Những góc nhìn Văn hoá

Một cách nhìn khác về văn hoá Việt Nam (Kỳ 4)

Phần 4: Văn Hóa Thể Hiện Qua Tiếng Nói

 

Sự liên quan giữa tiếng nói và văn hóa là điều không ai có thể phủ nhận. Những sắc dân ở trình độ sơ khai chỉ có ngôn ngữ thô sơ để trao đổi những điều cần thiết bình thường. Một dân tộc có trình độ văn hóa càng cao thì khả năng thể hiện bằng lời càng tinh tế. Văn hóa có nhu cầu đòi hỏi một phương tiện diễn tả.

Từ đời sống vật chất với những phát minh cần phải có tên để gọi, tới đời sống tinh thần với những tin tưởng siêu hình đòi phải có những tiếng trừu tượng để trình bầy những cái không ai nhìn được, nắm được. Ở giữa là những quan niệm về nhân sinh, sinh hoạt xã hội, gia đình, cá nhân, càng tiến bộ bao nhiêu càng đòi hỏi phải có tiếng nói diễn tả chính xác bấy nhiêu. Chưa kể văn chương, nghệ thuật, phần thăng hoa của con người, chính nó phát minh ra những tiếng mới, không phải chỉ để gọi tên, nhưng còn để người nghe, người đọc thưởng thức cái hay, cái đẹp của ngôn từ gói ghém những ý tưởng và tình cảm bên trong. Kim Định cho rằng tiếng nói đứng giữa vật chất và tinh thần vì thanh âm là cái đã thoát khỏi hình hài khí chất, “nó là nhịp cầu nối thể chất ở đợt tinh vi cùng cực (thanh âm) với cái vô hình là ý niệm và tư tưởng” (1). Vì vậy, khi tìm hiểu văn hóa của một dân tộc không thể không tìm hiểu qua tiếng nói của dân tộc đó. 

Tiếng Việt được các nhà ngữ học xếp vào ngữ tộc Nam-Á, một ngữ tộc gồm khoảng 150 ngôn ngữ được chia làm 4 chi tộc căn cứ theo địa dư:  

Chi Mun-đa với các thứ tiếng nói ở Trung và Tây Bắc Ấn độ như Santali và Mundari,  

Chi Môn Mên với các tiếng nói tại Hoa Nam, Miến Điện, Cao Miên, Việt Nam,  

Chi Mường Việt với tiếng Mường và tiếng Việt,  

Chi Mã Lai Á và hải đảo (2)  

Tiếng Mường và tiếng Việt được ghép chung một chi vì nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiếng Mường là tiếng Việt cổ. Henri Maspéro chủ trương người Việt và người Mường có chung một thứ tiếng trước khi tách ra làm hai. Tiếng tiền Việt là sự dung hợp một phương ngữ Môn Mên, một phương ngữ Thái và có lẽ một phương ngữ thứ ba nữa còn chưa biết rõ. Mãi về sau, tiếng Việt mới vay mượn nhiều tiếng Trung Hoa (3). Thi hào Trương Tịch đời Đường (618-713) nghe nhà sư từ quận Nhật Nam nói tiếng bản quốc. Trương Tịch tặng nhà sư một bài thơ, trong đó có từ “Man ngữ”, dịch là tiếng Mường, vô tình cho thấy tiếng Việt thuở ấy có quan hệ mật thiết với tiếng Mường (4).  

Theo Nguyễn Khắc Kham, tiếng Việt mượn nhiều tiếng Hoa nhưng không phải bắt nguồn từ tiếng Hoa.“Tuy nhiên có một sự kiện chắc chắn: tiếng Việt không còn là một ngôn ngữ thuần nhất. Tiếng Việt tỏ ra là một thứ tiếng pha trộn nhiều ngôn ngữ, cổ thời và cận đại, sau những cuộc tiếp xúc giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc nước ngoài. Do đó tiếng Việt được phong phú thêm nhờ những từ ngữ mới mẻ do những đợt di dân liên tiếp trong số đó có người Indonésien” (5).  

Để ghi lại tiếng nói, người ta dùng chữ viết. Trong trường hợp Việt Nam, chữ viết chỉ được định hình một cách chính thức dưới dạng chữ Nôm từ thế kỷ 13. Có thể chữ Nôm đã xuất hiện trước đó, nhưng chỉ là những thăm dò, chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất, mạnh ai nấy ghi ký hiệu tiếng Việt theo sáng kiến riêng. Chữ nòng nọc hay khoa đẩu, mà nhiều người cho là chữ Việt thời tiền sử, không còn lại một dấu tích khả tín nào ngoài một vài mẫu tìm được ở Trung Quốc trên địa bàn sinh sống của dân Bách Việt xưa, nhưng người ta không thể giải nghiã được những dấu hiệu này. Vậy phải coi chữ Nôm là thứ văn tự đầu tiên của người Việt dùng để ghi tiếng Việt. Điều bất tiện là muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán. Chữ Hán đã du nhập nước ta từ một, hai thế kỷ trước Tây lịch, nhưng người học chữ Hán và thông thạo chữ Hán không nhiều. Khởi đầu là những người cai trị phải dùng chữ Hán trong các văn kiện hành chánh và các vị sư phải biết chữ Hán để học hỏi kinh kệ được thỉnh từ Trung Quốc qua. Ngay trong những thời Nho học thịnh trị vào các triều Hậu Lê và Nguyễn khi chữ Nho được dùng trong bộ máy hành chánh từ trung ương tới địa phương, kể cả những văn tự, khế ước giữa các tư nhân, những lá sớ, lá bùa của các thầy cúng, thì số người  biết chữ Nho cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn thể dân tộc. Do đó, vai trò của ông thầy đồ tại các làng xã mới trở nên quan trọng. Có thể ông đã thi rớt dăm ba bận. Có thể khả năng chữ nghiã của ông cũng không cao hơn trình độ “tri, hồ, giả, dã” bao nhiêu, nhưng ông được nể trọng vì ông được coi như người trí thức có khả năng viết giùm những lá đơn và văn tự cho những người dân không biết chữ. Điều nghịch thường là dân tộc ta đã thoát khỏi ách cai trị của Hán tộc từ thế kỷ thứ 10, vậy mà chữ Hán còn được dùng làm văn tự chính thức cho tới hậu bán thế kỷ 19. Trong khi đó tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú, đa dạng, nhiều tiếng tượng thanh, tượng hình, có thể diễn tả chính xác cuộc đời muôn mặt thì không có văn tự riêng để ghi chép. Thứ chữ Nôm vay muợn của chữ Hán chỉ đẻ ra được dăm ba tác phẩm có giá trị như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tỳ Bà Hành… Nhưng đừng quên rằng Tuyện Kiều văn Nôm tuyệt tác lấy cốt chuyện của một tác giả Tầu là Thanh Tâm Tài Nhân, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tỳ Bà Hành là những bản dịch Việt ngữ từ những tác phẩm viết bằng chữ Hán có cùng tựa đề, dù những bản dịch tiếng Việt hay hơn nguyên tác rất nhiều. Ngoài ra, những truyện khác viết bằng chữ Nôm như Lục Súc Tranh Công, Trinh Thử, Trê Cóc, Phan Trần, Bần Nữ Thán, Quan Âm Thị Kính, Nhị Độ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ… chỉ ở mức bình thường, vô thưởng vô phạt, chỉ có giá trị luân lý hoặc giải trí, không có giá trị cao về văn chương. Thiểu số giỏi chữ Hán có thói quen làm thơ văn bằng chữ Hán. Nhiều người còn khinh dể văn chương chữ Nôm:“Nôm na là cha mách qué”. Vì vậy, những áng cổ văn giá trị nhất của dân tộc ta đều được viết bằng chữ Hán. Chữ Hán còn được gọi là chữ Nho. Tại sao? Nguyễn Khắc Kham giải thích chữ Nho là “chữ của những người trí thức, có học” (écriture des érudits) (6). Người Việt gọi chữ Hán là chữ Nho vì đó là chữ viết của Nho giáo, đạo của Khổng Tử, từ đó mới có những danh từ nho sĩ, nho lâm, nhà nho. 

Khi bị tùy thuộc chữ Hán qúa nhiều như vậy thì ngôn ngữ Việt Nam có bị ảnh hưởng của tiếng Hán hay không? Chắc chắn bị ảnh hưởng, nhất là những tiếng diễn tả những ý niệm siêu hình, triết học, như  thượng đế, thiên đàng, địa ngục, bác ái, nhân từ, hư vô, hữu thể, ngoại vật, tư duy, tâm thức v.v… Đến thời khoa học kỹ thuật, chúng ta vẫn còn mượn chữ Hán để dịch hoặc gọi tên những gì mà tiếng Việt không có hoặc không đủ chính xác: biểu đồ, từ trường, viễn ký, tốc độ, năng lượng, vĩ mô, vi mô, nhu liệu, cương liệu v.v… Tiếng Hán đã phát triển đến mức độ tinh vi và người ta có thể ghép chữ để tạo ra những tiếng mới dùng cho khoa học cũng như diễn tả những ý niệm trừu tượng. Ngược lại, tiếng Việt phong phú, giầu hình ảnh, âm thanh và lắt léo trong lối đặt câu có khả năng nói lên cuộc đời sinh động muôn hình muôn vẻ (7). Chúng ta đã biết người Việt Nam có truyền thống Việt Nam hóa những gì thích hợp với mình. Những tiếng Hán được mượn lúc đầu đã trở thành tiếng Việt lúc nào không hay, không còn ai thắc mắc. Chúng ta đã biến những tiếng Hán vay mượn thành tiếng Việt, cũng như khi tiếp xúc với người phương Tây, chúng ta cũng mượn nhiều tiếng của họ và biến thành của mình : cà-phê, sà-bông, con tem, xe ô-tô, xanh lơ (bleu), đường rầy (rail), kem (crème), cao bồi (cow boy), mét (mètre), nhà ga (gare), khăn mùi-xoa (mouchoir), bóp (portefeuille), áo sơ-mi (chemise), cà-vạt (cravate), la de (la bière), ve chai (verre), xe bồ-ệt (brouyette), xả sú-bắp (soupape)… Việc vay mượn tiếng nói lẫn nhau là một phần giao lưu tự nhiên giữa các dân tộc. Các ngôn ngữ phương Tây cũng dùng rất nhiều tiếng lấy từ nguyên ngữ La Tinh hay Hy Lạp. Người Tầu cũng phải vay mượn nhiều tiếng nước ngoài. Đôi khi gặp những tiếng không dịch được, họ để nguyên và viết lại bằng chữ Tầu theo âm từa tựa như tiếng Hoa:“yên sĩ phi lý thuần” (inspiration), “u mặc” (humour), “câu lạc bộ” (club), “Lư Thoa” (La Fontaine), “Mạnh Đức Tư Cưu” (Montesquieu)… Đối với người Việt Nam, những tiếng vay mượn nào có tính cách “bác học” thì hầu như chỉ được giới trí thức dùng. Giới bình dân chấp nhận những tiếng du nhập bình dân, nhưng chủ yếu là nói tiếng thuần Việt, cùng với những từ đã được Việt hóa và trở thành thông dụng. Có thể nói trước khi có chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh thì người Việt Nam viết một kiểu (chữ Nho) và nói một kiểu hoàn toàn khác (tiếng toàn Việt). Ngay cả những người có học, có thể trao đổi thư từ với nhau bằng chữ Nho, nhưng chỉ dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau trong đời sống hàng ngày. 

Khi đại đa số người dân không thể đọc sách, không thể viết văn, làm thơ trên giấy để kể chuyện người, chuyện mình, hoặc giãi bầy tâm sự, thì chắc chắn họ phải tìm cách khác để tự diễn tả. Cách khác đó của người Việt Nam là đặt ra những câu tục ngữ, ca dao. Tục ngữ để nhắc nhở nhau những kinh nghiệm, những điều nên tránh hoặc nên giữ. Ca dao để từ ruộng lúa, nương dâu, cùng ngâm lên, hát lên, vui đùa, thở than, trao đổi tâm sự với nhau, trai gái tán tỉnh nhau, chọc ghẹo, hẹn hò nhau. Ca dao còn để ru con, ru em, vô tình tập cho trẻ nhỏ thói quen nghe những lời dịu dàng, óng ả, gói ghém những tình ý cao đẹp, thấm nhập vào lòng trẻ ngay từ lúc còn thơ. Vì vậy, đối với người Việt, những câu hát truyền khẩu là những gì rất tự nhiên, gần gũi, như bụi chuối bên hè, như tiếng gió thổi rì rào trên ngọn tre, như con vàng, con mực chạy dỡn quanh sân. Có nhiều người lớn tuổi sinh sống ở làng quê, không biết chữ nghiã, nhưng khi mở miệng nói là ví von đâu ra đấy, thuộc lòng hàng trăm câu hát để ru cháu hay tự ngâm nga những khi chỉ có một mình. Từ những câu hát thấm đậm tình tự con người và tình tự dân tộc mới sinh ra những lối hát đối, hát quan họ, hát trống quân, những điệu hò chèo thuyền, hò giã gạo, hò cấy lúa… Có thể nói dân tộc nào cũng có những bài hát dân gian (folklore), một thứ văn chương truyền khẩu. Nhưng trong trường hợp Việt Nam thì khối lượng và chất lượng của văn chương truyền khẩu qúa quan trọng, lấn át cả văn chương chữ viết. Văn chương truyền khẩu đã thể hiện túi khôn và tình cảm của người Việt, cách sống, cách nghĩ của cả một dân tộc. Nắm bắt được những điều này trong văn chương truyền khẩu là nắm bắt được đặc tính của văn hóa Việt Nam.  

Văn chương truyền khẩu của Việt Nam có nhiều loại, nhưng hai loại chính là tục ngữ và ca dao. Tục ngữ, còn được gọi là ngạn ngữ, là những câu nói ngắn, gọn ghẽ, dễ hiểu, dễ nhớ, có nội dung diễn tả một kinh nghiệm ở đời hoặc có ý khuyên răn người nghe:  

      Bé ăn trộm gà, già ăn trộm bò.  

      Đường đi hay tối, nói dối hay cùng.  

Phạm Quỳnh cho rằng chữ tục (tục ngữ) có nghiã là nói thẳng, không chải chuốt, phát xuất từ chốn bình dân, nhưng không có nghiã là tục tằn (8). Chúng tôi nghĩ chữ tục cũng có thể có nghiã là phong tục, tập quán, tục lệ, vì tục ngữ ghi lại sự khôn ngoan của dân tộc được truyền lại từ bao đời. Nếu tục ngữ có tính cách địa phương thì gọi là phương ngôn:  

      Chè Yên Thái, gái Tiên Lữ.  

      Cối làng Tông, chuông đồng làng Đống.  

Một câu tục ngữ có ý nghiã cao xa với lời văn chải chuốt thì được gọi là cách ngôn:  

      Hữu xạ tự nhiên hương.  

      Cao nấm ấm mồ.  

      Cõng rắn cắn gà nhà.  

Nói chung, cách ngôn, phương ngôn, ngạn ngữ đều là tục ngữ.  

Ca dao là những bài hát ngắn bằng thơ, thường từ hai câu trở lên. Ca dao cũng có những bài có nội dung giáo dục, nhưng đa phần là những kinh nghiệm sống, những suy nghĩ, tin tưởng, tình cảm được diễn tả dài hơn và trau chuốt hơn tục ngữ, xoay quanh những đề tài nói về xã hội và con người nông thôn Việt Nam với những ứng xử cá nhân, những liên hệ gia đình, làng, nước, tình trai gái, tình vợ chồng. Văn minh Việt Nam là văn minh nông nghiệp. Văn hóa Việt Nam là văn hóa xóm làng. Tất cả những người hiện sống tại các thành thị đều là dân từ quê ra tỉnh, nếu không phải thế hệ này thì cũng từ những thế hệ trước. Vì vậy, tục ngữ ca dao phát xuất từ nông thôn vẫn còn phản ảnh nếp sống văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Dựa theo Kinh Thi của Trung Hoa, người ta chia ca dao thành ba thể: phú, tỉ và hứng. Khi nói rõ tên, kể rõ việc, rõ nơi, thì gọi là phú:  

      Ai ơi! Đừng lấy học trò  

      Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.  

      Ngày thì cắp sách đi rong  

      Tối về lại giữ đèn chong một mình. 
 

      Thẩn thơ đứng gốc cây mai  

      Bóng mình lại ngỡ bóng ai mình lầm.  

Nếu lấy việc này ví với việc khác, lấy vật này so sánh với vật kia thì gọi là tỉ:  

               Mình em như cây thầu đâu  

      Ngoài tươi, trong héo, giữa sầu tương tư.  

 

      Cổ tay em trắng như ngà  

      Con mắt em liếc như là dao cau  

      Miệng cười như thể hoa ngâu  

      Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.  

 

      Bây giờ em đã có chồng  

      Như chim vào lồng, như cá cắn câu  

      Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?  

      Chim vào lồng biết thuở nào ra?

 Còn thể hứng là mượn một vật để dẫn khởi, đưa đẩy, nói chuyện đâu đâu rồi sau đó mới bắt vào ý chính:  

      Hoa thơm thơm lạ thơm lùng  

      Thơm cây, thơm cội, người trồng cũng thơm  

 

      Trên trời có đám mây xanh  

      Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng  

      Ước gì anh lấy được nàng  

      Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây…  

 

      Mặt trời đã ngả về tây  

      Hỡi cô cắt cỏ bên đầy bên vơi!  

      Cô còn cắt nữa hay thôi?  

      Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.  

 

      Cái cò trắng bạch như vôi  

      Có ai lấy lẽ bố tôi thì về  

      Mẹ tôi chẳng đánh, chẳng chê  

      Mài dao cho sắc móc mề mà xem.  

Ngoài ba thể phú, tỉ, hứng như trên, ca dao Việt Nam còn một thể nữa mà Nguyễn Văn Mại gọi là Phong Sử. Trong bài tựa của cuốn Việt Nam Phong Sử, tác giả đã giải nghiã như sau: “Phong là gì? –Là thơ ca dao về phong tục của nhân dân. Sử là gì? –Là tấm gương sáng để soi mà biết việc phải trái, việc thiện ác, việc khen chê, việc khuyến khích và trừng phạt. Phong sao gọi là sử? –Là vì nhân xem phong tục của nhân dân mà biết được quốc sử. Nước ta lập quốc đã lâu đời trên dưới trong khoảng năm ngàn năm, chính trị của triều đình, phong tục của nhân dân, việc theo cũ hay đổi mới, việc người hiền giỏi, kẻ gian tham nối nhau nổi lên đều còn ghi chép trong quốc sử, thỉnh thoảng lại tản mác trong thơ phong dao của nhân dân” (9). Như vậy phong sử là những câu ca dao có liên hệ đến lịch sử, hoặc được sáng tác vào lúc sự việc xảy ra, hoặc được đặt ra về sau để truyền tụng, suy gẫm, làm tấm gương soi chung. Sau đây là một số câu phong sử điển hình mà Nguyễn Văn Mại đã đẫn và chú thích:  

      Trứng rồng lại nở ra rồng  

      Liu điu lại nở ra dòng liu điu  

                         (Lạc Long Quân)  

      Chàng về thiếp một theo mây  

      Con thơ để lại chốn này ai nuôi?  

                                        (Âu Cơ)  

      Tạnh trời mây cuốn về non  

      Hẹn cùng cây cỏ chớ còn trông mưa  

                                        (Thánh Gióng)  

      Muốn coi lên núi mà coi  

      Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng  

                                          (Bà Triệu)  

      Con ai đem bỏ chùa này  

      Nam Mô Di Phật, con thầy thầy nuôi  

            (Sư Lý Khánh Vân nuôi Lý Công Uẩn)  

      Nực cười châu chấu đá xe  

      Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng  

                        (Lý Thường Kiệt đánh Tống)  

      Tiếc thay hạt gạo trắng ngần  

      Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.  

               Đàn kêu tích tịch tình tang  

      Ai đem công chúa lên thang mà ngồi  

         (Công chúa Huyền Trân bị gả cho vua Chiêm Chế Mân)  

      Lạy trời cho cả gió nồm  

      Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm mà ra…

                         (Chúa Nguyễn Ánh ra đánh Tây sơn)  

Những câu tục ngữ, ca dao vừa phong phú về tình ý, vừa phản ảnh trung thực tiếng nói của dân Việt, vừa trau chuốt về phương diện văn chương, tất nhiên phải có người sáng tác. Vậy ai là tác giả của những câu này? Tác giả của văn chương truyền khẩu là vô danh, không ai biết tên. Nếu có biết thì cũng vì truyền miệng, không được ghi trên văn bản, nên chỉ sau một thời gian hoặc sang tới vùng lân cận là tên tác giả không còn ai nhớ nữa. Mặt khác, những câu nói hay câu thơ khi được tung ra trong dân gian là đi vào một tiến trình chọn lọc và biến hóa. Chỉ những câu mà dân gian cảm thấy hay, có ý nghiã, được sự đồng tình, mới được chấp nhận, ghi nhớ và lưu truyền. Trên đường lưu truyền, chúng lại được thay đổi, thêm bớt cho tới khi hoàn hảo, đến lúc không thể sửa chữa được nữa mới thôi. Cũng không thiếu gì những câu tục ngữ, ca dao là tác phẩm của những nhà nho, những người có học. Chúng được những người tạo ra chúng đưa vào giòng văn chương truyền khẩu, vừa để được loan truyền rộng rãi, vừa để họ khỏi mang tiếng là sinh ra những đứa con “mách qué”, tuy xinh đẹp nhưng là con “ngoại tộc”. Như vậy có thể nói tác giả của tục ngữ, ca dao là mọi người, là đại đa số thành phần dân tộc, là những người vừa sinh thành, vừa nuôi dưỡng, vừa uốn nắn và vừa thưởng thức những tác phẩm của chính mình.  

Một vấn đề khác là thời gian hình thành những câu tục ngữ, ca dao. Chúng ra đời vào thời nào? Xưa hay mới? Nếu xưa thì xưa từ bao lâu? Nếu mới thì mới vào lúc nào? Nếu không xác định được thời gian thì làm sao có thể nói tục ngữ, ca dao phản ảnh đúng tâm tình và ý nghĩ của cả dân tộc từ trước tới nay? Những câu hỏi thật khó trả lời. Tuy nhiên chúng ta có những sự kiện để tin rằng những câu ca dao, tục ngữ đã có từ rất lâu đời và luôn luôn được bổ xung thêm, được cập nhật hóa với từng giai đoạn của lịch sử dân tộc. Trước hết, những câu phong sử mà Nguyễn Văn Mại đã viết cả hai tập sách nghiên cứu như đã nói ở trên không thể được sáng tác cùng lúc, cùng thời. Phải có sự kiện lịch sử xảy ra thì mới có những câu nói về sự kiện đó. Phong sử nói từ đời Hồng Bàng đến chúa Nguyễn, có thể được sáng tác về sau, nhưng cũng rất có thể được làm ngay sau hay đương lúc sự việc xảy ra. Thí dụ, năm Mậu Tý 1828, khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đàn bà xứ Bắc mặc váy, lập tức dân gian có phản ứng và có ca dao lưu truyền:  

      Tháng Chín có chiếu vua ra  

      Cấm quần không đáy người ta hãi hùng  

      Không đi thì chợ không đông  

      Đi thì phải lột quần chồng sao đang?  

      Có quần ra quán bán hàng  

      Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.  

Thời kháng chiến chống Pháp 1946-1954 cũng có ca dao tiêu biểu của thời ấy:  

      Tổ quốc cũng như tổ cò  

      Vì chưng đói bụng nên bò vào đây  

      Bao giờ quân Pháp về Tây  

      Bên ấy chẳng gọi thì đây cũng về.  

Thời chế độ tem phiếu và hợp tác xã thì có những câu:  

      Ngày xưa roi điện thì còn  

      Bây giờ roi gạo hao mòn thịt xương.  

      Ai dè hợp tác hợp te  

      Không còn miếng vải mà che cái mồng.  

Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghiã:  

      Đảng ta là đảng thần tiên  

      Đô la thì được, đa nguyên thì đừng.  

Thời nào ca dao nấy. Kho tàng văn chương truyền khẩu phải được tích lũy từ lâu đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thể chỉ xuất hiện trong một thời mà có được một kho tàng đồ sộ, đa dạng và phong phú như vậy.  

Ngoài ra, nhiều câu diễn tả cách sống và lối nói chứng tỏ những câu đó được đặt ra từ thời rất xưa. Chẳng hạn câu “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” được cho là xuất hiện từ thời Hùng Vương, dĩ nhiên không phải bằng câu văn “hiện đại” như thế, có thể cách phát âm vào thời đó hơi khác, nhưng ý nghiã thì vẫn vậy. Về lối nói, nhiều câu ca dao có những tiếng Việt cổ, thí dụ tiếng CÁI là Mẹ được dùng từ thời Bố Cái Đại Vương (tức Phùng Hưng, năm 791), và có thể trước đó  

      Nàng về nuôi CÁI cùng con  

      Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.  

Có người thắc mắc là tại sao lại nói “Cái cò, cái vạc, cái nông” mà không nói là con cò, con vạc, con nông? Tiếng CÁI ở đây vừa có nghiã là cò mẹ, vạc mẹ, nông mẹ, vừa nói lên việc xông pha lãnh trách nhiệm của người phụ nữ theo chế độ mẫu hệ của tộc Việt thời xa xưa.  

Một câu khác cũng có những chữ rất cổ, liên hệ đến giống Indonésien hay Mã Lai cổ mà nhiều nhà nhân chủng học cho rằng có liên hệ giòng giống với dân Việt:  

      Bao giờ thấy vỏ thị rơi  

      TUA RUA quặt xuống thì thôi cầy bừa.  

Câu ca dao này làm chúng ta nhớ lại một câu ca dao khác do Bình Nguyên Lộc sưu tầm:  

      TUA RUA đã xế ngang đầu  

      Em còn đứng đó làm giầu cho cha.  

Theo Bình Nguyên Lộc, TUA RUA là tiếng Mã Lai. TUA là ngôi sao. RUA là sao Rua, Lạc Việt gọi là sao Mang, Tầu gọi là sao Mão. Vậy câu này phải ra đời từ rất lâu, không thể mới xuất hiện trong thời gian gần đây được.       

Vì vậy chúng ta có thể nói tục ngữ, ca dao được sáng tác ở mọi thời điểm của lịch sử dân tộc, dĩ nhiên càng xa thì càng mất dần đi, càng tam sao thất bản, nhưng không phải là mất hết. Những gì đúng với tin tưởng và tâm tình của người Việt thì vẫn còn mãi, dù ngôn từ không còn đúng y như trước, nhưng biết đâu lại được thêm bớt, chải chuốt cho hay hơn, đẹp hơn. Tục ngữ, ca dao là tiếng nói của dân Việt, thể hiện hồn dân tộc, là kho tàng văn hóa mà từ đó chúng ta có thể khám phá ra những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. 
 

GHI CHÚ  

KIM ĐỊNH, Văn Lang Vũ Bộ, tr. 143. H.T. Kelton tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm.  

Xem VÕ LONG TÊ, sđd, tr. 8. 

Xem Henri MASPÉRO, Etudes sur la Phonétique Historique de la Langue  

      Annamite, les Initiales. BEFEO tập XII, 1912.  

         (4) Theo VÕ LONG TÊ, sđd, tr. 15  

   (5) Xem NGUYỄN KHẮC KHAM, Une Initiation à la Culture Vietnamienne, tr. 36.  

         Association Vietnamienne pour le Développement des Relations Internationales, xuất bản tại Sài Gòn, 1970:  

 “Un fait, cependant, reste certain: le Vietnamien n’est plus une langue pure. Il          semble être un mélange de plusieurs langues anciennes et modernes du aux       contacts des Vietnamiens avec les peuples étrangers. Par conséquent, la langue       vietnamienne s’était enrichie de nouveaux mots provenant de successives vagues      d’émigrants parmi lesquels se trouvait les Indonésiens”.  

   (6) Theo NGUYỄN KHẮC KHAM, sđd, tr. 21.  

(7)Về sự phong phú của tiếng Việt, tác giả DUYÊN HẠC LÊ THÁI ẤT, trong Ngôn      Ngữ Việt Nam, do Khóa 17 Đốc Sự Hành Chánh xuất bản tại Hoa Kỳ 1996, đã nêu thí dụ: Hoa ngữ chỉ có một chữ TẨY có nghiã là làm sạch, trong khi tiếng Việt có nhiều lối nói khác nhau:  

     TẨY  diện, TẨY thủ   : RỬA mặt, RỬA tay  

     TẨY thủ                     : GỘI đầu  

     TẨY y phục               : GIẶT quần áo 

     TẨY trần                   : LAU bụi, RŨ bụi

     TẨY uế                      : LÀM sạch hết vết nhơ và mùi ô uế.  

- Một thí dụ khác: tiếng “Porter” (Pháp) và “Carry”, “Bear” (Anh) nếu dịch sang tiếng Việt sẽ có hàng chục cách diễn tả khác nhau: mang, xách, cầm, cõng, vác, gánh, khuân, khiêng, khênh, ẵm, bế, bồng, đeo, đèo, địu…  

- Đặc biệt về cách xưng hô, trong khi các tiếng Hoa, Pháp, Anh chỉ có 2 loại tiếng để xưng hô giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (ngộ, nị; Je, Tu, Vous; I, You) thì tiếng Việt có rất nhiều cách khác nhau để xưng hô tùy theo liên hệ gia đình, liên hệ xã hội và tuổi tác (Tôi, con, cháu, em, ông, bà, bố, mẹ, bác, chú, cô, dì, thím, dượng, anh, chị…). 

- Về cách biến thể lắt léo của những câu nói, theo Duyên Hạc, chỉ cần 4 tiếng“Tôi không nói anh”, người Việt có thể sắp xếp thành 11 câu có ý nghiã không giống nhau: 

      Tôi không nói anh  

      Anh không nói tôi  

      Anh tôi không nói  

      Anh tôi nói không?

 

      Anh tôi nói: “Không?”  

      Anh nói tôi không?  

      Tôi nói anh không?  

      Không nói anh tôi  

      Không, tôi nói anh  

      Không, anh nói tôi  

      Không, anh tôi nói.  

Chỉ với 6 tiếng “Tôi bảo anh về nhà nó”, người Việt có thể nói thành 74 câu khác nhau:  

      Tôi bảo anh về nhà nó  

      Tôi bảo nó về nhà anh  

      Tôi bảo nó anh về nhà  

      ……  

      Anh bảo tôi về nhà nó  

      Anh bảo tôi nó về nhà  

      Anh bảo nhà nó tôi về  

      ……  

      Nó bảo tôi về nhà anh…  

      Anh tôi bảo nó về nhà…  

      Bảo anh tôi về nhà nó…  

      Về nhà, tôi bảo anh nó…  

      Về nhà anh tôi, nó bảo…

       Nhà tôi bảo anh: “Nó về”…  

- Một thí dụ ngắt câu để làm thay đổi ý nghiã theo Đoàn Văn Phi Long:   

      Đàn bà, không có đàn ông, là con số không,  

      Đàn bà không có, đàn ông là con số không,  

      Đàn bà không, có đàn ông, là con số không.  

Xem PHẠM QUỲNH, Tục Ngữ Ca Dao, trong Thượng Chi Văn Tập, tập IV, in lại trong Phạm Quỳnh Tuyển Tập và Di Cảo, tr. 67. An Tiêm, Paris 1992.  

NGUYỄN VĂN MẠI, Việt Nam Phong Sử, bản dịch của Tạ Quang Phát, tr. XIX của Lời Tựa. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa. Sài Gòn 1972.

Nguồn: dunglac.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570285

Hôm nay

234

Hôm qua

2287

Tuần này

234

Tháng này

228809

Tháng qua

129483

Tất cả

114570285