác giả khác như Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Minh, Nguyễn Chánh Sắt… cũng cho ra đời nhiều tác phẩm bằng chữ quốc ngữ. Riêng Hồ Biểu Chánh, trong khoảng thời gian 1912-1931, đã hoàn thành 18 tiểu thuyết, trong đó có U Tình Lục viết bằng 1,790 câu thơ lục bát. Ở ngoài Bắc, mãi đến thập niên 20 mới có những tác phẩm được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Hai tác phẩm được coi là cột mốc của giai đoạn này là Qủa Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cùng xuất hiện năm 1925. Sau đó, các loại tiểu thuyết, tùy bút, phóng sự, phóng tác thuộc đủ khuynh hướng lãng mạng, xã hội, phong tục, trinh thám, lịch sử, tả chân, hiện thực, siêu thực…, các sách nghiên cứu, dịch thuật được xuất bản không sao đếm xuể, nhất là vào thập niên 30 và đầu thập niên 40. Những nhóm và những trường phái văn học cũng xuất hiện và bút chiến với nhau. Nổi tiếng nhất là nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh cầm đầu. Nhóm này qui tụ nhiều nhà văn, nhà thơ có tài, tung ra nhiều sáng tác giá trị, có khuynh hướng cải tiến xã hội, nhiều người trong nhóm tham gia tranh đấu chính trị.
Về thơ, thể thơ mới không gò bó niêm luật được ra mắt với bài Tình Già của Phan Khôi, đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 xuất bản tại Nam Kỳ ngày 10/3/1932. Từ đó, thơ mọi kiểu, mọi hình thức, mọi khuynh hướng tràn ngập trên báo chí và được in thành tập với những thi sĩ nổi tiếng như Tản Đà, Đông Hồ, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử …
Văn học Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ đã tiến bằng đôi hia bẩy dặm vào những thập niên 30, 40, đã định hình một nền quốc học mới mà chúng ta đang thừa hưởng. Chúng ta không dám tôn phong thế hệ cha anh chúng ta là những bậc thiên tài, đã đưa văn học Việt Nam hội nhập với thời đại chỉ trong một khoảng thời gian mấy chục năm, trong khi người Pháp phải mất trên 200 năm để biến tiếng Pháp thời Rabelais thành tiếng Pháp thời Voltaire. Chúng ta nên hiểu là việc bắt chước những cái có sẵn dễ hơn việc phát minh từ chỗ không tới chỗ có. Con em chúng ta có thể chỉ cần 6 tháng hay một năm học hỏi là đã giỏi về máy điện toán. Nhưng người sáng chế và kiện toàn loại máy này phải mất nhiều thập kỷ. Dù sao chúng ta cũng phải nhận rằng chữ Quốc Ngữ đã giúp cho việc thành hình một nền văn học mới được dễ dàng và mau chóng hơn. Lý do là học chữ Quốc Ngữ dễ hơn học chữ Nho và chữ Nôm rất nhiều. Chỉ cần học 3 tháng đã có thể tạm viết và đọc chữ Quốc Ngữ. Trong khi muốn nhớ và nhận mặt được 3,000 chữ Nho để tạm đủ dùng thì phải mất từ hai tới ba năm. Muốn viết và đọc chữ Nôm thì phải biết chữ Nho trước. Chữ Quốc Ngữ cũng giúp chúng ta trong việc ứng dụng kỹ thuật và khoa học, như điện tín (telegram), viễn ký (telex) trước đây và điện toán (computer) ngày nay. Có người nêu vấn đề là nhiều nước khác trong vùng Đông Nam Á không cần đổi chữ theo mẫu tự La Tinh, họ đâu có tiến thua nước Việt Nam, và chữ Quốc Ngữ được bầy ra là do nhu cầu của các giáo sĩ đến Việt Nam giảng đạo, không phải là một món qùa cao qúi gì và các giáo sĩ không có công trạng gì. Thử tưởng tượng nếu phải tiếp tục dùng chữ Nho và chữ Nôm trong thế kỷ 21 này, chúng ta có thấy nhiều điều bất tiện trong việc truyền thông và giao lưu với thế giới hay không? Người Nhật đã phải giản dị hóa chữ viết của họ vốn dựa theo chữ Hán. Người Đại Hàn cũng phải sáng chế ra một bộ mẫu tự khác, dù không theo mẫu tự La Tinh. Người Đài Loan và Hoa lục đã gặp nhiều rắc rối khi ứng dụng máy đánh chữ trước đây và máy điện toán thời nay. Họ đã phải mô phỏng nhưng không thể đạt kết qủa toàn hảo. Ngày nay chính những dân tộc nói trên cũng phải dùng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong hệ thống điện toán tại chính quốc gia họ để giáo dục, xử dụng và giao lưu khoa học, kỹ thuật. Mặt khác, chữ Quốc Ngữ, với vỏn vẹn 24 chữ cái La Tinh, không phải là chữ tượng hình, được ghép từng chữ thành một từ, ghép từng từ thành một câu, đòi hỏi người viết một suy luận hợp lý để khai thác khả năng vô giới hạn của cách ký âm này, đồng thời nó cũng giúp cho việc suy nghĩ có hệ thống hơn, cụ thể hơn, vì con người thường suy nghĩ qua ngôn từ. Khi chấp nhận chữ Quốc Ngữ là chúng ta cũng học hỏi luôn tinh thần duy lý của Tây phương (50). Không nên nhìn chữ Quốc Ngữ theo công và tội của các giáo sĩ. Không ai nhận công. Không ai cần vinh danh. Cái gì được tung ra đời để cho đời xử dụng đều trở thành của chung. Chữ Quốc Ngữ cũng không giảm giá trị chỉ vì được chế ra do nhu cầu giảng đạo. Đó là định luật bình thường: “nhu cầu sinh ra phát minh”. Chữ Quốc Ngữ cũng không phải là lý do để thực dân Pháp chiếm đất nước. Hãy chấm dứt việc tranh cãi theo thiên kiến và hãy nhìn vấn đề dưới góc cạnh văn hóa. Như vậy, chúng ta chỉ ghi nhận những sự kiện lịch sử và nhìn nhận chữ Quốc Ngữ đã đóng góp một phần đáng kể trong việc chuyển biến văn hóa của dân tộc từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Một sự kiện nổi bật khác trong giai đoạn này là có rất nhiều nhà chuyên môn và học giả Pháp nghiên cứu kỹ lưỡng về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam với những phương pháp và kỹ thuật tân tiến nhất vào thời đó. Nhiều người cho rằng mục đích của những cuộc khảo cứu này chỉ là để tìm hiểu và khai thác tài nguyên của nước Việt, thay đổi văn hóa của dân Việt. Điều nghi ngờ đó có phần đúng, cũng có phần không, vì chúng ta đừng quên rằng việc nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi đã trở thành một tập quán và nhu cầu trí thức của tầng lớp có học Tây phương. Đó là điều rất khác với lối học từ chương và hoài cổ của ta nên khiến ta dễ nghi ngờ. Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extrême Orient, viết tắt EFEO) do người Pháp thiết lập ở Hà Nội là nơi qui tụ nhiều học giả và phổ biến những kết qủa khảo cứu qua một tạp chí nổi tiếng có tên là Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient (BEFEO). Tác giả Đoàn Thêm của “Nhà Quê Ra Tỉnh” đã ngạc nhiên khi thấy chưa bao giờ đất nước và con người Việt Nam được nghiên cứu kỹ lưỡng như thế. Ông viết:
“Pháp hiểu biết người và xứ mình hơn tôi qúa nhiều, từ nguồn gốc dân tộc đến lịch sử, nhất là sử cận đại, đến văn hóa, phong tục, các trạng thái sinh hoạt…, từ lòng đất đến núi sông, từng vùng hay làng xóm, thổ sản tài nguyên các loại, 34 thứ khoáng sản, hàng chục ngàn loại thảo mộc. Viết sử hay nghiên cứu về mọi vấn đề chung, phải nhờ tài liệu của họ.
“Tôi có cảm tưởng nặng và buồn, không khác nào ở trường hợp sau: một người lạ mặt tới thăm tôi, kể cho tôi nghe thì tôi mới biết rằng trong nhà tôi, trong vườn hay ở mỗi phòng, có bao nhiêu vật liệu khí cụ hay những góc cạnh chưa từng khiến tôi chú ý; hắn lại cho tôi rõ lần đầu tiên là ông nội tôi đã sống như thế nào cuối thế kỷ trước. Hắn còn khuyên tôi đừng vất đi nhiều đồ cũ hoặc gạt bỏ vài lề lối cũ của tổ tiên tôi.
“Tới 1937, Pháp đã viết hơn 6.000 cuốn sách lớn nhỏ về Việt Nam và cả Mên Lào. Họ ghi nhận mọi hình thức sinh hoạt. Sự tò mò của họ, có thể lạ lùng và gây sửng sốt, như khi tôi thấy một quyển dành cho “Những Tiếng Rao Của Hàng Rong Chợ Lớn, Les Cris des Marchands Ambulants de Cholon” (51).
Chúng ta không bàn tới những hậu qủa lịch sử hay những ý định thực dân của những công trình nghiên cứu này, chỉ riêng về khía cạnh văn hóa, chúng ta thấy chúng rất có lợi cho việc tìm hiểu, bảo tồn văn hóa và khai thác tài nguyên của đất nước, đồng thời tạo thói quen tìm tòi, khảo cứu cho người Việt Nam.
Một yếu tố văn hóa khác xuất hiện trong giai đoạn này là sự phát triển của đạo Công Giáo. Theo Khâm Định Việt Sử, vào năm 1533 đời vua Lê Trang Tông, có người Tây dương tên là I-nê-khu đi đường biển vào giảng đạo Thiên Chúa ở các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Trực ngày nay và ở làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Các giáo sĩ Tây phương đến Việt Nam thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp. Suốt các thời Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn và Gia Long, đạo Công Giáo có những lúc được tự do phát triển, có những lúc bị cấm cách, bách hại, nhưng vẫn còn có thể trốn tránh và tồn tại. Nhưng đến các thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, việc cấm đạo, đầy ải và tàn sát người theo đạo Công Giáo trờ thành chính sách quốc gia và được thi hành triệt để. Chỉ từ sau hòa ước Giáp Tuất 1862, khi vua Tự Đức bị buộc phải chấm dứt chính sách này, đạo Công Giáo mới bắt đầu hồi sinh và phát triển. Hiện nay (2004), có gần 8 triệu người Công Giáo, tương đương với khoảng 10 phần trăm dân số của Việt Nam, đông thứ nhì so với các nước Á châu, chỉ sau Phi Luật Tân. Với một lịch sử gần 500 năm và với số giáo dân chiếm một phần quan trọng trong cộng đồng dân tộc như thế, đạo Công Giáo chắc chắn đã có những đóng góp không nhỏ trong đời sống văn hóa của Việt Nam, như việc phổ biến tinh thần bình đẳng, bác ái (các nhà thương, viện tế bần, cô nhi viện, trại cùi…), mở mang dân trí (các cơ sở giáo dục), phong tục (không chấp nhận đa thê, tảo hôn, không kiêng kỵ dị đoan), cách sống (sống thành cộng đoàn tôn giáo trong khuôn khổ làng xã), phong cảnh (nhà thờ, tu viện. Đặc biệt khu quần thể thánh đường Phát Diệm với những kiến trúc mang đường nét và mầu sắc Việt Nam), văn chương (chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ trong việc dịch kinh sách và sáng tác những tác phẩm có tính cách giáo dục tôn giáo và luân lý), âm nhạc (thánh ca với âm điệu và lời ca Việt Nam)…
Nói chung, người theo đạo Công Giáo vẫn dễ dàng sống chung với đồng bào các tôn giáo khác. Họ vẫn giữ nếp sống Việt Nam, lệ làng phép nước, vẫn tôn trọng các nghi lễ, tập tục, vẫn theo kỷ cương Khổng giáo và vẫn còn giữ một phần tâm cho Lão Tử.
NHÀ THỜ PHÁT DIỆM, Ninh Bình
được xây 1875-1898 với kiến trúc giống như đền chùa, cung điện Việt Nam (mái cong, tam quan)
Điều khác biệt lớn nhất là cách thờ kính tổ tiên. Theo giáo lý Công Giáo, Thiên Chúa là đấng sinh ra vạn vật và con người, nên con người chỉ thờ Thiên Chúa. Tổ tiên, ông bà chỉ là thọ tạo. Khi các ngài khuất đi thì được kính nhớ, biết ơn và được cầu nguyện cho chóng về nước trời chứ không được thờ. Điều rắc rối là các thừa sai ngoại quốc, vì không hiểu phong tục bản địa, đã cấm đoán các nghi thức cúng giỗ, cho đó là một hình thức thờ phượng. Các giáo sĩ Dòng Tên ở Việt Nam và Trung Hoa đã lưu ý Tòa Thánh Vatican về điểm tế nhị này. Nhưng mãi tới năm 1939, Bộ Truyền Giáo của Tòa Thánh mới ra huấn dụ “Planet Compertum Est” cho phép cử hành lễ nghi tôn kính tổ tiên. Ngày 14/6/1965 tại Đà Lạt, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (miền Nam) chính thức ra thông cáo về việc “Tôn kính Tổ Tiên và Anh Hùng Liệt Sĩ”, theo đó việc bầy tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ qua việc treo hình ảnh, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ… thì giáo dân được quyền tham dự cũng như chủ động. Ngày 14/6/1974, Hội Đồng Giám Mục tại miền Nam còn ấn định chi tiết hơn về việc lập bàn thờ tồ tiên và các anh hùng liệt sĩ trong nhà, duới bàn thờ Thiên Chúa, được đốt nhang hương, đèn nến, dâng hoa trái, bái lậy theo phong tục, miễn là không có những việc mê tín như đốt vàng mã, thờ hồn bạch. Ngay năm 1659, tức cách đây 344 năm, Bộ Truyền Giáo đã nhắn nhủ hai giám mục đi nhận chức đầu tiên tại Việt Nam là Lambert de La Motte và Francois Pallu phải tôn trọng và làm quen với các tập tục và phong hóa địa phương, không nên dùng lý lẽ thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục của họ (52). Như thế, sự sung khắc đã được giải tỏa. Chúng ta không nên vì bất cứ một ngộ nhận qúa khứ nào hay vì sự tàn ác của một số vua quan mà làm tổn hại tình dân tộc.
Văn hóa Việt Nam đã có một khúc ngoặt rất quan trọng trong giai đoạn ảnh hưởng Tây phương. Dù khúc ngoặt này có những yếu tố tiêu cực, nhưng phải công nhận nó đã mở đường cho dân tộc ta hội nhập với thế giới tiến bộ. Nó cũng không thể thủ tiêu những đặc tính cố hữu của dân tộc Việt luôn luôn tồn tại trong nếp sống gia đình, làng xã. Có thể nói, người Pháp chỉ lo việc nội trị, khai thác tài nguyên và triển dương văn hóa của họ, đặc biệt cho lớp người thành thị, nhưng không hề có những cấm đoán liên quan đến tín ngưỡng, phong tục và tập quán của dân Việt. Vì vậy, cũng như trong giai đoạn Hán hóa, chúng ta đã học hỏi được nhiều trong giai đoạn Tây hóa, nhưng cuối cùng ta vẫn là ta.
5 – GIAI ĐOẠN QUỐC, CỘNG
Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật Bản có mặt từ lâu trên lãnh thổ Việt Nam bất thần lật đổ chế độ thực dân của Pháp. Hai ngày sau, 11-3-1945, Cơ Mật Viện của triều đình Huế ra tuyên cáo bãi bỏ thỏa ước 1884 với Pháp. Ngày 14-3-1945, Hoàng Đế Bảo Đại ban chiếu hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng ký với Pháp trước đây và tuyên bố Nam Kỳ từ nay thuộc chủ quyền Việt Nam. Liền sau đó, ngày 17-3-1945, Bảo Đại ban hành Dụ số 1 thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ này vừa thành hình đã phải đối phó với nạn đói tại miền Bắc và sự chống đối ngấm ngầm của đảng Cộng Sản Đông Dương núp sau danh nghiã của mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh). Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại không bao lâu thì “cách mạng” tháng Tám bùng nổ. Hồ Chí Minh và những người cộng sản cướp chính quyền. Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Trên lý thuyết, nền đô hộ của Pháp cáo chung, nước Việt Nam được độc lập. Trên thực tế, Pháp vẫn không muốn bỏ Việt Nam. Sau khi Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng đồng minh ngày 2-9-1945, Pháp vận động các đồng minh để được thay thế quân đội Anh trở lại Việt Nam giải giới quân đội Nhật từ vỹ tuyến 16 trở vào. Nội tình chính trị của Việt Nam cũng có nhiều tranh chấp. Lực lượng cộng sản tuy nắm chính quyền nhưng còn yếu. Thêm sự hiện diện của quân Pháp ở phiá Nam và quân đội Trung Hoa Dân Quốc ở phiá Bắc với lý do giải giới quân Nhật. Vì vậy họ phải chấp nhận hình thức liên hiệp với các đảng phái “quốc gia” (53) trong chính phủ và quốc hội nhưng vẫn nắm đa số và các vị trí then chốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hướng dẫn một phái đoàn sang tận Pháp điều đình, họp hội nghị tại Fontainebleau, yêu cầu Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Pháp đòi đưa quân đóng tại một số thành phố lớn miền Bắc lấy cớ bảo vệ Pháp kiều và những quyền lợi của Pháp. Hồ Chí Minh đã phải nhượng bộ và ký thỏa ước 6/3/1946 chấp thuận cho quân Pháp trở lại Việt Nam. Tuy ký, nhưng cả hai bên đều không tôn trọng thỏa ước. Pháp thì muốn tiếp tục lấn chiếm và tái lập quyền cai trị. Việt Minh thì miễn cưỡng chấp nhận như một chiến thuật giai đoạn vì thế của họ lúc đó còn yếu và vì muốn rảnh tay tiêu diệt các đảng phái và tổ chức quốc gia với chủ đích nắm độc quyền chính trị và dành độc quyền công trạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau này. Cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946 do Việt Minh lãnh đạo nhưng với sự hăng say tham gia của toàn dân trong mục đích dành độc lập. Vì vậy, khi bàn chuyện văn hóa quốc cộng đối chọi nhau, chúng ta cũng nên phân biệt ba thời kỳ: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ phân chia Nam Bắc và thời kỳ sau 1975 khi chế độ cộng sản được áp dụng trên toàn thể đất nước.
a/ Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954)
Trong những năm đầu của thời kỳ này, trừ những địch thủ chính trị đã biết nhau khá rõ, đại đa số nhân dân không đặt vấn đề quốc cộng mà chỉ nô nức tham gia công cuộc kháng chiến chống Pháp dành độc lập. Những người cộng sản cũng không dại để lộ chân tướng qúa sớm trong khi họ đang lãnh đạo cuộc kháng chiến và cần sự ủng hộ của toàn dân. Vì vậy, nếp sống của nhân dân chưa có gì thay đổi nhiều, trừ những ảnh hưởng của chiến tranh. [...]
Cuộc kháng chiến tại miền Bắc đã bùng nổ với tiếng súng ngày 19-12-1946. Sau đó các lực lượng kháng chiến phải rời Hà Nội và các thành phố lớn. Nền văn nghệ kháng chiến tại hậu phương được lãnh đạo bởi Mặt Trận Việt Minh. Để nắm các văn nghệ sĩ một cách chặt chẽ hơn, một đại hội văn nghệ được tổ chức tại Việt Bắc từ 23 đến 25 tháng 7/1948 và khai sinh ra Hội Văn Nghệ Việt Nam, thay thế cho Hội Văn Hóa Cứu Quốc được thành lập từ 1943. Dù sao, các sáng tác trong giai đoạn này đều lấy cảm hứng từ lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Trong những vùng cộng sản kiểm soát, nền văn nghệ phục vụ kháng chiến tiếp tục thịnh hành song song với việc suy tôn các lãnh tụ Hồ Chí Minh, Staline, Mao Trạch Đông. Tới năm1953, văn học, nghệ thuật cũng như cuộc sống của người dân bắt đầu có những thay đổi lớn với chiến dịch đấu tố địa chủ, cường hào, phú nông, màn dạo đầu của đại chiến dịch cải cách ruộng đất sau 1954. Về phiá các văn nghệ sĩ, họ cũng bị thanh lọc, xếp hạng. Thành phần “tốt” được kết nạp vào đảng, thành phần lưng chừng phải học tập để thông suốt đường lối chính sách, thành phần “xấu” phải công khai từ bỏ những đứa con tinh thần của mình, từ bỏ giai cấp tiểu tư sản thành thị, tự phê tự kiểm, cam kết học tập và đi theo đường lối do đảng đề ra.
Trong khi đó tại những thành phố lớn và các làng lân cận nằm trong vòng kiểm soát của quân đội quốc gia và quân đội Pháp, dân tản cư “rinh tê” (54) càng ngày càng đông. Vào năm 1954, dân số Hà Nội đã lên tới 200, 000 người, thành phố Nam Định đã có 80,000 dân. Họ trở về vì nhiều lý do: kiệt quệ kinh tế sau những năm tản cư, bắt đầu nhìn ra và chán guồng máy cai trị của cộng sản, giải pháp quốc gia với Quốc Trưởng Bảo Đại đã thành hình. Để hóa giải danh nghiã đấu tranh dành độc lập của Việt Minh, người Pháp trao trả độc lập cho phe quốc gia với Cựu Hoàng Bảo Đại đứng đầu. Hiệp định Hạ Long được ký kết ngày 5-6-1948 công nhận nền độc lập của Việt Nam và việc Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp. Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân được Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định cầm đầu chính phủ lâm thời. Ngày 8-3-1949, hiệp định Elysée được ký kết giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol, xác nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Quốc Gia Việt Nam không cộng sản được khai sinh. Dù rằng chính quyền quốc gia vẫn còn phải lệ thuộc người Pháp về nhiều mặt, nhưng đó là một lối thoát cho những người không theo cộng sản hoặc tích cực chống đối cộng sản. Việc đối đầu quốc cộng cũng trở nên công khai và gay gắt từ đó. Một bên thì tố cáo những người theo phe quốc gia là Việt gian bán nước, làm tay sai cho Pháp (sau này lại bị kết án làm tay sai cho Mỹ). Bên kia tố cáo những người cộng sản theo chủ nghiã ngoại lai, độc tài, vô thần, chủ trương xóa bỏ nếp sống truyền thống dân tộc, dùng xương máu dân Việt để bành trướng chủ nghiã cộng sản theo lệnh của Liên Xô, Trung Cộng. Mỗi bên đều có những đại cường quốc yểm trợ, nên chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ và tranh dành quyền lực giữa hai khối trên thế giới. Nếu không có những đàn anh đứng sau lưng, hai phe người Việt đối nghịch cũng vẫn có thể có xung đột võ trang để loại trừ nhau, nhưng chắc chắn cường độ chiến tranh sẽ thấp hơn, ít thiệt hại nhân mạng và tài sản hơn, trừ khi hai bên biết tương nhượng và hòa giải vì quyền lợi của đất nước và dân tộc.
Trong vùng quốc gia, đời sống được tái lập không có nhiều khác biệt so với trước 1945. Điều đáng ghi nhận là nền giáo dục được phát triển theo chiều hướng Việt Nam hóa. Chương trình tiểu và trung học được chuyển sang tiếng Việt hoàn toàn. Tiếng Pháp chỉ còn được coi như một ngoại ngữ. Ở cấp đại học, tiếng Việt đã được xử dụng, đặc biệt ở các phân khoa Luật và Văn. Trường đại học Văn Khoa đã được thành lập trong khuôn khổ Viện đại Học Hà Nội. Đại Học Sài Gòn cũng thành hình, bắt đầu với các ngành Y khoa và Khoa học. Trước 1945, học sinh trong Nam khi học hết trung học, nếu muốn học lên đại học, phải ra Hà Nội, trừ khi có tiền đi du học bên Pháp.
Về các sinh hoạt văn hóa khác, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã bỏ vùng kháng chiến về vùng quốc gia. Đầu tiên phải kể tới họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông thầy của nền hội họa sơn mài. Các nhà thơ nhà văn Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Lê Văn Trương, Trần Tuấn Khải, Vi Huyền Đắc…, các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Phạm Duy, Canh Thân, Chung Quân…, các ca sĩ Ngọc Bảo, Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung…, các kịch sĩ Kim Chung, Kim Xuân, Ái Liên, Bích Thuận… đã tiếp tục sáng tác và trình diễn tại Hà Nội và Sài Gòn. Đa số di cư vào Nam sau hiệp định Genève. Không thể vơ đũa cả nắm kết án họ là bọn theo Tây. Họ là những nghệ sĩ đã bỏ thành đi kháng chiến,[...] họ đã sáng tác được nhiều tác phẩm giá trị, còn lưu lại tới ngày nay như những di sản văn hóa. [...] Nhưng 50 năm sau, “nhạc vàng” của họ được hát lại, các tác phẩm của họ được in lại, kể cả những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn mà trước đây bị lên án nặng nề. [...]
Vào thời kỳ này, ở trong Nam, các nhà văn nổi tiếng như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Trúc Khanh, Lý Văn Sâm, Phạm Thu Cảnh, Sơn Khanh, Bùi Nam Tử… tung hoành trong làng văn trận bút với những tác phẩm có chủ đề đấu tranh dành độc lập hay những đề tài ái tình lãng mạng lồng trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên không có tác phẩm nào ra mặt ủng hộ đảng cộng sản (55).
[...]
GHI CHÚ
Xem TRẦN QUỐC VƯỢNG, Theo Dòng Lịch Sử, các tr. 113, 114. Nhà Xuất Bản Văn Hóa, Hà Nội 1996.
Wilheim G. SOLHEIM II, sđd, các tr. 191, 192.
Theo THÁI VĂN KIỂM, Việt Nam Quang Hoa, tr.10. Xuân Thu, Hoa Kỳ 2002.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 20/01/2003.
Xem THÁI VĂN KIỂM, sđd, các tr. 10, 11.
Xem KIM ĐỊNH, Việt Lý Tố Nguyên, sđd, các tr. 64, 65.
Theo ĐỖ TRỌNG HUỀ, Đi Tìm Dấu Vết Hùng Vương, các tr.11, 12, được in trong “Tài Liệu Hội Thảo 1991-1992”. Tập San Phục Hưng ấn hành. Calgary, Canada 1992.
Xem ĐỖ TRỌNG HUỀ, sđd, tr. 8.
Theo NGUYỄN THỊ THANH, Việt Nam, Trung Tâm Nông Nghiệp Lúa Nước và Công Nghiệp Đá Xưa Nhất Thế Giới. Vietcatholic News in lại, số 8794 ngày 30/09/2001, tr. 5.
(10) NGUYỄN THÙY và TRẦN MINH XUÂN trích dẫn những khám phá về trống
đồng Ngọc Lũ được bảo quản tại Viện Bảo Tàng Hà Nội. Xem “Tinh Thần Việt
Nam”, tr. 106. Mekong-Tỵ nạn xuất bản tại Hoa Kỳ 1991.
(11) Xem “Tìm Hiểu Khoa Học Trong Lịch Sử Việt Nam”, các trang từ 46 tới 49.
Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1979.
(12) NGUYỄN THỊ THANH, tài liệu đã dẫn, các tr. 5, 6.
(13) Theo AN PHONG NGUYỄN VĂN DIỄN, Đường Ta Đi, tr. 77. Tác giả xuất
bản. Houston, Texas 2003.
(14) (15) PHẠM VĂN HẢI dịch, trích trong “Thử Xét Lại Những Thuyết Về Tiền
Cổ Sử Việt Nam” in trong “Tập Nhỏ Những Bài Viết Ngắn”của PHẠM QUÂN
KHANH và PHẠM THỊ TUYẾT MAI, tr.56. Xuất bản tại Ottawa, Canada 2000.
(16) NGUYỄN LANG, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, các tr.14, 15. Lá Bối in lần
thứ hai tại Paris 1977.
(17) Xem PHẠM CAO DƯƠNG, Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam, Quyển I, các tr. 161,
162. Truyền Thống Việt, Hoa Kỳ 1987.
(18) Theo NAM HOÀI BÃO, Chữ Viết Của Người Việt Nam Qua Các Thời Đại, các
tr. 71, 72. Xuất bản tại Hoa Kỳ, không đề năm.
(19) Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử về đạo thờ qủy thần, Ngài đáp: “Chưa biết được đạo
thờ người, sao biết được đạo thờ qủy thần? (vị năng sự nhân, yên năng sự qủy).
Tử Lộ lại hỏi về sự chết, Ngài đáp: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự
Chết? (vị tri sinh, yên tri tử).
(20) NGUYỄN DUY CẦN, Lão Tử Tinh Hoa, tr. 80. Sài Gòn 1963.
(21) Xem ĐÀO DUY ANH, Chữ Nôm, Nguồn Gốc, Cấu Tạo, Diễn Biến, từ trang
64 tới 67 và tr.104. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Sudestasie in lại tại
Pháp năm 1979.
(22) Theo ĐÀO DUY ANH, Chữ Nôm…, sđd, các tr. 14, 43.
(23) Xem PHẠM CAO DƯƠNG, Góp Phần Nhận Định Về Sự Du Nhập Nho Giáo
Vào Việt Nam Dưới Thời Bắc Thuộc. Tập san Văn Lang, số 4, tháng 12-1992,
tr. 23 – 33. Xuất bản tại California, Hoa Kỳ.
(24) Theo PHAN HUY CHÚ, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Khoa Mục Chí.
Bản dịch của Long Điền “Lược Khảo Khoa Cử Việt Nam”, các tr.19, 20
Thanh Tân, Sài Gòn, 1968.
(25) Xem NGUYỄN LANG, sđd, các tr. 217, 300.
(26) Xem TRẦN TRỌNG KIM, Nho Giáo, tập 2, các tr. 97, 374. Tân Việt xuất
bản, in lần thứ ba, không đề năm.
(27) Xem NGUYỄN NGỌC HUY, Quốc Triều Hình Luật, tr. 87. Viet Publisher,
Hoa Kỳ 1989.
(28) Thất Xuất: 1.Không có con, 2.Dâm dật, 3.Không phụng dưỡng cha mẹ chồng,
4.Lắm chuyện, 5.Trộm cắp, 6.Ghen tương, 7.Bị ác tật.
(29) Xem NGUYỄN NGỌC HUY, sđd, các tr. 201, 202.
(30) Theo VŨ QUỐC THÔNG, Pháp Chế Sử Việt Nam, các trang từ 159 tới 167.
Tủ Sách Đại Học Sài Gòn 1973.
(31) (32) MINH MẠNG, Huấn Địch Thập Điều Thánh Dụ, Lê Hữu Mục dịch, tr. 123.
Tủ sách Cổ Văn. Ủy ban Dịch Thuật. Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa.
Sài Gòn 1971.
(33) TRỊNH VIỆT YÊN, Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam, tr. 55. Xuất bản tại
New Orleans, Hoa Kỳ 1987.
Cũng theo sách này, ở Đàng Trong, tại tỉnh Biên Hòa, có 120 người bị trảm
quyết và 460 người bị thiêu sống. Tỉnh Ba Rịa có 446 người bị thiêu sống. Tỉnh
Gia Định có 1,500 người bị thắt cổ. Tại Đàng Ngoài, tổng đốc Nguyễn Đình
Hưng có ngày truyền giết 100 người, ngày 200 người, ngày 400, ngày 600
(tr.54).
(34) TRẦN NGỌC THỤ, Giáo Hội Việt Nam, các tr. 24, 25, 26.
Xuất bản tại New Orleans, Hoa Kỳ 1987.
(35) Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu của NGUYỄN BÁ TRÁC, tr. 346. Bộ
Quốc Gia Giáo Dục dịch và xuất bản, Sài Gòn 1963.
(36) TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam Sử Lược, quyển II, tr. 239. Bộ Giáo Dục,
Sài Gòn 1971.
(37) ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN TẬP, Tập III, của NGÔ SĨ LIÊN. Cao Huy Giu phiên
dịch, tr. 259. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1968.
(38) NGUYỄN TRẮC DĨ, sđd, tr.89.
(39) Theo LÊ HƯƠNG, Người Việt Gốc Miên, các tr. 29, 30. Sài Gòn 1969.
(40) ĐỖ TRỌNG HUỀ và ĐỖ BẰNG ĐOÀN, Việt Nam Ca Trù Biên Khảo, tr.25.
Tác giả xuất bản tại Sài Gòn 1962.
(41) Xem TRẦN QUỐC VƯỢNG, Theo Dòng Lịch Sử, sđd, tr. 499.
(42) LÊ HƯƠNG, sđd, tr. 254.
(43) Theo LÊ HƯƠNG, sđd, các tr. 170, 171.
(44) Xem TRỊNH VIỆT YÊN, sđd, các tr. 49, 50, 51, 52.
(45) BÙI ĐỨC SINH, O.P., Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, quyển 2, tr. 401.
Xuất bản lần thứ 7 tại California, Hoa Kỳ 2001.
(46) Xem VÕ LONG TÊ, Dẫn Nhập nghiên Cứu Tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ,
tr. 53. Trung tâm Nguyễn trường Tộ, Pháp 1997.
(47) Xem ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659. Các tr. 22,
23. Đường Mới. Paris 1985.
(48) ĐỖ QUANG CHÍNH, sđd, tr. 83.
(49) Xem VÕ LONG TÊ, sđd., từ tr. 54 tới tr. 63.
(50) Xem PHAN HUY ĐƯỜNG, Làm Người Nơi Quê Người. Hợp Lưu số 76, tháng 4
& 5 – 2004, tr.8. Xuất bản tại Hoa Kỳ.
(51) ĐOÀN THÊM, Nhà Quê Ra Tỉnh, các tr. 403, 404. Cơ sở xuất bản Phạm Quang
Khai và tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1996.
(52) Ngày 10/11/1659, Bộ Truyền Giáo tại La Mã đã huấn dụ hai giám mục tiên
khởi Đàng Trong và Đàng Ngoài (Lambert de La Motte và Francois Pallu)
trước khi sang Việt nam như sau:
“Các vị đừng có tìm cách, tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hóa của họ, trừ ra khi thấy rõ ràng là trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không có gì vô lý cho bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Italia hay một nước Âu châu nào khác vào Trung Quốc. Không nên đem đến dân tộc khác xứ sở của qúy vị mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối cũng không làm tổn thương các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào miễn là tất cả đó không có gì là xấu, mà trái lại, đức tin của chúng ta muốn người ta cứ giữ và bảo vệ các thứ đó. Có thể nói rằng bản chất của con người là qúy trọng, yêu mến và coi các tập tục của xứ sở mình là hơn hết. Vậy nguyên nhân gây nên xa cách và hận thù là tìm cách thay đổi tập tục riêng của một dân tộc, nhất là những tập tục đã có từ lâu đời.Vậy việc gì sẽ xảy ra nếu các vị bỏ các tập tục đó để thay vào tập tục xứ sở của các vị đưa từ nước ngoài vào? Đừng bao giờ so sánh các tập tục đó với các tập tục của các nước Âu châu. Trái lại, các vị hãy tìm cách làm quen với các tập tục đó. Hãy chiêm ngắm và ca tụng những gì đáng ca tụng. Những gì không đáng ca ngợi, nếu không ca ngợi om xòm như kẻ nịnh bợ, thì cũng khôn ngoan đừng phê phán và đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy xét hoặc qúa đáng.” (Theo J. DUPUIS trong The Christian Faith, các tr. 308-310. Alba House, New York, 1982. Đoạn này được linh mục Paul Đào chuyển sang tiếng Việt).
(53) Từ “Quốc Gia” ở đây được hiểu theo nghiã những người không theo Cộng Sản và chống Cộng Sản. Từ này được dùng theo thói quen để phân biệt hai phe đối nghịch: Quốc Gia – Cộng Sản. Người Pháp cũng quen gọi là “Nationalist” để phân biệt với “Communist”.
(54) Rinh tê do chữ rentrer của Pháp, có nghiã là trở về.
(55) Xem NGUYỄN VĂN SÂM, Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam. Kỷ Nguyên,
Sài Gòn 1969.
-“Văn nghệ miền Nam lúc ấy bỗng dưng phát triển mạnh, dân tộc Việt Nam bỗng dưng nổi dậy đồng loạt, chống với quân thù không cần tìm hiểu xem ai cầm đầu sự chống đối này. Sau khi thành công tình trạng gì sẽ xảy ra” (tr.14).
-“Năm 1950 cũng là năm quan trọng vì lúc này giới lãnh đạo cuộc chiến tranh của dân tộc đã ra mặt, tỏ rằng mình chiến đấu đảng mình hơn là vì dân vì nước. Năm 1950 Việt Nam chia làm hai chính phủ, thật sự đánh nhau với sự hỗ trợ của hai khối, chiến tranh bây giờ là chiến tranh ý thức hệ chớ không còn là chiến tranh cách mạng, giải phóng nữa. Văn nghệ sĩ hết còn thấy “hứng” trong các đề tài cũ nữa” (các tr. 32, 33).